Lời tựa sách Triêu Mộ Khóa Tụng Bạch Thoại Giải Thích

 Đại giáo truyền sang phương Đông gần hai ngàn năm. Dù Tăng hay tục ai nấy đều tùy theo pháp nào gần gũi với tánh mình mà tu trì. Tuy pháp môn tu trì có đủ mọi thứ sai khác, nhưng tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối, siêu độ cô hồn, cầu sanh Tịnh Độ thật sự là những điều chánh yếu. Vì thế, từ các kinh chú, các pháp môn, cổ đức đã chọn lọc lấy những phần chánh yếu, soạn thành hai thời công khóa sáng – tối để các hành nhân y theo đó tu trì nhằm tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ, báo đáp Tứ Ân, siêu độ cô hồn. Do lòng Từ rộng lớn của đức Phật, do tận hết lòng Thành của chính mình, cố nhiên đạo ấy thông trên, thấu dưới, ích lợi ấy dù cõi âm hay dương gian đều chẳng hề thiếu sót. Do vậy, đạo tràng trong thiên hạ dù Tông hay Giáo, dù Luật hay Tịnh, không đâu chẳng kính vâng lấy đó làm chương trình [tụng niệm] nhất định.

Đầu đời Thanh đã có người soạn cuốn Nhật Khóa Tiện Mông[1] nhưng chỉ giải thích đại lược câu chữ mà thôi! Gần đây có pháp sư Hưng Từ soạn cuốn Nhị Khóa Hiệp Giải khá tường tận, rõ ràng, nhưng do văn tự hơi sâu nên kẻ sơ cơ chưa được lợi lạc cho lắm. Cư sĩ Hoàng Hàm Chi trong mấy năm trước đã từng soạn cuốn Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam và Di Đà Bạch Thoại Giải Thích in tới hơn mấy chục vạn bản. Những người đề xướng học Phật ở những nơi khác đều tiếp tục thỉnh sách. Cố nhiên, Hoàng Hàm Chi biết văn Bạch Thoại chẳng thể nào súc tích, trang trọng như Văn Ngôn được, nhưng do nó có thể giúp cho người kém học vấn sẽ nhờ vào đấy để lãnh hội được, nên ông hoàn toàn dùng thể văn Bạch Thoại để giải thích khóa tụng sáng tối. Ông rất sợ kiến giải của chính mình không chừng sẽ có những chỗ chưa thấu đáo nên mỗi mỗi đều cậy người bạn là cư sĩ Cố Hiển Vi sửa chữa. Lại do thấy những ý nghĩa tột cùng của những danh tướng được nói đến trong sách ấy có lẽ [độc giả] chưa hoàn toàn hiểu trọn, nên trước đấy đã viết các tập sách Phật Pháp Đại Ý, Tâm Kinh Bạch Thoại Giải Thích và Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải Thích, khá nhiều tác phẩm đều được đề xuất lưu hành riêng.

Hai thời khóa tụng có được bản giải thích này thì kẻ sơ cơ sẽ nối tiếp nhau hưởng các thứ lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, trì tụng kinh chú quý tại chí thành. Dẫu trọn chẳng biết nghĩa, mà nếu có thể hết lòng thành, cạn lòng kính, kiền thành, khẩn thiết thọ trì thì lâu ngày chầy tháng tự nhiên sẽ nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, tâm minh, còn có thể thấu hiểu trực tiếp ý Phật, huống là những giải thích về mặt văn tự và ý nghĩa của chúng ư? Nếu không, dẫu có thấu hiểu thông suốt, nhưng do chẳng chí thành thì chỉ trở thành tình kiến phàm phu, dò đoán suy lường mà thôi; chứ không có cách nào đạt được lợi ích chân thật và sự cảm ứng chân thật của kinh! Do hoàn toàn là thức tâm[2] phân biệt suy lường thì làm sao có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo, hễ vừa vượt thoát liền chứng nhập trực tiếp, mau chóng đạt lợi ích thù thắng?

Thường thấy ngu phu ngu phụ cắm cúi tu trì đạt được lợi ích hơn hẳn kẻ thông minh nhiều lắm. Ấy là vì một đằng hết lòng Thành, cạn lòng kính, chuyên tâm nhất chí, còn một đằng thì hờ hững, lợt lạt, tán loạn, hư vọng suy lường mà ra! Xin các độc giả đều biết ý này, đấy chính là đã hiểu trọn ý nghĩa của kinh, khi trì tụng sẽ chẳng còn sanh phân biệt nữa, sẽ như đối trước thánh dung đích thân lắng nghe viên âm, trọn không thấy có một niệm nào để được thì lợi ích ấy chẳng thể dùng ngòi bút để hình dung được đâu! Đấy chính là bí quyết trì tụng. Nguyện khắp các đồng nhân đừng coi thường lời này thì may mắn lắm thay! (Giữa Xuân năm Canh Ngọ, tức năm Dân Quốc 19 – 1930)

***

[1] Cuốn sách này do ngài Thích Hải Khoan biên soạn dưới đời vua Ung Chánh.

[2] Thức tâm (còn gọi là Tâm Sở Pháp), tức cái tâm bị chi phối bởi tác dụng của sáu thức hay tám thức; gọi như vậy để phân biệt với chân tâm.