Lời tựa cho lễ truyền giới tại Viên Giác thiền viện ở Ngư Sơn, huyện Sào

Đức Như Lai dùng ba sự để giữ cho chánh pháp tồn tại lâu dài trong thế gian khiến cho chúng sanh đều được độ thoát. Ba sự ấy là gì? Chính là Giới – Định – Huệ. Do chúng sanh một mực trái nghịch đạo giác, xuôi theo trần lao, luân hồi trong lục đạo, nên nay đức Phật muốn làm cho họ bỏ trần lao thuận theo đạo giác, hướng tới chứng được Niết Bàn. Nếu không có Giới thì chẳng có gì trói buộc, ắt sẽ đến nỗi đuổi theo trần cảnh, khởi Hoặc, tạo nghiệp. Không có Định, sóng thức cuồn cuộn, làm sao tâm không trụ vào đâu cho được! Không có Huệ sẽ do đâu triệt chứng được chân tâm sẵn có? Vọng Hoặc huyễn khởi sẽ do đâu mà nhanh chóng diệt mất? Vì thế, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ. Đấy gọi là Tam Vô Lậu Học”.

Hãy nên biết: Cả ba điều này chính là một, tuy một nhưng là ba. Đừng cho rằng Giới chỉ là nền tảng ban đầu của Định và Huệ mà thôi! Phàm Luật Nghi Giới giữ cho thân chẳng làm [những điều ác] thì có thể gọi là nền tảng ban đầu, nhưng Định Cộng Giới giữ cho tâm chẳng khởi [những vọng niệm] và Đạo Cộng Giới[1] nghiệp tận tình không, Chân cùng, trí rạng, há chẳng phải là toàn thể đại dụng của Định và Huệ ư? Há nên chỉ coi là nền tảng ban đầu ư? Nhưng Định Cộng Giới và Đạo Cộng Giới lấy Luật Nghi Giới làm bản thể, chỉ do công dụng trì giới sâu hay cạn mà lập ra hai cái tên ấy, chứ chẳng phải là nói đến thứ giới bổn nào khác cả! Người đời thường lấy Luật Nghi để bàn luận, đến nỗi chẳng biết hoặc coi thường ý nghĩa chế giới lớn lao của đức Như Lai! Chẳng khởi sự từ Văn Huân[2] mà mong đạt được Chân Giới, Chân Định, Chân Huệ, đáng than lắm thay!

Pháp đạo của đức Như Lai có phạm vi rộng khắp mười cõi, tuy các bậc đại sĩ hoằng pháp ai nấy đều Tam Học viên minh, nhưng do kiến lập môn đình, mỗi vị chẳng thể không chuyên chú trọng [nơi một môn]. Hoặc chuyên chú nơi “Chỉ Tác Trì Phạm”[3] thì thành Luật. Hoặc chuyên chú nơi tu quán giảng diễn thì thành Giáo. Hoặc chuyên chú nơi tham cứu bổn lai để mong triệt ngộ thì thành Tông (Thiền). Tông mang tên là “giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài giáo) còn Luật là “giáo nội chân truyền” (chân truyền bên trong giáo). Nói “biệt truyền” là muốn cho con người thấy được bản thể ở ngoài ngôn ngữ; chứ không có nghĩa là Tông vượt xa hẳn ra ngoài giáo lý!

Hãy thử nghĩ xem: Lúc đức Thế Tôn cầm cành hoa giơ lên, ngài Ca Diếp mỉm cười, bổn địa phóng quang, triệt để hiển lộ. Hiểu rõ điều ấy thì tất cả hình sắc trọn khắp thế gian, không gì chẳng phải là đóa hoa đang được đức Thế Tôn cầm, không gì chẳng làm cho con người thấy được triệt để diện mục sẵn có của chính mình trước khi được cha mẹ sanh ra. Huống chi vô thượng diệu pháp được nói bởi chính kim khẩu của đức Như Lai lại chẳng phải là đóa hoa ấy hay sao, chẳng thể làm cho con người đích thân thấy được bản lai diện mục ư?

Nhưng trăm vạn trời người dẫu thấy đức Thế Tôn cầm cành hoa giơ lên thảy đều ngơ ngác, cũng như đang cưỡi lừa lại đi tìm lừa, trọn chẳng thể lãnh hội được. Nếu biết [bản lai diện mục] chính là ở ngay nơi đấy thì bao nhiêu người sẽ thành tựu ngay trong đời hiện tại, đỡ tốn sức biết bao nhiêu. Do mê nên chẳng biết quay trở lại, giống như chàng Diễn Nhã [trong kinh Lăng Nghiêm nhìn vào gương] trông thấy đầu mình, vô cớ phát cuồng chạy quàng lên; hạt châu trong chéo áo mà oan uổng chịu bần cùng, thật đáng buồn thay! Cần biết rằng Luật, hay Giáo, hay Tông, phải trọn vẹn cả ba thứ này thì mới có thể tiếp nối huệ mạng, truyền pháp đạo của đức Phật được! Nếu bị thiếu khuyết sẽ chẳng đủ để trên là chứng A Nậu Bồ Đề, dưới là độ hết thảy hàm thức.

Lô Xá Na Phật lấy Giới làm Thể, do không điều ác nào chẳng hết sạch nên gọi là Tịnh, không điều thiện nào chẳng trọn vẹn nên gọi là Mãn[4]. Đoạn ác tu thiện chính là cùng vâng giữ Chỉ và Tác. Do vậy, Luật là Phật thân, Giáo là Phật ngữ, Tông là Phật tâm. Ba thứ tâm – ngữ – thân quyết chẳng thể tách rời, quyết khó thể thiếu sót. Nếu không, thì một cánh khó bay, một bánh xe chẳng thể di chuyển được! Muốn tự lợi, lợi tha sẽ khó thể như nguyện!

Viên Giác Am ở Ngư Sơn sáng lập từ đời Minh, tồn tại cho đến ngày nay tuy có lúc chìm, lúc nổi, hoặc suy, hoặc thịnh khác nhau. Đến năm Dân Quốc thứ tám (1919), Trụ Trì là hòa thượng Cảnh Công phát Tứ Hoằng Thệ quyên mộ tu bổ, đến năm Dân Quốc 15 (1926), điện vũ phòng ốc đều mới mẻ rạng ngời. Do điện vũ đã thành, lại muốn truyền giới bởi kiến tạo tùng lâm chính là vì để thực hiện việc [truyền giới] này. Do vậy, từ ngàn dặm gởi thư yêu cầu tôi viết lời tựa nhằm nêu bật ý nghĩa này. Vì thấy hoằng truyền giới pháp chính là một chánh điển (nghi lễ chánh yếu) trong pháp môn nên tôi chẳng thể từ tạ được. Hiềm rằng Quang đối với Tông, với Luật, với Giáo đều chẳng có tâm đắc gì, làm sao có thể chẳng phụ lòng Sư giao phó cho được? Chỉ đành thuật tóm tắt những điều mà tri kiến hèn tệ của chính mình có thể lãnh hội được từ những gì Phật, Tổ, cổ đức đã nói cho xong trách nhiệm.

Kinh Di Giáo dạy: “Này các thầy tỳ-kheo! Sau khi ta diệt độ, hãy nên tôn trọng, quý trọng, cung kính Ba La Đề Mộc Xoa[5] như trong tối tăm gặp được ánh sáng, như kẻ nghèo được báu vật. Hãy nên biết đấy chính là đại sư của các thầy giống như ta trụ thế, trọn chẳng khác gì!” Kinh Phạm Võng dạy: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật chưa thành. Nếu tin được như thế thì giới phẩm đã trọn đủ”. Lại nói: “Chúng sanh nhận lãnh giới nhà Phật liền dự vào địa vị Phật, địa vị giống với bậc Đại Giác, đúng là con của chư Phật”. Nguyện các Phật tử thọ giới ai nấy đều tự biết chính mình vốn sẵn là Phật, nhưng do mê trái nên ngược ngạo nhờ vào sức công đức Phật tánh ấy mà luân hồi trong lục đạo, chịu các sự khổ cùng cực.

Như Chuyển Luân Thánh Vương mộng thấy mình là con kiến, lần theo mùi tanh bò ở dưới thềm, tự thấy mình hèn nhỏ, nhưng thân vua nằm ở trên giường vẫn y nguyên như cũ chẳng mất. Đến khi tỉnh giấc mới biết huyễn hoặc biến thành kiến, chứ trọn chẳng có thực thể! Hết thảy chúng sanh cũng giống như thế. Phật vốn là chưa thành, nghiệp vốn là không nhưng lầm lạc tạo dựng, đề cao thánh cảnh, cam phận phàm ngu, nhường cho mình đức Thích Ca Thế Tôn làm một vị trượng phu hùng mãnh, há chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Nếu các Phật tử thọ giới ai nấy đều gắng sức thì chẳng những không phụ một phen nhọc lòng truyền giới của hòa thượng Cảnh Công mà còn an ủi được một phen thánh ý xuất thế chế giới của đức Như Lai vậy!

***

[1] Luật Nghi Giới: Những giới luật do đức Phật chế định nhằm giữ cho ba nghiệp thân miệng ý của hành giả được thanh tịnh, ngăn ngừa những vọng niệm nẩy sanh, có tác dụng “phòng phi, chỉ ác” (ngăn ngừa những điều sai trái, dứt các điều ác). Định Cộng Giới: Giới đạt được do đạt đến mức tinh thuần nơi Định, tức là do Định tâm bất tán nên luôn giữ được giới thể, giới tướng thanh tịnh. Tâm thường an trụ trong Định nên tất cả hành vi, tạo tác, tâm niệm tương ứng với Định, không còn rong ruổi theo trần cảnh nên tuy không chú tâm giữ gìn giới tướng mà không trái phạm giới. Đạo Cộng Giới cũng tương tự, nhưng là sự giữ giới tinh thuần do tác dụng của Huệ Học.

[2] Văn Huân: Do nghe pháp mà tâm thức được huân tập.

[3] Chỉ Tác Trì Phạm: Gọi đúng ra là “Chỉ Trì, Tác Phạm”, tức là những giới hễ ngăn dứt không làm thì là Trì Giới (nên gọi là Chỉ Trì), còn hễ làm thì bị coi là phạm giới (nên gọi là Tác Phạm). Hiểu rộng hơn thì Chỉ Tác Trì Phạm chỉ chung cho mọi giới tướng.

[4] Lô Xá Na Phật (Rocana) chính là Báo Thân Phật. Danh hiệu Lô Xá Na gồm hai nghĩa Tịnh và Mãn.

[5] Ba La Đề Mộc Xoa (Prātimoksa) chính là giới luật để bảy chúng đệ tử Phật ngăn ngừa tội lỗi nơi thân – khẩu – ý, xa lìa các phiền não Hoặc nghiệp hòng được giải thoát. Ba La Đề Mộc Xoa thường được dịch nghĩa là Tùy Thuận Giải Thoát, Xứ Xứ Giải Thoát, Biệt Biệt Giải Thoát, Biệt Giải Thoát, Tối Thắng, Vô Đẳng Học v.v… Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì Ba La Đề Mộc Xoa thường chỉ cho giới luật của hàng xuất gia, được chia thành tám tiểu loại: Ba La Di, Tăng Tàn, Bất Định, Xả Đọa, Đơn Đọa, Ba-La-Đề Đề-Xá-Ni, Chúng Học, Diệt Tránh Pháp.