Lời tựa cho bản tu chánh điều lệ quản trị chùa miếu và văn cảo hộ giáo
Phật pháp là tâm pháp. Tâm pháp này chính là căn bản của mười pháp giới. Chẳng hiểu pháp này thì chẳng những không thể nhờ vào đâu chứng được Chân Như Phật tánh sẵn có, mà những chuyện như cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của thế gian cũng không thể nào viên mãn rốt ráo được! Vì sao vậy? Vì không đạt được căn bản, chỉ chú trọng phát khởi trên mặt hình thức mà thôi. Do vậy, từ xưa đến nay phàm những ai lập đại công, tạo đại nghiệp huy hoàng vũ trụ, phần nhiều là do học Phật đắc lực mà nên. Ngay cả những ông Châu, Trình, Trương, Châu[1] thời Tống phát minh tâm pháp thánh học (tâm pháp Nho giáo) cũng vay mượn từ Phật học, nhưng bọn họ mang nặng kiến chấp môn đình quá đáng nên chẳng những không chú trọng tỏ lộ, trái lại còn chê trách, phỉ báng. Do vậy, đối với đạo thành ý chánh tâm thật quá thiếu sót, đáng phàn nàn vậy! Pháp này tuy ai ai cũng có, nhưng nếu chưa nghe lời Phật thì không cách nào tự biết được viên châu nơi vạt áo! Do vậy, hết thảy chư Phật không vị nào chẳng dặn dò lưu thông pháp đạo.
Cách lưu thông trước hết là phải tạo dựng tháp miếu, in tạo kinh tượng để khởi đầu. Nếu không có tháp miếu, kinh tượng thì không thể nhờ vào đâu để sùng phụng oai nghi cao quý rồi tu tịnh hạnh xiển dương Phật đạo, hướng dẫn quần mê, cũng như hết thảy hàm thức không có cách nào chiêm lễ thánh dung để vun bồi căn lành, nghe pháp tu trì, khai phát tâm địa cho được! Người lưu thông phải là vị Tăng chân tu thật hạnh và phải có những hàng vua quan, thân sĩ, thương nhân có thế lực, tài lực. Một đằng là nội hộ, một đằng là ngoại hộ. Nội hộ thì nghiêm trì giới cấm, dốc sức tu tịnh nghiệp. Đối với Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh Độ hoặc chuyên chú một môn, hoặc kiêm tu các tông khiến cho cả mình lẫn người đều được lợi ích, u lẫn hiển đều được nương nhờ. Thầm giúp cho cách cai trị yên ổn, ngầm làm cho dân tình yên ổn mới thôi! Ngoại hộ thì chẳng tiếc của cải, rộng trồng phước điền, khiến cho khắp những người cùng hàng phát khởi tín tâm. Nội ngoại hỗ trợ, pháp bèn được lưu thông. Nếu không có hàng nội hộ đạo đức thì bậc thầy gương mẫu chưa được lập, làm sao người ta ngưỡng vọng cho được! Nếu không có hàng ngoại hộ có thế lực thì không có sức mạnh, kẻ bên ngoài khinh lấn làm sao chế ngự được!
Vì thế, khi sắp nhập Niết Bàn, Như Lai đem pháp phó chúc cho hàng quốc vương, đại thần và chư thiên, thiện thần, dạy họ sau này thừa nguyện sanh vào trong hết thảy cõi nước lưu thông Phật pháp hòng lợi ích mọi hàm thức. Do vậy, hơn hai ngàn năm qua, đạo Phật thâm nhập các nước là do nội hộ lẫn ngoại hộ đều có người vậy! Kể từ đời Đông Hán, nước ta (chỉ Trung Quốc) mới được hưởng pháp hóa. Đến đời Tấn thì ngày càng thạnh hành, đến đời Đường các tông đầy đủ, gần bằng Tây Thiên. Từ các nhà Tống, Nguyên, Minh cho đến đầu đời Thanh, Phật nhật luôn sáng tỏ, pháp luân thường chuyển. Đến thời Hàm Phong – Đồng Trị, do chinh chiến, đói kém liên miên, bậc triết nhân ngày càng hiếm hoi, quốc gia chẳng rảnh rang đề xướng, kẻ kém hèn lạm dự Tăng chúng, rất nhiều kẻ là phường vô lại, ác nhân, xen lộn vào Phật môn, đến nỗi Phật pháp bị bại hoại sát đất. Phàm những ai chưa đọc kinh Phật, chưa gặp được bậc tri thức, trông thấy những ông Tăng du hành trong nhân gian tạo đủ mọi nghiệp, bèn cho rằng Tăng toàn là như thế. Từ đấy, một người xướng, trăm kẻ hùa theo, cho là Phật pháp vô ích cho nước nhà, có hại cho đời! Không ai chẳng tính chuyện chiếm đoạt tài sản của Tăng chúng, lăm lăm biến chùa thành trường học. Những kẻ đề xướng chuyện ấy, tâm lý chưa hẳn đã hoàn toàn mê muội, mà là do chẳng biết cội nguồn Phật pháp, chỉ cậy vào hiểu biết của chính mình để lầm lạc suy luận, khiến cho những kẻ mượn chuyện công để tư lợi, thấy đúng là dịp kiếm chác, muốn vơ vét cho đầy túi. Đây – kia bắt chước nhau, thế như lửa cháy.
Lúc Dân Quốc mới thành lập, bao phen được những bậc cao nhân Tăng – tục trình bày, mong Đại Tổng Thống hạ lệnh bảo vệ. Năm Dân Quốc thứ tư (1915), chánh phủ quy định chương trình bảo vệ gồm ba mươi mốt điều. Do văn từ, ý nghĩa có chỗ chưa rõ ràng, dễ nẩy sanh mối tệ, sợ sẽ tạo thành hậu hoạn nên đến năm Dân Quốc thứ chín (1920), cư sĩ Trình Tuyết Lâu diện kiến Đại Tổng Thống xin ông sửa đổi. Nhân đó, bèn thương lượng, châm chước kỹ càng, quy định hai mươi bốn điều. Tháng Năm năm Dân Quốc thứ 10 (1921), công bố cho các tỉnh. Mùa Hạ năm nay, giới giáo dục tỉnh Giang Tô nhóm họp, lại viện vào tiền lệ thời cuối nhà Thanh, đầu thời Dân Quốc, đem kế hoạch mượn chùa làm trường học trình lên cựu tỉnh trưởng họ Vương, được ông ta tán thành, cho là không tổn hại gì đến pháp luật, thật sự cân nhắc tình lý, đã suy xét cẩn thận châu đáo, ổn thỏa, thật đáng khâm phục, truyền Ty Giáo Dục thông tri cho các huyện tuân hành. Lệnh này vừa được ban ra, ông ta bèn từ chức, Tăng giới tỉnh Giang Tô chấn động, kinh hoảng vô cùng. Các chùa chiền ở Diêm Thành đa số bị xâm đoạt. Mọi người cho rằng: Giáo lệnh của Đại Tổng Thống công bố vào năm ngoái, có lẽ cựu tỉnh trưởng họ Vương hoàn toàn chưa hay biết nên mới nồng nhiệt khen ngợi kế hoạch ấy như thế. Nếu chẳng lập cách cứu vãn, chẳng những không thể giữ gìn được các chùa miếu trong một tỉnh Giang Tô, mà những người mang cùng tánh khí ấy trong các tỉnh khác không ai chẳng muốn mượn danh nghĩa lập trường học để diệt Phật pháp, đoạt tài sản nhà chùa, coi đó như một nghĩa vụ có danh dự lợi ích nhất!
Do vậy, bèn cử ra ba mươi vị đại biểu, được cầm đầu bởi Hạo Tịnh là vị đã từ nhiệm, khẩn cầu hai vị cư sĩ Ngụy Cang Trưởng và Vương Ngu Tăng chuyển đạt lên những nhân vật chánh yếu, trình bày rõ lợi hại, ngõ hầu “đạo ngầm giúp cho việc cai trị, pháp ngầm khiến cho dân tình yên vui” chẳng đến nỗi nhanh chóng bị diệt mất. Ông Hàn, tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô, là người thông đạt chánh thể, hiểu sâu Phật pháp. Những tờ trình của chư Tăng được chuyển lên, liền phê: “Tôn trọng pháp luật, nghiêm cấm tệ đoan. Một mực giữ phép công bằng, không mảy may gì thiên vị! Hai giới Tăng chúng và giáo dục đều được vô sự!” Tuy chưa nói rõ thủ tiêu lệnh trước của Vương tỉnh trưởng, nhưng cũng chẳng khác gì đã thủ tiêu vậy!
Chuyện này lại được chuyển đạt lên Bộ, gởi công văn phúc trình lên bộ Nội Vụ. Bộ truyền cho tỉnh trưởng Giang Tô xử lý theo đúng pháp luật. Do vậy, mối họa diệt pháp liền bị tiêu diệt. Lúc này, thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, đúng là lúc nên đề xướng Phật pháp, xiển dương rộng rãi sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi, khiến cho những kẻ mê tâm mờ lý, phóng túng không kiêng dè biết tạo ác phải thọ khổ bao kiếp dài lâu, làm thiện được hưởng vui vĩnh viễn, bèn tự có thể giảm bớt tâm ác, dần dần phát khởi thiện niệm, quyết chẳng dám khoái chí một lúc, khiến cho thân về sau phải chịu thống khổ vô cùng. Vào thời Xuân Thu, chư hầu, các đại phu chết, ai nấy tùy sức giết người tuẫn táng theo mình, lại cho là càng nhiều càng sang! Tuy Khổng, Mạnh, Lão, Trang đều xuất thế cũng không sao ngăn cấm được! Từ khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc, dẫu kẻ ngoảnh mặt về phương Nam xưng Trẫm cũng chẳng dám làm vậy! Hơn một ngàn năm qua, những người được sống hết tuổi thọ mới mất không biết bao nhiêu mà kể! Những ai cho Phật pháp vô ích cho nước nhà, có hại cho đời, toàn là vì lòng đố kỵ, dấy lên những lý luận mù quáng của kẻ chưa thấy được màu sắc. Nếu họ suy xét kỹ, ắt sẽ chẳng thể đau đớn khóc lóc, hối hận đã lỡ lời ư?
Tuy nhiên, nói chung là do Tăng giới không có người, nên đến nỗi những kẻ câu nệ, rỗng tuếch lầm lạc nẩy sanh ý xâm đoạt, khinh lấn. Nếu như ai nấy gắng chí ngầm tu, làm rạng rỡ Phật pháp thì những kẻ bài bác, đả kích, xâm đoạt, khinh lấn kia sẽ hộ trì, lưu thông còn không xuể. Mạnh Tử nói: “Con người phải tự khinh mình trước thì người khác mới khinh mình được. Trong nhà phải tự hủy diệt trước thì người khác mới hủy diệt được. Nước phải tự công phá trước thì người ngoài mới công phá được”, chính là nói đến ý này vậy! Tăng giới chúng ta phải nên dốc kiệt lòng thành, chuyên tinh tu tập như thế nào ngõ hầu trên là mong tiếp nối được huệ mạng, dưới độ mê tình.
Tất cả những văn tự đầu đuôi về chuyện này đã được hai vị cư sĩ Cang Trưởng và Ngu Tăng cho sao lục, in khắc, lại đem điều lệ quản trị chùa miếu đã tu chánh của Đại Tổng Thống đặt ở đầu sách, phổ biến khắp Tăng giới, để mọi người biết có công lệnh, chẳng đến nỗi lại có những chuyện như thế phát sanh, không cách gì thi thố thủ đoạn được! Khắc xong, hòa thượng Diệu Liên giao cho tôi, nhờ viết lời tựa dẫn giải. Cụ Diệu Liên là người tánh tình thuần hòa, sốt sắng, rất được hai vị Cang Trưởng và Ngu Tăng kính trọng. Khi chuyện này nẩy sanh, ông Ngu Tăng thường phải bôn ba chẳng nề hà mệt nhọc, tôi biết rõ ông ta chí hướng cao khiết, khá thông hiểu giáo lý. Tôi mến ông ta chịu khổ nhọc thay cho người, thành tựu điều tốt đẹp cho người nên mới trình bày những điểm chánh yếu như vậy.
***
[1] Ông Châu đầu tiên là Châu Đôn Di, người sáng lập Lý Học đời Tống. Ông Châu thứ hai là Châu Hy, còn Trương là Trương Tải, triết gia theo chủ nghĩa duy vật. Trình là hai anh em Trình Hạo và Trình Di, cũng là hai nhà Lý Học nổi tiếng đời Tống. Họ đưa quan niệm Lý và Khí vào Nho Học, nên học thuyết của họ được gọi là Tống Nho.