Lời tựa in lại kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Lời tựa in lại kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
Khai Thi Của Ấn Tổ

Lời tựa in lại kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Tâm thể của Phật và chúng sanh hoàn toàn chẳng khác nhau chút nào, nhưng tâm tướng của Phật và chúng sanh khác xa nhau một trời một vực! Tướng đã khác hẳn nhau nên sự thọ dụng do tướng cảm được cũng phải rất khác biệt. Phật thương xót chúng sanh về Thể tuy đồng, nhưng Tướng – Dụng rất khác biệt nên vận dụng lòng Vô Duyên Từ, hưng khởi lòng Đồng Thể Bi, [bày ra] đủ mọi phương tiện để tế độ. Nếu chúng sanh biết Tướng – Dụng tuy khác, nhưng bản thể vốn đồng cố nhiên sẽ trên ngưỡng mộ các thánh, dưới trọng tánh linh của chính mình, y giáo phụng hành ngõ hầu khôi phục nó. Kinh Dược Sư do đức Thế Tôn tự thuật nhân hạnh quả đức, công đức nhiếp hóa hiển mật của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở thế giới Tịnh Lưu Ly nơi phương Đông. Kinh này do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, văn lý thông suốt, nhưng tên của tám vị Bồ Tát và đoạn kinh Phật nói thần chú đều bị khuyết. Trong kinh Đại Quán Đảnh Thần Chú do ngài Bạch Thi Lê Mật[1] dịch vào thời Đông Tấn thì kinh thứ mười hai là Quán Đảnh Chương Cú Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ Kinh[2], có tên tám vị Bồ Tát. Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức do ngài Nghĩa Tịnh[3] dịch vào đời Đường có chép một đoạn chú văn, gồm bốn trăm hai mươi tám chữ. Ba kinh quả thật vốn là một kinh, do lưu thông đã lâu đến nỗi bối diệp[4] thất lạc, mỗi vị căn cứ vào Phạn bản mình có được mà dịch. Nhưng Dược Sư Như Lai cứu vớt kẻ sơ cơ phần nhiều dựa trên chú lực; vì thế, tiền nhân đem phần ghi tên tám vị Bồ Tát trong bản dịch của ngài Bạch Thi và đoạn chú văn trong bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh thêm vào [bản dịch của ngài Huyền Trang], khiến cho văn nghĩa đều trọn đủ, mà tâm cứu độ chúng sanh của Dược Sư Như Lai cũng không bị bỏ sót. Cũng giống như phần kệ trùng tụng được thêm vào phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện được thêm vào kinh Hoa Nghiêm vậy. Hợp lại thì xứng hợp, vui đẹp tâm ý Phật. Tách ra thì sự giáo hóa bị khuyết. Huống chi kinh ấy, chú ấy cả cõi đời cùng thọ trì, nếu chẳng thêm vào như vậy thì người tụng kinh chẳng được lợi ích nơi mật chú, người trì chú chẳng biết chú ấy phát xuất từ kinh nào. Hành động ấy của tiền nhân có thể nói là khế cơ, khế lý. Do vậy, mấy trăm năm qua, đều lưu truyền theo như thế đó. Cư sĩ Trương Thụy Tăng phát tâm khắc in lại, chỉ sợ kẻ kém tri kiến cho là kinh này khác với nguyên văn trong Đại Tạng đâm ra ngờ vực nên mới lược thuật nguyên ủy để mọi người cùng được hay biết vậy!

***

[1] Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký và sách Tả Thị Ngũ Hồ, ngài Bạch Thi Lê Mật (gọi đủ là Bạch Thi Lê Mật Đa La) (dịch nghĩa là Cát Hữu), người xứ Cưu Ty (Kuche), là thái tử nước ấy, nhưng nhường ngôi cho em, đi xuất gia. Ngài rất thông minh, hiểu sâu xa Phật pháp, đến Trung Quốc trong niên hiệu Vĩnh Gia đời Tấn. Khi ấy, Trung Hoa đại loạn nên Ngài bèn vượt Trường Giang xuống Hoa Nam, đến Kiến Khang trụ tích tại chùa Kiến Sơ. Thừa tướng Vương Đạo rất coi trọng, đa phần triều thần đều quy y.

[2] Đại Quán Đảnh Thần Chú Kinh (Mahabhiseka Mantra), thường gọi tắt là Đại Quán Đảnh Kinh, do ngài Bạch Thi Lê Mật Đa dịch vào thời Đông Tấn, hiện được chép trong quyển 21 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Kinh này gồm mười hai bộ kinh nhỏ hợp thành gồm từ bộ thứ nhất là Quán Đảnh Tam Quy Ngũ Giới Đới Bội Hộ Thân Thần Chú Kinh đến kinh cuối cùng Quán Đảnh Chương Cú Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ Kinh. Kinh Quán Đảnh Chương Cú Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ Kinh tương đồng với kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện do ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch và kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức của ngài Huyền Trang dịch.

[3] Kinh Dược Sư tên tiếng Phạn là Bhagavān Bhaisajyaguru Vaidūryaprabhasya Pūrvapranidhānaviśesa Vistara có đến năm bản dịch khác nhau. Bản dịch đầu tiên của ngài Bạch Thi Lê Mật Đa thời Đông Tấn, bản thứ hai do ngài Huệ Giản dịch vào thời Lưu Tống (năm 457), bản thứ ba của ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch vào thời Tùy, bản thứ tư của ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, bản thứ năm do ngài Nghĩa Tịnh dịch cũng vào đời Đường. Ngoại trừ bản của ngài Bạch Lê Thi Mật Đa ra, bốn bản đều nhấn mạnh đến công đức của Phật Dược Sư. Bản của ngài Nghĩa Tịnh đầy đủ nhất, mang danh xưng Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh, có tên bảy vị Phật, bổn nguyện và thần chú của mỗi vị. Trong kinh này, đức Phật Dược Sư ở xa nhất, bổn nguyện nhiều nhất, công đức thù thắng nhất trong số các vị Phật. Bản của ngài Nghĩa Tịnh thường được gọi tắt là Thất Phật Dược Sư Kinh. Cũng do kinh này, trong các pháp hội Dược Sư xưa kia thường lập đàn Dược Sư gồm bảy khu, mỗi khu đốt bảy ngọn đèn lớn trước bàn Phật. So với các kinh Mật giáo khác, kinh Dược Sư được chú giải nhiều nhất.

[4] Kinh Phật khi xưa được chép trên lá bối (bối diệp). Bối diệp gọi đủ là Bối Đa La Diệp tức lá của cây Bối Đa La (pattra), tên khoa học là Laurus Oassia. “Bối diệp” là danh xưng chung chỉ tên các loại lá có thể dùng thay giấy khi chưa phát minh ra giấy. Được dùng phổ biến nhất là lá cây Đa La (Tāla). Loại lá này thuôn dài, dày chắc. Người ta phơi lá cho khô, cắt thành từng miếng rộng độ 6cm, dài chừng 18cm. Hai đầu xoi lỗ nhỏ để chép xong sẽ xỏ dây buộc thành từng tập. Khi chép kinh, người ta dùng mũi kim hay vật nhọn khắc chữ trên lá. Khắc xong, bôi mực lên rồi chùi đi, mực đọng lại nơi vết khắc. Một số quốc gia sau này tuy đã có giấy vẫn dùng phương pháp chép kinh lên những mảnh giấy rời rồi buộc lại thành tập như ở Tây Tạng, Nepal, Mông Cổ vẫn còn dùng. Các nước Nam Truyền Phật giáo như Cambodia, Lào, Thái vẫn còn giữ được rất nhiều bản kinh chép theo lối này trên lá gồi.

Bài Viết Liên Quan

Khai Thi Của Ấn Tổ

Văn sớ dùng trong Phật Thất nhằm gieo phước, tăng thọ

Văn sớ dùng trong Phật Thất nhằm gieo phước, tăng thọ Nép trông: Phật, trời che chở khắp, chỉ cần hễ cảm đều liền thông, biển pháp vô biên, chỉ có cạn lòng Thành thì mới được lợi ích. Kính cẩn kêu cầu bậc sẵn...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Bài ký về việc trùng tu tháp viện của Đại Từ Lão Nhân

Bài ký về việc trùng tu tháp viện của Đại Từ Lão Nhân (năm Dân Quốc 19 - 1930) Xem rộng khắp những bậc anh hiền lỗi lạc xưa nay, tài năng tót vời, tại gia thì lập đại công, dựng đại nghiệp, thờ vua...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Sớ duyên khởi thành lập liên xã chùa Di Đà tại Hàng Châu

Sớ duyên khởi thành lập liên xã chùa Di Đà tại Hàng Châu Nhất niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh và chư khác với chư Phật. Là do lẽ gì vậy? Ấy là do mê tánh đức sẵn có, bèn lầm lạc xuôi...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Lời tụng và lời tựa bức tranh ngàn vị Phật

Lời tụng và lời tựa bức tranh ngàn vị Phật Tâm như thợ vẽ khéo, vẽ được các thế gian. Phật là chánh giác thế gian, còn Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, trời, người, A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Đề từ cho tác phẩm Ngọc Trụ Đại Sư Tâm Tích Tụng

Đề từ cho tác phẩm Ngọc Trụ Đại Sư Tâm Tích Tụng Ngọc Trụ đại sư là đồng học của Quang vào năm mươi năm trước. Sư tánh tình chất trực, khiêm hòa, tu trì thiết thực, chân thành, nghiêm túc, chẳng làm trụ trì,...
Khai Thi Của Ấn Tổ

Lời tựa cho bộ Vụ Bản Tùng Đàm

Lời tựa cho bộ Vụ Bản Tùng Đàm (năm Dân Quốc 20 - 1931) Đời đã loạn tột cùng hết thuốc chữa! Xét đến cái gốc họa thì chỉ vì các tiên hiền bên Lý Học đã bài xích những sự lý nhân quả ba...