Thư trả lời cư sĩ Ôn Kê Đức Chánh

Chồng bà là Đức Trung Ôn Quang Hy nói: “Bà phát tâm cúng dường tôi”, tôi sẽ dùng món tiền ấy để in sách lợi người. Bà may mắn được gả vào gia đình giàu có, trọn chẳng biết đến những nỗi khổ trong đời người, lại không có ai khuyên dạy, khai thị nên sống uổng một đời. Như vậy thì sau này làm sao thoát khỏi luân hồi lục đạo cho được? May sao chồng bà là Quang Hy hơi biết Phật pháp. Tuy bà chưa thể tin nhận ngay, nhưng đã dần dần được tiêm nhiễm, lâu dần sẽ có ngày thiện căn phát hiện.

Bà nằm mộng thấy cảnh tượng kỳ quái liền sanh lòng sợ hãi, cầu xin tôi nói cách cứu vớt, che chở. Bà chẳng biết: So với tướng trạng luân hồi trong tam đồ lục đạo, tướng khổ ấy nhỏ nhoi chẳng thể nào thí dụ được! Sự khổ trong luân hồi giống như đại địa, còn nỗi khổ [bà cảm nhận trong giấc mộng] ấy giống như vi trần. Chúng sanh tâm lượng hẹp hòi nên chỉ thấy được chuyện nhỏ nhoi, chẳng thể thấy được chuyện lớn lao. Bà sanh lòng sợ hãi nơi sự khổ nhỏ nhoi, cầu tôi nói pháp cứu khổ, sao lại trọn chẳng để ý tới nỗi khổ sanh tử lớn lao vậy?

Nay tôi nói cho bà một pháp để cứu chung đại khổ lẫn tiểu khổ. Nếu bà có thể y theo lời tôi nói, chắc chắn trong hiện tại bà sẽ không gặp nỗi kinh sợ nhỏ nhoi ấy, tương lai nhất định thường an lạc. Pháp ấy ra sao? Chính là chí thành khẩn thiết niệm Phật và niệm danh hiệu Quán Âm Bồ Tát. Pháp tắc niệm như thế nào hãy nên hỏi Quang Hy. Chớ nên chỉ biết an vui, nhàn tản, bỏ uổng thời gian.

Lại còn nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, nghĩa là “hiếu thuận với cha mẹ ruột, với bố mẹ chồng, hòa thuận với anh em trai, chị em gái, chị em dâu, vợ chồng kính trọng nhau như khách, khuyên nhau làm lành, nhắc nhở nhau sửa lỗi, khéo dạy dỗ con cái, đối đãi khoan dung với kẻ dưới”. Làm được như thế chính là hiền nhân! Lại còn kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, niệm danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương; dẫu cho nỗi sợ hãi lớn lao là sanh tử cũng sẽ hoàn toàn tiêu diệt, huống hồ những nỗi sợ hãi nhỏ nhặt trong giấc ngủ mà chẳng lập tức ngưng mất ư?

Tôi là phàm phu, nhưng lời này của tôi có thể khiến cho hết thảy mọi người siêu phàm nhập thánh. Bà hãy nên chí tâm tin nhận sẽ có lợi ích lớn lao. Sách Khuê Phạm đã hết, đợi khi nào có người sang Thượng Hải sẽ bảo họ thỉnh Nữ Tử Nhị Thập Tứ Hiếu (hai mươi bốn tấm gương hiếu nữ), Nữ Tứ Thư[1], Liệt Nữ Truyện[2] v.v… gởi tới để tặng cho những phụ nữ thông hiểu văn lý, biết luân thường. Lại còn có Đạt Sanh Thiên cũng sẽ gởi tới một hai gói. Đối với những chuyện trước khi sanh, trong khi sanh và sau khi sanh, sách này đều nói tường tận. Trong lời Tựa của Quang lại còn giảng rõ: “Trong khi sanh nở, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát nhất định sẽ không bị sản nạn mà mẹ lẫn con đều được vẹn toàn, gieo đại thiện căn”.

Bà hãy nên thường đem chuyện niệm Phật, niệm Quán Thế Âm để giáo hóa hàng phụ nữ quen biết, ngõ hầu ai nấy xoay vần khuyên chỉ lẫn nhau thì sẽ có lợi ích lớn lao cho bà lẫn những người quen biết. Bà chớ nên gìn giữ mãi thói kiêu ngạo, lười nhác, thích làm chuyện vô ích như cờ bạc, la cà ngoạn cảnh, sẽ chẳng thể nào không đạt được lợi ích lớn lao! Đối với bệnh của Quân Tốn và hai cô con gái Quân Tĩnh, Cẩm Du, cũng có thể niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để trị. Quán Thế Âm Bồ Tát không ai cầu chẳng được ứng nghiệm, chỉ sợ con người chẳng chí tâm mà thôi! Xin hai vợ chồng bà khéo thấu hiểu lòng tôi thì may mắn lắm thay!

***

[1] Nữ Tứ Thư là bốn bộ sách tương ứng với Tứ Thư của nam giới, gồm:

1) Nữ Giới (răn dạy nữ nhân) do nữ sử gia Ban Chiêu soạn dưới thời Đông Hán, giảng giải về Tam Tùng, Tứ Đức, cũng như những lời khuyên răn, trau giồi những phẩm đức của phụ nữ như kính thuận, đạo làm vợ, hòa thuận, khiêm cung v.v…

2) Nội Huấn do Nhân Hiếu Hoàng Hậu (vợ vua Minh Thành Tổ, con gái Từ Đạt) biên soạn vào năm Vĩnh Lạc thứ hai (1404), trích lục những giáo huấn của cổ nhân về phẩm đức của phụ nữ, chẳng hạn trau giồi đức hạnh, tu thân, thận trọng trong lời ăn tiếng nói, tiết kiệm, tích thiện, hướng lành v.v…

3) Nữ Luận Ngữ do nữ học sĩ Tống Nhược Sân soạn vào thời Đường, mô phỏng theo văn phong Luận Ngữ, thác danh Tào đại gia (tức Ban Chiêu) v.v… ghi lại những lời vấn đáp giữa bà mẹ của quan Thái Thường Vĩ Trình thời Tiền Tần là Tống Thị đáp lời thưa hỏi của các bậc anh thư như Tào đại gia v.v… để thuyết minh về đức hạnh của nữ giới cũng như cách tu dưỡng các đức hạnh ấy.

4) Nữ Phạm Tiệp Lục do bà Lưu Thị, mẹ nhà học giả Vương Tướng soạn vào cuối đời Minh, cũng nói về các phẩm đức của phụ nữ, đồng thời bao gồm những lời chú giải ngắn gọn các tác phẩm trước đó như Nữ Giới, Nội Huấn v.v…

[2] Liệt Nữ Truyện do Lưu Hướng soạn vào thời Đông Hán, bao gồm những tấm gương trinh liệt của nữ giới. Sách gồm bảy quyển, bao gồm 105 tấm gương, được chia thành các tiểu loại như mẫu nghi, hiền minh, nhân trí, trinh thuận v.v…