SỐ 1570/1
QUẢNG BÁCH LUẬN BẢN
Tác giả: Bồ tát Thánh Thiên
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
Phẩm thứ 1: PHÁ CHẤP THƯỜNG
Tất cả là quả sinh
Do đó tánh vô thường
Nên trừ Phật, không có
Như thật hiệu Như Lai.
Không có thời, phương vật
Có tánh chẳng duyên sinh
Nên không thời phương vật
Có tánh mà thường trụ.
Đều là nhân có tánh
Có nhân tức chẳng thường
Vì không nhân muốn thành
Chân kiến nói chẳng có.
Thấy chỗ tạo vô thường
Là chẳng tạo thường trụ
Đã thấy vô thường có
Nên nói tánh thường không.
Phàm phu vọng phân biệt
Cho không đều là thường
Người trí nương thế gian
Cũng không thấy nghĩa này.
Không chỉ có một phần
Đủ khắp tất cả phần
Nên biết mỗi mỗi phần
Đều riêng có phần có.
Nếu Thể pháp thật có
Hẹp rộng dụng đạt được
Đây định từ tha sinh
Nên thành quả được sinh.
Nếu lìa quả được sinh
Không có nhân năng sinh
Thế nên nhân năng sinh
Đều thành quả được sinh.
Các pháp tất biến dị
Mới tạo nhân sinh khác
Nhân biến dị như vậy
Há được gọi thường trụ?
Nếu xưa không nay có
Tự nhiên thường làm nhân
Đã nhận có tự nhiên
Nhân tức là vọng lập.
Vì sao dựa tánh thường
Mà khởi nơi vô thường
Nhân quả cùng không đồng
Thế gian chưa từng thấy.
Nếu một phần là nhân
Phần khác không phải nhân
Tức nên thành nhiều loại
Nhiều loại nên chẳng thường.
Ở nhân tướng tròn nhỏ
Nơi quả tức chẳng có
Cho nên các cực vi
Thể chẳng hòa hợp khắp.
Ở nơi một cực vi
Đã không nhận trọn vẹn
Vì thế cũng không nên
Cho nhân quả như nhau.
Vì nếu có phương Đông
Tất có phần phương Đông
Cực vi nếu có phần
Vì sao là cực vi?
Nên lấy trước bỏ sau
Mới được nói là hành
Cả hai nếu là không
Hành đó nên không có.
Cực vi không phần đầu
Phần giữa sau cũng không
Thế thì tất cả mắt
Đều không thể thấy được.
Nếu nhân bị quả hoại
Nhân đó tức chẳng thường
Thành ra quả và nhân
Hai Thể không đồng xứ.
Không thấy có các pháp
Thường nhưng là có đối
Nên cực vi là thường
Chư Phật chưa từng nói.
Lìa nhân buộc chỗ buộc
Lại không giải thoát thật
Vì sinh thành thiếu dụng
Nếu có cũng gọi không.
Lúc cứu cánh Niết-bàn
Không uẩn cũng không ngã
Không thấy người Niết-bàn
Nương đâu có Niết-bàn?
Ngã lúc bỏ các đức
Lìa ái có tư gì
Nếu có ngã không tư
Tức đồng không thật có.
Có ngã chủng trọn vẹn
Nhất định thường sinh tư
Chính không ngã không tư
Các có mới không có.
Nếu lìa khổ có ngã
Tức định không Niết-bàn
Vì thế trong Niết-bàn
Ngã đều vĩnh viễn diệt.
Thà cầu nơi thế gian
Chẳng cầu ở thắng nghĩa
Do thế gian ít có
Nơi thắng nghĩa đều không.
Phẩm thứ 2: PHÁ CHẤP NGÃ
Nội ngã thật không nam
Không nữ, không cả hai
Chỉ vì do không trí
Cho ngã là trượng phu.
Nếu trong các đại chủng
Không nam nữ không hai
Vì sao các đại chủng
Có nam nữ cùng sinh?
Ông, Tôi còn chẳng ngã
Nên tướng ngã không định
Há không nơi vô thường
Vọng phân biệt làm ngã?
Ngã tức đồng nơi thân
Đời đời có biến đổi
Nên lìa thân có ngã
Lý thường trụ chẳng đúng.
Nếu pháp không xúc đối
Thì không có dao động
Vì thế thân tạo nghiệp
Chẳng phải mạng hay tạo.
Ngã thường chẳng bị hại
Há nhọc tu giữ nhân
Ai sợ nuốt kim cang
Cầm gậy ngăn sâu mọt?
Nếu có niệm đời trước
Liền cho ngã là thường
Đã thấy vết thời xưa
Thân cũng nên thường trụ.
Nếu ngã hợp với tư
Chuyển thành kẻ tư niệm
Tư cũng phải khác tư
Nên ngã chẳng thường trụ.
Ngã cùng với vui hợp
Vô số loại như vui
Vì ngã như các vui
Chẳng một cũng chẳng thường.
Nếu cho ngã tư thường
Duyên giúp thành tà chấp
Như nói lửa thường trụ
Tức không duyên nơi củi.
Như diệt hết vật động
Tác dụng kia không có
Nên có ngã không tư
Lý ấy không thành tựu.
Phương khác khởi cảnh tư
Xứ khác thấy nơi tư
Như thỏi sắt nung chảy
Thể ngã phải biến hoại.
Tư nhỏ như ý lượng
Ngã lớn tợ hư không
Chỉ cần quán tự tướng
Tức không thấy nơi tư.
Đức ngã nếu trọn khắp
Sao người khác không nhận
Năng chướng đã nói thông
Không phải chỉ chướng một.
Nếu đức cùng phi tư
Sao hay tạo tất cả
Kia nên đồng cuồng loạn
Cùng si không chỗ thành.
Nếu đức hay khéo hiểu
Tạo các vật nhà cửa
Nhưng không biết thọ dụng
Phi lý há hợp đây?
Có động tác vô thường
Rỗng thông không động tác
Không dụng đồng không tánh
Sao không vui vô ngã?
Hoặc quán ngã khắp nơi
Hoặc thấy lượng đồng thân
Hoặc chấp như cực vi
Người trí thông chẳng có.
Pháp thường không thể não
Sao bỏ não giải thoát
Vì thế chấp ngã thường
Chứng giải thoát phi lý.
Ngã nếu thật có tánh
Không cần khen lìa ngã
Định biết là chân thật
Hướng giải thoát nên giả.
Trong giải thoát nếu không
Trước cũng nên không có
Chỗ thấy lúc không tạp
Chân tánh kia nên biết.
Nếu vô thường đều đoạn
Cỏ cây sao không thế
Lý này nếu là chân
Vô minh cũng chẳng có.
Hiện thấy hành như sắc
Từ duyên sinh trụ diệt
Nên biết ông chấp ngã
Tuy có nhưng vô dụng.
Như duyên thành mầm cây
Duyên thành loại cùng sinh
Nên các pháp vô thường
Đều khởi từ vô thường.
Do pháp từ duyên sinh
Nên thể lại không đoạn
Vì pháp theo duyên diệt
Nên thể cũng chẳng thường.
Phẩm thứ 3: PHÁ CHẤP VỀ THỜI
Bình ở nơi vị lai
Tức không có quá – hiện
Vị lai có quá – hiện
Nên vị lai ấy không.
Vị lai nếu đã hết
Nhưng có thể vị lai
Đây là hằng vị lai
Vì sao thành quá – hiện?
Pháp nếu ở vị lai
Hiện có tướng vị lai
Nên tức là hiện tại
Vì sao gọi vị lai?
Khứ lai như hiện có
Lấy quả dụng sao không
Nếu thể luôn chẳng không
Vì sao vô thường trụ?
Quá khứ nếu qua đi
Làm sao thành quá khứ
Quá khứ không qua đi
Làm sao thành quá khứ?
Vị lai nếu có sinh
Vì sao chẳng hiện tại
Vị lai nếu không sinh
Vì sao chẳng thường trụ?
Nếu vị lai không sinh
Hoại nên chẳng phải thường
Quá khứ đã không hoại
Sao không gọi là thường?
Đời hiện tại vô thường
Không do các quá – hiện
Trừ hai chỗ hướng này
Thì không có thứ ba.
Nếu các hành sinh sau
Trước đã có thể định
Nói người có tánh định
Là sai, là tà chấp.
Nếu pháp do duyên sinh
Tức trước không có thể
Trước có mà sinh ra
Sinh rồi lại nên sinh.
Nếu thấy khứ – lai có
Vì sao chẳng thấy không
Đã thấy có khứ – lai
Nên không nói là xa.
Pháp chưa tạo nếu có
Tu giới là uổng công
Nếu chỗ tạo có ít
Thì quả chẳng có trước.
Các hành đã vô thường
Thì quả chẳng hằng có
Nếu có đầu có sau
Thế gian đều chẳng thường.
Nên không cầu giải thoát
Giải thoát không khứ – lai
Hoặc cho có khứ – lai
Tham nên lìa bỏ tham.
Nếu chấp quả có trước
Tạo nhà cửa trang nghiêm
Các cột thì chẳng có
Trước không quả cũng thế.
Các pháp có chuyển biến
Bậc tuệ chưa từng biết
Chỉ trừ người không trí
Vọng phân biệt là có.
Vô thường sao có trụ
Trụ không sao có Thể
Trước nếu như có trụ
Sau nên không biến suy.
Ví như không một thức
Hiểu được nơi hai nghĩa
Như vậy không một nghĩa
Hai thức đều nhận biết.
Thời nếu có trụ khác
Trụ tức không thành thời
Thời nếu không trụ khác
Sau diệt nên chẳng có.
Pháp cùng vô thường khác
Pháp tức chẳng vô thường
Pháp cùng vô thường một
Pháp nên không có trụ.
Vô thường đầu đã kém
Trụ lực định nên mạnh
Cả hai lại duyên gì
Sau thấy thành điên đảo?
Nếu thể khắp các pháp
Lực vô thường trước yếu
Nên đều không có trụ
Hoặc tất cả đều thường.
Vô thường nếu luôn có
Tướng trụ nên thường không
Hoặc pháp kia trước thường
Sau nơi chẳng thường trụ.
Nếu pháp đều vô thường
Mà nói có thường trụ
Tướng vô thường tức vọng
Hoặc tướng trụ nên giả.
Không chỗ thấy, thấy không
Xoay tâm duyên cảnh vọng
Cho nên chỉ hư giả
Có ức niệm gọi sinh.
Phẩm thứ 4: PHÁ CHẤP KIẾN
Tánh hòa mong thắng tuệ
Là pháp khí nên biết
Khác đây có thầy dạy
Không nhân đạt thắng lợi.
Nói có và có nhân
Phương tiện tịnh cùng tịnh
Thế gian tự không hiểu
Lỗi nào ở Mâu-ni?
Bỏ các có Niết-bàn
Tông tà đều cùng nhận
Phá tất cả chân không
Vì sao họ không vui?
Không biết nhân bỏ chứng
Không do thường bỏ chứng
Cho nên Mâu-ni nói
Trong mát nhất định không.
Nếu nơi lời Phật nói
Sự sâu do sinh nghi
Nên dựa vô tướng không
Sinh tin tưởng quyết định.
Quán hiện còn có vọng
Biết sau định là hư
Kẻ dựa pháp hành kia
Bị cuồng mãi không dứt.
Người trí tự Niết-bàn
Là làm điều khó làm
Phàm ngu gặp thiện dẫn
Nhưng tâm không hướng theo.
Không biết không sợ hãi
Biết khắp cũng lại thế
Nhất định do biết ít
Nên phát sinh sợ hãi.
Pháp sinh tử thuận dòng
Phàm ngu thường hành tập
Không từng tu ngược dòng
Thế nên sinh sợ hãi.
Có nhiều người ngu si
Ngăn che thấy chân thật
Không do sinh nẻo thiện
Làm sao chứng Niết-bàn?
Thà hủy phạm giới luật
Không tổn hoại chánh kiến
Giới luật sinh nẻo thiện
Chánh kiến đạt Niết-bàn.
Thà khởi ngã chấp kia
Đừng chấp không – vô ngã
Sau gồm hướng nẻo ác
Đầu chỉ trái Niết-bàn.
Diệu lý không – vô ngã
Cảnh giới chân chư Phật
Khiến các ác kiến sợ
Niết-bàn chẳng hai môn.
Ngu nghe tên pháp không
Đều sinh sợ hãi lớn
Như thấy người đại lực
Khiếp vía đều chạy trốn.
Chư Phật tuy vô tâm
Nói pháp trừ luận khác
Nhưng luận khác tự hoại
Như lửa lớn đốt củi.
Những người ngộ chánh pháp
Tông tà hẳn không thích
Vì đưa ra môn giả
Hiển bày nghĩa chân không.
Nếu biết lời Phật nói
Lý chân không – vô ngã
Tùy thuận không sinh vui
Chống trái không chán sợ.
Thấy các chúng ngoại đạo
Tạo nhiều nhân vô nghĩa
Hữu tình vui chánh pháp
Ai không hề xót thương?
Bà-la-môn ly hệ
Ba tông của Như Lai
Nhĩ nhãn ý thường biết
Nên pháp Phật sâu diệu
Tông của Bà-la-môn
Nhiều khiến hành dối trá
Pháp ngoại đạo Ly hệ
Phần nhiều thuận ngu si.
Cung kính Bà-la-môn
Vì tụng các minh luận
Thương nghĩ hàng Ly hệ
Do tự hành khổ thân.
Như nghiệp chiêu cảm khổ
Chẳng thật nhân giải thoát
Sinh nghiệp thân hơn hết
Cũng chẳng chứng giải thoát.
Lược nói lời Phật dạy
Đầy đủ hai tông khác
Không hại sinh trời người
Quán không chứng giải thoát.
Người đời đắm tự tông
Như yêu chốn quê mình
Chánh pháp thường diệt trừ
Nhóm tà không sinh vui.
Có trí cầu đức thắng
Nên tin nhận chân tông
Chánh pháp như mặt trời
Có mắt nên thấy được.
Phẩm thứ 5: PHÁ CĂN CẢNH
Ở trong các phần bình
Thấy được chỉ là sắc
Nói thấy toàn thể bình
Làm sao ngộ được chân?
Những người có thắng tuệ
Tùy nghĩa đã nêu trước
Nơi hương, vị và xúc
Tất cả loại nên ngăn.
Nếu chỉ thấy sắc bình
Liền nói là thấy bình
Đã không thấy các hương
Nên gọi không thấy bình.
Có các sắc chướng ngại
Chẳng thấy được toàn thể
Phần kia và trung gian
Do phân này cách trở.
Cực vi phân có không
Nên suy xét tường tận
Dẫn làm chứng không thành
Nghĩa trọn không thể thành.
Tất cả pháp chướng ngại
Đều thành từ nhiều phần
Ngôn thuyết, chữ cũng vậy
Nên căn không giữ lấy.
Tuy hiển sắc có hình
Vì sao giữ hình sắc
Tức hiển giữ hiển sắc
Vì sao không do thân?
Lìa sắc có nhân sắc
Nên không phải mắt thấy
Thể hai pháp đã khác
Vì sao chẳng quán riêng?
Thân nhận biết cứng chắc
Cùng địa, thủy v.v… đặt tên
Nên chỉ ở trong xúc
Nói địa, thủy v.v… sai biệt.
Lúc sinh khởi thấy bình
Không thấy có đức khác
Thể sinh như chỗ thấy
Nên thật tánh đều không
Mắt, tai v.v… đều đại tạo
Sao mắt thấy không khác
Nên nghiệp quả khó nghĩ
Mâu-ni nói chân thật.
Vì trí duyên chưa có
Trí không ở trước thấy
Trí ở sau cũng không
Cùng lúc thấy vô dụng.
Mắt nếu đi đến cảnh
Thấy sắc xa nên chậm
Sao cũng chẳng phân minh
Soi rõ sắc xa gần.
Nếu thấy rồi mới đi
Đi tức là vô dụng
Nếu không thấy mà đến
Định muốn thấy nên không.
Nếu không đến mà quán
Nên thấy tất cả sắc
Mắt đã không hành động
Không xa cũng không ngại.
Thể tướng dụng các pháp
Trước sau định nên đồng
Làm sao nhãn căn này
Không thấy nơi tánh mắt?
Trong mắt không sắc thức
Trong thức không sắc mắt
Hai sắc nội đều không
Sao hay hợp thấy sắc?
Nghe nếu biểu hiện được
Sao không thành phi âm
Nếu thanh không nêu giảng
Vì sao hiểu duyên sinh?
Thanh nếu đến tai nghe
Làm sao hiểu gốc thanh
Nói lý thanh không gấp
Làm sao biết hết được?
Cho đến không chỗ nghe
Nên chẳng phải tánh thanh
Trước không mà sau có
Lý định chẳng tương ưng.
Tâm nếu lìa các căn
Đi cũng thành vô dụng
Giả như sinh mạng này
Nên thường không có tâm.
Khiến tâm vọng giữ trần
Dựa trước thấy dợn nắng
Vọng lập nghĩa các pháp
Là tưởng uẩn nên biết.
Các nhãn sắc v.v… làm duyên
Sinh các thức như huyễn
Nếu chấp là thật có
Huyễn dụ không thể thành.
Mọi việc nơi thế gian
Hết thảy đều khó lường
Lý căn cảnh cũng vậy
Người trí sao kinh sợ.
Các pháp như vòng lửa
Sự huyễn mộng biến hóa
Như trăng nước tinh tú
Dợn nắng cùng mây nổi.
Phẩm thứ 6: PHÁ BIÊN CHẤP
Các pháp nếu thật có
Nên y tha không thành
Tất đã y tha thành
Biết chắc chẳng thật có.
Chẳng tức sắc có bình
Chẳng lìa sắc có bình
Chẳng dựa bình có sắc
Chẳng có bình nương sắc.
Nếu thấy hai tướng khác
Là lìa bình có đồng
Hai tướng đã có khác
Nên lìa bình có khác.
Nếu một không gọi bình
Bình nên không gọi một
Bình một từng không hợp
Bình nên không gọi một.
Nếu sắc khắp nơi thật
Sắc được gọi là đại
Bối luận nếu chẳng khác
Nên làm rõ nghĩa tông.
Năng tướng như hữu số
Hiển sở tướng không thành
Ngoài ra lại không nhân
Nên các pháp chẳng có.
Lìa biệt tướng không bình
Vì thể bình chẳng một
Mỗi mỗi không phải bình
Thể bình cũng không nhiều.
Thể xúc chẳng có không
Hợp với thể có xúc
Nên các pháp như sắc v.v…
Không thể hợp làm bình.
Sắc là một phần bình
Nên thể sắc khác bình
Phần có đã là không
Phần một làm sao có?
Tánh của tất cả sắc v.v…
Tướng như sắc v.v… không khác
Chỉ một loại là bình
Chẳng có lý nào khác.
Nếu sắc khác vị hương
Không khác đối với bình
Bình nên tức như vị v.v…
Sắc nào phải tức bình.
Bình đã là không nhân
Thể nên không thành quả
Vì nếu khác với sắc v.v…
Bình nhất định là không.
Nhân của bình nếu có
Đáng làm nhân của bình
Nhân của bình đã không
Làm sao sinh ra bình?
Lúc sắc thanh v.v… hòa hợp
Trọn không thành các hương v.v…
Vì hòa hợp một thể
Nên như bình đều không.
Như lìa nơi sắc thanh v.v…
Thể bình thật là không
Thể sắc cũng nên thế
Lìa phong, hỏa v.v… chẳng có.
Nóng tức là tánh lửa
Không nóng làm sao đốt
Vì thể củi là không
Lìa lửa này chẳng có.
Nóng khác xen nên thành
Vì sao không thành lửa
Nếu nóng khác không thành
Do pháp lửa nên không.
Nếu lửa nhỏ không củi
Nên lìa củi có lửa
Lửa nhỏ có củi thêm
Nên không còn lửa nhỏ.
Lúc quán kỹ các pháp
Không một thể thật có
Một thể đã không có
Nhiều thể cũng nên không
Nếu pháp lại không khác
Ông cho là một thể
Các pháp đều ba tánh
Nên một thể là không.
Có chẳng có cùng không
Một chẳng một cùng bặt
Tùy thứ tự phối hợp
Người trí hiểu chẳng chân.
Nơi pháp giả nối tiếp
Ác kiến gọi chân thường
Tích tập trong pháp giả
Tà chấp nói thật có.
Các pháp chúng duyên thành
Tánh yếu không tự tại
Hư giả dựa khác lập
Nên ngã pháp đều không.
Quả chúng duyên hợp thành
Lìa duyên không quả khác
Như vậy hợp với quả
Các Thánh hiểu đều không.
Thức là chủng các hữu
Cảnh là chốn thức hành
Lúc thấy cảnh vô ngã
Chủng các hữu đều diệt.
Phẩm thứ 7: PHÁ TƯỚNG HỮU VI
Nếu vốn không mà sinh
Trước không sao chẳng khởi
Vốn có mà sinh ra
Sau có lại nên sinh.
Quả nếu thường trái nhân
Trước không chẳng hợp lý
Quả lập nhân không dụng
Trước có cũng không thành.
Lúc này không có sinh
Lúc kia cũng không sinh
Lúc này kia không sinh
Lúc nào sẽ có sinh?
Như sinh nơi tự tánh
Nghĩa sinh đã là không
Nơi tánh khác cũng vậy
Nghĩa sinh đâu thành có.
Ba vị đầu giữa sau
Trước sinh chắc không thành
Hai hai đã là không
Một một làm sao có?
Không lìa nơi tha tánh
Chỉ từ tự tánh sinh
Không từ khác và cùng
Nên sinh chắc không có.
Trước sau và đồng thời
Hai đều không thể nói
Vì sinh cùng với bình
Chỉ giả có không thật.
Cũ nếu ở trước mới
Sinh trước không hợp lý
Cũ nếu ở sau mới
Sinh sau lý không thành.
Hiện không nhân hiện khởi
Cũng không nhân khứ – lai
Vị lai cũng không nhân
Khứ lai đời nay khởi.
Nếu đủ tức không đến
Đã diệt nên không đi
Thể tướng pháp như vậy
Các dụ huyễn không dối.
Ba tướng sinh trụ diệt
Đồng thời có chẳng thành
Trước sau cũng là không
Vì sao chấp là có?
Nếu các tướng như sinh v.v…
Lại có sinh riêng khác
Nên trụ diệt như sinh
Hoặc sinh trụ như diệt.
Sở tướng khác năng tướng
Vì sao thể chẳng thường
Không khác bốn nên đồng
Hoặc lại toàn chẳng có.
Có chẳng sinh pháp có
Có chẳng sinh pháp không
Không chẳng sinh pháp có
Không chẳng sinh pháp không.
Có chẳng thành pháp có
Có chẳng thành pháp không
Không chẳng thành pháp có
Không chẳng thành pháp không.
Nửa sinh nửa chưa sinh
Lúc sinh thể chẳng một
Hoặc vị đã chưa sinh
Nên cũng là lúc sinh.
Lúc sinh nếu là quả
Thể tức chẳng lúc sinh
Lúc sinh nếu tự nhiên
Nên mất tánh khi sinh.
Đã sinh khác chưa sinh
Riêng có vị trung gian
Lúc sinh khác hai vị
Nên riêng có trung gian.
Nếu cho lúc sinh bỏ
Mới được lúc đã sinh
Thế thì nên có khác
Lúc được có thể thấy.
Nếu đến vị đã sinh
Lý tất không lúc sinh
Đã sinh có lúc sinh
Vì sao từ kia khởi?
Chưa đến vị đã sinh
Nếu lập làm lúc sinh
Sao chẳng gọi không bình
Chưa sinh nên không khác.
Không có dụng lúc sinh
Thường chọn lúc chưa sinh
Cũng trái thể chưa tròn
Khác nơi vị đã sinh.
Vị trước lúc sinh không
Vị sau mới nói có
Cùng thành vị đã sinh
Nên vị này chẳng không.
Lúc có gọi đã sinh
Lúc không gọi chưa khởi
Trừ vị có không ấy
Ai lại gọi lúc sinh?
Nhiều người chấp lìa nhân
Không riêng quả được thành
Chuyển sinh và chuyển diệt
Lý đều không thể thành.
Phẩm thứ 8: DẠY KHUYÊN ĐỆ TỬ
Do vì thiếu nhân duyên
Nghi không cho chẳng không
Dựa theo các phẩm trước
Lý giáo nên nhắc lại.
Năng, sở thuyết nếu có
Lý không tức là không
Các pháp nhờ duyên thành
Nên ba sự chẳng có.
Nếu chỉ nói lỗi không
Nghĩa chẳng không tức thành
Lỗi chẳng không đã rõ
Nghĩa không nên trước lập.
Muốn phá trừ tông khác
Tất nên thành nghĩa mình
Sao thích nói lỗi người
Mà không lập tông mình?
Vì phá trừ các chấp
Giả lập khiến làm tông
Ba chấp khác đã trừ
Tự tông tùy chẳng lập.
Cho bình là hiện thấy
Nhân không chẳng có thể
Tông khác hiện thấy nhân
Tông này chẳng chấp nhận.
Nếu không lý chẳng không
Lý không làm sao thành
Ông đã chẳng lập không
Chẳng không nên không lập.
Nếu cho có tông không
Tông có mới lập được
Tông không nếu chẳng có
Tông có tức không thành.
Nếu các pháp đều không
Vì sao lửa gọi nóng
Đây như trước bỏ đủ
Lửa nóng tục chẳng chân.
Nếu cho pháp thật có
Ngăn kia nói là không
Nên bốn luận đều chân
Thấy lỗi gì mà bỏ?
Nếu các pháp đều không
Sinh tử nên chẳng có
Chư Phật đâu từng nhận
Chấp pháp nhất định không?
Nếu chân lìa có không
Duyên nào nói tục có
Tông gốc ông cũng vậy
Vì sao lại vấn nạn?
Các pháp nếu đều không
Sai biệt nên chẳng có
Chấp các pháp đều có
Sai biệt cũng nên không.
Nếu cho pháp chẳng có
Không thể phá nhân có
Phá nhân có đã rõ
Tông ông sao không lập?
Nói phá nhân dễ đạt
Là hư ngôn thế tục
Duyên gì ông không thể
Ngăn phá nghĩa chân không?
Danh có giảng pháp có
Cho pháp thật chẳng không
Danh không biểu pháp không
Pháp thật nên chẳng có.
Do danh hiểu pháp có
Liền cho pháp chẳng không
Nhờ danh nhận biết pháp không
Nên tin pháp chẳng có.
Các pháp thế gian nói
Đều là giả chẳng chân
Lìa danh ngôn thế tục
Mới là chân chẳng giả.
Hủy báng pháp là không
Tức rơi vào kiến không
Chỉ trừ các vọng chấp
Sao nói đọa nơi không?
Vì có chẳng thật có
Không cũng chẳng thật không
Đã không có thật không
Sao có nơi thật có?
Nhân có chứng pháp không
Pháp không nên chẳng lập
Vì tông nhân không khác
Thể nhân thật là không.
Cho không dụ riêng có
Nêu các pháp chẳng không
Chỉ có dụ nên thành
Nội ngã đồng quạ đen.
Nếu pháp vốn tánh không
Thấy không có đức gì
Phân biệt hư vọng buộc
Chứng không trừ kiến chấp.
Pháp thành một thành không
Trái chân cũng trái tục
Nên cùng có một, khác
Hai đều không thể nói.
Có, chẳng có, cùng không
Các tông đều vắng lặng
Trong muốn khởi vấn nạn
Rốt cuộc không thể nêu.
Bồ-tát Thánh Thiên tạo luận đã xong, lại nêu bày việc diệt tà, tiếp nói tụng:
Tôi còn vì lửa tông tà cháy
Dùng sữa chánh giáo Như Lai tưới
Lại quạt nhân minh gió rộng lớn
Ai dám như bướm lao vào lửa.
HẾT