LUẬN TỲ BÀ SA
Tác giả: A la hán Thi Đà Bàn Ni
Hán dịch: Đời Phù Tần, Đại sư Tăng Già Bạt Trừng, người nước Kế Tân
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 6

Phần thứ 18: XỨ MƯỜI HAI NHẬP

Mười hai nhập: (1) Nhãn nhập. (2) Sắc nhập. (3) Nhĩ nhập. (4) Thanh nhập. (5) Tỷ nhập. (6) Hương nhập. (7) Thiệt nhập. (8) Vị nhập. (9) Thân nhập. (10) Xúc nhập. (11) Ý nhập. (12) Pháp nhập.

Hỏi: Vì sao người tạo Luận kia đã dựa vào mười hai nhập để tạo luận?

Đáp: Vì ý của người tạo luận muốn như thế. Theo ý muốn như thế để tạo luận miễn là không trái với pháp tướng. Do đấy nên Tôn giả kia đã dựa vào mười hai nhập để tạo luận.

Hoặc nói: Người tạo Luận kia là vô sự.

Hỏi: Vì sao cho người tạo Luận kia là vô sự?

Đáp: Vì đây là Khế kinh Phật. Khế kinh kia nói: Có Phạm chí Sinh Văn, sau thời gian thọ thực bữa trưa, thong thả đi dạo đến chỗ Đức Phật. Đến nơi cùng diện kiến Đức Thế Tôn, vui vẻ thăm hỏi rồi ngồi qua một phía. Phạm chí Sinh Văn nói: Thưa Cù Đàm! Tôi có vài điều muốn hỏi, cho phép tôi được hỏi, xin Cù Đàm vì tôi giảng nói.

Đức Thế Tôn bảo: Này Phạm chí! Tùy ông muốn hỏi.

Phạm chí nói: Thưa Cù Đàm! Tất cả, nghĩa là tất cả. Thưa Cù Đàm! Tất cả có bao nhiêu thứ loại? Thế nào thưa Cù Đàm! Tất cả, tất cả có nêu bày nên được nêu bày?

Đức Thế Tôn bảo: Này Phạm chí! Có mười hai nhập: Từ nhãn nhập cho đến pháp nhập. Này Phạm chí! Tất cả là có từng ấy. Như thế, Như Lai theo tất cả sự vật cần nêu bày nên nêu bày.

Phạm chí nói: Nếu nói như thế thì đây không phải là tất cả. Như Sa-môn Cù Đàm đã nêu bày, tôi bỏ tất cả ấy, lại nêu bày về tất cả khác. Nghĩa là tất cả kia chỉ có lời nói, nêu hỏi xong, không nhận biết về tăng ích, sinh khởi ngu si. Vì sao? Vì không phải là cảnh giới.

Hỏi: Nếu tạo ra chỗ nêu bày này, thì tất cả từng ấy tức là mười tám giới. Tất cả từng ấy là năm ấm và vô vi. Tất cả từng ấy nghĩa là bốn Thánh đế và hư không phi số duyên tận. Tất cả từng ấy nghĩa là danh và sắc. Ở đây cũng chỉ có lời nói, nên hỏi xong, không nhận biết về sự tăng ích, sinh khởi ngu si, như không phải là cảnh giới chăng?

Đáp: Điều ấy là không đúng.

Hỏi: Nếu không đúng thì sự việc này là thế nào?

Đáp: Ở đây nói về trừ nghĩa, không nói về trừ vị. Ở đây nói là trừ nghĩa nêu bày, không nói trừ vị nêu bày. Nghĩa là tánh của tất cả pháp đều gồm thâu trong mười hai nhập. Nếu có người nói: Ta bỏ nghĩa mười hai nhập, lại nêu bày nghĩa khác thì nghĩa ấy hoàn toàn không thể nêu bày. Thế nên ở đây nói là trừ nghĩa, không nói trừ vị. Ở đây nói là trừ nghĩa nêu bày, không nói là trừ vị nêu bày.

Có thuyết nói: Mười hai nhập này là nói về sự vi diệu, nói về sự thích hợp, nói về sự hơn hết, vô thượng.

Hỏi: Vì sao mười hai nhập này là nói về sự vi diệu, nói về sự thích hợp, nói về sự hơn hết, vô thượng?

Đáp: Vì nhập này không phải là nêu bày tạp loạn, vì đã gồm thâu tất cả pháp giới. Giới tuy gồm thâu tất cả các pháp, nhưng chỉ là nêu bày lẫn lộn, tức là một tâm lập thành bảy tâm giới. Còn ấm tuy không phải là nêu bày lẫn lộn, nhưng ấm kia không gồm thâu tất cả pháp, chỉ gồm thâu pháp hữu vi, không gồm thâu pháp vô vi. Như vậy, nhập ấy không phải là nêu bày lẫn lộn và có thể gồm thâu tất cả pháp. Thế nên tạo ra phần Luận này.

Hoặc cho: Trong đây nói nhập là gồm thâu tất cả pháp, là nói vừa đủ. Giới tuy gồm thâu tất cả pháp, nhưng chỉ là nói rộng. Còn ấm không gồm thâu tất cả pháp, cũng không phải là nói vừa đủ. Nhập này là nói vừa đủ và gồm thâu tất cả pháp. Vì thế nói mười hai nhập là nói về sự vi diệu, sự thích hợp, sự hơn hết, vô thượng. Thế nên tạo ra phần Luận này.

Muốn quán tất cả các pháp: Người kia phải dựa vào mười hai nhập để quán. Dựa vào mười hai nhập quán xong mới sinh mười hai pháp sáng suốt cùng hiện bày hình tượng của mười hai nghĩa. Như người dùng đá ngọc mài mười hai gương soi để tự xem hình tượng của mình. Mài xong, người ấy mới thấy rõ hình ảnh của mình trong mười hai gương kia. Như thế, muốn quán tất cả pháp hành giả phải dựa vào mười hai nhập để quán. Dựa vào mười hai nhập quán xong mới sinh mười hai pháp sáng suốt cùng hiện bày hình tượng của mười hai nghĩa. Nhập này nơi một thân một ý có thể đạt được, do có hành tướng nên có từng ấy sai biệt. Như mười hai người ở nơi một nhà có thể có được chỉ do hành tướng nên mỗi mỗi đều khác. Như thế, mười hai nhập tuy có nơi một thân một ý, có thể đạt được, nhưng do hành tướng nên có từng ấy sai biệt.

Đây là tánh của nhập. Tánh ấy là thể tướng hiện có nơi thân.

Đã nói về tánh của nhập. Tiếp theo là nói về hành.

Hỏi: Vì sao gọi là nhập? Nhập có nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa môn sinh khởi là nghĩa của nhập. Nghĩa con đường sinh, nghĩa cất chứa, nghĩa kho lẫm, nghĩa nơi chốn giết hại, nghĩa sợi dọc, nghĩa ruộng, nghĩa ao suối, nghĩa dòng chảy, nghĩa biển, nghĩa trắng sạch là nghĩa của nhập.

Nghĩa môn sinh khởi là nghĩa của nhập: Như các vật xuất sinh trong thành ấp, do các vật này nuôi lớn thân các chúng sinh. Như thế nơi đối tượng nương dựa và đối tượng duyên sinh khởi các tâm và tâm số pháp khiến nuôi lớn sự nối tiếp của các chúng sinh.

Nghĩa con đường sinh là nghĩa của nhập: Như các vật được sinh chung nơi con đường, do các vật này nuôi lớn thân chúng sinh. Như thế các thứ tâm tâm số pháp đều được sinh chung nơi đối tượng nương dựa và đối tượng duyên, do các tâm tâm số pháp này nuôi lớn sự nối các chúng sinh.

Nghĩa cất chứa là nghĩa của nhập: Như trong kho có thể cất chứa vàng bạc, lưu ly, ma ni v.v… khiến tạo lợi ích cho chúng sinh. Như thế nơi đối tượng nương dựa và đối tượng duyên có cất chứa tâm tâm số pháp khiến nuôi lớn thân chúng sinh.

Nghĩa kho lẫm là nghĩa của nhập: Như trong kho lẫm có tích chứa các thứ lúa gạo, thực phẩm v.v… Như thế các tâm tâm số pháp được chứa nhóm nơi đối tượng nương dựa và đối tượng duyên.

Nghĩa nơi chốn giết hại là nghĩa của nhập: Như nơi chiến trường trăm ngàn đầu bị chém rơi xuống đất. Như thế trong đối tượng nương dựa và đối tượng duyên có vô số tâm tâm số pháp đã bị vô thường hủy diệt.

Nghĩa sợi dọc là nghĩa của nhập: Như nhân nơi khung dệt bày ra sợi dọc, sợi ngang. Như thế nhân nơi đối tượng nương dựa và đối tượng duyên có vô số tâm tâm số pháp được nêu bày.

Nghĩa ruộng là nghĩa của nhập: Như trong ruộng sinh ra đủ loại lúa thóc. Như thế nơi đối tượng nương dựa và đối tượng duyên có vô số tâm tâm số pháp được sinh trưởng.

Nghĩa ao suối là nghĩa của nhập: Như Khế kinh nói: Có vị trời đến chỗ Đức Thế Tôn, dùng kệ hỏi:

Suối từ đâu chuyển?

Sao chuyển chẳng chuyển?

Khổ, vui do đâu?

Diệt trừ rốt ráo.

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Mắt, tai và mũi

Lưỡi, thân và ý

Suối từ đấy chuyển

Chuyển ấy chẳng chuyển

Khổ và vui này

Diệt hết trọn vẹn.

Nghĩa dòng chảy là nghĩa của nhập: Như Khế kinh nói: Có vị trời đến chỗ Đức Thế Tôn, dùng kệ hỏi:

Hết thảy dòng chảy

Làm sao chế ngự?

Nói phòng ngăn chảy

Lấy gì lấp bít?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Là các dòng đời

Niệm ấy ngăn dứt

Ta nói phòng giữ

Dùng tuệ lấp bít.

Nghĩa biển là nghĩa của nhập: Như Khế kinh nói: Tỳ-kheo! Biển, là hàng phàm ngu chưa được nghe. Miệng người phàm nói về biển, không phải là biển trong Thánh pháp, chỉ là số lượng nước lớn được tích tụ:

Mắt là vào biển cả

Sắc kia là sóng to

Nếu chịu được sóng sắc

Chẳng qua được biển mắt

Sóng to đã xoay chuyển

La-sát tà mị giữ.

Như mắt, thì tai, mũi, lưỡi, thân cũng như vậy.

Ý là vào biển cả

Pháp kia là sóng to

Nếu chịu được sóng pháp

Không thể vượt biển ý

Sóng cả đã xoay chuyển

La-sát tà mị giữ.

Nghĩa trắng sạch là nghĩa của nhập: Ở đây nói trắng sạch cũng như thế, tức các nhập như mắt v.v… là thô, hiển bày sáng rõ. Vì xem thường nên sách của ngoại đạo kia nói: Cũng gọi là đất, cũng gọi là tạo tác. Như Khế kinh nêu: Phái dị học Ma-kiệt-đàn-đề nói: Sa-môn Cù Đàm! Đất hư hoại, đất đã hư hoại, đâu còn tạo tác được gì?

Đây là nói các nghĩa như thế là nghĩa của nhập.

Hành chung đã nói xong, tiếp theo là nói về hành riêng.

Hỏi: Thế nào là Nhãn nhập?

Đáp: Nghĩa là mắt đối với sắc đã thấy, sẽ thấy, đang thấy, cùng các thứ hiện có khác của sự thấy đó. Đã thấy là quá khứ. Sẽ thấy là vị lai. Đang thấy là hiện tại. Cùng các thứ hiện có khác, tức là nhãn thức kia hoặc là không, hoặc là chẳng không.

Như nhãn nhập, thì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là Sắc nhập?

Đáp: Nghĩa là sắc đối với mắt đã thấy, sẽ thấy, đang thấy, cùng các thứ hiện có khác. Đã thấy là quá khứ. Sẽ thấy là vị lai. Đang thấy là hiện tại. Cùng các thứ hiện có khác.

Như sắc nhập, thì thanh, hương, vị, xúc, pháp nhập cũng như vậy.

Hỏi: Nếu mười sắc nhập và phần ít của pháp nhập, thể đều là sắc, vì sao chỉ một nhập gọi là sắc nhập?

Đáp: Chính vì sắc tướng của một nhập này là thô, hiện rõ dễ thấy, dễ hiểu, nên gọi là sắc nhập. Do nhập khác thì không như thế, nên lập tên riêng.

Hoặc nói: Chỉ một nhập này là cảnh của hai mắt: nhục nhãn và thiên nhãn, nên gọi là sắc nhập. Vì nhập khác thì không như thế, nên lập tên riêng.

Hoặc cho: Chỉ một nhập này là cảnh của ba mắt: nhục nhãn, thiên nhãn, Thánh tuệ nhãn, nên gọi là sắc nhập. Do nhập khác thì không như vậy, nên lập tên riêng.

Hoặc nêu: Chỉ một nhập này là cảnh của hai mắt, là đối tượng duyên của nhãn thức, nên gọi là sắc nhập. Vì nhập khác thì không như thế, nên lập tên riêng.

Tôn giả Cù Sa nói: Nếu cảnh của hai mắt là đối tượng duyên của nhãn thức thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như thế.

Hoặc nêu: Nếu có thô tế , dài ngắn, phương xứ, đây kia, có thể hiểu rõ thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như thế nên không phải là sắc nhập.

Hoặc nói: Nếu hình tướng to lớn và có thể chứa nhóm dễ nhận biết thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như vậy nên không lập làm sắc nhập.

Hoặc cho: Nếu có thể thiết lập tánh của cạnh góc nơi chốn thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như thế nên không lập làm sắc nhập. Chỉ ở sắc nhập mới thiết lập tự tánh của tất cả góc cạnh nơi chốn.

Hoặc nêu: Nếu có thể thiết lập tánh của do-tuần thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như vậy nên không lập làm sắc nhập.

Hoặc nói: Nếu có thể che trùm các pháp khác như khăn mão thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như vậy nên không lập làm sắc nhập.

Hoặc cho: Nếu có đủ hình sắc hiển sắc thì lập tên sắc nhập. Các nhập khác thì không như vậy nên không lập làm sắc nhập.

Hoặc nêu: Nếu nơi nhập có đủ hai mươi thứ sắc hoặc hai mươi mốt thứ sắc thì lập tên sắc nhập. Do nhập khác thì không như thế nên không phải là sắc nhập.

Hỏi: Thế nào gọi là Xúc nhập? Vì có đối tượng được tiếp xúc nên gọi là xúc nhập, hay vì tánh là tiếp xúc nên gọi là xúc nhập, hay vì là đối tượng duyên của xúc nên gọi là xúc nhập?

Nếu vì có đối tượng được tiếp xúc nên gọi là xúc nhập thì các cực vi lần lượt đã không cùng xúc chạm, làm sao xúc nhập có đối tượng được tiếp xúc?

Nếu tánh là tiếp xúc nên gọi là xúc nhập, thì sắc do bốn đại tạo không phải là tự tánh của xúc, như vậy làm sao tánh của xúc nhập là tiếp xúc?

Nếu vì là đối tượng duyên của xúc nên gọi là xúc nhập, thì điều này cũng là cảnh của tâm tâm số pháp khác, sao chỉ nói là đối tượng duyên của xúc?

Đáp: Nên nói như thế này: Do có đối tượng được tiếp xúc nên gọi là xúc nhập.

Hỏi: Cực vi của các vật lần lượt đã không tiếp xúc, làm sao xúc nhập là có đối tượng được tiếp xúc?

Đáp: Đây là căn cứ theo thế tục để nói, không căn cứ theo thắng nghĩa. Tức theo thế tục thì cảnh được mắt thọ nhận gọi là có thể thấy. Cảnh được tai thọ nhận gọi là có thể nghe. Cho đến cảnh được ý thọ nhận gọi là có thể nhận biết. Thế nên vì có thể tiếp xúc có đối tượng được tiếp xúc nên gọi là xúc nhập.

Tôn giả Bà-tu-mật nói: Cực vi lần lượt hỗ tương cho xúc chăng? Đáp: Cùng không hỗ tương cho xúc. Nếu cùng hỗ tương tức nên trụ đến sát-na thứ hai.

Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Tất cả cực vi thật sự không tiếp xúc với nhau, chỉ do không gián đoạn nên giả lập gọi là xúc.

Hoặc nói: Cực vi lần lượt thật sự là không tiếp xúc nhau, cũng không phải là không gián đoạn, chỉ do hòa hợp trụ kia đây gần nhau nên giả lập gọi là xúc.

Hoặc cho: Vì duyên sinh ra thân thức nên gọi là xúc nhập. Như Khế kinh nói: Sự tiếp xúc của thân làm duyên sinh ra thân thức. Đây là phân biệt rõ về tâm cảnh của thắng nghĩa, nên đối tượng duyên của thân này gọi là xúc nhập.

Hoặc nêu: Đây gọi là xúc nhập, cũng gọi là nơi chốn nuôi lớn, do có thể nuôi lớn các sắc pháp khác khiến tăng thịnh.

Hỏi: Thế nào là Pháp nhập?

Đáp: Nghĩa là đối với pháp, ý thức đã nhận biết, sẽ nhận biết, đang nhận biết. Đã nhận biết là quá khứ. Sẽ nhận biết là vị lai. Đang nhận biết là hiện tại.

Hỏi: Như thể của mười hai nhập đều là pháp, vì sao chỉ một thứ được lập làm pháp nhập?

Đáp: Tuy thể của mười hai nhập đều là pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp nhập cũng không có lỗi. Vì có thí dụ. Như thể của mười tám giới đều là pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên là pháp giới. Lại như mười trí tuy đều duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên là pháp trí. Lại như bảy giác chi tuy đều là trạch pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên là giác chi trạch pháp. Lại như sáu tùy niệm tuy đều là duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên là pháp tùy niệm. Các trường hợp như bốn niệm trụ, bốn chứng tịnh, bốn vô ngại giải v.v… cũng đều như thế. Ở đây cũng như vậy: Tuy thể của mười hai nhập đều là pháp, nhưng chỉ ở nơi một nhập lập tên là pháp nhập cũng không có lỗi.

Hoặc nói: Pháp nhập có một tên gọi, nhập khác có hai tên gọi. Một tên là tên gọi chung do mười hai nhập đều là pháp. Hai tên là tên gọi chung và không chung. Tên gọi chung như trước. Tên gọi không chung: Như nhãn nhập v.v… Vì muốn cho dễ hiểu nên hiển bày tên gọi không chung. Pháp nhập không có tên gọi không chung, tức chỉ hiển thị tên chung nên gọi là pháp nhập.

Hoặc cho: Do sinh khởi tướng sinh của pháp hữu vi chỉ gồm thâu ở nơi nhập này nên gọi là pháp nhập.

Hoặc nêu: Bốn tướng hữu vi là cờ hiệu phong cho tất cả pháp, vì giản biệt hữu vi khác với vô vi, nếu tướng hữu vi kia chính được gồm thâu ở nhập này nên gọi riêng là pháp nhập.

Hoặc nói: Thâu suốt tất cả pháp đều là không, vô ngã, môn giải thoát không được gồm thâu ở nhập này nên gọi là pháp nhập.

Hỏi: Thân kiến hay chấp các pháp là ngã, ngã sở, cũng gồm thâu nơi nhập này, vì sao nhập này không gọi là ngã pháp?

Đáp: Do thân kiến là lối chấp hư vọng, không xứng hợp với thật tướng của các pháp để lãnh hội, thế nên ở đây không lập ngã nhập.

Hoặc cho: Phân biệt tự tướng, cộng tướng của các pháp, an lập các tướng ấy v.v… chỉ thuộc về nhập này nên gọi là pháp nhập. Các nhập khác thì không như thế.

Hoặc nói: Vì có thể gồm thâu nhiều pháp nên gọi là pháp nhập. Trong pháp nhập có nhiều pháp: Nghĩa là pháp sắc – pháp không sắc, pháp có thể thấy – pháp không thể thấy, pháp có đối – pháp không đối, pháp tương ưng – pháp không tương ưng, pháp nương dựa – pháp không nương dựa, pháp hành – pháp không hành, pháp thân – pháp không thân, pháp cùng duyên – pháp không cùng duyên. Đây nói là vì gồm thâu nhiều pháp nên gọi là pháp nhập.

Do vô số nhân duyên như thế, nên trong mười hai nhập chỉ một nhập được lập tên là pháp nhập.

Như Khế kinh Phật nói: Sáu nhập bên trong, trước nói nhãn nhập, cho đến sau nói ý nhập. Sáu nhập bên ngoài, trước nói sắc nhập, cho đến sau nói pháp nhập.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nơi sáu nhập bên trong, trước nói nhãn nhập, cho đến sau nói ý nhập? Sáu nhập bên ngoài, trước nói sắc nhập, cho đến sau nói pháp nhập?

Đáp: Vì căn cứ theo thứ lớp nơi đối tượng nương dựa, đối tượng duyên của sáu thức để nêu giảng. Vì thuận theo tướng của sự giải thích khẳng định theo văn tư.

Hoặc nói: Do tùy thuận nơi pháp thứ lớp của người nêu giảng, người thọ nhận, người hành trì.

Hoặc cho: Vì nhân nơi thô, tế. Sáu nhập bên trong, nhập nào là rất thô? Là nhãn nhập. Thế nên Đức Phật nói trước. Nhập nào là rất tế? Là ý nhập. Thế nên Đức Phật nói sau cùng. Sáu nhập bên ngoài, nhập nào là rất thô? Là sắc nhập. Thế nên Đức Phật nói trước. Nhập nào là rất tế? Là pháp nhập. Thế nên Đức Phật nói sau cùng. Đó là nhân nơi thô tế, nên Đức Phật nơi sáu nhập bên trong, trước nói nhãn nhập, cho đến sau nói ý nhập. Sáu nhập bên ngoài, trước nói sắc nhập, cho đến sau nói pháp nhập.

Khế kinh Phật nói: Này các Tỳ-kheo! Bờ bên này là sáu nhập bên trong. Bờ bên kia là sáu nhập bên ngoài.

Hỏi: Vì sao nơi Khế kinh Phật nói sáu nhập bên trong là bờ bên này, sáu nhập bên ngoài là bờ bên kia?

Đáp: Vì là pháp gần, xa. Như nơi con sông, gần là bờ bên này, xa là bờ bên kia. Như thế gọi tâm là con sông tâm, nương dựa là gần, duyên là xa. Đây gọi là pháp gần xa.

Hoặc nói: Là pháp trên, dưới. Như nơi con sông, tức chỗ dưới thấp là bờ bên này, chỗ trên cao là bờ bên kia. Như thế thì tâm tâm số pháp nơi đối tượng nương dựa là ở dưới, nơi đối tượng duyên là ở trên. Đây gọi là pháp trên dưới.

Hoặc cho: Bờ bên kia là Niết-bàn diệt tận đệ nhất nghĩa. Niếtbàn gồm thâu nhập bên ngoài. Vì thế nên nơi Khế kinh Phật nói sáu nhập bên trong là bờ bên này, sáu nhập bên ngoài là bờ bên kia.

Hỏi: Ở đây pháp gì là như dòng sông để nói sáu nhập trong ngoài là bờ bên này bờ bên kia?

Đáp: Là tâm tâm số pháp như dòng sông, còn các nhập trong như bờ bên này bờ bên kia. Như có dòng sông chảy xiết tràn bờ bên này bên kia cuốn theo các vật hữu tình vô tình hướng ra biển cả. Tâm tâm số pháp cũng lại như thế, chúng lôi cuốn các chúng sinh do các nhập trong ngoài thâu giữ cùng trôi ra biển cả sinh lão bệnh tử.

Hỏi: Đối với dòng sông này pháp gì là thuyền bè?

Đáp: Là tám Thánh đạo. Như vô số chúng sinh đã dựa vào thuyền bè được qua sông. Cũng thế, vô lượng chúng sinh đã dựa vào thuyền bè tám Thánh đạo để được qua sông sinh tử.

Khế kinh Phật nói: Sáu nhập nên nhận biết. Sáu xúc nhập bên trong nên nhận biết là bên trong.

Hỏi: Như ở đây bên ngoài cũng nên nhận biết. Vì sao Đức Thế Tôn nói sáu nhập nên nhận biết. Sáu xúc bên trong nên nhận biết là bên trong.

Đáp: Trong Khế kinh, Đức Thế Tôn nói về nội quán, là nói các căn của nhập bên trong như ý v.v… chớ nên hướng bên ngoài. Trước nên tưởng về bên trong, trong thân, quán thân, sau mới quán ngoài, sau nữa mới quán trong ngoài. Tức là quán bên trong trước.

Hoặc nói: Vì Đức Thế Tôn nhằm chỉ dạy các đệ tử không quán điên đảo. Đức Thế Tôn nói: Chớ nên quán điên đảo về thường, lạc, tịnh, ngã. Nên quán về vô thường, khổ, không, vô ngã, nhân tập bản duyên, dùng tám hành Thánh để phá trừ sinh tử. Đây gọi là quán không điên đảo.

Hoặc cho: Vì Đức Thế Tôn chỉ dạy các đệ tử không quán chung. Đức Thế Tôn nói: Chớ nên quán chung về thô, nhám. Nên quán như bệnh, như ung nhọt, như mũi tên, như rắn độc. Nên quán là vô thường, khổ, không, vô ngã. Sáu xúc bên trong như lửa đốt nơi các hữu. Đó gọi là không quán chung.

Hoặc nêu: Như nơi Khế kinh Đức Phật nói về ý chỉ bên trong.

Hỏi: Vì sao Đức Phật nói ý chỉ bên trong?

Đáp: Vì ngã nên chấp có ngã. Là ta tạo tác, là ngã tạo tác. Tham ái ngã tức nên có vật dụng để tham ái. Vì nhằm nuôi lớn bên trong, nên tìm kiếm vật dụng từ bên ngoài.

Thế nên Khế kinh Phật nói: Sáu nhập nên nhận biết. Sáu xúc nhập bên trong nên nhận biết là bên trong.

Hỏi: Sáu nhập, sáu xúc nhập có gì khác biệt?

Đáp: Có thuyết nói: Không có khác biệt. Sáu nhập là nhãn nhập, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập. Sáu xúc nhập cũng là nhãn nhập, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập. Thế nên không có khác biệt.

Lại có thuyết cho: Có khác biệt. Nói gần là sáu nhập. Nói xa là sáu xúc nhập. Như đã nói thì sáu nhập là hiện tại. Sáu xúc là quá khứ, vị lai.

Lại có thuyết nêu: Nói gần là sáu xúc. Nói xa là sáu nhập. Như đã nói thì sáu xúc nhập là hiện tại. Sáu nhập là quá khứ, vị lai.

Hoặc nói: Chuyển biến lúc đang hành là sáu xúc nhập. Ngoài ra là sáu nhập.

Hoặc cho: Tức dựa vào sáu nhập tạo ra hành là sáu nhập. Dựa vào sáu xúc tạo ra hành là sáu xúc nhập.

Hoặc nêu: Các thứ hiện có là sáu xúc nhập. Các thứ hiện có khác là sáu nhập. Như nói: Bát của Tỳ-kheo. Tánh của bát kia là bát, do Tỳ-kheo sử dụng, nên nói là bát của Tỳ-kheo. Như thế nên nói: Các thứ hiện có là sáu xúc nhập. Các thứ hiện có khác là sáu nhập.

Tôn giả Đà-la-nan-đề nói: Tánh nơi nhập là sáu nhập. Hành nơi nhập là sáu xúc nhập. Như nói: Bát sắt đựng sữa tô. Tánh của bát là sắt, bát do dựa vào việc dùng đựng sữa tô nên nói là bát sắt đựng sữa tô. Như thế nên nói: Tánh nơi nhập là sáu nhập. Hành nơi nhập là sáu xúc nhập.

Khế kinh Phật nói: Hai nhập là chúng sinh vô tưởng cùng cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Hỏi: Vì sao Khế kinh Phật nói hai nhập là chúng sinh vô tưởng cùng cõi trời Hữu tưởng vô tưởng?

Đáp: Hai thứ tên gọi của địa khác: (1) Thức trụ. (2) Chúng sinh cư trú. Vì muốn khiến trong hai nhập tạo ra hai tên gọi. Nghĩa là ở đây tuy có tên gọi của chúng sinh cư trú nhưng không có tên gọi của thức trụ, nên nơi Khế kinh Phật nói: Hai nhập là chúng sinh vô tưởng cùng cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Hoặc nói: Khế kinh Phật nói: Chúng sinh ở nơi xứ thức trụ cùng thiết lập xong, tức là chúng sinh ở trong thức trụ không thâu tóm, thì chúng sinh đó được lập hai nhập: Là chúng sinh vô tưởng và cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Hoặc cho: Vì thọ mạng nhiều. Xứ sở của hết thảy hàng phàm phu không có thọ mạng như thế, tức như nơi cõi trời Vô tưởng. Tất cả xứ sở không có thọ mạng, như nơi cõi Hữu tưởng vô tưởng. Đây nói là vì thọ mạng nhiều. Do đấy nơi Khế kinh Phật nói: Hai nhập là chúng sinh vô tưởng và cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Hoặc nêu: Vì đoạn trừ ý tưởng của hàng dị học. Hàng dị học đối với hai nhập này chấp cho là giải thoát. Đức Thế Tôn nói: Đây là nhập sinh tử không phải là giải thoát. Đó gọi là nhằm đoạn trừ tưởng chấp của hàng dị học. Vì thế nên nơi Khế kinh Phật nói: Hai nhập là chúng sinh vô tưởng và cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Hoặc nói: Là pháp hành tác. Hàng dị học đối với hai nhập này chấp cho là giải thoát, không có hành tác. Đức Thế Tôn nói trong hai nhập ấy lại là hành tác như nơi các cõi, các nẻo, các loài luân chuyển trong sinh tử. Đây gọi là pháp hành tác. Thế nên nơi Khế kinh Phật nói: Hai nhập là chúng sinh vô tưởng và cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Hoặc cho: Là pháp thoái chuyển. Hàng dị học đối với hai nhập ấy khởi tưởng chấp cho là giải thoát không thoái chuyển. Đức Thế Tôn nói: Trong hai nhập này lại còn thoái chuyển nơi các cõi, các nẻo, các loài luân chuyển trong sinh tử. Đây gọi là pháp thoái chuyển. Vì thế nên nơi Khế kinh Phật nói: Hai nhập là chúng sinh vô tưởng và cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Khế kinh Phật nói: Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Đức Thế Tôn, thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn đã nêu ra các nhập, thật không có gì hơn. Nghĩa là mười hai nhập này bao gồm tất cả pháp. Đây là do Đức Thế Tôn đã dùng trí kiến rốt ráo trọn vẹn. Vượt qua trí kiến ấy thì không còn có pháp nào làm đối tượng thấy biết. Nên nếu có Sa-môn, Bà-la-môn biết rõ các pháp vượt hơn Đức Thế Tôn thì không có điều ấy.

Hỏi: Tôn giả Xá-lợi-phất do đâu nhận biết mười hai nhập này là bao gồm tất cả pháp để tán thán Đức Thế Tôn đã nêu ra các nhập là không gì hơn?

Đáp: Do lời dạy nên nhận biết. Tức Tôn giả Xá-lợi-phất đã chứng được bốn chứng tịnh, nên đối với các điều Đức Phật giảng nói đều quyết định tin tưởng, thọ trì. Vì từng được nghe Đức Thế Tôn nêu bày mười hai nhập này gồm thâu tất cả pháp, do đó nên Tôn giả nhận biết.

Hỏi: Tôn giả Xá-lợi-phất đối với mười hai nhập này chỉ có giáo trí, không có chứng trí chăng?

Đáp: Cũng có chứng trí. Nghĩa là Tôn giả Xá-lợi-phất đối với mười hai nhập này cũng có thể nơi mỗi mỗi nhập chứng biết thuận hợp.

Hỏi: Mười hai nhập này, Đức Phật và Tôn giả Xá-lợi-phất đều có thể đối với mỗi mỗi nhập chứng biết thuận hợp. Vậy thì giữa Đức Phật và Tôn giả Xá-lợi-phất có gì khác biệt?

Đáp: Mười hai nhập này, Đức Phật chứng biết về tự tướng và cộng tướng của chúng với từng thứ một. Còn Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ chứng biết nơi cộng tướng, về tự tướng của chúng thì chưa thể đối với mỗi mỗi nhập chứng biết như thật. Tức trong mười hai nhập này bao gồm vô lượng vô sắc các nhập sai biệt, Tôn giả Xá-lợi-phất cần có người khác chỉ bày mới có thể nhận biết.

Hoặc nói: Đối với mười hai nhập này, Đức Phật có đủ Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí. Còn Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ có Nhất thiết trí, không có Nhất thiết chủng trí.

Hoặc cho: Đối với mười hai nhập này, Đức Phật không phải nương vào sáu thức mới chứng biết chúng là như thế. Còn Tôn giả Xá-lợi-phất cần phải dựa vào sáu thức mới có thể chứng biết chúng là như thế.

Hỏi: Thế nào là Đức Thế Tôn vì những người thọ nhận sự hóa độ nên nói giới, nói nhập?

Đáp: Đức Thế Tôn giáo hóa các chúng sinh có hai hạng: Đối với tất cả pháp không có hiểu biết và đối với tất cả pháp có hiểu biết. Đối với hạng không có hiểu biết thì nói về giới. Đối với hạng có hiểu biết thì nói về nhập.

Hoặc nói: Đức Thế Tôn giáo hóa các chúng sinh có hai loại: Là lợi căn và độn căn. Đối với hàng độn căn thì nói về giới. Đối với hàng lợi căn thì nói về nhập.

Hoặc cho: Đức Thế Tôn giáo hóa các chúng sinh, hoặc đối với hạng có lực của nhân lớn, hoặc đối với hạng có lực của duyên nhiều. Đối với hạng có lực của nhân lớn thì giảng nói nhập. Đối với hạng có sức của duyên nhiều thì giảng nói giới.

Hoặc nêu: Đức Thế Tôn giáo hóa các chúng sinh, hoặc có loại lực bên trong nhiều, hoặc có loại lực bên ngoài nhiều. Đối với hạng có lực bên trong nhiều thì giảng nói nhập. Đối với hạng có lực bên ngoài nhiều thì giảng nói giới.

Hoặc nói: Đức Thế Tôn giáo hóa các chúng sinh, có loại bên trong suy niệm nuôi lớn thân, có loại từ nơi người khác nghe rồi lãnh hội. Đối với loại trước thì giảng nói nhập. Đối với loại sau thì giảng nói giới.

Hoặc cho: Đức Thế Tôn giáo hóa các chúng sinh, hoặc có hạng mới nghe qua liền nhận biết, hoặc có hạng phải phân biệt mới nhận biết. Đối với hạng mới nghe qua liền nhận biết thì giảng nói nhập. Đối với hạng phải phân biệt mới nhận biết thì giảng nói giới.

Hoặc nêu: Nếu các chúng sinh đối với giới có chỗ ngu tối thì vì họ giảng nói giới. Các chúng sinh đối với nhập có chỗ ngu tối thì vì họ giảng nói nhập.

Hoặc nói: Đối với các chúng sinh dựa nơi chủng tánh thì vì họ giảng nói giới, do nghĩa chủng tánh là nghĩa của giới. Đối với các chúng sinh dựa vào của cải vật dụng thì vì họ giảng nói nhập, do nghĩa môn sinh khởi là nghĩa của nhập.

Như thế là Đức Thế Tôn vì giáo hóa các chúng sinh nên giảng nói về giới, nhập.

Nói rộng về Xứ mười hai nhập xong.

*

Phần thứ 19: XỨ NĂM ẤM

Năm ấm: (1) Sắc ấm. (2) Thống ấm (Thọ ấm). (3) Tưởng ấm. (4) Hành ấm. (5) Thức ấm.

Hỏi: Thế nào là Sắc ấm?

Đáp: Như Khế kinh Phật nói: Thế nào là sắc ấm? Là các sắc hiện có nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc xấu, hoặc đẹp, hoặc xa, hoặc gần. Tất cả sắc ấy không phải là ngã. Ngã không phải là sắc ấy. Như thế dùng tuệ quán đúng như thật. Đó gọi là Sắc ấm.

Như vậy, lại có Khế kinh nói: Thế nào là Sắc ấm? Là các sắc hiện có, hết thảy sắc ấy là bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra.

Trong A-tỳ-đàm nói: Thế nào là Sắc ấm? Là mười sắc nhập cùng các sắc ở trong pháp nhập.

Hỏi: Ba thuyết vừa nêu có sai biệt gì?

Đáp: Trong tất cả ba thuyết mỗi mỗi đều có ý ngăn trừ tông chỉ của kẻ khác.

Hỏi: Như nơi Khế kinh nói: Thế nào là Sắc ấm? Tức là các sắc hiện có nơi quá khứ hiện tại vị lai, hoặc trong hoặc ngoài v.v… Như thế dùng tuệ quán đúng như thật. Ở đây là nhằm ngăn trừ về ý tưởng nào?

Đáp: Vào thời này có dị học xuất gia tên là Lao La Thi Khí, đối với sắc quá khứ, vị lai cho chúng không phải là sắc ấm. Vì nhằm ngăn trừ ý tưởng của dị học đó, nên Khế kinh nói: Thế nào là Sắc ấm? Là các sắc hiện có nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, cho đến dùng tuệ quán đúng như thật.

Hỏi: Như đã nói: Thế nào là Sắc ấm? Tức là các sắc hiện có, hết thảy sắc ấy là bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra. Ở đây là nhằm ngăn trừ về ý tưởng nào?

Đáp: Vì quán về vị lai. Như nơi Khế kinh Phật nói: Bậc Nhất thiết trí khéo biết khéo thấy về quá khứ, vị lai, hiện tại. Trong đời vị lai, sau khi Ta Bát Niết-bàn, tất có người cho là lìa bốn đại thì không có một pháp sắc nào được tạo riêng. Vì nhằm ngăn trừ ý tưởng ấy, nên Khế kinh nói: Thế nào là Sắc ấm? Là các sắc hiện có, hết thảy sắc ấy là bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra.

Hỏi: Như đã nói: Thế nào là Sắc ấm? Tức là mười sắc nhập cùng các sắc ở trong pháp nhập. Ở đây là nhằm ngăn trừ ý tưởng nào?

Đáp: Vào thời này có Tôn giả Đàm-ma-đa-la cho là sắc trong pháp nhập không phải thuộc về sắc ấm.

Hỏi: Vì sao Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói là sắc trong pháp nhập không thuộc về sắc ấm?

Đáp: Vì Tôn giả ấy cho: Sắc nhân nơi năm thức thân, là duyên của năm thức thân, được gọi là sắc. Sắc ở trong pháp nhập không phải là nhân nơi năm thức thân, không phải là duyên của năm thức thân. Thế nên sắc ở trong pháp nhập kia không phải là sắc.

Vì nhằm ngăn trừ ý tưởng ấy nên nói về số lượng: Thế nào là Sắc ấm? Là mười sắc nhập cùng các sắc ở trong pháp nhập.

Hỏi: Nếu như vậy thì thuyết của Tôn giả Đàm-ma-đa-la kia làm sao thông? Thuyết ấy nói: Sắc nhân nơi năm thức thân, là duyên của năm thức thân, được gọi là sắc. Còn sắc ở trong pháp nhập không phải là nhân nơi năm thức thân, không phải là duyên của năm thức thân.

Đáp: Các sắc hiện có đều là đối tượng nương dựa của năm thức thân và đối tượng duyên của sáu thức. Sắc thuộc về pháp nhập tuy không phải là đối tượng nương dựa, đối tượng duyên của năm thức thân, nhưng là sắc thuộc đối tượng duyên của ý thức.

Hoặc cho: Các sắc do pháp nhập thâu giữ đều nương vào bốn đại để được sinh khởi. Tức từ nơi chỗ nương dựa để nói về chúng ở trong đối tượng duyên của thân thức, nên thuyết của Tôn giả Đàmma-đa-la cũng không có lỗi.

Hỏi: Thế nào là Thọ ấm?

Đáp: Là sáu thọ nơi thân. Tức là thọ do nhãn xúc sinh ra cho đến thọ do ý xúc sinh ra. Đây là theo như Khế kinh Phật nói. A-tỳđàm nói cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là Tưởng ấm?

Đáp: Là sáu tưởng nơi thân. Tức là tưởng do nhãn xúc sinh ra cho đến tưởng do ý xúc sinh ra. Tưởng ấm này như nơi Khế kinh đã nói. A-tỳ-đàm cũng nói như vậy.

Hỏi: Thế nào là Hành ấm?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Hành ấm? Là sáu tư nơi thân. Tức là nhãn xúc sinh ra tư, cho đến ý xúc sinh ra tư.

A-tỳ-đàm nói: Thế nào là Hành ấm? Hành ấm có hai thứ: (1) Hành tương ưng. (2) Hành không tương ưng.

Hỏi: Thế nào là hành ấm tương ưng với tâm?

Đáp: Là thọ, tưởng, tư, xúc, ức, dục, giải thoát, niệm, định, tuệ, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký, kiết, phược, sử, phiền não, triền, đối tượng nhận biết, đối tượng nhận thấy, đối tượng quán xét. Như thế là các hành hiện có tương ưng với tâm. Đây gọi là hành ấm tương ưng với tâm.

Hỏi: Thế nào là hành ấm không tương ưng với tâm?

Đáp: Là đắc, định vô tưởng, định diệt tận, vô tưởng, mạng căn, chủng loại đắc, xứ đắc, chủng đắc, nhập, sinh, lão, vô thường, danh thân, cú thân, vị thân. Như thế là các hành hiện có không tương ưng với tâm. Đây gọi là hành ấm không tương ưng với tâm.

Hỏi: Vì sao Đức Phật – Thế Tôn trong tất cả hành ấm tương ưng, không tương ưng chỉ riêng nói tư là hành ấm?

Đáp: Vì tư này ở trong việc thiết lập hành ấm là đứng đầu, vì tư có khả năng dẫn đường, thâu giữ, nuôi sống các hành, nên Đức Phật đã nêu riêng. Cũng như ái là đứng đầu trong việc thiết lập pháp tập đế, vì ái có khả năng dẫn đường, thâu tóm, nuôi lớn các tập, nên Đức Phật đã nêu riêng.

Hoặc nói: Do tạo tác các pháp hữu vi nên gọi là hành. Tự tánh của tư là tạo tác gây dựng, các pháp khác thì không như thế. Do vậy tư được nói là hành ấm.

Hỏi: Thế nào là Thức ấm?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Thức ấm? Là sáu thức thân. Tức là nhãn thức cho ý thức. Thức ấm này như Khế kinh đã nói. A-tỳ-đàm nói cũng như vậy.

Đây là tánh của ấm. Tánh ấy là thể tướng hiện có nơi thân.

Đã nói về tánh của ấm. Tiếp theo là nói về hành.

Hỏi: Vì sao gọi là ấm? Ấm có nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa tụ tập là nghĩa của ấm. Nghĩa hòa hợp, nghĩa tích chứa, nghĩa tóm lược. Nếu thiết lập về đời tức là thiết lập ấm. Nếu nhiều tăng ngữ là tăng ngữ của ấm.

Nghĩa tụ tập là nghĩa của ấm: Nghĩa là các sắc hiện có, hoặc là quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả sắc ấy chung hợp lại thành một nhóm lập làm sắc ấm. Cho đến thức ấm có nghĩa tụ tập cũng như thế.

Nghĩa hòa hợp là nghĩa của ấm: Nghĩa là các sắc hiện có, hoặc là quá khứ vị lai hiện tại, tất cả sắc ấy chung lại thành một hòa hợp lập làm một sắc ấm. Cho đến thức ấm có nghĩa hòa cũng như thế.

Nghĩa tích chứa là nghĩa của ấm: Như vô số các thứ vật gom chung lại thành một nhóm tích chứa. Các sắc như thế gom chung lại thành một khối tích chứa lập làm sắc ấm. Cho đến thức ấm có nghĩa tích chứa cũng như thế.

Nghĩa tóm lược là nghĩa của ấm: Nghĩa là các sắc hiện có, hoặc là quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong ngoài, hoặc thô tế, hoặc xấu đẹp, hoặc xa gần, tất cả sắc ấy được tóm lược chung lại một nơi chốn lập làm sắc ấm. Cho đến thức ấm có nghĩa tóm lược cũng như thế.

Nếu thiết lập về đời tức là thiết lập ấm: Tức là sắc ấm có thể thiết lập có ba đời, cho đến thức ấm cũng thiết lập có ba đời.

Nếu nhiều tăng ngữ là tăng ngữ của ấm: Tức là sắc có nhiều tăng ngữ, cho đến thức ấm cũng có nhiều tăng ngữ.

Hỏi: Nếu có nhiều tăng ngữ là tăng ngữ của ấm, thì có một cực vi cũng gọi là sắc ấm chăng?

Đáp: Không thể dùng một cực vi để lập sắc ấm. Nếu lập được sắc ấm cần phải có nhiều cực vi.

Hoặc nói: Mỗi mỗi cực vi đều có tướng của ấm, nên cũng có thể đều lập riêng làm sắc ấm. Nếu một cực vi không có tướng của ấm thì tụ tập rất nhiều cực vi cũng không thành ấm.

Người A-tỳ-đàm cho: Nếu quán ấm giả thì nên nói: Một cực vi là một giới, một nhập và phần ít của một ấm. Nếu không quán uẩn giả thì nên nói: Một cực vi là một giới, một nhập, một ấm. Như một người đến bên đống lúa lượm lên một hạt lúa. Người khác hỏi: Ông lấy gì đó? Nếu người hỏi nhìn thấy đống lúa thì trả lời: Tôi lấy một hạt lúa của đống lúa này. Nếu người hỏi không để ý tới đống lúa thì trả lời: Tôi lấy một hạt lúa. Cho đến thức ấm, mỗi mỗi sát-na hỏi đáp cũng như thế.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn trước nói sắc ấm, cho đến sau cùng nói thức ấm?

Đáp: Vì Đức Thế Tôn tùy thuận nơi người khác. Như thế là tùy thuận nơi kẻ khác nên pháp vị được thuận theo thứ lớp.

Hoặc nói: Đức Thế Tôn giảng nói là tùy thuận, người thọ nhận giáo pháp cũng tùy thuận.

Hoặc cho: Vì theo tính cách thô tế của các pháp. Trong năm ấm, ấm nào là rất thô? Tức sắc ấm. Thế nên Đức Phật nói sắc ấm trước. Trong bốn ấm không có sắc, ấm nào là rất thô? Tức ấm thọ. Thế nên Đức Phật nói trước.

Hỏi: Bốn ấm như thọ này là không hình, không có nơi chốn, cũng không thể trông thấy, vì sao có thể nhận biết là thô tế?

Đáp: Căn cứ theo hành tướng nên biết. Như nói: Đau tay, đau chân, nhức đầu như thế. Vì sự đau nhức như vậy là hành tướng, nên biết được thọ có thô tế. Ấm nào là tế nhất? Là thức ấm. Vì thế nên Đức Phật nói sau hết. Do vậy nên nơi Khế kinh, Đức Phật trước nói sắc ấm, cho đến sau cùng là nói thức ấm.

Hỏi: Vì sao trong tâm số pháp, thọ ấm, tưởng ấm được lập riêng làm ấm, còn tâm số pháp khác lại lập làm hành ấm?

Đáp: Vì Đức Phật – Thế Tôn đối với pháp luôn thấu đạt thông tỏ, không ái có thể vượt hơn. Đức Phật nhận biết đầy đủ về pháp tướng, về các hành. Như pháp có thể riêng đảm nhận thì lập riêng làm ấm. Như có thể đảm nhận nơi phẩm thì lập nơi phẩm.

Hoặc nói: Đây là nhằm hiện bày hai môn, hai tóm lược, hai độ, hai ngọn đuốc, hai hào quang, hai ánh sáng, đều hiện bày hai số. Như thọ ấm, tưởng ấm được lập riêng làm ấm, thì tâm số pháp khác cũng nên lập. Như tâm số pháp khác lập một hành ấm, thì thọ tưởng cũng được lập hành ấm. Như vậy, ấm hoặc lập ba, hoặc mười ba. Do đó nói: Đây là nhằm hiện bày hai môn, hai tóm lược, hai độ, hai ngọn đuốc, hai hào quang, hai ánh sáng, đều hiện bày hai số.

Hoặc cho: Vì nhằm làm sáng tỏ hai môn pháp yếu, thế nên lập riêng thọ tưởng làm ấm. Tức các tâm số pháp có thứ là tánh căn, có thứ không phải là tánh căn. Nếu khi lập riêng thọ làm ấm nên biết là đã nói về tâm số pháp thuộc tánh căn. Nếu khi lập tưởng làm ấm, nên biết là đã nói về tâm số pháp không phải thuộc tánh căn.

Hoặc nêu: Thọ tưởng là đã hiển bày hai pháp, hai cõi, nên lập riêng làm ấm. Tức thọ ấm hiển bày nơi cõi sắc có các thọ như hỷ lạc ở cõi ấy được tăng thêm. Còn tưởng ấm hiển bày nơi cõi vô sắc có các tưởng như không, thức.

Hoặc nói: Do hai pháp này nên các hành giả đối với hai cõi tỏ ra chán lìa nên lập làm ấm. Tức do sức của thọ nên các hành giả tỏ ra chán lìa đối với cõi sắc. Do sức của tưởng nên các hành giả chán lìa đối với cõi vô sắc.

Hoặc cho: Các loài hữu tình do tham đắm nơi lạc thọ, chấp tưởng điên đảo nên sinh tử luân hồi chịu bao khổ não. Vì muốn nhận biết rõ lỗi lầm của hai thứ đó nên lập riêng làm ấm.

Hỏi: Năm ấm hữu vi đều nên gọi là hành cả. Vì sao chỉ có một thứ lập là hành ấm?

Đáp: Như mười tám giới, mười hai nhập v.v… tuy đều là pháp, nhưng chỉ một thứ được lập làm pháp giới, pháp nhập v.v… Như thế, năm ấm này tuy đều là hành nhưng chỉ một thứ được lập làm hành ấm cũng không có lỗi.

Hoặc nói: Tướng sinh của tất cả hành sinh khởi chỉ ở nơi ấm này thâu giữ, nên gọi riêng là hành ấm.

Hoặc cho: Bốn tướng hữu vi là cờ hiệu ấn phong của tất cả hành, phân biệt rõ hữu vi khác với vô vi và tướng ấy chỉ ở nơi ấm này thâu giữ, nên riêng gọi là hành ấm.

Hoặc nêu: Do có nhiều pháp hợp tụ nên gọi là hành ấm. Tức ở đây có nhiều pháp hợp vào như tương ưng – không tương ưng, nương dựa – không nương dựa, hành – không hành, thân – không thân, cùng duyên – không cùng duyên. Đó gọi là do nhiều pháp hợp tụ nên gọi là hành ấm.

Hỏi: Vì sao vô vi không lập trong ấm?

Đáp: Vì không phải là tên của ấm, cũng không phải là tánh của ấm. Không phải là tên của sắc, cũng không phải là tánh của sắc, nên không lập trong sắc ấm. Không phải là tên của thọ, cũng không phải tánh của thọ, nên không lập trong thọ ấm. Không phải là tên gọi của tưởng, cũng không phải là tánh của tưởng, nên không lập trong tưởng ấm. Không phải là tên của hành, cũng không phải là tánh của hành, nên không lập trong hành ấm. Không phải là tên của thức, cũng không phải là tánh của thức, nên không lập trong thức ấm.

Nếu có nêu hỏi: Vì sao không lập vô vi trong hành? Vì ấm là có nhiều chủng loại. Nhiều chủng loại thì không phải vô vi.

Hoặc nói: Ấm là gắn liền với sinh, lão, vô thường. Còn vô vi thì không có sinh, lão, vô thường.

Hoặc cho: Ấm là pháp hưng suy, có nhân đạt được tướng hữu vi. Còn vô vi thì không phải là pháp hưng suy, không có nhân đạt được tướng vô vi.

Hoặc nêu: Ấm là sự xoay chuyển của thế gian, tạo ra hành, nhận lấy quả, nhận biết duyên. Còn vô vi thì không phải là sự xoay chuyển của thế gian, không tạo ra hành, không nhận lấy quả, không nhận biết duyên.

Hoặc nói: Ấm là rơi vào thế gian. Vô vi thì không rơi vào thế gian.

Hoặc cho: Ấm là gắn liền nơi ấm. Vô vi là lìa ấm.

Hoặc nêu: Ấm là bị khổ trói buộc. Vô vi thì lìa trói buộc của khổ.

Hoặc nói: Ấm thì có các phần thượng, trung, hạ. Vô vi thì không có thượng trung hạ.

Hoặc cho: Ấm là trước sau có thể đạt được. Vô vi thì không có trước sau.

Do đấy nên vô vi không lập trong ấm.

Khế kinh Phật nói: Có tám vạn pháp thân (Pháp ấm).

Hỏi: Pháp thân có số lượng giới hạn nào?

Đáp: Có thuyết nói: Một số kinh gọi là pháp thân, nghĩa là một thân của Phật kia. Đó gọi là số lượng giới hạn của một thân. Như thế cho đến tất cả tám vạn.

Lại có thuyết nói: Tức nơi Khế kinh nói là ý chỉ (Niệm xứ) đây là số lượng giới hạn của một pháp thân. Như thế, Khế kinh nói: Ý đoạn (Chánh cần), thần túc, căn, lực, giác chủng, đạo chủng. Đó gọi là số lượng giới hạn của một pháp thân. Như thế cho đến tất cả tám vạn. Về số lượng, nghĩa là nói tám chữ là một câu, ba mươi hai chữ làm một Thủ lô:

Có năm trăm ngàn

Cũng lại năm ngàn

Năm trăm năm ngàn Số một pháp thân.

Như thế cho đến tất cả tám vạn. Như vậy, có thuyết nói Khế kinh Phật nêu rõ: Vì giáo hóa nên nói tám vạn độ. Nghĩa là độ người thọ nhận sự giáo hóa, đối với Thánh đạo nên được độ. Tám vạn độ kia gọi là tám vạn pháp thân.

Hỏi: Tức ở đây đã có từng ấy thân vì sao còn lập thân năm ấm?

Đáp: Vì tất cả thân kia đều nhập trong thân năm ấm. Nghĩa là về dục, Đức Phật nói là tánh giáo hóa, tánh đều nhập trong sắc ấm. Nghĩa là về dục, tức Phật nói về tánh của danh, các tánh kia đều nhập trong hành ấm. Do đó tất cả tám vạn pháp thân đều nhập trong năm ấm. Đây là Khế kinh do Đức Phật giảng nói. Nghĩa ngoài thân năm ấm, còn có thân giới, thân định, thân tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến.

Hỏi: Như ở đây là thân năm ấm khác, vì sao lập năm ấm?

Đáp: Vì các thân kia cũng đều ở trong nhập: Thân giới nhập trong sắc ấm, các thân còn lại thì nhập trong hành ấm. Vì thế nên nơi Khế kinh Phật nói năm ấm.

Nói rộng về Xứ năm ấm xong.

*

Phần thứ 20: XỨ NĂM THỊNH ẤM (Năm thủ ấm)

Năm thịnh ấm: (1) Sắc thịnh ấm. (2) Thọ thịnh ấm. (3) Tưởng thịnh ấm. (4) Hành thịnh ấm. (5) Thức thịnh ấm.

Hỏi: Thế nào là Sắc thịnh ấm?

Đáp: Nghĩa là sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, do tham dục sinh nên sinh. Do giận, si cùng với từng ấy phiền não khác nơi tâm sinh khởi nên sinh.

Tham dục sinh nên sinh: Nghĩa là ái. Sân là giận. Si là vô minh.

Cùng với từng ấy phiền não khác nơi tâm sinh khởi nên sinh: Nghĩa là phiền não tương ưng với tâm kia.

Có thuyết nói: Ở đây không nên nói sợ hãi sinh nên sinh.

Hỏi: Vì sao như thế?

Đáp: Vì sợ hãi tánh là không có trí. Tức chúng sinh kia do không có trí nên sợ hãi.

Lại có thuyết cho: Sợ hãi tánh là thân kiến. Tức chúng sinh do chấp có ngã nên sợ hãi. Sợ hãi này cũng ở trong đó. Như đã nói cùng với từng ấy phiền não khác nơi tâm. Nói như thế nghĩa là sợ hãi này tức nên nêu bày.

Hỏi: Vì sao như thế?

Đáp: Vì sợ hãi là tâm tâm số pháp tương ưng.

Hỏi: Sự sợ hãi này ở nơi chốn nào?

Đáp: Ở cõi dục, không phải ở cõi sắc, vô sắc

Hỏi: Nếu ở cõi sắc, cõi vô sắc không có sợ hãi, thì như nơi Khế kinh kia nói làm sao thông? Như nói: Gió kia thổi, lửa cháy đến cảnh trời Phạm Thiên. Nghĩa là chúng sinh sinh lên trời Quang Âm không lâu, chưa từng thấy sự thành hoại nơi thế gian, không nhận biết cảnh thành hoại của thế gian, nên vừa thấy lửa cháy đến là sợ hãi, kinh ngạc, toàn thân run rẩy. Lửa không cháy đến đây chăng? Tất cả chúng sinh sinh lên trời Quang Âm từ trước đã từng thấy cảnh thành hoại của thế gian, nên khi thấy lửa cháy, họ an ủi các chúng sinh kia: Các người chớ nên sợ hãi! Các người chớ có sợ hãi! Lửa này cuối cùng chỉ cháy đến xứ kia, không đến nơi này. Như đã nói: Nơi cõi sắc, vô sắc không có sợ hãi, thế thì ở đây làm sao thông? Như thế nơi bài kệ khác làm sao giải thích?

Thế Tôn biết tất cả

Nói pháp, thành tựu mắt

Như Lai, sư tử người

Trong đời không ai sánh

Lúc ấy trời Trường Thọ

Gọi là sắc vi diệu

Nghe xong, rất sợ hãi

Như nai sợ sư tử.

Hỏi: Nếu nơi cõi sắc, vô sắc không có sợ hãi, thì ở đây làm sao thông?

Đáp: Sợ hãi ở đây nói là chán lìa

Hỏi: Sợ hãi cùng với chán lìa có gì khác biệt?

Đáp: Tên gọi tức là khác biệt. Đây nói là sợ hãi, kia nói là chán lìa. Đó là sự khác biệt.

Hoặc nói: Sợ hãi là ở cõi dục. Chán lìa là ở cả ba cõi.

Hoặc cho: Bị kiết gây chướng ngại là sợ hãi. Bị căn thiện tạo trở ngại là chán lìa.

Tôn giả Bà-tu-mật nói: Sợ hãi và chán lìa có gì khác biệt? Đáp: Bị kiết gây chướng ngại là sợ hãi. Bị căn thiện tạo trở ngại là chán lìa.

Lại nói: Bị pháp bất thiện gây chướng ngại là sợ hãi. Bị pháp thiện tạo trở ngại là chán lìa.

Lại cho: Hai đế gồm thâu là sợ hãi. Ba đế gồm thâu là chán lìa.

Lại nêu: Tánh vô trí là sợ hãi. Tánh thuộc tuệ là chán lìa.

Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Đối với sự việc suy tổn, thân tâm nghi ngờ lo lắng muốn được lánh xa gọi là sợ hãi. Khi đã xa lìa rồi, thân tâm ghét bỏ gọi là chán lìa.

Đây là sự khác biệt giữa sợ hãi và chán lìa.

Hỏi: Người sợ hãi là phàm phu hay là Thánh nhân?

Đáp: Người sợ hãi là phàm phu, không phải là Thánh nhân.

Hỏi: Vì sao người sợ hãi là phàm phu, không phải là Thánh nhân?

Đáp: Vì Thánh nhân kia các sự sợ hãi đã hết.

Lại có thuyết nói: Phàm phu cũng có sợ hãi, Thánh nhân cũng có sợ hãi.

Hỏi: Như Thánh nhân, những sự sợ hãi đã dứt hết, do đâu còn có sợ hãi?

Đáp: Có năm thứ sợ hãi: (1) Sợ hãi về chết. (2) Sợ hãi về nẻo ác. (3) Sợ hãi về không thể sống. (4) Sợ hãi về tiếng xấu ác. (5) Sợ hãi đối với chúng đông. Năm thứ sợ hãi này Thánh nhân đã dứt hết, còn có sợ hãi khác Thánh nhân chưa dứt hết. Thánh nhân là chỉ cho: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật-bích-chi, không phải là Đức Phật.

Hỏi: Vì sao không phải là Đức Phật?

Đáp: Vì Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đối với sợ hãi vĩnh viễn dứt hết.

Như sắc thịnh ấm, thì thọ, tưởng, hành, thức thịnh ấm cũng như vậy.

Đây là tánh của thịnh ấm. Tánh ấy là thể tướng hiện có nơi thân.

Đã nói về tánh của ấm. Tiếp theo là nói về hành.

Hỏi: Vì sao gọi là thịnh ấm? Thịnh ấm có nghĩa gì?

Đáp: Vì từ nơi thọ (thủ) sinh ra nên nói là thịnh. Nghĩa là cũng có thể sinh ra thọ (thủ) nên nói là thịnh. Do được thọ nuôi lớn nên nói là thịnh. Tức cũng có thể nuôi lớn thọ nên nói là thịnh. Do thọ làm tăng trưởng nên nói là thịnh. Tức cũng có thể làm tăng trưởng thọ nên nói là thịnh.

Vì được thọ dẫn dắt nên nói là thịnh. Tức cũng có thể dẫn dắt thọ nên nói là thịnh. Vì được thọ nhận giữ nên nói là thịnh. Tức cũng có thể nhận giữ thọ nên nói là thịnh. Vì được thọ cùng khiến duy trì nên nói là thịnh. Tức cũng có thể cùng khiến thọ duy trì nên nói là thịnh.

Hoặc nói: Vì được thọ khiến chuyển biến nên nói là thịnh. Tức cũng có thể khiến thọ chuyển biến nên nói là thịnh.

Hoặc cho: Các thọ đối với những ấm này luôn đắm nhiễm không bỏ, cũng như bụi cấu thấm dính vào y phục nên gọi là thịnh ấm.

Hoặc nêu: Các ấm này thuộc nơi thọ nên gọi là thịnh ấm. Cũng như quan thuộc về vua nên gọi là quan của vua.

Hoặc nói: Các thọ này như hang ổ, nhà cửa v.v… nên gọi là thịnh ấm. Nghĩa là nương vào đấy, các thứ triền cấu, tham giận si, mạn, nghi đều được sinh trưởng.

Hoặc cho: Các thọ này đối với các ấm ở đây, lúc nên sinh thì sinh, lúc nên trụ thì trụ, lúc nên chấp giữ thì chấp giữ, nên gọi là thịnh ấm. Các hành hữu lậu đều không có ngã. Nếu có hỏi: Ông thuộc về ai? Tức đáp: Là tôi thuộc về thọ (thủ).

Hoặc nêu: Các thọ đối với ấm này luôn khiến tăng trưởng rộng lớn nên gọi là thịnh ấm.

Nên biết ở đây là căn cứ vào đồng phận của thọ (thủ) để lập tên thịnh ấm: Tức dựa vào thọ của cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc để gọi là thịnh ấm của ba cõi. Như dựa vào thọ của ba cõi, thì dựa vào thọ của chín địa nên biết cũng như thế.

Hỏi: Ấm và thịnh ấm có khác biệt gì?

Đáp: Về tên gọi tức là khác biệt: Kia gọi là ấm, còn đây gọi là thịnh ấm.

Hoặc nói: Ấm thì hữu lậu, vô lậu. Thịnh ấm thì hoàn toàn là hữu lậu.

Hoặc cho: Ấm thì nhiễm ô, không nhiễm ô. Thịnh ấm thì hoàn toàn là nhiễm ô.

Hoặc nêu: Ấm thì gồm thâu ba đế. Thịnh ấm thì gồm thâu hai đế.

Hoặc nói: Ấm thì hoặc đoạn, hoặc không đoạn. Thịnh ấm thì hoàn toàn là đoạn.

Hoặc cho: Ấm hoặc tương ưng với thọ (thủ), hoặc không tương ưng. Thịnh ấm thì hoàn toàn tương ưng với thọ.

Hoặc nêu: Chỗ đạt được của ấm hoặc tương ưng với kiết, hoặc không tương ưng. Chỗ đạt được của thịnh ấm thì hoàn toàn tương ưng với kiết, không lìa kiết.

Hoặc nói: Ấm hoặc là học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học. Thịnh ấm thì hoàn toàn là phi học phi vô học.

Đây gọi là sự khác biệt giữa ấm và thịnh ấm.

Nói rộng về Xứ năm thịnh ấm xong.

*

Phần thứ 21: XỨ SÁU GIỚI

Sáu giới: (1) Địa giới. (2) Thủy giới. (3) Hỏa giới. (4) Phong giới. (5) Không giới. (6) Thức giới.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì đây là Khế kinh Phật. Khế kinh Phật này đã nói sáu giới trong tổng số mười tám giới.

Hỏi: Vì sao Khế kinh Phật đã nói sáu giới trong tổng số mười tám giới?

Đáp: Vì nhằm giáo hóa chúng sinh. Đức Thế Tôn giáo hóa, hoặc có hàng lợi căn, hoặc có hàng độn căn. Đối với hàng lợi căn Đức Phật nói sáu giới. Đối với hàng độn căn Đức Phật nói mười tám giới. Như lợi căn – độn căn, thì sức của nhân – sức của duyên, sức bên trong – sức bên ngoài, bên trong tư duy phát triển – từ nơi người khác được nghe đều nên biết cũng như thế.

Hoặc nói: Lược thì nói sáu. Rộng thì nói mười tám. Như lược – rộng, thì phân biệt – không phân biệt, tóm gọn – bàn rộng, sửa đổi – không sửa đổi, dần dần – một lúc, đều nên biết cũng như thế.

Do đấy nên tạo ra phần Luận này.

Sáu giới là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Sáu giới này ở trong mười tám giới, gồm thâu mười giới và phần ít của bảy giới.

Gồm thâu mười giới: Tức bốn đại và không giới gồm thâu mười giới là nhãn giới, sắc giới, nhĩ giới, thanh giới, tỷ giới, hương giới, thiệt giới, vị giới, thân giới, xúc giới.

Gồm thâu phần ít của bảy giới: Tức thức giới gồm thâu bảy giới thuộc tâm. Chỉ gồm thâu phần ít: Nghĩa là bảy giới kia có phần hữu lậu và vô lậu, chỉ gồm thâu phần hữu lậu, không gồm thâu phần vô lậu. Thế nên gọi là phần ít.

Sáu giới là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.

Hỏi: Thế nào là Địa giới (Giới đất)?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Địa giới? Là tánh cứng chắc. Đây là Đức Phật nói chung về địa giới. Song tánh cứng chắc ấy có vô lượng khác biệt: Tánh cứng chắc bên trong khác, bên ngoài cũng khác.

Tánh cứng chắc bên ngoài khác: Như ngôi nhà, tường vách, cây gỗ, hang đá, núi đồi, vàng bạc, lưu ly, ma ni, thủy tinh, ngọc, đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp.

Tánh cứng chắc bên trong khác: Như tóc, lông, móng tay, răng, gân, xương, lá lách, thận, tim, gan, ruột, dạ dày, đại tiểu tiện. Tay, chân khác, các chi tiết kia đều khác. Chân cứng chắc hơn là tay v.v…

Vô số các thứ có tánh cứng chắc giống nhau ở trong hay ở ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Địa giới.

Hỏi: Thế nào là Thủy giới (Giới nước)?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Thủy giới? Là tánh ẩm ướt. Đây là Đức Phật nói chung về thủy giới. Nhưng tánh ẩm ướt ấy có vô lượng khác biệt: Tánh ẩm ướt bên trong khác, bên ngoài cũng khác.

Tánh ẩm ướt bên trong khác: Như nước mắt, nước miếng, đờm dãi, cao mỡ, tủy, não, mật, mủ, máu, tiểu tiện, trong mỗi mỗi chi tiết đều khác.

Tánh ẩm ướt bên ngoài khác: Như suối nước, vực sâu, dòng chảy, nước đầm, nước sông, nước ao, biển cả, cho đến thủy luân.

Vô số các thứ có tánh ẩm ướt giống nhau ở trong hay ở ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Thủy giới.

Hỏi: Thế nào là Hỏa giới (Giới lửa)?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Hỏa giới? Là tánh ấm nóng. Đây là Đức Phật nói chung về hỏa giới. Song tánh ấm nóng ấy có vô lượng khác biệt: Tánh ấm nóng bên trong khác, bên ngoài cũng khác.

Tánh ấm nóng bên trong khác: Như sức nóng của cơ thể, khiến cơ thể khắp nơi đều ấm áp, do đó các thức ăn uống được tiêu hóa dễ dàng. Sức nóng này khiến thân an ổn, nhưng nếu tăng nhiều thì thành bệnh nóng sốt.

Tánh ấm nóng bên ngoài khác: Như lửa đuốc, lửa đèn, lửa nhóm lớn, lửa cực lớn, lửa do các đám cháy rừng, cháy đồng cỏ, cháy xóm làng, ánh nắng mặt trời, lửa nơi địa ngục v.v… Nên nói là sức ấm nóng bên trong có thể mạnh hợn sức nóng ấm bên ngoài. Vì các thức uống ăn được bỏ trong nồi chảo nấu thật chín, sắc chúng không thay đổi. Nhưng khi ăn vào bụng thì màu sắc của chúng sẽ biến dạng.

Vô số các thứ có tánh ấm nóng giống nhau ở trong hay ở ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Hỏa giới.

Hỏi: Thế nào là Phong giới (Giới gió)?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Phong giới? Là tánh nhẹ nhàng, lưu động. Đây là Đức Phật nói chung về phong giới. Song tánh nhẹ nhàng, lưu động này có vô lượng khác biệt: Tánh nhẹ nhàng, lưu động bên trong khác, bên ngoài cũng khác.

Tánh nhẹ nhàng lưu động bên trong khác: Như sức gió ở dưới, ở trên, gió chi tiết, gió trong bụng, gió như dao cắt, gió xương sống, gió co duỗi, gió nổi lên, gió thở do suyễn, gió trăm mạch, nơi mỗi mỗi chi tiết đều khác.

Tánh nhẹ nhàng lưu động bên ngoài khác: Như gió tung đất bụi, gió không có bụi, gió Tỳ-thấp-phược, gió Phệ-lam-bà, gió cuốn gió xoáy, gió thành hoại, gió không thành hoại, cho đến phong luân.

Vô số các thứ có tánh nhẹ nhàng, lưu động giống nhau ở trong hay ở ngoài tóm lược thành một nhóm gọi chung là Phong giới.

Hỏi: Thế nào là Không giới?

Đáp: Khế kinh Phật nói: Thế nào là Không giới? Là sắc, biên vực theo sắc. Gọi là sắc tức là sắc được tạo, ở trong ấy thiết lập như khoảng không của mắt, khoảng không của tai, khoảng không của mũi, khoảng không của miệng, khoảng không của cổ họng, khoảng không ở chỗ thức uống ăn qua lại, khoảng không ở chỗ thức ăn dừng lại tiêu hóa, khoảng không ở chỗ thức ăn đưa xuống dưới.

Lại có thuyết nói: Thế nào là Không giới? Là sắc của biên vực theo không. Ở đây nói sắc của không và sắc chẳng phải không. Sắc chẳng phải không: Là số chúng sinh. Sắc của không: Là chẳng phải số chúng sinh. Nghĩa là khoảng không kia chẳng phải là số chúng sinh, được nêu bày nơi biên vực của sắc. Như khoảng không trong cây, trong lá, trong tường, trong nhà, trong cửa sổ, trong cửa chính. Đây gọi là không, chẳng phải là số chúng sinh, được thiết lập nơi biên vực của sắc.

Cựu A-tỳ-đàm nói: Không giới có mặt khắp nơi. Như tánh của da, tánh của mô, tánh của thịt, tánh của gân, tánh của xương, tánh của tủy. Và các sắc có thể nhận biết. Nơi chốn cũng có thể nhận biết.

Tôn giả Bà-tu-mật nói: Vì sao nhận biết có Không giới? Vì theo Khế kinh nên có thể nhận biết. Đức Thế Tôn cũng nói: Nghĩa là khoảng không trong không ấy, có thứ bị sắc che phủ, có thứ không bị che phủ.

Hỏi: Vì sao theo Khế kinh tức có thể nhận biết, không phải là hiện nhận biết?

Đáp: Hiện tại cũng có thể nhận biết. Nghĩa là như ban ngày, nơi ánh sáng hiện có là phần hiện có của không giới. Như ban đêm, nơi bóng tối hiện có là phần hiện có của không giới.

Lại nói: Hình tướng có thể biết. Nơi chốn cũng có thể biết.

Lại cho: Vì bóng tối của ban đêm bị ngăn che nên không thấy. Vì ánh sáng của ban ngày bị ngăn che nên không thấy.

Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Không giới tuy không thể nhận biết, song không phải là xứ không có trí. Không giới là sắc, không phải là phi sắc, cũng không phải là trụ ở đây, không phải là trụ ở kia. Cũng chẳng phải là không, nghĩa là hình tướng, âm thanh nơi thế gian chuyển biến có thể nhận biết.

Hỏi: Hư không và không giới có gì khác biệt?

Đáp: Hư không không phải là sắc, không giới là sắc. Hư không thì không thể trông thấy, không giới thì có thể trông thấy. Hư không thì không có đối, không giới thì có đối. Hư không là vô vi, không giới là hữu vi.

Hỏi: Nhân luận sinh luận: Nếu hư không là vô vi thì như nơi Khế kinh này nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Đức Thế Tôn dùng tay sờ nắm nơi hư không bảo các Tỳ-kheo v.v… Há chẳng phải là Đức Phật đã dùng tay nắm bắt vô vi rồi nói với các đệ tử?

Đáp: Đây là không giới mà nói là hư không, không phải cho là dùng tay nắm bắt hư không.

Có Khế kinh khác cũng nói: Đức Phật nói với các Tỳ-kheo: Như có một họa sư hoặc các học trò của ông ấy đem các thứ màu sắc lại, nói: Tôi có thể vẽ được hư không, vẽ ra các thứ đường nét, hình ảnh của nó. Việc ấy có thể làm được chăng? Các Tỳ-kheo thưa: Không thể được. Kinh ấy cũng đối với không giới nói là hư không.

Lại có tụng nói:

Thú nương rừng đầm

Chim quy hư không

Thánh quy Niết-bàn

Pháp quy phân biệt.

Tụng này cũng đối với không giới nói là hư không.

Lại có tụng nói:

Hư không bặt dấu chim

Ngoại đạo không Sa-môn

Kẻ ngu ưa hý luận

Như Lai thảy đều không.

Tụng này cũng đối với không giới nói là hư không.

Có Khế kinh khác nói: Chim bay nơi hư không, dấu vết khó hiện bày, cũng không thể tìm được. Đó cũng là đối với không giới mà nói là hư không.

Có chỗ hỏi về hư không, lại lấy không giới để đáp. Như trong Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là hư không? Ấy là có hư không, không có sắc nào ngăn trở, gây chướng ngại, trong đó tới lui khắp chốn luôn tăng trưởng.

Hỏi: Vì sao hỏi hư không mà trả lời bằng không giới?

Đáp: Vì hư không vi tế, khó có thể nêu bày diễn tả. Còn không giới thì có hình tướng thô, dễ nêu bày, chỉ dẫn. Dùng thô để hiển bày tế nên nói như vậy.

Về hư không nên nói như thế này: Hư không là thật có. Không phải vì nói không nhận biết nên cho là không có hư không. Do giáo lý nêu trước nên nhận biết hư không là có thật.

Hỏi: Nếu như vậy thì hư không có tác dụng như thế nào?

Đáp: Hư không là vô vi nên không có tác dụng. Nhưng nó có thể cùng với vô số các thứ không giới làm duyên tăng thượng gần. Vô số các thứ không giới ấy lại có thể cùng với vô số đại chủng làm duyên tăng thượng gần. Vô số các đại chủng kia lại có thể cùng với vô số các thứ sắc tạo có đối làm duyên tăng thượng gần. Các thứ sắc tạo có đối kia lại có thể cùng với các tâm tâm số pháp làm duyên tăng thượng gần. Nếu không có hư không thì các thứ nhân quả thứ lớp lần lượt đều không thể thành lập. Thế nên thể tướng của hư không là thật có.

Hỏi: Thế nào là Thức giới?

Đáp: Là ý thức hữu lậu và năm thức.

Hỏi: Vì sao thức vô lậu không lập thành thức giới?

Đáp: Vì nó cùng với tướng của thức giới không tương ưng. Nếu pháp có khả năng nuôi lớn các hữu, thâu giữ làm tăng ích các hữu, nhận giữ các hữu, thì được lập trong sáu giới. Ý thức vô lậu vì có thể làm tổn giảm các hữu, làm tan hoại các hữu, diệt phá các hữu, thế nên không lập trong sáu giới.

Hoặc nói: Pháp vô lậu có thể đoạn trừ sự nối tiếp của các hữu, có thể đoạn trừ sự luân chuyển của sinh, lão, bệnh, tử. Còn sáu giới này thì có thể nối tiếp sinh tử, luân chuyển theo sinh, lão, bệnh, tử.

Hoặc cho: Pháp vô lậu không phải chủng loại của thân kiến, không phải chủng loại của điên đảo, không phải chủng loại của ái, không phải chủng loại của sử, không phải là xứ của tham, không phải là xứ của giận, không phải là xứ của si, không phải là nhiễm ô xen tạp, không phải là độc hại xen tạp, không phải là cấu đục xen tạp, không phải ở nơi các hữu, không rơi vào khổ, tập đế. Còn sáu giới này là chủng loại của thân kiến, chủng loại của điên đảo, chủng loại của ái, chủng loại của sử, là xứ sở của tham, xứ sở của giận, xứ sở của si, là nhiễm ô xen tạp, độc hại xen tạp, cấu đục xen tạp, ở nơi các hữu, rơi vào khổ, tập đế.

Hoặc nêu: Pháp vô lậu là khổ hết hướng tới đạo, hữu hết hướng tới đạo, tham hết hướng tới đạo, dứt hết sinh, lão, tử hướng tới đạo. Còn sáu giới này là khổ, tập hướng tới đạo, hữu tập hướng tới đạo, tham tập hướng tới đạo, sinh, lão, tử tập hướng tới đạo.

Do đấy nên pháp vô lậu không lập trong sáu giới.

Tôn giả Bà-tu-mật nói: Vì sao giới này nói là hữu lậu? Đáp: Do giới này từ hữu lậu sinh. Còn pháp vô lậu thì không phải từ các lậu sinh.

Lại nói: Giới này sinh từ nơi hữu lậu. Còn pháp vô lậu thì không sinh từ nơi hữu lậu.

Lại cho: Giới là số của sĩ phu, chúng sinh. Pháp vô lậu thì không như thế.

Lại nêu: Giới là số của báo. Pháp vô lậu không phải là số của báo.

Lại nói: Giới là duyên khiến vào thai mẹ, như nói: Nhân nơi giới này nên vào thai mẹ. Không phải nhân nơi pháp vô lậu để vào thai mẹ.

Lại cho: Giới là trụ trong thời gian lâu. Pháp vô lậu thì không trụ trong thời gian lâu.

Thế nên nói là số (thuộc về).

Hai lậu là người

Số cũng báo ứng

Thai mẹ trụ lâu

Tạo kệ giới đủ.

Hỏi: Ấm, thịnh ấm, giới có gì khác biệt?

Đáp: Ấm là thế mạnh đã thành. Thịnh ấm là thế mạnh chuyển tăng. Giới là thế mạnh lại chuyển tăng.

Hoặc nói: Ấm là thiết lập hữu vi. Thịnh ấm là thiết lập hành. Giới là thiết lập hữu lậu.

Đây là nói về sự khác biệt giữa ấm, thịnh ấm, giới.

Nói rộng về Xứ sáu giới xong.

HẾT – QUYỂN 6