LUẬN TỲ BÀ SA
Tác giả: A la hán Thi Đà Bàn Ni
Hán dịch: Đời Phù Tần, Đại sư Tăng Già Bạt Trừng, người nước Kế Tân
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 11

Phần thứ 34: XỨ BỐN ĐẲNG

Bốn Vô lượng đẳng: (1) Từ. (2) Bi. (3) Hỷ. (4) Hộ (Xả).

Hỏi: Vì sao tiếp theo thiền là nói vô lượng đẳng?

Đáp: Vì từ thiền xuất sinh, nên tiếp theo nói về các thiền có công đức khác, tiếp đấy là nói về vô lượng đẳng.

Hỏi: Vô lượng đẳng có tánh gì?

Đáp: Từ, Bi, Hộ (Xả) tánh là không tham. Nếu nhận lấy pháp tương ưng, pháp cùng có kia thì tánh là năm ấm thuộc cõi dục, cõi sắc. Hỷ lấy tánh của hỷ căn làm tánh. Nếu nhận lấy pháp tương ưng, pháp cùng có kia thì tánh là năm ấm thuộc cõi dục, cõi sắc.

Hỏi: Nếu tánh của hỷ là hỷ căn, thì như nơi Luận Thi Thiết của Tôn giả Bà-tu-mật kia đã nói làm sao thông hợp? Như Luận kia nói: Thế nào là Từ?

Đáp: Từ là thống (thọ), tưởng, hành, thức tương ưng với Từ.

Hỏi: Thế nào là thống (thọ) cùng với thống (thọ) tương ưng?

Đáp: Thuyết kia nói nên như vậy.

Hỏi: Thế nào là Từ?

Đáp: Là từ và tưởng, hành, thức tương ưng với từ, nên phải như vậy.

Hỏi: Nếu không như vậy thì nên có ý gì?

Đáp: Luận kia là nói chung tánh của năm ấm. Bốn vô lượng đẳng tuy là thống (thọ), nhưng không cùng với thống (thọ) tương ưng, chỉ tương ưng với tưởng, hành, thức kia. Đây là tánh của vô lượng đẳng đã gieo trồng cùng nơi thân tự nhiện hiện có.

Đã nói về tánh, tiếp theo là nói về hành.

Hỏi: Vì sao gọi là vô lượng? Vô lượng đẳng có nghĩa gì?

Đáp: Vì trừ bỏ hý luận, nên nói là vô lượng đẳng.

Hỏi: Nếu vì trừ bỏ hý luận, nên nói là vô lượng đẳng, thì bốn vô lượng đẳng kia có hai thứ hý luận tạo tác dụng. Vậy trừ bỏ hý luận nào?

Đáp: Từ, Bi trừ bỏ hý luận về kiến. Nghĩa là chúng sinh phần nhiều hành theo kiến chấp, đa số có giận dữ. Hỷ, Hộ (Xả) trừ bỏ hý luận về ái. Do đó, trừ bỏ hý luận nên nói là Vô lượng đẳng.

Hoặc nói: Dứt trừ phóng dật nên nói là Vô lượng đẳng.

Hoặc cho: Vì Thánh hiện bày diệu dụng nên nói là Vô lượng đẳng. Như người hào quý, phần nhiều có vô số các thứ hoạt dụng vui thích. Như thế, Thánh hiện bày diệu dụng gọi là vô lượng đẳng. Đó gọi là vì Thánh hiện bày diệu dụng nên nói là Vô lượng đẳng.

Về cõi: Thuộc cõi dục cũng thuộc cõi sắc.

Về địa: Thuộc bảy địa. Là cõi dục, dựa nơi thiền vị chí, trung gian, cùng bốn thiền căn bản.

Về chỗ dựa: Là dựa vào hành của cõi dục: Từ là hành ban vui.

Bi là hành cứu khổ. Hỷ là hành vui vẻ. Hộ (xả) là hành buông xả.

Về đối tượng duyên: Hoặc có thuyết nói: Vô lượng đẳng của cõi dục duyên nơi thiền thứ nhất. Địa thiền thứ nhất duyên nơi thiền thứ hai. Địa thiền thứ hai duyên nơi thiền thứ ba. Địa thiền thứ ba duyên nơi thiền thứ tư.

Lại có thuyết cho: Duyên nơi địa mình.

Nên nói như thế này: Tất cả duyên nơi cõi dục. Tất cả duyên nơi chúng sinh. Tất cả duyên chung.

Duyên nơi cõi dục: Hoặc duyên nơi chúng sinh năm ấm. Hoặc duyên nơi chúng sinh hai ấm. Nếu tâm mình dừng trụ thì duyên nơi chúng sinh năm ấm. Nếu tâm mình không dừng trụ thì duyên nơi chúng sinh hai ấm.

Về ý chỉ (Niệm xứ): Là bốn ý chỉ.

Về trí: Tánh không phải là trí, tương ưng với đẳng trí.

Về định: Không phải cùng với định tương ưng.

Về thống (Thọ): Là tương ưng chung với ba thọ căn là lạc căn, hỷ căn và xả căn.

Hỏi: Bốn vô lượng đẳng nên nói là quá khứ, nên nói là vị lai, hay nên nói là hiện tại?

Đáp: Nên nói là quá khứ, nên nói là vị lai, nên nói là hiện tại.

Hỏi: Nên nói là duyên nơi quá khứ, nên nói là duyên nơi vị lai, hay nên nói là duyên nơi hiện tại?

Đáp: Nên nói là duyên nơi quá khứ, nên nói là duyên nơi vị lai, nên nói là duyên nơi hiện tại.

Hỏi: Nên nói là duyên nơi ý mình hay nên nói là duyên nơi ý người khác?

Đáp: Nên nói là duyên nơi ý người khác.

Hỏi: Nên nói là duyên nơi danh hay nên nói là duyên nơi nghĩa?

Đáp: Nên nói là duyên nơi danh, nên nói là duyên nơi nghĩa.

Hỏi: Vô lượng đẳng như nói thì hành cũng vậy hay là nói khác, hành khác?

Đáp: Có thuyết cho: Vô lượng đẳng, như nói thì hành cũng vậy, tức trước là hành Từ. Thế nên Đức Thế Tôn trước nói Từ, Bi Hỷ, Hộ (Xả) cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Vô lượng đẳng nói cũng khác, hành cũng khác.

Hỏi: Vì sao nói cũng khác, hành cũng khác?

Đáp: Hoặc có khi chỉ hành Từ đẳng, không hành các đẳng khác.

Hỏi: Vì sao như thế?

Đáp: Vì không có đẳng dần dần đạt chánh thọ, không có thuận với chánh thọ, cũng không có nghịch với chánh thọ, cũng không vượt qua chánh thọ. Như vô lượng đẳng, thì giải thoát, trừ nhập (Thắng xứ), nhất thiết nhập (Biến thế) cũng như thế.

Hỏi: Những người nào có thể hành vô lượng đẳng?

Đáp: Có hai loại người: (1) Cầu tìm điều ác. (2) Cầu tìm công đức.

Kẻ cầu tìm điều ác: Loại này trọn không thể hành vô lượng đẳng, vì nếu có đến trụ xứ của A-la-hán, họ cũng tìm kiếm điều ác: Các vị ấy đã làm gì? Đã phạm những lỗi lầm nào? Đã trì tụng những gì?

Người cầu tìm công đức: Những người này có thể hành vô lượng đẳng, vì nếu có đến chỗ kẻ đoạn dứt căn thiện, họ cũng cầu tìm công đức.

Hỏi: Người đoạn dứt căn thiện là người không có công đức.

Vậy người kia cầu tìm thứ gì?

Đáp: Người đoạn căn thiện kia có thể có thân tướng đoan nghiêm tốt đẹp, họ thấy những hành tác đời trước của mình, thấy rồi khởi suy nghĩ: Hành tạo nơi đời trước của mình là tốt đẹp, như thế tức có thể nhận lấy quả tốt. Đó gọi là kẻ cầu tìm điều ác không thể hành vô lượng đẳng. Người cầu tìm công đức thì có thể hành vô lượng đẳng.

Hỏi: Lúc hành vô lượng đẳng thì tạo phương tiện gì?

Đáp: Tâm từ này, trước hết từ nơi người thân dấy khởi hành. Tất cả chúng sinh được lập làm ba phẩm: Phẩm người thân. Phẩm kẻ thù oán. Phẩm người ở giữa.

Phẩm người thân thuộc kia lại lập ra ba bậc là thượng, trung, hạ. Thượng là cha mẹ, tôn sư. Đối với những người này, người hành hạnh từ, ưa thích mở bày, giảng giải, muốn khiến họ an vui. Có khi tâm của những người này rất ác, khó chế ngự, khó nắm giữ, trong tâm không trụ nơi sự tốt đẹp thân thuộc. Người kia lại tiếp tục tinh tấn, siêng năng không bỏ, tập trung ý, đối với những người thân bậc thượng này luôn mở bày, giải thích, muốn khiến họ an vui. Như người dùng hạt đậu ném trên đầu dùi nhọn, luôn luôn ném không dừng, người ấy tinh tấn, siêng năng không bỏ, chủ yếu là ném cho đến khi hạt đậu được trụ. Như thế, người ấy tinh tấn, siêng năng không bỏ, gồm thâu ý, đối với người thân bậc thượng này ưa thích mở bày, giảng giải, muốn khiến họ an vui. Cho đến khi họ được mở bày, hiểu biết, là hành xong hạnh từ này.

Tiếp tục với người thân hạng trung, hạ, lại mở bày, giải thích. Sau đấy đến loại người hạng trung và phẩm thù oán loại hạ, mở bày, giải thích. Sau là loại trung oán, mở bày tạo hiểu biết, xong đến loại oán tăng thượng, mở bày, tạo hiểu biết, đều muốn cho họ an vui. Như đối với tất cả chúng sinh, bình đẳng, tương xứng, không lừa dối, ưa thích mở bày, tạo hiểu biết, như đối với người thân hạng thượng. Như thế, cho đến kẻ oán tăng thượng cũng vậy.

Đó là thành tựu tâm Từ. Bi, Hỷ cũng như thế. Hộ (Xả) là vì hạng người ở giữa (Không thân, không oán).

Hỏi: Vì sao Hộ (Xả) được lập đối với hạng người ở giữa?

Đáp: Vì nhằm trừ bỏ tâm yêu ghét đối với người thân. Trừ bỏ tâm giận ghét đối với kẻ oán. Thế nên phần trước nói phải mở bày, giảng giải loại trung. Vì đây là chúng sinh, sau đấy mới trừ bỏ người kia là kẻ oán.

Hỏi: Vì sao trước trừ bỏ đối với kẻ oán?

Đáp: Do giận dữ dễ trừ bỏ, không phải là ái. Sau đấy là trừ bỏ hạng thân phẩm thượng. Như tất cả chúng sinh đều bình đẳng, tương xứng, không có lừa dối. Trừ bỏ đối với tất cả chúng sinh rồi, như phẩm trung, như thế đến phẩm thân bậc thượng. Như vậy là hộ (xả) đẳng thành tựu.

Có thuyết nói: Hành Từ trước.

Hỏi: Vì sao hành Từ trước?

Đáp: Vì hành giả kia trước là mong muốn tạo lợi ích cho chúng sinh. Từ là tướng đem đến lợi ích. Đã tạo lợi ích cho chúng sinh, người kia khởi suy nghĩ: Nên trừ bỏ các sự việc không lợi ích. Bi là tướng trừ bỏ sự việc không lợi ích. Đã tạo lợi ích cho chúng sinh rồi, tức nên trừ bỏ những sự việc không lợi ích. Người ấy lại suy nghĩ: Nên khiến cho các chúng sinh vui mừng (Hỷ). Chúng sinh được vui mừng rồi, sau đấy mới xả bỏ đối với chúng sinh.

Lại có thuyết cho: Hành Bi trước.

Hỏi: Vì sao hành Bi trước?

Đáp: Do trước muốn khiến chúng sinh từ bỏ sự việc không lợi ích. Bi: Là trừ bỏ các sự việc không lợi ích. Đã trừ bỏ các sự việc không lợi ích, tức là muốn tạo lợi ích. Từ là tướng đem đến lợi ích. Như do trừ bỏ các sự việc không lợi ích của chúng sinh, đem lại lợi ích, nên người kia suy nghĩ: Nên khiến các chúng sinh được vui mừng (Hỷ), sau đấy là xả bỏ đối với chúng sinh.

Lại có thuyết nêu: Hai vô lượng đẳng này, mỗi mỗi đều cùng mang lấy tánh Bi và Hỷ. Nếu trước đã hành Bi, thì tiếp theo cần phải hành Hỷ.

Hỏi: Vì sao tiếp theo Bi cần phải hành Hỷ?

Đáp: Vì như Bi khiến tâm lo lắng. Người kia sinh Hỷ rồi, tức dứt bỏ lo. Nếu trước hành Hỷ thì tiếp theo nên hành Bi.

Hỏi: Vì sao tiếp theo Hỷ nên hành Bi?

Đáp: Như sinh hỷ thì tâm trạo cử (Điệu), sau đấy nên khởi Bi để thâu nhận.

Hỏi: Muốn khiến chúng sinh ưa chánh thọ Từ, thì dùng an vui nào để cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ?

Đáp: Có thuyết nói: Tự thọ nhận an vui, an vui của ăn uống, mặc y phục, sử dụng giường tòa. Do những an vui như thế đã khiến cho tất cả chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ.

Hỏi: Như ông nói: Tất cả chúng sinh không nên ưa thích mở bày, tỏ ngộ, vì tất cả chúng sinh không có an vui này?

Đáp: Lại có thuyết nói: Do lạc tăng thượng của địa thiền thứ ba, nên khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ.

Hỏi: Như ông nói, tức nếu không được thiền thứ ba thì hành giả kia không thể khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ?

Đáp: Lại có thuyết cho: Trí túc mạng của thiền thứ ba ghi nhớ xong, khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ.

Hỏi: Nếu nói như thế thì người không có trí túc mạng của thiền thứ ba thì không thể khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ?

Đáp: Lại có thuyết nêu: An vui của chúng sinh là duyên của hành giả kia theo đấy để hành Từ.

Hỏi: Nếu nói như thế thì không phải tất cả chúng sinh đều thọ nhận an vui như vậy?

Đáp: Lại có thuyết nói: Có chúng sinh lạc căn hiện ở trước là duyên của hành giả kia theo đấy để hành Từ.

Hỏi: Nếu nói như thế thì không phải tất cả chúng sinh đều có lạc căn hiện ở trước, cũng không phải tất cả chúng sinh đều thành tựu lạc căn như thế?

Đáp: Tôn giả Bà-tu-mật nói: Chúng sinh ưa chánh thọ Từ, định Từ kia, dùng đối tượng duyên nào, dùng an vui nào khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ? Chúng sinh kia tự thọ nhận an vui. Như an vui của ăn uống, mặc y phục, sử dụng giường tòa, là duyên của hành giả kia theo đấy hành Từ.

Hỏi: Định này không nên duyên nơi tất cả chúng sinh, cũng không phải tất cả chúng sinh đều thọ nhận an vui như thế?

Đáp: Lại có thuyết nói: Do lạc tăng thượng của địa thiền thứ ba, khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ.

Hỏi: Định này không nên duyên nơi tất cả chúng sinh, cũng không phải tất cả chúng sinh đều được lạc của địa thiền thứ ba?

Đáp: Lại có thuyết nói: Trí túc mạng của địa thiền thứ ba ghi nhớ xong, khiến cho chúng sinh ưa thích mở bày, tỏ ngộ.

Hỏi: Định này không nên duyên nơi tất cả chúng sinh, cũng không phải tất cả chúng sinh đều được trí túc mạng của địa thiền thứ ba?

Đáp: Lại có thuyết nói: Chúng sinh an lạc là duyên của hành giả kia theo đấy để hành Từ.

Hỏi: Định này không nên duyên nơi tất cả chúng sinh, cũng không phải tất cả chúng sinh đều có an lạc?

Đáp: Lại có thuyết nói: Có chúng sinh lạc căn hiện ở trước, là duyên của hành giả kia theo đấy để hành Từ.

Hỏi: Định này không nên duyên nơi tất cả chúng sinh, cũng không phải tất cả chúng sinh đều có lạc căn hiện ở trước?

Đáp: Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Các Sư Du-già nhận thấy tưởng vui của các chúng sinh cùng với sự thương xót đều có tâm tạo lợi ích, thương xót nhớ nghĩ đến chúng sinh nên hành bình đẳng như đã từng thấy.

Hành giả kia đi vào làng xóm, thành ấp khất thực, trông thấy kẻ không có tiền của, không có giường nằm, lõa hình, hoặc mặc quần áo rách, dơ, tay chân lở lói, đầu tóc rối bời, tay cầm đồ đựng bằng sành đến từng nhà xin ăn giọng nói nhỏ thấp, theo người khác van xin: Nên thí cho kẻ nghèo cùng! Nên ban ân huệ cho kẻ khốn khổ! Nên giúp đỡ cho kẻ cô độc!

Lại trông thấy các đàn voi, ngựa, từng đoàn xe, đông đảo người bộ hành, đội mão vàng, trang sức sặc sỡ chói cả mắt, y phục đẹp, cầm tuy che, đám tùy tùng đánh trống, thổi loa ốc, tấu lên năm thứ kỹ nhạc, như bậc thiên tử.

Chứng kiến hai cảnh tượng ấy rồi, hành giả kia sau bữa ăn, trở lại chốn cũ, cất y bát, rửa chân, hoặc ngồi giường dây, giường gỗ, thân ý hòa dịu, ngồi xong, lấy cảnh khổ của những người kia đặt yên trong cảnh an vui, khiến những kẻ khốn khổ kia cũng như cảnh an lạc này. Thế nên nói: Các Sư Du-già nhận thấy tưởng vui của các chúng sinh cùng với sự thương xót đều có tâm tạo lợi ích, thương xót nhớ nghĩ đến chúng sinh nên hành bình đẳng như đã từng thấy.

Hỏi: Nói muốn khiến cho chúng sinh ưa thích chánh thọ Từ, chúng sinh ấy không thể ưa thích định kia, nên nói là điên đảo hay nên nói là không điên đảo?

Đáp: Nên nói là không điên đảo, vì muốn tạo lợi ích cho chúng sinh.

Hoặc cho: Nên nói là không điên đảo, do ý tốt đẹp.

Hoặc nêu: Nên nói là không điên đảo, vì thương xót chúng sinh.

Tôn giả Bà-tu-mật nói: Nên nói là không điên đảo, vì có chúng sinh lạc căn hiện ở trước, là duyên của hành giả kia theo đấy để hành Từ.

Lại nói: Nên nói là không điên đảo, vì có an vui của chúng sinh, là duyên của hành giả kia theo đấy để hành Từ.

Lại nói: Nên nói là không điên đảo, vì đã hủy hoại giận dữ.

Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Các Sư Du-già không do hành Từ kia, nên chúng sinh được an vui, chỉ từ hành Từ kia nên trừ bỏ giận dữ.

Hỏi: Hành điên đảo cũng trừ bỏ giận dữ chăng?

Đáp: Chánh hạnh trừ bỏ giận dữ, không phải là điên đảo. Nghĩa là dùng hành khác để trừ bỏ giận dữ là bất thiện.

Hoặc cho: Hành giả kia có ý mở bày, hiểu biết như thế, muốn khiến chúng sinh dứt khổ, nên nói là điên đảo. Hành giả kia có ý mở bày, hiểu biết như thế, muốn khiến chúng sinh được an vui, nhưng chúng sinh không được an vui, thì hành giả kia đâu có lỗi gì?

Hoặc nêu: Vì hành giả kia khởi tâm thiện, tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên nói là không điên đảo.

Có thuyết nói: Ở đây nói ba tư duy: (1) Tư duy về tự tướng. (2) Tư duy về tổng tướng. (3) Tư duy đắc giải.

Tư duy về tự tướng: Như tư duy về tướng sắc, từ tướng sắc cho đến tướng thức, tư duy về thức. Đó gọi là tư duy về tự tướng.

Tư duy về tổng tướng: Như mười sáu hành Thánh. Đó gọi là tư duy về tổng tướng.

Tư duy đắc giải: Như ở đây nói về vô lượng đẳng, giải thoát, trừ nhập, nhất thiết nhập. Đó gọi là tư duy đắc giải.

Trong ba tư duy này, nói vô lượng đẳng là tư duy đắc giải, không phải là thứ khác.

Hỏi: Vô lượng đẳng là duyên khắp tất cả chúng sinh hay là có giới hạn nơi phương sở?

Nếu duyên khắp tất cả chúng sinh, thì vì sao không đạt được biên vực của chúng sinh nơi biển cả?

Nếu có giới hạn nơi phương sở, thì như nơi Khế kinh này nói làm sao thông hợp? Như Khế kinh nói: Bốn vô lượng đẳng duyên đủ khắp tất cả thế gian, thành tựu sự du hóa.

Đáp: Có thuyết nói: Vô lượng đẳng duyên khắp tất cả chúng sinh.

Hỏi: Nếu như thế thì vì sao không đạt được biên vực của chúng sinh nơi biển cả?

Đáp: Nếu như không đạt được biên vực của tất cả chúng sinh nơi biển cả, thì có lỗi gì? Nơi Khế kinh Đức Phật nói: Bốn loài là thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh, trừ bốn loài này ra thì không có chúng sinh nào nữa.

Như thế, có đạt được biên vực của chúng sinh nơi biển cả chỉ là tổng tướng, không phải là tự tướng.

Lại có thuyết cho: Vô lượng đẳng có giới hạn của phương sở.

Hỏi: Nếu như vậy thì làm sao thông hợp đối với Khế kinh này? Như nói: Bốn vô lượng đẳng kia duyên đủ khắp tất cả thế gian, thành tựu sự du hóa.

Đáp: Ở đây chúng sinh được nói là phương.

Lại có thuyết cho: Đức Phật duyên khắp tất cả chúng sinh. Thanh văn, Phật-bích-chi thì có giới hạn của phương sở.

Lại có thuyết nêu: Đức Phật, Phật-bích-chi thì duyên khắp tất cả chúng sinh. Hàng Thanh văn thì có giới hạn của phương sở.

Lại có thuyết nói: Đức Phật, Phật-bích-chi và Thanh văn đạt được Ba-la-mật duyên khắp tất cả chúng sinh. Hàng Thanh văn khác thì có giới hạn của phương sở.

Nên nói như vầy: Vô lượng đẳng là tư duy đắc giải. Nếu Đức Phật duyên khắp tất cả chúng sinh, thì Phật-bích-chi, Thanh văn cũng như thế. Nếu Đức Phật duyên có giới hạn của phương sở, thì Phậtbích-chi, Thanh văn cũng như vậy.

Hỏi: Như vô lượng đẳng duyên khắp tất cả chúng sinh, thì vì sao nói ý cùng với Từ đều đầy khắp ở phương Đông xong, thành tựu sự du hóa. Như thế, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, tất cả các phương, ý cùng với Từ đều đầy khắp các phương, thành tựu sự du hóa chăng?

Đáp: Khế kinh này tức nên nói như vầy: Ý cùng với Từ đều đầy khắp nơi chúng sinh của phương Đông xong, thành tựu sự du hóa. Như thế, tất cả các phương Nam, phương Tây, phương Bắc, ý cùng với Từ đều đầy khắp nơi chúng sinh của các phương xong, thành tựu sự du hóa. Sự việc này tức nên như thế.

Hỏi: Nếu không như vậy thì nên có ý gì?

Đáp: Tức ở đây chúng sinh được dùng phương để gọi.

Hỏi: Từng có không phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất, nhưng có thể phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không thể không phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất mà có thể phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai.

Hỏi: Vì sao không thể không phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất mà có thể phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai?

Đáp: Vì vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất và vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai đều dựa vào môn phương tiện. Thế nên nếu không thể phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất thì không thể phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai.

Lại có thuyết cho: Có thể không phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất, vẫn có thể phát khởi được vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai. Như Thánh đạo có thể không phát khởi địa thiền thứ nhất, vẫn có thể phát khởi được địa thiền thứ hai, huống chi vô lượng đẳng là tư duy đắc giải.

Hỏi: Một địa của vô lượng đẳng không thể hiện ở trước thì mỗi mỗi địa theo thứ lớp có thể hiện ở trước hay là không thể?

Đáp: Có thuyết nói: Địa của vô lượng đẳng cũng không thể mỗi mỗi địa đều theo thứ lớp hiện ở trước, nhưng chủ yếu là từ căn thiện tương tợ của một địa kia hiện ở trước. Như thế vô lượng đẳng theo thứ lớp hiện ở trước.

Vô lượng đẳng đã hiện ở trước xong, tức có các hành này: Hành từ ban lạc. Hành bi cứu khổ. Hành hỷ tạo vui. Hành hộ (Xả) buông bỏ.

Hỏi: Trên vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất nhanh chóng phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai chăng? Ở trên vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai nhanh chóng phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất chăng?

Đáp: Trên vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai nhanh chóng phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất, không phải trên vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất nhanh chóng phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai. Như học sách Phạn rồi thì học nhanh chóng sách Khư lâu, không phải học sách Khư lâu xong thì học nhanh chóng sách Phạn. Như thế, trên vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai nhanh chóng phát khởi vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất.

Nơi chương Kiền Độ Định kia nói: Thế nào là tư duy chánh thọ Từ?

Đáp: Là ban vui cho các chúng sinh.

Hỏi: Thế nào là tư duy chánh thọ Bi?

Đáp: Là cứu khổ cho các chúng sinh.

Hỏi: Thế nào là tư duy chánh thọ Hỷ?

Đáp: Là khiến các chúng sinh được vui mừng.

Hỏi: Thế nào là tư duy chánh thọ Hộ (xả)?

Đáp: Là xả bỏ đối với các chúng sinh.

Hỏi: Ở đây, nói chánh thọ là thế nào?

Đáp: Chánh thọ trước đã lấy chánh thọ làm tên. Ở đây là chứng đắc nên đáp như trước đã nói.

Như nơi Khế kinh Đức Thế Tôn nói: Đệ tử của Tu-niết-đa-la, lúc vì chư thiên trên cõi Phạm thiên thuyết pháp, không gồm đủ tất cả giới hạnh, thì các đệ tử kia sau khi mạng chung, hoặc sinh trong trời Tứ Thiên vương, hoặc sinh trong trời Ba mươi ba, hoặc sinh nơi trời Diệm, hoặc sinh nơi trời Đâu Thuật, hoặc sinh nơi trời Hóa Tự Tại, hoặc sinh nơi trời Tha Hóa Tự Tại. Nếu đệ tử của Tu-niết-đa-la, lúc vì chư thiên trên cõi Phạm thiên thuyết pháp, gồm đủ tất cả giới hạnh, thì các đệ tử kia tư duy về xứ du hóa của bốn Phạm ở cõi dục, trừ bỏ dục xong, phần nhiều là du hóa, nên sinh trong cõi Phạm thiên.

Hỏi: Như ở đây đã nói thì Tu-niết-đa-la là hơn, không phải là Đức Thích Ca Văn. Vì sao? Vì đệ tử của Tu-niết-đa-la gồm đủ tất cả giới hạnh, người ấy sinh trong cõi Phạm thiên. Nếu không gồm đủ tất cả giới hạnh, thì sinh trong sáu trời thuộc cõi dục. Còn đệ tử của Đức Thích Ca Văn gồm đủ tất cả giới hạnh, người ấy sinh nơi xứ thiện và cảnh giới Niết-bàn diệt tận. Còn không gồm đủ tất cả giới hạnh, người ấy sinh trong các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Đáp: Điều này không đúng. Vì sao? Vì cần phải từ nơi Khế kinh để cầu tìm thứ lớp do nhân nào, duyên nào? Nơi Khế kinh Đức Phật nói: Tu-niết-đa-la đã dùng vô lượng đẳng là giới, vì chư thiên trên cõi Phạm thiên thuyết pháp. Đệ tử của Tu-niết-đa-la lúc vì chư thiên trên cõi Phạm thiên thuyết pháp, đã cầu vô lượng đẳng, có thể hành đầy đủ vô lượng đẳng, người ấy sinh trong cõi Phạm thiên. Tức Tu-niếtđa-la lúc vì đệ tử trên cõi Phạm thiên giảng nói pháp, đã mong cầu vô lượng đẳng, nhưng không thể hành đầy đủ vô lượng đẳng. Người kia hành căn thiện tăng thượng, sinh trong sáu trời thuộc cõi dục.

Lại nữa, bấy giờ, tất cả chúng sinh đều có hành diệu, tức không hành vô lượng đẳng, người ấy sinh trong sáu trời thuộc cõi dục, huống chi là mong cầu vô lượng đẳng, không thể phát khởi vô lượng đẳng, vì sao người kia có căn thiện tăng thượng lại không sinh trong sáu trời thuộc cõi dục? Đó gọi là trong ấy nói không phạm giới và phá giới.

Đức Thích Ca Văn học hai trăm năm mươi giới cấm là giới, vì chứng đắc Niết-bàn vô dư, nên giảng nói pháp. Đệ tử của Đức Thích Ca Văn không phạm giới, không phá giới, tức sinh nơi xứ thiện, cũng nhập Niết-bàn vô dư. Còn đệ tử của Đức Thích Ca Văn phạm giới, vượt giới, không đầy đủ giới, thì sinh trong các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, tức sinh trong các nẻo ác. Đấy là thứ lớp của Khế kinh.

Lúc này, Tu-niết-đa-la khởi suy nghĩ: Ta không nên như thế, tức cùng sinh một xứ, một nẻo với đệ tử. Ta nên có thể tăng ích tư duy Từ, tăng ích tư duy Từ xong tức sinh trong trời Quang Âm. Ở đây, vào thời gian sau, Tu-niết-đa-la tăng ích tư duy Từ, tăng ích tư duy Từ xong tức sinh trong trời Quang Âm.

Hỏi: Như đã thành Bồ-tát là đoạn trừ hết các thứ ganh ghét xấu ác, vì sao còn tự hành thiền thứ hai để phát khởi vô lượng đẳng và vì đệ tử nói thiền thứ nhất?

Đáp: Vì Tu-niết-đa-la quán sát phần căn bản của đệ tử là có giới hạn.

Hoặc nói: Vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai, vào thời kỳ không có pháp Phật, thì không thể phát khởi được. Chỉ có đã thành Bồ-tát rồi mới có thể phát khởi, ngoài ra hết thảy đều không thể phát khởi.

Hoặc cho: Bồ-tát Tu-niết-đa-la suy nghĩ thế này: Phạm chí ấy, suốt nơi đêm dài sinh tử, muốn mình được làm Phạm thiên, thường nguyện thành Phạm thiên, Phạm thiên là cứu cánh. Ông ta suy niệm: Mong sao cho chúng ta được sinh nơi cõi Phạm thiên, gần gũi Đại Phạm thiên. Bồ-tát Tu-niết-đa-la luôn muốn làm thỏa mãn nguyện vọng của người khác, nên đã tùy theo chỗ mong muốn của người ấy để giảng nói pháp.

Hỏi: Như vô lượng đẳng của thiền thứ ba, thứ tư là rất vi diệu, vì sao chỉ nói vô lượng đẳng của thiền thứ hai là vi diệu?

Đáp: Do Bồ tát Tu-niết-đa-la kia đã vì các đệ tử nói về vô lượng đẳng, nên nói vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai là vi diệu.

Hoặc nói: Vì so với vô lượng đẳng của địa thiền thứ nhất, nên nói vô lượng đẳng của địa thiền thứ hai là vi diệu.

Hoặc cho: Vì Bồ-tát Tu-niết-đa-la đã suy nghĩ: Vô lượng đẳng của địa thiền thứ ba, thứ tư kia, vào thời kỳ không có Phật, thì không thể đạt được.

Tôn giả Cù Sa nói: Nếu ở địa trên có thể đạt được vô lượng đẳng, thì Tu-niết-đa-la không nên nói: Ta nên có thể tăng ích tư duy vô lượng đẳng để được sinh nơi trời Quang Âm, vì đây không phải là địa phàm phu, chỉ nhờ oai thần của Đức Phật, nên khiến cho đệ tử có thể hiện vô lượng đẳng ở trước.

Hỏi: Vì sao nói là xứ du hành của Phạm (Phạm trụ)?

Đáp: Vì Phạm thiên đầu tiên có thể đạt được và tất cả gồm đủ, dựa vào thiền vị chí xong, tuy vị thứ nhất có thể đạt được, song không phải tất cả gồm đủ. Địa trên tuy tất cả có thể đạt được, nhưng không phải là đầu tiên. Trong thiền thứ nhất này, cũng là đầu tiên có thể đạt được, cũng là tất cả gồm đủ, thế nên nói là xứ du hành của Phạm.

Hoặc nói: Vì có thể trừ bỏ phi phạm, nên nói là xứ du hành của Phạm. Phi Phạm là kiết của cõi dục. Thiền thứ nhất kia có thể trừ bỏ. Đây gọi là trừ bỏ xứ du hành của phi Phạm.

Hoặc cho: Vì tư duy về Đại phạm đã được Phạm Thiên vương, nên nói là xứ du hành của Phạm.

Hoặc nêu: Vì dùng Phạm âm để nêu bày, nên nói là xứ du hành của Phạm.

Hoặc nói: Phạm nghĩa là Đức Như Lai đã dùng Phạm âm kia để giảng nói, phân biệt, thiết lập, hiển thị, nên nói là xứ du hành của Phạm.

Hỏi: Vô lượng đẳng và xứ du hành của Phạm có khác biệt gì?

Đáp: Có thuyết nói: Không có khác biệt, vì vô lượng đẳng có bốn: Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xả), còn xứ du hành của Phạm (Phạm trụ) cũng có bốn: Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xả). Thế nên không có khác biệt.

Hoặc cho: Vì thiền thứ nhất có thể đạt được, nên thiền thứ nhất kia gọi là xứ du hành của Phạm. Địa trên có thể đạt được, thì địa trên gọi là vô lượng đẳng.

Hoặc nêu: Vì trừ bỏ phi Phạm, nên gọi là xứ du hành của Phạm. Vì trừ bỏ các thứ hý luận, nên gọi là vô lượng đẳng.

Hoặc nói: Vì trừ bỏ phi Phạm, nên gọi là xứ du hành của Phạm. Vì trừ bỏ phóng dật, nên gọi là vô lượng đẳng.

Hoặc cho: Ba địa có thể nương dựa: Là thiền vị chí, thiền thứ nhất, thiền trung gian, đấy gọi là xứ du hành của Phạm. Bảy địa có thể đạt được: Là cõi dục, thiền vị chí, thiền trung gian, bốn thiền căn bản, đấy gọi là vô lượng đẳng. Vô lượng đẳng và xứ du hành của Phạm có những khác biệt như thế.

Như nơi Khế kinh Đức Thế Tôn nói: Các Tỳ-kheo! Ta tự nhận biết, suốt trong bảy năm, Ta đã tư duy (tu) tâm từ, bảy kiếp thành, hoại, Ta không còn sinh lại nơi chốn ấy nữa. Lúc thế giới hoại, Ta sinh trong trời Quang Âm. Lúc thế giới thành, Ta sinh nơi cung Không tĩnh phạm làm Đại Phạm vương, oai đức tự tại, là bậc tôn quý nhất trong ngàn thế giới. Vào thời gian sau, Ta sinh nơi cõi dục, ba mươi sáu lần làm Thích-đề-hoàn-nhân, và vô lượng trăm ngàn lần làm Chuyển luân Thánh vương.

Có thuyết nói: Ở đây bảy tháng hạ gọi là bảy năm.

Có thuyết cho: Vào thời kỳ tốt đẹp của Bồ-tát, là thời kỳ có nhiều căn thiện, đất không có cát đá, chỉ toàn là các thứ vàng bạc. Bồ tát sinh nơi vùng giữa nước, làm vua nhân gian. Vào mùa nóng bức, cách thành không xa, có vùng rừng núi là nơi chốn tránh nắng cùng du ngoạn. Hằng năm cứ đến tháng hạ, người ở trong thành cùng đi đến vùng rừng núi ấy. Bồ-tát kia, sau khi phân việc sai người giữ thành xong, liền ra khỏi thành, cũng đến vùng rừng núi ấy. Dân chúng thảy đều chăm làm các công việc trong suốt bốn tháng hạ.

Riêng Bồ-tát thì đi đến nơi thật cao ráo, thoáng mát phát khởi vô lượng đẳng. Phát khởi vô lượng đẳng xong, suốt trong bốn tháng hạ tu hành vô lượng đẳng. Sau bốn tháng hạ, mọi người đều ra khỏi rừng trở vào thành, Bồ-tát cũng rời khỏi xứ này trở vào thành. Lúc này, Bồ-tát thiết lập đại hội bố thí, làm phước: Kẻ nào muốn được ăn thì cho ăn, người khát cho thức uống, kẻ rách rưới cho áo mặc, lại thí cho nhà cửa, giường nằm, đèn thắp sáng…

Có thuyết nói: Bồ-tát hành pháp bố thí rồi thì thọ trì giới luật, như thế thứ lớp trải qua sáu lượt mùa hạ, đến lần thứ bảy.

Hoặc có thuyết cho: Sau khi mạng chung, Bồ-tát sinh nơi trời Quang Âm.

Hoặc có thuyết nêu: Lúc kiếp hoại, Bồ-tát mạng chung, sinh lên cõi trời Quang Âm. Thế nên ở đây bảy lần mùa hạ gọi là bảy năm.

Hỏi: Nếu nói quả của vô lượng đẳng là sinh trên cõi Phạm thiên và nơi cõi trời Quang Âm, thì sự việc ấy tức nên như vậy. Tức là quả của vô lượng đẳng thuộc cõi sắc, là pháp cõi sắc. Nếu nói quả của vô lượng đẳng sinh nơi trời Tha hóa tự tại làm thiên tử, hoặc làm Thích-đề-hoàn-nhân nơi trời Ba mươi ba, cùng làm Chuyển luân Thánh vương nơi bốn châu thiên hạ, thì đây là căn thiện của cõi sắc, cõi dục kia không thọ nhận báo, vì sao nói quả của vô lượng đẳng sinh làm thiên tử của trời Tha hóa tự tại, làm Thích-đềhoàn-nhân nơi trời Ba mươi ba và làm Chuyển luân Thánh vương nơi bốn châu thiên hạ?

Đáp: Bồ-tát phát khởi vô lượng đẳng nơi ba địa: Là cõi dục, thiền thứ nhất, thiền thứ hai. Quả của vô lượng đẳng thuộc cõi dục sinh làm thiên tử của trời Tha hóa tự tại, Thích-đề-hoàn-nhân và Chuyển luân Thánh vương. Quả của vô lượng đẳng thuộc địa thiền thứ nhất sinh lên cõi Đại phạm. Quả của vô lượng đẳng thuộc địa thiền thứ hai sinh nơi trời Quang Âm.

Hoặc nói: Vì vô lượng đẳng ở đây, nên cõi dục có tâm xuất, tâm nhập. Như trong thị tứ, tất cả các thứ vật dụng có thể đạt được. Cõi dục cũng như vậy. Cõi dục này cho đến tận trí, vô sinh trí có tướng tương tợ, nên nói là tâm xuất, tâm nhập của cõi dục. Do quả ấy nên sinh nơi trời Tha hóa tự tại làm thiên tử, làm Thích-đề-hoànnhân nơi trời Ba mươi ba và làm Chuyển luân Thánh vương nơi bốn châu thiên hạ. Còn vô lượng đẳng của thiền căn bản sinh nơi trời Đại Phạm và trời Quang Âm.

Hoặc cho: Bồ-tát khi thiết lập đại hội bố thí tạo phước: Đối với kẻ muốn được ăn thì cho ăn, người khát cho thức uống, kẻ rách rưới cho áo mặc, lại thí cho nhà cửa, giường nằm, đèn thắp sáng. Do quả của vô lượng đẳng ấy nên làm Chuyển luân Thánh vương. Nếu là người giữ giới, do quả của vô lượng đẳng ấy nên được làm Thích-đềhoàn-nhân và thiên tử của trời Tha hóa tự tại. Do quả của vô lượng đẳng ấy nên sinh nơi trời Đại Phạm và trời Quang Âm.

Hoặc nêu: Nơi Khế kinh này Đức Phật nói: Có ba phước: (1) Thí. (2) Giới. (3) Tư duy (Tu tập). Khế kinh này nói: Các Tỳ-kheo! Ta khởi suy niệm: Ai là người hành quả, ai là người hành báo, khiến Ta là bậc Đại tôn thần diệu? Này Tỳ-kheo! Ta suy nghĩ thế này: Do báo của ba hành ấy đã khiến Ta là bậc tôn quý nhất, đạt đại thần diệu cùng tột. Ba hành là: (1) Thí. (2) Chế ngự. (3) Gồm thâu. Thí: Là phước bố thí. Chế ngự: Là phước giữ giới. Gồm thâu: Là phước tư duy (Tu tập). Quả của phước thí kia được làm Chuyển luân Thánh vương. Quả của phước giới được làm Thích-đề-hoàn-nhân và thiên tử của trời Tha hóa tự tại. Quả của phước tư duy được làm Đại Phạm thiên và sinh nơi trời Quang Âm. Do đấy nên nói như thế.

Hỏi: Vì sao tất cả căn thiện của cõi sắc nói là vô lượng đẳng thuộc phước tư duy không nói thứ khác?

Đáp: Vì vô lượng đẳng là quả không thể thiêu đốt. Như Khế kinh kia nói: Có vị trời đi đến chỗ Đức Thế Tôn, dùng kệ hỏi:

Vật gì lửa không đốt?

Gió cũng không thể hoại?

Khi thủy tai hoại đất

Sao nước không thấm ướt?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Phước lửa không thể đốt

Phước gió không thể hoại

Tuy thủy tai hoại đất

Phước nước không thấm ướt.

Tuy không phải phước cũng không bị thiêu đốt, nhưng quả của phi phước thì bị thiêu đốt. Vô lượng đẳng cũng không bị thiêu đốt, quả của phước cũng không bị thiêu đốt. Do đấy nên nơi Khế kinh Đức Phật nói: Tất cả căn thiện trong cõi sắc nói là vô lượng đẳng thuộc phước tư duy.

Như nơi Khế kinh Đức Phật nói: Lúc hành chánh thọ Từ, lửa không thể thiêu đốt, chất độc không thể làm hại, dao không thể gây tổn thương, không bị tai họa khiến mất mạng.

Hỏi: Vì sao thời gian hành chánh thọ Từ, lửa không thể thiêu đốt, chất độc không thể làm hại, dao không gây tổn thương, không bị tai họa khiến mất mạng?

Đáp: Tôn giả Bà-tu-mật đáp: Vì định kia là pháp tranh chấp, thế nên các thứ tranh chấp không thể lay động.

Lại nói: Vì định kia có oai thần hết sức lớn, thế nên được chư thiên ủng hộ.

Lại cho: Vì bốn đại của cõi sắc hiện ở trước, nên các thứ tai họa kia không thể lay động. Như bốn đại của cõi sắc kia sung mãn, thân thể kết hợp thành một lớp dày như đá, thế nên các tai họa kia không thể lay động.

Đó gọi là lúc hành chánh thọ Từ, lửa không thể thiêu đốt, chất độc không thể làm hại, dao không gây tổn thương, không bị tai họa khiến mất mạng.

Hỏi: Lúc hành chánh thọ Bi, Hỷ, Hộ (Xả), các thứ tai hại kia có thể lay động hay không thể lay động? Nếu lay động, thì vì sao nơi chánh thọ Từ lại không lay động, còn Bi, Hỷ, Xả lại bị lay động? Nếu không lay động, thì vì sao chỉ nói chánh thọ Từ không lay động, không nói chánh thọ Bi, Hỷ, Xả?

Đáp: Lúc hành chánh thọ Bi, Hỷ, Xả cũng không bị lay động.

Hỏi: Vì sao chỉ nói chánh thọ Từ không lay động, không nói chánh thọ Bi, Hỷ, Xả?

Đáp: Tức nên nói. Như nói Từ, thì Bi, Hỷ, Xả cũng như vậy. Nếu không nói là vì Đức Thế Tôn giảng nói chưa trọn vẹn.

Lại, đây là hiện bày nghĩa hiện, nghĩa môn, nghĩa độ, nghĩa tóm lược, nên biết là nghĩa.

Hoặc cho: Bi, Hỷ, Xả tuy lúc hành chánh thọ không lay động, nhưng khi khởi, hoặc có thể lay động. Còn Từ khởi thì không lay động.

Hoặc nêu: Bi, Hỷ, Xả tuy vào lúc hành chánh thọ là không lay động, nhưng khi khởi thì có thể gây tổn hoại. Còn Từ khởi thì không tổn hoại.

Hoặc nói: Lúc hành chánh thọ Bi, Hỷ, Xả căn bản, tuy không lay động, nhưng hành phương tiện của Bi, Hỷ, Xả tức có thể bị lay động. Phương tiện của Từ thì không lay động.

Có thuyết nói: Có một người được phương tiện của chánh thọ Từ thuộc cõi dục. Người này do không biết nên đã phạm phép vua, bị chấp sự bắt giải đến chỗ vua. Lúc này vua đang cưỡi voi to ra ngoài thành, từ xa thấy người kia, vua quay lại hỏi quan tả hữu: Người này là thế nào?

Quan tâu vua: Người này vi phạm phép vua, xin đại vương trừng phạt.

Trong tay vua khi ấy đang cầm quyển luật cổ, tra xét tội trạng của ông này thì đúng là đã phạm pháp. Nhà vua tự tay xử phạt. Vua nổi giận nên dùng gươm đâm vào người ông ta. Người kia thấy nhà vua giận dữ, tức thì hành phương tiện chánh thọ Từ. Như ném hạt đậu vào đầu trụ gỗ, hạt đậu liền rơi xuống đất. Kiếm của nhà vua kia cũng như thế, đâm vào thân, lập tức trở lại rơi dưới chân vua.

Vua kinh sợ nên hỏi người kia: Ngươi đã hành xảo thuật gì? Đã làm đạo lạ gì? Đã dùng thứ huyễn hóa gì?

Người ấy đáp: Tâu đại vương! Xin đại vương hoan hỷ! Tôi không hành xảo thuật, không làm đạo lạ, không dùng thứ huyễn hóa gì cả.

Vua hỏi: Nếu không như thế thì sự việc này là thế nào?

Người kia đáp: Nhân thấy đại vương giận, tôi vận dụng chánh thọ tâm từ đối với đại vương, do vậy, gươm này đã không hại thân tôi.

Thế nên có thể biết được, phương tiện của Từ cũng không bị lay động, huống chi là Từ căn bản. Do đấy nên nói lúc hành chánh thọ Từ không lay động, không nói Bi, Hỷ, Xả.

Như nơi Khế kinh Đức Phật nói: Tu tập Từ, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ tranh chấp. Tu tập Bi, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ giận dữ. Tu tập Hỷ, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ không vui. Tu tập Xả, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ tâm hại.

Hỏi: Vô lượng đẳng có thể đoạn trừ kiết hay không thể đoạn trừ kiết?

Nếu vô lượng đẳng có thể đoạn trừ kiết, thì như nơi Kiền Độ Định nói làm sao thông? Như nói: Bốn vô lượng đẳng Từ Bi Hỷ Xả đều không thể đoạn trừ kiết.

Nếu vô lượng đẳng không thể đoạn trừ kiết, thì như nơi Khế kinh này nói làm sao thông?

Đáp: Vô lượng đẳng không thể đoạn trừ kiết.

Hỏi: Nếu như vậy thì có thể khéo thông hợp nơi Kiền Độ Định đã nói. Còn như nơi Khế kinh này nên giải thích như thế nào?

Đáp: Đoạn trừ kiết có hai loại: (1) Đoạn trừ trong giây lát. (2) Đoạn trừ rốt ráo. Đoạn trừ trong giây lát là như nơi Khế kinh Đức Phật đã nói: Tu tập Từ, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ tranh chấp. Tu tập Bi, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ giận dữ. Tu tập Hỷ, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ không vui. Tu tập Xả, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ tâm hại. Như vô lượng đẳng không thể đoạn trừ rốt ráo kiết, tức như nơi Kiền Độ Định đã nói.

Như thế, cả hai thuyết này đều khéo thông hợp.

Như nơi Khế kinh Đức Phật nói: Tu tập Từ, tu tập nhiều, thì trừ bỏ tranh chấp. Tu tập Xả, tu tập nhiều, cũng trừ bỏ tranh chấp.

Hỏi: Từ có thể trừ bỏ tranh chấp nào? Xả có thể trừ bỏ tranh chấp nào?

Đáp: Tranh chấp có hai thứ: Tranh chấp về xứ và tranh chấp về phi xứ. Từ có thể trừ bỏ tranh chấp về xứ. Xả có thể trừ bỏ tranh chấp về phi xứ.

Lại có hai thứ tranh chấp: (1) Muốn dứt bỏ mạng chúng sinh. (2) Trói buộc chúng sinh. Tranh chấp muốn dứt bỏ mạng chúng sinh: Từ có thể đoạn trừ. Tranh chấp trói buộc chúng sinh: Xả có thể đoạn dứt. Tức tranh chấp như thế, Từ có thể đoạn trừ. Tranh chấp như thế, Xả có thể đoạn dứt.

Như nơi Khế kinh Đức Phật nói: Tu tập quán bất tịnh, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ dâm dục. Tu tập Từ, tu tập nhiều, có thể trừ bỏ dâm dục.

Hỏi: Dâm dục nào thì tu quán bất tịnh có thể đoạn trừ? Dâm dục nào thì tu Từ vô lượng đẳng có thể trừ bỏ?

Đáp: Có sáu thứ dục: (1) Sắc dục. (2) Xứ dục. (3) Hành dục. (4) Dâm dục. (5) Xúc dục. (6) Dục của vật dụng trang sức.

Sắc dục: Dùng quán bất tịnh để đoạn trừ.

Xứ dục: Dùng Từ vô lượng để trừ bỏ.

Hành dục: Dùng quán bất tịnh để đoạn trừ.

Dâm dục: Dùng quán bất tịnh để đoạn trừ.

Xúc dục: Dùng Từ vô lượng để trừ bỏ.

Dục của vật dụng trang sức: Dùng Từ vô lượng để trừ bỏ.

Dục như thế dùng quán bất tịnh để đoạn trừ. Dục như thế dùng Từ vô lượng để trừ bỏ.

Như nơi Khế kinh Đức Thế Tôn nói: Như thế, tu tập từ tâm được giải thoát. Như thế, tu tập nhiều, có thể đạt được quả A-na-hàm, hoặc lại đạt được quả trên.

Hỏi: Như vô lượng đẳng không thể đoạn trừ kiết, vì sao nói: Như thế, tu tập từ tâm được giải thoát, như thế tu tập nhiều, có thể đạt được quả A-na-hàm, hoặc lại đạt được quả trên?

Đáp: Nơi Khế kinh này Đức Phật đã dùng từ vô lượng để nói về Thánh đạo. Đức Phật nói về Thánh đạo đã dùng nhiều thứ tên: Hoặc dùng thọ làm tên, hoặc dùng tưởng làm tên, hoặc dùng tư làm tên, hoặc dùng ý để làm tên, hoặc dùng tín để gọi, hoặc dùng tinh tấn làm tên, hoặc dùng niệm làm tên, hoặc dùng định để gọi, hoặc dùng tuệ làm tên, hoặc dùng đèn làm tên, hoặc dùng ngã làm tên, hoặc dùng núi đá làm tên, hoặc dùng hoa làm tên, hoặc dùng nước làm tên.

Hoặc dùng thọ làm tên. Như nói: Tỳ-kheo tỉnh giác, đối với khổ này, nhận biết như thật. Đối với tập, tận, đạo này, nhận biết như thật.

Đây gọi là dùng thọ làm tên.

Hoặc dùng tưởng làm tên. Như nói: Tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ tất cả dâm dục, tất cả sắc dục, tất cả vô sắc dục, tất cả vô minh, tất cả tự mạn. Đây gọi là dùng tưởng làm tên.

Hoặc dùng tư làm tên. Như nói: Mạt na, nếu tư và hành báo xấu ác, tư có thể trừ bỏ. Đây gọi là dùng tư làm tên.

Hoặc dùng ý để làm tên. Như kệ nói:

Chế ngự xứ ý nhập

Là vô sở hữu duyên Trọn không nhiễm vướng đời Nhận tất cả cúng dường.

Đây gọi là dùng ý để làm tên.

Hoặc dùng tín để gọi. Như kệ nói:

Tín vượt qua dòng

Biển không phóng dật

Chân đế trừ khổ

Tuệ nên thanh tịnh.

Như nói: Này Xá-lợi-phất! Nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thành tựu tín căn thì có thể trừ bỏ các thứ bất thiện, tu hành về thiện. Đây gọi là dùng tín để gọi.

Hoặc dùng tinh tấn làm tên. Như nói: A-nan! Tinh tấn có thể chuyển thành đạo. Như nói: Xá-lợi-phất! Đệ tử Thánh thành tựu lực tinh tấn, tức có thể dứt bỏ bất thiện, tu hành điều thiện. Đây gọi là dùng tinh tấn làm tên.

Hoặc dùng niệm làm tên. Như nói: Ta nói niệm ở trong tất cả. Như nói: Xá-lợi-phất! Đệ tử Thánh đã thành tựu niệm, như người giữ cửa, trừ bỏ bất thiện, tu hành nơi thiện. Đây gọi là dùng niệm làm tên.

Hoặc dùng định để gọi. Như kệ nói:

Định tức là đạo

Không định, không đạo

Định do tự biết

Năm ấm hưng suy.

Như nói: Xá-lợi-phất! Đệ tử Thánh đã thành tựu ba tam muội, tức có thể trừ bỏ bất thiện, tu hành nơi thiện. Đây gọi là dùng định để gọi.

Hoặc dùng tuệ làm tên. Như kệ nói:

Tuệ là thế gian diệu

Hay hướng có nơi đến

Nên dùng Đẳng chánh trí

Sinh, lão, bệnh, tử hết.

Như nói: Tuệ vượt qua trên tất cả pháp. Như nói: Các chị em! Đệ tử Thánh đã dùng dao tuệ đoạn dứt tất cả kiết, phược, sử, não, triền. Đây gọi là dùng tuệ làm tên.

Hoặc dùng đèn làm tên. Như kệ nói:

Siêng tu không phóng dật

Thâu nhận và chế ngự

Người tuệ thắp đèn sáng

Si ám không thể hoại.

Đây gọi là dùng đèn làm tên.

Hoặc dùng ngã làm tên. Như nói: Tỳ-kheo! Ngã là tám Thánh đạo. Đây gọi là dùng ngã làm tên.

Hoặc dùng núi đá làm tên. Như nói: Tỳ-kheo! Núi đá lớn là kiên cố, thường trụ, không hoại. Tất cả đồng một thể, cùng thấy. Đây gọi là dùng núi đá làm tên.

Hoặc dùng hoa làm tên. Như nói: Tỳ-kheo sinh khởi bảy hoa giác là bảy giác chi. Đây gọi là dùng hoa làm tên.

Hoặc dùng nước làm tên. Như nói: Tỳ-kheo thành tựu nước tám vị là tám Thánh đạo. Đây gọi là dùng nước làm tên.

Như vậy, Đức Phật nói Thánh đạo có nhiều thứ tên. Như thế, nơi Khế kinh Phật nói: Thánh đạo dùng Từ vô lượng làm tên.

Hoặc cho: Là từ ý, từ giải thoát, từ phương tiện. Hoặc khi phàm phu cầu đạt quả A-na-hàm. Hoặc lúc Thánh nhân cầu đạt quả A-na-hàm.

Khi phàm phu cầu đạt quả A-na-hàm, tức phàm phu đoạn trừ kiết của cõi dục, được từ ý giải thoát. Nếu phàm phu ấy thủ chứng thì được quả A-na-hàm.

Lúc Thánh nhân cầu đạt quả A-na-hàm, tức Thánh nhân đoạn trừ kiết của cõi dục, được quả A-na-hàm, ở trên quả A-na-hàm, đạt được từ ý giải thoát. Do đấy, nên nói: Như thế, tu từ ý giải thoát, như thế tu tập nhiều, tức được quả A-na-hàm, hoặc lại đạt được quả trên. Song vô lượng đẳng không đoạn trừ kiết.

Hỏi: Bốn vô lượng đẳng thứ nào là tối diệu?

Đáp: Có thuyết nói: Từ là tối diệu, vì chánh thọ Từ, tất cả chúng đều không thể tổn hại.

Lại có thuyết cho: Bi là tối diệu, vì Đức Phật phát khởi đại bi nên giảng nói pháp.

Hỏi: Vì sao chỉ nói Đại bi, không nói Đại từ, Đại hỷ, Đại xả?

Đáp: Tức nên nói. Như nói Đại bi, thì Đại từ, Đại hỷ, Đại xả cũng như vậy. Nghĩa là từ trong tâm ý của Đức Phật, công đức có thể đạt được, đều nên nói là Đại. Vì sao? Vì Đức Phật Thế Tôn có vô lượng tâm thương xót, tâm tạo lợi ích, tâm thiện. Thế nên nói là từ trong tâm ý của Đức Phật, công đức có thể đạt được, đều nên nói là Đại.

Lại có thuyết cho: Về điều này không nên vấn nạn. Vì sao? Vì nếu Bi tức là Đại bi, thì có thể vấn nạn, nhưng vì Bi khác, Đại bi khác, tức không nên vấn nạn.

Hỏi: Nếu Bi khác, Đại bi khác, thì Bi và Đại bi có khác biệt gì?

Đáp: Tức do tên gọi là khác biệt: (1) Bi. (2) Đại bi.

Hoặc nói: Về địa cũng có khác biệt: Bi ở bảy địa. Đại bi căn bản là ở địa thiền thứ tư.

Hoặc cho: Ý cũng có khác biệt: Về Bi, thì nơi Đức Phật, Phậtbích-chi, Thanh văn đều đồng có. Còn Đại bi thì chỉ Đức Phật có, không phải bậc khác.

Hoặc nêu: Thân cũng có khác biệt: Bi là thân nam, nữ có thể đạt được. Đại bi thì chỉ thân nam có thể đạt được, không phải là thân nữ.

Hoặc nói: Trừ bỏ kiết cũng có khác biệt: Bi là căn thiện không tham, có thể trừ bỏ tham. Đại bi là căn thiện không ngu si, có thể trừ bỏ si.

Hoặc cho: Về hành cũng có khác biệt: Bi là có thể xót thương, không thể cứu giúp. Đại bi là cũng có thể thương xót, cũng có thể cứu giúp. Như hai người cùng ở trên bờ sông. Khi ấy, có một người đang bị chìm nổi giữa sông. Người thứ nhất kia ý tuy muốn cứu giúp, nhưng lại không có sức, chỉ vẫy vẫy mà đứng nhìn. Còn người thứ hai thì có ý, cũng vừa có sức, nên đã cứu vớt kẻ sắp chìm kia đem đặt vào nơi chốn an ổn.

Như người kia thấy rồi chỉ đưa tay vẫy vẫy và đứng đó, vì không có sức. Bi cũng như thế.

Như người nọ vừa có ý, cũng có sức, nên đã cứu vớt kẻ sắp chìm kia, đem đặt vào nơi chốn an ổn. Đại bi cũng như thế.

Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Chư Tôn! Đại bi là của Đức Phật, Thế Tôn, từ lâu xa đến nay đã tùy hành theo chỗ vi tế, hiện hữu khắp tất cả nơi chốn, bình đẳng dẫn dắt tất cả chúng sinh. Hàng Thanh văn, Phật-bích-chi chỉ thành tựu bi, không thể duyên đến chúng sinh nơi cõi sắc, vô sắc.

Hỏi: Vì sao nói là Đại bi?

Đáp: Vì có được giá trị rất lớn, nên gọi là Đại bi. Không phải như đạo của Thanh văn, dùng một vật thí cho một người. Cũng không phải như đạo của Phật-bích-chi, là thí cho một nhành dương, thí cho một nắm cơm. Đây là vì tất cả sự việc cực diệu, đem những vật rất đáng yêu thích để thí cho, trừ những thứ không phải của mình, sau đấy có thể đạt được. Đây gọi là vì có được giá trị rất lớn, nên gọi là Đại bi.

Hoặc nói: Vì sinh thân lớn, nên gọi là Đại bi. Không phải như đạo của Thanh văn, đạo của Phật-bích-chi, thân không gồm đủ có thể đạt được. Do bậc Đại sĩ kia có đủ ba mươi hai tướng cùng tám mươi thứ vẻ đẹp trang nghiêm tự thân, thân sắc vàng ròng, hào quang tròn sáng chiếu xa một tầm. Phạm âm vi diệu, như tiếng chim Ca-tỳ-lăng, nhìn ngắm không biết chán. Đây gọi là vì sinh thân lớn, nên gọi là Đại bi.

Hoặc cho: Vì dùng phương tiện lớn để cầu có thể đạt được, nên gọi là Đại bi. Không phải như đạo của Thanh văn: một gieo trồng, hai thành thục, ba giải thoát. Cũng không phải như Tôn giả Xá-lợiphất trong sáu mươi kiếp đã tăng ích trí tuệ. Cũng không phải như Phật-bích-chi trong một trăm kiếp đã tăng ích trí tuệ. Chính là tu tập vô lượng khổ hạnh đầy đủ trong ba A-tăng-kỳ kiếp, sau đấy có thể đạt được. Đây gọi là vì dùng phương tiện lớn để cầu có thể đạt được, nên gọi là Đại bi.

Hoặc nêu: Vì tạo lợi ích cho rất nhiều chúng sinh, nên gọi là Đại bi. Như chúng sinh này nguyện cầu đạt Phật đạo, nguyện cầu đạo Phật-bích-chi, đạo Thanh văn. Hoặc cầu được giàu có, sinh vào nhà cao sang, hình dáng đoan nghiêm, sinh vào nẻo trời, người. Tất cả ước nguyện như thế đều do đại bi. Đây gọi là vì tạo lợi ích cho rất nhiều chúng sinh, nên gọi là Đại bi.

Hoặc nói: Vì có thể cứu vớt chúng sinh bị rơi vào hầm hào lớn, nên gọi là Đại bi. Như Đức Phật thấy chúng sinh rơi vào năm nẻo, đã cứu thoát, đem đặt nơi xứ an ổn là Thánh đạo và quả của Thánh đạo. Tất cả công hạnh đó đều xuất phát từ Đại bi. Đây gọi là vì có thể cứu vớt chúng sinh bị rơi vào hầm hào lớn, nên gọi là Đại bi.

Hoặc cho: Vì có uy lực làm khuynh động núi Đại xả, nên gọi là Đại bi. Vì Đức Phật, Thế Tôn có xứ du hóa không chung nơi địa thiền thứ tư, nên gọi là Đại xả. Nghĩa là khi Đức Phật hành xả hiện ở trước, bấy giờ giả như tất cả chúng sinh nơi các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đang bị thiêu đốt, như mía, tre, lau sậy, lúa, nếp, gai, rừng rậm bị bùng cháy, Đức Phật đối với các xứ ấy, tâm không khuynh động. Như Đại bi đã hiện ở trước, lúc ấy, thân Phật gồm đủ diệu lực hết sức kiên cố, tức Đại bi có thể lay động các vật, như gió thổi cây chuối. Đây gọi là vì có uy lực làm khuynh động núi Đại xả, nên gọi là Đại bi.

Hoặc nêu: Vì bậc Đại sĩ có thể đi vào những nơi chốn tra khảo, đánh đập để hóa độ, nên gọi là Đại bi. Như Đức Phật hóa làm hình lực sĩ Mạt-la. Hoặc hóa làm hình thợ gốm. Hoặc hóa làm hình người hành khất. Hoặc hóa làm hình kỹ nữ. Hoặc dẫn dắt Tôn giả Nan-đà đi khắp năm nẻo. Hoặc vì Ương-quật-ma nên hiện ra khoảng cách lúc xa lúc gần để hóa độ. Đức Phật luôn an định không tán loạn, miệng đưa ra lưỡi rộng dài tự che mặt. Thành tựu rốt ráo sự hổ thẹn, vì hóa độ người nữ nên hiện tướng âm mã tàng. Từ bỏ an vui của thiền mầu nhiệm, từ bỏ pháp Phật vi diệu, vì giáo hóa chúng sinh nên Đức Phật đã vượt qua hàng trăm ngàn ức núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, đi đến vô số quốc độ để giảng nói pháp, tất cả đều do Đại bi. Đây gọi là bậc Đại sĩ có thể đi vào những nơi chốn tra khảo, đánh đập để hóa độ, nên gọi là Đại bi.

Như trong Luật Phật nói: Đức Thế Tôn dùng bóng mát Từ che khắp các chúng sinh, vì họ giảng nói pháp.

Hỏi: Đức Thế Tôn dùng bóng mát Từ che khắp các chúng sinh, vì họ giảng nói pháp, thì các chúng sinh ấy có được an vui hay không được?

Nếu các chúng sinh có được an vui, thì vì sao nơi các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các chốn khác vẫn còn nhiều chúng sinh bị khổ nạn?

Nếu các chúng sinh không được an vui, thì như nơi kệ này nói làm sao thông hợp?

Như tâm quỷ nghĩ ác

Nếu đến gần nơi người

Không chạm, cũng không hại

Có thể sinh thọ sợ.

Ý ác hướng người

Tức khiến khổ sợ

Bóng Từ tâm Phật

Há không được vui?

Đáp: Có thuyết nói: Đức Thế Tôn dùng bóng mát Từ che khắp các chúng sinh, vì họ giảng nói pháp, các chúng sinh kia đã được an vui.

Hỏi: Nếu như thế thì như kệ kia nói là khéo thông hợp, nhưng còn vấn nạn trước thì giải thích thế nào?

Đáp: Đức Thế Tôn quán hành (Nghiệp) của chúng sinh chuyển đổi, hoặc không chuyển đổi. Nếu các chúng sinh tạo hành có thể chuyển đổi, thì Đức Thế Tôn dùng tâm Từ che chở, duyên với họ khiến họ được an vui. Còn các chúng sinh tạo hành không thể chuyển đổi, thì Đức Phật không duyên với họ, chỉ khởi tâm Từ che chở.

Lại có thuyết cho: Đức Thế Tôn dùng bóng mát Từ che khắp các chúng sinh, vì họ giảng nói pháp, nhưng các chúng sinh kia không được an vui.

Hỏi: Nếu như thế thì có thể thông hợp với vấn nạn nêu trước, còn như nơi kệ nêu trên thì làm sao thông?

Đáp: Đức Phật, Thế Tôn làm viên mãn hạnh Từ theo vô lượng thứ: Hoặc dùng thần túc. Hoặc hiện duyên ái. Hoặc hóa hiện thuốc trí. Hoặc hóa hiện sự tiếp xúc. Hoặc ảnh hiện trong mát.

Hoặc dùng thần túc: Như nói: Thời gian sau cùng, Đức Thế Tôn du hóa nơi thế gian, đi đến tinh xá Diêm-phù-lâm, nước Ba-bà.

Nghe tin này, người dân trong nước Ba-bà liền tụ tập một chỗ, rồi lập chung quy ước quan trọng: Chúng ta đều nên đi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Nếu ai không đi thì phải nộp phạt năm trăm đồng tiền vàng cũ.

Sau khi đặt ra quy ước khẩn như thế xong, tất cả đều cùng đi đến chỗ Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, đại thần Lưu Chi, là người rất giàu có, vốn không có ý kính tin đối với Đức Thế Tôn, nhưng ông ta cũng đến.

Khi ấy, Tôn giả A-nan từ xa trông thấy đại thần Lưu Chi đang đi đến, liền nói: Ông mới đến! Lành thay! Lành thay, Lưu Chi! Ông có thể đến đây để yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn này là bậc phước điền vô thượng gồm đủ, không bao lâu nữa sẽ đến khu rừng Sa La nhập diệt.

Đại thần Lưu Chi nói với Tôn giả A-nan: Thật ra tôi không cố ý đến diện kiến Sa-môn Cù-đàm. Chỉ vì tôi không muốn trái với quy ước của bà con trong vùng thôi.

Tôn giả A-nan hỏi Lưu Chi về sự việc kia. Đại thần Lưu Chi đáp: Này Tôn giả A-nan! Dân vùng chúng tôi đã nhóm họp tại một chỗ và đồng lập ra quy ước khẩn: Chúng ta đều nên đi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Nếu ai không đi thì phải nộp phạt năm trăm đồng tiền vàng cũ. Tôi không muốn đến diện kiến Sa-môn Cù Đàm, chỉ vì tôi nghĩ không muốn khiến người người dân trong vùng có tranh cãi.

Tôn giả A-nan bèn kéo tay đại thần Lưu Chi đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Đại thần Lưu Chi đây là người ở lâu năm trong vùng này, nhưng không có tâm tin kính đối với Đức Thế Tôn. Xin Đức Thế Tôn thương xót vì ông ấy giảng nói pháp để sinh khởi tâm kính tin Tam bảo.

Lưu Chi kia là người tâm hành theo ái, chí tán loạn, không ổn định, nên Đức Phật, Thế Tôn không thể vì người như thế giảng nói pháp liền được.

Lúc này, cách chỗ ấy không xa, Đức Thế Tôn liền hóa ra cảnh địa ngục đầy phân uế đang sôi, sâu rộng vô lượng, rồi có âm thanh gọi lớn: Đại thần Lưu Chi kia đi đến chỗ Đức Thế Tôn nhưng không có tâm kính tin. Sau khi chết ông ta sẽ sinh vào trong đây.

Thấy địa ngục rộng lớn và nghe tiếng kêu đúng là tên mình, đại thần Lưu Chi vô cùng kinh hãi, sinh tưởng nhàm chán.

Đức Phật, Thế Tôn nhận biết ông ta quá sợ hãi, sinh khởi tưởng nhàm chán rồi, liền tùy thuận giảng nói pháp diệu. Đại thần Lưu Chi nghe pháp xong, tức thì xa lìa trần cấu, sinh khởi pháp nhãn.

Đây là Đức Phật đã dùng bóng mát Từ che chở đại thần Lưu Chi khiến sinh tâm kính tin Tam bảo. Bóng mát Từ ở đây là hiện thần túc.

Lại nữa, hoặc Đức Phật dùng thần túc. Như nói: Điều Đạt (Đềbà-đạt-đa) khuyên vua A-xà-thế, có voi tên là Đàn-na-ba-lặc, dùng rượu trong cho voi uống thật say rồi thả ra khiến chạy đến hại Đức Thế Tôn.

Lúc này, từ xa voi trông thấy Đức Thế Tôn, liền chạy về hướng ấy. Đức Thế Tôn thấy rõ voi đang cắm đầu phóng đến, lập tức từ hai bên trái, phải, Đức Thế Tôn hóa ra bức tường thật cao, phía sau hóa khe nước lớn sâu trăm ngàn trượng, phía trên hóa ra ngọn núi lửa cao, có nhiều tiếng sấm sét vang dội xuống dưới, phía trước hóa ra năm sư tử to.

Trông thấy năm sư tử đang đứng chận đường, voi say kia vô cùng sợ hãi. Nhìn quanh bên trái bên phải, có bức tường chắn cao, nhìn lại phía sau thấy có khe nước lớn sâu trăm ngàn trượng, rồi ngước nhìn ngọn núi lửa khổng lồ kia đang ầm ầm tiếng sấm nổ vang, voi say tưởng như tất cả lửa nơi thế gian đang bùng cháy.

Thấy voi quá sợ hãi, Đức Phật bèn thu hồi thần túc. Khi ấy voi chỉ còn thấy vũng nước trong mát dưới chân Phật, tâm say liền tỉnh, voi từ từ bước đến chỗ Đức Thế Tôn, dùng đầu mặt lễ nơi chân Đức Thế Tôn, rồi dùng vòi xoa nhẹ lên chân Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn gồm đủ các tướng trang nghiêm, sắc thân vàng ròng với năm ngàn phước quý, đã đưa tay phải sờ đầu voi, lập tức cơn say được hóa giải. Đức Thế Tôn vì voi nói kệ:

Voi chớ hại rồng lớn

Voi, rồng ra đời khó

Voi đừng hại rồng lớn

Trọn không sinh xứ thiện.

Không nên đấu mà đấu

Không giận lại sinh giận

Sẽ nhận ngàn lần báo

Nhanh chóng sinh đến kia.

Tức thọ nhiều khổ não

Thân thể cũng hủy hoại

Nên gặp bệnh khốn nặng

Tâm loạn, chí não ác.

Hoặc gặp tai ách khốn

Bị người khác phỉ báng

Hoặc thân thích ly biệt

Của tiền đều mất hết.

Nhà cửa các sở hữu

Bị lửa thiêu đốt rụi

Thân hoại không có tuệ

Sẽ sinh trong địa ngục.

Voi kia nghe kệ này xong, nước mắt rưng rưng chảy. Đức Phật dùng tiếng voi, vì nó giảng nói pháp. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp xong, voi mạng chung, sinh lên trời Ba mươi ba.

Đây là Đức Phật đã dùng bóng mát Từ che chở voi dữ Đàn-naba-lặc khiến thoát kiếp súc sinh, được sinh nơi trời Ba mươi ba. Bóng mát Từ ở đây là hiện thần túc.

Hoặc hiện duyên ái: Như nói: Phạm chí kia có một đứa con đang trông coi ruộng lúa chín đã bị sét đánh chết trong cơn mưa bão dữ dội và tàn phá cả ruộng lúa. Vì bị mất cả hai, nên Phạm chí tâm ý hoảng loạn, điên cuồng, lõa hình chạy đến khu vườn A-na-bân-để thuộc thành Xá-vệ.

Từ xa, Đức Thế Tôn thấy Phạm chí đang chạy đến liền khởi suy nghĩ: Nay vào lúc này giả như có hằng sa chư Phật giảng nói pháp, cũng không thể cứu độ ông ta được.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đứng cách nơi ấy không xa, liền hóa ra một đám ruộng lúa chín cùng đứa con trai của Phạm chí. Phạm chí thấy xong liền hồi phục bản tâm. Ông ta nghĩ: Đây là con trai ta cùng đám ruộng lúa chín đã khiến ta luôn sầu lo buồn khổ.

Sau đấy, ông ta đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lễ nơi chân Đức Phật, rồi ngồi qua một bên. Phạm chí kia có tâm kính tin Đức Thế

Tôn, lộ vẻ hoan hỷ. Đức Thế Tôn tùy thuận, vì ông ấy giảng nói pháp diệu. Nghe Đức Phật giảng nói pháp xong, Phạm chí liền xa lìa các thứ trần cấu, sinh khởi pháp nhãn thanh tịnh.

Đây là Đức Phật đã dùng bóng mát Từ che chở Phạm chí kia, khiến ông ta hết cuồng loạn và thấy chân đế. Bóng mát Từ ở đây là hiện duyên ái.

Lại nữa, Đức Thế Tôn đã hiện duyên ái. Như nói: Phạm chí nữ Bà-tư-trá có sáu người con trai đều qua đời. Vì quá buồn khổ mỗi khi nhớ nghĩ đến các con, nên tâm ý rối loạn, điên cuồng, khỏa thân chạy đến khu vườn A-na-bân-để thuộc thành Xá-vệ.

Từ xa, Đức Thế Tôn trông thấy Phạm chí nữ đang chạy đến, liền khởi suy nghĩ: Lúc này, nếu như có hằng sa chư Phật vì người nữ này giảng nói pháp, cũng không thể khiến Phạm chí nữ ấy có thể thọ nhận sự hóa độ được.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đứng cách Phạm chí nữ không xa, liền hóa ra sáu người con trai. Nhìn thấy các con xong, bà ta liền hồi phục bản tâm, nói: Đây đúng là các con yêu của ta, khiến ta luôn nhớ thương sầu khổ. Phạm chí nữ kia cảm thấy hổ thẹn, quỳ gối ngồi. Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan lấy y phục trao cho bà ta mặc. Có y phục che thân, người nữ kia liền đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lễ nơi chân Đức Thế Tôn, đoạn ngồi qua một bên.

Nhận thấy Phạm chí nữ có tâm tin kính Tam bảo, lộ vẻ hoan hỷ, nên Đức Thế Tôn tùy thuận giảng nói pháp diệu. Phạm chí nữ nghe Đức Phật thuyết pháp xong, tức xa lìa các thứ trần cấu, sinh khởi pháp nhãn thanh tịnh.

Đây là Đức Phật đã dùng bóng mát Từ che chở Phạm chí nữ khiến bà ấy dứt bỏ cuồng loạn và được thấy đế. Bóng mát Từ ở đây là hiện duyên ái.

Hoặc hóa hiện thuốc trí: Như nói: Ưu-bà-di Ma-ha-tiên thỉnh Phật và chúng Tăng để cúng dường thuốc thang.

Lúc này, có một Tỳ-kheo đang bị bệnh, cần uống thuốc. Thầy thuốc bảo phải uống thuốc với nước thịt. Tỳ-kheo bệnh kia nói với người chăm sóc bệnh nhân: Hiền giả! Ông hãy đến nói với Ưu-bà-di Ma-ha-tiên, là có Tỳ-kheo tên… đang bị bệnh, thầy thuốc bảo là cần phải uống thuốc với nước thịt.

Ưu-bà-di Ma-ha-tiên nghe biết sự việc như thế rồi, nên bảo với người làm: Ngươi hãy cầm tiền ra chợ mua thịt cho Tỳ-kheo kia. Người làm nọ cầm tiền đi khắp thành Ba-la-nại để mua thịt nhưng không được, vì có người nói cho biết: Hôm nay, vua Phạm-ma-đạt sinh một đồng nam, nên đã ban chỉ dụ khắp trong thành không được sát sinh. Người làm kia trở về nhà Ưu-bà-di Ma-ha-tiên, thưa: Đại gia nên biết! Tôi đã đi khắp trong thành để tìm mua thịt nhưng không có, nói rộng như trên.

Ưu-bà-di Ma-ha-tiên suy nghĩ: Đây là tai họa chăng! Tỳ-kheo kia mắc bệnh, phải uống thuốc. Nếu không được thịt thì có thể dẫn đến mạng chung. Bà bèn lấy dao bén vào nhà trong, cắt lấy thịt mềm nơi thân mình, trao cho người làm và nói: Ngươi tự nấu cho Tỳ-kheo bệnh kia. Người kia y như lời bảo, nấu xong đem đến trao cho vị Tỳkheo nuôi bệnh. Tỳ-kheo này không biết đấy là nước thịt người, nên đem đến cho Tỳ-kheo bệnh uống với thuốc.

Đến khi bệnh của Tỳ-kheo kia được lành, nhưng nơi thân của Ưu-bà-di Ma-ha-tiên vẫn còn đau nhức. Lúc này, chồng của Ưu-bàdi Ma-ha-tiên, vì bận công việc, nên đã đi vắng. Khi trở về ông ta hỏi người nhà: Ma-ha-tiên đang có ở nhà chăng? Người nhà thưa: Đại gia! Ma-ha-tiên đang ở trong nhà, thân thể bị đau đớn. Nghe xong sự việc, chồng của Ma-ha-tiên rất giận dữ, mất tâm cung kính. Ông ta nói: Nếu người cho không biết, còn người nhận cũng không biết chăng? Ta sẽ đi đến chỗ Đức Phật để thưa trình cho rõ.

Như thế là chồng của Ma-ha-tiên vội đi đến chỗ Đức Thế Tôn, gặp lúc Đức Phật đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn chúng vây quanh trước sau. Nhìn thấy dung mạo cùng uy quang của Đức Phật, tâm giận của ông ta liền hạ xuống. Phu chủ Ma-ha-tiên thấy rồi, suy nghĩ: Hôm nay mình không nên thưa nêu về sự việc vừa rồi, để vào ngày mai, cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đến nhà thọ trai, nhân đấy mới nêu bày mọi việc. Nghĩ như vậy xong, ông cư sĩ bèn lễ Phật rồi ngồi qua một bên.

Khi Đức Phật giảng nói pháp xong, ông cư sĩ liền đứng dậy, thưa thỉnh Phật cùng chúng Tăng vào ngày mai đến nhà mình thọ trai. Đức Phật biết ý nên yên lặng nhận lời. Ông cư sĩ trở về nhà, suốt đêm cho người sửa soạn các thứ ăn uống thật đầy đủ, sáng sớm đã sắp đặt xong, sai người đến bạch Phật.

Bấy giờ, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát, cùng chúng Tỳ-kheo đi đến nhà cư sĩ theo thứ lớp an tọa. Đức Thế Tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi người nhà: Hôm nay, Ưu-bà-di Ma-ha-tiên có ở đây không?

Người nhà thưa: Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Ưu-bà-di Ma-hatiên đi lại không được, vì thân thể bị đau nhức, đang ở trong phòng.

Đức Phật Thế Tôn luôn nhận biết duyên khởi bên trong cùng nhận biết duyên khởi bên ngoài cũng như thế.

Lúc ấy, chỉ trong thời gian như co duỗi cánh tay, Đức Thế Tôn đã hiện thần túc lấy thuốc từ trên đỉnh núi Tuyết đem về chữa trị lành vết thương nơi thân Ưu-bà-di Ma-ha-tiên. Đức Phật nói với ông cư sĩ: Hãy gọi Ưu-bà-di Ma-ha-tiên ra đây.

Vâng, thưa Đức Thế Tôn! Chồng của Ma-ha-tiên vâng lời Đức Thế Tôn, bèn vào phòng nói với vợ mình: Đức Thế Tôn cho gọi nàng.

Khi Ma-ha-tiên vừa nghe nói Đức Thế Tôn gọi, vết thương lập tức bình phục, lành lặn như cũ. Cả hai vợ chồng đều hết sức vui mừng, càng thêm kính tin gấp bội, cùng dắt nhau đến trước Đức Thế Tôn, đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui ra đứng một bên.

Đức Thế Tôn tùy thuận giảng nói pháp diệu. Vợ chồng Ưu-bàdi Ma-ha-tiên cùng các quyến thuộc nghe pháp xong, xa lìa các thứ trần cấu, sinh khởi pháp nhãn.

Đây là Đức Thế Tôn đã dùng bóng mát Từ che chở Ưu-bà-di Ma-ha-tiên, khiến nữ cư sĩ này hết bệnh và cả hai vợ chồng đều thấy đế. Bóng mát Từ ở đây là hóa hiện thuốc trí.

Lại nữa, Đức Thế Tôn đã hóa hiện thuốc trí. Như nói: Bấy giờ, vua Lưu Ly ngu si phá thành Ca-duy-la-vệ, dẫn đi sáu Thích nữ xinh đẹp. Ở trên điện đường, ông ta tự khoe khoang nói: Ta đã hủy hoại hết thảy thân tộc của các ngươi khiến không còn một người nào sống sót.

Các Thích nữ đáp: Đại vương có phước từ nơi đời trước, nhưng thân tộc của chúng tôi đã kiến đế, đều là Thánh nhân, vì giữ giới không đánh lại nên mới bị nhà vua giết hại.

Vua ngu si suy nghĩ: Thích nữ kia sao dám có lời lẽ như thế. Vua nổi giận từ bỏ sự tin nơi đời sau, không có tâm từ, bèn chặt hết tay chân của sáu Thích nữ, rồi cho người đem bỏ xuống hào.

Đức Thế Tôn vì mục đích giáo hóa, nên đi đến xứ kia, trông thấy sáu thiếu nữ dòng họ Thích đang gặp phải vô lượng khổ nạn. Thấy rồi suy nghĩ: Hiện nay, sáu thiếu nữ dòng họ Thích này đang lâm vào cảnh ngộ như thế, nếu có hằng sa chư Phật vì họ giảng nói pháp, thì tai nạn kia cùng với khổ đau ấy, không thể nào khiến họ thọ nhận sự hóa độ.

Đức Phật Thế Tôn đã nhận biết về duyên khởi bên trong, cùng nhận biết duyên khởi bên ngoài cũng như thế.

Lúc này, chỉ trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, Đức Thế Tôn đã hiện thần túc, lấy thuốc từ trên núi Tuyết, đem về chữa trị lành các vết thương nơi các Thích nữ, khiến họ cảm nhận an lạc. Đức Thế Tôn tùy thuận vì họ giảng nói pháp diệu. Sáu Thích nữ nghe pháp xong, tức xa lìa các thứ trần cấu, sinh khởi pháp nhãn.

Đây là Đức Thế Tôn đã dùng bóng mát Từ che chở sáu Thích nữ, khiến họ lìa dứt khổ nạn và cùng thấy đế. Bóng mát Từ ở đây là hóa hiện thuốc trí.

Hoặc hóa hiện sự tiếp xúc: Như nói: Đức Thế Tôn nhân đi xem xét các phòng xá, lúc đến một phòng thấy trong ấy có một vị Tỳ-kheo bị bệnh đang nằm, người dính đầy phân thối, lại không thể xoay trở được. Tỳ-kheo này thấy Đức Phật liền buồn bã thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Con nay không nơi quy hướng, không ai cứu giúp.

Đức Thế Tôn bảo: Ông vốn đã xuất gia, há chẳng phải là đã quy y với Đấng Từ phụ trong ba cõi sao?

Tỳ-kheo ấy thưa: Đúng thế.

Đức Phật lại bảo: Vậy tại sao ông nói là con nay không nơi quy hướng, không ai cứu giúp? Ông đã từng giúp đỡ, chăm sóc cho các Tỳ-kheo bị bệnh chưa?

Người ấy đáp: Con chưa từng làm việc ấy.

Đức Phật nói: Vì thế nên người khác không đến giúp đỡ ông.

Đức Phật liền đích thân giúp Tỳ-kheo bệnh cởi quần áo để một nơi, rồi dùng thanh tre mỏng gạt hết phân thối dính nơi thân, lại lấy đất sét chà rửa khắp thân, có trời Đế Thích cùng dội nước tắm. Xong xuôi lại dùng phân trâu thoa trét khắp phòng, trải cỏ rơm khô và đỡ Tỳ-kheo bệnh vào nằm, lại giặt sạch áo quần dơ, phơi khô đem vào cho mặc. Đức Phật còn chia nửa phần ăn của mình cho Tỳ-kheo bệnh, rồi dùng bàn tay đầy phước đức trang nghiêm, tạo xúc chạm vi diệu, xoa lên đỉnh đầu người bệnh, khiến các bệnh khổ tức thì tiêu tan. Đức Phật lại giảng nói pháp cho Tỳ-kheo ấy nghe nên chứng đắc quả A-la-hán.

Đây là Đức Thế Tôn đã dùng bóng mát Từ che chở Tỳ-kheo bệnh khiến vị ấy dứt bệnh, đắc quả. Bóng mát Từ ở đây là hóa hiện sự tiếp xúc.

Lại nữa, cũng hóa hiện sự tiếp xúc. Như nói: Đức Thế Tôn du hành ở phía Nam núi Kỳ-xà-quật, còn Điều Đạt (Đề-bà-đạt-đa) cũng đang ở phương Bắc núi ấy. Lúc đó, Điều Đạt gặp phải chứng đau đầu nặng, không thể chịu nổi, ngày đêm bỏ cả ăn ngủ. Tôn giả A-nan thương xót nên bạch rõ sự việc với Đức Thế Tôn.

Khi ấy, Đức Phật dùng cánh tay mặt gồm đủ tướng tốt, sắc vàng ròng, viên mãn trăm ngàn phước đức, xuyên qua núi kia và xoa nơi đầu Điều Đạt, trừ dứt hết thảy khổ thọ, nên được an vui.

Được an lạc rồi, Điều Đạt suy nghĩ: Là ân huệ của ai? Ngoảnh lại, Điều Đạt thấy là tay của Đức Thế Tôn, bèn nói: Lành thay! Tất Đạt! Ông khéo học phương thuốc này, nhờ đấy nên ta được sống.

Đây là Đức Thế Tôn đã dùng bóng mát Từ che chở Điều Đạt khiến ông này dứt hẳn bệnh khổ. Bóng mát Từ ở đây là hóa hiện sự tiếp xúc.

Hoặc ảnh hiện trong mát: Như nói: Đức Thế Tôn và Tôn giả Xá-lợi-phất cùng kinh hành một nơi. Tôn giả A-nan đi sau Đức Phật.

Lúc ấy, có một con chim nhỏ đang bị chim ưng đuổi bắt bức bách, nên bay sà vào núp bóng Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng vẫn còn run ray sợ sệt, như cây đứng riêng lẻ bị lay động. Chim kia rời bóng Tôn giả Xá-lợi-phất, bay đến núp bóng Đức Phật thì không còn run sợ.

Thấy sự việc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật: Lạ thay, bạch Đức Thế Tôn! Như con chim này khi núp bóng Tôn giả Xá-lợi-phất, thân nó run rẩy, như cây đứng riêng lẻ bị lay động, đến khi rời bóng Tôn giả Xá-lợi-phất, bay đến núp bóng Đức Thế Tôn tức thì không còn run sợ nữa.

Đức Thế Tôn bảo: Đúng thế, này A-nan! Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tuy đã lìa bỏ hành sát hại, nhưng chưa hoàn toàn thanh tịnh. Vì thế, chim tuy đã núp nơi bóng nhưng vẫn còn run rẩy. Còn Ta thì trong ba A-tăng-kỳ kiếp đã lìa hẳn hành sát hại, đầy đủ hành thanh tịnh, thế nên chim núp nơi bóng Ta không còn sợ hãi.

Đây là Đức Thế Tôn đã dùng bóng mát Từ che chở con chim nhỏ khiến chim dứt hết sợ hãi. Bóng mát Từ ở đây là ảnh hiện trong mát.

Lại nữa, hoặc ảnh hiện trong mát. Như nói: Có một tên giặc cướp bị chặt tay chân, đem bỏ trong hào. Kẻ giặc cướp này nên được Đức Thế Tôn hóa độ. Đức Thế Tôn khởi suy nghĩ: Nếu vào thời gian này, hằng sa chư Phật vì một tên giặc cướp giảng nói pháp, cũng không thể hóa độ được.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đi đến bên kẻ cướp đang bị nạn. Đến rồi, kẻ cướp kia ở trong bóng của Đức Thế Tôn, tức thì lìa hết khổ thọ, được lạc thọ. Được lạc thọ rồi, Đức Thế Tôn tùy thuận vì kẻ ấy giảng nói pháp diệu. Người kia nghe pháp xong, liền xa lìa các thứ trần cấu, sinh khởi pháp nhãn.

Đây là Đức Thế Tôn đã dùng bóng mát Từ che chở kẻ giặc cướp khiến kẻ ấy dứt khổ thấy đế. Bóng mát Từ ở đây là ảnh hiện trong mát.

Như Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng thứ Từ để hiện bày bóng mát che chở các chúng sinh, không phải chỉ một thứ, thế nên như Luật nói: Từ vô lượng đẳng của Đức Thế Tôn che mát khắp các chúng sinh, vì họ giảng nói pháp.

Như nơi Khế kinh Đức Thế Tôn nói: Có bốn hạng người thọ nhận nơi phạm phước: Là người ở những nơi chốn chưa từng lập tháp miếu, nay đem xá-lợi của Đức Như Lai lập thành Thâu bà (Tháp). Đó gọi là người thứ nhất thọ nhận phạm phước.

Lại nữa, là người ở những nơi chốn chưa từng lập Tự viện, nay vì các đệ tử của Đức Thế Tôn nên đứng ra lo xây dựng Tăng già lam dâng cúng Tăng bốn phương, bố thí cho Tăng bốn phương. Đó gọi là người thứ hai thọ nhận phạm phước.

Lại nữa, là người đối với chúng Tăng đệ tử của Đức Thế Tôn có tranh chấp, bị phá hoại, khiến hòa hợp trở lại. Đó gọi là người thứ ba thọ nhận phạm phước.

Lại nữa, là người có tâm cùng với hành từ đều viên mãn, tức một phương đã thành tựu tự tại. Như thế, hai, ba, bốn, bốn phương, bốn hướng và hai phương trên dưới, hết thảy mười phương viên mãn, tâm với hành từ đều thành tựu tự tại. Như hành từ, thì bi hỷ xả cũng như thế. Đó gọi là người thứ tư thọ nhận phạm phước.

Phái Thí Dụ nói: Khế kinh như thế không phải đều do Đức Phật nói ra. Ở đây, ba loại người nêu trước không phải tất cả đều sinh phạm phước, vì quả chúng đạt được không giống nhau. Nghĩa là như có người, ở nơi chốn Đức Phật đản sinh, ở nơi chốn Đức Phật thành đạo, ở xứ Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, nhập Niết bàn, xây dựng các ngôi tháp đồ sộ thờ xá lợi Đức Phật, trang hoàng bằng các vật báu. Lại có những người khác cũng ở các nơi chốn nói trên, dùng các thứ gạch đá bình thường, xây dựng các ngôi tháp nhỏ, trang hoàng ít, thì hai người này sinh phước đức đâu có giống nhau?

Lại như có người, vì các đệ tử của Đức Phật, xây dựng các Tăng già lam cao rộng, trang nghiêm, như các tự viện ở rừng Kỳ đà, Trúc lâm v.v… Lại có người khác, cũng vì đệ tử của Đức Phật, nhưng tùy nghi tạo lập các Tăng già lam nhỏ, thì hai người ấy sinh phước há có giống nhau?

Lại như có người khiến cho chúng Tăng sau khi bị Đề-bà-đạtđa phá hoại, được hòa hợp trở lại. Hoặc có người khác có thể khéo hòa giải khiến chấm dứt các cuộc tranh chấp nơi Câu-xá-di, thì phước của hai người này đâu có giống nhau?

Nên biết kinh kia không phải đều do Đức Phật giảng nói, cũng không phải tất cả đều sinh phạm phước. Còn Kinh Tứ Phạm Trụ thì do Đức Phật giảng nói, bốn phạm trụ đều là phạm phước.

Các Luận sư A-tỳ-đàm nói: Các Khế kinh như thế đều do Đức Phật giảng nói, trong ấy, bốn thứ đều sinh phạm phước.

Hỏi: Như quả này là không như nhau chăng?

Đáp: Vì tạo lợi ích cho người khác, nên có tướng phước của thế gian, như tạo lợi ích cho vô lượng người khác là tu vô lượng đẳng. Như thế, đối với những sự việc trên đây, cũng là tạo lợi ích cho vô lượng người khác.

Như ở nơi chốn chưa từng lập tháp miếu, nay vì xá-lợi của Đức Như Lai nên tạo lập Thâu-bà (Tháp), tức vì muốn cho trăm ngàn chúng sinh của xứ kia, thân khẩu ý tu hành thiện, cúng dường Đức Thế Tôn các thứ dây tơ lụa năm sắc, hoa, lọng, cờ phướn, kỹ nhạc, hương bột, hương xoa. Nguyện cầu đạo Phật, đạo Thanh văn, đạo Phật-bích-chi hưng thịnh, nên được sinh vào nhà giàu sang quyền quý, hình dáng đoan nghiêm, hoặc sinh nơi cõi trời. Xét thấy sự việc này rất có lợi ích, tạo vô lượng lợi ích cho người khác, tức như phát khởi vô lượng đẳng thì đây cũng như thế.

Ở những nơi chốn chưa từng lập tự viện, nay vì các đệ tử Đức Phật nên xây dựng các Tăng già lam, cúng dường cho Tăng bốn phương, tức là muốn cho trăm ngàn chúng sinh của xứ ấy, thân khẩu ý tu hành thiện. Tức có đọc tụng, có thưa hỏi, có chỉ dạy, có tư duy nơi Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, tư duy tĩnh mặc, trừ bỏ kiết của cõi dục, trừ bỏ kiết của cõi sắc, cõi vô sắc, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Vì Phật, Pháp, Tăng nên hỗ trợ mọi công việc. Mong cầu đạo Phật, đạo Thanh văn, đạo Phật-bích-chi luôn hưng thịnh, nên được sinh vào nhà giàu sang quyền quý, hoặc sinh nơi cõi trời… Xét thấy sự việc này rất có lợi ích, tạo vô lượng lợi ích cho người khác, tức như phát khởi vô lượng đẳng thì đây cũng như thế.

Như nói chúng đệ tử của Đức Phật tuy đông hay ít, khi đã bị phá hoại thì không thể đồng tu phạm hạnh. Nếu khiến họ hòa hợp trở lại, cùng tu phạm hạnh, nên người tạo được sự hòa hợp ấy là sinh phạm phước.

Đối tượng đã được thực hiện là giống nhau, nên ba sự việc trước, tuy việc làm có khác nhau, nhưng phước thì không sai khác.

Như vậy, giúp cho các chúng đệ tử của Đức Phật được hòa hợp cũng là làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Nghĩa là khi chúng Tăng đã bị phá hoại, thì tuy làm các việc như nhập kiến đạo, chứng quả lậu dứt hết, hoặc thọ trì, đọc tụng, suy xét giảng giải văn nghĩa của ba Tạng giáo điển, trụ nơi A-lan-nhã, tu quán bất tịnh, quán sổ tức v.v…, hết thảy các phẩm hiện có đều không thành tựu, nên muốn gieo trồng hạt giống Bồ đề của ba thừa cũng không thể được. Do đấy, pháp luân không còn chuyển khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến chư thiên trời Thủ đà hội cũng hiện khởi tâm khác. Nhưng khi các chúng đệ tử của Đức Phật hòa hợp trở lại, thì các sự việc như nhập kiến đạo, chứng quả lậu dứt hết v.v… cho đến gieo trồng hạt giống Bồ đề của ba thừa đều thành tựu. Như thế là làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh, nên đều sinh phạm phước.

Tôn giả Bà-tu-mật nói: Ở nơi chốn chưa từng lập tháp miếu, nay do xá-lợi của Đức Như Lai nên lập Thâu-bà, tức do bốn sự việc nên thọ nhận phạm phước. Bốn sự việc đó là: (1) Do tư nguyện rộng lớn nên bỏ ra nhiều tiền của. (2) Khiến cho vô lượng chúng sinh gieo trồng căn thiện. (3) Tạo các việc thiện cứu cánh. (4) Cất giữ Tạng Thân giới của Đức Như Lai.

Ở nơi chốn chưa từng xây cất Tăng già lam, nay vì các đệ tử của Đức Phật nên xây cất Tự viện, cũng do bốn sự việc nên thọ nhận phạm phước: (1) Do tư nguyện rộng lớn nên bỏ ra nhiều tiền của. (2) Khiến cho vô lượng chúng sinh gieo trồng căn thiện. (3) Tạo các việc thiện cứu cánh. (4) Khiến các chúng đệ tử của Đức Thế Tôn không nơi chốn nương dựa, tức có nơi chốn an trụ để tu nghiệp thiện.

Nếu khi chúng Tăng bị phá hoại, có thể khiến hòa hợp trở lại, cũng do bốn sự việc nên có thể thọ nhận phạm phước. (1) Lìa bỏ bốn thứ hành xấu ác của miệng. (2) Thâu nhận bốn thứ hành tốt đẹp của miệng. (3) Phá bỏ các thứ phi pháp. (4) Kiến lập chánh pháp.

Như có người tu tập bốn thứ vô lượng đẳng, tức do bốn nhân duyên nên có thể sinh phạm phước: (1) Lìa bỏ mọi thứ thuận, trái. (2) Đoạn dứt các thứ ngăn che. (3) Chứng đắc quả thanh tịnh. (4) Gắn bó với hạnh thanh tịnh.

Hỏi: Phạm phước này về lượng là như thế nào?

Đáp: Có thuyết nói: Nhân nơi hành (Nghiệp) làm Chuyển luân vương, được tính là phạm phước.

Lại có thuyết cho: Nhân nơi hành làm thiên Đế Thích, được tính là phạm phước.

Lại có thuyết nêu: Nhân nơi hành làm thiên tử của trời Tha hóa tự tại, được tính là phạm phước.

Lại có thuyết nói: Nhân nơi hành làm Đại Phạm, được tính là phạm phước.

Lại có thuyết cho: Khi thế gian hoại, trở lại thành, tất cả chúng sinh nhân nơi hành nên thiết lập đại địa này, được tính là phạm phước.

Lại có thuyết nêu: Phạm thiên thỉnh Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, có được phạm phước, được tính là phạm phước.

Hỏi: Đại Phạm thiên vương theo tâm vô ký không ẩn mất (vô phú vô ký) thỉnh Đức Phật, Thế Tôn, vì sao thọ nhận phạm phước?

Đáp: Có thuyết nói: Tức Phạm thiên bắt đầu phát tâm muốn đến thỉnh Đức Thế Tôn chuyển pháp luân ngay lúc ấy tức được phạm phước.

Người kia không nên nói như thế, vì khi chưa tạo nghiệp mà lại được phước.

Hỏi: Nếu không như vậy thì sự việc ấy là thế nào?

Đáp: Đại Phạm thiên thỉnh Đức Thế Tôn chuyển pháp luân. Đại Phạm thiên nghe báo nhận biết là Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, liền suy niệm: Do ta thỉnh nên Đức Phật mới chuyển pháp luân. Đại Phạm thiên do đấy nên tâm rất hoan hỷ, rồi phát nguyện thiện hết sức vi diệu. Chính lúc ấy là được thọ nhận phạm phước.

Lại có thuyết cho: Trừ nghiệp thiện của Bồ tát gần với Phật địa, các chúng sinh khác đều có thể chiêu cảm quả của nghiệp tăng thượng về của cải giàu có, đấy được tính là phạm phước.

Nên nói như thế này: Gọi là phạm phước, đấy là những lời khen ngợi, ca tụng, song phạm phước là vô lượng vô biên, không thể tính kể.

Như nơi Khế kinh Đức Thế Tôn nói: Tu tập Từ, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi trời Biến tịnh. Tu tập Bi, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi xứ không. Tu tập Hỷ, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi xứ thức. Tu tập Xả, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi xứ bất dụng.

Hỏi: Nếu nói tu tập Từ, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi trời Biến tịnh, điều này tức nên như vậy, vì quả của Từ được báo nơi trời Biến tịnh. Còn như tu tập Bi, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi xứ không. Tu tập Hỷ, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi xứ thức. Tu tập Xả, tu tập nhiều, sẽ sinh nơi xứ bất dụng. Điều này không thể như thế. Vì sao? Vì đây là căn thiện, công đức của cõi sắc không thể thọ nhận báo của cõi vô sắc, tức không nên nói như thế.

Đáp: Có thuyết nói: Lúc Đức Phật Di Lặc hạ sinh, sẽ giải thích rõ về nghĩa này. Người khác thì không thể.

Hoặc cho: Vì giống nhau nên nói như thế. Từ là hành vui, là lạc căn, trong tất cả sinh tử là tối diệu, nơi ba thiền kia có thể đạt được. Vì thế Đức Phật nói: Tu Từ sinh nơi trời Biến tịnh. Bi là có thể chê trách hủy hoại sắc. Xứ không cũng chê trách hủy hoại sắc. Thế nên Đức Phật nói: Tu Bi sinh nơi xứ không. Hỷ là hành vui mừng. Ý của xứ thức cũng là hành vui mừng. Thế nên Đức Phật nói: Tu Hỷ sinh nơi xứ thức. Xả là có thể xả bỏ. Xứ bất dụng cũng được gọi là xả. Vì thế Đức Phật nói: Tu Xả sinh nơi xứ bất dụng.

Hoặc nêu: Hành giả kia vì khiến cho ý mình được vui thích. Hoặc có hành giả muốn đạt được ba thiền. Hoặc muốn đạt được xứ không, xứ thức, xứ bất dụng.

Nói muốn đạt được ba thiền: Tức hành giả kia diệt trừ kiết của cõi dục, ý không thích không vui. Trừ bỏ dục của thiền thứ nhất, ý không thích không vui. Khi ở nơi thiền thứ hai trừ bỏ dục, thì thiền thứ ba hiện ở trước, tức ý thích ý vui.

Nói muốn đạt được xứ không: Là hành giả kia lúc trừ bỏ dục của cõi dục, ý không thích không vui. Cho đến nơi thiền thứ ba trừ bỏ dục, ý không thích không vui. Khi ở nơi thiền thứ tư trừ bỏ dục, xứ không hiện ở trước, tức ý thích ý vui.

Nói muốn đạt được xứ thức: Là hành giả kia lúc trừ bỏ dục của cõi dục, ý không thích không vui. Cho đến ở nơi thiền thứ tư trừ bỏ dục, ý không thích không vui. Lúc ở nơi xứ không trừ bỏ dục, xứ thức hiện ở trước, tức ý thích ý vui.

Nói muốn đạt được xứ bất dụng: Là hành giả kia lúc trừ bỏ dục của cõi dục, ý không thích không vui. Cho đến ở nơi xứ không trừ bỏ dục, ý không thích không vui. Lúc ở nơi xứ thức trừ bỏ dục, xứ bất dụng hiện ở trước, tức ý thích ý vui.

Đây gọi là hành giả vì muốn cho ý được vui thích, nên nói như thế.

Hoặc cho: Ở đây là nói giác chi, đạo chi. Nghĩa là giác chi, đạo chi có thể trừ thiền thứ hai, nên nói là Từ. Giác chi, đạo chi có thể trừ thiền thứ tư, nên nói là Bi. Giác chi, đạo chi có thể trừ xứ không, nên nói là Hỷ. Giác chi, đạo chi có thể trừ xứ thức, nên nói là Xả. Đây gọi là nói về giác chi, đạo chi.

Hoặc nói: Vì nhằm trừ bỏ ý của nhóm dị học. Dị học đối với cõi vô sắc chấp cho là giải thoát, đối với vô lượng đẳng cho là đạo. Thế nên Đức Thế Tôn dùng tiếng vô lượng để nói về cõi vô sắc nhằm làm rõ cõi vô sắc đều giống như vô lượng đẳng, chẳng phải là giải thoát chân thật.

Tôn giả cù-sa cũng nói: Các ngoại đạo chấp cho cõi vô sắc là giải thoát, nên Đức Thế Tôn đối với họ đã dùng tiếng vô lượng đẳng để chỉ rõ cõi ấy giống với vô lượng đẳng, không phải là giải thoát chân thật.

Nói rộng về Xứ bốn vô lượng đẳng xong.

HẾT – QUYỂN 11