NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

XA VÀ GẦN

Xưa, có một ngôi làng tên Cam Lộ nằm cách hoàng cung rất xa. Làng này có một dòng suối rất tuyệt, quanh năm nước luôn trong vắt, không bao giờ cạn, bất kể thời tiết thế nào, vị nước ngon đến nỗi uống một lần là nhớ đời.

Bởi vậy trong một lần du ngoạn, nhà vua tình cờ uống được nước suối ấy, ông mê mẩn, và không chịu uống nước ở đâu khác. Thế là từ đó về sau vua truyền lịnh bắt dân làng ngày ngày phải thay nhau gánh nước suối mang đến cho ông dùng.

Dân làng Cam Lộ không đông, lại phải luân phiên gánh nước, nếu cứ trường kỳ tải nước như vậy thì mệt chết được. Sức người chứ đâu phải sức voi hay sức trâu? Dần dần họ cảm thấy hết kham nổi. Thế là dân làng, người thì bỏ sang thì xứ khác sinh sống, người thì bôn đào lánh nạn.

Số người gánh nước ngày càng ít, cực nhọc lại tăng lên. Chỉ có Trưởng thôn là không thể trốn đi đâu. Chịu hết nổi, ông đến hoàng cung rên rỉ với nhà vua:

– Tâu bệ hạ! Do gánh nước quá cực khổ nên dân làng bỏ đi gần hết. Cứ kiểu này, e rằng về sau chẳng còn người gánh nước cho bệ hạ dùng.

Vua nói:

-Vậy… ông có kế gì cứu vãn tình hình này chăng? Trẫm không thể ngưng uống nước suối đó được!

– Muôn tâu, do người trong thôn ngán đoạn dường dài thăm thẳm, thần nghĩ bệ hạ nên đổi lại, thâu ngắn đường từ làng tới cung xuống còn phân nửa thôi, khi dân làng thấy đường ngắn bớt, họ sẽ vui vẻ gánh nước cho bệ hạ dùng!

– Khanh nói lạ chưa? Đường làm sao mà thâu ngắn được? Trẫm đâu phải thần?…

– Bệ hạ chỉ cần ghi vào bảng hướng dẫn cắm trên đường, cho biết là từ hoàng cung tới làng Cam Lộ chỉ có… gần mươi cây số thôi là được rồi ạ!

Vua làm y lời, bản đồ các lộ trình khác trong nước đều giữ nguyên không đổi, riêng quãng đường làng Cam Lộ tới cung ghi ngắn hơn thực tế một nửa và còn được phong là “Ngôi làng tuyệt vời”…

Bảng biểu đã lập, trưởng thôn họp dân lại thông báo:

– Xin dân làng đừng bỏ đi nữa, Làng ta được vinh phong là Làng Tuyệt Vời!… Xem này, đường đi trong bản đồ đã được vua cho đo, ghi đàng hoàng, ngắn hơn ta tưởng nhiều, quí vị chịu khó gánh nước cho vua tiếp nhé?…

Dân làng nghe nói, bớt ngán; thêm việc làng được sắc phong khiến họ cảm thấy vinh dự. Những người ly hương nay quay về định cư lại, họ đều thấy rõ là đường đi đến hoàng cung hình như có ngắn và việc gánh nước trở nên nhẹ nhàng hơn xưa.

(Phỏng theo Kinh Bách Dụ)

BÌNH:

Số đo được tính bằng thước tấc xem ra vẫn không bằng số đo của tâm lý. Cũng quãng đường dài đó, nếu đôi tình nhân cùng song hành, biết đi hết đường là phải xa nhau, họ sẽ thấy đường sao ngắn quá. Còn người tìm nhà, tìm thân nhân; nôn nóng muốn mau đến, cũng đi trên con đường đó, họ sẽ thấy sao mà xa quá!

Cũng một tình huống, một hoàn cảnh, nếu ta nhìn bằng cặp mắt bi quan thì sự việc sẽ thê lương, trọng đại. Nhưng nếu ta biết cách rút ngắn, giản lược mọi rắc rối, thì có thể chuyển đổi tình huống nặng nề thành nhẹ nhàng.

Trong đời, có những cái khổ không thể tránh được; muốn mang nổi gánh nặng vượt qua chặng đường đầy gian nan của cuộc đời, thì tâm từ phải an lạc. Con đường không thể rút ngắn, song sức mạnh tinh thần có thể làm giảm bớt khổ và rút ngắn nó. Hai người bạn đi trên con đường dài, độ dài con đường không làm họ ngán vì trong lòng đang vui. Làng được vinh phong, cũng tiếp thêm niềm vui tinh thần cho người dân. Con đường vẫn thế, nhưng tâm lý phấn chấn đủ sức giúp họ vượt lên. Cho nên, số đo bằng thước dù chuẩn xác xem ra vẫn thua số đo tâm lý, vì người vui cảnh cũng vui theo. Chính vì vậy mà mọi giáo pháp thường hướng dẫn việc an tâm. Tâm có an lạc thì mới đủ sức đương đầu với những khốn khó của cuộc đời. Điều quan trọng là, khi nhờ ai đó làm việc gì cho mình, công trạng họ phải được tôn vinh, tưởng thưởng, và tri ân xứng đáng; như thế ta mới có được những trợ thủ hết lòng đắc lực; bằng không, ta sẽ bị người lánh xa, né tránh; vì chỉ biết thụ hưởng mà không quan tâm đến những nhọc nhằn hi sinh người đã dành cho mình.