NHÁT KIẾM SAU CÙNG
(Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
Hạnh Đoan
VỢ CHỒNG XỨNG ĐÔI
Xưa có đôi vợ chồng, dung mạo tuấn tú diễm lệ hơn người, vốn tốt tính, hiền lành, họ sống với nhau rất hòa thuận êm ấm.
Do quá xinh đẹp nên suốt ngày họ cứ ngồi đâu mặt, mê mãi ngắm nhau; ngắm say sưa, quên cả trời đất, quên hết thời gian; ngắm mê mệt mà không hề thấy chán.
Một ngày nọ, bất hạnh giáng xuống đầu họ, mắt hai vợ chồng đều vương bịnh, không bao lâu thì bị mù. Chồng không nhìn rõ vợ, vợ hết trông thấy chồng. Việc này khiến hai vợ chồng rất đau buồn, lo lắng.
Người chồng nghĩ: “Vợ ta dung mạo mỹ miều như thế, ta lại không được nhìn ngắm nàng, ta phải lo mà giữ nàng… kẻo không, mấy ông đoạt mất”.
Người vợ cũng nghĩ như chồng. Nàng nhủ thầm: “Chồng ta tuấn tú khôi ngô như thế, cho dù mắt chàng hết nhìn thấy gì, song vẫn dư sức làm mấy bà chết mê chết mệt!… Cho nên, dù có… đui, ta cũng phải ráng mà canh chừng chàng!”
Hai người đều sợ mất nhau, đi đâu cũng quấn quít, theo sát nhau, không dám lìa xa một phút. Do không thấy đường nên họ cứ hoài nghi, lo sợ vẩn vơ.
Cứ thế trải qua hai mươi năm.
Ngày nọ, có một vị thần y từ phương xa đi ngang qua thị trấn này. Tình cờ gặp hai vợ chồng, danh y thấy tội, bèn ra sức chữa trị khiến mắt họ được sáng lại như xưa.
Giây phút đầu tiên hai vợ chồng được nhìn thấy nhau, họ bỗng rú lên một tiếng.
Người chồng ngạc nhiên nói:
– Ôi trời! Mụ già nào đây? Nhất định mụ không phải là cô vợ xinh đẹp, khả ái của ta!
Người vợ giẫy nẩy bảo:
– Lão già cà chớn! lão cũng không phải là chồng ta! Chồng ta tuấn tú khôi ngô, ai thấy cũng yêu, chứ đâu có già khụ như lão!?
Bởi vì trong lòng họ chỉ có hình bóng yêu kiều trẻ trung của nhau, nên chẳng cách chi chấp nhận được hình dáng già nua đang phơi bày trước mắt mình. Mặc người chung quanh khuyên giải, họ cứ khăng khăng không chịu nhận là vợ chồng của nhau.
(Theo Nhân sinh phương hướng của Lâm Thanh Huyền)
BÌNH:
Đổi thay của ba mươi năm là khoảng thời gian dài để chúng ta có thể chấp nhận và thông cảm. Những đổi thay của tháng trước, tuần rồi, ta cũng có thể chấp nhận được… Song, những đổi thay của hôm qua, ngày nay và phút giây trước của chính ta và mọi người – Thật khó mà cảm thông và chấp nhận! Dòng đời, dòng thời gian, dòng tâm thức., vẫn miên man trôi chảy và biến chuyển không ngừng. Người đứng trước mặt ta, hình hài tuy không đổi khác nhưng từng niệm trong tâm họ luôn thay đổi, song ta không nhận ra điều đó. Mà nếu có nhận ra ta sẽ trách ngay: “Người gì mà hay thay đổi!”… Ta giống như cặp vợ chồng trong truyện, đem hình ảnh cũ, những hiểu biết cũ “máng” vào cái hình hài tâm thức mới, kết quả là ta thường gặp điều nghịch ý, không vui. Vì ta không thể bắt người phải suy nghĩ và đối với ta y hệt như ngày hôm qua, hoặc giây phút trước. Lý do là cái tâm vọng luôn thay đổi lảng xăng, chợt vui chợt buồn, chợt tốt chợt xấu, bình yên đó rồi dậy sóng đó… Ngay chính người cưu mang nó cũng không làm chủ, không kiểm soát kịp nữa là…! Còn cái tâm chân (?) dù bất biến, song ta chưa hằng sống được với nó nên ta cứ bị vọng niệm xỏ mũi kéo chạy dài dài, tâm ta cứ bập bềnh trôi nổi theo những vọng niệm không ngừng sinh diệt, đa trạng thái.
Các bậc giác ngộ thường khuyên: “Hãy nhìn sự việc như nó đang hiển hiện, đừng uốn nắn, bắt nó theo phải xảy ra như ý mình”. Làm được vậy ta mới có thể hạnh phúc và sẽ dễ cảm thông, bao dung hơn trước cái thói tật mưa nắng thất thường của người đời, ta phải tập nhìn sự vật như nó đang hiện, để tránh cho mình khỏi phải thất vọng vì những yêu sách, những bắt buộc không đâu mà ta đòi hỏi ở người. Khi biết nhìn và chấp nhận hiện tại, tâm ta sẽ được an tịnh, sáng suốt; ít khổ đau.