PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT
Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên
PHẦN II
PHÁP
CHƯƠNG 8
TU ĐỊNH
THƯỢNG TỌA BỘ
Mục đích của thiền định
Trong khi tu giới là để chế ngự hiện hành của những phiền não, thì tu định làm nó suy yếu, và với cuối cùng, bằng trí tuệ mà đoạn trừ, những vọng động của tâm có gốc rễ từ khát ái và vô minh dẫn đến tạo nghiệp, và bởi đó dẫn tái sanh trong tương lai. Quan hệ giữa tu định với đạo quả có thể được thấy trong đoạn *Th.97–101.
Th.121 Bản tánh của tâm
Những bài kệ này làm nổi bật bản chất hay thay đổi của tâm, sự cần thiết chế ngự tâm và do vậy sẽ mang lại an lạc. Ở đây Māra, Ma, hay ‘Thần Chết’ (tử ma), nhân cách hóa thành vị thần được coi là biểu hiện cho sự chết và ái dục, dẫn đến sinh và tử; māra cũng là một từ ngữ nhân cách hóa chỉ cho những phiền não (phiền não ma). ‘Vương quốc của Māra’ cũng chỉ cho tất cả những gì lệ thuộc vào vô thường và do đó lệ thuộc sự chết.
Tâm dao động, biến ảo, khó thủ hộ, khó ngăn. Người trí nắn thẳng tâm, như thợ tên, nắn tên.
Như cá lìa khỏi nước, vất bỏ trên đất liền, tâm run rẩy cũng vậy, hãy xả ly Ma giới.
Bồng bột, khó ức chế, quay cuồng theo các dục, lành thay, chế ngự tâm, tâm chế ngự, an lạc.
Vi tế, rất khó thấy, quay cuồng theo các dục, hiền trí thủ hộ tâm, tâm thủ hộ, an lạc.
Độc hành, đi xa mãi, vô hình, ẩn hang động, ai tự chế ngự tâm, thoát khỏi Ma trói buộc.
Ai tâm không an định, không biết Pháp vi diệu, tín niệm trôi phiêu bồng, trí tuệ không tròn đầy.
Ai tâm không rò rỉ, ý tư không mê loạn, xả ly thiện và ác, người tỉnh thức, không sợ.
Biết thân như ghè gốm, định tâm như thành trì, gươm trí kích quân Ma; thủ thắng, không nghỉ ngơi. Không bao lâu thân này, sẽ nằm dài trên đất, bị vất, không ý thức, như khúc cây vô dụng.
Kẻ thù đối kẻ thù, oan gia đối oan gia, tự gây ác cho nhau, không như tâm hướng tà.
Không do cha, mẹ làm, cũng không do thân quyến, tự gây thiện cho mình, không bằng tâm hướng chánh.
Citta-vagga: Dhammapada 33–43, dịch Anh P.D.P.
Th.122 Cần thiết tu tâm
Đoạn này nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của tâm trí khi các khuynh hướng bất thiện trong nó không bị chế ngự, nhưng nó có lợi như thế nào khi được tu tập bằng thiền định.
Này các tỳ-kheo, ta không thấy một pháp nào khác mang lại tai hại to lớn như tâm không được tu tập, không tu tập nhiều. Tâm không được tu tập, không tu tập nhiều, đem lại tai hại. Này các tỳ-kheo, ta không thấy một pháp nào khác đem lại lợi ích to lớn như tâm được tu tập, tu tập nhiều. Tâm được tu tập, tu tập nhiều, đem lại lợi ích. …
Này các tỳ-kheo, ta không thấy một pháp nào khác đưa đến lợi ích lớn như tâm được thủ hộ, được bảo hộ, được phòng hộ. …
Akammanīya-vagga, suttas 9–10 và Adanta-vagga, suttas 9–10: Aṅguttara-nikāya I.6–7, dịch Anh P.D.P.
Các tùy miên cũng như các tiềm năng sáng chói của tâm
Th.123 Tâm ngây thơ chẳng phải là hoàn toàn thanh tịnh
Đoạn này chỉ ra rằng ngay cả tâm của trẻ sơ sinh, trước khi có bất kỳ phiền não ô nhiễm nào, nhưng phiền não ô nhiễm đã tiềm phục sẵn trong nó, sẽ phát khởi sau này. Được sinh làm con người là tốt, và đó là kết quả của những thiện nghiệp trong quá khứ, nhưng người chưa giác ngộ vẫn còn bị ràng buộc bởi những phiền não tiềm phục buộc chặt nó lại trong vòng sinh tử và đau khổ.
Một đứa trẻ nít, non nớt, ngây dại, còn nằm ngửa, ý niệm về ‘hữu thân’ còn chưa có, thế thì do đâu phát khởi hữu thân kiến[1]? Nhưng hữu thân kiến tùy miên thật sự đang tiềm phục trong nó.
Một đứa trẻ nít, non nớt, ngây dại, còn nằm ngửa, ý niệm về ‘pháp’ còn chưa có, thế thì do đâu phát khởi nghi hoặc đối với các pháp? Nhưng nghi tùy miên thật sự tiềm phục trong nó.
Một đứa trẻ nít, non nớt, ngây dại, còn nằm ngửa, ý niệm về ‘giới’ còn chưa có, vậy do đâu phát khởi giới cấm thủ? Nhưng giới cấm thủ tùy miên thật sự tiềm phục trong nó.
Một đứa trẻ nít, non nớt, ngây dại, còn nằm ngửa, ý niệm về ‘dục’ còn chưa có, vậy do đâu phát khởi dục tham trong các dục? Nhưng dục tham tùy miên thật sự tiềm phục trong nó. Một đứa trẻ nít, non nớt, ngây dại, còn nằm ngửa, ý niệm về ‘chúng sanh’ còn chưa có, vậy do đâu phát khởi sân đối với các chúng sanh? Nhưng sân tùy miên thật sự tiềm phục trong nó.
Mahā-mālunkya Sutta: Majjhima-nikāya I.432–433, dịch Anh P.H.
Th.124 Tâm sáng chói
Tuy nhiên, đoạn này mô tả bản tánh cơ bản của tâm là ‘sáng chói’, mặc dù nó thường bị ô nhiễm bởi những phiền não khách trần (thường hành động như những vị khách đến một ngôi nhà rồi cư xử như họ sở hữu nơi này). Trong truyền thống Thượng tọa bộ, chú giải sư Buddhaghosa đã đề cập[2] tới cái tâm quang minh này như là ‘trạng thái tâm an ổn tiềm ẩn thanh tịnh tự nhiên’. Trong truyền thống Đại thừa, có rất nhiều kinh văn nói về điều này và nó tương đương với Phật tánh (xem đoạn *M.12–13, 111–112), hoặc Như Lai tạng trong chúng sinh. Khi không bị che khuất bởi phiền não (mà thiền định tạo điều kiện), thì bản tánh cơ bản sáng chói của tâm có thể là cơ sở để đạt được tuệ quán giải thoát dẫn đến chứng đạt Niết-bàn; nếu không, phiền não sẽ theo thời gian mà trở lại và các loại tái sinh sẽ theo sau, mặc dù một số trong những cõi trời sáng chói sẽ làm các phiền não yếu đi. Này các tỳ-kheo, tâm này cực kỳ sáng chói, nhưng nó bị ô nhiễm bởi khách trần phiền não. Kẻ phàm phu không học không rõ biết điều này như thật. Do vậy, Ta nói kẻ phàm phu không học không tu tập tâm.
Này các tỳ-kheo, tâm này cực kỳ sáng chói, và nó được gột sạch các khách trần phiền não. Thánh đệ tử đa văn rõ biết điều này như thật. Do vậy, Ta nói rằng Thánh đệ tử đa văn có tu tập tâm.
Accharā-saṅghāta–vagga, suttas 1 and 2: Aṅguttara-nikāya I.10, dịch Anh P.H.
Năm triền cái và các phiền não khác
Th.125 Năm triền cái là phiền não khách trần chính
Đoạn này chỉ ra rằng ‘khách trần’ chủ yếu của tâm là năm triền cái.
Này các tỳ-kheo, có năm thứ tạp nhiễm của vàng, do bị tạp nhiễm mà vàng không mềm dẻo, không dễ uốn, không chói sáng, mà giòn dễ gãy, và không thích hợp để chế biến… sắt… đồng… thiếc… chì… và bạc…
Cũng vậy, này các tỳ-kheo, có năm tạp nhiễm này của tâm, do bị tạp nhiễm, tâm không mềm dẻo, không dễ uốn, không chói sáng, mà giòn dễ gãy, không chân chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc. Những gì là năm? Dục tham… sân… hôn trầm và thụy miên… trạo hối… nghi. Kilesa Sutta: Saṃyutta-nikāya V.92, dịch Anh P.H.
Th.126 Các triền cái tổn hại trí tuệ
Những đoạn này nhấn mạnh rằng những triền cái làm suy yếu trí tuệ, làm cho tâm trí muội lược không thể hiểu biết pháp gì dẫn đến an lạc, pháp gì dẫn đến tuệ giải thoát. Bảy ‘giác chi’ là đối trị phần của chúng (xem kết thúc đoạn *Th.139).
Này các tỳ-kheo, năm triền cái này khiến cho tối tăm, không có mắt, không có trí, diệt trí tuệ, trợ bạn gây tổn hại, và không dẫn đến Niết-bàn.
Bảy giác chi này, này các tỳ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, tăng trưởng trí tuệ, không trợ bạn cho tổn hại, và dẫn đến Niết-bàn.
Nīvaraṇa Sutta: Saṃyutta-nikāya V.97, dịch Anh P.H.
Khi một tỳ-kheo không đoạn trừ năm chướng ngại triền cái này, vốn trùm kín tâm và làm suy yếu tuệ, với tuệ bất lực và suy yếu thì không thể biết lợi mình là gì, lợi người là gì, lợi cả hai là gì, cũng không thể chứng đắc pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh. Āvaraṇā Sutta: Aṅguttara-nikāya III.63–64, dịch Anh P.H.
Này các tỳ-kheo, ví như một hồ nước trong suốt, tĩnh lặng, không bị khuấy đục, và một người có mắt, đứng trên bờ, người ấy có thể thấy các con sò và ốc, các hòn sỏi và hòn sạn đang nằm dưới đáy, các đàn cá lội qua lại hay đứng yên. Vì sao? Vì nước trong suốt. Cũng vậy, tỳ-kheo với tâm trong sáng có thể biết được lợi mình, lợi người, lợi cả hai, chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.
Paṇihitācchanna-vagga, sutta 6: Aṅguttara-nikāya I.9, dịch Anh P.H.
Th.127 Chế ngự năm triền cái
Đoạn này so sánh những triền cái với năm điều hạn chế tự do của một người: tham, như món nợ – người ta vay mượn năng lượng từ các đối tượng dục để thỏa mãn những ham muốn thông thường của mình; sân, như bị bệnh, khiến người ta mất thực vị – vì khi giận, không thể hài lòng với cái gì; hôn trầm và thụy miên, như tù ngục – một người bị dính mắc trong thụy miên không thể tự mình chuyên chú và tận hưởng bất cứ điều gì; trạo cử và hối tiếc, như nô lệ – một người bị nô lệ cho các cảm xúc cao thấp chế ngự; và nghi, như du hành qua một vùng hoang mạc – đó là giai đoạn tâm cằn cỗi bởi hoài nghi và do dự. Đình chỉ năm triền cái có thể bằng cách nghe pháp theo thuận thứ (xem đoạn *Th.28) hoặc, như ở đây, bằng tu tập thiền định, cho đến khi tâm chứng nhập các thiền. (xem *Th.140).
Đoạn trừ tham lam ở đời, an trú với tâm xả ly tham lam, tịnh trừ tâm tham lam. Đoạn trừ sân hận, an trụ với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, tịnh trừ tâm sân hận. Đoạn trừ hôn trầm, thụy miên, an trú xả ly hôn trầm và thụy miên; chánh niệm chánh tri với quang minh tưởng, tịnh trừ tâm hôn trầm, thụy miên. Đoạn trừ trạo cử, hối tiếc, an trụ không trạo cử, nội tâm tịch tĩnh, tịnh trừ tâm trạo cử, hối tiếc. Đoạn trừ nghi, an trụ không nghi, không do dự, tịnh trừ tâm nghi đối với thiện pháp.
Như một người mắc nợ, nên làm các nghề nghiệp. Khi những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi vợ con, có thể nghĩ: ‘Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp, nhưng nay nghề nghiệp phát đạt…’ Người ấy nhờ vậy được khoái lạc, hoan hỷ.
Như một người bị bệnh, đau đớn, bệnh trầm trọng, ăn không thấy ngon, thể lực suy yếu; sau một thời gian, khỏi bệnh, ăn uống thấy ngon, thể lực khôi phục, có thể nghĩ: ‘Ta trước kia bị bệnh…’Người ấy nhờ vậy hoan hỷ, khoái lạc.
Như một người bị tù ngục, sau một thời gian, khỏi tù ngục, an toàn an lạc, tài sản không bị tổn thất, có thể nghĩ: ‘Ta trước kia bị tù ngục…’ Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
Như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại, sau một thời gian, thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, được giải thoát, được tự do đi lại, có thể nghĩ: ‘Ta trước kia bị nô lệ…’ nhờ vậy hoan hỷ, khoái lạc.
Như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua hoang mạc, thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm, sau một thời gian đã qua khỏi sa mạc, đến đầu làng, vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm, có thể nghĩ: ‘Ta trước kia… thiếu lương thực, đầy những nguy hiểm, nay ta… đến đầu làng vô sự, yên ổn, không có nguy hiểm’. Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
Như vậy, này Đại vương, tỳ-kheo tự mình quán năm triền cái chưa được xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như nô lệ, như đường qua hoang mạc. Nhưng khi tỳ-kheo ấy nhận thức được sự diệt tận của năm triền cái nơi mình, cũng như người không mắc nợ, như không bệnh tật, khỏi tù tội, được tự do, đến đất lành yên ổn. Sāmañña-phala Sutta: Dīgha-nikāya I.71–73, dịch Anh P.H.
Th.128 Duyên khởi của lậu và vô minh
Ô nhiễm sâu nhất của tâm được gọi là lậu (Pāli. āsava, Skt. āśrava): ‘rỉ chảy’, và lên men, tương tợ như một vết loét mưng mủ, hút hết năng lượng của tâm, và đó là một thứ độc hại. Đôi khi được dịch Anh là ‘cankers’ (ung nhọt) hoặc ‘taints’ (vết bẩn) hoặc ‘outflows’ (rò rỉ), nhưng tốt nhất được dịch là ‘intoxicating inclinations’ (xu hướng gây độc hại) – giống như khuynh hướng uống rượu dẫn đến say sưa gây độc hại, khi được tác động. A-la-hán đã giác ngộ thường được định nghĩa là người hoàn toàn không còn các lậu (lậu tận A- la-hán). Chúng là những dòng nước bẩn tuôn bị thấm đẫm bởi ba thứ: dục lậu (cuốn vào tái sanh Dục giới), hữu lậu (cuốn vào tái samh Sắc và Vô sắc giới), và vô minh lậu (dòng nước bẩn vô minh). Đôi khi thêm vào yếu tố thứ tư: tà kiến. Đoạn sau đây xem các lậu hoặc được kết dệt với vô minh, chính lậu duy trì vô minh, và vô minh cũng là một yếu tố lậu trong số các lậu, và vô minh chính nó cũng duy trì các lậu. Các lậu có thể được xem là những tập quán xấu được cắm rễ sâu và cố kết, phải do tuệ thâm sâu mới soi sáng và xua tan bóng tối mà các lậu trưởng dưỡng. Khi ánh sáng của tâm được phơi mở bằng thiền định, người ta phải sử dụng ánh sáng đó để thẩm sát mọi thứ một cách cẩn thận.
Tập khởi của lậu là tập khởi của vô minh. Diệt tận của lậu hoặc là diệt tận của vô minh.
Có ba lậu này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Tập khởi của vô minh là tập khởi của lậu. Diệt tận của vô minh là diệt tận của lậu. Sammā-diṭṭhi Sutta: Majjhima-nikāya I.54–55, dịch Anh P.H.
Quan trọng của tác ý
Th.129 Tác ý sai biệt
Vấn đề phải chăng các phiền não chỉ là “những khách đến” hay chúng thường trú trong tâm, mấu chốt của phân biệt sai khác này là ở chỗ tâm hay ý (mano) được chuyên chú vào các đối tượng như thế nào, với tác ý, (manasikāra) theo nghĩa đen là tác dụng của ý (hay trong ý). Do đó cần phải có sự cảnh tỉnh hay cảnh giác của tâm ý, sự chú tâm với tuệ, để tránh xử lý sai lầm các mối quan hệ của tâm với đối tượng của nó và mời khách phiền não đến viếng rồi đi, hoặc lưu trú.
Này các tỳ-kheo, phàm những pháp nào là bất thiện, thuận bất thiện phần, thuộc phẩm loại, tất cả đều được dẫn đầu bởi ý. Ý phát khởi trước, rồi các pháp bất thiện theo sau.
Này các tỳ-kheo, phàm những pháp nào là thiện, thuận thiện phần, thuộc phẩm loại thiện, tất cả chúng đều được dẫn đầu bởi ý đi trước. Ý phát khởi trước, rồi các pháp thiện theo sau. Này các tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khiến cho các pháp bất thiện chưa sanh được sanh, các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn trừ, như phóng dật.
Accharā-saṅghāta–vagga, suttas 6, 7 and 8: Aṅguttara-nikāya I.11, dịch Anh P.H.
Ý dẫn đầu các pháp.[3] Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, nói năng hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng, không rời hình. Dhammapada 1–2, dịch Anh P.H.
Th.130 Như lý tác ý trừ tham, sân, si
Như lý tác ý là chìa khóa để khắc phục những phiền não nhiễm ô dẫn đến đau khổ trong đời. Những phiền não này đôi khi được tóm lược thành: tham (ái dục, nhưng cũng chỉ cho bất kỳ loại tham nào khác), sân, và si. Sự đoạn tận ba điều này đánh dấu việc chứng đắc bồ-đề, và tham, sân, si là nguồn gốc của những hành vi bất thiện (xem đoạn *Th.102). Tham tội nhỏ, nhưng ly tham chậm. Sân tội lớn, nhưng ly sân chóng.[4] Si tội lớn, nhưng ly si chậm.…
Với ai không như lý tác ý đến tịnh tướng, tham chưa sanh sẽ sanh, tham đã sanh tăng trưởng quảng đại… Với ai không như lý tác ý đến tướng đối ngại, sân chưa sanh sẽ sanh khởi, sân đã sanh tăng trưởng quảng đại… Với ai không như lý tác ý, si chưa sanh sẽ sanh khởi, si đã sanh tăng trưởng quảng đại.…
Với ai như lý tác ý đến tướng bất tịnh, tham chưa sanh sẽ không sanh, tham đã sanh được đoạn trừ… Với ai như lý tác ý đến từ tâm giải thoát, sân chưa sanh sẽ không sanh, sân đã sanh được đoạn trừ… Với ai như lý tác ý, si chưa sanh sẽ không sanh, si đã sanh được đoạn trừ. Aññatitthiyā Sutta: Aṅguttara-nikāya I.200, dịch Anh P.H.
Th.131 Từ diệt bất thiện tầm
Đoạn này gợi ý năm phương pháp chế ngự tầm tư bất thiện bị tham, sân, si chi phối: chú tâm vào một tầm tư thiện (như trong đoạn trên); quán sát sự tai hại của tầm tư ấy; chú tâm tác ý đến tầm tư khác; làm chậm lại và an tĩnh tiến trình suy nghĩ (chú giải gợi ý rằng làm như vậy bằng cách lần trở lại tâm tự nó khởi lên trạng thái ấy như thế nào, ví như tạo ra một ngọn núi từ một ụ đất); và cuối cùng là sử dụng sức mạnh ý chí để đẩy tầm tư đó ra. Phương pháp sau chỉ được sử dụng nếu phương pháp trước đó không dùng được, vì vậy phương pháp cuối cùng, sức mạnh ý chí mạnh mẽ, là cách cuối cùng, chỉ được sử dụng khi có cái gì đó trong tâm trí vẫn còn bám vào suy nghĩ tiêu cực.
Tỳ-kheo muốn thực tu tăng thượng tâm cần phải thường tác ý năm tướng. Năm tướng ấy là gì? Ở đây, tỳ-kheo do nơi tướng nào, tác ý tướng nào, mà các tầm tư ác bất thiện liên hệ dục, sân, si sanh khởi, vị ấy cần phải tác ý một tướng khác với tướng ấy liên hệ thiện; do vậy, các tầm tư ác bất thiện liên hệ dục, sân, si được trừ diệt. Do tác ý như vậy, nội tâm được an trú, an tĩnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra cái nêm khác…
Nếu tỳ-kheo ấy khi tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ thiện, mà các tầm tư ác bất thiện liên hệ dục, sân, si vẫn khởi lên, vị ấy cần phải quán sát sự nguy hiểm của những tầm ấy, ‘Quả thật, đây là những tầm bất thiện, có tội, chín muồi trong khổ báo.’ Do quán sát như vậy, các bất thiện tầm… diệt vong… nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người nữ hay người nam trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức, nếu được quàng vào cổ xác rắn, hay xác chó, hay xác người, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm…
Nếu tỳ-kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, mà các tầm tư ác bất thiện liên hệ dục, sân, si vẫn khởi lên, vị ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ vậy, các tầm tư ác bất thiện… diệt vong… nội tâm được an trú, an tĩnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay nhìn sang một bên…
Nếu tỳ-kheo ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm tư ấy, nhưng các tầm tư ác, bất thiện liên hệ dục, sân, si vẫn khởi lên, vị ấy cần phải tác ý đến tầm tư, tác ý đình chỉ hành của tầm tư. Nhờ vậy, các tầm tư ác, bất thiện… diệt vong… nội tâm được an trú, an tĩnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đang đi nhanh, suy nghĩ, ‘Sao ta phải đi nhanh? Ta hãy đi chậm lại.’ Trong khi đi chậm, người ấy nghĩ, ‘Sao ta phải đi chậm? Ta hãy dừng lại.’ Trong khi dừng lại, người ấy nghĩ, ‘Sao ta phải dừng lại? Ta hãy ngồi xuống.’ Trong khi ngồi, người ấy nghĩ, ‘Tại sao ta phải ngồi? Ta hãy nằm xuống.’ Như vậy người ấy loại bỏ dần các cử chỉ thô tháo nhất và làm các cử chỉ tế nhị nhất…
Nếu tỳ-kheo ấy trong khi tác ý đến tầm tư, tác ý đình chỉ hành của tầm tư, mà các tầm ác, bất thiện liên hệ dục, sân, si vẫn khởi lên, vị ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, dùng tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ vậy, các tầm tư ác bất thiện… diệt vong… nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người gầy yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục, và đánh bại…
Bấy giờ khi tỳ-kheo ấy… [định tĩnh tâm bằng cách dùng các cách trên], vị ấy gọi là vị tỳ-kheo đã an trú trong đạo tầm pháp môn. Vị ấy có thể tác ý đến tầm nào vị ấy muốn, có thể không tác ý đến tầm nào vị ấy không muốn, vị ấy đã đoạn trừ khát ái, đã giải thoát các kết sử, khéo chinh phục kiêu mạn, đã chấm dứt khổ đau.
Vitakka-saṇṭhāna Sutta: Majjhima-nikāya I.119–122, dịch Anh P.H. and P.D.P.
Chỉ (samatha) và quán (vipassanā)
Th.132 Đối trị tham và vô minh
Đau khổ và vòng sinh tử được duy trì bởi hai hình thái của tâm bất thiện: tham, liên hệ các cảm xúc, chỉ các phiền não, và vô minh, liên hệ nhận thức, khiến không nhận thức sự vật chân thật. Cả hai hỗ tương tác động, vì cảm xúc nhiễu loạn khó thấy sự thật của các pháp; nhầm lẫn và nhận thức sai lạc khiến cho cảm xúc nhiễu loạn. Cảm xúc bất thiện chính yếu là tham ái, có thể được xem là bao gồm tham chấp và sân: tham cầu, và tham cầu cần được loại bỏ. Nhận thức sai lầm,chính yếu là vô minh hay si. Đoạn sau đây cho thấy rõ ràng rằng cả hai phiền não xúc cảm và nhận thức phải được khắc phục, đối trị bởi chỉ (samatha) và quán (vipassanā). Cùng song song hành tác dụng, dẫn đến trạng thái trong đó trí tuệ trực quán có thể phát sinh trong tâm an tĩnh, trong sáng và tịch tĩnh. Người ta có thể tu tập chỉ sâu rồi đến quán sâu, hay ngược lại tuệ quán sâu rồi đến chỉ sâu, hay riêng tu quán và chỉ vừa đủ ngăn chận phấn khích có thể khởi từ quán (xem phần giới thiệu *Th.138).
Này các tỳ-kheo, có hai pháp này là thuận minh phần. Hai pháp ấy là gì? Chỉ và quán. Khi chỉ được tu tập, thể nghiệm lợi ích gì? Tâm được tu tập. Khi tâm được tu tập, thể nghiệm lợi ích gì? Tham bị đoạn trừ. Khi quán được tu tập, thể nghiệm được lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Khi tuệ được tu tập, thể nghiệm lợi ích gì? Vô minh bị đoạn trừ.
Bị ô nhiễm bởi tham, tâm không giải thoát. Bị ô nhiễm bởi vô minh, tuệ không được tu tập. Do vậy, này các tỳ-kheo, do ly tham, có tâm giải thoát, và do đoạn vô minh, có tuệ giải thoát.
Bāla-vagga, sutta 10, Aṅguttara-nikāya I.61, dịch Anh P.H.
Th.133 Định tuệ tương y
Trong đoạn này, cho thấy thiền phát sinh từ chỉ (samatha), và tuệ phát sinh từ quán (vipassanā), cả hai đều hỗ tương phụ thuộc.
Không tuệ thì không thiền; không thiền thì không tuệ. Người có thiền, có tuệ, nhất định cận Niết-bàn. Dhammapada 372, dịch Anh P.H.
Niệm công đức Phật, Pháp, Tăng và sự chết
Th.134 Niệm Phật, Pháp, Tăng
Một tập hợp các pháp tu được xem là rất hữu ích cho việc đình chỉ năm triền cái, đó là niệm Phật, Pháp, Tăng: suy niệm các phẩm tánh của ba ngôi báu này (xem *Th.1 và phần giới thiệu trước 8, và 137 và 181). Phần thứ hai của đoạn này trích từ một khóa bản tu thiền thuộc Thánh điển hậu kỳ.
Khi Thánh đệ tử tùy niệm như vậy, tâm không bị chi phối bởi tham, sân, si; do hướng về Như Lai, hay Pháp, hay Tăng, tâm được chánh trực. Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được tín thọ nghĩa, được tín thọ pháp, được hân hoan liên hệ pháp. Khi vị ấy có hân hoan, hỷ sanh; do hỷ hưng phấn mà thân khinh an; do thân khinh an mà cảm thọ lạc thọ; do cảm thọ lạc mà tâm định tĩnh. Đây gọi là Thánh đệ tử an trú bình thuận dù giữa quần chúng không bình thuận, an trú không sân hại giữa quần chúng sân hại, tiến vào dòng pháp và tu tập tùy niệm Phật… Pháp… Tăng.
Mahānāma Sutta: Aṅguttara-nikāya III.285, dịch Anh P.H.
Khi tỳ-kheo chuyên tâm tùy niệm Phật, vị ấy… chinh phục được sự sợ hãi và kinh sợ, an trụ nhẫn khổ, có cảm giác như thể mình được cộng trú với Đạo Sư; thân vị ấy, khi trú trong tùy niệm những đức tính của Phật, trở thành đáng tôn kính như một tháp miếu. Tâm vị ấy hướng về đất Phật. Khi gặp một cơ hội phạm giới, vị ấy có tàm quý mãnh liệt như đang đứng trước mặt đức Đạo sư.
Visuddhimagga of Buddhaghosa, VII.67, pp.212–13, dịch Anh P.H.
Th.135 Niệm tử
Các đoạn *Th.75–77 nói về niệm tử, suy niệm về sự chết, và *Th.138 bao gồm suy niệm về các giai đoạn phân hủy sau khi chết. Đoạn văn dưới đây là một pháp tu đặc biệt về sự chết, dùng để khuyến khích tinh tấn tu tập ngay ở đây và bây giờ. Này các tỳ-kheo, niệm về sự chết, khi tu tập và tu tập nhiều, sẽ có kết quả lớn và lợi ích lớn, đạt đến bất tử… Ở đây, này các tỳ-kheo, khi ngày vừa tàn và đêm vừa đến, tỳ-kheo tư
duy như vầy: ‘Ta có thể chết do rất nhiều duyên, như bị rắn cắn… té ngã… thức ăn có độc… rối loạn mật… đàm… phong…’. Tỳ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: ‘Ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn trừ, đó là chướng ngại cho ta nếu ta chết đêm nay.’ Nếu vậy, để đoạn trừ, vị ấy cần phải phát khởi ý dục, tinh cần, dũng mãnh, nỗ lực, nhiệt tâm, không thối chuyển, chánh niệm và chánh tri.
Maraṇa-sati Sutta: Aṅguttara-nikāya III.306–07, dịch Anh P.H.
Bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả
Th.136 Tu tập từ, bi, hỷ, xả
Đoạn này nói về pháp tu gọi là bốn vô lượng, vì khi phát triển đầy đủ chúng thành phạm vi vô hạn, phá vỡ rào cản giữa bản thân và tất cả chúng sinh khác. Bốn vô lượng này cũng được biết (*Th.114) là bốn Phạm trú (brahma-vihāra), vì khi được tu tập đến cao độ bấy giờ tâm thành tương đẳng với tâm của chư thiên trong Phạm thế, và sẽ tái sanh và thế giới đó, nếu người tu chưa đạt được giải thoát trong đời hiện tại.
Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân, và cũng vậy phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư, khắp thế giới, khắp hết thảy phương xứ, phương trên, phương dưới, và bề ngang, liên hệ với từng chúng sanh một.
Cũng như, này Vāseṭṭha, như người lực sĩ thổi tù và khiến tiếng được nghe khắp bốn phương không có gì khó khăn, cũng như vậy khi từ tâm giải thoát được tu tập, bất cứ nghiệp nào được tạo tác hạn lượng, nghiệp ấy ở trong đây không dư sót, nghiệp ấy trong đây không trụ lập. Cũng vậy, này Vāseṭṭha, đây là con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên. Lại nữa, này Vāseṭṭha, tỳ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… với tâm câu hữu với xả… Cũng vậy, này Vāseṭṭha, đây là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.
Tevijja Sutta: Dīgha-nikāya I.250–251, dịch Anh P.D.P.
Th.137 Tâm sáng chói và tâm từ
Đoạn trích thứ nhất dưới đây xuất hiện ngay sau đoạn *Th.124, gợi ý rằng từ tâm là phẩm chất của tâm sáng chói, một quan điểm sau đó được củng cố bởi đoạn thứ hai.
Tỳ-kheo chuyên tu tâm từ, dù chỉ trong khoảnh khắc búng móng tay, tỳ-kheo như vậy được nói là người án trú thiền không trống không, tuân hành giáo pháp của tôn sư, ăn đồ ăn khất thực của xứ sở không có uổng phí, hà huống những người làm cho sung mãn nó?
Accharā-saṅghāta-vagga, sutta 3: Aṅguttara-nikāya I.10, dịch Anh P.D.P.
Từ tâm giải thoát… chói sáng rực rỡ, bừng sáng… như ánh sáng của mặt trăng.
Mettā-bhāvanā Sutta: Itivuttaka 19–20, dịch Anh P.H.
Bốn niệm trụ (satipaṭṭhāna): tu quán (vipassanā) và chỉ (samatha)
Th.138 Bốn niệm trụ: trực chỉ giải thoát
Đoạn này đề cập một pháp tu đỉnh điểm mà đức Phật đã khai phát, bốn niệm trụ (satipaṭṭhāna): ‘nền tảng’ hoặc ‘chuyên chú’ của niệm (sati). Đó là trầm lặng quán sát và ghi nhận những đặc điểm khác nhau của thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma), trong đó pháp (dhamma) là các uẩn danh và sắc, tức chuỗi diễn biến tồn tại chủ yếu của tâm lý vật lý, theo phương pháp phân tích thực tại của đức Phật. Phương pháp tuần tự lặp lại trong thực hành là quán sát quá trình sinh và diệt của mỗi niệm trụ, y chỉ trên nội giới và ngoại giới của các niệm trụ này; nội giới là những gì thuộc về tự thân, ngoại giới là những gì thuộc nơi thân người khác. Tu niệm trụ (satipaṭṭhāna) có khi tương đương với tu chỉ (vipassanā), nhưng thực ra nó tương đương cả chỉ và quán, mà cả hai đều đòi hỏi niệm tưởng cao độ. Các đối tượng khác nhau của niệm trụ được diễn tả trong bài kinh này có lẽ bao gồm danh sách sớm nhất về các đề mục thiền định trong Phật giáo. Chúng có thể là đối tượng được chuyên chú của chỉ hoặc được quán sát của quán, hoặc cả hai. Những đối tượng trong đề mục gọi là ‘pháp’ đặc biệt được liên kết với quán (vipassanā). Trong mỗi lượt tọa thiền, hành giả có thể chỉ chuyên niệm vào một đối tượng duy nhất, hoặc có thể nhiều hơn.
Những tu tập được diễn tả ở đây hỗ trợ đình chỉ năm triền cái. Một khi đã thành tựu, các pháp tu này có thể được vận dụng theo một trong bốn cách (Aṅguttara-nikāya II.156– 158): i) chỉ dẫn đạo quán: chúng có thể được vận dụng để tu tập bốn thiền, với sự chú trọng samatha, trước khi được khai triển để quan sát theo vipassanā; ii) quán dẫn đạo chỉ: chúng có thể tiếp tục được vận dụng trong cận định của sơ thiền, với sự chú trọng vipassanā, mặc dù đúng lúc có thể tu tập các thiền; iii) chỉ quán song tu: chúng có thể được vận dụng để tu tập các thiền, mặc dù chuyên chú vipassanā cho mỗi cấp thiền trước khi chuyển sang cấp tiếp theo; hoặc iv) duy nhất tu quán: chúng có thể được tu tập với thuần túy vipassanā, mà không cần phải chứng nhập các thiền.
Trong những năm gần đây, ‘chánh niệm’ đã trở thành một ý niệm phổ biến, và tính thích ứng thế tục của nó đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như Chánh niệm – Cơ sở Giảm trừ Căng thẳng (MBSR: Mindfulness-based Stress Reduction) và phương pháp Chánh niệm – Cơ sở Tri nhận Trị liệu (MBCT: Minfulness-based Cognitive Therapy). Chúng mang một số sắc thái toàn phổ chánh niệm Phật giáo xem như một phương pháp hỗ trợ mọi người dừng lại những tư duy và cảm xúc để bình tâm quan sát chúng và không bị lôi kéo vào những mẫu tư tưởng tiêu cực. Điểm chú trọng ở đây là về một cảnh tỉnh không phán xét đối với những kinh nghiệm và tư duy hiện tại. Đây là một khía cạnh quan trọng của chánh niệm Phật giáo, mặc dù điều này cũng bao gồm sự hồi tưởng rõ ràng về quá khứ và những phẩm tính cũng như giáo pháp hữu ích. Bồi dưỡng khả năng tri nhận, bằng quan sát mà không quy lỗi, sự khác biệt giữa các trạng thái tai hại và hữu ích của tâm, cũng rất quan trọng. Các khóa học tám tuần về chánh niệm thế tục đã bị chỉ trích vì không đi sâu, dù rằng một khóa học chánh niệm Phật giáo cũng chỉ có thể kéo dài được đến tám tuần mà thôi.
Một thời, Thế Tôn trú ngụ giữa những người Kuru, tại thôn Kammāssadhamma, xứ Kuru. Tại đây, Thế Tôn gọi các vị tỳ- kheo: ‘Này các tỳ-kheo, đây là con đường độc đạo dẫn đến tịnh hóa các chúng sanh, vượt qua sầu bi, diệt trừ ưu khổ, chứng đạt chánh trí và chứng ngộ Niết-bàn, đó là bốn niệm trụ. Những gì là bốn?
[Niệm thân: hơi thở]
Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo an trú, tuần quán[5] thân trên thân, nhiệt tâm, chánh tri, và chánh niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Tỳ-kheo ấy an trú, tuần quán thọ nơi thọ, nhiệt tâm… tuần quán tâm trong tâm, nhiệt tâm… tuần quán pháp y chỉ pháp, nhiệt tâm…
Này các tỳ-kheo, thế nào là tỳ-kheo an trú tuần quán thân trên thân? Ở đây, tỳ-kheo ấy đi đến khu rừng vắng, dưới gốc cây, hay trong ngôi nhà trống, ngồi kiết già, thân thẳng và dựng chánh niệm trước mặt. Tỳ-kheo chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra. Thở vô dài, biết rõ, “Tôi thở vô dài.” Thở ra dài, biết rõ, “Tôi thở ra dài.” Thở vô ngắn, biết rõ, “Tôi thở vô ngắn.” Thở ra ngắn, biết rõ, “Tôi thở ra ngắn.” Vị ấy học tập, “Cảm nghiệm toàn thân,[6] tôi thở vô; cảm nghiệm toàn thân, tôi thở ra.” Vị ấy học tập, “Thân hành an tĩnh,[7] tôi thở vô; thân hành an tĩnh, tôi thở ra.” Như người thợ quay (gỗ) lành nghề hay người học thợ quay, quay dài, biết rõ, “tôi quay dài”, và quay ngắn, biết rõ, “tôi quay ngắn”,[8] cũng vậy, thở vô dài, biết rõ, “tôi thở vô dài”; thở ra dài, biết rõ, “tôi thở ra dài.” Thở vô ngắn, vị ấy biết rõ, “tôi thở vô ngắn”, và thở ra ngắn, biết rõ, “tôi thở ra ngắn.”… Vị ấy học tập, “thân hành an tĩnh, tôi thở vô; thân hành an tĩnh, tôi thở ra.”
[Lặp lại:] Như vậy, tỳ-kheo an trú, tuần quán thân trên nội thân; hoặc an trú, tuần quán thân trên ngoại thân; hoặc an trú, tuần quán thân trên nội ngoại thân. Vị ấy an trú, tuần quán pháp tập khởi trên thân, hay pháp diệt tận trên thân, hay pháp sanh diệt trên thân. Hoặc hiện khởi ức niệm rằng “có thân”, chỉ với mục đích tư trợ tuệ và niệm, an trụ không sở y, không chấp thủ bất cứ gì trong đời. Vị ấy không nương tựa hay chấp trước vật gì trên đời. Như vậy, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo ấy an trú, tuần quán thân trên thân. [Niệm thân: cử chỉ, động thái, các bộ phận của cơ thể, các giới của thân]
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo trong khi đi, biết rõ, “Tôi đang đi”, trong khi đứng, biết rõ, “Tôi đang đứng”, trong khi ngồi, biết rõ, “Tôi đang ngồi”, trong khi nằm, biết rõ, “Tôi đang nằm.”
Bất kỳ cử chỉ nào nơi thân, tỳ-kheo ấy đều biết rõ. Như vậy… [Lặp lại].
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo động thân với chánh tri, biết rõ khi bước tới hay bước lui, nhìn ra, nhìn quanh, hay co duỗi. Tỳ-kheo động thân với chánh tri, biết rõ khi khoác y tăng-già-lê, ôm bát, y nội, khi ăn, uống, nhai, hay nếm, khi đại tiện, tiểu tiện, khi đi, đứng, ngồi, nằm, dậy, nói, khi im lặng… [Lặp lại].
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo quán sát thân này, từ bàn chân trở lên, từ đảnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt, như: “Có trong thân này[9] là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng phổi, lá lách, phổi, ruột dưới, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, ghèn, nước miếng, nước mũi, dầu ở khớp, và nước tiểu.” Cũng như một bao đồ, hai đầu trống, đựng đầy các loại hạt như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo xay. Một người có mắt, đổ các hạt ấy ra và quán sát, ‘Ðây là hạt gạo, đây lúa, đây đậu xanh, đây đậu lớn, đây mè, đây gạo xay.” Cũng vậy, tỳ-kheo quán thân này từ bàn chân trở lên… [Lặp lại].
Này các tỳ-kheo, lại nữa, một tỳ-kheo y chỉ giới (dhātu) quán sát thân này được trụ như vậy, được hướng như vậy, rằng “Trong thân này có các giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới.” Như một người đồ tể lành nghề hay người học việc của ông, ngồi trong một túp lều tại ngã tư đường, mổ thịt một con bò và chia nó thành từng phần; cũng vậy, tỳ-kheo y chỉ giới quán sát thân này…… [Lặp lại].
[Niệm thân: tử thi và các giai đoạn phân hủy]
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo so sánh chính thân này với một xác chết được thấy bị vất bỏ trong mộ địa, đã một ngày, đã hai ngày hay đã ba ngày, sình trương, bầm tím, và thối rữa. Vị ấy so sánh với thân này như sau: “Thân này, cũng vậy, cũng lệ thuộc pháp như vậy, cũng sẽ như vậy, không vượt khỏi được.”… [Lặp lại].
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo thấy một xác chết bị vất bỏ trong mộ địa, bị quạ ăn, diều hâu ăn, chim kên rỉa, chó, cáo, hay các loài côn trùng ăn, rỉa, vị ấy so sánh với thân này như sau: “Thân này, cũng vậy, cũng lệ thuộc pháp như vậy,…”… [Lặp lại].
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo thấy một xác chết bị vất bỏ trong mộ địa, một bộ xương dính thịt và máu, được nối với nhau bởi các sợi gân… một bộ xương không dính thịt mà dính máu, được nối với nhau bởi các sợi gân… một bộ xương, không dính thịt và máu, được nối với nhau bởi các sợi gân… một bộ xương rời rạc với các lóng xương rải rác khắp nơi, xương tay ở một nơi, xương chân ở nơi khác, xương gối ở chỗ khác, xương bắp đùi ở chỗ khác, xương mông ở chỗ khác, xương sống ở chỗ khác, xương sọ ở chỗ khác; vị ấy so sánh với thân này như sau: “Thân này, cũng vậy, cũng lệ thuộc pháp như vậy,…”… [Lặp lại].
Này các tỳ-kheo, lại nữa, tỳ-kheo thấy một xác chết bị vất bỏ trong mộ địa, xương thành màu trắng, màu vỏ ốc, xương hơn một năm chất lại, xương rã ra và thành bột, vị ấy so sánh với thân này như sau: “Thân này, cũng vậy, cũng lệ thuộc pháp như vậy,…”… [Lặp lại].
[Niệm thọ]
Này các tỳ-kheo, thế nào là một tỳ-kheo an trú, tuần quán thọ nơi thọ? Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rõ, “Tôi đang cảm giác lạc thọ”, khi cảm giác khổ thọ, biết rõ, “Tôi đang cảm giác khổ thọ”, khi cảm giác phi khổ phi lạc thọ, biết rõ, “Tôi đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ”; khi cảm giác lạc thọ thuộc nhục thể, biết rõ, “Tôi đang cảm giác lạc thọ thuộc nhục thể”, hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc nhục thể,[10] biết rõ, “Tôi đang cảm giác lạc thọ không thuộc nhục thể”, hay khi cảm giác khổ thọ thuộc nhục thể, biết rõ, “Tôi đang cảm giác khổ thọ thuộc nhục thể”… không thuộc nhục thể… hay khi cảm giác phi khổ phi lạc thọ thuộc nhục thể, biết rõ, “Tôi đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ thuộc nhục thể”… phi khổ phi lạc thọ không thuộc nhục thể… biết rõ, [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘thọ’].
[Niệm tâm]
Này các tỳ-kheo, thế nào là tỳ-kheo an trú, tuần quán tâm trong tâm? Ở đây, tỳ-kheo tâm có tham biết rõ rằng, “Đây là tâm có tham”; tâm không tham, biết rõ rằng, “Đây là tâm không tham”; .. [tương tự cho sân và cho si]; một tâm lược, biết rõ rằng, “Đây là một tâm lược”; tâm tán, biết rõ rằng, “Đây là tâm tán”; tâm đại hành, biết rõ rằng, “Đây là tâm đại hành”; tâm không đại hành, biết rõ rằng, “Đây là tâm không đại hành”; tâm vô thượng, biết rõ rằng, “Đây là tâm vô thượng”; tâm không vô thượng, biết rõ rằng, “Đây là tâm không vô thượng”; tâm định, biết rõ rằng, “Đây là tâm định”; tâm không đinh, biết rõ rằng, “Đây là tâm không định”; tâm giải thoát, biết rõ rằng, “Đây là một tâm giải thoát”; tâm không giải thoát, biết rõ rằng, “Đây là tâm không giải thoát.” … [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘tâm’].
[Niệm pháp]
Này các tỳ-kheo, thế nào là vị tỳ-kheo an trú tuần quán pháp y chỉ pháp? Ở đây, tỳ-kheo an trú tuần quán pháp y chỉ pháp, quán năm triền cái.[11]Như thế nào…? Ở đây, này các tỳ-kheo, một tỳ-kheo nội tâm có dục tham, biết rõ rằng, “Nội tâm tôi có dục tham”; nội tâm không có dục tham, biết rõ rằng, “Nội tâm tôi không có dục tham”; và cũng biết rõ, như thế nào dục tham chưa sanh nay sanh, dục tham đã sanh nay đoạn; dục tham đã đoạn không sanh trở lại nữa.… [Cũng như vậy, biết rõ sân, hôn trầm–thụy miên, trạo cử–truy hối, và nghi]… [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘pháp’].
Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo an trú tuần quán pháp y chỉ pháp, quán năm thủ uẩn.[12] Như thế nào…? Ở đây, tỳ-kheo ấy an trú quán sát, “Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt.… [Cũng như vậy với thọ, tưởng, hành, thức].”… [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘pháp’].
Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo an trú tuần quán pháp y chỉ pháp, quán sáu nội xứ, sáu ngoại xứ. Như thế nào…? Ở đây, tỳ-kheo biết rõ mắt, biết rõ các sắc; cũng biết rõ, kết (samyojana) nào sanh khởi do duyên hai pháp này. Biết rõ như thế nào kết chưa sanh nay sanh, như thế nào kết đã sanh nay đoạn, như thế nào kết đã đoạn nay không sanh khởi trở lại nữa.… [Cũng biết như vậy về tai và các tiếng, mũi và các hương, lưỡi và các vị, thân và các xúc, ý và các pháp].… [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘pháp’].
Lại nữa, này các tỳ-kheo, một tỳ-kheo an trú tuần quán pháp y chỉ pháp, quán bảy giác chi. Như thế nào…? Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo trong khi nội tâm có niệm giác chi, biết rõ, “Nội tâm tôi có niệm giác chi”: nội tâm không có niệm giác chi, biết rõ, “Nội tâm tôi không có niệm giác chi”; biết rõ như thế nào niệm giác chi chưa sanh nay sanh, như thế nào niệm giác chi đã sanh nay được tu tập viên mãn.… [Cũng vậy, biết rõ về các giác chi khác: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả].… [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘pháp’].
Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo an trú tuần quán pháp y chỉ pháp, quán bốn Thánh Đế. Và như thế nào…? Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo biết rõ như thật “Ðây là khổ”, “Ðây là khổ tập”, “Ðây là khổ diệt”, “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt.”… [Lặp lại, thay ‘thân’ bằng ‘pháp’]. Satipaṭṭhāna Sutta: Majjhima-nikāya I.55–62, dịch Anh P.D.P.
***
[1] Quan điểm xem một uẩn thuộc sắc hay tâm tạo thành một cá thể như là một tự ngã và sở hữu của tự ngã là vĩnh hằng.
[2] Chú giải Aṅguttara-nikāya, I.61.
[3] ‘Ý’ (mano) ở đây chỉ cho sự cảnh tỉnh chuyên chú trong chú ý (tác ý), trong khi ‘pháp’ (dhamma) là tất cả các yếu tố tâm lý khác, chúng theo sau sự dẫn dắt của ý, liên hệ đến các đối tượng cùng với tố chất đạo đức của chúng.
[4] Nó đã được kết thúc ở giai đoạn sớm hơn của đạo lộ so với tham và si.
[5] Anh dịch: contemplating, chiêm nghiệm. Không nên hiểu khía cạnh
“phản tỉnh” của chiêm nghiệm ở đây (theo nghĩa từ Anh) là chỉ cho tư duy được mở rộng, mà đúng hơn là khả năng cảnh tỉnh bằng quan sát. Pāḷi: anupassī (anupassati), tùy quán, hay tuần quán, theo dõi toàn thể đối tượng từng chi tiết, như tuần tra khám xét.
[6] Có ý kiến bất đồng ở đây về “toàn thân” (sabbakāya), hiểu là toàn thân vật lý, hay toàn bộ hơi thở.
[7] Pāli: kāyasaṅkāra, giải thích tại Majjhima-nikāya I.301, là hơi thở vào và hơi thở ra.
[8] Thí dụ này cho thấy rõ rằng hơi thở ‘dài’ là dài trên phạm vi, tức là thở sâu, chứ không phải là dài trên thời gian (hơi thở sâu có thể vẫn được thở nhanh cũng như chậm).
[9] Cf.*V.59.
[10] Cảm thọ thuộc tâm, như hỷ và lạc phát sinh trong thiền.
[11] Xem *Th.125–26.
[12] Xem *Th.151.