LỜI PHẬT DẠY

HỘI CHÚNG
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

HỘI CHÚNG
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- HÒA HỢP TĂNG

Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng.

Này các Tỷ kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách và từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp, phẩm 2, Nxb TP.HCM, 1999, tr.308)

LỜI BÀN:

Tăng già là đoàn thể xuất gia từ bốn người trở lên, sống chung thanh tịnh và hòa hợp. Đồng thời, chính sự thanh tịnh và hòa hợp đã tác thành bản thể của Tăng già. Do đó, nếu đánh mất sự hòa hợp và thanh tịnh thì đoàn thể tu hành ấy không được gọi là Tăng.

Biểu hiện cụ thể sự hòa hợp của chư Tăng trong một trụ xứ là lục hòa. Bởi lục hòa là linh hồn, là sức mạnh của Tăng nên khi sự hòa hợp được thực thi triệt để trong một trú xứ nào thì chư Tăng tại trú xứ ấy có hạnh phúc, an lạc. Không chỉ chư Tăng mà trời và người cũng tăng phần lợi ích và an vui.

Ngày nay, sự tu tập và ứng dụng tinh thần lục hòa trong Tăng chúng hiếm có nơi nào được thực thi trọn vẹn. Những biểu hiện như “tranh luận với nhau, mắng nhiếc lẫn nhau, ngăn cách và từ bỏ lẫn nhau” đã hình thành và tồn tại ở không ít các hội chúng xuất gia. Cố nhiên, điều đó đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến sức mạnh và chất lượng Tăng già.

Sự hòa hợp hay tinh thần lục hòa không đơn thuần là những phương thức ứng xử mà đó chính là hoa trái cua việc thành tựu Giới-Định-Tuệ. Chỉ khi nào những phiền não tham ái vật chất, danh lợi được chuyển hóa; thân tâm an trú chánh niệm và tuệ giác liên tục được thăng hoa thì sự hòa hợp và thanh tịnh tự khắc thành tựu. Còn việc kêu gọi chư Tăng thiết lập sự hòa hợp, sống lục hòa nhưng chỉ trên phương diện ngôn ngữ mà không chú trọng đến thực hành thì khó gặt hái kết quả.

Tăng già hòa hợp để thực thi sứ mạng giữ gìn và tuyên dương Chánh pháp. Do đó, những ai có tâm huyết với sự hưng suy Phật pháp thì hãy quan tâm đến việc xây dựng Tăng để Tăng đoàn trở nên hòa hợp và thanh tịnh đúng nghĩa của Tăng già. Một trong những nỗ lực để xây dựng Tăng là sự tu tập để hoàn thiện tự thân nơi mỗi cá nhân.

 

2- CHÚNG TĂNG CƯỜNG THỊNH

Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha, trên núi Gijjhakùta, tập hợp các vị Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Đây là bảy pháp làm cho chúng Tỷ kheo được cường thịnh, không suy giảm. Bảy pháp ấy bao gồm:

– Chúng Tỷ kheo thường hay tụ họp và tụ họp đôngđảo với nhau.

– Chúng Tỷ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giảitán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết.

– Chúng Tỷ kheo không ban hành những luật lệ khôngđược ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành.

– Chúng Tỷ kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúngdường các bậc thượng tọa niên cao lạp trưởng và nghe theo lời dạy của những vị này.

– Chúng Tỷ kheo không bị chi phối bởi tham ái.

– Chúng Tỷ kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh.

– Chúng Tỷ kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến cácbạn đồng tu thiện chí chưa đến, muốn đến ở và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ơ, được sống an lạc.

Này các Tỷ kheo, khi nào bảy pháp bất thối này vẫn được duy trì giữa các vị Tỷ kheo, khi nào các vị Tỷ kheo được giảng dạy bảy pháp bất thối này thì chúng Tỷ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN, 1991, tr.547)

LỜI BÀN:

Chúng Tỷ kheo được cường thịnh, không suy giảm là vấn đề luôn được quan tâm, thực thi từ thời Thế Tôn còn tại thế và liên tục cho đến ngày nay. Trong đó, các yếu tố đoàn kết, hòa hợp và thanh tịnh của chúng Tăng phải được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động Tăng sự, nhằm giúp Tăng đoàn phát triển vững mạnh. Đây là vấn đề có tính chất sống còn, là vận mệnh của Tăng già đã được kiểm chứng qua lịch sử tồn tại và phát triển của Phật giáo.

Ngày nay, Tăng đoàn có sự phát triển lớn mạnh về Tăng số, song Bảy pháp bất thối chưa được thực thi triệt để trong chúng Tăng, và đó sẽ là một mối nguy lớn, một hiểm họa cho sự tồn vong của Phật pháp. Bởi sự hưng thịnh của Phật pháp không phụ thuộc vào số lượng mà được quyết định bởi chất lượng của Tăng già.

Nền tảng của chất lượng Tăng già là sự hoàn thiện tự thân của mỗi Tỷ kheo cùng với sự đoàn kết, hòa hợp và thanh tịnh của Tăng chúng. Để góp phần làm cho chúng Tỷ kheo được hưng thịnh, không bị suy giảm, mỗi thành viên và mọi tổ chức của Tăng già phải ý thức sâu sắc lời Phật dạy về Bảy pháp bất thối. Cần nhanh chóng đưa Bảy pháp này làm đề mục quán niệm đồng thời phải áp dụng triệt để tinh thần Bảy pháp ấy trong tu tập, đời sống và sinh hoạt Tăng già.

 

3- SÁU PHÁP HÒA KÍNH

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tinh xá Ghosita. Lúc bấy giờ, các Tỷ kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, khong chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải, không chấp nhận hòa giải.

Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ kheo đến và dạy như sau:

Này các Tỷ kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú từ thân hành; an trú từ khẩu hành; an trú từ ý hành đối các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đối với những tài vật nhận được đúng pháp phải san sẻ, dùng chung đối với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các giới luật không có vi phạm, thành tựu các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh, Tỷ kheo sống thành tựu tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.

Này các Tỷ kheo, sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Kosambiya, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.701)

LỜI BÀN:

Nguyên nhân chủ yếu để đưa đến xung đột, tranh chấp và đấu khẩu lẫn nhau trong một hội chúng xuất gia là do không tuân thủ sáu nguyên tắc sống chung an lạc.

An trú từ thân hành, từ khẩu hành và từ ý hành là ba nguyên tắc đầu tiên (thân hòa cùng ở, miệng hòa không tranh, ý hòa cùng vui). Những hành nghiệp thân khau ý của một thành viên đối với đại chúng phải hướng về tịnh nghiệp, nghĩa là ba nghiệp được tác tạo và an trú trong chánh niệm đồng thời được soi sáng bởi trí tuệ và từ bi. Tiếp đến, việc chia sẻ quyền lợi đồng đều, hợp lý trong đại chúng cũng là một nguyên tắc quan trọng để đưa đến sự hòa hợp. Quan trọng nhất là tuân thủ giới luật, thanh quy trong đại chúng cùng với sự chia sẻ, đồng nhất về nhận thức giáo pháp, quan điểm tu tập, hướng đến giải thoát.

Sáu pháp hòa hợp này không chỉ có tác dụng chấm dứt tranh cãi, đấu tranh mà còn góp phần kiến tạo bản thể của Tăng già, đem lại hòa hợp an vui đồng thời làm nên linh hồn và sức mạnh đích thực của chúng Tăng. Vì lẽ ấy, bất cứ hội chúng nào mà thiếu vắng lục hòa thì nơi ấy đại chúng sẽ bất hạnh, suy yếu bởi lục đục, xáo trộn, cạnh tranh và chia rẽ.

Ngày nay, vì nhiều nhân duyên khác nhau, đa phần pháp lục hòa chưa được thực thi một cách trọn vẹn, triệt để tại các trụ xứ và dấu hiệu rạn vỡ, bất hòa trong các đoàn thể xuất gia ngày càng gia tăng. Tuy chưa đến mức báo động nhưng cũng làm thao thức, trăn trở cho nhiều người lưu tâm đến sự hưng suy và tồn vong của Chánh pháp.

 

4- BA LOẠI HỘI CHÚNG

Một thời Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:

Có ba hội chúng, này các Tỷ kheo, thế nào là ba? Hội chúng tối thượng, hội chúng không hòa hợp, hội chúng hòa hợp.

Thế nào là hội chúng tối thượng? Này các Tỷ kheo, hội chúng nào có các Tỷ kheo trưởng lão, không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, chứng đắc những gì chưa chứng. Và những thế hệ kế tiếp chúng tùy thuận theo tri kiến của chúng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng tối thượng.

Và thế nào là hội chúng không hòa hợp? Này các Tỷ kheo, hội chúng nào các Tỷ kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng không hòa hợp.

Và thế nào là hội chúng hòa hợp? Này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo sống hòa hợp hoan hỷ, không luận tranh, sống hòa hợp như nước với sữa. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Hạt muối, phần Hội chúng [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.440)

LỜI BÀN:

Một trong những đặc điểm quan trọng của đời sống xuất gia là luôn gắn liền với Tăng già. Do vậy, xác định một hội chúng để nương tựa tu tập là việc cần làm của mỗi Tỷ kheo. Tăng già nguyên nghĩa là hội chúng Tỷ kheo sống hòa hợp và thanh tịnh. Tuy nhiên, không phải hội chúng Tỷ kheo nào cũng đạt chuẩn thanh tịnh và hòa hợp.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, hội chúng lý tưởng là hội chúng có các vị Tỷ kheo thành tựu giải thoát, đạo cao và đức trọng. Chính sự hiện hữu của các trưởng lão tràn đầy trí tuệ và từ bi đã làm chuyển hóa đại chúng. Dù các ngài không trực tiếp tham gia lãnh đạo nhưng đạo lực của các ngài có năng lực thâu nhiếp và tịnh hóa thân tâm hội chúng. Đồng thời, với uy đức của bậc tôn túc, đại chúng mặc nhiên kính ái mà tự nguyện tuân thủ quy củ thiền môn.

That là bất hạnh cho người xuất gia khi sống trong hội chúng không hòa hợp. Một hội chúng nhiều tranh cãi, bất hòa sẽ tạo ra vô vàn khổ đau, đặc biệt là những nỗi đau không nên có đối với người đã phát nguyện ly tục. Vơi những hội chúng “Bà la môn” như thế, nếu không đủ đạo lực để chuyển hóa thì nên nhanh chóng từ bỏ như từ bỏ “khu rừng tâm không thanh tịnh và khất thực khó khăn” (Kinh Khu rừng).

Hội chúng hòa hợp là những hội chúng sống chung trong sáu sự hòa kính. Dù khó nhưng nếu đại chúng cùng nhau tuân thủ giới luật thì sẽ làm được. Người xuất gia nguyện “cát ái từ thân” nên được sống trong sự yêu thương của đại chúng là một niềm hạnh phúc. Đó là điểm tựa để phát huy năng lực tu tập.

Ngày nay, tìm một hội chúng tối thượng để nương tựa thật không dễ nhưng xây dựng một hội chúng hòa hợp cũng không phải là điều khó. Chính sự nỗ lực tự kiện toàn của mỗi cá nhân sẽ xây dựng nên đại chúng hòa hợp và đó cũng là bổn phận, trách nhiệm của những người con Phật.

 

5- TĂNG GIÀ THANH TỊNH

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka. Lúc bấy giờ vua Pasenadi nước Kosala đi đến, bước vao tịnh thất, cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ kheo sống ở đây hành trì phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh đến trọn đời. Bạch Thế Tôn, ngoài đây ra con không thấy có một hội chúng nào khác phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh đến như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa, Bà la môn cãi lộn với Bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn vơi anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè v.v…

Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ kheo sống với nhau hòa thuận, thân thiết, không cãi lộn với nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính.

Bạch Thế Tôn, ngoài đây ra con không thấy có một hội chúng nào khác phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh đến như vậy.

(ĐTKVN, Trung Bộ II, kinh Pháp Trang Nghiêm [lược], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.613)

LỜI BÀN:

Hội chúng của Thế Tôn là một đoàn thể sống chung thanh tịnh và hòa hợp. Yếu tố cơ bản để xây dựng nên hòa hợp là nhờ ứng dụng triệt để tinh thần lục hòa. Sáu pháp hòa kính này là giềng mối, nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng Sangha. Dưới sự dìu dắt của Thế Tôn, hội chúng Sangha thanh tịnh và hòa hợp đã tạo ra một đoàn thể có sắc thái riêng khác biệt hoàn toàn với các hội chúng Bà la môn ồn ào, tạp thoại. Chính vua Pasenadi, người có uy lực nhất xứ Kosala phải kinh ngạc và thán phục trước sự nhiếp hóa của Thế Tôn cũng như sự thanh tịnh tuyệt đối của Tăng đoàn. Điều mà vua Pasenadi trải nghiệm được là mọi người khó có thể sống hòa hợp với nhau, cho dù đó là những người có uy quyền (Sát đế lợi), những bậc tri thức và lãnh đạo tinh thần (Bà la môn) và ngay cả những người ruột thịt mà chúng ta yêu thương nhất cũng thường xảy ra bất đồng, xung đột. Do vậy, xây dựng được một hội chúng lý tưởng như Sangha là điều khó làm.

Ngày nay, lục hòa không còn được ứng dụng triệt để trong đời sống Tăng đoàn, vì thế rất khó xây dựng được hội chúng lý tưởng, thanh tịnh và hòa hợp như thời Thế Tôn. Đó là mot sự thật mà chúng ta cần nhìn nhận để nỗ lực xây dựng, tịnh hóa Tăng đoàn trong bối cảnh những rạn nứt, đổ vỡ trong các hội chúng Tỷ kheo ngày càng gia tăng. Thiết lập tinh thần sống chung an lạc trong các hội chúng là một trong những phận sự quan trọng để xây dựng Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp.

 

6- IM LẶNG HÙNG TRÁNG

Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha, nơi vườn xoài của Jìvaka. Lúc bấy giờ là đêm rằm sáng trăng, Ajàtasattu vua nước Magadha muốn đi đến vườn xoài Jìvaka để chiêm bái Thế Tôn. Ngồi trên voi chúa, vua Ajàtasattu cùng với các cung phi và tùy tùng xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng các ngọn đuốc, với oai nghi của bậc đại vương thẳng tiến đến vườn xoài Jìvaka.

Khi đến không xa vườn xoài, Ajàtasattu bỗng sợ hãi, kinh hoàng, râu tóc dựng ngược, nói với Jìvaka:

Này Jìvaka, ngươi có phản ta chăng? Ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế, 1.250 vị mà không có một tiếng đằng hắng, một tiếng ho hay tiếng ồn?

Tâu Đại vương, thần không phản bội hay lường gạt ngài đâu. Nơi căn nhà tròn kia, chỗ có những ngọn đèn, Thế Tôn đang ngồi ở chính giữa, trước mặt chúng Tỷ kheo.

Ajàtasattu đến gần, nhìn các Tỷ kheo đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong, cảm hứng nói rằng: “Mong cho hoàng tử Udàyibadha cũng được sự trầm lặng của các vị Tỷ kheo này”.

(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Sa Môn Quả [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.98)

LỜI BÀN:

Trong suy nghĩ của mọi người, nơi nào có sự tập trung đông đảo thì thường ồn ào, náo nhiệt. Vì thế, vua Ajàtasattu (A Xà Thế) đã một phen hoảng vía đến độ râu tóc dưng ngược, tưởng như rơi vào ổ phục kích bởi khi đến gần hội chúng 1.250 người của Thế Tôn mà bốn bề hoàn toàn lặng lẽ, tĩnh mịch.

Sau này, vua Ajàtasattu mới biết im lặng như Chánh pháp là một trong những đặc điểm của các hội chúng Tỷ kheo. Thời Thế Tôn, hầu hết các Tỷ kheo đều có đời sống nội tâm sung mãn, giác tỉnh cao độ, do vậy những hội chúng Tỷ kheo thời ấy đa phần thanh tịnh và hòa hợp.

Ngày nay, chốn thiền môn vẫn còn duy trì được được sự im lặng cao quý ấy. Đặc biệt là những thiền viện, tu viện lớn với đông đảo người tu quy tụ nhưng vẫn giữ được sự im lặng, trang nghiêm nhờ tuân thủ nghiêm mật quy cu thiền môn. Có điều, trong những lễ lạt, hội họp… hiện nay, đa phần các Tỷ kheo chưa thiết lập được sự nói năng như Chánh pháp trong hội chúng. Do đó sự ồn ào, náo nhiệt kiểu hội chúng Bà la môn mà Thế Tôn thường quở trách, điều không nên có ấy vẫn thường xảy ra.

Tất nhiên, không ai chỉ trích, trách cứ hay phiền hà gì khi đông đúc mà ồn ào nhưng sự an tịnh, im lặng hùng tráng vẫn là nền tảng, là phẩm chất của hội chúng xuất gia. Vì thế, luôn chánh niệm, không dao động trước mọi hoàn cảnh, thiết lập một hội chúng trang nghiêm và thanh tịnh như hội chúng của Thế Tôn nơi vườn xoài Jìvaka năm xưa, để cho tứ chúng nương tựa là điều những người con Phật tu học trong bối cảnh hiện nay cần lưu tâm, thực hiện.

 

7- HỘI CHÚNG TINH HOA

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chung cặn bã và hội chúng tinh hoa.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hội chúng cặn bã? Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo đi đến con đường dục, đi đến con đường sân, đi đến con đường si, đi đến con đường sợ hãi, này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng cặn bã.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hội chúng tinh hoa? Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo không đi đến con đường dục, không đi đến con đường sân, đi không đến con đường si, không đi đến con đường sợ hãi, này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng tinh hoa.

Này các Tỷ kheo, đây là hai hội chúng. Tối thắng trong hai hội chúng này là hội chúng tinh hoa.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hội chúng [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.137)

LỜI BÀN:

Từ thời Thế Tôn, việc xây dựng hội chúng xuất gia thanh tịnh, trong sạch và vững mạnh đã được Ngài đặc biệt chú trọng. Các hội chúng xuất gia là biểu trưng của Giáo hội, Tăng già. Vì thế, nếu không từng bước xây dựng để kiện toàn thì sẽ đánh mất ảnh hưởng tích cực trong quần chúng và có thể dẫn đến sự thối đọa của các thành viên trong hội chúng đó.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, có hai loại hội chúng, cặn bã và tinh

hoa. Sở dĩ gọi là cặn bã vì các thành viên của hội chúng này đầy dẫy tham sân si và sợ hãi. Nói cách khác, tham lam, sân hận, si mê và sợ hãi là bản chất của hội chúng cặn bã. Một hội chúng cặn bã thì vô dụng, không có ích cho đạo pháp, nhất là không xứng đáng để đại biểu cho Tăng già lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn tu học cho Tăng tín đồ.

Trái ngược với hội chúng cặn bã là hội chúng tinh hoa. Biểu hiện cụ thể của hội chúng này là các thành viên luôn hướng đến và thành tựu không tham, không sân, không si và nhất là không sợ hãi. Khi một hội chúng với các thành viên có đời sống trong sạch, tâm hồn thanh tịnh, luôn dấn thân phụng sự thì không có gì phải sợ hãi, luồn cúi và chẳng có thế lực nào có thể làm họ khuất phục. Và những hội chúng như thế mới xứng đáng được tôn trọng, lễ bái, đại biểu cho Giáo hội, Tăng già.

Thế Tôn đã xác quyết hội chúng tinh hoa là tối thắng đồng thời khuyến cáo hàng đệ tử luôn nỗ lực để loại bỏ cặn bã, xây dựng và thiết lập tinh hoa trong tự thân của mỗi Tỷ kheo và đoàn thể Tăng già. Vì thế, mỗi người con Phật cùng chung tay, góp sức xây dựng hội chúng tinh hoa bằng việc chuyển hóa bản thân, tịnh hóa Tăng già, chính là thực hành lời Phật dạy.

 

8- TÔN TRỌNG DIỆU PHÁP

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp và hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật.

Này các Tỷ kheo, thế nào là tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp? Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo trước mặt các gia chủ áo trắng, tự tán thán (hoặc chê trách) lẫn nhau như: “Tỷ kheo này là bậc Giải thoát, …, Tỷ kheo này là bậc có giới hạnh, theo thiện pháp. Tỷ kheo này là kẻ ác giới, theo ác pháp”. Do vậy, họ được các lợi dưỡng. Sau khi được các lợi dưỡng, họ hưởng thọ, bị trói buộc, mê say, đắm trước, không thấy các sự nguy hại, không hiểu rõ sự giải thoát các lợi dưỡng ấy. Này các Tỷ kheo, đây là hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật? Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo trước mặt các gia chủ áo trắng, không tự tán thán (hoặc chê trách) lẫn nhau như: “Tỷ kheo này là bậc Giải thoát…, Tỳ kheo này là bậc có giới hạnh, theo thiện pháp. Tỷ kheo này là kẻ ác giới, theo ác pháp”. Do vậy, họ được các lợi dưỡng. Họ hưởng thọ các lợi dưỡng ấy nhưng không bị trói buộc, mê say, đắm trước, thấy các sự nguy hại, hiểu rõ sự giải thoát các lợi dưỡng ấy. Này các Tỷ kheo, đây là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật.

Này các Tỷ kheo, hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hội chúng [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.140)

LỜI BÀN:

Theo pháp và luật của Phật, hàng áo trắng (không phải người tu) không có quyen can dự hay chi phối bất cứ điều gì liên hệ đến Tăng sự. Sự tham mưu, góp ý xây dựng của hàng áo trắng về việc Tăng (nếu có) thì cũng chỉ đề đạt lên chúng Tăng, nhờ chúng Tăng xem xét và quyết định mà thôi. Đây là biểu hiện cụ thể của tinh thần “tôn trọng diệu pháp” mà bất cứ hội chúng đệ tử Phật nào, muốn chính danh Tăng già, cũng phải tuân thủ và nghiêm chỉnh thực hành.

Không phải Thế Tôn quan ngại về “chuyện trong nhà chưa rõ mà ngoài ngõ đã hay”. Bởi người thế tục mà can thiệp hoặc xen vào chuyện Tăng nhiều quá, hoặc một vài chư Tăng vì các nguyên do nào đó mà cần sự hỗ trợ và tác động của người thế tục để được việc cho mình thì chắc chắn việc Tăng trong hội chúng đó chỉ thành tựu về mặt hình thức mà thôi.

Khi Thế Tôn nhập Niết bàn, di huấn tối hậu của Ngài cho các Tỷ kheo là “Hãy lấy Pháp và Luật làm thầy” và “Hãy nương tựa hòn đảo chính mình”. Do đó, tuân thủ tuyệt đối Pháp và Luật hay “tôn trọng diệu pháp” là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi Tỷ kheo.

 

9- NĂM HẠNG NGƯỜI SỐNG Ở RỪNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala gọi các Tỷ kheo:

Có năm hạng người này sống ở rừng, thế nào là năm?

Hạng đần độn ngu si sống ở rừng; hạng ác dục ác tánh sống ở rừng; hạng kiêu mạn loạn tâm sống ở rừng; hạng ở rừng vì được nghe Thế Tôn và các vị đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành nên sống ở rừng.

Trong năm hạng người sống ở rừng này, này các Tỷ kheo, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Rừng, phần Rừng, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.664)

LỜI BÀN:

Thường thì những người sinh sống, làm việc ở phố xá, đô thị, các trung tâm văn hóa, kinh tế sầm uất là có phước báo. Ngược lại, những ai sống những vùng xa xôi hẻo lánh, chốn núi rừng thâm sơn cùng cốc là vô phước, kém phần. Sự cách biệt về đời sống cũng như các phương diện khác giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi… phản ánh rõ nét điều đó. Tuy vậy, theo tuệ giác của Thế Tôn, trong năm hạng người sống ở núi rừng, có một hạng người đặc biệt cao thượng, xứng đáng được người đời cung kính, đảnh lễ và cúng dường.

Ngoài những bộ tộc sống trong núi rừng, những người chuyên săn bắn, truy tìm báu vật còn có hạng người sống ở rừng vì tâm kiêu mạn. Họ khinh ghét và chối bỏ chốn phồn hoa, “thà làm chim trên rừng hoang vắng” hay “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Một vài người khi mới phát tâm tu cũng mang tâm niệm này, vì kiêu mạn nên sống ở rừng, xa lìa ồn náo mà tâm vẫn loạn động.

Một hạng người khác sống ở rừng vì biết rằng Thế Tôn thường ca ngợi người khổ hạnh, sống viễn ly nhưng với mục đích cầu danh. Tuy mang hình dáng ẩn sĩ và tự mãn với hình thức bần đạo nhưng nội tâm thì hoang vu cằn cỗi. Không màng lợi lộc nhưng lại cầu danh tiếng, thực chất thì cũng luẩn quẩn trong vòng danh lợi mà thôi.

Chỉ có hạng người sống ở rừng với mục tiêu hướng về giải thoát mới thực sự đi theo con đường của Phật, Tổ đã đi qua. Tìm một nơi thanh vắng, tránh xa vòng xoáy danh lợi, nỗ lực dụng công tu hành mới mong đạt đến an tịnh, giải thoát. Cố nhiên núi rừng vắng vẻ, đời sống nghèo hèn chỉ có tác dụng trợ duyên, cốt tủy của vấn đề là nỗ lực chuyển hóa nội tâm, hành trì giáo pháp.

Do vậy, tìm một trú xứ an tịnh bên ngoài, dụng công tu tập để an lạc bên trong là một trong những điều kiện mà người tu phải thiết lập và thành tựu trong đời sống.