NHÁT KIẾM SAU CÙNG
(Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
Hạnh Đoan
THÍCH BA HOA
Đầu lâu nằm phơi xương trắng hếu, mà vẫn còn nói láp dáp không ngừng.
Lê Mách là một anh chàng rất ham nói.
Ngày nọ, anh đi ngang qua một khu rừng, bỗng nghe tiếng người nói rầm rì không dứt, anh hết hồn la lên, dáo dác nhìn quanh, cuối cùng phát hiện ram ột cái đầu lâu ở dưới cây cổ thụ, nằm phơi xương trắng hếu mà vẫn còn nói láp dáp khôngn gừng.
Lê Mách không tin vào mắt mình, anh dụi
mắt, nhìn đi nhìn lại mấy lượt, thấy rõ ràng cái đầu lâu đang tự độc thoại. Không nén được ngạc nhiên, anh cất tiếng hỏi:
– Đầu lâu tiên sinh! Vì sao lại ở đây vậy?
– Thích ba hoa đem tôi tới đây! – Đầu lâu đáp.
Sau đó Lê Mách và đầu lâu trò chuyện với nhau, hai kẻ ham nói như gặp tri âm, càng nói càng ngây, không muốn dừng.
Cuối cùng thì Lê Mách cũng phải từ biệt đầu lâu ra về, lòng hưng phấn lắm. Anh đi khắp nơi khoe ầm lên:
– Tôi đi ngang qua rừng gặp cái đầu lâu, thành xương rồi mà còn nói thôi là nói! Tôi có trò chuyện với nó nữa!
– Tôi vào rừng chứng kiến một chuyện lạ nhất thế giới, đầu lâu trong đó biết nói chuyện!
Tất nhiên không ai tin, họ mắng anh: – Đồ thần kinh! Đầu lâu làm sao nói chuyện được? Anh chỉ khéo đặt điều! Rõ vớ vẩn!
Thấy không ai tin mình, Lê Mách tức lắm, đi khắp nơi hê lên:
– Tôi từng vào rừng và được chứng kiến một chuyện lạ nhất thế giới, đầu lâu trong đó biết nói chuyện!
Lời Lê Mách được đồn vang khắp thị trấn, lọt vào hoàng cung, truyền đến tai vua; khiến ông sinh lòng hiếu kỳ muốn biết thật hư.
Vua truyền gọi Lê Mách vào, hỏi cho rõ.
Dưới bệ rồng, Lê Mách tha hồ bốc phét, kể chuyện ly kỳ và nói:
– Muôn tâu, nếu bệ hạ chịu vào đó xem thử, không chừng còn có thế hỏi đầu lâu về chuyện trị quốc, có thể nhờ nó tiên đoán quá khứ, vị lai dùm nữa!…
Vua nghe nói, thêm tò mò, truyền Lê Mách dẫn đường, vua cùng đội binh mã rầm rộ theo sau, đi vào rừng.
Chẳng mấy chốc họ tìm được đầu lâu ở dưới cội cây.
Lê Mách hăng hái tiến đến trước đầu lâu, gợi chuyện:
– Tiên sinh đầu lâu! Vì sao ngài đến chỗ này?
Quốc vương và quần thần đều dỏng tai, căng mắt, chăm chú chờ nghe…
Đầu lâu im thin thít, không nói một lời.
Lê Mách sốt ruột, thúc hối đầu lâu mở miệng, một lần, hai lần, rồi ba lần… hỏi gì thì hỏi, đầu lâu vẫn nín khe.
Mọi người đều nhìn Lê Mách và nhà vua, họ bụm miệng cố nín cười. Trước hằng trăm cặp mắt chế diễu, quốc vương mặt đỏ như gấc, ông cảm thấy mình giống như một tên đần bị lừa. Cáu tiết, vua quát lên:
– Này Lê Mách! Trẫm vốn không tin có đầu lâu biết nói, ngươi cho trẫm là một vị vua ngốc chăng? Trẫm chỉ là muốn coi cái tật bốc phét của ngươi tới đâu thôi. Ngươi dám lừa vua gạt dân, khi quân phạm thượng, mê hoặc nhân tâm… trẫm nhất định hành hình không dung tha!
Nói xong, vua truyền lịnh chém đầu Lê Mách, sai đem đầu anh đặt cạnh cái đầu lâu trong rừng rồi kéo quân về triều.
Đợi đoàn binh mã đi xa, đầu lâu cũ bấy giờ mới lên tiếng. Nó hỏi cái đầu Lê Mách:
– Thưa tiên sinh! Vì sao ngài lại đến đây?
Đầu Lê Mách trả lời:
– Thì… thích ba hoa mang tôi tới!…
(Theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)
BÌNH:
– Cái này gọi là tới chết vẫn còn ham nói!
Thật ra, chúng ta sống trong thế giới này, có những chuyện vô bổ, không liên can gì tới mình song lại khiến ta để tâm, cưu mang và bàn về nó không ngừng. Nói chưa đã, ta còn dỏng tai hóng chuyện, nghe ngóng xung quanh… những chuyện không ăn nhằm gì tới mình! Và nếu không có ai để trò chuyện thì ta tự nói một mình, tự độc thoại trong tâm. Ngay cả lúc miệng ta không nói, thì trí óc ta cũng quay mòng với đủ đề tài. Cho dù những chuyện bên lề, những vọng niệm không đầu không đuôi ấy chẳng giúp gì cho ta, song ta vẫn thích nghe, thích nghĩ, thích bàn đến, ưa trụ tâm vào.
Xin giải thích bằng câu chuyện như thế này: “Có ba tu sĩ tu trên núi. Họ phát nguyên: Cho dù thấy gì xảy ra cũng nhất quyết tịnh khẩu cho đủ ba năm, không thèm nói một câu!
Đột nhiên có một con ngựa chạy ngang qua, vị tu sĩ A nín được một năm. Sau đó thì nhịn hết nổi, phải buột miệng nói bâng quơ:
– Hồi năm ngoái, có một con ngựa trắng chạy qua đây!
Vị tu sĩ B nghe nói vậy, muốn phản đối lắm nhưng ráng nín, ông im được tới năm thứ hai thì hết chịu nổi, bèn lên tiếng chỉnh lại rằng:
– Huynh A này, hai năm trước đúng là có con ngựa chạy qua đây, nhưng lông nó màu đen chứ không phải trắng như anh nói đâu!
Vị tu sĩ C bất bình lắm, nhưng vẫn ráng nín cho tới năm thứ ba, lúc này mới dõng dạc phán:
– Các anh đều nói sai bét! Con ngựa chạy ngang qua đây hồi ba năm trước tôi thấy rõ ràng là lông nó màu xám!
Ba năm đã trôi qua, tâm trí họ toàn bận rộn và dồn hết cho… “một con ngựa chạy ngang qua”? – Thật ra, con ngựa màu gì? – Đen? Trắng? Xám? – Cho dù có tìm ra đáp án đúng thì cũng không liên can và chẳng giúp ích gì cho việc khai sáng tâm linh của họ. Con ngựa chỉ là một ví dụ tạm thôi, chứ thật ra tâm trí ta lúc nào cũng bận rộn với hàng trăm con ngựa… đề tài tuy có đổi, song cốt lỏi vẫn là một. Nghĩa là ta luôn bị thói quen nói vô ích, suy nghĩ vô ích, hành vô ích… làm phí uổng cuộc đời.