LỜI PHẬT DẠY

KHỔ ĐAU
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

KHỔ ĐAU
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- NGUỒN GỐC KHỔ ĐAU

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an?

Thưa Đại vương, có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an.

Thế nào là ba? Thưa Đại vương, tham là pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an. Sân là pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an. Si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an.

Thưa Đại vương, ba pháp này ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an.

Tham sân si ba pháp

Là ác tâm cho người

Chúng di hại tự ngã

Chúng tác thành tự ngã

Như vỏ và lõi cây

Tự tác thành trái cây.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 3, phần Thế gian, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.218)

LỜI BÀN:

Khổ đau trong đời sống con người vốn dĩ vô tận và nguyên nhân của nó cũng vô cùng nhưng tựu trung không ngoài ba phiền não căn bản là tham, sân, si. Thường thì khi đối mặt với khổ đau, người ta chỉ thấy những nguyên nhân gần, trực tiếp mà không nhận thức được nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của đau khổ xuất phát từ bản thân mình.

Tham dục luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, không ai sống trên đời mà chẳng tham, chỉ khác nhau là mức độ tham duc nặng hay nhẹ, thô hay tế mà thôi. Tùy theo cấp độ tham dục nơi mỗi người mà khổ đau phát khởi nhiều hay ít. Do vậy quá trình diệt khổ chính là hành trình ly tham nơi tự thân mỗi cá nhân.

Tham muốn nhiều mà không thực hien được ắt sanh tức giận, bực bội. Sân hận là phản ứng tâm lý thường gặp khi lòng tham không được thỏa mãn. Sự giận dữ tiềm ẩn trong tâm chúng ta như những ngọn núi lửa ngủ yên, chúng sẵn sàng thức dậy bất cứ lúc nào và tàn phá tất cả.

Khi tham dục và sân hận xuất hiện thì tâm ta bị mê hoặc, cuốn hút theo, mất hết khả năng sáng suốt và tự chủ. Chính si mê ám chướng này đã che lấp hết những nhân cách tốt đẹp mà ta đã dày công gầy dựng, vun đắp từ trước đến nay, nguồn gốc của muôn ngàn khổ đau trong cuộc đời.

Vì thế, người con Phật luôn nhận thức khổ đau do chính chúng ta tự gây ra, cội rễ của nó là tham sân si. Khổ đau không đến từ bên ngoài, những tác động khách quan chỉ là thứ yếu, quyết định vẫn tại tâm mình. Do vậy, luôn tỉnh thức để nhận diện và chuyển hóa tham sân si nơi tự tâm của mỗi người.

 

2- GIÀU MÀ KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, vào buổi trưa đi đến, đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn nói với vua Pasenadi đang ngồi một bên:

Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?

Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung, và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.

Thật như vậy, thưa Đại vương! Một kẻ không phải chân nhân, dầu cho có được tài sản lớn cũng không đem lại an lạc cho mình, cha mẹ, vợ con, các người phục vụ, bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa môn, Bà la môn, không thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Không con [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.200)

LỜI BÀN:

Một đại phú gia ở Sàvatthi chết đi, để lại gia sản khổng lồ. Vua Pasenadi nước Kosala, một trong những đại vương hùng mạnh nhất, phải đi xem khối gia sản ấy thì biết rằng nó to lớn dường nào. Ấy vậy mà đại phú gia kia lúc sinh thời vẫn sống trong nghèo khổ, không chỉ bản thân ông ta mà gia đình, dòng tộc và xã hội đều không được chút lợi ích.

Thì ra vị đại phú gia vô phước ấy chỉ biết làm lụng, tích lũy, cất chứa tiền của cho tràn đầy kho lẫm mà không biết tiêu tiền và thọ dụng tài sản một cách chính đáng. Với cách xử lý tài sản keo kiệt, của cải tuôn vào mà không hề rỉ ra, theo Thế Tôn, đại phú gia ấy không phải là người có trí, bậc chân nhân.

Chúng ta vẫn thường nghe, người làm ra của chứ của không làm ra người. Vì thế, một khi làm ăn khấm khá, trước phải chăm lo cho bản thân, gia đình, thân thuộc và những cộng sự. Sau cần phải chung sức xây dựng xã hội, phát triển cộng đồng. Quan trọng hơn, phải biết cúng dường Tam bảo, vun bồi thiện nghiệp, tích lũy phước báo cho đời này và đời sau.

Làm ra tiền vốn khó nhưng biết cách tiêu tiền hợp lý, có ý nghĩa lại càng khó hơn. Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu biết cách xài tiền, thọ dụng tài sản do mình làm ra một cách chính đáng thì phước báo cũng như tài sản ngày càng tăng thêm, không tổn giảm. Ngược lại, nếu làm ra của cải mà chỉ bo bo cất giữ, không dám ăn tiêu, không giúp đỡ mọi người cũng như làm phước thiện thì rốt cuộc vẫn trắng tay và không có chút phước báo nào.

 

3- KHỔ ĐAU NHIỀU HƠN HẠNH PHÚC

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, gọi các Tỷ kheo:

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, cái gì là nhiều hơn? Nước mắt tuôn chảy do các ông than khóc lúc phải hội ngộ với những gì không ưa, phải chia ly với những gì mình thích, khi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài hay nước trong bốn biển?

Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn dạy, chúng con hiểu rằng, nhiều hơn là nước mắt tuôn chảy do chúng con than khóc lúc phải hội ngộ với những gì không ưa, phải chia ly với những gì mình thích, khi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển.

Lành thay, này các Tỷ kheo, các ông đã hiểu pháp mà Ta đã dạy.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 4, phẩm 1, phần Nước mắt, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.312)

LỜI BÀN:

Có bi quan chăng khi nhìn cuộc đời với khổ đau nhiều hơn hạnh phúc? Chẳng bi quan chút nào bởi sự thật cuộc đời vốn dĩ như vậy, hạnh phúc khó tìm nhưng lại dễ mất trong khi khổ đau cố tránh mà cứ thường gặp. Không lúc nào vừa ý, chẳng có cái gì làm đẹp lòng là một thực trạng luôn đoanh vây kiếp người. Chúng xuất hiện gần như thường trực trong đời sống như cố tình thách thức, trêu ngươi làm cho con người ta hiếm khi được an bình, thanh thản.

Đời người như những chuyến xe, ngược xuôi bất tận giữa dòng mưu sinh đầy biến động với vô vàn chia ly và hội ngộ. Trớ trêu là hội ngộ với những điều không đáng hội ngộ, chia ly với những điều không thể chia ly, ấy vậy mà người ta khổ. Tất nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng có những phút giây hạnh phúc. Có điều, phần đông chúng ta không biết tận hưởng niềm hạnh phúc ấy, ít bằng lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Hạnh phúc của con người dường như đang ở đâu đó trước mặt, thấp thoáng chợt ẩn chợt hiện nhưng không nắm bắt được. Vì vậy, đời người chỉ giẫm lên đau khổ để chạy theo bóng dáng hạnh phúc mà thôi.

Thực ra hạnh phúc đang hiện hữu va tràn ngập quanh ta. Vì con người quay lưng với hạnh phúc chân thật vốn rất đỗi bình thường và quen truy tìm bóng dáng hạnh phúc nên mới ngược xuôi, đau khổ. Người đệ tử Phật cần bình tâm quán sát để thấy được khổ là ban chất của cuộc đời. Đây là một tuệ giác lớn để luôn tự chủ, tự tại trước mọi đổi thay, biến động.

Mặt khác, một khi nhận thức đúng đắn về sự thật của thân, tâm và thế giới là vô thường, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông, hoan hỷ chấp nhận với mọi hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc đời. Nhất là biết an trú trong hiện tại, biết trân quý những gì đang có, bởi hạnh phúc luôn có mặt khi nội tâm an tĩnh, chánh niệm thường trực, đương niệm, bây giờ và ở đây.

 

4- SỢ HÃI VÀ VÔ ÚY

Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo rơi vào trong sợ hãi. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có lòng tin, giữ ác giới, nghe ít, biếng nhác và ác tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo rơi vào trong sợ hãi.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có sợ hãi. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Ty kheo, Tỷ kheo không có sợ hãi.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bo II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Sợ hãi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.610)

LỜI BÀN:

Sợ hãi là tâm lý chung của những người có hành vi tà vạy, sai trái, đồng thời nó là mot trong những nỗi khổ lớn của con người. Một khi chúng ta có lỗi lầm, lỡ đã làm những việc bất chính thì thường sống trong phập phồng, thấp thỏm bất an. Người bình thường khi có khiếm khuyết, sai phạm còn lo sợ như vậy huống gì người tu càng lo lắng và bất an hơn nữa.

Tỷ kheo, ngoài ý nghĩa là khất sĩ (đi xin thực phẩm để nuôi thân) và phá ác (tu tập đoạn trừ các điều ác) còn có nghĩa bố ma (khiến cho các loài ma phải hoảng sợ). Một Tỷ kheo chân chính có tiềm năng làm thầy của chư thiên và loài người. Với hành trang giới định tuệ và một bát ba y, vị Tỷ kheo vân du giáo hóa khắp nơi, làm lợi mình lợi người, trong tâm thái an lạc, tự chủ và hoàn toàn không hề sợ hãi trước bất cứ thế lực nào, dù ma mãnh và quái ác đến đâu cũng không làm vị Tỷ kheo phải chùn bước.

Để luôn ngẩng cao đầu trong cuộc đời, chẳng hề sợ hãi trước bất cứ ai thì phải là bậc chân tu: Có lòng tin kiên cố vào Chánh pháp; có giới đức và hạnh kiểm tốt; có sự học tập và hiểu biết sâu sắc về giáo pháp; có sự nỗ lực, gắng sức và bền bỉ thực tập; sau cùng là có tuệ giác để soi sáng những si ám che đậy bản tâm và vượt thắng não phiền, nhiễm ô mà thành tựu giác ngộ.

Gia sản của người tu thường đem bố thí cho chúng sanh là giáo pháp (pháp thí) và sự bình an, không sợ hãi (vô úy thí). Nhưng một khi tự thân chúng ta bị “rơi vào trong sợ hãi” thì liệu chúng ta đã làm gì được cho mình, chứ chưa vội nói đến chuyện giúp người. Người xưa nói “vàng thật thì chẳng sợ gì lửa”, cũng vậy, hãy tự rèn luyện mình trở thành bậc chân tu thạc đức thì không những không sợ hãi mà ngược lại còn nhiếp phục các thế lực ma mị khác quay về chánh đạo.

 

5- ÁC TỶ KHEO

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, con quạ thành tựu với mười tà pháp. Thế nào là mười?

Ngạo nghễ, hung hãn, cường dục, ăn lớn, độc ác, không từ bi, khiếp nhược, giọng chói tai, vọng niệm và cất chứa tài sản.

Này các Tỷ kheo, con quạ thành tựu với mười tà pháp này.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, vị ác Tỷ kheo thành tựu với mười tà pháp. Thế nào là mười?

Ngạo nghễ, hung hãn, cường dục, ăn lớn, độc ác, không từ bi, khiếp nhược, giọng chói tai, vọng niem và cất chứa tài sản.

Này các Tỷ kheo, vị ác Tỷ kheo thành tựu với mười tà pháp này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 10, phẩm Ước nguyện, phần Con quạ, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.439)

LỜI BÀN:

Xuất gia là bước lên lộ trình hướng đến giải thoát. Trong suốt chặng đường đầy cam go ấy, người thì tiến bộ đạt được mục tiêu rất nhanh, không ít người tiến bộ vừa hoặc chậm và một số ít người thối thất phải quay về. Cố nhiên, đã xuất gia thì không ai là người ác cả, ác Tỷ kheo dùng để chỉ cho những người xuất gia tiến bộ chậm, chưa chuyển hóa các tập khí xấu ác của chính mình.

Thế Tôn dùng hình ảnh những con quạ đen để minh họa cho hạng

xuất gia tiến bộ chậm, những ác Tỷ kheo, thật ấn tượng. Nói đến loài quạ, tự khắc ta liên tưởng đến cảnh tượng xấu xa, xô bồ, giành giật, đấu đá, tham lam và chết chóc. Hình ảnh bầy quạ đen đúa, ranh mãnh, láu lỉnh, chụp giật, giành nhau ăn xác chết khiến ta kinh hãi, như những thần chết. Quán niệm về hình ảnh của loài quạ sẽ giúp hành giả tự phản tỉnh về những hành vi của mình bởi chỉ cần một phút loạn động, không giữ được chánh niệm thì các tập khí sẽ trỗi dậy và dễ dàng sa vào đường ác.

Thế Tôn gọi mười tập tính xấu ác của loài quạ là tà pháp và những ai xuất gia mà chưa chuyển hóa được các tà pháp này là ác Tỷ kheo. Tuy nhiên, những tà pháp này dễ dàng chuyển hóa thành chánh pháp nếu biết tu tập, nương tựa vào Bát Thánh đạo. Tám con đường Thánh này là phương tiện để vượt lên những phiền não đang đoanh vây đời sống chúng ta. Trong đó, đặc biệt là chánh kiến, sự thấy biết đúng như thật sẽ giúp cho hành giả thấy rõ chánh và tà, biết làm những gì cần làm, từ bỏ những gì cần từ bỏ.

Những người con Phật nói chung phải luôn quán sát để nhận diện và loại trừ mười tà pháp nêu trên. Vận dụng tuệ giác để gạn đục khơi trong, nhận chân được chánh tà, nhất là biết rõ chính mình là con đường tối thắng để xả ly tham ái, phiền não và thành tựu giải thoát.

 

6- GỐC RỄ CỦA ĐẤU TRANH

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Sàmagàma dạy các Tỷ kheo:

Có sáu gốc rễ đấu tranh này, này các Tỷ kheo. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ kheo, phẫn nộ và hiềm hận, giả dối và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo và man trá, ác dục và tà kiến, chấp trước sở kiến và rất khó rời bỏ.

Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nào phẫn nộ và hiềm hận, giả dối và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo và man trá, ác dục và tà kiến, chấp trước sở kiến và rất khó rời bỏ, vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bac Đạo sư; sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận Tăng; không thành tựu đầy đủ các học pháp, vị ấy khởi lên tranh luận giữa chư Tăng. Tranh luận như vậy khiến nhiều người không hạnh phúc, khiến nhiều người không an lạc, khiến nhiều người không lợi ích.

Này các Tỷ kheo, nếu các Thầy thấy những ác tránh căn ấy, các Thầy phải cố gắng đoạn trừ, phải tác động đừng cho nó có cơ hội làm hại trong tương lai. Như vậy là đoạn tận ác tránh căn ấy, như vậy là ngăn chặn ác tránh căn ấy trong tương lai.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Chư thiên, phần Gốc rễ của đấu tranh, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.88)

LỜI BÀN:

Ác tránh căn nghĩa là gốc rễ của đấu tranh, tranh chấp và xung đột khiến cho tổn hại. Nó là bản chất của chúng sanh, nói cách khác sự tranh đấu lẫn nhau trong một loài hay giữa các loài chúng sanh với nhau là một trong những bản nang sinh tồn. Loài người có ý thức, được xem là văn minh cũng đấu tranh và xung đột giết chóc lẫn nhau triền miên từ ngày khai sinh lập địa cho đến hiện nay, thậm chí ngày càng tinh vi và khốc liệt hơn.

Đời sống của người xuất gia, trong chừng mực nào đó vốn vượt ra ngoài những toan tính thế thường nên nhẹ nhàng và ít tranh chấp hơn. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực để chuyển hóa thân tâm thì cũng khó tránh khỏi tranh đấu lẫn nhau.

Biểu hiện của tranh chấp trong những hội chúng xuất gia bắt đầu từ sự không cung kính và tùy thuận Phật Pháp Tăng, nhất là khởi lên tranh luận với chư Tăng. Những sự tranh cãi thiếu thiện chí là cội nguồn cho tranh đấu và chắc chắn sẽ mang đến sự khó chịu, bất an và hoàn toàn tổn hại cho bản thân cùng hội chúng.

Theo tuệ giác Thế Tôn, những ai chưa chuyển hóa được những phiền não như “phẫn nộ và hiềm hận, giả dối và não hại, tật đố và xan tham, lưa đảo và man trá, ác dục và tà kiến, chấp trước sở kiến và rất khó rời bỏ” thì gốc rễ tranh chấp (ác tránh căn) vẫn tồn tại và tranh đấu, não hại lẫn nhau là nguy cơ có thể diễn ra bất cứ lúc nào, ngay cả những hoi chúng xuất gia vẫn không là ngoại lệ.

Vì thế, tu tập để chuyển hóa thân tâm, đoạn trừ phiền não là phương cách tối thắng nhằm dập tắt và đoạn tận mọi tranh chấp, xung đột.

 

7- KHỔ VUI DO MÌNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này, này các Tỷ kheo, ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chơ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sức mạnh hữu học, phần Khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.307)

LỜI BÀN:

Ai sống trên cuộc đời này cũng mong sao cho mình và người thân được vui vẻ, hạnh phúc. Tuy vậy, trang bị cho mình những chất liệu để loại trừ khổ đau, tăng trưởng an lạc thì không phải ai cũng làm được. Cho nên mưu cầu hạnh phúc, an lạc thì ai cũng có nhưng thực tế của mỗi cá nhân lại hoàn toàn khác biệt nhau, tùy thuộc vào nỗ lực chuyển hóa của mỗi người.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, những yếu tố gây nên đau khổ cho con người trong hiện tại và cả ở tương lai gồm: không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ.

Người không có lòng tin thì rất dễ làm ác. Lòng tin là nền tảng cho quá trình phấn đấu, hướng đến các giá trị đạo đức. Không có lòng hổ thẹn thì điều gì cũng làm được. Con người sở dĩ khác với các sinh vật khác nhờ có lòng hổ thẹn. Biết xấu hổ với người và với chính mình nên từ bỏ việc ác. Không có lòng sợ hãi, chí ít là sợ nhân quả, nên “gieo gió thì gặt bão” là đương nhiên. Cộng thêm tính lười biếng lao động, sự lọc lõi khôn ranh, chuyên làm việc bất chính để thủ lợi riêng… Tất cả những hành vi này đã tạo nên đau khổ, tổn hai và vô vàn ưu phiền trong hiện tại và ở tương lai.

Người con Phật nhận ra các nguyên nhân của khổ đau nên tinh cần chuyển hóa thân tâm. Sống có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn và có trí tuệ thì chắc chắn hiện đời và đời sau luôn hạnh phúc, an lành. Khổ hay vui không phải do số phận an bài hoặc do thần linh chi phối mà chính ngay nơi hành nghiệp của chính mình.

 

8- KHỔ VÀ DIỆT KHỔ

Một thời, Thế Tôn trú tại Savatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng sự tập khởi và sự đoạn diệt của khổ. Hãy nghe…

Và này các Tỷ kheo, thế nào là khổ tập khởi?

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội nên xúc khởi. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ kheo, đây là khổ tập khởi.

Do duyên tai và các tiếng… Do duyên mũi và các hương… Do duyên lưỡi và các vị… Do duyên thân và các xúc… Do duyên ý và các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ kheo, đây là khổ tap khởi.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ kheo, đây là khổ đoạn diệt.

Do duyên lỗ tai và các tiếng,… Do duyên mũi và các hương,… Do duyên lưỡi và các vị,… Do duyên thân và các xúc,… Do duyên ý và các pháp,… đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ kheo, đây là khổ đoạn diệt.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 1, phẩm Gia chủ, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.131)

LỜI BÀN:

Khổ đau của chúng sanh thì vô cùng tận. Nhưng nếu lắng lòng quán sát vấn đề thì sẽ dễ dàng nhận thấy đau khổ xuất phát từ bên trong ta, chứ không phải do bên ngoài tác động vào. Khi mắt thấy sắc, nhận biết đẹp, nhìn hoài không chán, sanh tâm yêu thích, mong muốn chiếm hữu… và khổ phát sanh. Con mắt hay sac đẹp vốn không đưa đến khổ nhưng vì sanh tâm ưa thích (ái) nên mới khổ. Nguyên nhân chủ yếu của khổ là do tham ái chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài.

Xác định nguyên nhân cốt tủy của khổ đau do tham ái là một nhận thức quan trọng. Có nhiều cách tu để đoạn trừ tham ái nhưng căn bản nhất là thiết lập chánh niệm khi căn tiếp xúc với trần. Sáu giác quan của chúng ta luon tiếp xúc với sáu trần cảnh. Nhưng sự có mặt kịp thời của chánh niệm sẽ thức tỉnh chúng ta dừng lại, không chạy theo, không tham ái và không nắm bắt nên ta được bình an.

Tham ái diệt thì sầu bi khổ ưu não diệt. Đây là sự thật được chứng nghiệm một cách rõ ràng trong quá trình tu tập. Chánh niệm càng cao độ bao nhiêu thì sẽ làm chủ thân tâm chặt chẽ bấy nhiêu. Do vậy, đối diện với khổ đau, người con Phật không than thân trách phận mà phải thực hành chánh niệm và nỗ lực chuyển hóa. Khổ đau do duyên sanh thì cũng do duyên diệt. Vấn đề là không sợ khổ, chỉ sợ không thực hành pháp để diệt khổ mà thôi.

 

9- KHỔ TÂM VÀ VÔ TÂM

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu với sáu pháp, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, hiềm hận, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế nào là sáu?

Với dục tầm, với sân tầm, với hại tầm, với dục tưởng, với sân tưởng, với hại tưởng. Thành tựu với sáu pháp này, các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, hiềm hận, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú.

Thành tựu với sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không hiềm hận, không ưu não, không nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.

Với xuất ly tầm, với vô sân tầm, với bất hại tầm, với xuất ly tưởng, với vô sân tưởng, với bất hại tưởng.

Thành tựu với sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không hiềm hận, không ưu não, không nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm A la hán, phần Khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.240)

LỜI BÀN:

Tầm và tưởng là những hoạt động của tâm, sanh khởi khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Tư duy về dục lạc, về ham muốn sắc, thanh, hương, vị và xúc chính là dục tầm. Sân tầm là tư duy về các đối tượng mà mình không ưa, gây bực bội và chán ghét. Tư duy về sự gây tổn hại, tàn hại cho mình và người chính là hại tầm. Cùng với các tưởng như dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng là những tác nhân gây đau khổ, phiền lụy cho chúng sanh.

Khi nội tâm không bình an, bị khuấy động bởi tham dục, giận dữ và tàn hại thì khổ đau xuất hiện. Khổ tâm chính là một trong những nỗi khổ lớn của con người. Thậm chí nỗi khổ tâm tàn phá sức khỏe và tinh thần gấp nhiều lần so với nỗi khổ về thân xác. Vì thế phải nhanh chóng chuyển hóa những tâm địa xấu ác để tinh thần được thanh thản, sống vui an lạc.

Luôn thiết lập chánh niệm và xả ly dục sân hại, hướng tư duy đến từ bỏ, không hận thù bực tức, không gây tổn hại cho mình và người. Quán sát sự nguy hiểm của dục, sân, hại tầm và dục, sân, hại tưởng đồng thời an trú vô dục, vô sân, vô hại là cách nuôi dưỡng tâm hồn mát mẻ và tịnh lạc. Khi tâm được thảnh thơi, không đau khổ ưu phiền thì cuộc sống được cải thiện và từng bước thăng hoa.

“Tâm tịnh tức độ tịnh”, vì thế, chuyển hóa tâm là một trong những vấn đề trọng yếu của tu tập. Muốn an bình và hạnh phúc thì trước hết tâm tư phải bình an. Tâm an tịnh là chất liệu quan trọng để thiết lập hạnh phúc trong hiện tại. Người con Phật phải tự thân chứng đạt hạnh phúc chứ không cầu xin ân điển từ các đấng thiêng liêng. Để đạt được điều ấy, nỗ lực tu tập của tự thân loại bỏ các tâm niệm về dục sân hại là căn bản và cần yếu nhất.

 

10- THƯƠNG NGƯỜI BỆNH KHỔ

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?

Không có năng lực pha thuốc; không biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng, đưa cái gì không thích đáng, không đưa cái gì thích đáng; vì muốn lợi ích vật chất, săn sóc người bệnh, không phải vì lòng từ; cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra hay đờm; không có năng lực thỉnh thoảng vơi pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?

Có năng lực pha thuốc; biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng, đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng; vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất; không cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra hay đờm; có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Săn sóc bệnh [2], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.542)

LỜI BÀN:

Bệnh khổ là lẽ thường nhiên, có thân ắt có bệnh. Ai cũng từng nếm trải bệnh khổ, chỉ khác là nhiều hay ít, bệnh này hay bệnh khác mà thôi. Khi lâm bệnh, người bệnh rất cần được chăm sóc và điều trị. Những người có gia đình, khi ốm đau thường được vợ, chồng hoặc con cái chăm sóc. Còn những người sống độc thân hoặc xuất gia, khi đau ốm phải nhơ huynh đệ, bạn bè hay tín đồ giúp đỡ, đôi khi phải tự mình chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo trong thiếu thốn mọi bề.

Theo tuệ giác Thế Tôn, những ai phát tâm săn sóc bệnh nhân vì lòng thương được phước báo vô lượng. Muốn săn sóc người bệnh được chu toàn, cần phải hội đủ các yếu tố căn bản như biết pha chế thuốc, biết kiêng cữ, săn sóc người bệnh với lòng từ, không ngại dơ bẩn, và nhất là biết nói lên những đạo lý chân thật giúp người bệnh hoan hỷ, an tâm điều dưỡng và trị liệu.

Bệnh thì khổ, thân khổ vì đau đớn, tâm khổ vì lo lắng về tình trạng bệnh tật, kinh phí điều trị đồng thời buồn tủi thêm khi không người săn sóc, an ủi, vỗ về. Sau mỗi cơn bạo bệnh, người ta thường rút ra nhiều bài học về sức khỏe cũng như thế thái nhân tình. Vì thế, chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng săn sóc bệnh nhân theo lời dạy của Thế Tôn, để giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, những người thân và mọi người vượt qua bệnh khổ.