NHÁT KIẾM SAU CÙNG
(Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
Hạnh Đoan
THẦN THÔNG
Có một ông ưa xem bói, mỗi khi gặp việc khó giải quyết thường tìm đến bốc sư nhờ xủ quẻ giúp và luôn tin tưởng họ là bậc thần thông quảng đại.
Ông ta có một đứa con trai rất thông tuệ tên là Thái. Thái rất tinh nghịch và thường phá bĩnh, lật tẩy những bọn khoác lác xưng mình có thần thông.
Mỗi khi thấy cha mời họ tới nhà, nhân lúc dùng bữa, Thái thường hỏi:
– Trong bát cơm của thầy có bao nhiêu hạt?
Hoặc:
– Bao nhiêu hạt nếp làm nên chén rượu này?
Thái hỏi mãi, hỏi đến những người khoe thần thông phải toát mồ hôi, cứng họng…
Thái thường nói với cha:
– Cho dù là thầy bói có tài tiên tri, có khả năng đoán quá khứ vị lai… nhưng nếu xưng có thần thông mà ngay cả vấn đề giản đơn cũng không thể biết, thì làm sao giải quyết những rối rắm khó khăn trong cuộc sống?
Người cha cho là con ương bướng hay kích bác người. Ngày nọ, người cha đến một thị trấn xa xôi thỉnh về một người tự xưng là đại thần thông, ông bảo con trai:
– Nếu như con có thể thử thách và đánh đổ được vị này thì từ rày về sau cha sẽ nghe con.
Và họ cùng mở tiệc khoản đãi vị đại thần thông.
Vị đại thần thông này mới ngồi xuống chưa bao lâu thì ra chiều đắc ý, mỉm miệng cười.
Thái hỏi ông ta:
– Thầy cười gì thế?
Ông đáp:
-Ta vừa nhìn thấy cách đây năm mươi ngàn dặm có một ngọn núi, dưới núi có một dòng suối, cạnh suối có một cây cao, trên cây có một con khỉ đang đùa giỡn… bất ngờ nó vuột tay và rơi tòm xuống suối, tư thế nom rất hài hước, làm ta bắt tức cười.
Thái biết thầy ba hoa nói khoác, nhưng chưa tiện vạch trần. Đợi đến lúc dùng bữa, cậu sai người dọn cho thực khách những bát cơm được gắp đầy thức ăn thịnh soạn, riêng vị thần thông quảng đại chỉ có một bát cơm trắng vun đầy (để trước mặt ông) mà thôi.
Mùi thức ăn bốc lên thơm nức mũi khiến mọi người đói cồn cào, họ hớn hở cầm đũa và dùng bữa ngon lành, riêng vị đại thần thông thì bụng tức anh ách, mặt lộ vẻ bất mãn, không chịu ăn.
Thái hỏi:
– Sao Tiên sinh không ăn?
Vị Đại thần thông nói:
– Nhà cậu có khi dễ người ta thì cũng vừa phải thôi chứ? Mời ta tới mà chẳng có chút lòng tôn kính! Bát ai cũng phủ đầy thức ăn, vì sao bát ta chỉ toàn cơm trắng?…
Thái nói:
– Ái chà chà! Con mắt thầy thấy tuốt năm mươi ngàn dặm, nhìn rõ cảnh con khỉ té xuống nước tư thế hài hước ra làm sao, vậy mà… bát cơm tôi để ngay trước mắt thầy đây, phía dưới chôn đầy thức ăn thịnh soạn, thầy lại thấy không tới là sao?…
Ai nấy đều không nhịn được, phá lên cười ha hả.
Vị đại thần thông xấu hổ, bỏ chạy mất.
(Theo Nhân sinh chân vị của Lâm Thanh Huyền)
BÌNH:
Thần thông tuy có nhưng không phải là giải thoát cứu kính trong cuộc sống. Càng tệ hại hơn nếu người sở hữu thần thông lòng còn đầy tham sân si. Nhà thôi miên vẫn được xem như một dạng có thần thông, nhưng ông ta vẫn bị thất tình lục dục chi phối. Quỷ thần cũng có ngũ thông, những thần thông đó rất bình thường trong cõi giới của họ. Song không phải bay được, lặn được, biết trước được là đã hay tuyệt đỉnh. Con ruồi vẫn bay được, con cá vẫn lặn được, con kiến vẫn dự đoán, biết trước được sắp có mưa lụt giỏi hơn chúng ta. Như thế không có nghĩa là chúng hơn cõi người. Phật từng phân tích về thần thông và luôn xác nhận rằng thần thông tối cao mà con người cần đạt được là Lậu tận thông: Sạch hết phiền não. Còn những thần thông khác không giúp con người giải quyết hết thống khổ trong đời sống. Ngài luôn nhắc nhở rằng chúng ta không nên quá sùng bái vọng cầu thần thông. Điều này có hại cho chúng ta nhiều hơn lợi. Trong cuộc sống, khi gặp phải khổ đau, phương pháp giải quyết tốt nhất là để tâm lắng lại, bình thản nhìn sự việc một cách khách quan. Khi tâm an tĩnh thì trí sáng, trí sáng thì tìm ra được cách xử lý ổn thỏa giúp ta vượt qua khó khàn. Muốn sống an thì phải gieo nhân thiện lành, ta không thể nào ăn được quả ngọt khi gieo toàn hạt đắng. Tự mình giải khổ, quyết định đời mình theo cách này sẽ tốt hơn là trông chờ, phó thác vận mệnh mình vào lời những người khoác lác khoe mình biết quá khứ, vị lai; nhưng bản thân vẫn bị tham sân si sai sử và hoàn toàn không có khả năng giải khổ cho chính mình.
Thoát ra khỏi nhà phiền não buộc ràng, làm chủ được tâm mình, không để vọng niệm lôi kéo, lừa gạt mình, mới chính là thần thông thượng đẳng.