PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 6
ĐẠO TÍCH VÀ ĐẠO HÀNH (TT)

KIM CANG THỪA

Tín tâm

V.24 Ba loại tín tâm

Đoạn này phân biệt ba loại tín tâm, tu tập từng bậc. ‘Thanh tịnh tín’ – trái với niềm tin mù quáng, được kể là lòng tin thường được tạo ra bởi kinh nghiệm tôn giáo do kinh sợ. Dục lạc tín là nguồn cảm hứng để nhập đạo và có được kinh nghiệm cá nhân về Pháp. Khi đi theo đạo lộ, có được ‘thắng giải’ tín, tin vào những phẩm chất phi thường của Tam bảo và hoàn toàn tin vào Tam bảo.

Cũng như quy y là cửa vào của tất cả giáo pháp, cửa của quy y là tín tâm. Do vậy, việc sanh khởi tín tâm vững chắc trước khi quy y là việc hết sức trọng yếu.

Có ba loại tín tâm: thanh tịnh tín, dục lạc tín, và thắng giải tín.

‘Thanh tịnh tín’ là điều sanh khởi khi ta bỗng dưng trở nên tín ngưỡng bởi một thể nghiệm thanh tịnh về tâm đại bi của chư Phật, điều này có thể xảy ra ở một số trường hợp như khi đi vào tự miếu có nhiều ảnh tượng về thân, ngữ, ý của Phật; hay như khi hội kiến các vị thánh nhân hoặc đạo sư; hay khi nghe về những đại hạnh và sự tích giải thoát của những vị như vậy.

‘Dục lạc tín’ là điều sanh khởi khi ta được nghe về những khổ đau của luân hồi và các ác đạo, rồi muốn thoát ly khỏi chúng; khi ta được nghe về những an lạc của các cõi thiện thú và giải thoát, thì muốn đạt thành; khi ta được học về công đức của các thiện hành, thì muốn thực hiện; rồi khi ta được thấy hậu quả của các bất thiện hạnh, thì muốn viễn ly.

‘Thắng giải tín’ là điều sanh khởi khi ta liễu tri được công đức bất cộng và năng lực gia trì của Tam bảo, rồi từ trong thâm tâm mà sanh khởi tín ngưỡng; khi ta thấy các vị là nơi đáng để quy y nhất, chẳng bao giờ suy hoại trong mọi thời mọi cảnh, và rằng ta có thể an tín nơi các vị trong bất cứ điều gì mình làm – bất luận ta an vui hay đau khổ, bệnh tật hay khỏe mạnh, sống còn hay tử vong. Đó là lòng tin kiên định trong đó người ta chẳng có nguồn hy vọng hay tin cậy nào ngoài Tam Bảo. Cũng như Ổ Kim Liên Sư (Liên Hoa Sanh) đã từng nói: ‘Cụ hữu kiên tín đắc gia trì, nhược ly nghi tâm thành sở nguyện.’

The Words of My Perfect Teacher’, pp.272–73, dịch Anh T.A.

V.25 Ý nghĩa của tín tâm

Tín tâm là một nguồn năng lượng tâm linh không thể thiếu cho sự tu tập thiện pháp. Tốc độ tiến bộ của một người trên con đường này liên quan trực tiếp đến mức độ tín tâm và sự sùng kính của người ấy.

Tín tâm như hạt giống, làm sanh khởi tất cả các công đức thiện pháp. Nếu ngươi không có tín tâm, thì cũng như hạt giống bị lửa thiêu. Như trong kinh có câu, ‘Kẻ không có tín tâm, không sanh các thiện pháp, như hạt bị lửa thiêu, làm sao nảy chồi xanh?’

Theo cách như vậy, tín tâm đứng đầu trong bảy thánh tài.[1] Câu rằng, ‘Tín tâm như bảo luân, đêm ngày tu thiện đạo.’ Sở dĩ nói, nó như báu vật đệ nhất trong tất cả tài bảo, và do vậy là nguồn công đức vô tận; nó giống như đôi chân bước đi trên con đường giải thoát và đôi tay thâu thập tất cả thiện pháp trong dòng tâm của mình. Tụng rằng, ‘Tín, tối thắng bảo, kho, đôi chân, như hai tay nắm chặt thiện căn.’

Do vậy, mặc dù Tam bảo có bất khả tư nghì tâm bi và gia trì, thì việc năng lực ấy có hòa nhập vào dòng tương tục tâm ta hay không chỉ tùy thuộc vào tín tâm và cung kính tâm của ta. Nếu ta có tín tâm và cung kính tâm bậc thượng, thì bi tâm và gia trì của Thượng sư Tam bảo có thể hòa nhập vào chúng ta cũng là bậc thượng. Cũng như vậy, nếu tín tâm và cung kính tâm của ta bậc trung, bi tâm và gia trì có thể hòa nhập cũng là bậc trung; và nếu tín tâm và cung kính tâm của ta bậc thấp, bi tâm và gia trì có thể hòa nhập cũng là bậc thấp như vậy. Còn nếu ta chẳng hề có tín tâm hay cung kính tâm thì ta không nhận được chút bi tâm hay gia trì nào của Thượng sư Tam bảo hết. Nếu ta không có tín tâm, ngay cả việc gặp Phật và việc được Ngài nhiếp thọ cũng chẳng lợi ích chi cả – như chuyện tỳ-kheo Sunakṣatra (Thiện Tinh) đã kể[2] hay chuyện Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) biểu đệ của Phật.[3]

Ngay cả ngày nay, nếu có kẻ cầu Phật với tín tâm và cung kính tâm chân thành, thì đức Phật cũng sẽ hiện trước kẻ ấy, và gia trì cho bằng đạo lực. Với tâm bi mẫn của Phật, chẳng ngại gần xa, như tụng rằng, ‘Ai chí thánh tác ý, Năng Nhân liền hiện tiền, ban gia trì quán đảnh.’ Rồi Ổ Kim Liên Đại Sư (Oḍḍiyāna) cũng nói rằng: ‘Với nam nữ thiện tín, thì đức Liên Hoa Sanh, chẳng bao giờ xa khuất, mà ngủ bên cửa họ. Đời ta chẳng bao giờ có hồi cáo chung cả, trước mỗi thiện tín hữu, Liên Hoa Sanh hiện ra.’[4]

The Words of My Perfect Teacher’, pp.273–5, dịch Anh T.A.

V.26 Ngụ ngôn về tín tâm

Câu chuyện dưới đây chứng tỏ sức mạnh phi thường của  lòng tin. Nó cũng ít nhiều làm sáng tỏ tục thờ cúng xá-lợi trong Phật giáo (xem * Th.94). Nó cho thấy hiệu quả tinh thần có thể phụ thuộc vào đức tin của những người sùng đạo, bất kể nguồn gốc vật chất của những vật linh thiêng đó – đôi khi có thể là đáng ngờ.

Khi một người có lòng thắng giải tín, thì bi tâm (và gia trì) của Phật có thể hiển hiện trong bất cứ sự việc gì. Việc có tín tâm có thể được minh họa bằng chuyện ngụ ngôn về bà lão ngộ được nhờ một cái răng chó.

Thuở xưa, có một lão bà, có hai người con trai. Một người thường đi kinh thương nơi Thiên-trúc. Mẹ già dặn y rằng:

‘Thiên-trúc là quốc độ nơi đức Phật chánh đẳng chánh giác đắc thành giác ngộ trên Kim Cang tọa. Con có thể mang về cho mẹ một viên xá-lợi từ Thiên-trúc để mẹ có thể lễ bái chăng?’ Bà dặn y nhiều lần nhưng con bà luôn quên lời mẹ mà chẳng mang gì về cả. Một hôm, khi con bà đang từ giã để đi Thiên-trúc, bà lại dặn: ‘Lần này, nếu con không mang xá- lợi nào từ Thiên-trúc về cho mẹ lễ bái, mẹ sẽ chết trước mặt con!’

Người con đi đến xứ Thiên-trúc, xong xuôi công việc, rồi trở về nhà, quên mất lời mẹ dặn. Mãi đến lúc về gần đến nhà thì mới nhớ ra lời mẹ. ‘Ta phải làm sao bây giờ?’ y tự hỏi. ‘Ta chẳng đem gì về cho mẹ già lễ bái. Nếu ta về nhà mà chẳng có xá-lợi, bà sẽ tự sát mất thôi.’ Nhìn xung quanh, y thấy một cái sọ chó nằm bên vệ đường. Y nhổ ra một cái răng rồi gói nó bằng vải lụa. Khi về đến nhà, y đưa cho mẹ mà rằng, ‘Đây là một chiếc răng của Phật. Nếu mẹ lễ bái, Phật sẽ đáp lời nguyện của mẹ.’

Bà lão tin rằng chiếc răng chó kia thực sự là răng của Phật nên khởi lòng tin mạnh mẽ. Vì bà luôn lễ bái cúng dường, nhiều xá-lợi phát sanh trên chiếc răng chó ấy. Khi bà lão qua đời, vòm sáng cầu vồng cùng các dấu hiệu khác (của đạo  viên mãn) xuất hiện. Dù rằng răng chó chẳng có đạo lực gì, nhưng vì bà lão, bằng đại tín lực của mình, tin rằng đó đích thực là răng Phật, nên nó cũng dung nhập được Phật lực gia trì, cho nên cuối cùng nó chẳng khác gì răng của Phật vậy.

The Words of My Perfect Teacher, pp.275–76, dịch Anh T.A.

Quy y Phật, Pháp, Tăng

V.27 Kệ nguyện quy y

Bài nguyện quy y truyền thống này, dùng chung cho tất cả các phái của Phật giáo Tây Tạng, được cho là do Ngài Atiśa soạn.[5]

Từ nay cho đến khi thành tựu quả giác ngộ, con xin nguyện quy y, Phật, Pháp, Tăng tam bảo.

Bằng công đức của việc, hành sáu ba-la-mật,[6] mong thành tựu giác ngộ, để lợi lạc quần sanh!

V.28 Các động lực quy y khác nhau

Đoạn này nói lên sự khác biệt giữa thái độ ‘Tiểu thừa’[7] và Đại thừa đối với việc quy y.

Người ta quy y bởi hai động lực. Động lực thông thường là vì người ta không thể nhẫn thọ nỗi khổ đau của chính mình, và động lực đặc thù là vì người ta không thể nhẫn thọ nỗi khổ đau của người khác.

The Jewel Ornament of Liberation’, pp.124–25, dịch Anh T.A.

V.29 Quy y nghi quỹ

Nghi lễ quy y được thực hiện ở trước một thiện tri thức hoặc một thượng sư. Trong hai loại nghi thức quy y – đơn giản và phức tạp – được Gampopa mô tả trong phẩm thứ tám của ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’, thì điều nêu sau đây là cách đơn giản.

Trước hết, đệ tử thỉnh cầu vị thượng sư (tiến hành nghi quỹ). Rồi vị thượng sư sửa soạn cúng dường trước ảnh tượng ngôi Tam Bảo hoặc, nếu không được như vậy, thì quán tưởng Tam Bảo trụ trong hư không mà lễ bái cúng dường trong tâm. Rồi đệ tử tụng theo vị thượng sư như vầy: ‘Thập phương nhất thiết chư Phật chư Bồ-tát, xin hãy lắng nghe con! Xin thượng sư hãy lắng nghe con! Con – tên như vầy… từ nay cho đến khi thành tựu bồ-đề, xin quy y Phật, đấng Lưỡng túc tôn; xin quy y Pháp, Ly dục tôn; và quy y Tăng, Đại chúng trung tôn’

Kẻ ấy thành tâm lặp lại ba lần như vậy.

The Jewel Ornament of Liberation, p.125, dịch Anh T.A.

Thiện tri thức

V.30 Sự cần thiết có thiện tri thức

Trong phẩm ba của ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’, Gampopa trình bày ba thí dụ về vai trò của vị thiện tri thức đạo sư của một người. Loại thứ ba là một dị bản mở rộng ngụ ngôn của đức Phật về thuyền / bè (Pháp, xem *Th.23 và *M.20) đặc biệt thú vị.

Thiện tri thức giống như người hướng đạo khi ngươi du hành nơi đường lạ; như người hộ tống khi ngươi du hành đến chốn nguy hiểm; hay như thuyền sư khi ngươi vượt sông lớn.Lúc vượt sông lớn, nếu ngươi lái bè hay thuyền mà chẳng có thuyền sư, ngươi có thể không đến được bờ bên kia mà chìm ngập giữa dòng hay bị nước cuốn đi. Nhưng nếu ngươi có một thuyền sư, vị ấy có thể nỗ lực giúp ngươi đến bên kia bờ. Cũng vậy, khi vượt bể luân hồi, ngươi có thể lái thuyền diệu Pháp, nhưng ngươi cũng có thể bị nhận chìm vào trong luân hồi hay bị dòng nước lũ cuốn đi trừ khi ngươi có một thiện tri thức làm thuyền sư. Cho nên nói, ‘Trừ phi ngươi có lái chèo bền, thuyền ngươi chẳng đến được bên kia bờ. Ngươi dù  công đức có thừa, không thầy, sanh tử cũng chưa dứt đời.’[8] Nên rằng, nếu ngươi y chỉ nơi một thiện tri thức, như người thuyền sư, ngươi sẽ chắc chắn đến bờ bên kia của luân hồi, bến bờ của Niết-bàn. Như ‘Hoa Nghiêm Kinh’ có dạy, ‘Thiện tri thức như thuyền sư cứu ngươi khỏi biển luân hồi.’ Đó là lý do tại sao ngươi nên y chỉ nơi một thiện tri thức, làm người hướng đạo, người hộ tống, thuyền sư.

The Jewel Ornament of Liberation, pp.31–4, dịch Anh T.A.

V.31 Các phẩm tánh của thiện tri thức.

Trước khi nhận một người là thiện tri thức, cần phần quan sát phẩm chất tinh thần của người đó để đảm bảo rằng mình sẽ không bị lạc lối bởi một ‘vị thầy’ giả. Đoạn này chứa một số hướng dẫn được nêu theo truyền thống để có thể đánh giá như vậy.  

Thiện tri thức phàm phu (không phải Phật hay đại Bồ-tát) nên có hoặc tám đức, hoặc bốn đức, hoặc (chí thiểu) đức.

Thứ nhất trong đó như được nêu trong ‘Bồ-tát địa luận’: ‘Thiện tri thức của Bồ-tát là một người viên mãn tám đức. Những gì là tám đức? Vị ấy thọ trì Bồ-tát giới, nghe học Bồ- tát tạng, thành tựu chứng ngộ, có tâm bi mẫn, thành tựu vô úy, nhu hòa nhẫn nhục, tâm trừ hối tiếc, và ngôn từ thiện xảo.’

Thứ hai, trích từ ‘Trang nghiêm Kinh luận’: ‘Bồ-tát thiện tri thức, là người đa văn, đoạn trừ nghi hoặc, khả tín, thuyết hai thật.’ (MSA XII.5). (Giải thích:) Vì sở học quảng bác, nên nói là đa văn. Vì có trí tuệ quảng bác nên có thể đoạn trừ được nghi hoặc của kẻ khác. Vì hành sự như bậc thiện sĩ, nên ngôn từ đáng được tín thọ. Và thuyết minh đạo lý hai thật tướng là tạp nhiễm (luân hồi) và thanh tịnh (Niết-bàn). Thứ ba, như được nêu trong ‘Nhập Bồ-tát hành luận’, ‘Chân thật thiện tri thức giả, tinh thông nghĩa Đại thừa, trì Bồ-tát thắng hành, dù nguy hiểm tính mạng, không xả Bồ-tát giới.’ (BCA V.102) Như thế, vị ấy cần phải thiện xảo trong giáo nghĩa của Đại thừa và tuân thủ luật nghi của Bồ-tát.

Khi có được một thiện tri thức như vậy, ngươi nên y chỉ vị ấy trong ba cung kính thừa sự, cung kính tín thọ, và nỗ lực tu hành (theo lời dạy của vị ấy).

The Jewel Ornament of Liberation, pp.38–9, dịch Anh T.A.

Hành trung đạo

V.32 Trung đạo thoát khỏi hai cực đoan

Đoạn này mô tả nhận thức của Đại thừa về trung đạo như là một quan điểm vô phân biệt về thực tại, vượt ngoài các kiến chấp thường và đoạn (nihilis:, chủ nghĩa hư vô, theo nghĩa tuyệt đối không tồn tại –ý tưởng tương tự như được nêu trong *Th .168 và cũng được tìm thấy trong *M.63). Trên một trình độ tinh tế hơn, nó cũng được hiểu vượt ngoài mọi tư duy phân biệt, ngay cả tư duy về tự tánh của tâm. Cuối cùng, trung đạo cũng vượt ngoài khái niệm phân biệt trung đạo, cho nên, trung đạo chính là trí tuệ ba-la-mật.[9]

Chấp hữu (tồn tại) hay chấp vô (không tồn tại) đều sai lầm, bởi vì chúng rơi vào hai cực đoan là thường kiến và đoạn kiến. Như được nói trong ‘Căn bản Trung luận’ (của Long Thọ), ‘nói hữu, là thường kiến, nói vô, giả tức đoạn kiến’ (MMK XV.10a). Rơi vào hai cực đoan thường kiến và đoạn kiến tức là mê hoặc. Mê hoặc thì không giải thoát luân hồi. ‘Bảo man luận’ cũng nói, ‘Thế gian như quáng nắng (dương diệm), chấp hữu hay chấp vô, thảy đều là mê hoặc. Mê hoặc thì không giải thoát.’ (RV I.56).

Vậy nên, nếu ai hỏi làm thế nào để đạt được giải thoát, nên đáp rằng, chỉ có giải thoát bằng con đường giữa (trung đạo) không trụ trong hai cực đoan. Như ‘Bảo man luận’ nói, ‘Ai thấy pháp như thực, bản lai vốn không sanh,[Xem *V.76.] không trụ thường hay đoạn, người ấy thoát luân hồi’ (RV I.57b). ‘Căn bản trung luận’ cũng nói, ‘Cho nên người có trí, không trụ hữu hay vô.’ (MMK XV.10b).

Nếu hỏi, trung đạo lìa hai cực đoan là gì, như được nói trong kinh ‘Bảo tích’: ‘Này Ca-diếp, thế nào là Bồ-tát như lý gia hành pháp? Đó là gia hành trung đạo chân chánh quán sát các pháp. Thế nào là gia hành trung đạo chân chánh quán sát các pháp? Này Ca-diếp, gia hành như vầy: nói thường, là một cực đoan; vô thường là một cực đoan khác.[10] Những gì là trung đạo giữa hai cực đoan, cái ấy không thể quán sát, không thể hiển thị, không thể hiển hiện, không thể giác tri. Này Ca- diếp, đó là trung đạo quán sát các pháp. Này Ca-diếp! Nói ngã, là một cực đoan; nói vô ngã (phủ nhận hoàn toàn mọi ý niệm về tự ngã) là một cực đoan khác. Những gì là trung đạo giữa hai cực đoan, cái ấy không thể quán sát, không thể hiển thị, không thể hiển hiện, không thể giác tri. Này Ca-diếp, nói luân hồi là một cực đoan; nói Niết-bàn (đoạn diệt luân hồi) là một cực đoan khác. Những gì là trung đạo giữa hai cực đoan, cái ấy không thể quán sát, không thể hiển thị, không thể hiển hiện, không thể giác tri.’[11]

Cũng vậy, Tịch Thiên (śāntideva) nói rằng, ‘Tâm không phải ở trong, không phải ở ngoài, không tìm thấy ở nơi nào khác, không pha trộn cũng không phân ly với bất cứ cái gì, bởi nó không là gì cả; vì vậy, chúng sanh tự tánh là Niết-bàn.’[12] (BCA IX.103b-104).

Do đó, không phân biệt theo hai cực đoan thì được gọi là trung đạo, nhưng trung đạo cũng không thể bị phân biệt; nó không phải cảnh sở thủ (cái được nắm bắt bởi thức), vượt ngoài tâm phân biệt. Ngài Atiśa cũng nói, ‘Hãy quán sát như vầy: tâm quá khứ đã qua, đã diệt, tâm vị lai chưa sanh, chưa khởi, tâm hiện tại thì quá khó nắm bắt. Tâm không có màu sắc hay hình dáng gì, như hư không.’[13] Cũng vậy, ‘Hiện quán trang nghiêm luận’ nói, ‘Không ở trong, không ở ngoài, không trụ ở giữa, cả hai, tự tánh bình đẳng trong cả ba thời; như vậy được nói là bát-nhã ba-la-mật.’

The Jewel Ornament of Liberation, pp.285–87, dịch Anh T.A.

Bồ-đề tâm (bodhi-citta)

Bồ-đề tâm là khái niệm quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa và Kim cang thừa (xem *M.71-6). Nó có nghĩa là tâm (citta) hướng đến thành tựu giác ngộ (bodhi) của Phật vì ích lợi cho chúng sanh, và chỉ cho tâm của Bồ-tát trong các giai đoạn tu tập khác nhau. Bước vào Bồ-tát đạo được đánh dấu bằng ‘phát bồ-đề tâm’, được hiểu là phát khởi chí nguyện vững chắc mong cầu giác ngộ, thành Phật chánh đẳng giác, vì lợi ích của nhiều người. Ngoài điều này (bồ-đề nguyện), bồ-đề tâm cũng là bồ-đề hành, phát tâm đại bi làm nguồn suối định hướng Bồ-tát đạo hướng tới Phật quả và giúp người khác cũng phát tâm như vậy.

V.33 Định nghĩa bồ-đề tâm

Tự tánh của phát bồ-đề tâm được nói là (phát khởi) tâm nguyện thành chánh đẳng bồ-đề vì lợi ích chúng sanh. Như nói trong ‘Hiện quán trang nghiêm luận’: ‘Phát tâm bồ-đề vì lợi tha, nguyện thành chánh đẳng đại bồ-đề.’ The Jewel Ornament of Liberation, p.134, dịch Anh T.A.

V.34 Ngài Tịch Thiên (Ṥāntideva) thuyết về lợi ích của bồ-đề tâm

‘Nhập bồ-đề hành’ là một trong những tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng nhất của Phật giáo Đại thừa. Được viết bởi Ngài Tịch Thiên (Ṥāntideva), đại luận sư thế kỷ thứ tám Tây lịch, nó đã truyền cảm hứng cho cả Đại thừa lẫn Kim cang thừa từ đó. Các câu dưới đây từ phẩm đầu tiên (có tiêu đề là ‘Những lợi ích của bồ-đề tâm’) đặc biệt nổi tiếng, và đã được dẫn trong nhiều văn bản sau này về phát khởi bồ-đề tâm.

4. Nhàn hạ, tương ưng[14] thật khó có. Nếu không nhân đây phát tâm nguyện, vì lợi chúng sanh thành bồ-đề, uổng được thân người, bao giờ có?

5. Như mây mưa che tối đêm đen, chớp lóe chỉ hiện trong sát-na. Bằng uy đức của Phật cũng vậy, tâm người hưởng phước chỉ sát-na.

6. Bởi lực chút thiện thường rất yếu, mà lực của ác lớn khủng khiếp; như vậy nếu phát bồ-đề tâm, chỉ bằng chút thiện thắng đại ác.

7. Tư duy trải qua vô lượng kiếp, chư Phật thấy rõ lợi ích này, vô lượng chúng sanh nương tâm này, thuận lợi dễ đắc tối thắng lạc.

8. Muốn diệt trăm khổ trong ba hữu, và trừ tất cả bất an cho chúng sanh, muốn hưởng trăm thứ phúc lạc ấy, luôn luôn chớ xả bồ-đề tâm.

9. Chúng sanh khổ bức ngục luân hồi, sát-na phát khởi bồ-đề tâm, tức khắc được gọi là con Thiện Thệ, thế gian trời người thảy kính lễ.

10. Kiên cố thọ trì tâm bồ-đề, cũng như tối thắng thuốc luyện vàng tốt, chuyển thân cấu uế thành vô giá, tịnh như bảo tượng Tối Thắng Tôn.

11. Đạo sư duy nhất của thế gian, bằng vô lượng trí quán thấy rõ, phi thường trân quý tâm bồ-đề, những ai muốn vượt thoát luân hồi, kiên cố hộ trì tâm giác ngộ.

12. Cây chuối cho quả rồi tàn lụi, các thiện pháp kia cũng như vậy. Duy chỉ cây quả bồ-đề tâm, thường hằng cho quả mà không diệt.

13. Ngay dù đã tạo tội cực ác, sát-na nương tựa bồ-đề tâm, như tựa dũng sĩ thoát đại họa; chúng sanh vô tri sao không tựa?

14. Giác tâm như kiếp hỏa, sát-na hủy chư tội

Engaging in the Conduct for Awakening, I.4–14, dịch Anh T.A.

V.35 Các loại bồ-đề tâm I

Sau khi ca tụng những lợi ích này, Ṥāntideva phân biệt giữa hai loại bồ-đề tâm.

15. Tóm tắt, tâm bồ-đề, nên biết có hai loại, đó là bồ- đề nguyện, cùng với bồ-đề hành.

16. Như người khôn phân biệt, muốn đi và đi thật, Hiền trí cũng như vậy, phân biệt nguyện rồi hành.

17. Quả của bồ-đề nguyện, trong sanh tử tuy lớn, không như bồ-đề hành, cho quả không gián đoạn.

Engaging in the Conduct for Awakening, I.15–17, dịch Anh T.A.

V.36 Các loại bồ-đề tâm II

Ngoài giải thích tân căn để về phân biệt bồ-đề tâm như trên, đoạn văn trích dưới còn nêu thêm một phân loại khác căn bản hơn về bồ-đề tâm thành ‘thế tục’ và ‘thắng nghĩa’. Loại thứ hai phát sinh từ hiện quán thực tướng chân như và giai đoạn cuối cùng của gia hành tu đạo.

Y theo tự tánh mà phân biệt, có hai loại bồ-đề tâm: thế tục bồ-đề tâm và thắng nghĩa bồ-đề tâm.

Như trong ‘Nhập bồ-đề hành luận’ có nói, ‘Như người khôn phân biệt, muốn đi và đi thật, Hiền trí cũng như vậy, phân biệt nguyện rồi hành.’ (BCA I.16). Như có người muốn đi đến Lhasa, trước hết người đó phải khởi ý nghĩ rằng ‘Ta sẽ đi đến Lhasa.’ Cũng như vậy, trước hết ta phải phát nguyện ‘Tôi nên giúp cho hết thảy chúng hữu tình đạt được quả vị chánh đẳng giác viên mãn.’ Đây là bồ-đề nguyện, như có ý muốn đi (đâu đó). Sau đó ta chuẩn bị hành trang lên đường, thắng ngựa, và chuẩn bị các thứ khác cho hành trình thực sự đi đến Lhasa, rồi cuối cùng khởi hành. Tương tự như vậy, để làm cho hết thảy chúng hữu tình đạt được quả vị chánh đẳng giác viên mãn, ta cần phải quyết định tu học bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, và trí tuệ; rồi mới bắt đầu hành sáu ba- la-mật ấy. Đây là bồ-đề hành, như người thực sự lên đường. Cả bồ-đề nguyện và bồ-đề hành đều là thế tục bồ-đề tâm. Trong tư lương đạo và gia hành đạo,[15] y cứ thế tục bồ-đề tâm, trải qua thời gian lâu dài do năng lực tu tâm, cuối cùng trong kiến đạo,[16] hiện quán chân như thật tướng của các pháp, chứng Không tánh viễn ly tất cả hý luận, đối tượng chân thật của trí tuệ. Đây là thắng nghĩa bồ-đề tâm. The Words of My Perfect Teacher, pp.354–55, dịch Anh T.A.

V.37 Phát thệ nguyện

Đoạn sau trích từ phẩm chín trong ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’ của Gampopa nêu một đoạn ngắn về nghi thức phát bồ- đề tâm khởi đầu Bồ-tát đạo.

Vị thượng sư nên hướng dẫn người đệ tử theo cách như vầy: ‘Ngươi hãy khởi tâm từ và tâm bi trong chốc lát mà tư duy như vầy: “Chúng sanh sung mãn hư không giới. Phiền não sung mãn khắp chúng sanh. Ác nghiệp sung mãn khắp phiền não. Khổ bức sung mãn khắp ác nghiệp. Hết thảy chúng sanh đang thọ khổ kia đã từng là cha mẹ của ngươi (trong nhiều đời trước: xem *V.13); tất cả đều có ân trọng đối với ngươi. Nay hết thảy cha mẹ nhiều đời của ngươi đang chìm ngập trong biển sanh tử; bức bách bởi vô biên thống khổ, không người y hộ. Họ thật chịu thống khổ tận cùng cho đến mê muội! Tôi phải làm sao để cho họ an lạc đây? Tôi phải làm sao để giải thoát họ khỏi đau khổ này đây?” Rồi tiếp theo, tư duy như vầy: “Hiện thời tôi không có khả năng gì để cứu giúp họ. Vậy, để làm lợi ích cho những chúng sanh này, tôi phải chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, dứt sạch tất cả những gì là bất đức, viên mãn tất cả mọi công đức, làm lợi lạc cho hết thảy chúng sanh”.’

Rồi sau đó đệ tử lặp lại ba lần theo vị thượng sư rằng: ‘Hết thảy chư Phật chư Bồ-tát trong mười phương, cúi xin lắng nghe con! Cúi xin thượng sư lắng nghe con! Con – tên như vầy – (nay phát nguyện này) bằng thiện căn tích tập trong đời này và nhiều đời khác bằng bố thí, trì giới, và thiền định mà con đã tự mình làm, khuyên bảo người làm, tùy hỷ những gì đã làm. Cũng như các đức Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Thế Tôn, chư đại Bồ-tát đã thâm nhập đại địa đầu tiên đã phát khởi tâm vô thượng chánh đẳng đại bồ-đề, cũng như vậy, con – tên như vầy – từ nay cho đến khi thành tựu đại bồ- đề, con sẽ luôn khởi tâm vô thượng cháng đẳng đại bồ-đề độ chúng sanh chưa được độ (đưa qua bờ bên kia), giải thoát chúng sanh chưa được giải thoát, khiến cho an ổn những ai chưa được an ổn, khiến chứng đắc Niết-bàn những ai chưa chứng đắc Niết-bàn”.’

The Jewel Ornament of Liberation, pp.166–68, dịch Anh T.A.

V.38 Thấu suốt bồ-đề tâm

Các nghi thức như trên có thể đã được gợi hứng từ các mẫu văn học cổ điển Ấn-độ như được trích dẫn dưới đây – gồm những bài thi tụng nổi tiếng từ ‘Nhập bồ-đề hành’, nói về chí nguyện dũng mãnh của Bồ-tát.

7. [Lễ kính, cúng dường, và sám hối…] Bằng các thiện hành được tích lũy, nguyện cho hết thảy các chúng sanh, thảy được tiêu trừ hết thảy khổ!

8. Khi nào còn có những chúng sanh, vẫn còn vướng bệnh chưa trị dứt, nguyện tôi là thuốc, là y sĩ, và cũng nguyện là người khán hộ.

9. Nguyện tôi là mưa tuôn ẩm thực, giải trừ khổ nạn vì đói khát. Nguyện tôi hóa thành thức ăn uống, trong thời tai kiếp khổ cơ cẩn.[17]

10. Nguyện tôi hóa thành kho vô tận, giải trừ nghèo khó cho chúng sanh. Nguyện tôi hóa thành vật nhu dụng, hiện trước chúng sanh thiếu vật dụng.

11. Nguyện vì lợi cho chúng sanh, bố thí tất cả không tham tiếc, thân mạng, tài sản, các thọ dụng, cả đến thiện hành trong ba đời.

12. Tâm ta tầm cầu đến tịch diệt, xả bỏ tất cả thành Niết-bàn; nếu ta cần phải xả tất cả, sao ta không xả cho chúng sanh!

13. Ta đã hiến thân này, tùy thuận thí chúng sanh; cho dù đánh, mắng, giết, mặc tình theo ý thích!

14. Thân này, mặc chúng bỡn, khinh nhờn, hay nhạo báng: ta đã thí thân rối, có gì còn tiếc nuối?

15. Mặc tình người thích ý, miễn người không tự hại; mong người khi thấy ta, mọi người thảy an lạc!

16. Nếu người nhân thấy ta, sinh tâm tin yêu, ghét; nguyện rằng đây là nhân, thường thành tựu lợi lạc![18]

17. Nguyện người báng bổ ta, hoặc người làm hại ta, cho đến lăng nhục ta, hội đủ duyên bồ-đề.

18. Nguyện tôi là chỗ tựa, cho người không chỗ tựa; nguyện là người dẫn đường, cho kẻ lạc đường xa; nguyện là thuyền, bè hay cầu đò, cho người muốn vượt sông.

19. Nguyện tôi là hòn đảo, cho người tìm trú ẩn; là giường cho người nghỉ; và nguyện là tôi tớ, cho người cần tôi tớ.

20. Nguyện thành ngọc như ý, hiền bình và thần chú, linh dược, cây như ý, vì nguyện cho mọi người!

21. Nguyện thành vật thọ dụng cho vô lượng hữu tình, trụ hư không vô biên, như đại, đất các thứ.

22.Tôi nguyện thành nguồn sống, vô lượng chúng sanh giới, tận cùng hư không giới, – cho đến thảy Niết-bàn.

Engaging in the Conduct for Awakening, III.7–22, dịch Anh T.A.

V.39 Ba hạng tâm lực

Đoạn này phân biệt ba loại bồ-đề tâm dựa trên tâm lực, chỉ cho mức độ quyết tâm của Bồ-tát cứu giúp chúng sinh. Hạng tâm lực mạnh nhất lại là người muốn là người cuối cùng thành Phật quả. Có ba loại bồ-đề tâm y theo ba hạng (đạo) tâm lực.

(1) Quân vương phát tâm: như quốc vương trước muốn thắng địch, lãnh đạo quân binh đi đến chiến thắng và tự đăng vương vị, rồi sau đó ước muốn duy nhất là hộ thuộc hạ thần dân. Tương tự như vậy, có người khởi bồ-đề tâm như quốc vương kia, trước cầu tự mình chứng đắc Phật quả, sau đó mới nguyện dẫn dắt hết thảy chúng sanh an lập nơi Phật địa.

(2) Thuyền tử phát tâm: như một người chèo đò muốn đến bờ bên kia cùng với tất cả mọi người và hành khách trên thuyền của mình. Cũng vậy, có người phát bồ-đề tâm như người chèo đò, mong cầu cùng tất cả chúng sanh đồng chứng đắc Phật quả viên mãn.

(3) Mục tử phát tâm: như người chăn bò lùa đàn bò đi trước, trước hết chắc rằng chúng có đủ cỏ và nước, và không bị lang sói hay thú dữ đe dọa. Người chăn bò luôn luôn đi sau đàn bò, cũng vậy, những ai phát bồ-đề tâm như người chăn bò trước muốn dẫn tất cả chúng sanh trong ba cõi an lập trong quả vị chánh đẳng chánh giác; rồi sau đó mới tự mình cầu thành Phật.

Trong ba hạng này, hạng thứ nhất, quân vương phát tâm, gọi là ‘quảng đại dục lạc phát tâm’, là hạng tâm lực bậc hạ. Hạng thứ hai, thuyền tử phát tâm, là ‘thù thắng trí tuệ phát tâm’, là hạng tâm lực bậc trung. Đây là phát tâm của những vị như như Chí tôn Di-lặc. Hạng thứ ba, mục tử phát tâm, gọi là ‘vô luân tỉ phát tâm’, là hạng tâm lực bậc thượng, không gì có thể sánh bắng. Đây là phát tâm của những vị như Chí tôn Văn- thù.

The Words of My Perfect Teacher, pp.352–53, dịch Anh T.A.

Thứ đệ đạo

V.40 Bồ-đề đạo thứ đệ cực lược luận

Đoạn này là một ví dụ cho văn học Đạo thứ đệ nhiếp nghĩa

(Lam rim bsdus don) được khai triển từ bản văn mẫu của Atiśa (*V.10). Tác giả đoạn trích này là Tsongkhapa (1357– 1419), tổ sư của phái Gelukpa. Đây là một trong những công thức tóm lược nhất về bồ-đề đạo. Các phần được trình bày ở đây nói về đạo lộ của bậc thượng sĩ phu, tức là bậc Bồ-tát.

[Bồ-đề tâm]

14. Phát bồ-đề tâm là nòng cốt của Đại thừa, là sở y (nền tảng) và căn bản (gốc rễ) của bồ-tát hành, chuyển hai tư lương (phước và trí) như kim đan (tiên dược luyện vàng); lập kho tàng của phước nghiệp tích tập vô số thiện hành. Biết rõ như vậy, các vị Tối Thắng Tử (Bồ-tát) thệ ước gìn giữ bồ-đề tâm. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo.

[Sáu ba-la-mật]

15. Bố thí là hạt châu như ý, làm thỏa mãn tất cả ước nguyện của chúng sanh luân hồi; là thanh bảo kiếm chém đứt búi dây xan tham, Bồ-tát phát khởi dũng khí không khiếp sợ, vô úy, là nhân do cho danh tiếng lan khắp mọi phương. Biết rõ như vậy, bậc hiền trí hằng kiên trì tối thượng đạo, thí xả tự thân, tài sản, cho đến cả đức. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

16. Trì giới như nước rửa sạch các cáu bẩn do ác hành, như ánh trăng mát mẻ trừ nóng bức của phiền não. Uy nghi giữa các chúng sanh như núi Tu-di, người có giới khiến mọi người cúi đầu kính lễ mà không cần uy hiếp. Biết rõ như vậy, hiền trí tự phòng hộ như giữ cặp mắt. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

17. Nhẫn là trang sức quý báu của người có sức mạnh, và nhẫn bậc nhất là nhẫn những khổ bức của phiền não, như chim kim sí[19] săn bắt kẻ địch, hàng phục rồng hung dữ; nhẫn là giáp trụ kiên cố chống ngăn những lời thô ác. Biết rõ như vậy, hiền trí, bằng mọi phương tiện, khoác áo giáp nhẫn tối thắng. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

18. Nếu khi người khoác khôi giáp nhẫn kiên cố, phước và trí của người tăng trưởng như trăng non. Tất cả oai nghi cử chỉ đều thành có nghĩa, bất cứ làm việc gì thảy đều thành tựu như ý muốn. Biết rõ như vậy, các vị Tối Thắng Tử hành đại tinh tấn. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

19. Tĩnh lự vận chuyển tâm như vua Chuyển luân. Khi an trụ thì bất động như núi chúa Tu-di; khi khởi phát, thì duyên đến mọi sở duyên thiện, tha tâm kham nhiệm khinh an. Biết rõ như vậy, du-già vương, thường tu định hàng phục tâm tán loạn. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

20. Trí tuệ là đôi mắt nhìn thấy sâu xa như tánh, là con đường dẫn đến chỗ cắt đứt gốc rễ của luân hồi.[20] Trí tuệ là kho tàng công đức tối thắng mà Phật xưng tán trong các Kinh, là đèn sáng bậc nhất quét sạch bóng tối vô minh. Biết rõ như vậy, hiền trí mong cầu giải thoát tinh tấn tu tập trí tuệ. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

[Song vận chỉ (śamatha) quán (vipaśyanā)]

21. Nếu chỉ tu Định tập trung (tâm nhất cảnh = chỉ) thì không cắt đứt rễ luân hồi. Nếu tu Quán (vipaśyanā), duy chỉ bằng trí tuệ quán sát, mà không Chỉ (samatha), cũng không thể đối trị phiền não. Nhưng nếu trí như thực mà cưỡi trên con ngựa Chỉ vững vàng không lắc lư, cầm thanh gươm Trung luận sắc bén, tiêu diệt mọi cực biên, bằng trí tuệ như lý quán sát rộng lớn tăng trưởng nhận chân như thực tánh, Ta, hành giả du- già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

22. Tu tập tâm nhất cảnh (tu Chỉ) không những sẽ dẫn đến tam-ma-địa (samādhi / định), mà còn do như lý tác ý cũng dẫn khởi tam-ma-địa kiên cố chân chánh quán sát như thực tánh. Vì vậy, bậc hiền trí hãy tu tập Chỉ Quán song vận thù thắng này. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo…

23. Khi tu tập thành tựu Chỉ Quán song vận, bấy giờ trí tuệ tăng trưởng do định mà quán sát Không tánh như hư không, rồi do (trí) hậu đắc (sau khi xuất định) mà quán sát tánh Không đồng huyễn sự. Như vậy mà phương tiện và trí tuệ (bi-trí) song vận được tán dương, viên mãn Bồ-tát hành. Biết rõ như vậy, trí giả không chỉ với một phần đạo phiến diện mà tự mãn. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo.

[Tất yếu Mật tục]

24. Tu tập cộng thông đạo như vậy tất yếu là hai tối thắng đạo của nhân thừa (tu các ba-la-mật) và quả thừa (tu mật tục)[21] và nương nhờ thuyền sư đại trí bảo vệ, Ta đã đi sâu vào đại dương Mật tục, và tu tập theo khẩu giáo viên mãn, không uổng phí có được thân người tròn đủ nhàn hạ và tương ưng. Ta, hành giả du-già, tu như vậy, ai muốn giải thoát nên hành theo.

The Abbreviated Points of the Graded Path, Toh. 5275 #59, dịch Anh T.A.

***

[1] Còn lại là giới, văn, thí, tàm, quý và tuệ.

[2] Xem WPT p.147.

[3] Xem *L.43 và 44 về các kế hoạch cố giết đức Phật của y.

[4] Phái Nyingmapa của Phật giáo Tây Tạng xem Liên Hoa Sanh (Padmasaṃbhava), bậc đạo sư sáng lập truyền thống của họ, là một ‘vị Phật thứ hai’.

[5] Xem *V.10.

[6] Sáu hành trì chính của bồ-tát: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ (xem *M.100-06 và *V.42-54). Lưu ý rằng lời thệ quy y này cũng bao gồm lời thệ Đại thừa về bồ-đề tâm (xem *V.37).

[7] Về điều này, xem ghi chú về ‘Tiểu thừa’ ở *V.13.

[8] Không rõ nguồn.

[9] Xem thêm về triết học Trung Quán (Madhyamaka) của Đại Thừa ở *M.138 và *V.75–6. 387 Xem *V.76.

[10] Mặc dù chư pháp là vô thường theo nghĩa tương đối, nhưng cứu cánh không tự tánh (xem *V.76), và do đó cũng không được xem là ‘vô thường’.

[11] Đoạn này trích dẫn từ Kāśyapa-parivarta Sūtra thuộc bộ Ārya- Ratnakūṭa sūtra (cf. Hán dịch, Đại Bảo Tích, hội 23 “Ma-ha Ca-diếp”).

Người thưa thỉnh là Mahā-kāśyapa, một trong những đại đệ tử của đức Phật được cho là đã kế thừa truyền thừa Đại thừa.

[12] Đây là quán sát tự tánh của tâm, mà không thể tìm thấy bất cứ đâu, trong hay ngoài thân. Nếu tâm không thể tìm thấy ở bất cứ đâu, thì nó không thể bị ô uế phiền não, vì vậy tự tánh của nó chính là Niết-bàn. Xem thêm cước chú tiếp theo.

[13] Đoạn không xác định này trích từ Ngài Atiśa, chỉ ra rằng tâm không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong quá khứ, hiện tại hay vị lai. Vì vậy, ngoài việc nó không có phần vị không gian, trong liên hệ thân (xem ở trên), nó cũng không thể tìm thấy bất cứ điểm nào trong thời gian. Vì hoàn toàn không định tướng, nên tự tánh của nó là Niết-bàn.

[14] Thân người khó được, cùng với viên mãn nhàn hạ (Hán gọi là bát nan/ nạn) là những trường hợp tái sanh thuận tiện để tu tập Phật đạo, và viên mãn tương ưng là điều kiện thuận duyên để tu tập (xem *V.14).

[15] Hai trong số năm giai đoạn tu chứng của Đại Thừa, đó là: tư lương đạo

(chuẩn bị hành trang), gia hành đạo (khởi sự thực hành), kiến đạo (hiện quán thánh đế), tu tập đạo (trong mười địa bồ-tát), và vô học đạo (thành tựu Chánh giác). Xem chú thích ở v.59 của *V.10.

[16] Đạo thứ ba trong năm đạo. Trong Đại thừa, nó cũng là điểm bước vào bậc (thánh) Bồ-tát đầu tiên.

[17] Có ba giai đoạn ngắn hơn xuất hiện vào cuối mỗi ‘trung kiếp’ (khoảng 16,798,000 năm theo Abhidharmakośa), trong khoảng thời gian đó thế giới tồn tại trước khi hoại diệt (xem *Th.63) – thời kỳ nạn đói (cơ cẩn), thời kỳ dịch bệnh (ôn dịch), và thời kỳ xung đột (đấu tranh).

[18] Tức là nói, họ có thể đạt được những gì dẫn đến thành tựu, tức là tiến bộ trong tu đạo.

[19] Garuḍa, chim cánh vàng, loài chim huyền thoại được cho là ăn thịt loài rồng (rắn thần).

[20] Dòng lưu chuyển sanh tử.

[21] Các ba-la-mật được tu tập là nhân của bồ-đề, nhưng mật tục đạo hoạt động bằng cách vận dụng lực của bồ-đề ngộ làm đạo tối thắng để đạt đến quả của bồ-đề.