LỜI PHẬT DẠY

THAM ÁI
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

THAM ÁI
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

 

1- KHÔNG BAO GIỜ THỎA MÃN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, hưởng thọ ba sự ở đời, không bao giờ thỏa mãn. Thế nào là ba?

Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ rượu men rượu nấu, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ khoái lạc ân ái nam nữ, này các Tỷ kheo, không bao giờ thỏa mãn.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, Chương 3, phẩm Chánh giác, phần Không thỏa mãn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.473)

LỜI BÀN:

Trừ các bậc Bồ tát vì bi nguyện tái sinh, còn lại hết thảy chúng ta sinh ra trong cõi Dục với gốc rễ nghiệp duyên tham ái. Do đó, ái dục là bản chất của con người và sự khát ái trở nên vô cùng tận. Người ta nói “lòng tham vô đáy” vì lòng tham cùng với sự hưởng thọ các món dục ở đời dường như không bao giờ thỏa mãn.

Sự hưởng dục ví như người bị trôi giạt giữa biển khơi khát nước, càng uống nước biển vào lại càng khát, hay giống như người bị bệnh phong cùi ngồi bên bếp lửa cào cấu vết thương, càng đã ngứa thì vết thương càng lở loét ra thêm. Trong các thú vui ở đời, theo tuệ giác Thế Tôn thì ngủ nghỉ, sử dụng các chất gây nghiện (rượu, ma túy…) và hoan lạc ân ái nam nữ là không bao giờ thỏa mãn. Như lúc no say, nhu cầu ăn uống tạm ngưng nhưng rồi không lâu sau con người lại cần ăn uống và điệp khúc này diễn tiến đến hết đời.

Thực ra, “sự hưởng thọ không bao giờ thỏa mãn” ấy là một trong những nhu cầu sống chính đáng của con người. Vấn đề là phải nhận thức rõ ràng về việc ta không bao giờ thỏa mãn với những gì hiện có và nhu cầu hưởng thụ ấy không có điểm dừng để chuyển hóa tham ái của tự thân. Mặt khác, nghĩ rằng thỏa mãn các tham muốn là hạnh phúc thì không bao giờ tìm ra hạnh phúc đích thực vì nhu cầu được thỏa mãn vốn đa dạng và vô cùng.

Do nhận thức được vấn đề nên người con Phật thiết lập muốn ít và biết đủ đồng thời làm sung mãn và an tịnh nội tâm bằng thiền định. Lộ trình chuyển hóa tâm từ bớt tham đến ly tham được xây dựng trên nền tảng tuệ giác chứ không phải khổ hạnh hay chịu đựng. Phải thấy được sai lầm trong quan niệm thỏa mãn các nhu cầu tham ái là hạnh phúc để không chạy theo, không tìm cầu hạnh phúc bên ngoài. Hạnh phúc đích thực khi tâm đạt đến trạng thái thanh tịnh, không còn tham ái và chấp thủ.

 

2- CON VƯỢN VÀ CHIẾC BẪY

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, Ngài nói với các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, tại núi chúa Tuyết sơn, có khoảnh đất bằng phẳng, khả ái, có các loài vượn và loài người qua lại. Tại đấy, những người thợ săn đặt các bẫy nhựa trên đường để bắt những con vượn.

Ở đây, này các Tỷ kheo, những con vượn nào tánh không ngu si, không tham ăn, thấy bẫy nhựa liền tránh xa. Còn con vượn nào ngu si, tham ăn, thấy bẫy nhựa ấy, thò tay nắm lấy và bị dính vào đấy. “Ta sẽ gỡ bàn tay ra”, nó thò bàn tay khác vào liền bị dính. “Ta sẽ gỡ hai tay ra”, nó giơ chân nắm lấy và bị dính. “Ta sẽ gỡ hai tay và bàn chân ra”, nó đưa chân khác vào và bị dính. “Ta sẽ gỡ cả hai tay và hai chân ra”, nó dùng miệng ngậm vào và bị dính luôn ở đấy.

Như vậy, này các Tỷ kheo, con vượn bị dính năm chỗ, nằm rên la, rơi vào bất hạnh. Người thợ săn đâm chết nó và nướng nó trên đống củi.

Cung vậy, này các Tỷ kheo, nếu đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác là sắc, thanh, hương, vị và xúc khả lạc, khả ý, hấp dẫn… Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ bắt được đối tượng…

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Con vượn [lược], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.230)

LỜI BÀN:

Sống ở trên đời, ai mà không thích được sở hữu năm món dục lạc. Sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt và xúc chạm êm ái luôn là mục tiêu tìm kiếm nhằm chiếm hữu của con người. Miệt mài chạy theo ngũ dục, không bao giờ biết dừng lại đã dẫn không ít người đến bi kịch bị trói buộc, bị dính mắc và trở thành nô lệ của ngũ dục mà không tự biết.

Ngũ dục rất hấp dẫn đồng thời cũng rất nguy hiểm, luôn rình rập như những chiếc bẫy. Cạm bẫy ngũ dục rất êm ái, được thiết kế bằng một chất keo siêu dính, một khi đã vướng vào thì con mồi càng vùng vẫy lại càng bị dính chặt. Chết trong ngũ dục là chết ngộp, tuy không đau đớn thậm chí còn ngọt ngào, ngũ dục trói chặt và nhận chìm con mồi cho đến chết.

Như con vượn ngu si và tham ăn kia khi đã dính vào bẫy nhựa, càng xoay xở để thoát ra thì lại càng bị dính chặt hơn. Điều đáng lưu ý ở đây là khi đã dính vào một chi ắt dính luôn các chi còn lại. Con vượn bị dính vào năm chỗ, tứ chi và miệng, để rồi nằm rên la và kết quả phải đến là bị người thợ săn đâm chết rồi nướng cháy trên ngọn lửa.

Cũng vậy, ác ma luôn giăng bẫy ngũ dục để chờ đón những Tỷ kheo. Trong xã hội phát triển, ngũ dục thịnh hành và tất nhiên sự thành công của ác ma không phải là ít. Như những con vượn khôn ngoan kia không đi vào vùng có giăng bẫy, nếu phải đi vào vùng có bẫy thì cảnh giác, tránh xa. Người sơ tâm học Phật không nên đi vào ngũ dục, chỗ không phải hành xứ của mình. Không những thế mà đi đúng vào hành xứ của Tỷ kheo tức thực hành Tứ niệm xứ, được vậy, ác ma sẽ không còn cơ hội, không thể nào nắm bắt.

 

3- CỌ CÂY LẤY LỬA

Một thời, Thế Tôn ở tại Vesali, rừng Đại Lâm, tại Trùng Các giảng đường. Rồi Aggivessana đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi chào hỏi, chúc tụng và ngồi xuống một bên. Thế Tôn giảng cho ông về cách cọ cây lấy lửa.

Này Aggivessana, ví như có một khúc cây ướt đẫm, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra. Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây ướt đẫm, đầy nhựa sống và đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

Thưa không, Tôn giả Gotama.

Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn hay Bà la môn sống không xả ly các dục về thân như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục nhiệt não và nội tâm chưa được khéo đoạn trừ thì các vị ấy không thể chứng được Vô thượng Chánh giác.

Này Aggivessana, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra. Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

Thưa được, Tôn giả Gotama.

Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn hay Bà la môn sống xả ly các dục về thân như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục nhiệt não và nội tâm được khéo đoạn trừ thì các vị ấy có thể chứng được Vô thượng Chánh giác.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, Đại kinh Saccaka [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.528)

LỜI BÀN:

Tu tập là một lộ trình dài, muốn thành tựu giác ngộ phải từng bước dọn dẹp thân tâm, đoạn trừ phiền não. Nếu không nỗ lực làm đoạn giảm tham ái thì quả vị giải thoát vẫn còn xa vời như sự vô vọng của người cọ cây lấy lửa với một khúc cây ướt đẫm, tràn đầy nhựa sống.

Một trong những nguyên lý cơ bản của Niết bàn là xa lìa và đoạn tận tham dục, luyến ái. Như nước với lửa không thể cùng song song tồn tại; cũng vậy, Niết bàn và ái dục không thể dung hợp lẫn nhau. Vì thế mà Niết bàn có một nghĩa là ái diệt.

Chuẩn bị cho quả vị Vô thượng Chánh giác, làm bừng sáng trí tuệ Bát nhã thì tự thân tâm của mỗi hành giả phải xả ly tham ái. Ngọn lửa trí tuệ sẽ bùng cháy khi thân tâm thực sự khô kiệt phiền não. Như cọ xát cành cây khô với dụng cụ làm lửa mới hy vọng có hơi nóng bốc lên và phát hoa.

Để tạo ra lửa không những cần phải có cành cây khô và dụng cụ làm lửa mà đòi hỏi phải có một sự kiên trì, bền bỉ và liên tục. Lửa không thể phát sinh nếu quá trình cọ cây bị gián đoạn, nếu dừng lại thì cành cây sẽ nguội đi và để có lửa ắt phải cọ xát lại từ đầu. Cũng vậy, trong quá trình đoạn tận tham ái, tinh tấn là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Lửa vốn sẵn trong cây, chỉ cần làm cho cây khô và kiên trì cọ xát với dụng cụ lam lửa, chắc chắn sẽ có lửa. Giác ngộ vốn ẩn tàng trong chúng sinh dẫu đầy dẫy tham dục. Vì thế, tinh tấn và ly tham là điều tối cần cho những người con Phật hướng đến Vô thượng Chánh giác.

 

4- VÔ LƯỢNG KIẾP LUÂN HỒI

Mot thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi có nhiều Tỷ kheo đi đến, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Có bao nhiêu kiếp, bạch Thế Tôn, đã đi qua, đã vượt qua?

Rất nhiều, này các Tỷ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có bốn vị đệ tử, sống đến một trăm năm. Cứ mỗi ngày họ nhớ đến trăm ngàn kiếp, này các Tỷ kheo, các kiếp được họ nhớ đến là vậy.

Nhiều như vậy, này các Tỷ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ kheo, là vưa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 4, phẩm 1, phần Các đệ tử, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.317)

LỜI BÀN:

Trừ các bậc Thánh A la hán, không một ai có thể biết được chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu trong cuộc tử sinh bất tận, vô thỉ và vô chung này. Thế giới vô biên, những chúng sinh sống trong các thế giới vô số lượng và sự sinh tử luân hồi của họ cũng vô cùng.

Luân hồi là hình ảnh bánh xe quay tròn, quay mãi không dừng.

Sự trôi lăn tử sinh lên xuống của chúng sinh trong sáu nẻo trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục cũng như vậy. Chính nghiệp hoặc thiện hoặc ác do mỗi chúng sinh gây tạo trong quá khứ và hiện tại là động lực thúc đẩy tiến trình tái sinh. Trong đó, tham ái là tác nhân quan trọng, chính yếu nhất của chu trình luân hồi sinh tử.

Có thể nói, tham ái là dấu hiệu nổi bật nhất để một cá nhân tự nhận biết mình đang còn bị kềm tỏa bởi luân hồi. Nói cách khác, còn tham ái là còn luân hồi, chưa thể giải thoát được. Mà ai trong chúng ta là người đã hết sạch tham ái? Bớt đi hoặc ít lại những tâm tham, niệm ái trong cuộc sống là đã quý lắm rồi. Vậy nên dòng luân hồi tự muôn đời vẫn luôn nhộn nhịp, đông vui.

Dù vậy, bánh xe quay nếu hết trớn cũng dừng, ngọn đèn cháy hết dầu phải tắt, vòng luân hồi vô tận kia nếu diệt hết tham ái cũng phải vỡ tan. Giới, định và tuệ chính là những chất liệu làm xói mòn tham ái, tan chảy cơ chế tái sinh. Vì thế, để chấm dứt luân hồi, mỗi người con Phật phải tự nỗ lực đoạn trừ tham ái bằng cách thành tựu Tam vô lậu học.

 

5- NHƯ CÁ MẮC CÂU

Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại vườn xoài Jivaka, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ví như một người câu cá trong hồ nước sâu, quăng xuống nước một lưỡi câu có mắc mồi. Một con cá đớp mồi, nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, con cá ấy vì nuốt lưỡi câu nên đi đến bất hạnh, đi đến ách nạn, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có sáu lưỡi câu trong đời, đưa đến bất hạnh cho loài hữu tình, đưa đến tai hại cho các loài chúng sinh. Thế nào là sáu?

Này các Tỷ kheo, có những sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ái, hấp dẫn, liên hệ đến dục. Nếu hoan hỷ, tán dương, tham luyến và an trú vào sắc ấy, thì này các Tỷ kheo, được gọi là nuốt lưỡi câu của ác ma, đã đi đến bất hạnh, đã đi đến ách nạn, đã bị ác ma muốn làm gì thì làm.

Này các Tỷ kheo, có những tiếng do tai nhận thức… Có những hương do mũi nhận thức… Có những vị do lưỡi nhận thức… Có những xúc do thân nhận thức… Có những pháp do ý nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ái, hấp dẫn, liên hệ đến dục. Nếu hoan hỷ, tán dương, tham luyến và an trú vào pháp ấy, thì này các Tỷ kheo, được gọi là nuốt lưỡi câu của ác ma, đã đi đến bất hạnh, đã đi đến ách nạn, đã bị ác ma muốn làm gì thì làm.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Biển, phần Người câu cá [trích], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.264)

LỜI BÀN:

Các giác quan của con người là những công cụ để nhận thức thế giới khách quan và cả chiều sâu nội tại trong tâm thức của từng chủ thể. Những giác quan ấy, kinh Phật gọi là “căn” và phòng hộ, thu thúc sáu căn là một trong những pháp tu cực kỳ quan trọng trong Phật giáo. Có thể nói, từ nơi sáu căn này mà mỗi người tự xây dựng cho mình một thế giới an vui tịnh lạc của giải thoát Niết bàn hay ngược lại là cảnh giới khổ đau, đọa lạc.

Khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng của nó, như mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi mùi thơm… thì tâm tham ái khởi lên và mong ước sở hữu hình thành. Và cũng từ đây, con người phải cố gắng bằng mọi cách để truy tìm, chinh phục nhằm thỏa mãn khát vọng chiếm hữu. Thế Tôn gọi hành vi này là nuốt phải lưỡi câu có gắn mồi dục vọng của ác ma và bị ác ma muốn làm gì thì làm.

Đành rằng, phấn đấu để xây dựng cuộc sống hoàn thiện, đầy đủ, sung túc là tiêu chí chung của nhân loại. Nhưng vì lòng tham không bao giờ thỏa mãn nên cuộc đời mãi là cuộc hành trình hướng về, hướng đến… trong chi phối của tham dục và vô minh mà thôi.

Trong thực tế, chúng ta khổ đau không phải vì thiếu thốn mà vì mong ước quá nhiều, tham vọng quá lớn. Do vậy, giữ tâm chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần để không bị lôi kéo, không chạy theo, không đánh mất mình là tránh được lưỡi câu của ác ma. Sống trong trần thế mà chẳng nhiễm bụi trần chính là nhờ sự tu tập giữ gìn, phòng hộ sáu căn này.

 

6- TRÚNG TÊN ĐỘC

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…

Như thế nào, này các Tỷ kheo, bị mũi tên độc bắn trúng (được ví như) một người hữu học với tâm trí nhiệt thanh khi bị các lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến.

Mũi tên, này các Tỷ kheo, chỉ cho các lợi đắc, cung kính, danh vọng.

Này các Tỷ kheo, như vậy khổ lụy là các lợi đắc, cung kính, danh vọng.

Như vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phần Trúng độc, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.396)

LỜI BÀN:

Lợi lộc, danh tiếng và những sự trọng vọng ở đời là điều mà hết thảy mọi người đều mong ước và gắng sức phấn đấu để thành tựu. Cuộc đua chen trong trường danh lợi này với muôn ngàn sắc màu được mất và vô số cung bậc buồn vui chính là diện mạo sống động nhất của bức tranh đời. Và cũng chính vì mải chạy theo danh lợi với lòng tham vô tận nên không ít người bị thân bại danh liệt, chịu lao lý tù đày và thậm chí có thể mất mạng.

Đối với người xuất gia, danh lợi và cung kính cũng theo thời gian sẽ tìm đến họ vì đó là hoa trái của phước báo hữu lậu. Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn, bậc hành giả phải xem đó là những mũi tên độc để né tránh và đề phòng. Càng ít thọ nhận và vướng mắc vào danh lợi bao nhiêu thì càng an ổn và vững tiến trên đường đạo bấy nhiêu. Như cây lớn có nhiều chim chóc tìm về làm tổ, sớm tối ca hát véo von thì sớm muộn gì cũng không tránh khỏi việc gãy cành, trụi lá. Cũng vậy, những đoanh vây của danh lợi và cung kính sẽ góp phần làm lệch hướng mục tiêu giải thoát đối với những ai chưa thiết lập được tâm Bồ đề. Vì thế, quán chiếu về danh lợi như mũi tên độc để giữ tâm và lập chí vững chắc là điều cần yếu đối với hàng sơ tâm.

Dẫu biết vậy nhưng chúng ta có đủ tuệ giac để nhận ra đó là những mũi tên độc và can đảm né tránh và khước từ chúng hay không mới là vấn đề. Không ít người ngày nay xem việc thành tựu về phước báo hữu lậu là thành công trong sự nghiệp xuất gia. Điều này chỉ đúng một phần trên phương diện phương tiện hoằng hóa nhưng bám víu vào phương tiện thì chỉ ở “hóa thành”, trong khi mục tiêu hay cứu cánh của người xuất gia là phạm hạnh, giải thoát và Niết bàn.

 

7- BỊ TRÚNG LAO

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, danh vọng, cung kính, là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

Này các Tỷ kheo, thuở xưa, trong một ho nước có những con rùa sinh sống. Rồi một con rùa nói với con rùa khác: Chớ có đi đến chỗ ấy. Con rùa kia không nghe lời đi đến chỗ ấy liền bị người thợ săn phóng trúng nó một cây lao có sợi dây.

Khi thấy con rùa kia đi đến, con rùa này hỏi: Này bạn, bạn có bị thương, bị bắn trúng không?

Không, tôi không bị thương, không bị bắn trúng nhưng có ngọn lao và sợi dây dính theo lưng tôi.

Này bạn, bạn bị thương thật rồi. Bạn bị bắn trúng thật roi. Chính vì những vật này của người thợ săn mà cha ông của bạn rơi vào bất hạnh, rơi vào tai họa.

Này các Tỷ kheo, người thợ săn chỉ cho ác ma. Cái lao chỉ cho lợi đắc, danh vọng và cung kính. Sợi dây chỉ cho hỷ tham.

Tỷ kheo nào, đối với lợi đắc, danh vọng, cung kính mà thọ hưởng và luyến ái thì vị ấy đã bị lao đâm trúng, đã rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Con rùa [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.391)

LỜI BÀN:

Lợi danh là một trong những món dục hấp dẫn ở đời. Khi chưa đoạn trừ tâm tham thì tất nhiên chúng ta vẫn bị cuốn theo ngũ dục. Vấn đề là mỗi người có nhận ra điều ấy để tự thúc liễm, chỉnh đốn thân tâm của mình trước cơn lốc tham dục hay không?

Chuyện con rùa bị người thợ săn phóng lao cắm chặt trên lưng cùng với sợi dây mà không tự biết mình đang bị nạn, sắp rơi vào tai họa cho ta nhiều suy ngẫm. Phải chăng đâu đó trên thân tâm mình cũng đang dính chặt một ngọn lao danh lợi? Nhưng chắc là không, vì chẳng thấy đau đớn hay thống khổ gì cả! Cũng như chú rùa kia nhờ chiếc mai dày nên dù trúng lao nhưng không có cảm giác đau, và đây mới là vấn đề.

Làm được những điều tốt, các việc thiện hay những Phật sự nói chung vốn thật quý hóa. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng từ tâm, phụng sự chúng sinh lâu dài trong tinh thần vô ngã vị tha, quả chẳng dễ dàng. Sự thành công lắm khi trở thành phù sa màu mỡ cho cái tôi nảy mầm, bén rễ. Một khi cái tôi có mặt thì tham ái và chấp thủ bắt đầu trỗi dậy, ngọn lao và sợi dây xuất hiện, khả năng lọt vào vòng kềm tỏa của ác ma có thể xảy ra.

Do đó, thường xuyên cảnh giác với danh lợi và cung kính, tỉnh táo trước vị ngọt của dục để tránh những ngọn lao luôn nhắm vào chúng ta. Người thợ săn dễ dàng khống chế, bắt làm thịt con rùa đã trúng lao. Cũng vậy, chúng ta cũng dễ dàng bị ác ma điều khiển, thao túng, dẫn dắt khi móng tâm thọ hưởng và luyến ái lợi danh.

 

8- BỊ TRÓI

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala. Rồi một số đông các Tỷ kheo vào thành khất thực, sau khi thọ thực họ trở về, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, trên đường khất thực, chúng con thấy vua Pasenadi nước Kosala bắt trói một số người; một số bị trói bằng dây, một số bị trói bằng kềm kẹp.

Rồi Thế Tôn sau khi biết sự việc, liền nói lên bài kệ: Bậc có trí nói rằng/Trói vậy không vững chắc/Trói bằng sắt, dây gai/Kềm kẹp bằng gỗ mộc/Đam mê các dục lạc/ Với châu báu và trang sức/Và tâm tư tưởng vọng/Hướng về con về vợ/Bậc có trí nói rằng/Trói vậy thật vững chắc.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Triền phược [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.177)

LỜI BÀN:

Các Tỷ kheo trẻ trong Tăng đoàn ngày xưa cũng quan tâm đến chuyện thời sự. Giống như các Tỷ kheo thời nay thường hay đọc báo, xem truyền hình để biết thêm diễn biến của cuộc sống hàng ngày. Vấn đề là qua những điều mắt thấy tai nghe ấy, chúng ta có vận dụng tư duy, thiền quán để có được sự tuệ tri về sự thật của cuộc đời mà tinh tấn tu tập hay không?

Nếu có chánh tư duy thì tất cả những gì xảy ra chung quanh ta đều là những đề mục thiền quán hữu ích. Một nhóm tội phạm bị trói, giải đi trên đường phố, tất nhiên sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Người hay buôn chuyện thì chỉ ghi nhận thông tin và hình ảnh rồi kể lại cho người khac. Người tu thì lại khác, hình ảnh đó giúp ta liên hệ đến nhân quả hiện tiền. Những phạm nhân kia, ắt trước đó đó làm điều gì xấu ác; trộm cướp, giết chóc, buôn lậu…, gieo nhân ác tất phải gặt quả báo.

Với Thế Tôn, hình ảnh nhóm phạm nhân bị trói được tư duy theo một tầm cao mới, trói vậy chưa vững chắc. Vì sao? Xiềng xích và gông cùm chỉ là giải pháp cho vấn đề thuộc về quả, trong khi nhân của vấn đề lại bỏ ngỏ. “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Do đó, phải hoàn thiện con người bắt đầu từ nhân, ngăn chặn điều ác khi chưa xảy ra thậm chí ngay từ trong tâm tưởng.

Mặt khác, theo tuệ giác Thế Tôn, không chỉ các phạm nhân mới bị trói, bị giải đi mà tất cả mọi người đều đang bị trói, bị dẫn dắt bởi tham vọng và vô minh. Và sự trói buộc này còn vững chắc hơn cả gông cùm và xiềng xích. Ai thành tựu được tuệ giác này mới có khả năng tháo gỡ cho chính mình.

Vui vẻ, hoan hỷ và tự nguyện được trói buộc theo dục vọng, lợi danh… mà không tự biết còn nguy hại, giam hãm con người hơn cả ngục tù. Vì vậy, người con Phật cần quán chiếu, sớm nhận ra dây trói tham vọng và vô minh để cắt đứt, tự giải thoát cho chính mình.

 

9- CẢNH GIÁC VỚI LỢI DƯỠNG, CUNG KÍNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Lúc bấy giờ, hoàng tử Àjàtasattu (A Xà Thế), sáng chiều đi đến hầu Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) với năm trăm cỗ xe và cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn.

Rồi một số đông Tỷ kheo đi đến bạch Thế Tôn về chuyện ấy. Thế Tôn dạy:

Này các Tỷ kheo, chớ có thèm lợi đắc, cung kính và danh vọng của Devadatta. Ví như, này các Tỷ kheo, nếu đem bóp lá gan trước mũi con chó dữ thì con chó càng dữ dội bội phần. Cũng vậy, chừng nào hoàng tử Àjàtasattu sáng chiều còn đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe và cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn, thời này các Tỷ kheo, đối với Devadatta, chỉ có chờ đợi sự tổn giảm trong thiện pháp, không có sự tăng trưởng.

Như vậy, khổ lụy là lợi đắc, cung kính và danh vọng… các ông cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 4, phần Xe [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.421)

LỜI BÀN:

Người tu hành đức độ, uy tín càng cao thì tín đồ nương tựa càng nhiều, cung phụng càng hậu. Tuy hình thức có thọ nhận nhưng đối với bậc chân tu, tâm luôn hỷ xả, chủ yếu là làm ruộng phước cho chúng sinh. Còn đối với người mới tu, hoặc tu lâu mà chưa chứng thì đối với lợi dưỡng chỉ cần vừa đủ và phải dè chừng, vì đó là “nợ”.

Ngoài ra, người tu cần tỉnh táo để khỏi mất mình bởi thiên hạ có thể “mua” đứt chúng ta bằng hình thức cúng dường, trọng vọng. Chuyện vương tử Àjàtasattu vờ vĩnh cung kính, trọng vọng Tỷ kheo Devadatta thời Thế Tôn tại thế là một điển hình. Àjàtasattu âm mưu soán đoạt ngai vàng nên cấu kết, tranh thủ sự ủng hộ của Devadatta bằng cách cúng dường hậu hĩ. Và Devadatta với tham vọng làm giáo chủ nên “liên minh ma quỷ” giữa họ càng thắm thiết hơn.

Những tân Tỷ kheo chưa có tuệ nhãn nhìn Devadatta áo mão xênh xang, lên xe xuống ngựa, thường hội đàm với vua quan thì xuýt xoa, ngưỡng vọng. Vì vậy, Thế Tôn đã kịp thời cảnh tỉnh hiện tượng Devadatta là khổ lụy, là sự tổn giảm trong thiện pháp, một sự lệch hướng tu tập trầm trọng, cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Thì ra, có những sự cúng dường đúng pháp và phi pháp. Đối với sự cúng dường đúng pháp, người tu còn phải tự lượng sức mình “muốn ít và biết đủ” để chuyển hóa tham lam, nói chi đến cúng dường phi pháp. Nợ của đàn na tín thí, người tu có thể trả được bằng sự tu hành của chính mình nhưng nợ của những âm mưu và tham vọng thế tục thì chẳng những không trả nổi mà còn gánh chịu hậu quả mất mạng, vong thân.

 

10- NGUY HIỂM CỦA ĐAM MÊ RƯỢU CHÈ

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.

Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:

Này gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, tổn thương danh dự, để lộ âm tàng và trí lực tổn hại.

Này gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm như vậy.

(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.533)

LỜI BÀN:

“Miếng trầu là đầu câu chuyện” hay “Vô tửu bất thành lễ” là tập tục, truyền thống lâu đời của người Việt. Vì vậy, trong những dịp ăn mừng, tiệc tùng, nhất là những ngày đầu xuân thì ly trà, chén rượu được nhiều người xem là “đầu câu chuyện”.

Người Phật tử, dĩ nhiên không dùng rượu (trừ thuốc ngâm rượu để chữa bệnh), còn những người khác uống chút tí nhằm giao hảo thì cũng chẳng sao. Tuy vậy, không phải ai cũng tự làm chủ, biết dừng lại mà phần lớn vì vui vẻ nên quên, rồi quá chén.

Hiện nay, nát rượu có thể xem như một tệ nạn xã hội. Trong các tai nạn, nhất là tai nạn giao thông thì đa phần do say rượu gây ra, làm tổn thất, thiệt hại không ít về người và của. Rồi rượu vào thì lời ra, nhẹ thì làm mất lòng nhau, nặng thì gây gổ, đánh nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội. Uống say đến bí tỉ có thể dẫn đến tử vong vì ngộ độc, trúng gió. Ngoài ra uống nhiều rượu co thể sẽ bị xơ gan, một trong những bệnh khó trị hiện nay. Khi say, không làm chủ được mình nên có thể nói năng, hành động ngớ ngẩn, có thể dẫn đến mất hết nhân cách, danh dự. Chuyện người say đến độ vứt bỏ cả y phục, làm trò cười cho thiên hạ, đến khi tỉnh lại dở khóc dở cười cũng không phải là chuyện lạ. Sau cơn say khướt thì thân thể mệt mỏi, tay chân rã rời, đầu óc đờ đẫn, tâm trí không còn minh mẫn. Đó là những nguy hiểm do uống quá nhiều rượu gây ra.

Vì say rượu có sáu nguy hiểm như thế nên Thế Tôn luôn khuyến khích hàng Phật tử từ bỏ. Người con Phật phát nguyện không uống rượu, không sản xuất, không mời mọc, không ca ngợi việc uống rượu. Cố nhiên, rượu vẫn phổ biến trong đời sống xã hội, vấn đề là cần nhận thức rõ ràng tất cả những nguy hiểm của nó nhằm tự chế ngự khi dùng và phấn đấu để đạt đến chấm dứt, đoạn tuyệt với say sưa.

 

11- VƯỚNG MẮC NGŨ DỤC

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính và danh vọng…

Này các Tỷ kheo, ví như có một con dê cái, lông dài, đi vào một khóm cây gai góc. Chỗ này, chỗ kia nó bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia nó bị vướng mắc vào; chỗ này, chỗ kia nó bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia nó bị rơi vào bất hạnh, tai họa.

Cũng như vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm vị ấy bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, mang bát đi vào làng khất thực. Chỗ này, chỗ kia vị ấy bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị vướng mắc vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị rơi vào bất hạnh, tai họa.

Như vậy, này các Tỷ kheo, dính mắc vào lợi đắc, cung kính và danh vọng là khổ lụy, các ông cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Long dài, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.393)

LỜI BÀN:

Một người khi mới phát tâm tu thường nhủ lòng, thệ nguyện phải “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Cái sơ tâm đẹp đẽ và cao thượng lắm, nếu giữ được tấm lòng son ấy, chắc chắn con đường thành Phật, Bồ tát tuy không gần nhưng cũng chẳng xa.

Ấy thế mà một vài người trong chúng ta thì “nhất niên Phật hiện tiền” rồi “nhị niên Phật thăng thiên”. Tấc lòng son tuy lóe sáng nhưng không phải ai cũng vững vàng trước bão tố cám dỗ của cuộc đời. Có kẻ đèn lòng vụt tắt, có người sơ tâm leo lét chập chờn, vì vậy mà không đủ sáng suốt để soi đường cho cả chính mình (nói gì soi sáng cho người), đến nỗi phải vấp ngang té dọc, nếm đủ trần ai.

Như con dê lông dài chui vào bụi gai, càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt, người tu chẳng may vướng vào danh lợi và cung kính lại càng khó thoát ra. Đành rằng, tu tập sẽ đem đến phước báo, tuy hướng về Không nhưng có vẫn đủ đầy. Song, ngũ dục có sức mê hoặc kỳ lạ, làm cho một vài người mụ mị bỏ Không để chạy theo, nắm giữ cái có để rồi hoàn không, mất trắng, rơi vào khổ lụy.

Hẳn nhiên, đi trong hồng trần làm sao không dính bụi trần, người tu sống trong cõi dục khi chưa thực sự vững chãi, giải thoát thì ít nhiều cũng bị dục nhiễm xâm chiếm. Vấn đề là phải thấy được sự nguy hiểm của nó. Con kiến chết trong chén mật là chết chìm, chết ngộp chứ không hề chết đói. Người tu mà không biết mình chỉ là “kẻ ăn xin” (khất sĩ), chạy theo hoặc tự mãn với danh lợi và cung kính thì chắc chắn không ngộp cũng chìm. Do vậy, cần phải thấy rõ ngũ dục là khổ lụy để sợ hãi, tránh xa, quyết không vướng mắc, mới mong thành tựu đạo nghiệp.

 

12- CHÚNG SINH

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rồi Tôn giả Ràdha đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

“Chúng sinh, chúng sinh”, bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào được gọi la chúng sinh?

Này Ràdha, dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, thọ tưởng, hành và thức triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, gọi là chúng sinh.

Ví như, này Ràdha, những đứa trẻ chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với căn nhà bằng đất ấy lòng tham, ái, dục chưa thoát ly thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa và đắm trước những căn nhà bằng đất ấy.

Nhưng khi nào những đứa trẻ ấy đối với những căn nhà bằng đất kia, lòng tham, ái, dục đã thoát ly, thời với tay và chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.

Cũng vậy, này Ràdha, ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với sắc, thọ, tưởng, hành và thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Đoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết bàn.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 2, phẩm 1, phần Chúng sinh, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.331)

LỜI BÀN:

Thế giới của chúng ta đang sống thuộc cõi dục. Dựa trên nền tảng ái dục mà con người có mặt ở đời. Tất cả những biểu hiện về tư duy, ngôn ngữ và hành động của con người luôn gắn liền với tham ái, vì thế chúng ta được gọi là chúng sinh.

Có mặt ở đời từ căn nguyên ái dục nên con người ai cũng tham dục. Khát ái, tham vọng của con người vốn vô tận, không có điểm dừng. Tuy vậy, tham ái thân này mới thực sự sâu day, nặng nề nhất. Tất cả những việc làm của con người đều không ngoài mục đích phục vụ cho cái tôi, bị trói buộc triền miên với tự ngã, do đó gọi là chúng sinh.

Theo tuệ giác Thế Tôn, chúng sinh luyến ái tự ngã cũng giống như trẻ con nghịch đất, yêu thích những ngôi nhà bằng đất do chúng đắp nên. Lũ trẻ đâu biết rằng cái thiên đường bằng đất thân yêu ấy thật mong manh, dễ vỡ. Cũng vậy, thân tâm này là của tôi, là nhất, là bất khả xâm phạm… nhưng sự thật thì thân tâm này có đó rồi không đó, sinh già bệnh chết chi phối mãnh liệt mà chẳng ai có thể làm gì khác được.

Khi nào nhận chân được cái tự ngã mà ta thương yêu nhất chỉ là một hợp thể năm uẩn, vốn duyên sinh và hoàn toàn vô ngã, lúc đó con người có khả năng làm suy giảm, đoạn tận tham ái và chấp thủ. Như lũ trẻ kia, nhàm chán ngôi nhà bằng đất, không còn yêu thích nữa thì tự tay chúng đập phá. Cũng vậy, thiền quán và tuệ tri về sự thật duyên khởi của năm uẩn là phương cách hữu hiệu để diệt trừ khát ái. Chấm dứt tham ái, không còn bị trói buộc với tự ngã, đó chính là giải thoát, Niết bàn.

 

13- ĐƯỢC VÀ MẤT

Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, danh vọng và cung kính…

Các ông có nghe chăng lúc trời gần sáng, có con dã can tru lớn tiếng?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Này các Tỷ kheo, đó là tiếng con dã can già, mắc bệnh ghẻ lở, không thoải mái khi ở chỗ hoang vắng, khi ở dưới gốc cây, lúc nó đi đứng ngồi nằm, tại các chỗ ấy nó cảm thấy tai họa, bất hạnh.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây, Tỷ kheo nào bị lợi đắc, cung kính và danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm thì vị ấy không thoải mái khi ở chỗ hoang vắng, khi ở dưới gốc cây, lúc đi đứng ngồi nằm, tại các chỗ ấy vị ấy cảm thấy tai họa, bất hạnh.

Như vậy, này các Tỷ kheo, khổ lụy là lợi đắc, danh vọng và cung kính…

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Con dã can, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.397)

LỜI BÀN:

Một phần của sự thành công trong cuộc sống chính là thành tựu tiền tài, danh vọng và được mọi người kính trọng. Đây cũng chính là mục tiêu phấn đấu của mọi người, luôn mong mỏi và vươn tới một tương lai tươi đẹp hơn. Để đạt được điều đó, con người phải phấn đấu thật nhiều nếu muốn đi lên bằng con đường lương thiện, chân chánh.

Riêng đối với những người phát nguyện ly tục, tìm cầu giải thoát

thì sự thành tựu về lợi dưỡng, cung kính và danh vọng nếu có cũng chỉ là phương tiện để hành đạo, chẳng có gì để lưu tâm, vướng bận vì cứu cánh của họ là giải thoát sinh tử. Tuy vậy, không phải người tu nào cũng đầy đủ chánh kiến để vượt qua những trói buộc, hệ lụy tầm thường này, thậm chí một vài người còn chạy theo, bị trói buộc nặng nề để rồi rơi vào khổ lụy, luôn sống trong tai họa và bất hạnh.

Dùng hình ảnh con dã can già bị ghẻ lở hành hạ, tru tréo thống khổ trong đêm tối vì đau nhức, không lúc nào được an ổn để liên tưởng đến sự khổ lụy của con người khi bị trói buộc vào danh lợi thật ấn tượng. Cố nhiên danh lợi sẽ đến với người tu hoặc nhiều, hoặc ít vì lẽ đó là phước báo. Cái được này là kết quả hiển nhiên, không mong cầu vì phước báo tròn đầy, càng xả bao nhiêu thì lại được bấy nhiêu. Nhưng nếu khởi tâm tìm cầu, khao khát thì chẳng những không được gì mà còn bị mất trắng. Mà dẫu có được chăng thì vẫn là mất vì tâm chạy theo danh lợi đã thiêu đốt, hành hạ làm chúng ta luôn bất an. Bởi chính những bất hạnh này là vật cản, chướng ngại trên lộ trình hướng đến ly tham, thành tựu giải thoát.

Tu tập là xả ly mọi sự ràng buộc, mà đỉnh cao là thành tựu Niết bàn. Tùy duyên, không chấp thủ, thảnh thơi và tự tại luôn là mục tiêu hướng đến của mọi người con Phật.

 

14- NGUY HIỂM CỦA ĐAM MÊ CỜ BẠC

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.

Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về y nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:

Này gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sinh oán thù, nếu thua thì sinh tâm sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời noi không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì kẻ đam mê cờ bạc không xứng để có vợ.

Này gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.

(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.534)

LỜI BÀN:

Cờ bạc, cá cược hay các trò đỏ đen nói chung là cái thú, đam mê của nhiều người. Thường thì vào những dịp đoàn tụ, gặp gỡ, hội hè hay ngày đầu xuân người ta có thói quen tiêu khiển, giải trí, mua vui bằng cách chơi bài, đánh cược… với số tiền cực nhỏ, vui là chính. Tuy vậy, ít ai đủ tỉnh táo để dừng lại nơi giải trí đơn thuần mà đa số bị tham, sân chi phối rồi sa lầy. Từ chỗ chơi cho vui dẫn đến chơi hết mình, ăn thua, sát phạt; từ chỗ chơi với số tiền nhỏ đến số tiền lớn, mất sạch tiền bạc, phải cầm cố tài sản; từ chỗ chơi mỗi khi có dịp vui đến suốt tháng, quanh năm.

Tham lam, biếng nhác, tà kiến tin vào may rủi là đặc điểm của những người đam mê cờ bạc. Dấn thân vào thế giới đỏ đen tức phải đối diện với nhiều hiểm nguy luôn chờ đợi, rình rập. Theo tuệ giác của Thế Tôn, có sáu nguy hiểm cho những ai đam mê cờ bạc: Nếu thắng lớn thì chưa chắc toàn mạng, ai mà đoán được các con bạc trắng tay sẽ làm gì khi không còn gì để mất. Khi mất sạch thì lại càng bi thương hơn. Biết bao tài sản tích lũy được do công khó lao động lần lượt ra đi. Vì cần tiền chơi tiếp, hy vọng cứu vãn tình thế nên các con bạc tìm mọi cách để có tiền. Rồi mất dần uy tín cá nhân; người thân, bạn bè, đồng nghiệp cảnh giác, xa lánh thậm chí khinh miệt. Tệ hại hơn là không đủ tư cách để tìm kiếm một người bạn đời…

Ngày nay, các hình thức đỏ đen biến thái muôn hình vạn trạng và thâm nhập vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Từ bài bạc, đề đóm, đến cá cược trong các môn thể thao v.v… và ngay cả trên thế giơi ảo, internet cũng bày trò đỏ đen luôn kích thích lòng tham của con người. Vì vậy, hơn lúc nào hết, tu tập chánh mạng, tức tìm một công việc chân chánh để mưu sinh là tối cần thiết. Từ bỏ mọi ảo tưởng hên xui, điều phục thói đam mê cờ bạc, tránh xa các hình thái giải trí không lành mạnh là điều mọi người con Phật cần lưu tâm và thực hành.

 

15- ĐẰNG SAU MIẾNG MỒI NGON LÀ KHỔ LỤY

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ kheo và nói như sau:

Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

Ví như, này các Tỷ kheo, một người câu cá quăng một lưỡi câu có gắn mồi thịt vào trong một hồ nước sâu và một con cá có mắt thấy mồi thịt nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, con cá đó nuốt lưỡi câu ấy bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.

Người câu cá, này các Tỷ kheo, chỉ cho ác ma; lưỡi câu có gắn mồi thịt chỉ cho lợi đắc, danh vọng và cung kính.

Tỷ kheo nào thọ hưởng, ái luyến lợi đắc, danh vọng và cung kính đã đến, Tỷ kheo ấy được gọi là Tỷ kheo đã nuốt lưỡi câu của ác ma, bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm.

Do vậy, này các Ty kheo, các ông phải học tập như sau: “Đối với lợi đắc, danh vọng và cung kính đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Đối với lợi đắc, danh vọng và cung kính chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Lưỡi câu, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.390)

LỜI BÀN:

Quyền lợi, danh vọng và uy quyền là điều mọi người sống trên đời đều mong muốn chiếm hữu. Ban đầu, con người thường mong cầu lợi dưỡng, mơ ước làm giàu. Một khi đã đầy đủ về phương diện vật chất, con người có khuynh hướng tìm cầu địa vị, chức tước và danh vọng. Không dừng lại ở chỗ có tiền, có danh, tập khí tham lam cố hữu của con người luôn khát khao uy quyền, thống lãnh và nhiếp phục thiên hạ; thích thú, hả hê khi được mọi người cung kính, khép nép và sợ hãi.

Lợi danh và cung kính thật ngon ngọt, hấp dẫn nhưng lại không có nhiều nên mọi người phải tranh chấp, xâu xé, chụp giựt… và đó là căn nguyên của mọi đổ vỡ, mâu thuẫn, xung đột, bất hạnh ở đời. Không ít người bị lợi danh làm mờ mắt, bất chấp hậu quả, không ngại thủ đoạn, lường gạt, xu nịnh, thậm chí vô sỉ đến độ cam tâm bán mình, vong thân, vong bản.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, danh lợi và cung kính giống như miếng mồi ngon bao bọc bên ngoài một lưỡi câu sắc nhọn. Đối với người xuất gia, tiếp xúc với mồi ngon lợi danh và cung kính thì lại càng cẩn trọng hơn. Vì người xuất gia có một điểm kỳ đặc khác với người đời là sau một thời gian tu hành thì phước đức tăng trưởng, dẫu không cầu nhưng lợi danh và cung kính tự đến.

Thọ nhận sự dâng cúng, tôn vinh và kính trọng của tín đồ là trách nhiệm của người xuất gia để tạo phước báo cho tín đồ song cũng ngay chính ở đây ẩn tàng một hiểm họa khôn lường. Nếu không chánh niệm để tri túc và thiểu dục thì chắc chắn bị dính câu, rơi vào bất hạnh, chịu sự sai khiến của kẻ khác.

Vì thế, muốn thành tựu giải thoát, vượt ra ngoài mọi sự kiềm tỏa, người con Phật phải luôn tâm niệm, quán sát về sự nguy hiểm của dục. Lợi danh và cung kính chẳng khác nào chút mật trên lưỡi dao, vị ngọt ngon của chút mật ấy luôn gần kề với tai họa đứt lưỡi.