NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Chí Thành
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Châu Chí Thành

(thư thứ nhất)

Phàm là người tu hành hãy nên tu trong nhà của chính mình, chẳng cần nhất định phải đến tu trong [Cư Sĩ] Lâm. Nếu [ai nấy] đều đến tu trong Cư Sĩ Lâm thì sao có căn nhà đủ lớn để chứa? Người đông thì chi phí trong Cư Sĩ Lâm cũng phải nhiều, mọi người phải bươn chải nhọc nhằn, những chuyện trong nhà có khi chẳng thể lo liệu tới nơi tới chốn. Tất cả Cư Sĩ Lâm, Tịnh Nghiệp Xã chẳng qua [được lập ra] nhằm làm một cơ sở để đề xướng mà thôi. Mỗi tháng cử hành một hoặc hai lần. Nếu đông người lễ Phật khó thể chứa hết, hãy nên chia ra ngày lễ tụng [riêng biệt] cho nam nữ. Lễ Phật xong, giảng diễn kinh Phật một hai tiếng đồng hồ rồi bảo họ về nhà ngõ hầu chẳng đến nỗi bị người ngoài mang lòng đố kỵ, bịa chuyện đồn đãi.

Đối với pháp môn để tu trì, cố nhiên không có cao – thấp! Thiền, Luật, Mật, Tịnh đều là đại pháp để liễu sanh thoát tử, nhưng luận trên thân phận của chúng sanh đời Mạt thì chẳng tu pháp môn Tịnh Độ quyết khó thể liễu thoát ngay trong đời này do các pháp môn khác đều cậy vào tự lực; pháp môn Tịnh Độ cậy thêm Phật lực. Phật lực, tự lực khác biệt vời vợi một trời một vực! Không biết nghĩa này, lầm lạc bắt chước cách tu của người có khả năng to lớn, thật khó thể đạt được lợi ích thật sự. Vì thế, thiền sư Bách Trượng của Thiền Tông nói: “Tu hành bằng cách niệm Phật là ổn thỏa, thích đáng”. [Trong Bách Trượng Thanh Quy], cầu đảo cho vị Tăng bị bệnh, đưa vị Tăng đã mất đi thiêu đều chú trọng vãng sanh. Do đây biết Tây Phương Cực Lạc thế giới là chỗ quy túc của hết thảy thượng thánh hạ phàm tu tập Phật đạo vậy.

Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, các vị Pháp Thân đại sĩ khắp tột cùng Hoa Tạng thế giới hải đem công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật Quả, huống chi chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn ư? Công phu Thiền Tông dẫu đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ nhưng hễ Phiền Hoặc chưa đoạn thì vẫn chẳng thể liễu thoát ngay trong đời này. Ngũ Tổ Giới lại làm thân [Tô] Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại làm Lỗ Công là những tấm gương đời trước (Ngũ Tổ là tên chùa. Giới là Sư Giới, tên người. Sư Giới từng làm Trụ Trì chùa Ngũ Tổ, nên gọi là Ngũ Tổ Giới, thuộc pháp hệ Vân Môn của pháp tổ Đại Giác Liên quốc sư[1]. Sư kiến địa cao siêu, môn đình cao ngất, người học phần nhiều kiêng sợ chẳng dám thân cận. Chết rồi lại sanh làm Tô Đông Pha, có bằng chứng rất rõ ràng. Thảo Đường là tên chùa, Thanh là tên người. Tăng Lỗ Công tên Công Lượng, chính là hậu thân của Thảo Đường Thanh[2]; làm Thừa Tướng vào lúc năm mươi bảy tuổi, được phong tước Lỗ Quốc Công, cũng có bằng chứng rõ rệt). Nhìn vào đây có thể biết sự khó khăn do cậy vào tự lực liễu sanh tử!

Thiền Tông thường nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. “Minh tâm kiến tánh” là đại triệt đại ngộ. Nói “kiến tánh thành Phật” là đích thân thấy được đức Phật thiên chân nơi tự tánh thì gọi là “thành Phật”. Đấy chính là “lý tức Phật” và “danh tự tức Phật”, chứ không phải là Cứu Cánh Phật phước huệ viên mãn! Vị ấy tuy ngộ đến chỗ cùng cực, đích thân thấy được Phật Tánh, nhưng vẫn là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân. Nếu có thể rộng tu Lục Độ, trong hết thảy cảnh duyên đều đối trị tập khí phiền não cho thanh tịnh không còn thừa sót sẽ có thể liễu sanh thoát tử, vượt ra ngoài tam giới, chẳng ở trong lục đạo nữa. Thời đức Phật còn tại thế, hạng người như vậy rất nhiều, trong thời Đường – Tống vẫn còn có, nay thì đại triệt đại ngộ còn chưa dễ được, huống là bậc hết sạch phiền não ư?

Thuyết “hiện thân thành Phật” hoặc còn gọi là “tức sanh thành Phật” (thành Phật ngay trong đời này) của Mật Tông giống như thuyết “kiến tánh thành Phật” của Thiền Tông, đều ứng theo công phu rất sâu mà nói. Chớ nên tưởng lầm là thật sự có thể thành Phật ngay trong thân này! Cần biết rằng thành Phật ngay trong thân này, chỉ có mình đức Thích Ca Mâu Ni Phật mà thôi! Ngoài ra, dẫu là cổ Phật thị hiện, cũng không có chuyện “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân hiện tại)! Kẻ vô tri thường hiểu lầm, mất mát lớn lắm! Cận sự nam nữ tại gia lấy chất phác niệm Phật làm gốc. Cư sĩ tin Phật đã lâu năm, chắc là tu trì đã nắm vững, đừng coi pháp môn Tịnh Độ là thừa thãi, và xin hãy dạy cho hết thảy những nam nữ tin Phật nơi quý địa nỗ lực tu trì, nhất tâm niệm Phật, đấy là hợp thời cơ nhất!

(thư thứ hai)

Năm ngoái cư sĩ từ xa nghe hư danh, từ ngàn dặm đến đây. Quang là ông Tăng vô tri vô thức chỉ biết cơm cháo, đạo đức lẫn tu trì chẳng có mảy may nào, chỉ biết niệm Phật mấy câu, sao có thể làm thầy người khác được? Do ông mang ý kiền thành, chẳng thể không nói đại lược nhằm tỏ rõ, nêu ra những điểm chánh yếu trong đại pháp rốt ráo. Hôm qua nhận được thư, biết cả nhà ông niệm Phật, cần nên biết rằng “mười phương cõi Phật phải đạt đến địa vị Niệm Phật ấy mới có thể vãng sanh”. Phàm phu sát đất chướng sâu huệ cạn, thiện căn kém mỏng, thọ mạng ngắn ngủi, muốn cậy vào tự lực để thoát khỏi tam giới theo chiều dọc, giống như một hạt cát bỏ vào trong nước bèn chìm. Nếu đem tảng đá to nặng mấy vạn cân bỏ lên một cái thuyền; đá tuy lớn nặng, nhưng nhờ có thuyền chở nên chẳng bị chìm! Đủ thấy sự khó – dễ giữa tự lực và Phật lực. Pháp môn Niệm Phật hoàn toàn cậy vào Phật lực. Muốn liễu sanh tử thì phải niệm Phật, vượt ngang khỏi tam giới tiếp dẫn vãng sanh. Chương [Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật] Viên Thông dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, nhập Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Cư sĩ túc căn sâu dầy, chắc hiểu rõ lý này. Quang già rồi, mục lực quáng lòa, khó viết được chữ bé. Từ nay về sau đừng gởi thư đến nữa. Vẫn mong ông tự cầu tinh tấn (Mồng Sáu tháng Năm năm Dân Quốc 25 – 1936)

***

[1] Đại Giác Hoài Liên (1009-1090), người Chương Châu, tỉnh Phước Kiến, xuất gia từ nhỏ, dốc chí học đạo, du phỏng. Sư theo học với ngài Lặc Đàm Hoài Trừng mười mấy năm. Sau khi được ngài Hoài Trừng ấn khả, bèn sang chùa Viên Thông ở Hỗ Sơn giữ chức Thư Ký trong đạo tràng của ngài Cư Nạp (Tổ Ấn thiền sư). Vua Tống Nhân Tông nghe tiếng ngài Cư Nạp, xuống chiếu vời sang Trụ Trì chùa Tịnh Nhân để hoằng dương đạo Thiền ở kinh đô. Ngài Cư Nạp viện cớ bệnh tật để từ chối, tiến cử ngài Hoài Liên đi thay. Vào chầu vua, đối đáp đại ý thiền pháp thông suốt, vua hết sức đẹp dạ, bèn phong hiệu Đại Giác Thiền Sư. Từ đấy, Sư đại khai thiền pháp tại chùa Tịnh Nhân.

[2] Thảo Đường Thiện Thanh (1057-1142), là một vị danh tăng thuộc phái Hoàng Long, Tông Lâm Tế, người huyện Bảo Xương tỉnh Quảng Đông. Từ nhỏ đã tham yết thiền sư Pháp Tư chùa Hương Vân, được xuất gia năm Nguyên Phong thứ tư (1081) đời Tống Thần Tôn, đến tham học với Đại Quy Mộ Triết, rồi xin nhập chúng của ngài Hối Đường Tổ Tâm, được nối pháp của ngài Tổ Tâm. Năm Chánh Hòa thứ năm (1115), Sư sang Giang Tây hoằng dương dòng thiền Hoàng Long, từng trụ tại chùa Thảo Đường ở Giang Tô. Những lời dạy được môn nhân thu thập thành bộ Thảo Đường Thanh Hòa Thượng Ngữ Yếu.