NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Tử Tú
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Châu Tử Tú

Nhận được thư, tôi khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Ông nói đến biện pháp của hội phóng sanh đủ thấy từ tâm, nghị lực; hãy nên dựa vào đó để khuyên khắp hết thảy mọi người kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật thì mới là đại phóng sanh và chính mình lẫn những người cùng hàng đều được thả vào biển pháp Liên Trì, ngõ hầu vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ sanh tử, thường hưởng niềm vui chân thường thì mới là phóng sanh có kết quả lớn lao. Hôm mồng Bảy, tôi đã gởi thư cho [Châu] Bá Tù và gởi bốn gói Văn Sao, chắc đã nhận được rồi!

Nói tới công phu, đạo đức của tiên sinh Tấn Tô, khôn ngăn khiến cho người khác phải mất hồn! Tuy nhiên, ông ta chú trọng pháp luyện đan, xem lời ông ta tự thuật nói “đã được bí truyền của tiên sinh X…. Vị tiên sinh X… đã kế thừa pháp mạch chân chánh từ nguồn pháp do Lục Tổ truyền cho người thế tục”; lời lẽ ấy chính là lời nói phổ biến của hết thảy ngoại đạo! Nếu ông Tấn thật sự được lợi ích chân thật nơi Phật pháp, quyết chẳng thốt ra lời lẽ “bịt tai trộm linh” ấy! Các hạ cho rằng để dẫn dụ kẻ sơ cơ, ngoài cách “luyện đan, tánh – mạng song tu” ra, chẳng thể nào khiến cho kẻ sơ cơ nhập đạo được ư? Sự tu trì của ông ta phần nhiều lấy Phật pháp làm chủ, nhưng những điều ông ta đề xướng phần nhiều trái nghịch Phật pháp, mà còn đáng gọi là bậc quân tử đức dầy “tâm và miệng như một, lời nói đi đôi với việc làm” ư?

Để trả lời câu kết luận của Ngũ Đình Phương, các hạ đã lấy công phu minh tâm làm chứng thì quả thật [tuy] đã mượn lời lẽ nhà Thiền để làm bùa hộ thân, nhưng vẫn chưa hiểu Thiền Tông, thật sự chẳng biết “đại triệt đại ngộ là ngộ nhưng chưa chứng”. Đừng nói “hễ ngộ thì hư không nát vụn, người lẫn pháp đều mất, thánh, Phật, tiên, phàm, Tấn Tô đều quy vào chốn quê hương chẳng có gì”; ngay như đã chứng được lý “hư không nát vụn, người lẫn pháp đều mất” cho đến “thánh, Phật, tiên, phàm, Tấn Tô hiện bày trọn vẹn sát sao” vẫn chớ nên lẫn lộn! Huống chi, dẫu ngộ thì vẫn là phàm phu sanh tử, [phải là] chứng thì mới có thể thoát lìa luân hồi. Người đời nay có ai ngộ được, huống là chứng ư? Đấy là lý do vì sao đức Như Lai mở rộng pháp môn Tịnh Độ để khiến cho khắp hết thảy chúng sanh đều cùng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này.

Xưa kia, Quang trúng phải chất độc của bọn Hàn – Âu – Trình – Châu, hủy báng Phật pháp. Tấn Tô mượn Phật pháp để mở rộng môn đình luyện đan, lại sợ lỡ ra chẳng được lợi ích thật sự nên vẫn ngấm ngầm y theo Phật pháp tu trì để tự ngăn ngừa những mất mát lỡ có thể xảy ra. So về hình tích thì Tấn Tô hơn Quang rất nhiều, nhưng Quang đã biết Phật pháp quyết chẳng thể “ngấm ngầm vâng hành, ngoài mặt thốt lời bài xích”. Tấn Tô bảo là “đã đắc pháp do Lục Tổ bí mật truyền cho hàng bạch y”; lời lẽ ấy đúng là quét sạch các vị đại tổ sư sau thời Lục Tổ! Cái tâm ấy cố nhiên chẳng thẳng thắn, chất phác, không dối trá như Quang được. Tuy nhiên, mỗi người có điều ưa thích riêng, há Quang có thể ép người khác thuận theo mình được ư? Chỉ vì có duyên nên mới chẳng ngại gì bình luận đại lược một phen. Nếu ông nghĩ là không đúng, xin ông cứ tuyên dương rộng rãi đạo của ông ta cho được truyền khắp thiên hạ thì tôi cũng rất mong mỏi ưa thích nghe vậy.