PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 5
VỀ NHÂN SINH

THƯỢNG TỌA BỘ

Vòng luân hồi (saṃsāra)

Ý niệm rằng tất cả chúng sinh luân chuyển từ đời này sang đời khác, được xác định bởi nghiệp mà chúng đã tạo với tâm thiện và bất thiện. Đoạn trích *L.15 giải thích đức Phật đã trực tiếp nhớ lại nhiều đời trước như thế nào, và cho thấy chúng sanh tái sanh theo nghiệp của chúng như thế nào. Điều này xảy ra trong đêm Phật thành đạo, sau khi tâm định tĩnh trong trạng thái tịch tĩnh vi diệu.

Th.55 Tối sơ không thể biết

Đoạn này giới thiệu ý niệm luân hồi (saṃsāra)– chu kỳ tái sinh qua đó chúng sinh ‘luân chuyển’, cùng với vô minh (không phải là thiếu tri kiến, mà là do tri kiến điên đảo về bản chất của thực tại) và khát ái là nhiên liệu của quá trình này, thảy đều vô thủy. Do đó Phật giáo không có ý niệm về sáng tạo tối sơ của vũ trụ và sinh vật.

Này các tỳ-kheo, luân hồi này không thể biết được khởi đầu. Với các chúng sanh lưu chuyển luân hồi…, khởi điểm tối sơ không thể biết. Ví như, này các tỳ-kheo, có người trong châu Diêm-phù[1] này cắt hết các thứ cỏ, cây, cành, nhánh, lá của châu này rồi chất chúng thành một đống, mang đi làm thành từng bó khoảng bốn phân, (lần lượt) nói rằng: “Ðây là mẹ tôi (đời này), đây là mẹ của mẹ tôi…”, các bà mẹ của người ấy không thể cùng tận, dù các thứ cỏ, cây, cành, nhánh, lá trong châu Diêm-phù này có cạn kiệt, dứt hết. Vì sao vậy? Bởi vì luân hồi này không thể biết được khởi đầu. Khởi điểm tối sơ với các chúng sanh lưu chuyển luân hồi, bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, không thể nêu rõ được. Cũng vậy, đã từ lâu đời, này các tỳ-kheo, các ông đã cảm thọ vô số khổ lụy, nhẫn thọ các tai họa, và các mộ phần ngày một nhiều thêm lên, cho đến như vậy, đáng để nhàm chán, đáng để ly dục, đáng để giải thoát tất cả các hành.

Tiṇakaṭṭha Sutta: Saṃyutta-nikāya II.178, dịch Anh P.D.P.

Th.56 Thực tại của tái sanh và nghiệp

Đoạn này trích nhấn mạnh đến sai lầm và nguy hại nếu phủ nhận không có đời sống vị lai, phủ nhận tái sinh phụ thuộc vào hành vi của con người, và phủ nhận không có ai giác ngộ nhận chân sự thực của những vấn đề này.

Này các gia chủ, những sa-môn, bà-la-môn nào mà nói như vậy, thấy như vậy: ‘Không có (giá trị gì trong) bố thí, cúng dường, tế tự; không có kết quả hay dị thục của các nghiệp thiện ác; không có đời này, không có đời sau (tức là thế giới này là không thực, và người ta không đi đến thế giới khác sau khi chết); không có mẹ, không có cha (không có gì đáng khi tôn kính cha mẹ: những người đã sinh ra ta trên đời này); không có các loại hóa sanh (không có thế giới tái sanh trong đó các hạng thiên chúng được sanh ra không cần cha mẹ); trên đời không có những sa-môn, bà-la-môn chánh hành, chánh hướng, và không có những sa-môn, bà-la-môn mà bằng thắng trí (tu tâm là điều không thể; không ai có thể có thần thông thắng trí để biết có sự tái sanh trong nhiều thế giới khác nhau) tự mình chứng ngộ rồi tuyên bố đời này và đời sau’ – với những vị này, điều đáng được thấy là họ sẽ tránh xa ba thiện hành này: thân thiện hành, ngữ thiện hành, ý thiện hành, và sẽ chấp nhận ba ác hành này: thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành. Vì sao vậy? Vì những vị tôn giả sa-môn, bà- la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các pháp bất thiện, cũng như không thấy sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh bạch của các pháp thiện.

Vì rằng, thực có đời sau, ai có kiến giải rằng ‘không có đời sau’ là tà kiến. Vì rằng, thực có đời sau, ai tư duy rằng ‘không có đời sau’, đó là tà tư duy.

Apaṇṇaka Sutta: Majjhima-nikāya I.402, dịch Anh P.H.

Th.57 Tin vào tái sanh và nghiệp là ‘đặt cược tốt nhất’

Trong khi tái sinh và nghiệp được xem như những thực tại được đức Phật xác nhận, trừ phi người ta cũng trực tiếp xác nhận được sự tồn tại của chúng, thì đối với nhiều người đó vẫn chỉ là những tín ngưỡng. Đoạn này lập luận rằng những tín ngưỡng như vậy mang lại lợi ích cho dù người ta có kinh nghiệm đó là sự thực hay không.

Khi thánh đệ tử ấy, này các Kālāma, với tâm không oán, không sân, không ô nhiễm, thanh tịnh như vậy, đạt được bốn sự an ổn ngay trong hiện tại. An ổn thứ nhất vị ấy có được là: ‘Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục của các nghiệp đã  làm tốt và xấu, thế thì sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên cõi thiện, sanh thiên’. An ổn thứ hai vị ấy có được là: ‘Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục của các nghiệp đã làm tốt và xấu, thì chính ngay đây, trong đời này, ta sẽ sống được an lạc, với tâm không oán, không sân’. An ổn thứ ba vị ấy có được là: ‘Nếu người làm ác sẽ nhận quả báo ác; thế thì, vì ta không có tâm ác đối với ai cả, làm sao người không làm ác như ta lại nhận quả khổ?’ An ổn thứ tư vị ấy có được là: ‘Nếu người làm ác mà không bị quả báo ác, thế thì, ngay tại đây ta thấy mình được trong sạch ở cả hai phương diện (không làm ác cũng không chịu quả ác)’.

Kesaputta (or Kālāma) Sutta: Aṅguttara-nikāya I.192, dịch Anh P.D.P and P.H.

Th.58 Các cảnh giới tái sanh chính

Đoạn văn này liệt kê một cách ngắn gọn năm loại tái sinh chính, mặc dù đôi khi có thêm vào loại thứ sáu, là a-tu-la. Và thế nào, này các tỳ-kheo, là sự sai biệt của nghiệp? Có nghiệp (mà quả của nó) dẫn đến cảm thọ ở địa ngục, hay ở loài bàng sanh, hay ở chỗ các ngạ quỷ, hay trong loài người, hay thiên giới… Và thế nào, này các tỳ-kheo, là quả dị thục của nghiệp? Nghiệp, Ta nói, có ba loại dị thục: cho quả ngay đời hiện tại, trong đời sau, hay đời sau nữa.

Nibbedhika Sutta: Aṅguttara-nikāya III.415, dịch Anh P.H.

Thân người là quý

Th.59 Tái sanh làm người là một cơ hội hiếm có

Đoạn này khẳng định rằng chúng sinh được tái sinh hơn trong các cõi khác nhiều hơn sanh trong loài người, như vậy việc chú ý đến bản chất của hành động của ta là rất quan trọng. Tất nhiên số lượng động vật trên cạn, chim, cá và côn trùng lớn hơn rất nhiều so với dân số loài người trong hành tinh chúng ta.

Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, cái gì nhiều hơn, một ít đất trên đầu móng tay của Ta này, hay đại địa này?’ ‘… so với đại địa này, một ít đất trên đầu móng tay của Thế Tôn không bằng một phần nhỏ nhất.’

‘Cũng vậy, này các tỳ-kheo, chúng sanh được tái sanh làm người[2] thật quá ít,và những chúng sanh phải tái sanh khác ngoài loài người thật quá nhiều. Do vậy, này các tỳ-kheo, các ông cần phải học tập như vầy: “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.’ Nakhasikhā Sutta: Saṃyutta-nikāya II.263, dịch Anh P.D.P.

Th.60 Được sanh làm người và được nghe Pháp là hiếm có

Đoạn này cho thấy rõ rằng để được tái sinh làm người, đặc biệt vào thời Phật pháp đang hiện hành, là một cơ hội hiếm có và quý báu. Loài người có tự do hành động nhiều hơn so với những loài ở cảnh giới tái sanh thấp hơn, và có năng lực tinh thần để có thể hiểu được Pháp.

Khó thay, được sanh làm người; khó thay, được sống trường thọ;

Khó thay, được nghe diệu Pháp; khó thay, gặp Phật ra đời.

Dhammapada 182, dịch Anh P.H.

Th.61 Hãy nhớ, đời người ngắn ngủi, hãy hành trì khi còn có thể!

Người say mê hái hoa, tâm ý bị dính chặt, tử thần sẽ lôi đi, như ngôi làng say ngủ, bị nước lũ cuốn trôi. Dhammapada 47, dịch Anh P.H.

Thế giới của chúng ta trong tương quan với vũ trụ

Th.62 Các cụm thế giới trong khắp vũ trụ

Đoạn này cho thấy Phật giáo chưa bao giờ xem thế giới của chúng ta chỉ là chỉ thế giới vật chất, hay ở trung tâm vũ trụ. Nó được xem như là một phần của hàng nghìn[3] cụm thế giới, với hàng nghìn cụm này tạo thành một cụm thiên hà cấp cao hơn, và hàng ngàn cụm thiên hà này tạo nên một cụm thiên hà siêu cao cấp. Đức Phật không được xem là hóa công đã tạo ra bất kỳ thế giới nào, nhưng Ngài được xem là có khả tiếp xúc với chúng sinh cụm thiên hà số nghìn cấp ba (đại thiên thế giới). Mỗi thế giới cá biệt được cho là đều có chúng sanh riêng, bao gồm cả các tầng trời riêng của nó.

Này Ānanda, Trong một thế giới có một mặt trời và một mặt trăng vận hành và chiếu sáng khắp các phương. Một nghìn thế giới như vậy gọi là một tiểu thiên thế giới hệ. Trong ấy có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi chúa Tu-di, một ngàn[bốn đại bộ châu] và một ngàn bốn biển lớn; một ngàn: trời Tứ vương, trời Tam thập tam, trời Dạ-ma, trời Ðâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, và Phạm thiên giới. Này Ānanda, đây gọi là một tiểu thiên thế giới hệ. Này Ānanda, cho đến một ngàn lần một tiểu thiên thế giới: đây được gọi là một trung thiên thế giới hệ.

Này Ānanda, cho đến một ngàn lần một trung thiên thế giới hệ: đây được gọi là Tam thiên Ðại thiên thế giới hệ.

Này Ānanda, Như Lai có thể làm cho (ánh sáng và) tiếng của mình nghe xa cho đến bao xa trong đó tùy ý. Abhibhū Sutta: Aṅguttara-nikāya I.227–228, dịch Anh P.H.

Th.63 Các chu kỳ kiếp vũ trụ

Người ta nói rằng thế giới trải qua bốn giai đoạn rất lớn: hoại kiếp, không kiếp, thành kiếp, trụ kiếp, và rồi lại hoại kiếp. Bốn giai đoạn này tạo nên một đại kiếp (Aṅguttara- nikāya II.142). Đoạn dưới đây minh họa chiều dài rất lớn của một đại kiếp, và số lượng không thể tính đếm suốt trong quãng đó các chúng sinh luân chuyển đời này sang đời khác.

Ví như, này các tỳ-kheo, có một núi đá rất lớn, dài bảy dặm, rộng bảy dặm, cao bảy dặm.một tảng đá đặc cứng. Rồi cứ sau một trăm năm, một người đến lấy một tấm vải lụa mịn lau núi đá ấy một lần. Núi đá lớn ấy do vậy mà mòn dần cho đến khi mất hẳn, nhưng cho đến khi ấy vẫn chưa hết một kiếp. Này các tỳ-kheo, như vậy là độ dài một đại kiếp. Suốt trong những đại kiếp dài như vậy, chúng ta đã luân hồi (đời này sang đời khác) rất nhiều, rất nhiều trăm, ngàn và trăm ngàn đại kiếp. Pabbata Sutta: Saṃyutta-nikāya II.181–182, dịch Anh P.H.

Nghiệp

Ý niệm nghiệp trong Phật giáo chỉ cho hành động có chủ ý (Pāli. kamma, Skt. karma) tự nhiên tạo ra kết quả nhất định: hành động tốt dẫn đến kết quả đáng ưa và những nét đặc trưng tốt; hành động xấu cho kết quả khó ưa và những nét đặc trưng xấu. Kết quả không phải là ‘phần thưởng’ hay ‘trừng phạt’, vì không có bất kỳ Thượng Đế nào đưa ra kết quả. Cũng không phải là kết quả được tạo ra như ‘bài học để học’, mặc dù người ta hy vọng có thể tăng thượng tri kiến bằng cách suy nghiệm về các biến cố trong đời sống như là kết quả có thể có của hành vi trước đây. Kết quả của nghiệp được xem đơn giản là những kết quả tự nhiên, khởi sinh từ một loại quy luật của tự nhiên. Một thí dụ phổ biến là nghiệp như hạt giống, và quả của nó như trái cây sinh trưởng từ hạt giống. Một từ ngữ chỉ cho hành động tốt và tiềm năng mang lại những quả tốt của nghiệp là phước (Pāli, puñña; Skt. puṇya). Điều này, tuy vậy, gợi ý cho thấy kết quả của nghiệp tốt là phần thưởng xứng đáng, chứ không phải là kết quả tự nhiên. Như vậy, puñña có thể hiểu là phước nghiệp.

Th.64 Nghiệp là ý chí

Này các tỳ-kheo, Ta nói rằng tư (cetanā / ý chí, cố ý) là nghiệp; sau khi tư, nó tạo tác nghiệp bởi thân, ngữ, và ý. Nibbedhika Sutta: Aṅguttara-nikāya III.415, dịch Anh P.H.

Th.65 Ác nghiệp sẽ bắt kịp ngươi, dù sớm hay muộn

Khi ác nghiệp chưa chín, người ngu nghĩ mật ngọt. Nhưng khi ác nghiệp chín muồi, người ngu chịu khổ đau.

Nghiệp ác đã được làm, không như sữa đông ngay; như lửa vùi dưới tro, ngầm đi theo kẻ ngu.

Dhammapada 69 and 71, dịch Anh P.H.

Th.66 Hành động và tư duy quyết định tái sanh, chứ không phải do cầu nguyện lễ bái

Đoạn này nêu rõ rằng sự tái sanh của người kết quả tự nhiên từ những hành động của nó, chứ không phải được quyết định bởi cầu nguyện và lễ bái của người khác.

Bấy giờ tụ lạc chủ (thôn trưởng) Asibandhakaputta đi đến  chỗ Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên, và bạch Thế Tôn: ‘Đại Đức, các bà-la-môn sinh địa phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa cỏ (mọc dưới) nước, lội xuống nước (để tắm sạch tội), và thờ lửa (để cải số của người chết), báo cho người chết biết (định mệnh của họ) và dẫn họ lên thiên giới. Nhưng Thế Tôn, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có thể làm những gì để mọi người trên thế gian, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, sanh thiên giới?’ ‘Như vậy thì, này thôn trưởng, nay Ta sẽ hỏi ông, nếu ông thích hợp thì hãy trả lời. Thôn trưởng, ông nghĩ thế nào? Ở đây có một người sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói dối, nói chia rẽ, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một đám đông quần chúng cùng tụ hội, cầu khẩn, xưng tụng, chắp tay diễu hành và nói rằng “Cầu cho người này, sau khi thân hoại  mạng chung, được sanh vào thiện thú, sanh thiên giới!” Thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, người ấy có phải nhân bởi cầu khẩn của đám đông quần chúng ấy, hay nhân bởi xưng tụng, hay nhân bởi chắp tay diễu hành, nên sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, sanh thiên giới?’ ‘Thưa không, bạch Đại Đức.’

‘Ví như, này thôn trưởng, có người ném một tảng đá lớn xuống hồ nước sâu. Rồi một đám đông quần chúng cùng tụ hội, cầu khẩn, xung tụng, chắp tay diễu hành và nói: “Hãy trồi lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!” Thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân xưng tụng, hay do nhân chắp tay diễu hành, mà có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?’ ‘Thưa không, bạch Đại Đức.’

‘Cũng vậy, người nào sát sanhsau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không chokhông tham lam, không sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một đám đông quần chúng cùng tụ hội, cầu khẩn,nói rằng “Cầu cho người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!”Người ấy há do nhân cầu khẩn, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục chăng?’ ‘Thưa không, bạch Đại Đức.’

‘Ví như, này thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một đám đông quần chúng cùng tụ hội, cầu khẩnnói “Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!”Dầu ấy, há do nhân cầu khẩnnên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy chăng?’ ‘Thưa không, bạch Đại Đức.’

‘Cũng vậy, này thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanhRồi một đám đông quần chúng cùng tụ hội, cầu khẩnnói

“Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!” Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào thiện thú, sanh thiên giới.

Asibandhaka-putta Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.312–314, dịch Anh P.D.P.

Th.67 Nghiệp quá khứ dẫn tới những sai biệt giữa con người

Đoạn này giải thích hành động xấu và tốt khác nhau dẫn đến tái sinh trong địa ngục hay thiên giới, hoặc với nhiều loại hạnh vận mạng xấu hoặc tốt trong một lần tái sinh tương lai trong loài người. Điều này không nên hiểu rằng nghiệp quá khứ là nguyên nhân duy nhất những khác biệt giữa con người, nhưng nó có thể có ảnh hưởng nhất định.

‘Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người, trong khi tất cả là loài người, lại thấy có người hạ liệt, có người ưu thắng? Chúng con thấy có người tuổi thọ vắn, có người tuổi thọ dài; có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; có người xấu, có người đẹp; có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; có người nghèo khổ, có người giàu sang; có người sanh vào gia đình hạ liệt, có người sanh vào gia đình cao quý; có người trí tuệ yếu kém, có người thông minh lanh lợi. Thưa Tôn giả Gotama, tại sao lại có sự sai biệt như vậy giữa loài người?’

‘Này ma-nạp (niên thiếu bà-la-môn), chúng sanh là kẻ sở hữu nghiệp, là thừa tự của nghiệp, được thai sanh từ nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp, nghiệp là sở y. Nghiệp phân chia chúng sanh thành hạ liệt, ưu thắng… Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, sát sanh, hung bạo, bàn tay lấm máu, chuyên tâm giết và giết hại chúng sanh, với không có tâm từ bi đối với các loại chúng sanh. Người đó, do nghiệp ấy, đã được làm, được duy trì như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu người ấy khi được sanh vào loài người, sanh ra bất cứ nơi nào, người ấy phải mạng vắn. Này ma-nạp, sát sanh, hung bạo, bàn tay lấm máu, chuyên tâm giết và giết hại chúng sanh, với không có tâm từ bi đối với các loại chúng sanh, đó là con đường dẫn đến thọ mạng ngắn.

Nhưng ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ gậy, bỏ dao, biết tàm quý, có lòng từ, biết nghĩ tưởng đến lợi lạc tất cả chúng sanh. Người này, do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, sanh thiên giới. Nếu người ấy sanh trong loài người, sanh ra bất cứ nơi nào, người ấy đều có tuổi thọ dài. Con đường ấy đưa người này đến chỗ thọ mạng dài.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, tánh hay gây hại các loài hữu tình, bằng nắm tay, bằng cục đất, hay bằng gậy, bằng dao. Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung,sanh vào địa ngục. Nếu người ấy được sanh vào  loài người, sanh ra bất cứ nơi nào, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn. Này ma-nạp, đây là con đường dẫn đến nhiều bệnh hoạn.

Nhưng ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, tánh không hay gây hại các loài hữu tình, bằng nắm tay chân,  bằng cục đất, hay bằng gậy, bằng dao. Người này, do nghiệp ấy, đã được làm, được duy trì như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, sanh thiên giới. Nếu người ấy sanh trong loài người, sanh ra bất cứ nơi nào, người ấy ít bệnh hoạn. Này thanh niên, đây là con đường đưa đến ít bệnh hoạn.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, tánh dễ phẫn nộ, dễ kích động. Dù chỉ với một lời nhỏ nhẹ, người này cũng nổi nóng, nổi giận, sân hận, chống đối, tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này, do nghiệp ấy, đã được làm, được duy trì như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vàođịa ngục. Nếu người ấy được sanh vào loài người, sanh ra bất cứ nơi nào, đều có dung sắc xấu. Này ma-nạp, đây là con đường dẫn đến đến dung sắc xấu.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, không hay phẫn nộ, không dễ kích động. Dầu cho bị nói nặng, người  này cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này, do nghiệp ấy, đã được làm, được duy trì như vậy,sau khi thân hoại mạng chungsanh thiên giới. Nếu người ấy sanh trong loài người, sanh ra bất cứ nơi nào, đều có dung sắc đẹp. Này ma- nạp, đây là con đường dẫn đến dung sắc đẹp.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, tật đố (ganh tị), hay ghen ghét, ghen tỵ người khác với lợi đắc, cung kính, tôn kính, tôn sùng, lễ bái, cúng dường. Người này, do nghiệp ấy, đã được làm, được duy trì như vậy,[tái sanh vào địa ngục và nếu sanh làm người]có quyền thế nhỏ. Đây là con đường dẫn đến quyền thế nhỏ.

Nhưng ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, không tật đố, không hay ghen ghét, ghen tỵ người khác với lợi đắc, cung kính, tôn kính, tôn sùng, lễ bái, cúng dường. Người này, do nghiệp ấy, đã được làm, được duy trì như vậy,[được sanh vào cõi trời và nếu sanh làm người]được quyền thế lớnĐây là con đường đưa đến quyền thế lớn.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, không bố  thí cho sa-môn hay bà-la-môn các thứ y phục, ẩm thực xe cộ, hoa, hương, dầu xức, tọa ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.[tái sanh vào địa ngục và nếu sanh làm người]phải nghèo khó. Này thanh niên, đây là con đường đưa đến nghèo khó.

Nhưng ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, hay bố thí cho sa-môn hay bà-la-môn[được sanh vào cõi trời và nếu sanh làm người]được giàu có.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, cang cường và cao ngạo, không kính lễ những người đáng kính lễ, không đứng dậy chào đón người đáng đứng dậy chào đón, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường đường cho những người đáng được nhường đường, không tôn kính những người đáng tôn kính,[tái sanh vào địa ngục và nếu sanh làm người]sanh vào gia đình hạ liệt.

Nhưng ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, không cang cường và cao ngạo, kính lễ những người đáng kính lễ,[được sanh vào cõi trời và nếu sanh làm người]được sanh vào gia đình cao quý.

Ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, không đi đến sa-môn hay bà-la-môn và hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện và thế nào là bất thiện? Thế nào là có tội và thế nào là không có tội? Thế nào là nên thân cận và thế nào là không nên thân cận? Làm gì phải chịu tai hại và đau khổ lâu dài? Hay làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?”[tái sanh vào địa ngục và nếu sanh làm người]có trí tuệ yếu kém. Nhưng ở đây, này ma-nạp, có người nữ hay người nam, đi đến sa-môn hay bà-la-môn và hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện và thế nào là bất thiện?”[được sanh vào cõi trời và nếu sanh làm người]thông minh lanh lợi.

‘Này ma-nạp (niên thiếu bà-la-môn), chúng sanh là kẻ sở hữu nghiệp, là thừa tự của nghiệp, được thai sanh từ nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp, nghiệp là sở y. Nghiệp phân chia chúng sanh thành hạ liệt, ưu thắng.

Cūḷa-kamma-vibhaṅga Sutta: Majjhima-nikāya III.203–206, dịch Anh P.D.P.

Th.68 Những cảm thọ, các thiện ác hành, không phải hết thảy đều do nghiệp quá khứ, Thượng Đế, cũng không vô nhân duyên

Đoạn văn này nêu rõ rằng điều quan trọng là phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và không đổ lỗi cho người khác về nghiệp / hành động của mình trước đây, hoặc một Thượng Đế, hoặc nói rằng mọi việc xảy ra ngẫu nhiên, như vậy ta không thể tự chủ.

‘Này các tỳ-kheo, có ba y xứ này của ngoại đạo, khi được các hiền trí thẩm vấn, cật vấn, thảo luận, cho đến kỳ cùng dẫn đến chủ trương vô nghiệp (không có báo ứng của nghiệp). Ba y xứ ấy là gì?

Một số sa-môn, bà-la-môn nói như vầy, thấy như vầy, ‘Bất cứ cảm thọ gì mà con người lãnh thọ: lạc, khổ hay không lạc không khổ, tất cả đều do nhân là những gì đã làm trong quá khứ.’

Một số sa-môn, bà-la-môn nói như vầy, thấy như vầy, ‘Bất cứ cảm thọ gì mà con người lãnh thọ: lạc, khổ hay không lạc không khổ, tất cả đều do nhân là Tự tại thiên (Thiên chủ) tạo ra.’

Một số sa-môn, bà-la-môn nói như vầy, thấy như vầy, ‘Bất  cứ cảm thọ gì mà con người lãnh thọ: lạc, khổ hay không lạc không khổ, tất cả đều không có nhân, không có duyên (ngẫu nhiên sanh).’

Ở đây, này các tỳ-kheo, Ta đến hỏi các sa-môn, bà-la-môn với chủ trương thứ nhất, ‘Các Tôn giả, có thật chăng, các Tôn giả nói như vầy, thấy như vầy…?’ Khi được hỏi như vậy, các vị ấy thừa nhận như vậy. Rồi Ta nói với họ như sau, ‘Các Tôn giả, nếu vậy, do nhân là những gì đã làm trong quá khứ, mà có người trở thành kẻ sát sanh, lấy của không cho, hành dâm,[4] nói dối, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói lời phù phiếm,  tham lam, sân hại, tà kiến? Với những ai quy hồi cho nghiệp đã tạo trong quá khứ cho là chắc thật, với người ấy, không có ý dục, không có nỗ lực đối với những gì cần làm hay những gì không nên làm. Thế nhưng, thực tế, xác thực, những ai sống thất niệm, không phòng hộ, những người ấy không thể biết được điều gì nên làm và điều gì không nên làm, dù được xứng danh là ‘sa-môn’ nhưng không xứng đáng như vậy.

[Tương tự khi nói với hai thuyết kia.]

Titthāyatana Sutta: Aṅguttara-nikāya I.173–176, dịch Anh P.D.P.

Th.69 Cảm thọ và bệnh tật chẳng phải đều do nghiệp quá khứ

Đoạn này phản biện ý niệm rằng tất cả những cảm thọ khó chịu (và bệnh tật) phát sinh do nghiệp quá khứ. Nghiệp là một trong những nguyên nhân có thể xảy ra, nhưng còn các nguyên nhân khác như vật lý, môi trường, hay việc sai quấy, hay gắng sức của ta. Do đó hiểu về nghiệp quả theo thuyết định mệnh là sai lầm.

Ngồi một bên, du sĩ Moḷiya Sīvaka thưa với Thế Tôn: ‘Thưa Tôn giả Gotama, có những sa-môn, bà-la-môn nói như vầy, thấy như vầy, rằng ‘bất cứ cảm thọ gì mà con người lãnh thọ: lạc, khổ hay không lạc không khổ, tất cả đều do nhân là những gì đã làm trong quá khứ.’ Tôn giả Gotama nói như thế nào về điều này?’

‘Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên do mật không điều hòa. Cần phải tự biết rằng ở đây, một số cảm thọ khởi lên do mật không điều hòa. Mọi người trên đời cũng chấp nhận sự thật rằng ở đây, một số cảm thọ khởi lên do rối loạn của mật. Này Sīvaka, những sa-môn, bà-la-môn nào nói như vầy, thấy như vầy, rằng ‘bất cứ cảm thọ gì mà con người lãnh thọ: lạc, khổ hay không lạc không khổ, tất cả đều do nhân là những gì đã làm trong quá khứ, những vị ấy đã vượt quá những gì tự biết, và họ cũng vượt quá những gì mọi người trên đời chấp nhận là đúng. Do vậy, Ta nói đây là tà kiến của các sa-môn, bà-la-môn ấy.

Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, do đàm… gió không điều hòa… sự gặp gỡ của những thứ này (mật, đàm, gió)do thay đổi của các mùa… do hành vi bất cẩn… phí sức[5] … hay kết quả dị thục của nghiệp.[6]Sīvaka Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.230–231, dịch Anh P.D.P.

Th.70 Chuyển nghiệp

Đoạn này giải thích rằng cùng một hành động xấu không phải lúc nào cũng có nghiệp quả với mức độ tương ứng, vì bản chất của một người xấu thường khuếch đại kết quả của một hành động xấu đặc biệt, trong khi bản chất của một người tốt nói chung làm vơi nhẹ kết quả của cùng một hành động xấu (xem *M.41).

Này các tỳ-kheo, ai nói như vầy: ‘Người tạo nghiệp như thế nào, nó cảm thọ như thế ấy.’ Này các tỳ-kheo, nếu là vậy, không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để hoàn toàn diệt khổ. Này các tỳ-kheo, ai nói như vầy: ‘Người tạo nghiệp dẫn đến cảm thọ như thế nào, nó cảm thọ quả dị thục như thế ấy.’ Này các tỳ-kheo, nếu là vậy, có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để hoàn toàn diệt khổ.

Ở đây, này các tỳ-kheo, có người tạo nghiệp ác nhỏ, và nghiệp ác ấy dẫn vào địa ngục. Ở đây, này các tỳ-kheo, có người tạo nghiệp ác nhỏ tương tợ, và nghiệp ác ấy dẫn đến cảm thọ (quả) ngay trong hiện tại, không có kết quả gì được cảm thọ trong đời sau dù chí ít, nói gì là nhiều.

Hạng người như thế nào tạo nghiệp ác nhỏ, và nghiệp ác ấy dẫn vào địa ngục? Ở đây, này các tỳ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, phẩm cách hẹp hòi, nhỏ mọn, sống chỉ kham khổ nhỏ. Người như vậy, này các tỳ-kheo, tạo nghiệp ác nhỏ, và nghiệp ác ấy dẫn nó vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các tỳ-kheo, tạo nghiệp ác nhỏ tương tợ, và nghiệp ác ấy dẫn đến cảm thọ (quả) ngay trong hiện tại, không có kết quả gì được cảm thọ trong đời sau dù chí ít, nói gì là nhiều.? Ở đây, này các tỳ-kheo, có người thân tu tập, giới tu tập, tâm tu tập, tuệ tu tập phẩm cách không hẹp hòi, mà cao đại, sống (với tâm) vô lượng.[7] Người như vậy, này các tỳ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy dẫn đến cảm thọ (quả) ngay trong hiện tại, không có kết quả gì được cảm thọ trong đời sau dù chí ít, nói gì là nhiều.

Ví như, này các tỳ-kheo, có người bỏ một nhúm muối vào trong một bát nước nhỏ. Các ông nghĩ sao, này các tỳ-kheo, nước trong chén ấy vì thế mà trở nên mặn và không uống được?’ ‘Đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong bát nhỏ này ít, do nhúm muối này, nước thành mặn, không uống được.’ ‘Ví như, này các tỳ-kheo, có người bỏ một nhúm muối vào sông Hằng. Các ông nghĩ như thế nào, này các tỳ-kheo, sông Hằng có vì thế mà thành mặn và không uống được?’ ‘Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Vì khối nước sông Hằng quá lớn, không vì nhúm muối này mà thành mặn và không uống được.’

‘Cũng vậy, này các tỳ-kheo, ở đây, có người tạo nghiệp ác nhỏ, và nghiệp ác ấy dẫn vào địa ngục. Ở đây, này các tỳ- kheo, có người tạo nghiệp ác nhỏ tương tợ, và nghiệp ác ấy dẫn đến cảm thọ (quả) ngay trong hiện tại, không có kết quả gì được cảm thọ trong đời sau dù chí ít, nói gì là nhiều.

Loṇakapallaka Sutta: Aṅguttara-nikāya I.249–250, dịch Anh P.D.P.

Th.71 Tự quyết định tái sanh

Đoạn này giải thích rằng một người, thông qua việc tu bồi giới đức và trí đức cùng với quyết tâm, có thể được tái sanh thiện thú như mong muốn.

‘Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo thành tựu tín, thành tựu giới, văn, thí, tuệ, vị ấy nghĩ như sau, ‘Mong rằng ta sẽ được sanh vào nhà hào phú dòng sát-đế-lợi sau khi thân hoại mạng chung!’ Rồi nung nấu tâm ấy, kiên trì tâm ấy, tài bồi tâm ấy, và các hành ấy, an trụ ấy, được tỳ-kheo ấy tu tập như vậy, làm tăng trưởng như vậy sẽ dẫn đến tái sanh vào nơi ấy. Này các tỳ-kheo, đây là con đường, đây là lối đi dẫn đến tái sanh tại nơi ấy.

Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo thành tựu tínvị ấy nghĩ như sau, “Mong rằng ta sẽ được sanh vào nhà hào phú dòng bà-la-mônhay nhà hào phú trong các gia chủmạng chung!” Rồi nung nấu tâm ấyNày các tỳ-kheo, đây là con đường, đây là lối đi dẫn đến tái sanh tại nơi ấy.

Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo thành tựu tínđược nghe rằng trời Tứ vương có thọ mạng lâu dài, có dung sắc đẹp, có nhiều lạc thọ. Vị ấy nghĩ, “Mong rằng ta sẽ được sanh giữa chư thiên trong cõi trời Tứ vươngmạng chung.” Vị ấy chuyên định tâm ấyNày các tỳ-kheo, đây là con đường, đây là lối đi dẫn đến tái sanh tại nơi ấy.[8]

Saṅkhāruppatti Sutta: Majjhima-nikāya III.99–104, dịch Anh P.D.P.

Th.72 Nghiệp có thể trổ chậm và tri kiến cùng tâm trạng lúc lâm chung là quan trọng

Phần đầu đoạn trích xuất hiện sau phần nói rằng những người có thiên nhãn thông nhìn thấy cách các chúng sinh được tái sinh, nên cẩn thận không để quá tổng quát hóa những gì mình biết. Người xấu thường – nhưng không phải luôn – tái sinh vào một cảnh giới xấu trong đời sau; nhưng đôi khi họ có thể tái sanh vào cảnh giới tốt. Những người tốt thường – nhưng không phải luôn – tái sinh vào cảnh giới tốt trong đời kế; nhưng đôi khi họ có thể tái sanh vào cảnh giới xấu. Do đó người ta không nên cố chấp tín điều mà khẳng định rằng tất cả những người xấu đều có tái sinh xấu tiếp theo, tất cả những người tốt đều có tái sinh tốt tiếp theo,  cũng không phải là hành vi của một người không liên quan đến tái sinh trong tương lai của nó. Điều này được giải thích như sau: có thể có một loại nghiệp quá khứ đối nghịch lại sẽ có thể quyết định sự tái sinh tiếp theo, hoặc một người có thể thay đổi quan điểm của mình khi cận kề cái chết. Một người xấu có thể hối hận những hành động xấu của mình và quyết rằng những hành động tốt là quan trọng – một loại ‘lâm chung chuyển nghiệp’ – hoặc một người tốt có thể hối hận về những hành động tốt của mình – một loại ‘lâm chung điên đảo’. Hành động xấu và tốt của một người sẽ vẫn có quả, nhưng trong đời kế tiếp nữa.

Phần thứ hai được đức Phật nêu ra cho một phú hộ, đã từng keo kiệt cúng thí và hổ thẹn về điều đó. Đức Phật bảo đảm với ông rằng tất cả các hành động với tâm tốt, dù nhỏ đến đâu, đều sẽ mang lại kết quả và ông không nên xấu hổ hoặc nghĩ rằng nó sẽ không có quả lành trong tương lai.

Này Ānanda, có hạng người ở đây là người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói dối, nói chia rẽ, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hại, tà kiến – sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Người ấy (cũng) có thể đã làm các ác hành trước đó có khả năng mang lại cảm thọ khổ, hoặc có thể người ấy làm những điều ấy sau đó, hoặc là người ấy lúc lâm chung tiếp thọ và thọ trì các tà kiến. Do bởi điều này, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào… địa ngục. Bởi vì người ấy đã sát sanh,tà kiến, người ấy sẽ lãnh thọ quả báo hoặc bây giờ và ở đây, hoặc đời sau, hoặc đời sau nữa. Nhưng ở đây, này Ānanda, có người sát sanh… sanh vàothiên giới. Người ấy (cũng) có thể đã làm các thiện hành trước đó có khả năng mang lại cảm thọ hỷ lạc, hoặc người ấy có thể làm những điều ấy sau đó, hoặc người ấy có thể tiếp thọ và thọ trì các chánh kiến vào lúc lâm chung. Do bởi điều nàyngười ấy sanh vào. thiên giới. Bởi vì người ấy đã sát sanh,và có tà kiến, người ấy sẽ lãnh thọ quả hoặc bây giờ và ở đây, hoặc đời sau, hoặc đời sau nữa.

Ở đây, này Ānanda, có người từ bỏ sát sanh,có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Người ấy (cũng) có thể đã làm các thiện hạnh trước đó có khả năng mang lại cảm thọ hỷ lạc, hoặc người ấy có thể làm những điều ấy sau đó, hoặc người ấy có thể tiếp thọ và thọ trì các chánh kiến vào lúc lâm chung. Do bởi điều nàyngười ấy sanh vào. thiên giới. Bởi vì người ấy đã từ bỏ sát sanh,và có chánh kiến, người ấy sẽ lãnh thọ quả hoặc bây giờ và ở đây, hoặc đời sau, hoặc đời sau nữa.

Nhưng ở đây, này Ānanda, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho,có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vàođịa ngục. Người ấy (cũng) có thể đã làm các ác hạnh trước đó có khả năng mang lại cảm thọ khổ đau, hoặc là người ấy có thể làm những điều ấy sau đó, hoặc là người ấy tiếp thọ và thọ trì các tà kiến vào lúc lâm chung. Do bởi điều này, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào… địa ngục. Bởi vì người ấy đã từ bỏ sát sanh,và có chánh kiến, người ấy sẽ lãnh thọ quả hoặc bây giờ và ở đây, hoặc đời sau, hoặc đời sau nữa.

Mahā-kamma-vibhaṅga Sutta: Majjhima-nikāya III.214–215, dịch Anh P.D.P.

Chớ khinh điều thiện nhỏ, cho rằng ‘không đến ta’.

Giọt nước nhỏ từng giọt, rồi cũng đầy tràn bình, Cũng vậy, người có trí, cũng chứa đầy điều thiện,

Dù cho có bòn góp, từng chút, từng chút một. Dhammapada 122, dịch Anh P.H.

Những hàm ý nghiệp và tái sánh cho thái độ đối với tha nhân

Th.73 Ngươi cũng đã trải qua điều này

Đoạn này nhấn mạnh rằng, trong một đời trước nào đó, người ta hẳn đã từng cảm thọ những điều tương tự với những cảm thọ xấu và tốt mà những người khác hiện có. Do đó đồng cảm giác cho những người đau khổ, và không chấp trước với cảm thọ tốt, là khôn ngoan.

Này các tỳ-kheo, luân hồi không biết được khởi điểm. Với chúng sanh đang đang lưu chuyển sanh tử…, không thể biết được khởi điểm. Khi các ông thấy có kẻ khốn cùng, bất hạnh, các ông nên kết luận rằng: ‘Chúng ta, cũng vậy, đã từng trải qua như vậy trong thời gian dài rất dài.’

Khi các ông thấy có kẻ an lạc và may mắn, các ông nên kết luận rằng: ‘Chúng ta, cũng vậy, đã từng trải qua như vậy trong thời gian dài rất dài.’

Duggataṃ and Sukhitaṃ Suttas: Saṃyutta-nikāya II.186–167, dịch Anh P.H.

Th.74 Gặp lại những thiện tri thức trong các đời trước

Đoạn này nêu rõ ta đã từng chia lìa quyến thuộc trong vô số đời trước. Do đó ta không nên mong muốn tái sinh thêm nữa. Nó cũng ngụ ý rằng hầu hết chúng sinh mà ta gặp đều có thể đã từng tốt với ta, là quyến thuộc thân thiết của ta, trong một đời quá khứ nào đó, nên ta phải tốt với họ ngay bây giờ – ngay cả khi họ đang gây ra đau khổ cho ta.

Này các tỳ-kheo, luân hồi không biết được khởi điểm.Chẳng dễ gì tìm thấy một chúng sanh chưa từng là mẹ ngươi trong quá khứ,một chúng sanh chưa từng là cha ngươihuynh đệ ngươitỷ muội ngươicon trai ngươicon gái ngươi trong quá khứ.Đã lâu rồi các ngươi đã từng lãnh thọ khổ, lãnh thọ thống khổ, lãnh thọ tai họa, và mộ phần càng lúc càng thêm lên – thôi, đủ để nhàm chán với tất cả hành hữu vi, đủ để ly dục, đủ để giải thoát.

Six suttas on relatives: Saṃyutta-nikāya II.189, dịch Anh P.H.

Đời này và tất cả tái sanh đều dẫn đến già, bệnh, và chết

Th.75 Không pháp hữu vi nào là thường

Những bài kệ này được cho là đã được thốt ra bởi thiên chủ Sakka về sự diệt độ của đức Phật, thường được tụng trong các tang lễ Phật giáo.

Ôi, các hành vô thường, là pháp sanh diệt.

Ðã sanh, tất phải diệt:

Tịch tĩnh sanh diệt là an lạc.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.157, dịch Anh G.A.S.

‘Này các tỳ-kheo, các ông có thể nắm giữ một vật gì mà vật được nắm giữ ấy là thường hằng, kiên cố, vĩnh hằng, không biến dịch. Này các tỳ-kheo, các ông thật thấy có vật gì để  nắm giữ mà như vậy chăng?’ ‘Không có, bạch Thế Tôn.’ ‘Lành thay! Ta cũng không thấy vật nào như vậy.’

Alagaddūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.137, dịch Anh P.D.P.

Th.76 Đời người mong manh

Trong đoạn văn này, một vị A-la-hán xuất thân từ một gia đình giàu có minh họa cho một vị vua về sự mong manh của đời sống con người.

‘Thưa Ðại vương, có bốn giáo pháp tổng thuyết, được Thế Tôn thuyếtThứ nhất, thế gian không bền vững, nó bị lôi kéo đi. Thứ hai, thế gian không chỗ y hộ, không người che chở. Thứ ba, thế gian không sở hữu gì, khi ra đi phải bỏ lại tất cả. Thứ tư, thế gian thiếu thốn, nô lệ cho khát ái.’

‘Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói rằng thế gian không bền vững, nó bị lôi kéo đi; ý nghĩa của lời nói này cần được hiểu như thế nào?’ ‘Thưa Ðại vương, có phải khi Ngài 20 tuổi, hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ cưỡi voi, thiện nghệ cưỡi ngựa, thiện nghệ đánh xe, thiện nghệ bắn cung, thiện nghệ múa kiếm, đôi chân và đôi tay mạnh, có tài năng và thiện nghệ trong chiến trận?’ ‘Đúng vậy, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla. Tôi từng như vậy, thậm chí có đôi lúc ngẫu hứng tôi cảm thấy có thần  lực không ai có thể sánh bằng.’ ‘Ðại vương, Ngài nghĩ thế nào, nay Ngài vẫn còn đôi chân và đôi tay mạnh, có tài năng và thiện nghệ trong chiến trận như vậy chăng?’ ‘Không như vậy, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, nay tôi già yếu, đã đi đến cuối đời, đã sống đến giới hạn đời người. Tôi nay tuổi đã 80. Có đôi lúc, tôi nghĩ bước sang hướng này nhưng lại bước sang hướng khác.’ – ‘Chính do ý nghĩa này mà Thế Tôn đã nói rằng thế gian không bền vững….’

‘Nhưng thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, trong vương gia này có quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, nếu khi gặp nguy khốn, các quân binh sẽ bảo vệ tôi. Tôn giả Raṭṭhapāla nói rằng thế gian không nơi y hộ, không người che chở; ý nghĩa của lời nói này cần được hiểu như thế nào?’ ‘Thưa Ðại vương, Ngài nghĩ thế nào? Ngài có căn bệnh mạn tính nào không?’ ‘Có, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla. Nhiều khi, thân hữu và đại thần, thân tộc và thân thuộc đứng quanh tôi, nghĩ rằng, “Nay vua xứ Kuru sẽ mệnh chung, nay vua xứ Kuru sẽ mệnh chung”.’

‘Thưa Ðại vương, Ngài nghĩ thế nào? Ngài có thể mong rằng các thân hữu và đại thần, thân tộc và thân thuộc đến chia sẻ đau nhức với Ngài để cho vơi nhẹ đau nhức, hay là tự Ngài phải chịu đau nhức một mình?’ ‘Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tự tôi phải chịu đau nhức một mình.’ – ‘Chính do ý nghĩa này mà Thế Tôn đã nói rằng thế gian không chỗ y hộ, không người che chở.’

‘Nhưng thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, ở vương gia này có rất nhiều tiền vàng và vàng ròng cất chứa trong lòng đất và trên mặt đất. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói rằng thế gian không sở hữu gì, khi ra đi phải bỏ lại tất cả; ý nghĩa của lời nói này cần được hiểu như thế nào?’ ‘Thưa Ðại vương, Ngài nghĩ thế nào? Ở đây Ngài chiếm hữu, sở hữu, sở đắc, với đầy đủ năm thứ dục lạc, ấy thế, há Ngài có thể nói được rằng, ‘Ta đang chiếm hữu, sở hữu, sở đắc, với đầy đủ năm thứ dục lạc này, hay là, sau đó những người khác sẽ chiếm hữu tài sản này, còn Ngài sẽ phải ra đi theo nghiệp của mình?’ ‘Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi không thể như vậy. Rồi người khác sẽ chiếm hữu tài sản này, còn tôi sẽ phải ra đi theo nghiệp của mình.’- ‘Chính do ý nghĩa này mà Thế Tôn đã nói rằng thế gian không sở hữu gì, khi ra đi phải bỏ lại tất cả.’

‘Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói thế gian thiếu thốn, nô lệ cho khát ái’; ý nghĩa của lời nói này cần được hiểu như thế nào?’ – ‘Thưa Ðại vương, Ngài nghĩ thế nào? Phải chăng Ngài đang cai trị xứ Kuru phồn thịnh?’ – ‘Thưa vâng, Tôn giả Raṭṭhapāla. Tôi đang cai trị xứ Kuru phồn thịnh.’ ‘Thưa Ðại vương, Ngài nghĩ thế nào? Nếu có người chánh trực, đáng tin cậy, đến với Ngài từ phương Ðông, và tâu rằng, ‘Tâu Ðại vương, Ngài có biết chăng? Tôi từ phương Ðông đến. Ở đấy, tôi có thấy một địa phương lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư đông đúc. Có thể chinh phục nước ấy bằng sức mạnh như vậy, như vậy. Tâu Ðại vương, hãy chinh phục nó! Thế rồi Ðại vương sẽ làm gì?’ – ‘Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi sẽ chinh phục và cai trị luôn cả nước ấy.’ ‘Thưa Ðại vương, chính do ý nghĩa này mà Thế Tôn đã nói rằng thế gian thiếu thốn, nô lệ cho khát ái’’ Raṭṭhapāla Sutta: Majjhima-nikāya II.70–73, dịch Anh P.D.P.

Th.77 Chấp nhận cái chết không thể tránh

Đoạn này nhấn mạnh rằng chết là điều không thể tránh: vậy thì ích gì ưu sầu khi nó đến?

Mạng người trong đời này, không chắc, khó biết trước; ngắn ngủi và khó nhọc, lại buộc ràng với khổ.

Không có đối sách nào, đã sanh mà không chết. Sau già là đến chết, quy luật sống là vậy.

Như trái cây đã chín, lo sợ phải rụng sớm. Cũng vậy, người đã sanh, hằng lo sợ chết đến.

Như thợ gốm làm ghè, chén bát bằng đất sét, cuối cùng vỡ tất cả, đời người là như vậy.

Bất luận trẻ hay già, bất luận ngu hay trí, thảy đi theo cái chết, cuối cùng đến chỗ chết.

Người bị chết đánh bại, đi qua đến đời sau, cha không cứu được con, thân thích cũng không cứu.

Hãy xem các thân quyến, đứng nhìn và than khóc, từng người, bị lôi đi, như bò mang đi giết!

Như vậy, người trên đời, bị già chết tấn công. Hiền trí biết rõ đời, thế nên không ưu sầu.

Những ai không biết rõ, đâu đến, rồi đi đâu, hai đầu đều không rõ, than khóc, ích lợi gì.

Kẻ ngu nếu than khóc, mà thật sự có lợi; cho dù tự hại mình, hiền trí cũng sẽ làm.

Ưu sầu, và than khóc, không khiến tâm tịch tĩnh. Chỉ thêm tăng trưởng khổ, chỉ khiến thân bị hại.

Tự mình hại chính mình, thân gầy dung sắc xấu, người chết không sống lại, than khóc ích lợi gì.

Ai không xả ưu sầu, càng tăng thêm nhiều khổ, càng rên khóc người chết, càng bị sầu chi phối.

Hãy xem những người kia, đi theo nghiệp đã làm, bị thần chết chi phối, chúng sanh thật kinh sợ.

Ta mong ước thế này, nó lại thành thế khác.[9] Hãy xem bản chất đời, biến dị là như thế.

Giả sử sống trăm tuổi, hoặc sống hơn trăm tuổi, cũng giã từ thân quyến, bỏ mạng sống ở đây.

Thấy người chết mạng chung, nghe lời A-la-hán, hãy chế ngự ưu sầu, than rằng ‘Ta mất nó’.

Như căn nhà đang cháy, nước có thể dập tắt, cũng vậy, vì có trí, người thông tuệ, thiện xảo, mau chóng dứt bỏ sầu, như gió thổi bông gòn. Ai tự tìm an lạc, hãy tự dứt ưu sầu, như rút mũi tên độc, than khóc và mong cầu.

Tên đã rút, không vướng, tâm đã được tịch tĩnh, vượt qua mọi ưu sầu.

Ai đã rút mũi tên, không nương tựa nhờ cậy, tâm đạt được an tịnh, vượt khỏi mọi ưu sầu, tâm không sầu, tịch tịnh. Salla Sutta: Sutta-nipāta 574–593, dịch Anh P.D.P.

Th.78 Tầm cầu dục lạc dẫn đến khổ

Đoạn này, sau khi nói về hỷ lạc lớn trong tâm định tĩnh, chỉ ra những nguy hiểm và vô nghĩa của việc đuổi theo tính dục và những dục lạc khác, như cư sĩ thường làm: những căng thẳng kiếm sống, thất bại trong mưu sinh, mất mát thành phẩm lao động của mình, tranh chấp và chiến tranh vì tài sản, cướp bóc và các hình phạt có thể dẫn đến, cùng với tái sinh xấu do các ác hạnh đã gây ra được dụ hoặc bởi tham đắm các dục lạc.

Này Mahānāma, giả sử thánh đệ tử bằng chánh trí thấy rõ như thật rằng các dục vị ngọt ít, mà khổ nhiều, sầu não nhiều, nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, trừ phi đạt được hỷ lạc phát sanh do ly dục, ly ác bất thiện pháp, hay một pháp nào khác cao thượng hơn,[10] như vậy vị ấy không ngớt quay trở lại với các dục.Này Mahānāma, thế nào là vị ngọt các dục?

Có năm diệu dục này. Những gì là năm? Các sắc được nhận biết bởi mắt, sắc khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tham nhiễm tương ứng với dục; các tiếng được nhận biết bởi tai…; các hương được nhận biết bởi mũi…; các vị được nhận biết bởi lưỡi…; các xúc được nhận biết bởi thân… Hỷ lạc gì khởi lên do duyên đến các diệu dục này, đó là vị ngọt các dục.

Này Mahānāma, thế nào là sự nguy hiểm trong các dục? Ở đây có thiện nam tử nuôi sống với một nghề nghiệp[11]phải chịu đựng lạnh nóng, phải khổ vì xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, hơi nóng, mặt trời, rắn rết, nguy cơ chết đói, chết khát. Như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực kinh nghiệm, thuộc khổ uẩn, do dục là nhân, dục là duyên, dục là tác nhân, dục chính là nhân.

Này Mahānāma, thiện nam tử ấy dù nỗ lực và tinh  cần, nhưng (có khi) tài sản ấy không đạt, người ấy ưu sầu, buồn khổ, khóc than, đấm ngực, mê muội, rằng ‘Ta nỗ lực, thật là vô ích, tinh cần mà không kết quả.’ Như vậy là sự nguy hiểm của các dụcHoặc (có khi) thiện nam tử ấy nỗ lực và tinh cần, có được tài sản. Do thủ hộ các tài sản ấy mà cảm thọ khổ, ưu tư, ‘Mong sao tài sản của ta không bị vua chúa chiếm đoạt, không bị trộm cướp chiếm chúng, không bị lửa cháy, nước trôi, hay không bị những kẻ không đáng thừa kế chiếm đoạt.’ Dầu được canh chừng và thủ hộ như vậy, vẫn bị vua chúa chiếm đoạtngười ấy than vãn‘Những gì ta có, nay ta không có nữa’.

Lại nữa, này Mahānāma, do dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, sát-đế-lỵ tranh đoạt với sát-đế-lỵ, bà-la-môn tranh đoạt với bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi đã lôi kéo nhau vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; chúng tấn công nhau bằng tay, bằng đất đá, bằng gậy, bằng dao. Ở đây chúng dẫn nhau đến chỗ chết, đau đớn gần như chết.

Lại nữa, này Mahānāma, do dục làm nhân,chúng cầm mâu cầm thuẫn, đeo cung và tên, hai phe đồng tiến vào chiến trường, và khi tên được bắn, lao được phóng, kiếm được vung như chớp, chúng bắn nhau bằng tên, thọc nhau bằng lao, chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây chúng dẫn nhau đến chỗ chết, đau đớn gần như chết.

Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm duyên… những tên trộm cướp xông vào nhà, tước đoạt, cướp bóc, nằm mai phục, đi đến vợ người khác. Vua bắt chúng và trừng phạt bằng nhiều cách, hoặc đánh bằng gậy, quất bằng roi, vụt bằng dây thừng, vụt bằng gậy cứng. Chúng bị chặt tay, bị chặt chân … bị luộc trong dầu sôi, bị cho chó ăn, xiên sống lên giáo cho đến chết, và bị gươm cắt cổ.[12] Như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân,Lại nữa, này Mahānāma, do dục làm nhânhọ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, do vậy, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, thiết thực kinh nghiệm, thuộc khổ uẩn. …

Cūla-dukkha-kkhandha Sutta: Majjhima-nikāya I.91–92, dịch Anh P.D.P.

***

[1] Đại biểu cho cả tiểu lục địa Ấn-độ và thế giới nói chung.

[2] Hoặc làm chư thiên, chú giải bổ sung thêm, phù hợp với Saṃyutta- nikāya V.474, rằng nhiều người hơn được tái sinh ở cảnh giới thấp hơn cảnh giới người.

[3] Ở đây, một ‘nghìn’ có thể được xem là đại biểu cho một nhóm lớn.

[4] Vì ở đây đang nói với những người xuất gia; với người tại gia, trong danh sách các thân ác hành, điều này được thay thế bằng ‘tà dâm’.

[5] Opakkamikāni (tập kích bất ngờ), có lẽ ở đây có nghĩa là (Anh): ‘phí sức’ (vì đây là nguyên nhân có thể gây bệnh hoặc cảm giác khó chịu), mặc dù nó cũng có thể có nghĩa là ‘sự tấn công’ của kẻ khác.

[6] Tăng Chi Bộ (Aṅguttara-nikāya V.110) có đưa ra như một danh sách các nguyên nhân có thể gây bệnh khác ‘cảm thọ’ (vedayita).

[7] Có lẽ có nghĩa là phẩm tánh ‘vô hạn’ của từ, bi, hỷ, và xả.

[8] Điều như vậy cũng được lặp lại cho sự tái sinh trong tất cả các cõi trời được công nhận trong kinh (sutta) và cuối cùng nói rằng cùng một loại tu tập tâm hành ấy có thể dẫn đến sự diệt trừ các lậu hoặc, đạt được giải thoát tối hậu.

[9] Điều này cho thấy rằng mặc dù chúng ta hy vọng mọi thứ sẽ ổn định, không thay đổi và tiếp tục là ‘của ta’, nhưng chúng không bao giờ mãi như vậy.

[10] Đó là, đạt được ít nhất là sơ thiền, với hỷ lạc tràn ngập khắp cơ thể.

[11] Để có những điều vị ấy muốn, và nuôi vợ cùng gia đình.

[12] Ở Ấn-độ cổ đại, các vị vua đôi khi sử dụng những hình phạt khủng khiếp – như những người ở phương Tây đôi khi cũng làm vậy.