KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Hán dịch: Căn cứ bản dịch của Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm,
Sa môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, và Tạ Linh Vân sửa lại
 – Đời Tống
 – Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ – Phan Rang
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đổng Minh

 

PHẨM THÁNH HẠNH

(từ Quyển 11 đến quyển 13)

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :

– Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cần phải đối với kinh Ðại Bát Niết Bàn này, chuyên tâm suy nghĩ về năm thứ hạnh. Những gì là năm ? Một là Thánh hạnh, hai là Phạm hạnh, ba là Thiên hạnh, bốn là Anh nhi hạnh (hạnh trẻ con), năm là Bệnh hạnh (hạnh người bệnh). Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát thường phải tu tập năm thứ hạnh này. Lại có một hạnh nữa là hạnh Như Lai, đó là Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn. Này Ca Diếp ! Sao gọi là việc tu Thánh hạnh của Ðại Bồ tát ? Ðại Bồ tát hoặc theo Thanh Văn, theo Như Lai, được nghe Kinh Ðại Niết Bàn như vậy mà nghe rồi thì sinh ra lòng tin, tin rồi thì nên làm theo suy nghĩ như vầy : “Các đức Phật Thế Tôn có đạo Vô thượng, có đại chánh pháp, có đại chúng chánh hạnh, lại có Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng. Ta nay vì yêu thích tham cầu Kinh Ðại thừa nên lìa bỏ sự yêu vợ con, quyến thuộc, chỗ ở, nhà cửa, vàng, bạc trân báu, chuỗi ngọc vi diệu, hương hoa, kỹ nhạc, nô bộc, cấp sứ, trai gái lớn nhỏ, voi, ngựa, xe cộ, trâu dê, gà, chó, heo lợn.v.v…” Ðại Bồ tát lại nghĩ rằng : “Gia cư bức bách giống như lao ngục. Tất cả phiền não do đó mà sinh ra. Xuất gia ở nơi nhàn tịnh khoáng đãng giống như hư không. Tất cả thiện pháp nhân đó mà tăng trưởng. Nếu tại gia cư thì chẳng được trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Ta nay cần phải cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo !” Họ lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định phải xuất gia tu học đạo Bồ Ðề chân chính Vô thượng”. Khi Bồ tát muốn xuất gia như vậy thì thiên ma Ba Tuần phát sinh đại khổ não, nói rằng : “Bồ tát này lại phải cùng ta dấy cuộc chiến tranh lớn rồi !” Này thiện nam tử ! Bồ tát như vậy thì sao gọi là  sẽ lại cùng người chiến tranh ? Lúc đó Bồ tát liền đi đến Tăng phường, nếu thấy Như Lai và đệ tử của Phật uy nghi đầy đủ, các căn tịch tịnh thì lòng Bồ tát ấy nhu hòa, thanh tịnh, tịch diệt, liền đến chỗ ấy mà xuất gia cầu đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Ðã xuất gia rồi thì Bồ tát phụng trì cấm giới, oai nghi chẳng khiếm khuyết, tiến lùi an tường, không có sự xúc chạm, thậm chí tội dù nhỏ lòng cũng sinh kinh sợ. Lòng hộ giới giống như Kim cương. Này thiện nam tử ! Ví như có người đeo giữ phao nổi muốn qua biển cả. Bấy giờ, trong biển có một quỉ la sát liền theo người này đòi xin cái phao nổi. Người ấy nghe rồi liền nghĩ rằng : “Ta nay nếu cho thì nhất định chìm chết” nên đáp rằng : “Này La sát ! Người thà giết ta, chớ phao nổi chẳng thể cho được !” La sát lại nói rằng : “Ngươi nếu chẳng thể cho hết thì có thể cho nửa cái phao ấy”. Người đó do dự chẳng chịu cho. La sát lại nói rằng : “Ngươi nếu chẳng thể cho ta một nửa thì nguyện xin cho ta một phần ba”. Người đó chẳng chịu, quỉ La sát lại nói rằng : “Nếu chẳng thể thì cho ta chỗ bằng cánh tay”. Người đó chẳng chịu, La sát lại nói rằng : “Ngươi nay nếu lại chẳng thể cho ta chỗ như cánh tay thì ta nay đói cùng cực, mọi khổ bức bách. Nguyện xin ngươi sẽ cứu giúp ta một chỗ nhỏ như vi trần”. Người đó lại nói rằng : “Sự đòi hỏi của ngươi nay quả thật chẳng nhiều, nhưng hôm nay ta phải đi qua biển mà chẳng biết đường trước gần xa như thế nào ? Nếu ta cho ngươi thì hơi sẽ thoát ra dần, nạn biển cả do đâu được thoát qua, có thể giữa đường chìm xuống nước mà chết”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát hộ trì cấm giới cũng lại như vậy, như người qua biển kia tiếc giữ cái phao nổi. Khi Bồ tát thủ hộ giới như vậy thường có các ác La sát phiền não nói với Bồ tát rằng : “Ông phải tin ta, nhất định chẳng lừa dối nhau ! Ông chỉ phá bốn trọng cấm, hộ trì những giới còn lại. Do nhân duyên này khiến cho ông yên ổn được vào Niết Bàn”. Bấy giờ, Bồ tát nên nói rằng:“Ta nay thà trì cấm giới như vậy mà vào ngục A Tỳ, nhất định chẳng chịu hủy phạm để mà sinh lên trời !” La sát phiền não lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phá bốn trọng cấm thì có thể phá Tăng tàn ! Do nhân duyên này khiến cho ông yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát cũng nên chẳng theo lời nói ấy. La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm Tăng tàn thì cũng có thể nên phạm tội Thâu La Già. Do nhân duyên này khiến cho ông yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ cũng lại chẳng theo. La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm Thâu Lan Già thì có thể phạm xả đọa. Do nhân duyên này ông có thể yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ cũng lại chẳng theo, La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm xả đọa thì có thể phá Ba Dạ Ðề. Do nhân duyên này khiến ông yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ cũng lại chẳng theo, La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm Ba Dạ Ðề thì may mắn có thể hủy phá giới Ðột Cát La. Do nhân duyên này ông có thể được yên ổn vào với Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ, lòng tự nghĩ rằng : “Ta nay nếu phạm tôi Ðột Cát La mà chẳng phát lồ sám hối thì chẳng thể qua bờ kia của sinh tử để mà được Niết Bàn”. Ðại Bồ tát ở trong những giới luật vi tiểu (nhỏ mọn) hộ trì kiên cố, lòng như Kim cương. Ðại Bồ tát hộ trì bốn trọng cấm và Ðột Cát La thì kính trọng, kiên cố, bình đẳng không sai khác. Bồ tát nếu có thể kiên trì như vậy thì tức là đầy đủ năm chi các giới. Ðó là đầy đủ : Bồ tát căn bản nghiệp thanh tịnh giới, tiền hậu quyến thuộc dư thanh tịnh giới, Phi chư ác giác giác thanh tịnh giới, hộ trì chánh niệm niệm thanh tịnh giới, hồi hướng A nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề giới.

Này Ca Diếp ! Ðại Bồ tát này lại có hai thứ giới. Một là Thọ thế giáo giới, hai là được Chánh pháp giới. Bồ tát nếu được Chánh pháp giới thì nhất định chẳng làm ác. Thọ thế giới (giới răn của đời) là bạch bốn Yết-ma, rồi nhiên hậu mới được. Lại nữa, này thiện nam tử ! Có hai thứ giới. Một là Tính trọng giới, hai là giới chấm dứt chê bai hiềm khích của đời. Tính trọng giới là bốn trọng cấm, dứt thế kỵ hiềm giới là chẳng làm những việc buôn bán, khinh trọng, nhỏ lớn, lừa dối… đối với người, nhân thế lực người khác mà lấy tài vật của người, lòng hại trói buộc, phá hoại thành công, thắp sáng mà nằm, ruộng đất gieo trồng, gia nghiệp bày ra. Chẳng nuôi voi, ngựa, xe cộ, trâu dê, lạc đà, lừa, gà, chó, khỉ đột, công (khổng tước) anh vũ, chim cộng mạng và chim câu chỉ la, sài lang, cọp báo, mèo, chồn, heo lợn… và những ác thú khác, đồng nam, đồng nữ, trai lớn, gái lớn, nô tỳ, đồng bộc… Chẳng tích trữ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, kha cụ (ngọc kha)… các thứ báu. Chẳng chứa đồng đỏ, bạch lạp, du thạch (hợp kim đồng-kẽm), chén bát, đồ đựng, thảm lông, chiếu lông, áo cắm lông vũ, tất cả lúa gạo, đậu mì lớn nhỏ, gạo tẻ, gạo nếp, mè, đồ ăn sống hay chín… Bồ tát thường thọ một bửa ăn trong ngày, chưa từng ăn lần hai, nếu đi khất thực và ăn trong tăng chúng, Bồ tát thường biết dừng đủ, chẳng nhận lời mời khác, chẳng ăn thịt, chẳng uống rượu, năm vật cay nồng đều chẳng ăn. Vậy nên thân người ấy không có mùi xú uế. Bồ tát thường được sự cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi của chư thiên và tất cả người đời. Ði chân xin mà ăn, nhất định chẳng nhận đồ ăn lâu dài. Việc nhận quần áo chỉ đủ che thân. Tiến, dừng thường cùng ba y bát là đủ nhất định chẳng lìa bỏ như hai cánh chim. Chẳng nuôi căn tử (rễ, con), hành tử (hành :thân thảo), tiếp tử (nối liền), tiếp tử, tử tử (con con) (?), chẳng chứa bảo tàng hoặc vàng, hoặc bạc, đồ ăn, thức uống, nhà bếp, kho lẫm, quần áo, phục sức. Giường lớn cao rộng, giường ngà voi, giường vàng đan xen đủ màu đều chẳng ngồi, nằm. Chẳng chứa tất cả những loại chiếu nằm mềm mại. Chẳng ngồi lên cỏ voi, cỏ ngựa (cỏ của voi ngựa ăn). Chẳng dùng y phục thượng diệu mềm mại để trải giường nằm. Giường nghỉ ngơi ấy chẳng đặt hai gối ? Cũng chẳng nhận chứa gối đỏ diệu hảo, an đặt gối gỗ vàng (huỳnh mộc). Nhất định chẳng nhìn xem đấu voi, đấu ngựa, đấu xe, đấu binh, hoặc nam, hoặc nữ, trâu, dê, gà, trĩ, anh vũ.v.v… đánh nhau. Cũng chẳng cố đến nhìn xem quân trận. Cũng chẳng cố nghe thổi vỏ sò, tù và, đánh trống, đàn cầm, đàn sắt, đàn không hầu, đàn tranh, sáo, tiếng ca xướng kỹ nhạc, trừ khi cúng dường Phật. Trò chơi sư bồ (một trò đánh bạc), cờ vay, ba la tắc, sư tử tượng đấu, cờ đạn, sáu cách đánh bạc, đá cầu, ném đá, quăng túi, dắt đường, tám đường đi thành… Tất cả sự vui chơi đều chẳng nên làm. Nhất định chẳng xem tướng tay, chân, mặt, mắt. Chẳng dùng chân súc vật, gương, cỏ chi, cành liễu, bát chén, đầu lâu mà làm bói quẻ. Cũng chẳng ngước xem hư không tinh tú, trừ khi muốn giải sự hôn thụy (ngủ mê). Chẳng làm sứ mạng qua lại của vương gia, đem đây nói cho đó, đem đó nói cho đây. Nhất định chẳng dua nịnh, tà mạng nuôi sống mình. Cũng chẳng tuyên nói việc vua tôi, đạo tặc, đấu tranh, ăn uống, đất nước đói kém kinh sợ hay giàu thịnh an vui. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là giới của Ðại Bồ tát chấm dứt sự chê bai hiềm khích ở đời (Tức thế kỵ hiềm giới). Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát kiên trì  giới cấm ngăn chận như vậy cùng tính trọng giới bình đẳng không sai biệt.

Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát thọ trì những cấm giới như vậy rồi thì phát nguyện rằng : “Thà đem thân này gieo vào hầm sâu lửa cháy rực, nhất định chẳng hủy phạm việc chế cấm giới của chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại cùng con gái của sát lợi, bà la môn, cư sĩ.v.v… mà làm việc bất tịnh”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng sắt nóng bó buộc giáp vòng thân thể, nhất định chẳng dám đem thân phá giới mà nhận lấy quần áo của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng miệng này nuốt hòn sắt nóng, nhất định chẳng dám dùng miệng hủy giới mà ăn đồ ăn, thức uống của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà thân này nằm trên sắt rất nóng, nhất định chẳng dám dùng thân phá giới thọ đồ trải giường nằm của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà đem thân này chịu ba trăm giáo nhọn đâm, nhất định chẳng dám đem thân hủy giới mà nhận thuốc chữa bệnh của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà đem thân này gieo vào vạc sắt nóng, nhất định chẳng dám đem thân phá giới nhận phòng xá nhà cửa của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng chùy sắt đánh nát thân này từ đầu đến chân khiến cho như vi trần, chẳng đem thân phá giới nhận sự cung kính lễ bái của những Sát lợi, Bà la môn, cư sĩ”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng que sắt nóng móc đôi mắt của mình, chẳng dùng nhiễm tâm nhìn sắc đẹp người khác”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng dùi sắt đâm khắp cùng tai, chẳng dùng nhiễm tâm nghe âm thanh hay”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng dao bén cắt bỏ mũi của mình; chẳng dùng nhiễm tâm ham ngữi các mùi thơm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng dao bén cắt nát lưỡi của mình, chẳng dùng nhiễm tâm tham trước vị ngon”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng búa bén chém đứt thân mình, chẳng dùng nhiễm tâm tham trước những chạm xúc”. Vì sao vậy ? Vì do nhân duyên này có thể khiến cho hành giả đọa vào địa ngục, ngã quỉ, súc sinh. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát hộ trì cấm giới. Ðại Bồ tát hộ trì cấm giới như vậy rồi thì đều đem bố thí cho tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này  nguyện khiến cho chúng sinh hộ trì cấm giới được giới thanh tịnh, giới thiện, giới chẳng khuyết, giới chẳng chiết (gẩy), giới Ðại Thừa, giới chẳng thoái, giới tùy thuận, giới rốt ráo (tất cảnh) và thành tựu đầy đủ giới Ba la mật. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát khi tu trì giới thanh tịnh như vậy thì liền được trụ ở Bất động địa đầu tiên. Sao gọi là Bất động địa vậy ? Bồ tát trụ trong Bất động địa này thì chẳng động, chẳng đọa, chẳng thoái, chẳng tan. Này thiện nam tử! Ví như núi Tu Di, gió mạnh Tùy Lam chẳng thể làm cho lay động, rơi rớt, thoái, tan. Ðại Bồ tát trụ trong địa này cũng lại như vậy, chẳng bị sự lay động của sắc, thanh, hương, vị, chẳng đọa vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, chẳng thoái lui địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng bị tan theo gió tà kiến khác mà tạo tác tà mạng. Lại nữa, này thiện nam tử ! Chẳng động lại là chẳng bị sự lay động của tham dục, sân nhuế, ngu si. Lại chẳng đọa là chẳng rơi vào bốn trọng cấm. Lại chẳng thoái là chẳng lui lại nhà. Lại chẳng tán là chẳng bị sự tan hoại theo người trái nghịch Kinh điển Ðại Thừa. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng vậy chẳng bị sự khuynh động của các phiền não ma, chẳng bị sự đày đọa của ấm ma… cho đến ngồi ở dưới cây Bồ Ðề Ðạo Tràng, tuy có thiên ma nhưng chẳng thể làm cho Bồ tát ấy thoái lui Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cũng lại chẳng bị việc làm tan hoại của tử ma (ma chết). Này thiện nam tử ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát tu tập Thánh hạnh. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Thánh hạnh ? Thánh hạnh là sở hạnh của Phật và Bồ tát. Vậy nên gọi là Thánh hạnh. Do những gì mà gọi Phật, Bồ tát là Thánh nhân vậy ? Những người như vậy có pháp Thánh, thường quán các pháp tánh không tịch. Do nghĩa này nên gọi là Thánh nhân. Người đó có giới Thánh nên gọi là Thánh nhân, có định huệ Thánh nên gọi là Thánh nhân. Người đó có bảy   của cải Thánh là tín, giới, tàm quí, đa văn, trí tuệ, xả, ly nên gọi là Thánh nhân. Người đó có bảy Thánh giác nên gọi là Thánh nhân. Do nghĩa này nên lại gọi là Thánh hạnh.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Hạnh Thánh của Ðại Bồ tát là quan sát thân này từ đầu đến chân, trong ấy chỉ có tóc, lông, móng, răng chẳng sạch cấu bẩn, da, thịt, gân, xương, tỳ, thận, tim, phổi, gan, mật, ruột, bao tử sống chín hai tạng, đại tiểu tiện, nước mũi nước dãi, nước mắt, mỡ, mô não, tủy xương, mũ, máu, sọ não, các mạch. Khi Bồ tát chuyên tâm quán như vậy thì có cái gì là ta ? Ta thuộc cái gì ? Trụ ở chỗ nào ? Cái gì thuộc về ta ? Bồ tát lại nghĩ rằng : “Xương là ta ư ? Lìa khỏi xương là gì vậy ?” Khi Bồ tát trừ khử da thịt, chỉ quán xương trắng thì lại khởi ý niệm này : “Màu xương khác như là màu xanh, vàng, trắng, màu chim câu. Như vậy tướng xương cũng lại chẳng phải là ta. Vì sao vậy ? Vì ta cũng chẳng phải màu xanh, vàng, trắng và cả màu chim câu”. Khi Bồ tát buộc lòng tác khởi sự quan sát này thì liền được đoạn trừ tất cả sắc dục. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Như vậy xương là từ nhân duyên sinh ra. Nương nhờ xương bàn chân để chống đỡ xương gót chân. Nương nhờ xương gót chân để chỗng đỡ xương ống chân. Nương nhờ xương ống chân để chống đỡ xương đầu gối. Nương nhờ xương đầu gối để chống đỡ xương đùi vế. Nương nhờ xương đùi vế để chống đỡ xương mông. Nương nhờ xương mông để chống đỡ xương lưng (eo). Nương nhờ xương lưng để chống đỡ xương sống. Nương nhờ xương sống để chống đỡ xương sườn. Lại nhân trên xương sống chống đỡ xương cổ. Nương nhờ xương cổ để chống đỡ xương hàm. Nương nhờ xương hàm để chống đỡ răng. Trên có đầu lâu. Lại nhân xương cổ để chống đỡ xương vai. Nương nhờ xương vai để chống đỡ xương cánh tay. Nương nhờ xương cánh tay để chống đỡ xương cổ tay. Nương nhờ xương  cổ tay để chống đỡ xương bàn tay. Nương nhờ xương bàn tay để chống đỡ xương ngón tay. Khi Ðại Bồ tát quan sát như vậy thì số xương sở hữu của thân thể tất cả đều chia lìa. Bồ tát được cái quán này rồi thì liền đoạn trừ ba dục, một là hình mạo dục, hai là tư thái dục, ba là tế xúc dục. Khi Ðại Bồ tát quán xương xanh thì thấy đại địa này khắp Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới đều là tướng màu xanh. Như quán màu xanh, màu vàng, màu trắng, màu chim câu cũng lại như vậy. Khi Ðại Bồ tát tác khởi sự quan sát này thì vùng chân mày liền phát ra ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, màu chim câu.v.v… Ở trong mỗi một những ánh sáng này Bồ tát thấy có tượng Phật. Thấy rồi Bồ tát liền hỏi rằng : “Như thân này là bất tịnh, do nhân duyên hòa hợp chung thành mà sao lại được ngồi, dậy, đi, đứng, co, duỗi, cúi, ngước, nhìn, ngắm, hít thở, buồn khóc, vui cười ? Trong việc này không có chủ thì ai sai khiến vậy ?” Hỏi thế rồi thì các đức Phật trong ánh sáng bỗng nhiên biến mất. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Hoặc thức chính là ta nên khiến cho các đức Phật chẳng vì ta nói”. Bồ tát lại quan sát thức này theo thứ lớp sinh diệt giống như nước chảy thì cũng lại chẳng phải là ta. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này: “Nếu thức chẳng phải là ta thì thở ra, hít vào hoặc có thể là ta”. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Thở ra hít vào này chính là tính của gió mà tính gió đó mới là tứ đại thì trong tứ đại cái gì là ta. Tính của đất chẳng phải là ta. Tính của nước, lửa, gió cũng lại chẳng phải là ta”. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Thân này tất cả đều không có ta. Chỉ  có gió tâm nhân duyên hòa hợp, thị hiện ra đủ thứ nghiệp sở tác, ví như sức chú thuật làm ra điều huyễn hóa, cũng như đàn không hầu (giống đàn sắt) theo ý phát ra âm thanh. Vậy nên thân này bất tịnh như vậy. Giả sử mọi nhân duyên hòa hợp chung thành thì sẽ ở chỗ nào mà sinh ra tham dục ? Nếu bị mắng chửi hủy nhục thì lại ở chỗ nào mà sinh ra sân nhuế ? Như thân này của ta gồm ba mươi sáu vật bất tịnh dơ bẩn hôi thối thì có chỗ nào nhận sự mạ nhục. Nếu nghe lời mạ nhục ấy thì Bồ tát liền suy nghĩ rằng : “Do âm thanh gì mà thấy mạ nhục vậy ? Mỗi một âm thanh riêng rẻ chẳng thể thấy mạ nhục mà nếu một chẳng thấy thì nhiều cũng vậy thôi. Do nghĩa này nên chẳng nên sinh ra sân giận. Nếu người khác đánh đập thì cũng nên suy nghĩ rằng : “Như vậy đánh từ đâu mà sinh ra ?” Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Nhân có tay, dao gậy và cả thân ta nên được gọi là đánh. Ta nay vì duyên gì mà ngang ngược sân giận với người khác ? Chính thân ta tự chuốc lấy lỗi lầm đó là do ta thọ tấm thân năm ấm này. Ví như nhân vào cái đích thì mới có trúng tên, thân ta cũng vậy, có thân thì có đánh. Ta nếu chẳng nhẫn thì lòng tán loạn. Nếu lòng tán loạn thì mất chánh niệm. Nếu mất chánh niệm thì chẳng thể quan sát nghĩa thiện và chẳng thiện. Nếu chẳng thể quan sát nghĩa thiện và chẳng thiện thì làm ác pháp. Nhân duyên ác pháp thì rơi vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Khi Bồ tát tác khởi sự quan sát đó rồi thì được Tứ niệm xứ. Ðược Tứ niệm xứ rồi thì được trụ ở Kham nhẫn địa. Ðại Bồ tát trụ ở địa này rồi thì có thể kham nhẫn tham dục, sân nhuế, ngu si, cũng có thể kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, rận, rệp, gió bão, va chạm việc dữ, đủ thứ dịch bệnh, ác khẩu, mắng chửi, đánh đập, đánh bằng gậy… Thân tâm khổ não, tất cả đều có thể nhịn chịu. Vậy nên đó gọi là trụ ở Kham nhẫn địa.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Bồ tát chưa được trụ ở Bất Ðộng Ðịa, khi tịnh trì giới, như có nhân duyên thì có được phá giới không ?

– Này thiện nam tử ! Bồ tát chưa trụ ở Bất Ðộng địa nếu có nhân duyên thì có thể được phá giới.

Ngài Ca Diếp thưa rằng :

– Kính thưa đức Thế Tôn ! Thế nào là được vậy ?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này Ca Diếp ! Nếu có Bồ tát biết dùng nhân duyên phá giới thì có thể khiến cho người thọ trì, yêu thích Kinh điển Ðại Thừa. Lại có thể khiến cho người ấy đọc tụng thông lợi, ghi chép kinh quyển, rộng vì người khác diễn nói chẳng thoái chuyển đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì như vậy nên Bồ tát được phá giới. Bấy giờ, Bồ tát nên khởi ý niệm này : “Ta thà một kiếp hay giảm một kiếp, rơi vào địa ngục A tỳ thọ tội báo này chỉ cần khiến cho người đó chẳng thoái chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác !” Này Ca Diếp ! Do nhân duyên này nên Ðại Bồ tát được hủy phạm tịnh giới !

Lúc bấy giờ, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Như có Bồ tát nhiếp lấy hộ trì người như vậy khiến cho chẳng thoái chuyển tâm Bồ Ðề mà vì sự hủy giới đó nếu đọa địa ngục A Tỳ thì không có điều này.

Bấy giờ đức Phật khen ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :

– Hay thay ! Hay thay ! Ðúng như lời nói của ông ! Ta nhớ thuở xa xưa, ở cõi Diêm phù đề, ta làm đại quốc vương tên là Tiên Dự, yêu thích kính trọng Kinh điển Ðại Thừa. Tâm vua ấy thuần thiện, không có thô ác, tật đố, san lận. Miệng vua thường tuyên nói ái ngữ, thiện ngữ. Thân vua thường nhiếp hộ kẻ bần cùng, cô độc, bố thí tinh tấn không có ngưng bỏ. Thời thế không có Phật, Thanh Văn, Duyên Giác. Ta vào lúc bấy giờ yêu thích Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng, trong mười hai năm phụng sự Bà la môn, cung cấp sự cần dùng cho họ. Qua mười hai năm bố thí yên ổn xong rồi, taliền nói rằng : “Thưa các thầy, hôm nay các thầy nên phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác !” Bà la môn nói rằng : “Này Ðại vương ! Tính Bồ Ðề là không sở hữu. Kinh điển Ðại Thừa cũng lại như vậy thì tại sao đại vương lại muốn khiến cho con người đồng với hư không”. Này thiện nam tử ! Vào lúc bấy giờ, lòng ta trọng Ðại Thừa mà nghe Bà la môn bài báng Phương Ðẳng nên nghe xong ta tức thời giết chết người ấy. Này thiện nam tử ! Do nhân duyên này nên từ đó về sau ta chẳng rơi vào địa ngục.

Này thiện nam tử ! Ủng hộ nhiếp trì Kinh điển Ðại Thừa mới có thế lực không lường như vậy. Lại nữa, này Ca Diếp ! Lại có Thánh hạnh, gọi là  bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Này Ca Diếp ! Khổ là tướng bức bách. Tập là tướng năng sinh trưởng (có năng lực sinh trưởng). Diệt là tướng tịch diệt. Ðạo là tướng Ðại Thừa. Lại nữa, này thiện nam tử ! Khổ là hiện tướng. Tập là chuyển tướng. Diệt là trừ tướng. Ðạo là năng trừ tướng (tướng có khả năng trừ diệt). Lại nữa, này thiện nam tử ! Khổ thì có ba tướng là tướng khổ khổ, tướng hành khổ, tướng hoại khổ. Tập là hai mươi lăm cõi hữu. Diệt là diệt hai mươi lăm cõi hữu. Ðạo là tu Giới, Ðịnh, Tuệ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Pháp hữu lậu có hai thứ là có Nhân, có Quả. Pháp vô lậu cũng có hai thứ là có Nhân, có Quả. Quả hữu lậu thì gọi là Khổ. Nhân hữu lậu thì gọi là Tập. Quả vô lậu thì gọi là Diệt. Nhân vô lậu thì gọi là Ðạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Tám tướng gọi là khổ như là : Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Có khả năng sinh ra tám khổ như vậy thì gọi là Tập. Không có tám điều khổ như vậy thì đó gọi là Diệt. Mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ (?), Ðại bi… đó gọi là Ðạo. Này thiện nam tử ! Sinh là tướng hiện ra, có năm thứ, một là sơ xuất, hai là chí chung (đến cuối cùng), ba là tăng trưởng, bốn là xuất thai (ra khỏi thai), năm là chủng loại sinh. Những gì là Lão ? Lão có hai thứ, một là niệm niệm lão, hai là chung thân lão. Lại có hai thứ lão nữa, một là tăng trưởng lão, hai là diệt hoại lão. Ðó gọi là lão. Sao gọi là bệnh ? Bệnh là gọi rắn độc bốn đại đắp đổi nhau chẳng điều hòa thích hợp, cũng có hai thứ, một là thân bệnh, hai là tâm bệnh. Thân bệnh có năm, một là nhân nước, hai là nhân gió, ba là nhân nóng, bốn là tạp bệnh, năm là khách bệnh. Khách bệnh (bệnh do nguyên nhân khách quan) có bốn, một là chẳng phải phận mà cưỡng làm, hai là quên lầm rơi rụng, ba là dao gậy gạch đá, bốn là sự bám lấy của quỉ mị. Tâm bệnh cũng có bốn thứ, một là nhảy nhót, hai là sợ hãi, ba là ưu sầu, bốn là ngu si. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bệnh của thân tâm thường có ba thứ. Những gì là ba ? Một là nghiệp báo, hai là chẳng được lìa xa các ác đối tác, ba là thời tiết thay đổi. Chúng sinh ra những nhân duyên như vậy với tên gọi và sự phân biệt thọ bệnh. Nhân duyên của bệnh là gió.v.v… các bệnh. Tên gọi là lòng buồn bực, phổi trướng, khí lên, ho, tâm nghịch, đi lị… Thọ phân biệt là đau đầu, đau mắt, đau tay chân.v.v… Ðó gọi là bệnh. Những gì là chết ? Chết là bỏ sự thọ thân. Bỏ sự thọ thân cũng có hai thứ , một là chết do mạng hết, hai là chết do ngoại duyên. Chết do mạng tận (hết) cũng có ba thứ, một là mạng hết chẳng phải là phước hết, hai là phước hết chẳng phải làmạng hết, ba là phước mạng đều hết. Chết do ngoại duyên cũng có ba thứ, một là chẳng phải số phận mà tự hại chết, hai là ngang ngược vì người khác mà chết, ba là đều chết. Lại có ba thứ chết, một là chết phóng dật (buông lung), hai là chết phá giới, ba là chết hoại mạng căn. Những gì gọi là chết phóng dật ? Nếu có bài báng Ðại Thừa Phương Ðẳng Bát Nhã Ba la mật thì gọi là chết phóng dật. Sao gọi là chết phá giới ? Hủy phạm sự chế cấm giới của chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại thì đó gọi là chết phá giới. Sao gọi là chết hoại mạng căn ? Bỏ thân năm ấm thì đó gọi là chết hoại mạng căn. Như vậy gọi rằng chết là đại khổ. Sao gọi là ái biệt ly khổ ? Vật yêu thích bị phá hoại lìa tan. Vật yêu thích bị phá hoại lìa tan cũng có hai thứ, một là trong người năm ấm hoại, hai là trong trời năm ấm hoại. Như vậy sự yêu thích năm ấm của người trời phân biệt tính kể có vô lượng thứ. Ðó gọi là ái biệt ly khổ. Sao gọi là oán tắng hội khổ ? Việc chẳng yêu thích mà chung tụ tập. Việc chẳng yêu thích mà chung tụ tập cũng có ba thứ. Ðó là địa ngục, ngã quỉ, súc sinh. Như vậy ba đường phân biệt tính kể có vô lượng thứ. Như vậy thì gọi là oán tắng hội khổ. Sao gọi là cầu bất đắc khổ ? Khổ cầu chẳng  được cũng có hai thứ, một là điều mình hy vọng mà cầu chẳng thể được, hai là dùng nhiều công lực mà chẳng được quả báo. Như vậy thì gọi là cầu bất đắc khổ. Sao gọi là ngũ thịnh ấm khổ ? Ngũ thịnh ấm khổ là sinh khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ. Vậy nên gọi là ngũ tịnh ấm khổ. Này Ca Diếp ! Căn bản của sinh thường có bảy thứ khổ như vậy. Lão khổ… cho đến ngũ thịnh ấm khổ, này Ca Diếp ! Bàn về lão suy thì chẳng phải tất cả có mà Phật và chư thiên nhất định là không còn trong loài người thì bất định, hoặc có, hoặc không. Này Ca Diếp ! Thọ thân trong ba cõi không loài nào chẳng có sinh mà già thì chẳng nhất định. Vậy nên tất cả sinh là căn bản. Này Ca Diếp ! Chúng sinh trong thế gian bị điên đão che tâm mà tham trước tướng sinh, chán hoạn sinh tử. Bồ tát chẳng vậy, quan sát lúc mới sinh, đã thấy có lỗi hoạn. Này Ca Diếp ! Như có người con gái vào ở nhà người khác. Người có gái này đoan chính, nhan mạo đẹp đẽ, trang nghiêm thân bằng chuỗi ngọc đẹp. Người chủ nhà thấy rồi liền hỏi rằng : “Nàng tên gì ? Hệ thuộc ai ?” Người con gái đáp rằng : “Thân ta tức là trời lớn Công Ðức (Công Ðức Ðại Thiên)”. Người chủ hỏi rằng : “Nàng làm gì chỗ nàng đến ?” Trời nữ (nữ thiên đáp rằng : “Chỗ ta đến, ta có thể ban cho đủ thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, bộc sứ…” Người chủ nghe rồi, lòng sinh vui mừng, nhảy nhót không lường mà nói rằng : “Ta nay có phước đức nên khiến cho nàng đi đến nhà cửa của ta!” Người chủ liền đốt hương, tung hoa cúng dường, cung kính lễ bái. Lại ở ngoài cửa, người ấy lại thấy một người con gái hình dung xấu xí, quần áo rách rưới, nhiều những cấu bẩn, da dẻ nứt nẻ mà màu trắng bệch. Thấy rồi, người chủ hỏi rằng : “Nàng tên gì ? Hệ thuộc với ai ?” Người con gái đáp rằng : “Tôi tên là Hắc Ám !” Người chủ lại hỏi : “Vì sao tên là Hắc Ám ?” Người con gái đáp rằng : “Chỗ ta đến có thể khiến cho của báu sở hữu của nhà ấy, tất cả bị suy hao”. Người chủ nghe rồi liền cầm dao bén mà nói rằng : “Nàng nếu chẳng đi ta sẽ giết nàng !” Người con gái đáp rằng : “Ông rất ngu si, không có trí tuệ !” Người chủ hỏi rằng : “Vì sao gọi ta ngu si, không trí tuệ ?”Người con gái đáp rằng : “Người trong nhà của ông tức là chị của ta. Ta thường cùng chị   tiến, dừng chung cùng. Nếu ông đuổi ta thì cũng sẽ đuổi chị đó!” Người chủ quay lại vào hỏi trời Công Ðức rằng : “Bên ngoài có một người con gái nói là chị của nàng ! Có thật thế không ?” Trời Công Ðức nói rằng : “Quả thật là em của ta ! Ta cùng người em này đi, đứng chung, chưa từng rời nhau theo chỗ sở trụ. Ta thường tạo tác cái tốt, người đó thường tạo tác cái xấu. Ta làm lợi ích, người đó làm suy tổn. Nếu ông yêu ta thì cũng nên yêu người đó. Nếu ông cung kính ta thì cũng nên cung kính người đó !” Người chủ liền nói rằng : “Nếu có sự tốt xấu như vậy thì ta đều chẳng dùng ! Các nàng đều tùy ý mà đi!” Lúc đó hai người con gái liền cùng đem nhau trở về chỗ ở của họ. Bấy giờ người chủ thấy họ đã đi trở về, lòng sinh vui mừng, nhảy nhót không lường. Lúc đó, hai người con gái lại cùng nhau theo đến một nhà nghèo. Người nghèo thấy rồi, lòng phát sinh vui mừng, liền mời họ rằng : “Hai nàng đã đến, từ nay nguyện xin hai nàng hãy thường trụ ở nhà tôi !” Trời Công Ðức nói rằng : “Trước đây, chúng ta đã bị người khác xua đuổi vì nhân duyên gì ông lại đều mời chúng tôi ở ?” Người nghèo đáp rằng : “Nàng nay nghĩ đến tôi ! Tôi nhờ nàng nên lại phải cung kính nàng kia. Vậy nên tôi đều thỉnh hai vị trụ ở nhà tôi”. Này Ca Diếp ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, chẳng nguyện sinh lên trời vì có sinh thì sẽ có lão, bệnh, chết vậy. Do đó đều bỏ hết, từng không có thọ tâm (lòng thọ nhận). Người phàm phu ngu si chẳng biết những lỗi hoạn của già, bệnh, chết.v.v… nên tham thọ hai pháp sinh tử. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như đứa trẻ con ấu trĩ Bà la môn bị sự bức bách của đói khát, thấy trong phân người có trái cây Am La, liền thủ lấy. Có người trí nhìn thấy liền quở trách rằng : “Này Bà la môn ! Ngươi chủng tính thanh tịnh mà vì sao thủ lấy trái cây bẩn chứa trong phân này ?” Ðứa trẻ nghe rồi đỏ mặt thẹn tùng, liền đáp rằng : “Tôi thật chẳng ăn, muốn rửa sạch rồi lại bỏ nó đi !” Người trí nói rằng : “Ngươi rất ngu si! Nếu lại bỏ đi thì trước chẳng nên lấy !” Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, đối với phần sinh này chẳng nhận, chẳng bỏ như người trí kia quở trách đứa trẻ. Người phàm phu mừng sinh, ghét chết như đứa trẻ kia lấy quả, lại bỏ đi. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người ở đầu ngã tư đường lớn với dụng cụ đựng đầy đồ ăn sắc hương mỹ vị mà muốn bán. Có người từ xa đến, đói rỗng gầy yếu thấy đồ sắc hương vị của đồ ăn người ấy liền chỉ mà hỏi rằng : “Ðây là vật gì ?” Người chủ đồ ăn đáp rằng : “Ðây là đồ ăn sắc hương vị thượng hạng ! Nếu ăn món ăn này thì được sắc, được lực, có thể trừ đói khát, được thấy chư thiên, chỉ có bị một hoạn nạn là mạng chung”. Người đó nghe rồi liền nghĩ rằng : “Ta nay chẳng cần sắc lực hay thấy trời, cũng chẳng cần chết”. Hắn liền nói rằng : “Ăn món ăn này rồi nếu mạng chung thì ông hôm nay làm gì bán nó ở đây ?” Người chủ đồ ăn đáp rằng : “Người có trí nhất định chẳng chịu mua, chỉ có người ngu chẳng biết việc này khen giá trị đồ ăn của ta, tham mà ăn đó thôi !” Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, chẳng nguyện sinh lên trời, được sắc, được lực và thấy chư thiên. Vì sao vậy ? Vì những điều ấy chẳng khỏi được các khổ não. Kẻ phàm phu ngu si theo chỗ có sinh, đều tham ái vì họ chẳng thấy già, bệnh, chết vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như cây độc, rễ  có thể giết người, cành, gốc, thân, đốt, vỏ, lá, hoa, trái đều cũng có thể giết. Này thiện nam tử ! Việc thọ năm ấm ở chỗ thọ sinh của hai mươi lăm cõi hữu cũng lại như vậy, tất cả có thể giết hại. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như phân bẩn dù ít hay nhiều đều thối. Này thiện nam tử ! Sinh cũng thế, giả sử sống lâu tám vạn xuống đến mười năm thì đều thọ khổ. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như trên bờ hiểm có cỏ che phủ. Ở bên bờ đó có nhiều cam lộ mà nếu có người ăn thì sống lâu một ngàn tuổi, vĩnh viễn tiêu trừ các bệnh, yên ổn khoái lạc. Người phàm phu ngu si tham ăn vị ấy nên chẳng biết bên dưới bờ ấy có hầm rất sâu, liền trước muốn lấy mà chẳng hay sa chân rơi vào hầm mà chết. Kẻ trí biết rồi lìa bỏ đi xa. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, còn chẳng muốn thọ món ăn thượng diệu của trời, huống lại là của trong loài người. Người phàm phu mới ở địa ngục nuốt hòn sắt nóng, huống lại là món ăn ngon lành thượng diệu của người trời mà có thể chẳng ăn. Này Ca Diếp ! Do những thí dụ như vậy và vô lượng vô biên thí dụ khác nên ông phải biết là sinh quả thật là Ðại Khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn mà quan sát sinh khổ !

Này Ca Diếp ! Sao gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn này mà quan sát lão khổ ? Lão thì có thể bị ho, khí lên ngược, có thể hủy hoại dũng lực, nhớ nghĩ, tiến giữ những khoái lạc, kiêu mạn cống cao, yên ổn, mặc ý mình của thời trai tráng, có thể làm lưng còng, giải đãi lười biếng, bị sự khinh thường của người khác. Này Ca Diếp ! Ví như trong ao nước đầy hoa sen nở phô bày vẻ tươi đẹp rất đáng yêu thích thì gặp phải trời mưa đá đều bị tan nát. Này thiện nam tử ! Lão cũng như vậy, đều có thể phá hoại sắc đẹp của thời trai tráng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như vị quốc vương có một bề tôi trí tuệ (trí thần) giỏi biết binh pháp. Có vua nước địch chống cự lại chẳng thuận theo. Nhà vua sai vị bề tôi giỏi này đến hỏi tội (thảo phạt) vị vua địch đó, và ông liền bắt được đem về cho vua. Già cũng như vậy, bắt giữ được hình sắc tráng kiện đem giao cho vua chết. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như cái trục xe gẫy không sao lại dùng được. Lão cũng như vậy, không sao lại dùng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như đại phú gia có nhiều của báu như vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não… có những oán tặc, nếu chúng vào nhà người ấy thì liền có thể cướp đọat khiến cho rỗng không hết. Này thiện nam tử ! Sắc đẹp trai trẻ cũng lại như vậy, thường bị sự cướp đọat của giặc Già (lão tặc) Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như người ngèo tham trước món ăn ngon, áo quần êm dịu. Tuy họ lại hy vọng nhưng mà chẳng thể được. Này thiện nam tử! Lão cũng như vậy, tuy có lòng tham muốn thọ giàu có an vui, năm dục thỏa lòng mình nhưng mà chẳng thể được. Lại nữa, này Ca Diếp ! Lòng rùa  đất thường nghĩ đến nước. Này thiện nam tử ! Người cũng như vậy, đã bị sự khô héo của lão suy thì lòng thường nhớ nghĩ khi tráng kiện đã hưởng thụ niềm vui năm dục. Lại nữa, này Ca Diếp ! Vào mùa thu, những hoa sen vốn đã được sự ưa ngắm nhìn của tất cả thì nay những hoa ấy héo vàng bị sự khinh ghét của mọi người. Này thiện nam tử ! Tuổi trẻ tráng kiện cũng lại như vậy, đều được sự yêu thích của tất cả, khi Lão ấy đến thì bị sự khinh ghét của mọi người. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như cây mía đã bị ép lấy nước rồi thì không còn vị nữa. Tuổi trẻ tráng kiện cũng lại như vậy, đã bị lão (già) ép rồi thì không còn ba thứ vị, một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị ngồi thiền. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như đêm trăng tròn nhiều ánh sáng, ngày thì chẳng vậy. Này thiện nam tử ! Người cũng như vậy, trai tráng thì đoan nghiêm, hình mạo đẹp đẽ, già thì suy yếu, hình mạo, thần thái khô héo, tiều tụy. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có vị vua thường dùng chính pháp trị nước, an dân, chân thật không quanh co, thương xót ưa bố thí. Nhà vua vì sự phá hoại của nước địch lưu ly trốn chạy đến nước khác. Nhân dân nước khác thấy mà thương xót ngài, đều nói rằng : “Ðại vương thuở trước dùng Chính pháp trị nước, chẳng ép uổng bá tính (vạn tính) mà sao một sớm phải lưu ly đến đây ?” Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, đã bị sự bại hoại của lão suy rồi thì thường khen việc tạo lập sự nghiệp thời trai tráng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như bấc đèn chỉ nhờ dầu mỡ, dầu mỡ đã hết thì chẳng bao lâu phải dừng. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, chỉ nhờ cậy vào mỡ tráng kiện, mỡ tráng kiện đã hết thì bấc đèn lão suy chẳng bao lâu sẽ dừng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như dòng sông khô chẳng thể lợi ích cho người và chẳng phải người, chim bay, thú chạy. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, bị sự khô cạn của lão thì chẳng thể lợi ích cho tất cả những tác nghiệp. Lại nữa, này Ca Diếp ! Cây đại thọ đứng bên bờ sông lâm nguy nếu gặp gió dữ thì ắt ngã đổ. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, đến bờ lão hiểm nguy mà gió chết đã đến thì thế chẳng được trụ. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như trục xe gẫy thì chẳng đủ sức chở nặng. Này thiện nam tử ! Lão cũng như vậy, chẳng thể hỏi han, thính thọ tất cả thiện pháp. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như đứa trẻ con bị sự rẻ rúng của con người. Này thiện nam tử ! Lão cũng như vậy, thường bị sự khinh chê của tất cả. Này Ca Diếp ! Do những ví dụ đó và còn vô lượng vô biên ví dụ nữa nên ông phải biết rằng, lão thật là đại khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát Lão khổ.

Này Ca Diếp ! Sao gọi là Ðại Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát bịnh khổ. Sở dĩ gọi bệnh là có thể hoại tan tất cả những việc vui yên ổn, ví như mưa đá làm thương tổn hủy hoại cây lúa. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như người có oán cừu, lòng thường lo buồn mà ôm lấy sợ hãi. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, thường sợ bệnh khổ, lòng ôm lo rầu. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người hình mạo đoan chính bị lòng dục của vợ vua ái mộ, đưa tin ép gọi đến cùng chung giao thông. Vị vua bắt được, liền sai người móc một mắt, cắt một tai, chặt một tay, một chân của người ấy. Người đó, bấy giờ hình dung đổi khác, bị người khinh ghét. Này thiện nam tử ! Con người cũng vậy, trước tuy đoan chính, tai mắt đầy đủ, nhưng đã bị sự trói buộc bức bách của bệnh khổ rồi thì bị sự gớm ghiếc của mọi người. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như cây chuối, tre trúc, lau sậy và con La (loa) hễ có con thì chết. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, hễ có bệnh thì chết. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như đại thần chủ binh của vua Chuyển Luân thường ở trước dẫn đường, còn vua theo sau mà đi. Cũng như vua cá, vua kiến, vua ốc, vua trâu, thương chủ đi ở trước thì như vậy các chúng đều đi theo, không rời bỏ. Này thiện nam tử ! Vua Tử Chuyển Luân cũng lại như vậy, thường theo bệnh thần, chẳng lìa bỏ nhau. Vua bệnh cá, kiến, ốc, trâu, thương chủ cũng lại như vậy, thường bị sự theo đuổi của tử chúng. Này Ca Diếp ! Bệnh nhân duyên là gọi sự khổ não, sầu lo, bi thán, thân tâm chẳng yên, hoặc là sự bức hại của oán tặc, phá hoại phao nổi, triệt phá cầu, cũng có thể cướp đoạt chánh niệm căn bản. Lại có thể là sự phá hoại sắc đẹp thịnh tráng, thế lực an lạc, trừ bỏ tàm quí. Có thể là vì thân tâm bị thiêu nóng rực cháy. Do những ví dụ này và còn vô lượng vô biên ví dụ khác nên ông phải biết, bệnh khổ chính là đại khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát bệnh khổ.

Này Ca Diếp ! Sao gọi là Bồ tát tu hạnh Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát tử khổ. Sở dĩ gọi tử (chết) là có thể thiêu diệt vậy. Này Ca Diếp ! Như tai họa lửa khởi lên thì có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ Nhị thiền sức lửa chẳng đến được. Này thiện nam tử ! Lửa tử cũng vậy, có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn thì thế lửa tử chẳng bì kịp. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như tai họa nước khởi lên thì tất cả trôi dạt chìm mất, chỉ trừ Tam Thiền, sức nước chẳng đến. Này thiện nam tử ! Nước tử cũng vậy, làm trôi dạt chìm mất tất cả, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như tai họa gió khởi lên thì có thể thổi tất cả khiến cho tan diệt hết, chỉ trừ Tứ thiền thì sức gió chẳng đến được. Này thiện nam tử ! Gió tử cũng vậy, có thể thổi diệt tất cả sỡ hữu, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Thiền thứ tư kia vì nhân duyên gì mà gió chẳng thể thổi, nước chẳng thể nổi, lửa chẳng thể cháy ?

Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

– Này thiện nam tử ! Thiền thứ tư đó, lỗi hoạn trong ngoài tất cả đều không có. Này thiện nam tử ! Lỗi hoạn của Sơ thiền, bên trong có giác quán, bên ngoài có tai họa lửa. Lỗi hoạn của Nhị thiền, bên trong có hoan hỷ, bên ngoài có tai họa nước. Lỗi hoạn của Tam thiền, bên trong có hít thở, bên ngoài có tai họa gió. Này thiện nam tử ! Ðệ Tứ thiền kia, lỗi hoạn trong ngoài, tất cả đều không. Vậy nên các tai họa chẳng thể theo kịp. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, an trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn thì lỗi hoạn trong ngoài, tất cả đều hết. Vậy nên vua Tử chẳng thể theo kịp. Lại nữa, này thiện nam tử ! Như con chim cánh vàng có thể nuốt ăn, có thể tiêu hóa tất cả rồng, cá, vàng, bạc, các báu.v.v… chỉ trừ Kim cương nó chẳng thể khiến cho tiêu hóa. Này thiện nam tử ! Con chim cánh vàng tử cũng lại như vậy, có thể ăn nuốt, có thể tiêu hóa tất cả chúng sinh, chỉ chẳng thể tiêu hóa được Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp! Ví như cỏ cây sẵn có ở bờ sông, gặp nước lớn lênh láng thì nổi trôi theo vào với biển cả, chỉ trừ cây dương liễu vì cây ấy mềm mại. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, đều trôi xuôi vào với tử hải, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như Na la diên có thể tiêu diệt, hàng phục tất cả lực sĩ, chỉ trừ gió lớn. Vì sao vậy ? Vì không ngăn ngại vậy. Này thiện nam tử ! Tử Na la diên cũng lại như vậy, có thể tiêu diệt hàng phục hết tất cả chúng sinh, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì không ngăn ngại vậy. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người ở trong oán ghét mà trá hiện sự thân thiện, thường truy đuổi nhau như bóng theo hình để dò tìm thuận tiện mà giết chết kẻ oán đó. Kẻ oán kia cẩn thận tự phòng bị chắc chắn nên khiến cho người đó chẳng thể  giết được. Này thiện nam tử ! Tử oán cũng vậy, thường theo dõi chúng sinh mà muốn giết hại họ, chỉ chẳng thể giết Ðại Bồ tát trụở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát đó chẳng buông lung vậy. Lại nữa, này Ca Diếp !  Ví như mưa đá bỗng nhiên tuông xuống Kim cương lớn, phá hoại hết cây thuốc, cây cối, núi rừng, đất cát, gạch, đá, vàng, bạc, lưu ly… tất cả mọi vật, chỉ chẳng thể hủy hoại chân bảo Kim cương. Này thiện nam tử ! Mưa Kim cương tử cũng lại như vậy, có thể phá hoại hết tất cả chúng sinh, chỉ trừ Bồ tát Kim Cương trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như chim cánh vàng có thể ăn nuốt các rồng, chỉ chẳng thể ăn nuốt con đã thọ tam qui. Này thiện nam tử ! Chim cánh vàng tử cũng lại như vậy, có thể ăn nuốt tất cả vô lượng chúng sinh, chỉ trừ Bồ tát trụ ở ba Ðịnh. Sao gọi là ba Ðịnh ? Ðó là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Lại nữa, này Ca Diếp! Phàm nọc độc của con rắn độc Ma La, tuy có chú hay, thuốc tốt thượng diệu nhưng không làm gì được ? Chỉ có chú A yết la tinh mới có khiến cho độc trừ khỏi. Này thiện nam tử ! Nọc độc của tử độc cũng lại như vậy, tất cả phương thuốc trị độc không gì hiệu nghiệm, chỉ trừ Bồ tát trụ ở chú Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người bị vua giận. Người ấy, hoặc có thể dùng lời êm ái tốt lành hay cống dâng của báu thì có thể được thoát khỏi. Này thiện nam tử ! Tử vương (vua chết) chẳng vậy, tuy dùng lời êm ái hay tiền của trân bảo mà cống dâng lên, nhưng cũng chẳng được thoát. Này thiện nam tử ! Phàm người chết thì ở chỗ hiểm nạn không có của cải lương thực, đi đến chỗ xa mờ mà không có bạn bè, ngày đêm đi mãi chẳng biết bờ cõi, sâu thẳm tối tăm không có đèn sáng. Vào không cửa nẻo mà không có xứ sở, tuy không chỗ đau nhưng chẳng thể trị liệu, qua không ngăn chặn, đến chẳng được thoát, không có sự phá hoại, người thấy sầu độc, chẳng phải là ố sắc (màu sắc xấu bẩn) mà khiến cho người sợ, bầy ở bên thân mà chẳng thể hay biết. Này Ca Diếp ! Do những thí dụ này và còn vô lượng vô biên thí dụ khác nên ông phải biết là, tử quả thật là Ðại Khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát tử khổ.

Này Ca Diếp ! Sao gọi là Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn quan sát ái biệt ly khổ ? Ái biệt ly khổ có thể là căn bản của tất cả mọi khổ, như kệ nói rằng :

Nhân ái sinh lo

Nhân ái sinh sợ

Với ái nếu lìa

Có gì lo sợ.

Nhân duyên ái thì sinh ra ưu khổ. Do ưu khổ nên khiến cho chúng sinh sinh ra suy lão. Ái biệt ly khổ như là mạng chung. Này thiện nam tử ! Do biệt ly nên có thể sinh ra đủ thứ những khổ vi tế. Nay ta sẽ vì ông phân biệt và hiển thị cho ! Này thiện nam tử ! Ðời quá khứ, khi con người thọ mạng không lường thì đời có vị vua tên là Thiện Trụ. Bấy giờ, vị vua ấy thời gian làm thân đồng tử, làm thái tử lo liệu việc và lên ngôi vua đều trải qua tám muôn bốn ngàn năm. Trên đỉnh đầu của vua sinh ra một nốt phỏng thịt. Nốt phỏng ấy mềm mại như lụa Ðâu La, mịn màng như Kiếp Bối, dần dần tăng trưởng mà chẳng gây ra hoạn. Ðủ tròn mười tháng nốt phỏng ấy liền mở banh sinh ra một đồng tử. Hình dung đồng tử ấy đoan chính kỳ lạ vô song. Sắc tướng phân minh số một trong loài người. Vua cha vui mừng đặt tên là Ðỉnh Sanh. Vua Thiện Trụ liền đem quốc sự giao phó cho Ðỉnh Sanh, xả bỏ cung điện, vợ con, quyến thuộc, vào núi học đạo trọn tám muôn bốn ngàn năm. Bấy giờ, Ðỉnh Sanh vào ngày mười lăm, ở tại lầu cao tắm gội, thọ trai thì tức thời ở phương Ðông có Kim Luân Bảo. Bánh xe ấy đầy đủ ngàn nan hoa, bầu, vành mà chẳng do thợ mộc chế tạo, tự nhiên thành tựu ứng đến. Ðại vương Ðỉnh Sanh liền nghĩ rằng : “Ta xưa từng nghe tiên ngũ thông nói, nếu vua Sát Lợi vào ngày mười lăm ở tại cao lâu, tắm gội, thọ trai, nếu có bánh xe vàng ngàn nan hoa chẳng giảm, đầy đủ bầu, vành mà chẳng do thợ mộc làm, tự nhiên thành tựu ứng đến thì phải biết là vua này liền sẽ được làm Chuyển Luân Thánh Ðế”. Vua lại nghĩ rằng : “Ta nay sẽ thử !” Ông liền dùng tay trái nâng bánh xe báu này, tay phải cầm lư hương, quì gối phải xuống đất mà phát thệ rằng : “Kim Luân Bảo này nếu chân thật chẳng hư dối thì nên như việc làm đạo pháp của Chuyển Luân Thánh Vương đời quá khứ !” Nói lời thề này rồi, Kim Luân Bảo đó bay lên hư không, đi khắp mười phương, rồi trở lại trụ ở tay trái của vua Ðỉnh Sanh. Lúc bấy giờ Vua Ðỉnh Sanh, lòng phát sinh vui mừng, nhảy nhót không lường, lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định làm Chuyển Luân Thánh Vương. Sau ấy chẳng bao lâu, lại có tượng bảo, hình dáng đoan nghiêm như hoa sen trắng với bảy chi chống đất. Vua Ðỉnh Sanh thấy rồi lại nghĩ rằng : “Ta thuở xưa từng nghe tiên ngũ thông nói rằng, nếu vua Chuyển Luân vào ngày mười lăm, ở tại lầu cao, tắm gội, thọ trai mà nếu có tượng bảo hình dáng đoan nghiêm như hoa sen trắng, bảy chi chống đất ứng đến thì phải biết rằng, vị vua này tức là Thánh đế”. Vua lại nghĩ rằng : “Ta nay sẽ thử !” Ông liền nâng lư hương, quì gối phải xuống đất mà phát thệ rằng : “Bạch tượng bảo này nếu chân thật, chẳng hư dối thì nên như việc làm đạo pháp của Chuyển Luân Thánh Vương đời quá khứ”. Nói lời thề này rồi thì Bạch tượng bảo từ sáng đến chiều đi khắp cùng tám phương, đến tận bờ cõi biển cả, rồi trở về chỗ cũ. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh, lòng rất vui mừng, nhảy nhót không lường, lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Sau ấy chẳng bao lâu, tiếp theo có mã bảo, sắc ngựa ấy xanh biếc đẹp đẽ, bờm, đuôi màu vàng, Vua Ðảnh Sanh thấy vậy liền  nghĩ rằng : Ta nghe thuở xưa Tiên Ngũ Thông nói, nếu Vua Chuyển Luân Vương ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội, trai tịnh, có ngựa báu sắc xanh, bờm, lông đuôi màu vàng tía đến, thì nên biết đó là Thánh Ðế. Vua lại nghĩ rằng : “Ta nay sẽ thử!” Ông liền cầm lư hương, quì gối phải xuống đất mà phát thệ rằng : “Mã bảo xanh biếc này nếu chân thật, chẳng hư dối thì nên như việc làm đạo pháp của Chuyển Luân Thánh Vương đời quá khứ”. Nói lời thề này rồi thì con Mã bảo xanh biếc đó, từ sáng đến chiều chạy cùng khắp tám phương, đến tận bờ cõi biển cả, rồi trở về ở chỗ cũ. Lúc bấy giờ vua Ðảnh Sanh, lòng rất vui mừng, nhảy nhót không lường, lại nói rằng : “Ta nay nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Sau ấy chẳng bao lâu, lại có nữ bảo, hình dung đoan chính vi diệu đệ nhất, chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng trắng, chẳng đen, các lỗ chân lông trên thân thể tỏa ra mùi hương chiên đàn, hơi miệng thơm sạch như hoa sen xanh, mắt nữ bảo ấy nhìn thấy xa một do tuần, tai nghe, mũi ngữi cũng lại như vậy. Lưỡi của nữ bảo ấy rộng to, lè ra có thể che cả mặt, hình sắc mịn màng mong manh như lá đồng đỏ, tâm thức thông triết có trí tuệ lớn, đối với các chúng sinh thường có lời nói dịu dàng. Người con gái ấy khi dùng tay chạm vào áo vua thì liền biết thân vua an vui hay bệnh hoạn, cũng biết lòng vua duyên vào đâu. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại nghĩ rằng: “Nếu có người con gái có thể biết được lòng vua tức là nữ bảo”. Sau ấy chẳng bao lâu, ở trong cung vua, tự nhiên mà có ngọc bảo Ma ni, thuần màu xanh lưu ly, lớn như cái bầu của bánh xe, có thể ở trong tối chiếu xa đến một do tuần. Nếu trời tuông mưa mà giọt mưa lớn như trục bánh xe thì thế lực của ngọc này có thể tạo thành táng che lớn che được một do tuần, ngăn trận mưa lớn này, chẳng cho nước mưa lọt qua. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại nghĩ rằng : “Nếu vua Chuyển Luân được ngọc báu này thì nhất định là Thánh Ðế”. Sau ấy chẳng bao lâu, có chủ tạng thần tự nhiên mà xuất hiện với nhiều của báu, giàu to không lường, kho tàng đầy ắp, không gì thiếu thốn. Chủ tạng thần này được nhãn căn mà sức nhìn có thể thấy suốt tất cả kho tàng ẩn chứa sẵn có trong lòng đất, theo sở niệm của vua đều có thể bày biện cho vua. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại muốn thử thách ông ấy, liền ngồi chung thuyền đi vào biển cả và bảo tạng thần rằng : “Ta nay muốn được kỳ trân dị bảo !” Tạng thần nghe rồi liền dùng hai tay khoáy nước biển cả thì mười đầu ngón tay xuất hiện mười bảo tàng, đem dâng lên Thánh vương mà bạch với vua rằng : “Tâu Ðại vương ! Cái ngài cần thì ngài tùy ý sử dụng đi ! Của ấy còn lại thì phải ném trả cho biển cả”. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh, lòng rất vui mừng, nảy nhót không lường, lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Sau ấy chẳng bao lâu, có Chủ Binh thần tự nhiên mà xuất hiện. Ông ấy dũng mãnh, thao lược, kế sách, mưu mô đệ nhất, giỏi biết bốn binh chủng. Nếu ông ấy gánh vác việc chiến đấu thì xuất hiện Thánh vương. Nếu ông chẳng gánh vác, thoái lui thì Thánh vương chẳng hiện. Kẻ chưa bị tiêu diệt hàng phục thì ông có thể tiêu diệt, hàng phục. Người đã tiêu diệt hàng phục thì sức có thể thủ hộ. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại nghĩ rằng : “Nếu vua Chuyển Luân được Binh bảo này thì phải biết nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Lúc đó, Chuyển Luân Thánh Ðế Ðỉnh Sanh bảo các đại thần rằng : “Các ông phải biết rằng, cõi Diêm Phù Ðề này yên ổn, giàu thịnh, vui sướng. Ta nay đã có bảy báu thành tựu, một ngàn đứa con trai đầy đủ. Ta lại đi đâu, làm gì ?” Các bề tôi đáp rằng : “Thưa vâng! Thưa Ðại vương ! Cõi Phất Bà Ðề ở phương Ðông còn chưa qui đức, đại vương nay nên đi đến !”. Lúc bấy giờ, Thánh Vương liền cùng với bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên không mà đi đến cõi Phất Bà Ðề ở phương Ðông. Nhân dân cõi đó vui mừng qui hóa. Vua lại bảo các đại thần rằng : “Cõi Diêm Phù Ðề và Phất Bà Ðề của ta yên ổn, giàu thịnh, vui sướng, nhân dân đông đúc đều đến qui hóa, bảy báu thành tựu, ngàn con đầy đủ. Ta lại làm gì? Ở đâu nữa ?” Các bề tôi đáp rằng : “Thưa vâng ! Thưa đạivương ! Cõi Cù Ðà Ni ở phương Tây còn chưa qui đức”. Bấy giờ, Thánh Vương lại cùng với bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên hư không mà đi đến cõi Cù Ðà Ni. Nhà vua đã đến đó thì nhân dân cõi đó cũng lại qui phục. Vua lại bảo các đại thần rằng : “Cõi Diêm Phù Ðề, Phất Bà Ðề và Cù Ðà Ni này của ta yên ổn, giàu thịnh, vui sướng, nhân dân đông đúc đều đã qui hóa, bảy báu thành tựu, ngàn con đầy đủ. Ta lại làm gì ? Ở đâu ?”. Các bề tôi tâu rằng : “Thưa vâng ! Thưa Ðại vương ! Cõi Uất Ðan Việt ở phương Bắc còn chưa qui hóa !” Bấy giờ, Thánh Vương lại cùng với bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên hư không mà đi đến cõi Uất Ðan Việt ở phương Bắc. Vua đã đến đó thì nhân dân cõi đó vui mừng qui đức. Vua lại bảo các đại thần rằng : “Bốn thiên hạ của ta yên ổn, giàu thịnh, vui sướng, nhân dân đông đúc đều đã qui đức, bảy báu thành tựu, ngàn con đầy đủ. Ta lại làm gì ? Ở đâu?” Các bề tôi đáp rằng : “Thưa vâng ! Thưa Thánh Vương ! Cõi trời Ba Mươi Ba thọ mạng rất dài, yên ổn, khoái lạc. Thân hình của trời đó đoan nghiêm không gì sánh, cung điện chỗ ở, giường, ngọa cụ… đều là bảy báu. Trời ấy tự thị thiên phước chưa đến qui hóa. Nay nhà vua nên đến hỏi tội, khiến cho họ qui phục”. Bấy giờ Thánh Vương lại cùng bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên hư không lên cõi trời Ðao Lợi. Vua thấy có một cây mà màu xanh biếc. Thánh vương thấy rồi liền hỏi đại thần rằng : “Ðây là sắc gì ?” Ðại thần đáp rằng : “Ðây là cây Ba Lợi Chất Ða La, vào những ngày tháng ba mùa hạ, chư thiên của trời Ðao Lợi thường ở dưới cây ấy vui sướng hưởng thụ lạc”. Vua lại thấy sắc trắng giống như mây trắng, lại hỏi đại thần rằng : “Ðó là sắc gì ?” Ðại thần đáp rằng : “Ðó là Thiện Pháp Ðường, chư thiên trời Ðao Lợi thường tập họp trong ấy, bàn luận việc nhân thiên”. Ðến đây, thiên chúa Thích Ðề Hoàn Nhân biết vua Ðỉnh Sanh đã đến ở bên ngoài, liền ra nghênh đón, gặp nhau rồi, nắm tay nhau thăng lên Thiện Pháp Ðường, chia tòa mà ngồi. Lúc đó, hai vua hình dung, tướng mạo như nhau, không có sai biệt, chỉ có cái nhìn là sai khác. Lúc này, Thánh Vương liền sinh ý niệm rằng : “Ta nay chắc có thể đẩy lùi vị vua kia tức là trụ trong cõi trời ấy làm vua trời chăng ?” Này thiện nam tử ! Lúc bấy giờ, Ðế Thích thọ trì, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa, khai thị, phân biệt vì người khác diễn nói, chỉ có đối với ý nghĩa sâu xa chưa thông đạt hết. Do sức nhân duyên đọc tụng, thọ trì, phân biệt, vì người khác diễn nói rộng rãi này nên có uy đức lớn. Này thiện nam tử ! Vua Ðỉnh Sanh đó đối vị Ðế Thích này sinh ra ác tâm xong liền đọa lạc trở lại cõi Diêm Phù Ðề cùng với sự ái niệm, người trời ly biệt, phát sinh ra đại khổ não. Nhà vua lại gặp bệnh dữ, liền mạng chung. Ðế Thích lúc bấy giờ là đức Phật Ca Diếp đó ! Vị Chuyển Luân Thánh Vương là thân ta đó ! Này thiện nam tử ! Ông phải biết, ái biệt ly như vậy thì rất là khổ lắm (đại khổ). Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát còn nhớ sự ái biệt ly khổ của những bậc như vậy đời quá khứ, huống gì là Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Bát Niết Bàn mà sẽ chẳng quan sát sự ái biệt ly khổ của đời hiện tại.

Này thiện nam tử ! Sao gọi là Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát oán tắng hội khổ ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát này quan sát ở địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, trong loài người, trên cõi trời đều có oán tắng hội khổ như vậy. Ví như người quan sát lao ngục, trói buộc, giam giữ, cùm khóa, xiềng xích… lấy làm khổ lớn. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, quan sát năm đường, tất cả loài thọ sinh đều là oán ghét hợp hội rất khổ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như có người thường sợ sự cùm khóa, xiềng xích của oán gia mà rời bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, trân bảo, sản nghiệp… trốn chạy xa. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, kinh sợ sinh tử mà tu hành đầy đủ sáu Ba la mật, vào với Niết Bàn. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát oán tắng hội khổ.

Này thiện nam tử ! Sao gọi là Bồ tát tu hành Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát cầu bất đắc khổ ? Cầu là tất cả cầu hết. Cầu hết có hai thứ, một là cầu thiện pháp, hai là cầu bất thiện pháp. Thiện pháp chưa được thì khổ. Ác pháp chưa lìa khỏi là khổ. Ðó là lược nói về năm thịnh ấm khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là khổ đế.

Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói của đức Phật thì nghĩa này của năm thịnh ấm khổ, chẳng phải vậy. Vì sao vậy ? Như đức Phật thuở xưa bảo ông Thích Ma Nam rằng, nếu sắc khổ thì tất cả chúng sinh chẳng nên cầu sắc. Nếu có người cầu thì chẳng gọi là khổ. Như đức Phật bảo các Tỳ kheo rằng, có ba thứ thọ là thọ khổ, thọ lạc và thọ chẳng khổ chẳng lạc. Như đức Phật trước đã vì các Tỳ kheo nói rằng, nếu có người có thể tu hành thiện pháp thì được hưởng thọ lạc. Lại như đức Phật nói rằng, ở trong thiện pháp, sáu thứ tiếp xúc hưởng thọ lạc, như mắt thấy sắc đẹp thì đó gọi là vui (lạc), tai…, mũi…, lưỡi…, thân…, ý nghĩ pháp tốt cũng lại như vậy. Như đức Phật đã nói kệ :

Trì giới được lạc an

Thân chẳng thọ mọi khổ

Ngủ nghĩ được bình yên

Thức dậy lòng hoan hỷ

Nếu khi thọ mặc ăn

Kinh hành mà tu tập

Một mình ở núi rừng

Như vậy là tối lạc.

Có thể với chúng sinh

Ngày đêm luôn từ ái

Nhân đó được vui thường

Chẳng  não hại người khác.

Vui thiểu dục, tri túc

Vui phân biệt đa văn

Không trước A la hán (chấp trước)

Cũng gọi thọ lạc an.

Bồ tát Ma ha tát

Ðến bờ kia rốt cùng

Mọi việc đã làm xong

Ðó gọi là Tối lạc.

Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói trong các Kinh thì hình tướng của Lạc, nghĩa nó là như vậy. Như lời đức Phật hôm nay thì làm sao sẽ cùng với nghĩa này tương ứng ?

Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

– Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông có thể khéo léo hỏi han Như Lai ý nghĩa này ! Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh ở trong hạ khổ (khổ ở tầng dưới cùng) mà ngược lại sinh ra lạc tưởng. Vậy nên lời nói của ta hôm nay về khổ tướng cùng với lời nói cũ chẳng khác.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Như lời nói của đức Phật, ở trong hạ khổ sinh ra lạc tưởng thì hạ sinh, hạ lão, hạ bệnh, hạ tử, hạ ái biệt ly, hạ cầu bất đắc, hạ oán tắng hội, hạ ngũ thịnh ấm, những khổ như vậy.v.v.. cũng nên có lạc (vui). Thưa đức Thế Tôn ! Hạ sinh là gọi ba đường ác, trung sinh là gọi trong loài người, thượng sinh là gọi trên trời. Nếu lại có người hỏi như vầy : “Nếu ở hạ lạc sinh ra khổ tưởng, ở trong trung lạc sinh ra vô khổ lạc tưởng, ở trong thượng lạc sinh ra lạc tưởng thì phải đáp ra sao ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu trong hạ khổ sinh ra lạc tưởng thì con chưa thấy có người phải chịu một nghìn hình phạt mà ngay khi lần hạ khổ đầu tiên đã sinh ra lạc tưởng. Nhưng nếu chẳng sinh thì sao nói rằng, ở trong hạ khổ mà sinh ra lạc tưởng ?

Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

– Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! Ðúng như lời nói của ông ! Do nghĩa này nên không có lạc tưởng. Vì sao vậy ? Vì giống như người kia phải chịu một ngàn hình phạt mà đã chịu một lần hạ khổ rồi liền được thoát thì người đó bấy giờ liền sinh ra lạc tưởng. Vậy nên ông phải biết, ở trong vô lạc (không vui) vọng sinh ra lạc tưởng.

Ngài Ca Diếp nói rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Người đó chẳng do một lần hạ khổ sinh ra lạc tưởng mà do được thoát nên sinh ra lạc tưởng.

– Này Ca Diếp ! Vậy nên lúc xưa ta vì Thích Ma Nam nói rằng, lạc (vui) trong năm ấm là thật chẳng phải hư dối vậy. Này Ca Diếp ! Có ba thọ, ba khổ. Ba thọ là thọ lạc, thọ khổ, thọ chẳng khổ chẳng lạc. Ba khổ là khổ khổ, khổ hành, khổ hoại. Này thiện nam tử ! Thọ khổ thì gọi là ba khổ, đó là khổ khổ, khổ hành, khổ hoại. Còn hai thọ là gọi khổ hành và khổ hoại. Này thiện nam tử ! Do nhân duyên đó nên trong sinh tử thật có thọ lạc. Ðại Bồ tát vì tính của khổ lạc chẳng rời bỏ nhau nên nói rằng, tất cả đều khổ. Này thiện nam tử ! Trong sinh tử thật không có lạc mà chỉ những Phật, Bồ tát vì thuận theo thế gian nên nói rằng có Lạc.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Các đức Phật Bồ tát nếu nói thuận theo thế tục thì tức là hư vọng chăng ? Như lời nói đức Phật, người tu hành thiện thì thọ quả báo lạc, trì giới thì an lạc, thân chẳng thọ khổ… cho đến mọi việc đã biện thành thì đó là tối lạc. Như vậy việc nói hưởng thọ lạc của các Kinh là hư dối chăng ? Nếu là hư vọng thì các đức Phật Thế Tôn từ lâu, ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức atăngkỳ kiếp, tu đạo Bồ Ðề, đã lìa khỏi vọng ngữ mà hôm nay nóilời nói đó, ý nghĩa ấy ra sao ?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử ! Như bài kệ nói về những thọ lạc ở trên tức là căn bản của đạo Bồ Ðề, cũng có thể nuôi lớn Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên ở trong Kinh trước nói về tướng lạc này. Này thiện nam tử! Ví như của cải sinh sống cần thiết của thế gian có thể là nguyên nhân của Lạc nên gọi là Lạc. Ðó là đắm say nữ sắc, uống rượu, đồ ăn ngon, vị ngọt… khi khát được nước, khi lạnh gặp lửa, quần áo, chuỗi ngọc, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, đồng bộc, vàng, bạc, lưu ly, san hô, chân châu, kho tàng, lúa gạo.v.v… Những vật cần dùng của thế gian như vậy.v.v… có thể là nguyên nhân của Lạc. Ðó gọi là Lạc. Này thiện nam tử ! Những vật như vậy cũng có thể sinh ra khổ. Nhân vào nữ nhân sinh ra khổ của nam tử, ưu sầu buồn khóc thậm chí mất cả mạng sống. Nhân rượu, vị ngon… cho đến kho tàng, lúa gạo cũng có thể khiến cho con người sinh ra ưu bi, khổ não lớn. Do nghĩa này nên tất cả đều khổ, không có tướng vui. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát đối với tám cái khổ này giải thoát khổ, không có khổ. Này thiện nam tử ! Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật.vv… chẳng biết nguyên nhân của Lạc. Vì những người như vậy, ở trong hạ khổ nói có tướng của lạc, chỉ có Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn mới có thể biết nhân của khổ, nhân của lạc này.

*********

Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát Tập đế ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát quan sát Tập đế này chính là ấm nhân duyên. Sở dĩ gọi là Tập là trở lại Ái với Hữu. Ái có hai thứ, một là yêu thân mình, hai là yêu những thứ cần dùng. Ái lại có hai thứ, chưa được năm dục thì buộc lòng chuyên cầu, đã cầu được rồi thì kham nhẫn chuyên đắm trước. Ái lại có ba thứ là dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Ái lại có ba thứ là nghiệp nhân duyên ái, phiền não nhân duyên ái, khổ nhân duyên ái. Người xuất gia có bốn thứ ái. Những gì là bốn ? Ðó là y phục, ẩm thực, ngoạ cụ, thuốc thang. Ái lại có năm thứ là tham trước năm ấm. Theo những thứ cần dùng, ái trước tất cả, phân biệt tính toán vô lượng vô biên. Này thiện nam tử ! Ái có hai thứ, một là thiện ái, hai là bất thiện ái. Bất thiện ái là sự cầu của phàm phu ngu si. Thiện pháp ái là cầu của các Bồ tát. Thiện pháp ái lại có hai thứ là chẳng thiện cùng thiện. Cầu Nhị thừa thì gọi là bất thiện. Cầu Ðại Thừa thì gọi là thiện. Này thiện nam tử! Ái của phàm phu thì gọi đó là Tập, chẳng gọi là Ðế. Bồ tát ái thì gọi là Thật Ðế, chẳng gọi là Tập. Vì sao vậy ? Vì sở dĩ thọ sinh là vì độ chúng sinh, chứ chẳng do ái mà thọ sinh vậy.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Như đức Phật Thế Tôn, ở trong các kinh còn lại, vì các chúng sinh mà nói nghiệp vì nhân duyên, hoặc nói kiêu mạn, hoặc nói sáu chạm xúc, hoặc nói vô minh vì năm thịnh ấm mà tạo tác nhân duyên. Nay đức Thế Tôn dùng cái nghĩa gì nói Tứ Thánh Ðế mà độc nhất dùng tính của ái làm nhân của năm ấm ?

Ðức Phật khen ngài Ca Diếp rằng :

– Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ðúng như lời nói của ông! Các nhân duyên chẳng phải là chẳng phải nhân nhưng chỉ có năm ấm là nhân duyên chủ yếu đối với ái. Này thiện nam tử ! Ví như vị đại vương, nếu ra đi tuần du thì đại thần, quyến thuộc đều tùy tùng. Ái cũng như vậy, tùy theo chỗ hành của ái thì các kết này.v.v… cũng lại đi theo. Ví như áo bẩn có bụi bám theo, nếu mặc vào thì bụi ở theo. Ái cũng như vậy, tùy theo chỗ sở ái mà nghiệp kết cũng ở theo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như đất ẩm thì có thể mọc mầm; ái cũng như vậy, có thể nảy sinh mầm phiền não của tất cả nghiệp. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát sâu ái này thì thường có chín thứ, một là như nợ có dư, hai là như vợ con La Sát, ba là như cành hoa đẹp có rắn độc, bốn là như thức ăn chẳng ưa thích mà buộc phải ăn, năm là như dâm nữ, sáu là như Ma lâu ca tử (?), bảy là như trúng thương lở thịt, tám là như gió dữ, chín là như sao Tuệ. Sao gọi là như nợ có dư ? Này thiện nam tử ! Ví như người nghèo cùng nhờ cậy tiền tài của người khác, tuy muốn đền trả hết nhưng còn chưa hết, như buộc tại ngục mà chẳng được thoát. Thanh Văn, Duyên Giác cũng lại như vậy, do có dư khí của ái tập nên chẳng thể thành được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là như nợ có dư. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như vợ con La Sát ? Này thiện nam tử ! Ví như có người được cưới con gái La Sát làm vợ. Con gái La Sát này theo lẽ sinh ra con, sinh rồi liền ăn con, ăn con đã hết lại ăn luôn cả chồng. Này thiện nam tử ! Con gái La Sát Ái cũng lại như vậy, theo các chúng sinh sinh ra con thiện căn. Theo con sinh ra mà ăn thịt, con thiện căn đã hết, La Sát lại ăn luôn chúng sinh, khiến cho họ rơi vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là như vợ con gái La Sát. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như cành hoa đẹp có rắn độc quấn quanh ? Ví như có người tính ưa thích hoa, chẳng thấy tai họa rắn độc của cành hoa, liền nắm lấy trước, nắm rồi bị nọc độc của rắn, bị nọc độc liền mạng chung. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy, tham hoa năm dục, chẳng thấy tai họa của rắn độc ái mà liền thọ lấy, liền bị nọc độc của rắn ái mà mạng chung, liền đọa vào trong ba đường ác, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là như cành hoa đẹp có độc xà quấn quanh. Này thiện nam tử ! Sao gọi là chẳng tiện ăn mà cưỡng ép ăn ? Ví như có người chẳng tiện ăn mà cưỡng ép phải ăn, ăn rồi bị bệnh đau bụng mà chết. Món ăn ái cũng như vậy, chúng sinh trong năm đường bị cưỡng ép ăn tham trước. Do nhân duyên này nên rơi vào ba đường ác, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là cái chẳng tiện ăn mà cướng ép phải ăn. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như dâm nữ ? Ví như người ngu cùng với dâm nữ thông dâm mà dâm nữ kia khéo làm đủ thứ siễm mỵ, hiện bày thân mật để đọat hết tiền tài sở hữu của người đó, tiền tài đã hết lại liền đuổi đi ! Dâm nữ ái cũng như vậy, người ngu không trí cùng nó giao thông. Dâm nữ ái này đọat hết tất cả thiện pháp sở hữu của người ấy, thiện pháp đã hết thì xua đuổi khiến cho rơi vào trong ba đường ác, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là như dâm nữ. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như hạt ma lâu ca ? Ví như hạt ma lâu ca, nếu chim ăn rồi theo phân rơi xuống đất, hoặc nhân theo gió thổi đến ở dưới cây. Nó liền sinh trưởng, quấn quanh, trói buộc cây Ni câu la khiến cho cây ấy chẳng tăng trưởng mà khô chết. Hạt Ma lâu ca ái cũng lại như vậy, trói buộc thiện pháp sở hữu của phàm phu chẳng cho tăng trưởng, liền đi đến khô diệt. Ðã khô diệt rồi thì phàm phu sau khi mạng chung rơi vào ba đường ác, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là như hạt ma lâu ca. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như trúng thương lở thịt. Như người trúng thương lâu sinh ra lở thịt. Người ấy cần phải siêng năng hết lòng trị liệu, chớ sinh ra tâm bỏ phế. Nếu họ sinh lòng bỏ phế thì chỗ thịt lở lớn thêm, nhọt trùng lại sinh ra. Do nhân duyên này nên liền mạng chung. Ghẻ lở năm ấm của người phàm phu ngu si cũng lại như vậy, ái ở trong ấy mà bị lở thịt thì cần phải dốc lòng siêng trị liệu vết thịt lở ái. Nếu họ chẳng trị liệu thì mạng chung liền rơi vào trong ba đường ác, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là như trúng thương lở thịt. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như gió dữ ? Ví như gió dữ có thể san bằng núi gò, nhổ bật cả rễ sâu. Gió dữ ái dục cũng lại như vậy, ở chỗ cha mẹ mà sinh ra ác tâm có thể nhổ bật căn bản Bồ Ðề sâu chắc vô thượng của bậc đại trí Xá Lợi Phất.v.v…, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là như gió dữ. Này thiện nam tử ! Sao gọi là như sao Tuệ ? Ví như sao Tuệ xuất hiện dưới vòm trời thì tất cả nhân dân đói kém, bệnh tật, gầy mòn… mắc thêm những khổ não. Sao Tuệ ái cũng lại như vậy, có thể đoạn diệt tất cả hạt giống thiện căn, khiến cho người phàm phu cô độc, khốn cùng, đói kém sinh ra bệnh phiền não, lưu chuyển trong sinh tử, chịu đủ thứ khổ, chỉ trừ Bồ tát. Ðó gọi là sao tuệ. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn quan sát chín thứ ái kết như vậy. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên các người phàm phu có khổ Vô Ðế, Thanh Văn, Duyên Giác có khổ Hữu Khổ Ðế mà không Chân Ðế, các Bồ tát .v.v… lý giải khổ không khổ (vô khổ). Vậy nên không khổ mà có Chân Ðế. Các người phàm phu có Tập Vô Ðế, Thanh Văn, Duyên Giác có tập Hữu Tập Ðế. Các Bồ tát .v.v… lý giải Tập Không Tập (vô Tập). Vậy nên không tập mà có Chân Ðế, Thanh Văn, Duyên Giác có Diệt chẳng phải Chân. Ðại Bồ tát có Diệt có Chân Ðế. Thanh Văn, Duyên Giác có Ðạo chẳng phải Chân. Ðại Bồ tát có Ðạo có Chân Ðế.

Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn thấy Diệt, thấy Diệt Ðế ? Ðó là đoạn trừ tất cả phiền não. Nếu phiền não đoạn trừ thì gọi là Thường. Diệt lửa phiền não thì gọi là tịch diệt. Phiền não diệt rồi thì được hưởng thọ lạc. Các đức Phật, Bồ tát cầu nhân duyên nên gọi là tịnh mà lại chẳng thọ hai mươi lăm cõi hữu nên gọi là xuất thế. Do xuất thế nên gọi là Ngã. Thường đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc.v.v.. hoặc nam, hoặc nữ, hoặc sinh, trụ, diệt, hoặc khổ, hoặc vui, chẳng khổ chẳng vui, chẳng thủ lấy tướng mạo… nên gọi là rốt ráo Tịch Diệt Chân Ðế. Này thiện nam tử ! Bồ tát như vậy trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn mà quan sát Diệt Thánh Ðế. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát Ðạo Thánh Ðế. Này thiện nam tử ! Ví như trong tối nhờ đèn mà thấy được vật lớn, nhỏ. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, nhờ tám Thánh Ðạo mà thấy tất cả pháp. Ðó là thường – vô thường, hữu vi – vô vi, có chúng sinh – chẳng phải chúng sinh, vật – chẳng phải vật, khổ – lạc, ngã – vô ngã, tịnh – chẳng tịnh, phiền não – chẳng phải phiền não, nghiệp – chẳng phải nghiệp, thật – chẳng thật, thừa – chẳng phải thừa, tri – vô tri, Ðà la phiếu – chẳng phải Ðà la phiếu, cầu na – chẳng phải cầu na, kiến – chẳng phải kiến, sắc – chẳng phải sắc, đạo – chẳng phải đạo, giải – chẳng phải giải…Này thiện nam tử ! Bồ tát như vậy, trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn mà quan sát Ðạo Thánh Ðế.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tám Thánh Ðạo là Ðạo Thánh Ðế thì nghĩa chẳng tương ứng. Vì sao vậy ? Vì đức Như Lai, hoặc nói rằng, lòng tin là đạo, có thể độ được các lậu. Hoặc có khi ngài nói rằng, Ðạo  là chẳng phóng dật đó ! Các đức Phật Thế Tôn chẳng phóng dật nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðạo cũng là pháp trợ đạo của Bồ tát. Hoặc có khi ngài nói rằng, tinh tấn là Ðạo. Như ngài bảo A Nan rằng, nếu có người có thể siêng tu tinh tấn thì được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hoặc có khi ngài nói rằng, Ðạo là quán thân niệm xứ, nếu có người buộc lòng mình tinh cần tu tập thân niệm xứ này thì được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hoặc có khi đức Phật nói rằng, Chánh Ðịnh là đạo, như ngài bảo đại đức Ðại Ca Diếp, phàm Chánh định thì chân thật là Ðạo, chẳng phải chẳng Chánh định mà là Ðạo vậy. Nếu vào Chánh định thì mới có thể tư duy sự sinh diệt của năm ấm, chẳng phải chẳng vào định mà có thể tư duy vậy. Hoặc đức Phật nói rằng, một pháp, nếu người tu tập thì có thể tịnh chúng sinh, diệt trừ tất cả lo buồn khổ não, kiến lập được chánh pháp – Pháp đó gọi là Niệm Phật tam muội. Hoặc đức Phật lại nói rằng, tu vô thường tưởng thì đó gọi là Ðạo. Như ngài bảo các Tỳ kheo rằng, có người có thể tu nhiều Vô thường tưởng thì có thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hoặc đức Phật nói rằng, ngồi một mình ở chỗ A lan nhã không tịch mà tư duy thì có thể mau chóng được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hoặc có khi đức Phật nói rằng, vì người diễn nói pháp thì đó gọi là Ðạo. Nếu nghe pháp rồi lưới nghi liền đoạn trừ mà lưới nghi đã đoạn trừ rồi thì được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hoặc có khi đức Phật nói rằng, trì giới là đạo, như ngài đã bảo ngài A Nan, nếu có người tinh cần tu trì cấm giới thì người đó qua khỏi khổ lớn sinh tử. Hoặc có khi đức Phật nói rằng, gần gũi bạn lành thì đó gọi là Ðạo, như ngài bảo ngài A Nan, nếu có người gần gũi bậc thiện tri thức thì an tịnh được giới. Nếu có chúng sinh có thể gần gũi ta thì được phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hoặc có khi đức Phật nói rằng, tu Từ (bi) là Ðạo. Người tu học Từ thì đoạn trừ các phiền não, được chỗ chẳng động (bất động xứ). Hoặc có khi đức Phật nói rằng, trí tuệ chính là Ðạo. Như đức Phật thuở xưa vì Tỳ kheo ni Ba Xà Ba Ðề nói rằng : “Này chị em ! Như các Thanh Văn dùng dao trí tuệ có thể đoạn dứt các lậu phiền não của các dòng chảy”. Hoặc có khi đức Phật nói rằng, thí chính là Ðạo. Như thuở trước đức Phật bảo vua Ba Tư Nặc rằng : “Này Ðại vương ! Ông phải biết, ta thuở xa xưa làm nhiều việc huệ thí. Do nhân duyên này nên ngày nay được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tám Thánh Ðạo là Ðạo Ðế thì như vậy các kinh điển há chẳng phải là hư vọng ư ? Nếu những Kinh đó chẳng phải là hư vọng thì vì duyên gì trong những Kinh đó chẳng nói tám Thánh Ðạo là Ðạo Thánh Ðế. Nếu những Kinh đó chẳng nói thì thuở xưa vì sao đức Như Lai lầm lẫn ? Nhưng con nhất định biết các đức Phật Như Lai từ lâu lìa khỏi sự lầm lẫn !

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen Bồ tát Ca Diếp rằng :

– Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông nay muốn biết bí mật sở hữu trong Kinh điển vi diệu Ðại Thừa của Bồ tát thì nên hỏi vấn đề đó. Này thiện nam tử ! Ðúng vậy, các Kinh điển đều vào Ðạo Ðế ! Này thiện nam tử ! Như trước ta đã nói, nếu có người tin đạo mà tin đạo như vậy là căn bản của niềm tin, là có thể tá trợ đạo Bồ Ðề. Vậy nên lời nói của ta không có lầm lẫn. Này thiện nam tử ! Như Lai giỏi biết vô lượng phương tiện, muốn hóa độ chúng sinh nên tạo tác đủ thứ thuyết pháp như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như vị lương y  nhận biết nguyên nhân đủ thứ bệnh của các chúng sinh, rồi tùy theo sự bệnh hoạn của họ mà vì họ hòa hợp thuốc, cùng sự cấm kỵ của thuốc, chỉ dùng một thứ nước, chẳng ở trong cấm lệ. Hoặc cho uống nước gừng, hoặc nước cam thảo, hoặc nước Tế tân, hoặc nước Hắc thạch mật, hoặc nước A ma lặc, hoặc nước Ni bà la, hoặc nước Bát trú la, hoặc uống nước lạnh, hoặc uống nước nóng, hoặc nước bồ đào, hoặc nước An thạch lựu. Này thiện nam tử ! Như vậy vị lương y giỏi biết đủ thứ thuốc trị bệnh hoạn của chúng sinh tuy có nhiều nước cấm nhưng chẳng còn lệ thuộc. Như Lai cũng vậy, giỏi biết phương tiện, nhưng đối với pháp tướng tùy theo các chúng sinh mà phân biệt rộng nói đủ thứ danh tướng. Những chúng sinh kia theo lời nói mà thính thọ, thọ rồi tu tập đoạn trừ phiền não, như người bệnh kia theo lời dạy của lương y nên bệnh hoạn được tiêu trừ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Như có người giỏi lý giải mọi lời nói ở trong đại chúng. Những đại chúng này bị sự bức bách mà nóng khát, hoặc phát lên tiếng rằng : “Ta muốn uống nước ! Ta muốn uống nước !” Người giỏi giải đó tức thời dùng nước trong mát, tùy theo chủng loại của những người khát ấy mà nói rằng : “Nước đây !”, hoặc nói rằng: “Ba ni !”, hoặc nói rằng : “Uất đặc !”, hoặc nói rằng : “Ta lợi lam!”, hoặc nói rằng : “Bà lợi !”, hoặc nói rằng : “Bà Gia !”, hoặc nói rằng : “Cam Lộ !”, hoặc nói rằng : “Sữa trâu !”. Người đó dùng vô lượng tên của nước như vậy mà vì đại chúng nói lên. Này thiện nam tử ! Như Lai cũng vậy, dùng một Thánh Ðạo vì các Thanh Văn diễn nói đủ thứ, từ tín căn.v.v.. đến tám Thánh Ðạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như người thợ bạc vàng bậc thầy dùng một thứ vàng mà tùy ý tạo tác đủ thứ chuỗi ngọc, như là kẹp, khóa, vòng ngọc, vòng xuyến, thoa cài tóc, mũ trời, dấu ấn cánh tay… Tuy có sự sai biệt chẳng đồng như vậy nhưng chẳng lìa khỏi vàng. Này thiện nam tử ! Như Lai cũng vậy, dùng một Phật đạo tùy theo các chúng sinh, phân biệt đủ thứ mà vì họ nói cho. Hoặc nói một thứ, như là chư Phật một đạo không hai. Phật lại nói hai thứ, như là Ðịnh, Tuệ. Lại nói ba thứ, như là thấy trí tuệ. Lại nói bốn thứ, như là thấy đạo, tu đạo, không học đạo, Phật đạo. Lại nói năm thứ, như là tín hành đạo, pháp hành đạo, tín giải thoát đạo, kiến đáo đạo, thân chứng đạo. Lại nói sáu thứ, như là Tu Ðà Hoàn đạo, Tư Ðà hàm đạo, A Na Hàm đạo, A La Hán đạo, Bích Chi Phật đạo, Phật đạo. Lại nói bảy thứ, như là niệm giác phận, trạch pháp giác phận, tinh tấn giác phận, hỷ giác phận, trừ giác phận, định giác phận, xả giác phận. Lại nói tám thứ, đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Lại nói chín thứ, đó là tám Thánh đạo và tín. Lại nói mười thứ, đó là mười lực. Lại nói mười một thứ, đó là mười lực và đại từ. Lại nói mười thứ, đó là mười lực và đại từ, đại bi. Lại nói mười ba thứ, đó là mười lực và đại từ, đại bi, niệm Phật tam muội. Lại nói mười sáu thứ, đó là mười lực, đại từ, đại bi, niệm Phật tam muội và ba chánh niệm xứ sở đắc của Phật. Lại nói hai mươi đạo, đó là mười lực, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi, niệm Phật tam muội và ba chánh niệm xứ. Này thiện nam tử ! Ðạo này là một thể, Như Lai ngày xưa vì chúng sinh nên phân biệt đủ thứ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như nhân từ một thứ lửa đốt cháy lên mà được đủ thứ tên, như là lửa cây, lửa cỏ, lửa trấu, lửa rơm, lửa phân trâu ngựa… Này thiện nam tử ! Phật đạo cũng vậy, chỉ một mà không hai, nhưng vì chúng sinh nên phân biệt đủ thứ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như một thứ nhận thức mà phân biệt nói thành sáu thứ : Nếu đến với mắt thì gọi là nhãn thức (nhận biết của mắt)… cho đến ý thức cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ðạo cũng như vậy, chỉ một mà không hai, nhưng Như Lai vì giáo hóa các chúng sinh nên phân biệt ra đủ thứ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như việc thấy của mắt về một sắc thì gọi là màu sắc. Cái nghe của tai thì gọi là Thanh (tiếng). Cái ngửi của mũi thì gọi là Hương. Cái nếm của lưỡi thì gọi là Vị. Cái hay biết của thân thì gọi là Xúc. Này thiện nam tử ! Ðạo cũng như vậy, chỉ một mà không hai, nhưng Như Lai vì muốn giáo hóa chúng sinh nên phân biệt ra đủ thứ. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên Bát Thánh Ðạo phận tên là Ðạo Thánh Ðế. Này thiện nam tử ! Bốn Thánh Ðế này, các đức Phật Thế Tôn theo thứ lớp nói đến. Do nhân duyên này nên vô lượng chúng sinh đã được khỏi sinh tử.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Một thuở trước đây, đức Phật ở trong rừng Thi Thủ bên bờ sông Hằng, bấy giờ, đức Như Lai lấy một ít lá cây rồi bảo các Tỳ kheo rằng : “Số lá cầm trong tay ta hôm nay nhiều hay số lá của tất cả cây cỏ mọc trên đất nhiều ?” Các thầy Tỳ kheo bạch rằng: “Thưa đức Thế Tôn ! Số lá của tất cả cây cỏ mọc trên đất nhiều chẳng thể kể xiết, còn số lá của đức Như Lai nắm thì ít chẳng đủ nói”. “Này các Tỳ kheo ! Sự hiểu biết của ta về tất cả pháp như những cỏ cây mọc khắp trên đất, nhưng những điều vì các chúng sinh tuyên nói thì như số lá nắm trong tay”. Ðức Thế Tôn, bấy giờ đã nói lời như vậy. Ðức Như Lai đã hiểu rõ vô lượng các pháp, nếu người vào bốn Ðế thì tức là đã nói, nếu người chẳng vào thì cần có năm Ðế ?

Ðức Phật khen ngài Ca Diếp :

– Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ðiều hỏi của ông hôm nay có thể đem lại lợi ích, yên ổn, khoái lạc cho vô lượng chúng sinh. Này thiện nam tử ! Như vậy các pháp đều đã thâu nhiếp tại trong bốn Ðế.

Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :

– Những pháp như vậy, nếu ở tại bốn Ðế thì vì sao đức Như Lai xướng rằng, chẳng nói ?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử ! Tuy lại vào trong nhưng còn chẳng gọi là nói. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì biết bốn Ðế có hai thứ trí, một là trung trí, hai là thượng trí. Trung trí là trí của Thanh Văn, Duyên Giác. Thượng trí là trí của các đức Phật, Bồ tát. Này thiện nam tử ! Biết các ấm là khổ thì gọi là trung trí. Phân biệt các ấm có vô lượng tướng, đều là các khổ thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là thượng trí. Này thiện nam tử ! Những nghĩa như vậy, ta đối với những Kinh đó, trọn chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết các nhập thì gọi đó là cửa (môn), cũng gọi là Khổ. Ðó gọi là Trung trí. Phân biệt các nhập có vô lượng tướng đều chính là khổ thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, ta đối với những Kinh đó, cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết các Giới thì gọi đó là phận, cũng gọi là tánh, cũng gọi là khổ. Ðó gọi là Trung trí. Phân biệt các giới có vô lượng tướng đều chính là các khổ thì chẳng phải là sự hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Này thiện nam tử ! Những nghĩa như vậy, ta đối với Kinh đó, cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tướng hoại của sắc thì đó gọi là Trung trí. Phân biệt các sắc có vô lượng tướng đều chính là các khổ thì chẳng phải là sự hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, ta đối với Kinh đó, cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tướng thọ giác thì gọi là Trung Trí. Phân biệt các thọ có vô lượng tướng giác thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Này thiện nam tử ! Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tưởng thủ tướng thì đó gọi là Trung trí. Phân biệt tưởng đó có vô lượng tướng thủ (lấy) thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tướng hành tác thì đó gọi là Trung trí. Phân biệt hành này có vô lượng tướng tác thì chẳng phải là sự hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Này thiện nam tử ! Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tướng phân biệt của thức thì đó gọi là Trung trí. Phân biệt thức đó có vô lượng tướng biết thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Này thiện nam tử ! Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết nhân duyên của ái có thể sinh ra năm ấm thì đó là Trung trí. Một người khởi lên ái vô lượng vô biên thì Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể biết. Nếu có thể biết sự khởi lên những ái như vậy của tất cả chúng sinh thì đó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết diệt phiền não thì đó gọi là Trung trí. Phân biệt phiền não chẳng thể xưng kể và Diệt cũng như vậy, chẳng thể xưng kể thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tướng của Ðạo đó có thể lìa khỏi phiền não thì đó gọi là Trung trí. Phân biệt tướng Ðạo có vô lượng vô biên và sự lìa khỏi phiền não cũng vô lượng vô biên thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết Thế Ðế thì gọi là Trung trí. Phân biệt Thế Ðế vô lượng vô biên chẳng thể xưng kể thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến. Này thiện nam tử ! Biết tất cả hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết Bàn tịch diệt là Ðệ nhất nghĩa thì đó gọi là Trung trí. Biết Ðệ nhất nghĩa vô lượng vô biên, chẳng thể xưng kể thì chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Ðó gọi là Thượng trí. Những nghĩa như vậy, đối với Kinh đó, ta cũng chẳng nói đến.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Lời nói của ngài về Thế Ðế, Ðệ nhất nghĩa thì nghĩa ấy ra sao ? Thưa đức Thế Tôn ! Trong Ðệ nhất nghĩa có Thế đế không ? Trong Thế Ðế có Ðệ nhất nghĩa không ? Như trong ấy có thì tức là Nhất Ðế. Như trong ấy không thì sẽ chẳng phải là lời nói của đức Như Lai hư dối sao ?

– Này thiện nam tử ! Thế đế tức là Ðệ nhất nghĩa đế !

– Thưa đức Thế Tôn ! Nếu vậy thì không có hai Ðế.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử ! Có phương tiện khéo thuận theo chúng sinh thì nói có hai Ðế. Này thiện nam tử ! Nếu thuận lời nói thì có hai thứ, một là thế pháp, hai là xuất thế pháp. Này thiện nam tử ! Như sự hiểu biết của người xuất thế thì gọi là Ðệ nhất nghĩa đế mà của người đời thì gọi là Thế đế. Này thiện nam tử ! Năm ấm hòa hợp thì xưng rằng : mỗ giáp (đại từ chỉ một thứ gì đó). Phàm phu chúng sinh theo sự xưng hô ấy thì đó là Thế đế. Lý giải các ấm không có tên, gọi mỗ giáp, lìa khỏi các ấm cũng không có tên gọi mỗ giáp. Người xuất thế có thể biết đúng như tánh tướng ấy thì gọi là Ðệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc lại có pháp có tên có thật, hoặc lại có pháp có tên không thật. Này thiện nam tử ! Pháp có tên không thật thì tức là Thế đế, pháp có tên có thật thì đó là Ðệnhất nghĩa đế. Này thiện nam tử ! Như ngã, chúng sinh, thọ mạng, tri kiến, dưỡng dục, trượng phu, tác giả, thọ giả, bốc cháy khi nóng, thành của Càn thát bà, lông rùa, sừng thỏ, bánh xe lửa xoay vần, các ấm, giới, nhập… thì đó gọi là Thế đế. Khổ, Tập, Diệt, Ðạo gọi là Ðệ nhất nghĩa đế. Này thiện nam tử ! Thế pháp có năm thứ, một là danh thế, hai là cú thế (cú : câu), ba là phược thế, bốn là pháp thế, năm là chấp trước thế. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Danh thế ? Trai, gái, bình, áo, xe cộ, nhà cửa.v.v… những vật như vậy thì đó gọi là Danh thế. Sao gọi là Cú thế ? Một bài kệ bốn câu. Những bài kệ như vậy.v.v… thì đó gọi là Cú thế. Sao gọi là Phược thế ? Vén cuốn, hợp lại, ràng buộc, câu kết, trói buộc, chắp tay… đó gọi là Phược thế. Sao gọi là Pháp thế? Như minh chùy tập họp Tăng, nghiêm tiếng trống răn bảo binh sĩ, thổi tù và báo biết thời gian… đó gọi là Pháp thế. Sao gọi là Chấp trước thế ? Như trông xa thấy có người mặc nhiễm y thì sinh tư tưởng chấp trước rằng, chính là Samôn, chẳng phải là Bàlamôn. Thấy người có dây bện đeo ngang trên thân thì liền sinh ý niệm rằng, chính là Bàlamôn, chẳng phải là Samôn. Ðó gọi là Chấp trước thế. Này thiện nam tử ! Như vậy gọi là năm thứ thế pháp. Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh đối với năm thứ thế pháp như vậy mà lòng không điên đảo, biết đúng như thật thì đó gọi là Ðệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc đốt, hoặc cắt, hoặc chết, hoặc hoại… thì đó gọi là Thế đế. Không đốt, không cắt, không chết, không hoại… thì đó gọi là Ðệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, này thiện nam tử ! Có tám tướng khổ gọi là Thế đế. Không sinh, không già, không bệnh, không chết, không ái biệt ly, không oán tắng hội, không cầu bất đắc, không năm thịnh ấm thì đó gọi là Ðệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như một người có nhiều khả năng. Nếu khi người ấy chạy thì gọi là người chạy. Nếu khi người ấy thu hoạch, cắt cỏ thì lại gọi là người ấy cắt cỏ. Nếu người ấy làm đồ ăn uống thì gọi là người nấu ăn. Nếu người ấy chế tác gỗ cây thì gọi là thợ mộc, khi rèn luyện vàng, bạc thì gọi là thợ vàng bạc. Như vậy một người có nhiều tên gọi, pháp cũng như vậy, kỳ thật là một mà có nhiều tên. Nương nhân cha mẹ hòa hợp mà sinh ra thì gọi là Thế đế. Do mười hai nhân duyên hòa hợp mà sinh ra thì gọi là Ðệ nhất nghĩa đế.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Cái nói rằng Thật đế thì nghĩa ấy ra sao ?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử ! Nói rằng Thật đế thì gọi là Chân Pháp ! Này thiện nam tử ! Nếu pháp chẳng phải chân thật thì chẳng gọi là Chân đế. Này thiện nam tử ! Thật đế thì không điên đảo mà không điên đảo thì mới gọi là Thật đế. Này thiện nam tử ! Thật đế thì không có hư vọng. Nếu có hư vọng thì chẳng gọi là Thật đế. Này thiện nam tử! Thật đế thì gọi là Ðại Thừa. Chẳng phải Ðại Thừa thì chẳng gọi là Thật đế. Này thiện nam tử ! Thật đế là lời nói của Phật, chẳng phải là lời nói của ma. Nếu là lời nói của ma, chẳng phải là lời nói của Phật thì chẳng gọi là Thật đế. Này thiện nam tử ! Thật đế là một đạo thanh tịnh, không có hai vậy. Này thiện nam tử ! Có Thường, có Lạc, có Ngã, có Tịnh thì đó gọi là nghĩa của Thật đế.

Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Nếu lấy chân thật làm Thật đế thì pháp chân thật tức là Như Lai hư không, Phật tính. Nếu như vậy thì Như Lai hư không cùng với Phật tính không có sai biệt !

Ðức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :

– Có Khổ có đế có thật, có Tập có đế có thật, có Diệt có đế có thật, có Ðạo có đế có thật. Này thiện nam tử ! Như Lai chẳng phải khổ, chẳng phải đế mà là thật. Hư không chẳng phải khổ, chẳng phải đế mà là thật. Phật tính chẳng phải khổ, chẳng phải đế mà là thật. Này Văn Thù Sư Lợi ! Cái gọi rằng Khổ là tướng vô thường, là tướng có thể đoạn. Ðó là Thật đế. Tính của Như Lai chẳng phải khổ, chẳng phải vô thường, chẳng phải tướng có thể đoạn. Vậy nên Như Lai là thật. Hư không, Phật tính cũng lại như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Cái gọi rằng Tập là có thể khiến cho năm ấm hòa hợp mà sinh ra, cũng gọi là khổ, cũng gọi là vô thường, là tướng có thể đoạn. Ðó là Thật tướng. Này thiện nam tử ! Như Lai chẳng phải là tính của Tập, chẳng phải là nhân của ấm, chẳng phải tướng có thể đoạn. Vậy nên Như Lai là thật. Hư không, Phật tính cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Cái nói rằng Diệt là gọi phiền não diệt, cũng thường và vô thường. Sở đắc của Nhị thừa gọi là vô thường. Sở đắc của chư Phật thì gọi là Thường, cũng gọi là Chứng pháp. Ðó là Thật đế. Này thiện nam tử ! Tính của Như Lai chẳng gọi là Diệt, có thể diệt phiền não, chẳng phải thường, vô thường, chẳng gọi là chứng biết, thường trụ không biến dị. Vậy nên Như Lai là Thật. Hư không, Phật tính cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ðạo có thể đoạn phiền não, cũng thường vô thường, là pháp có thể tu. Ðó gọi là Thật đế. Như Lai chẳng phải đạo có thể đoạn phiền não, chẳng phải thường, vô thường, chẳng phải pháp có thể tu mà thường trụ bất biến. Vậy nên là Thật. Hư không, Phật tính cũng lại như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nói rằng Chân thật thì tức là Như Lai. Như Lai thì tức là Chân thật.  Chân thật thì tức là Hư không. Hư không thì tức là Chân thật. Chân thật thì tức là Phật tính. Phật tính thì tức là Chân thật. Này Văn Thù Sư Lợi ! Có khổ thì có nhân của khổ, có hết khổ, có đối tác của khổ mà Như Lai thì chẳng phải khổ… chẳng phải là đối tác của khổ. Vậy nên Như Lai là Thật, chẳng gọi là đế. Hư không, Phật tính cũng lại như vậy. Khổ là hữu vi, hữu lậu, không vui (vô lạc) còn Như Lai chẳng phải hữu vi, chẳng phải hữu lậu, sáng rỡ an vui, là thật chẳng phải là đế.

Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói đức Phật, chẳng điên đảo thì gọi là Thật đế. Nếu như vậy thì trong bốn đế có bốn điên đảo chăng ? Trong đso nếu có thì tại sao nói không có điên đảo, gọi là thật đế, còn tất cả điên đảo thì chẳng gọi là thật ?

Ðức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :

– Tất cả điên đảo đều vào Khổ đế. Như tất cả chúng sinh có lòng điên đảo thì gọi là điên đảo. Này thiện nam tử ! Ví như có người chẳng thọ lời dạy bảo của cha mẹ, bậc tôn trưởng hay tuy có thọ mà chẳng thể thuận theo tu hành thì người như vậy gọi là điên đảo. Như vậy điên đảo chẳng phải chẳng là khổ mà tức là khổ vậy.

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói rằng :

– Như lời nói của đức Phật, chẳng hư vọng thì tức là Thật đế. Nếu vậy thì phải biết hư vọng chẳng phải Thật đế.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử ! Tất cả hư vọng đều vào Khổ đế. Như có chúng sinh lừa dối người khác. Do nhân duyên này nên đọa vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Những pháp như vậy.v.v… thì gọi là hư vọng. Như vậy hư vọng chẳng phải chẳng là khổ mà tức là khổ vậy. Thanh Văn, Duyên Giác, các đức Phật Thế Tôn xa lìa những hành động đó nên chẳng gọi là hư vọng. Như vậy hư vọng là sự đoạn trừ của các đức Phật và hàng Nhị thừa nên gọi là Thật đế.

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói rằng :

– Như lời nói của đức Phật, Ðại Thừa là Thật đế, thì phải biết Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa là chẳng thật !

Ðức Phật dạy rằng :

– Này Văn Thù Sư Lợi ! Hàng Nhị thừa kia là thật cũng chẳng thật. Thanh Văn, Duyên Giác đoạn các phiền não thì gọi là thật. Vô thường chẳng thường trụ là pháp biến dị thì đó gọi là chẳng thật.

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói rằng :

– Như lời đức Phật nói, nếu lời nói đức Phật gọi là thật thì phải biết lời nói của ma là chẳng thật. Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói của ma thì Thánh đế có nhiếp lấy không ?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này Văn Thù Sư Lợi ! Lời nói của ma thì được sự nhiếp lấy của hai đế là Khổ và Tập. Phàm là tất cả sự phi pháp, phi luật chẳng thể làm cho con người được lợi ích thì dù cho trọn ngày tuyên nói cũng không có người thấy Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt tu Ðạo. Ðó gọi là hư vọng. Như vậy hư vọng thì gọi là lời nói của ma.

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói rằng :

– Như lời đức Phật nói, một đạo thanh tịnh, không có hai. Những ngoại đạo.v.v… cũng lại nói rằng : “Ta có một đạo thanh tịnh, không có hai”. Nếu nói rằng một đạo là Thật đế thì cùng với ngoại đạo kia có gì sai biệt ? Nếu không sai biệt thì chẳng nên nói rằng, một đạo thanh tịnh.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử ! Các ngoại đạo.v.v… có Khổ đế, Tập đế, không có Diệt đế, Ðạo đế. Chúng ở trong chẳng phải Diệt mà sinh ra Diệt tưởng, ở trong chẳng phải Ðạo mà sinh ra Ðạo tưởng, ở trong chẳng phải Quả mà sinh ra Quả tưởng, ở trong chẳng phải Nhân mà sinh ra Nhân tưởng. Do nghĩa này nên ngoại đạo kia không có “một đạo thanh tịnh không hai”.

Ngài Văn Thù Sư Lợi thưa rằng :

– Như lời đức Phật nói, có Thường, có Lạc, có Ngã, có Tịnh là thật nghĩa thì các ngoại đạo.v.v… nên có thật đế, trong Phật pháp thì không. Vì sao vậy ? Vì những bọn ngoại đạo cũng lại nói rằng, các hành là Thường. Sao gọi là Thường ? Vừa ý hay chẳng vừa ý thì các nghiệp báo đều phải thọ nhận, chẳng mất vậy. Vừa ý thì gọi là quả báo của thập thiện, chẳng vừa ý là quả báo của mười điều bất thiện. Nếu nói rằng, các hành đều vô thường mà người tác nghiệp ở đây đã diệt thì còn ai ở đó để thọ quả báo ? Do nghĩa này nên các hành là Thường, nhân duyên sát sinh gọi là Thường. Thưa đức Thế Tôn ! Nếu nói rằng, các hành đều là vô thường thì người giết (năng sát) người bị giết (sở sát) cả hai đều vô thường. Nếu vô thường thì ai ở địa ngục mà thọ tội báo. Nếu nói rằng, nhất định có người thọ báo ở địa ngục thì phải biết các hành thật chẳng phải vô thường. Thưa đức Thế Tôn ! Buộc lòng chuyên niệm cũng gọi là thường như là điều nghĩ ngợi mười năm cho đến trăm năm cũng chẳng quên mất. Vậy nên đó là thường. Nếu vô thường thì việc thấy trước kia ai nhớ ? Ai nghĩ ? Do nhân duyên này nên tất cả các hành chẳng phải là vô thường vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả sự nhớ tưởng cũng gọi là thường. Có người lúc trước nhìn thấy các tướng chân, tay, đầu, cổ.v.v… của người khác thì về sau nếu gặp liền nhớ biết lại người đó. Nếu vô thường thì tướng cũ nên diệt đi ! Thưa đức Thế Tôn ! Những nghiệp sở tác do tu tập lâu, hoặc mới theo học, hoặc trải qua ba năm hay trải qua năm năm… rồi nhiên hậu mới hiểu biết hoàn thiện nên gọi là Thường. Thưa đức Thế Tôn ! Pháp tính toán, từ một đến hai, từ hai đến ba… cho đến trăm ngàn. Nếu vô thường thì số một ban đầu nên diệt mà số một ban đầu nếu diệt thì cái gì lại đến hai ? Như vậy là thường thì số một hết không có số hai ? Do một chẳng diệt nên được đến hai… cho đến trăm, ngàn. Vậy nên gọi là Thường. Thưa đức Thế Tôn ! Như phép đọc tụng, tụng một A Hàm, đến hai A Hàm cho đến ba, bốn A Hàm. Như A Hàm ấy vô thường thì việc đọc tụng nhất định chẳng đến bốn. Do nhân duyên tăng trưởng việc đọc tụng đó nên gọi là thường. Thưa đức Thế Tôn ! Bình, áo, xe cộ… như của người mắc nợ, hình tướng đất đai, núi, sông, cây, rừng, thảo dược, lá cây mà chúng sinh trị bệnh đều là thường cũng lại như vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả ngoại đạo đều nói lời này : Các hành là thường. Nếu đó là thường thì tức là Thật đế. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo lại nói rằng : “Có Lạc”. Làm sao mà biết vậy ? Người thọ quả báo nhất định được vừa ý ! Thưa đức Thế Tôn ! Phàm người thọ lạc nhất định được sự an vui đó. Ðó là vua trời Ðại Phạm, trời Ðại Tự Tại, Thích Ðề Hoàn Nhân, trời Tỳ Nưỡu và những người, trời. Do nghĩa này nên nhất định có Lạc. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo nói rằng : “Có Lạc !” có thể khiến cho chúng sinh sinh ra cầu mong, người đói cầu ăn, người khát cầu uống, người lạnh cầu ấm, người nóng cầu mát, người cùng cực cầu dứt đi, người bệnh cầu khỏi bệnh, người tham dục cầu sắc… Nếu không có Lạc thì những người kia vì nhân duyên gì mà cầu ? Do có người cầu nên biết là có Lạc. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo lại nói rằng : “Bố thí có thể được Lạc. Người thế gian ưa bố thí cho Samôn, các Bàlamôn bần cùng khốn khổ quần áo, đồ ăn, thức uống, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh, voi, ngựa, xe cộ, hương bột, hương xoa, mọi thứ hoa, nhà cửa, nơi y chỉ, đèn sáng… Họ làm sự ban cho đủ thứ như vậy.v.v… là để cho đời sau của mình thọ được quả báo vừa ý. Vậy nên phải biết là nhất định có Lạc”. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo lại nói rằng : “Do nhân duyên nên phải biết là có Lạc. Như là người thọ lạc thì có nhân duyên nên gọi là Lạc xúc. Nếu người không có lạc thì làm sao được nhân duyên. Như không có sừng thỏ thì không có nhân duyên. Có nhân duyên của lạc thì biết là có lạc. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo lại nói rằng : “Thọ lạc có thượng, trung, hạ nên  phải biết là có lạc. Hạ thọ lạc là Thích Ðề Hoàn Nhân. Trung thọ lạc là vua trời Ðại Phạm. Thượng thọ lạc là trời Ðại tự Tại. Do có thượng, trung, hạ như vậy nên phải biết là có lạc”. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo lại nói rằng : “Có Tịnh ! Vì sao vậy ? Nếu không có tịnh thì chẳng nên khởi dục mà nếu khởi dục thì phải biết là có Tịnh”. Họ lại nói rằng : “Vàng, bạc, trân bảo, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, chân châu, bích ngọc, kha bối, suối chảy, ao tắm, đồ ăn, thức uống, quần áo, hoa hương, hương bột, hương xoa, ánh sáng đèn, đuốc.v.v… những vật như vậy đều là tịnh pháp. Lại nữa, có tịnh ! Gọi năm ấm thì tức là tịnh khí chứa đựng các tịnh vật như là người, trời, các tiên, A la hán, Bích Chi Phật, Bồ tát, chư Phật. Do nghĩa này nên gọi năm ấm đó là tịnh”. Thưa đức Thế Tôn ! Có các ngoại đạo lại nói rằng : “Có Ngã ! Vì có sự nhìn thấy thì có thể tạo tác vậy. Ví như có người vào nhà của người thợ gốm, tuy chẳng thấy thân người thợ gốm, nhưng vì thấy bánh xe, sợi dây nên nhất định biết nhà ấy là thợ gốm. Ngã cũng như vậy, mắt thấy sắc rồi thì nhất định biết có Ngã. Nếu không Ngã thì ai có thể thấy sắc, nghe tiếng… cho đến xúc pháp cũng lại như vậy. Lại nữa, làm sao được biết có Ngã ? – Nhân tướng nên biết ! Những gì là tướng? Hít thở, nhìn ngắm, thọ mạng, lòng sai khiến, thọ các khổ vui, tham cầu, sân nhuế.v.v.. những pháp như vậy đều là tướng của Ngã. Vậy nên phải biết là nhất định có Ngã. Lại nữa, có Ngã thì có thể phân biệt vị. Có người ăn trái cây, mới nhìn thấy đã biết vị. Vậy nên phải biết là nhất định có Ngã. Lại nữa, làm sao biết có ngã vậy ? Do nghề nghiệp chấp tác vậy. Cầm liềm có thể cắt cỏ, cầm búa có thể bửa củi, cầm bình thì đựng nước, cầm xe thì có thể điều khiển.v.v… những việc như vậy thì Ngã có thể chấp tác. Vậy nên phải biết là nhất định có Ngã. Lại nữa, làm sao biết có Ngã vậy ? Ngay lúc sinh ra là muốn được bú sữa nhân vốn đã quen vậy. Do đó phải biết là nhất định có Ngã. Lại nữa, làm sao biết có Ngã vậy ? Hòa hợp lợi ích cho chúng sinh khác vậy. Ví như bình, quần áo, xe cộ, ruộng nhà, núi rừng, cây cối, voi, ngựa, trâu, dê… Những vật như vậy nếu hòa hợp thì có lợi ích. Bên trong này năm ấm cũng lại như vậy, mắt.v.v…các căn có hòa hợp thì lợi ích Ngã. Vậy nên phải biết là nhất định có Ngã. Lại nữa, làm sao biết có Ngã vậy ? Có pháp ngăn chận vậy. Như có vật thì có sự ngăn chận, nếu vật không có thì không có ngăn chận. Nếu có ngăn chận thì biết là có Ngã. Vậy nên phải biết là nhất định có Ngã. Lại nữa, làm sao biết có Ngã vậy ? Bạn – chẳng phải bạn, thân – chẳng phải thân chẳng phải là bạn bè, chánh pháp – tà pháp cũng chẳng phải bạn bè, trí cùng chẳng phải trí cũng chẳng phải bạn bè, Samôn – chẳng phải Samôn, Bàlamôn – chẳng phải Bàlamôn, con – chẳng phải con, ngày – chẳng phải ngày, đêm – chẳng phải đêm, ngã – chẳng phải ngã… những pháp như vậy là bạn, chẳng phải bạn. Vậy nên phải biết là nhất định có Ngã”. Thưa đức Thế Tôn ! Những ngoại đạo.v.v… đã bằng đủ thứ để nói lên có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì phải biết là nhất định có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thưa đức Thế Tôn ! Do nghĩa này nên các ngoại đạo.v.v… cũng được nói rằng: “Ngã có chân đế”.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử ! Nếu có Samôn, Bàlamôn có Thường, có Lạc, có Ngã, có Tịnh thì đó chẳng phải là Samôn, chẳng phải Bàlamôn. Vì sao vậy ? Vì mê ở sinh tử, lìa khỏi bậc Ðại Ðạo Sư Nhất Thiết Trí. Như vậy những Samôn, Bàlamôn đắm chìm trong các dục, thiện pháp tổn hao vậy. Những ngoại đạo này bị sự trói buộc tại ngục tù tham dục, sân nhuế, ngu si mà kham nhẫn yêu thích. Những ngoại đạo này tuy biết nghiệp quả, mình làm mình chịu nhưng mà còn chẳng thể xa lìa ác pháp. Những ngoại đạo này chẳng phải là tự sống bằng chánh pháp, chánh mạng. Vì sao vậy ? Vì không có lửa trí tuệ nên chẳng thể tiêu trừ. Những ngoại đạo này tuy muốn tham trước năm dục thượng diệu nhưng nghèo nàn thiện pháp, chẳng siêng tu tập. Những ngoại đạo này tuy muốn đi đến trong Chánh giải thoát mà trì giới cụ túc thành tựu. Những ngoại đạo này tuy muốn cầu lạc mà chẳng thể cầu nhân duyên của lạc. Những ngoại đạo này tuy lại rất ghét tất cả những khổ nhưng hành động của họ chưa có thể xa lìa những nhân duyên của khổ. Những ngoại đạo này tuy bị sự trói buộc của rắn độc bốn đại nhưng còn hành động buông lung, chẳng thể cẩn thận. Những ngoại đạo này bị sự che phủ của vô minh, xa lìa bạn lành, ưa ở tại ba cõi trong lửa lớn vô thường rực cháy mà chẳng thể ra khỏi. Những ngoại đạo này gặp những bệnh phiền não khó khỏi mà lại chẳng cầu bậc lương y đại trí. Những ngoại đạo này vào đời vị lai sẽ phải lặn lội trên đường xa xôi, nguy hiểm vô biên mà chẳng biết dùng vốn liếng thiện pháp để tự trang nghiêm. Những ngoại đạo này thường bị sự hủy hoại của tai họa thâm độc của dâm dục mà ngược lại còn ôm giữ sương độc của năm dục. Những ngoại đạo này sân nhuế rừng rực mà ngược lại gần gũi bạn ác. Những ngoại đạo này thường bị sự che phủ của vô minh mà ngược lại còn tìm kiếm pháp tà ác. Những ngoại đạo này thường bị sự lừa dối mê hoặc của tà kiến mà ngược lại còn ở trong đó sinh ra tư tưởng thân thiện. Những ngoại đạo này mong được ăn trái ngọt mà lại trồng hạt đắng. Những ngoại đạo này ở trong nhà tối phiền não mà ngược lại xa lìa ánh sáng của ngọn đuốc đại trí. Những ngoại đạo này bị bệnh khát phiền não mà lại uống nước dục mặn. Những ngoại đạo này chìm nổi trong dòng sông lớn sinh tử vô biên mà lại xa lìa bậc lái thuyền Vô thượng. Những ngoại đạo này mê hoặc, điên đảo nói rằng, các hành thường. Các hành nếu thường là không có điều này.

*********

Này thiện nam tử! Ta xem các hành đều là vô thường. Làm sao biết được vậy? Vì do nhân duyên vậy. Nếu có các pháp từ nhân duyên sinh ra thì biết là vô thường. Các ngoại đạo đó không có một pháp nào mà chẳng từ nhân duyên sinh ra. Này thiện nam tử! Phật tính không sinh, không diệt, không đi, không lại, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chẳng phải nhân sở tác, chẳng phải không nhân sở tác, chẳng phải tác, chẳng phải tác giả, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải có danh, chẳng phải không danh, chẳng phải danh, chẳng phải sắc, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải sự nhiếp trì của ấm, giới, nhập. Vậy nên gọi là thường. Này thiện nam tử! Phật tính tức là Như Lai, Như Lai tức là pháp, pháp tức là Thường. Này thiện nam tử! Thường tức là Như Lai, Như Lai tức là Tăng, Tăng tức là Thường. Do nghĩa này nên pháp từ nhân duyên sinh chẳng gọi là Thường. Các ngoại đạo này không có một pháp nào mà chẳng từ nhân duyên sinh. Này thiện nam tử! Những ngoại đạo này chẳng thấy Phật tính, Như Lai và Pháp. Vậy nên lời nói ra của ngoại đạo đều là nói dối, không có chân đế. Những người phàm phu trước thấy bình, quần áo, xe cộ, nhà cửa, thành quách, sông nước, núi rừng, nam nữ, voi ngựa, trâu dê… rồi sau thấy tương tợ thì liền nói rằng Thường. Phải biết thật ra những cái ấy chẳng phải là thường vậy. Này thiện nam tử! Tất cả hữu vi đều là vô thường. Hư không thì vô vi, vậy nên là Thường. Phật tính thì vô vi, vậy nên là Thường. Hư không tức là Phật tính, Phật tính tức là Như Lai, Như Lai tức là Vô vi, Vô vi tức là Thường. Thường tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là Vô vi, Vô vi tức là Thường. Này thiện nam tử! Pháp hữu vi thường có hai thứ là sắc pháp và phi sắc pháp. Phi   sắc  pháp là  tâm, tâm  số  pháp. Sắc pháp là đất, nước, lửa, gió. Này thiện nam tử! Tâm gọi là Vô thường. Vì sao vậy? Vì tính của nó vin vào duyên mà tương ứng, phân biệt. Này thiện nam tử! Tính nhãn thức khác… cho đến tính ý thức khác. Vậy nên Vô thường. Này thiện nam tử! Cảnh giới của sắc khác…. cho đến cảnh giới của pháp khác. Vậy nên vô thường. Này thiện nam tử! Tương ứng của nhãn thức khác… cho đến tương ứng của ý thức khác. Vậy nên vô thường. Này thiện nam tử! Tâm nếu thường thì nhãn thức ứng với xúc duyên tất cả pháp. Này thiện nam tử! Nếu nhãn thức khác… cho đến ý thức khác thì biết là vô thường. Do pháp tương tợ mà từng niệm, từng niệm sinh diệt nên người phàm phu thấy rồi cho đó là Thường. Này thiện nam tử! Các nhân duyên có thể phá hoại nhau nên cũng gọi là vô thường. Như là nhân mắt, nhân màu sắc, nhân ánh sáng, nhân suy nghĩ mà sinh ra nhãn thức (sự nhận biết của mắt). Khi nhĩ thức sinh thì các nhân duyên đều khác, chẳng phải là nhân duyên của nhãn thức… cho đến sự khác của ý thức cũng lại như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Phá hoại các hành thì nhân duyên khác nên tâm gọi là Vô thường. Như là tu Vô thường là tâm khác, tu Khổ, Không, Vô ngã là tâm khác. Tâm nếu Thường thì nên dùng Thường tu Vô thường mà còn chẳng được dùng để quan sát Khổ, Không, Vô ngã huống là lại được dùng để quan sát Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Do nghĩa này nên trong pháp của ngoại đạo chẳng thể nhiếp lấy Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Này thiện nam tử! Ông phải biết rằng, tâm pháp nhất định là vô thường. Lại nữa, này thiện nam tử! Tâm tính khác nên gọi là Vô thường. Như là tâm tính của Thanh Văn khác, tâm tính của Duyên Giác khác, tính của tâm chư Phật khác. Tâm của tất cả ngoại đạo có ba thứ, một là tâm xuất gia, hai là tâm tại gia, ba là tâm xa lìa tại gia. Lạc tướng ứng với tâm khác, khổ tương ứng với tâm khác, chẳng khổ chẳng lạc tương ứng với tâm khác, tham dục tương ứng với tâm khác, sân nhuế tương ứng với tâm khác, ngu si tương ứng với tâm khác. Tâm của tất cả ngoại đạo cũng khác nhau. Như là ngu si tương ứng với tâm khác, nghi hoặc tương ứng với tâm khác, tà kiến tương ứng với tâm khác, uy nghi tiến dừng, tâm ấy cũng khác. Này thiện nam tử! Tâm nếu thường thì cũng lại chẳng thể phân biệt các sắc như là màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tía… Này thiện nam tử! Nếu tâm thường thì các pháp nhớ nghĩ chẳng nên quên mất. Này thiện nam tử! Tâm nếu thường thì sự đọc tụng chẳng nên tăng trưởng. Lại nữa, này thiện nam tử! Tâm nếu thường thì chẳng nên nói rằng đã tác, nay tác, sẽ tác (làm). Nếu có đã tác, nay tác, sẽ tác thì phải biết rằng là tâm nhất định vô thường. Này thiện nam tử! Tâm nếu Thường thì không oán, không thân, chẳng phải oán, chẳng phải thân. Tâm nếu thường thì chẳng nên nói rằng, vật của ta hay vật của người khác, hoặc tử hay sinh. Tâm nếu Thường thì tuy có sở tác nhưng chẳng nên tăng trưởng. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên phải biết tính của tâm mỗi mỗi đều khác biệt mà có khác biệt thì phải biết là vô thường. Này thiện nam tử! Ta nay ở trong pháp chẳng phải sắc này, diễn nói vô thường, nghĩa ấy đã hiển hiện, lại phải vì ông nói sắc vô thường! Sắc này vô thường vốn không có sinh mà sinh rồi thì diệt vậy. Bên trong thân khi ở thai thì Ca la la (?) vốn không có sinh mà sinh rồi thì biến đổi. Bên ngoài mầm chồi, thân cây vốn cũng không sinh mà sinh rồi thì biến đổi. Vậy nên phải biết, tất cả sắc pháp đều vô thường. Này thiện nam tử! Cái có bên trong sắc tùy lúc mà biến đổi, khi Ca la la khác, khi an phù đà khác, khi dà na khác, khi bế thủ (khép tay) khác, khi những nốt phỏng (?) khác, khi mới sinh khác, khi con trẻ khác, khi đồng tử khác… cho đến khi già, mỗi mỗi đều đổi khác. Sở dĩ bên ngoài sắc cũng lại như vậy, mầm chồi khác, thân khác, cành khác, lá khác, hoa khác, trái khác. Lại nữa, này thiện nam tử! Bên trong vị cũng khác, từ khi Ca la la cho đến già, mỗi mỗi đều biến đổi khác. Bên ngoài vị cũng vậy, thân, cành, lá, hoa, quả vị đều khác. Khi Ca la la thì lực khác… cho đến khi già thì lực khác. Khi Ca la la thì hình dáng khác…. cho đến khi già thì hình dáng cũng khác. Khi Ca la la thì quả báo khác… cho đến khi già thì quả báo cũng khác. Khi Ca la la thì tên gọi khác…. cho đến khi già thì tên gọi cũng khác. Cái gọi là sắc bên trong hoại rồi thì trở lại hòa hợp nên biết là vô thường. Những cây cối bên ngoài cũng hoại rồi trở lại hợp, nên biết là vô thường. Theo thứ lớp mà sinh ra dần dần, nên biết là vô thường. Theo thứ lớp sinh ra, từ khi Ca la la cho đến khi già; theo thứ lớp sinh ra, từ mầm chồi cho đến trái, hạt. Vậy nên biết là vô thường. Các sắc có thể diệt, nên biết là vô thường. Khi Ca la la diệt khác… cho đến khi già diệt khác; khi mầm chồi diệt khác… cho đến khi quả trái diệt khác. Vậy nên biết là vô thường. Kẻ phàm phu vô trí thấy sinh ra tương tợ thì cho là thường. Do nghĩa này nên gọi là Vô thường mà nếu vô thường thì tức là Khổ mà nếu là khổ thì tức là bất tịnh. Này thiện nam tử! Ta nhân ông Ca Diếp trước hỏi việc này mà đối với ông đó đã đáp.

Lại nữa, này Thiện nam tử!  Các hành vô ngã. Này thiện nam tử! Tóm lại tất cả pháp gọi là sắc chẳng phải sắc, sắc chẳng phải Ngã vậy. Vì sao vậy? Vì sắc có thể phá, có thể hoại, có thể xé, có thể bẻ, có sinh ra, có tăng trưởng, còn Ngã thì chẳng thể phá, hoại, xé, bẻ và sinh trưởng. Do nghĩa này nên biết sắc chẳng phải Ngã. Pháp chẳng phải sắc cũng lại chẳng phải Ngã. Vì sao vậy? Vì nhân duyên vậy! Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do chuyên niệm nên biết có ngã thì tính của chuyên niệm thật chẳng phải là Ngã vậy. Nếu dùng chuyên niệm làm tính của Ngã thì việc của quá khứ có quên mất mà có quên mất nên nhất định biết là Vô ngã. Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do tưởng nhớ nên biết có Ngã thì không nhớ tưởng nên nhất định biết là Vô ngã. Như nói, thấy người tay có sáu ngón liền hỏi rằng, ta trước thấy nhau ở đâu vậy? Nếu có Ngã thì chẳng nên hỏi nữa mà đã hỏi nhau nên nhất định biết là Vô ngã. Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do có ngăn chận nên biết có Ngã thì này thiện nam tử! Do có ngăn chận nên nhất định biết là Vô ngã. Như nói rằng, Ðiều Ðạt nhất định chẳng nói rằng, chẳng phải Ðiều Ðạt. Ngã cũng lại như vậy, nếu nhất định là Ngã thì nhất định chẳng ngăn chận Ngã. Do ngăn chận Ngã nên nhất định biết là vô ngã. Nếu do ngăn chận nên biết có Ngã thì ông hôm nay chẳng ngăn chận nên nhất định Vô ngã. Này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do bạn, chẳng phải bạn nên biết có Ngã thì do không bạn nên ứng với không có Ngã. Có pháp không bạn, như là Như Lai, hư không, Phật tính. Ngã cũng như vậy, thật không có bạn. Do nghĩa này nên nhất định biết là Vô ngã. Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do tên gọi nên biết có Ngã thì trong pháp Vô ngã cũng có tên của Ngã, như người nghèo hèn có tên gọi là Giàu Sang. Như nói rằng, Ngã chết. Nếu Ngã chết thì Ngã giết Ngã mà thật ra Ngã chẳng thể giết. Giả gọi là giết Ngã cũng như người thấp mà tên là cao. Do nghĩa này nên nhất định biết là Vô ngã. Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo khi sanh cần sữa thì nên biét là có ngã. Này thiện nam tử! Nếu có Ngã thì tất cả trẻ con chẳng nên nắm lấy phân bẩn, rắn, thuốc độc. Do nghĩa này nên nhất định biết là Vô ngã. Lại nữa, này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh đối với ba pháp đều có đẳng trí, đó là dâm dục, ăn uống, khủng bố. Vậy nên có ngã. Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do tướng mạo nên biết có Ngã thì này thiện nam tử! Có tướng mạo nên vô ngã mà vô tướng nên cũng vô ngã. Như khi người ngủ, chẳng thể tiến, dừng, cúi, ngữa, nhìn ngó, chẳng biết khổ, vui thì chẳng ứng có Ngã. Nếu do tiến, dừng, cúi, ngữa, nhìn ngó mà biết có Ngã thì người gỗ máy cũng ứng có Ngã. Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, chẳng tiến, chẳng dừng, chẳng cúi, chẳng ngữa, chẳng nhìn, chẳng ngó, chẳng khổ, chẳng vui, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, chẳng hành… Như Lai như vậy là chân thật có Ngã. Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu các ngoại đạo do thấy người khác ăn trái cây mà trong miệng chảy nước miếng nên biết là có Ngã thì, này thiện nam tử! Do nhớ nghĩ nên thấy thì chảy nước miếng mà nước miếng chẳng phải là Ngã, Ngã cũng chẳng phải nước miếng, chẳng phải vui, chẳng phải buồn, chẳng phải cười, chẳng phải khóc, chẳng phải nằm, chẳng phải dậy, chẳng phải đói, chẳng phải no… Do nghĩa này nên nhất định biết là Vô ngã. Này thiện nam tử! Những ngoại đạo này si dại như đứa trẻ con không phương tiện tuệ, chẳng thể thông đạt Thường cùng Vô thường, khổ – lạc, tịnh – bất tịnh, ngã – vô ngã, thọ mạng – chẳng phải thọ mạng, chúng sinh – chẳng phải chúng sinh, thật – chẳng phải thật, có – chẳng phải có. Ở trong Phật pháp, họ thủ lấy được chút ít nên hư vọng cho là có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh mà thật chẳng biết Thường Lạc Ngã Tịnh. Như người mù bẩm sinh chẳng biết màu của sữa liền hỏi người khác rằng: “Màu sữa giống màu gì?” Người khác đáp rằng: “Màu trắng như vỏ sò!” Người mù lại hỏi: “Màu sữa này như tiếng vỏ sò sao?” Ðáp rằng: “Chẳng phải vậy!” Lại hỏi: “Màu vỏ sò giống cái gì vậy?” Ðáp rằng: “Giống như hạt gạo lúa nước”. Người mù lại hỏi: “Màu sữa mềm mại như hạt gạo lúa nước sao? Hạt gạo lúa nước thì lại tương tợ cái gì?” Ðáp rằng: “Giống như mưa tuyết!” Người mù lại nói rằng: “Hạt gạo lúa nước kia lạnh như tuyết sao? Tuyết lại tương tợ cái gì?” Ðáp rằng: “Giống như con hạc trắng!” Người mù bẩm sinh tuy nghe bốn thứ ví dụ như vậy nhưng nhất định chẳng thể biết được màu sắc chân thật của sữa. Những ngoại đạo này cũng lại như vậy, nhất định chẳng thể nhận thức được Thường Lạc Ngã Tịnh. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên Ngã, trong Phật pháp, có Chân thật đế chứ chẳng phải ở trong ngoại đạo.

Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng:

– Hy hữu quá! Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai đến hôm nay sắp Bát Niết Bàn mới lại chuyển pháp luân Vô thượng, mới làm sự phân biệt Chân đế như vậy!

Ðức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng:

– Ông nay sao lại còn đối với Như Lai sinh ra Niết Bàn tưởng? Này thiện nam tử! Như Lai chân thật là thường trụ bất biến, chẳng Bát Niết Bàn! Này thiện nam tử! Nếu có người cho ta là Phật, ta thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, ta tức là Pháp mà Pháp là cái của ta, ta tức là Ðạo mà Ðạo là cái của ta, ta tức là Thế Tôn mà Thế Tôn là cái của ta, ta tức là Thanh Văn mà Thanh Văn là cái của ta, ta có thể nói pháp khiến cho người khác thỉnh thọ, ta chuyển pháp luân còn người khác thì chẳng thể chuyển… thì Như Lai nhất định chẳng kể là như vậy. Vậy nên Như Lai chẳng chuyển pháp luân. Này thiện nam tử! Nếu có người hư vọng cho là như vầy: Ngã tức là mắt mà mắt là Ngã sở (cái thuộc về Ngã), tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Ngã tức là sắc mà sắc là Ngã sở…. cho đến Pháp cũng như vậy. Ngã tức là đất mà đất là ngã sở, nước, lửa, gió.v.v… cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Nếu có người nói rằng, Ngã tức là tín mà tín là ngã sở, Ngã là đa văn mà đa văn là ngã sở, Ngã là Ðàn Balamật mà Ðàn Balamật tức là ngã sở, Ngã là Thi Balamật mà Thi Balamật tức là ngã sở, Ngã là Sằn đề Balamật mà Sằn đề Balamật tức là ngã sở, Ngã là Tỳ lê gia Balamật mà Tỳ lê gia Balamật tức là ngã sở, Ngã là Thiền Balamật mà Thiền Balamật tức là ngã sở, Ngã là Bát Nhã Balamật mà Bát Nhã Balamật tức là ngã sở, Ngã là bốn niệm xứ mà bốn niệm xứ tức là ngã sở, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phận, tám Thánh đạo phận cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Như Lai nhất định chẳng cho là như vậy. Vậy nên Như Lai chẳng chuyển pháp luân. Này thiện nam tử! Nếu nói rằng, thường trụ không có biến dị thì sao nói rằng, Phật chuyển pháp luân? Vậy nên nay ông chẳng nên nói rằng, Như Lai mới lại chuyển pháp luân Vô thượng. Này thiện nam tử! Ví như nhân mắt duyên với sắc, duyên với ánh sáng, duyên với tư duy rồi nhân duyên hòa hợp được sinh ra nhãn thức. Này thiện nam tử! Mắt chẳng nghĩ rằng, ta có thể sinh ra thức. Từ sắc cho đến tư duy nhất định chẳng nghĩ rằng, ta sinh ra nhãn thức. Nhãn thức cũng lại chẳng khởi ý nghĩ rằng, ta có thể tự sinh ra. Này thiện nam tử! Như vậy những pháp do nhân duyên hòa hợp được gọi là thấy (kiến). Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, nhân sáu Balamật, ba mươi bảy pháp trợ Bồ Ðề hiểu biết rõ các pháp, lại nhân yết hầu, lưỡi răng, môi, miệng, lời nói, âm thanh để vì ông Kiều Trần Như nói pháp đầu tiên, gọi là Chuyển pháp luân. Do nghĩa này nên Như Lai chẳng gọi là Chuyển pháp luân vậy. Này thiện nam tử! Nếu chẳng chuyển thì tức gọi là  Pháp mà Pháp tức là Như Lai. Này thiện nam tử! Ví như nhân đồ lấy lửa, nhân cái dùi, nhân tay, nhân phân trâu khô mà được sinh ra lửa. Ðồ lấy lửa cũng chẳng nói rằng, ta có thể sinh ra lửa. Cái dùi, tay, phân trâu khô đều chẳng nghĩ rằng, ta có thể sinh ra lửa. Lửa cũng chẳng nói rằng, ta có thể tự sinh ra. Như Lai cũng vậy, nhân sáu Balamật… cho đến Kiều Trần Như thì gọi là Chuyển pháp luân. Như Lai cũng lại chẳng sinh ý niệm rằng, ta Chuyển pháp luân. Này thiện nam tử! Nếu chẳng sinh thì đó gọi là Chuyển chánh pháp luân. Chuyển pháp luân này tức gọi là Như Lai. Này thiện nam tử! Ví như nhân cao sữa, nhân nước, nhân quậy đão, nhân bình, nhân sợi dây, nhân tay người bắt lấy mà được có ra váng sữa. Váng sữa cũng chẳng nói rằng, ta có thể tự có ra. Cho đến tay của người cũng chẳng có thể nghĩ rằng ta có thể sinh ra ván sữa. Ván sữa cũng chẳng nói rằng ta có thể tự sinh.Do mọi duyên hòa hợp nên được có ra váng sữa (tô). Như Lai cũng vậy, nhất định chẳng nghĩ rằng, ta chuyển pháp luân. Này thiện nam tử! Nếu chẳng có ra thì đó gọi là Chuyển chánh pháp luân. Chuyển pháp luân này tức là Như Lai. Này thiện nam tử! Ví như nhân hạt giống, nhân đất, nhân nước, nhân lửa, nhân gió, nhân phân, nhân thời tiết, nhân con người tác nghiệp mà mầm được sinh ra. Này thiện nam tử! Hạt giống cũng chẳng nói rằng, ta có thể sinh ra mầm… cho đến con người tác nghiệp cũng chẳng nghĩ rằng, ta có thể sinh ra mầm. Mầm cũng chẳng nói rằng, ta có thể tự sinh ra. Như Lai cũng vậy, nhất định chẳng nghĩ rằng, ta chuyển pháp luân. Này thiện nam tử! Nếu chẳng làm thì đó gọi là Chuyển chánh pháp luân. Chuyển pháp luân này tức là Như Lai. Này thiện nam tử! Ví như nhân cái trống, nhân hư không, nhân da, nhân con người, nhân dùi trống hòa hợp phát ra tiếng. Trống chẳng nghĩ rằng, ta có thể phát ra tiếng… cho đến cái dùi trống cũng như vậy. Tiếng cũng chẳng nói rằng, ta có thể tự sinh ra. Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, nhất định chẳng nghĩ rằng, ta chuyển pháp luân. Này thiện nam tử! Chuyển pháp luân thì gọi là chẳng làm mà chẳng làm thì tức là chuyển pháp luân. Chuyển pháp luân tức là Như Lai. Này thiện nam tử! Chuyển pháp luân thì mới là cảnh giới của các đức Phật Thế Tôn, chẳng phải là sự hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử! Hư không chẳng phải sinh, chẳng phải ra, chẳng phải làm, chẳng phải tạo, chẳng phải pháp hữu vi. Như Lai cũng vậy, chẳng phải sinh, chẳng phải ra, chẳng phải tác, chẳng phải tạo, chẳng phải pháp hữu vi. Như Như Lai tính, Phật tính cũng vậy, chẳng phải sinh, chẳng phải ra, chẳng phải tác, chẳng phải tạo, chẳng phải pháp hữu vi. Này thiện nam tử! Lời nói của các đức Phật Thế Tôn có hai thứ, một là lời nói thế gian, hai là lời nói xuất thế gian. Này thiện nam tử! Như Lai vì những Thanh Văn, Duyên Giác nói ra lời nói thế gian, vì các Bồ tát nói lời nói xuất thế gian. Này thiện nam tử! Những đại chúng này lại có hai hạng, một là hạng cầu Tiểu thừa, hai là hạng cầu Ðại Thừa. Ta ngày trước, ở thành Ba la Nại vì các Thanh Văn chuyển Pháp Luân. Hôm nay, bắt đầu ở thành Câu Thi Na này ta vì các Bồ tát chuyển Ðại Pháp Luân. Lại nữa, này thiện nam tử! Lại có hai hạng người là người trung căn và người thượng căn. Ta vì người trung căn, ở thành Ba La Nại chuyển pháp luân. Ta vì người thượng căn, hạng vua voi trong loài người, như Bồ tát Ca Diếp.v.v… nay ở thành Câu Thi Na này chuyển bánh xe Ðại pháp. Này thiện nam tử! Kẻ hạ căn cùng cực thì Như Lai nhất định chẳng vì họ mà chuyển pháp luân. Người hạ căn cùng cực tức là nhất xiển đề. Lại nữa, này thiện nam tử! Người cầu Phật đạo lại có hai hạng, một là hạng trung tinh tấn, hai là hạng thượng tinh tấn. Ở thành Ba la Nại, ta vì hạng trung tinh tấn mà chuyển pháp luân. Hôm nay ở thành Câu Thi Na này, ta vì hạng thượng tinh tấn mà chuyển bánh xe Ðại pháp. Lại nữa, này thiện nam tử! Ngày trước, ở thành Ba La Nại kia, lần đầu tiên ta chuyển pháp luân thì tám vạn trời, người được quả Tu Ðà Hoàn. Hôm nay, ở thành Câu Thi Na này, có tới tám mươi vạn ức người chẳng thoái chuyển đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, này thiện nam tử! Ở thành Ba La Nại vua trời Ðại Phạm cúi đầu thỉnh ta chuyển bánh xe pháp. Hôm nay, ở thành Câu Thi Na này, Bồ tát Ca Diếp cúi đầu thỉnh ta chuyển bánh xe Ðại pháp. Lại nữa, này thiện nam tử! Thuở trước, ở thành Ba La Nại kia, khi ta chuyển pháp luân thì nói về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Hôm nay, ở thành Câu Thi Na này, khi ta chuyển pháp luân thì nói về Thường Lạc Ngã Tịnh.

Lại nữa, này thiện nam tử! Thuở trước, ở thành Ba La Nại kia, khi ta chuyển pháp luân thì âm thanh phát ra vang đến cõi trời Phạm. Hôm nay, ở thành Câu Thi Na, khi Như Lai chuyển pháp luân thì âm phát ra vang khắp cùng thế giới chư Phật nhiều bằng hai mươi lần cát sông Hằng ở phương Ðông và phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới cũng lại như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Các đức Phật Thế Tôn phàm có điều nói ra đều gọi là chuyển pháp luân vậy. Này thiện nam tử! Ví như Luân bảo (báu bánh xe) sở hữu của vị Thánh vương, đối với người chưa hàng phục thì có thể hàng phục, kẻ đã hàng phục thì có thể khiến cho yên ổn. Này thiện nam tử! Các đức Phật Thế Tôn phàm đã nói pháp thì cũng lại như vậy, người vô lượng phiền não chưa điều phục thì có thể khiến cho điều phục, người đã điều phục thì khiến cho họ sinh ra thiện căn. Này thiện nam tử! Ví như Luân bảo sở hữu của vị Thánh vương có thể tiêu diệt tất cả oán tặc. Như Lai diễn pháp cũng lại như vậy, có thể khiến cho tất cả các giặc phiền não đều tịch tịnh hết. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như Luân bảo sở hữu của vị Thánh vương hồi chuyển lên xuống. Như Lai nói pháp cũng lại như vậy, có thể khiến cho những chúng sinh ác của đường dưới sinh lên cõi người, trời… cho đến Phật đạo. Này thiện nam tử! Vậy nên nay ông chẳng nên khen rằng, Như Lai ở đây lại chuyển pháp luân.

Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con đối với nghĩa này chẳng phải là chẳng biết. Sở dĩ con hỏi là muốn lợi ích cho các chúng sinh! Thưa đức Thế Tôn! Con từ lâu đã biết, chuyển pháp luân quả thật là cảnh giới của các đức Phật Thế Tôn, chẳng phải là sự theo kịp của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ tát Ca Diếp rằng:

– Này thiện nam tử! Ðó gọi là việc lành Thánh hạnh của Bồ tát trụ ở Kinh Ðại Thừa Ðại Niết Bàn.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Lại do ý nghĩa gì nên gọi là Thánh hạnh?

– Này thiện nam tử! Thánh là gọi các đức Phật Thế Tôn. Do nghĩa này nên gọi là Thánh hạnh!

– Thưa đức Thế Tôn! Nếu là sở hạnh của các đức Phật thì chẳng  phải là hạnh có thể tu hành của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát!

– Này thiện nam tử! Những vị Thế Tôn đó an trụ ở Ðại Bát Niết Bàn này mà làm như vậy để khai thị, phân biệt, diễn nói nghĩa ấy! Do nghĩa này nên gọi là Thánh hạnh. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ tát nghe như vầy rồi có thể phụng hành nên gọi là Thánh hạnh. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát này được hạnh đó rồi thì được trụ ở Vô Sở Úy Ðịa. Này thiện nam tử! Nếu có Bồ tát được trụ ở Vô Sở Úy Ðịa như vậy thì chẳng còn sợ tham dục, sân nhuế, ngu si, sinh, già, bệnh, chết nữa, cũng lại chẳng sợ những đường ác, địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Này thiện nam tử! Ác có hai thứ, một là A tu la, hai là trong loài người. Trong loài người có ba loại ác, một là nhất xiển đề, hai là bài báng kinh điển Phương Ðẳng, ba là phạm bốn trọng cấm. Này thiện nam tử! Trụ ở trong Ðịa này, các Bồ tát.v.v… nhất định chẳng sợ rơi vào trong những ác như vậy cũng lại chẳng sợ Samôn, Balamật, ngoại đạo tà kiến, Thiên ma Ba Tuần, cũng lại chẳng sợ sinh ở hai mươi lăm cõi hữu. Vậy nên Ðịa này gọi là  Vô Sở Úy. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát trụ ở Vô Úy Ðịa được hai mươi lăm tam muội hoại hai mươi lăm cõi hữu. Này thiện nam tử! Các Ðại Bồ tát ấy được Vô Cấu tam muội có thể hoại Ðịa ngục hữu, được Vô Thoái tam muội có thể hoại súc sinh hữu, được Tâm lạc tam muội có thể hoại Ngã quỉ hữu, được Hoan hỷ tam muội có thể hoại A tu la hữu, được Nhật quang tam muội có thể đoạn Phất Bà Ðề hữu, được Nguyệt quang tam muội có thể đoạn Cù Gia Ni hữu, được Nhiệt viêm tam muội có thể đoạn Uất Ðan Việt hữu, được Như huyễn tam muội có thể đoạn Diêm Phù Ðề hữu, được Nhất thiết pháp bất động tam muội có thể đoạn Tứ Thiền Xứ hữu, được Nan phục tam muội có thể đoạn Tam Thập Tam Thiên Xứ hữu, được Duyệt Ý tam muội có thể đoạn Viêm Ma Thiên hữu, được Thanh sắc tam muội có thể đoạn Ðâu Suất Thiên hữu, được Hoàng sắc tam muội có thể đoạn Hóa Lạc Thiên hữu, được Xích sắc tam muội có thể đoạn Tha Hóa Tự Tại Thiên hữu, được Bạch sắc tam muội có thể đoạn Sơ Thiền hữu, được Chủng chủng tam muội có thể đoạn Phạm Thiên Vương hữu, được Song tam muội có thể đoạn Nhị Thiền hữu, được Lôi âm tam muội có thể đoạn Tam Thiền hữu, được Chú vũ tam muội có thể đoạn Tứ Thiền hữu, được Như hư không tam muội có thể đoạn Vô Tưởng hữu, được Chiếu Kinh (gương) tam muội có thể đoạn Tịnh Cư A Na Hàm hữu, được Vô ngại tam muội có thể đoạn Không Xứ hữu, được Thường tam muội có thể đoạn Thức Xứ hữu, được Lạc tam muội có thể đoạn Bất Dụng Xứ hữu, được Ngã tam muội có thể đoạn Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ hữu. Này thiện nam tử! Ðó gọi là Bồ tát được hai mươi lăm tam muội đoạn trừ hai mươi lăm cõi hữu. Này thiện nam tử! Hai mươi lăm tam muội như vậy gọi là những vua tam muội. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát vào những vua tam muội như vậy, nếu muốn thổi tan vua núi Tu Di thì có thể theo ý mình, muốn biết ý nghĩ trong lòng của những chúng sinh  sẵn có của ba ngàn đại thiên thế giới, cũng có thể biết hết, muốn đem số chúng sinh sẵn có của ba ngàn đại thiên thế giới vào trong một lỗ chân lông của thân mình thì có thể theo ý mình mà cũng khiến cho chúng sinh không có cảm tưởng bị dồn ép, muốn hóa làm vô lượng chúng sinh khiến cho đầy ắp trong ba ngàn đại thiên thế giới thì cũng có thể làm theo ý, có thể phân chia một thân ra làm nhiều thân, rồi lại hợp nhiều thân làm một thân. Bồ tát tuy tác khởi như vậy nhưng lòng không có sự nhiễm trước giống như hoa sen. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát được vào những vua tam muội như vậy rồi liền được trụ ở Tự Tại Ðịa. Bồ tát trụ ở Tự Tại Ðịa này được sức tự tại, tùy theo chỗ muốn sinh liền được vãng sinh. Này thiện nam tử! Ví như vị Thánh Vương thống lĩnh bốn thiên hạ, đi đâu tùy ý không thể chướng ngại. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, tất cả chỗ sinh nếu muốn sinh thì theo ý vãng sinh. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát, nếu thấy tất cả chúng sinh của địa ngục có thể giáo hóa khiến cho trụ ở thiện căn thì Bồ tát liền vãng sinh vào trong ấy. Bồ tát tuy sinh nhưng chẳng phải do nghiệp quả xưa mà do nhân duyên lực của Bồ tát trụ Tự Tại Ðịa nên sinh ra trong địa ngục ấy. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát tuy ở tại địa ngục nhưng chẳng chịu những khổ như thân rực cháy, tan nát.v.v… Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát đã thành tựu công đức vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức như vậy còn chẳng thể nói, huống gì là công đức sở hữu của chư Phật mà sẽ có thể nói được sao?

Lúc bấy giờ, trong chúng có một vị Bồ tát tên là Vô Cấu Tạng Vương, có đại uy đức, thành tựu thần thông, được Ðại Tổng Trì tam muội đầy đủ, được Vô sở úy, liền đứng dậy, trịch áo vai phải, gối phải đặt xuống đất, quì dài, chắp tay bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói, các đức Phật, Bồ tát đã thành tựu công đức trí tuệ vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức, thật chẳng thể nói, nhưng theo ý con vẫn cho là chẳng bằng Kinh điển Ðại Thừa này! Vì sao vậy? Vì nhân vào sức của Kinh Ðại Thừa Phương Ðẳng này có thể sinh ra các đức Phật Thế Tôn Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Ðức Phật khen rằng:

– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như lời ông nói! Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng này tuy lại thành tựu vô lượng công đức nhưng muốn sách Kinh này bằng thí dụ thì chẳng được, dù được nhân lên trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn vạn ức lần… cho đến thí dụ tính toán đã chẳng thể bì kịp. Này thiện nam tử! Ví như từ trâu ra sữa, từ sữa ra cao sữa, từ cao sữa ra váng sữa sống, từ váng sữa sống (sinh tô) ra váng sữa chín, từ váng sữa chín ra đề hồ. Ðề hồ là tối thượng, nếu có người uống thì mọi bệnh đều tiêu trừ, các thuốc sẵn có đều vào trong đề hồ ấy. Này thiện nam tử! Phật cũng như vậy, từ Phật ra mười hai bộ Kinh, từ mười hai bộ Kinh ra Tu đa la, từ Tu đa la ra Kinh Phương Ðẳng, từ Kinh Phương Ðẳng ra Bát nhã Balamật, từ Bát nhã Balamật ra Ðại Niết Bàn giống như đề hồ. Rằng đề hồ là dụ cho Phật tính mà Phật tính thì tức là Như Lai. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên nói rằng, công đức sở hữu của Như Lai nhiều vô lượng vô biên chẳng thể xưng kể.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật khen, Kinh Ðại Niết Bàn giống như Ðề hồ tối thượng vi diệu. Nếu có người có thể uống thì mọi bệnh đều tiêu trừ, tất cả các thuốc đều vào trong ấy. Con nghe thế rồi lại trộm suy nghĩ, nếu có người chẳng thể thính thọ Kinh này thì phải biết rằng, người này là kẻ đại ngu si, không có thiện tâm. Thưa đức Thế Tôn! Hôm nay con thật có thể kham nhẫn (chịu nhịn) lột da làm giấy, trích máu làm mực, dùng tủy làm nước, bẻ xương làm bút để ghi chép Kinh Ðại Niết Bàn này, chép rồi đọc tụng cho nhuần nhuyễn (thông lợi) Kinh ấy, rồi nhiên hậu vì người rộng nói nghĩa của Kinh ấy. Thưa đức Thế Tôn! Nếu có chúng sinh tham trước của cải thì con sẽ cho của cải, rồi nhiên hậu dùng Kinh Ðại Niết Bàn này khuyên họ đọc tụng. Nếu người tôn quí thì con trước dùng lời ái ngữ, thuận theo ý của họ, rồi nhiên hậu sẽ dần dần đem Kinh Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này khuyên họ đọc tụng. Nếu là hạng dân dã thì con sẽ dùng uy thế ép họ đọc tụng. Nếu là người kiêu mạn thì con sẽ vì người ấy mà làm kẻ sai khiến, thuận theo ý họ khiến cho họ hoan hỷ, rồi nhiên hậu sẽ đem Ðại Bát Niết Bàn mà dạy bảo, dẫn đường cho họ. Nếu có người bài báng Kinh điển Ðại Thừa thì con sẽ dùng thế lực đánh đổ khiến cho họ phục tùng. Họ đã hàng phục rồi nhiên hậu con khuyên đọc tụng Ðại Niết Bàn. Nếu người ưa thích Kinh Ðại Thừa thì đích thân sẽ đến cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi.

Lúc bấy giờ, đức Phật khen Bồ tát Ca Diếp rằng:

– Hay thay! Hay thay! Ông rất yêu thích Kinh điển Ðại Thừa! Tham Kinh Ðại Thừa, thọ Kinh Ðại Thừa, nếm vị Kinh Ðại Thừa, tin, kính, tôn trọng, cúng dường Kinh Ðại Thừa! Này thiện nam tử! Ông nay do nhân duyên thiện tâm này nên sẽ được siêu việt vô lượng vô biên những Ðại Bồ tát nhiều như cát sông Hằng, hiện tại trước mắt được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ông cũng chẳng bao lâu lại sẽ như ta, rộng vì đại chúng diễn nói về Ðại Bát Niết Bàn, Như Lai, Phật tính, Tạng bí mật của lời nói chư Phật… như vậy. Này thiện nam tử! Ðời quá khứ, khi mặt trời Phật chưa xuất hiện, ta vào lúc đó, làm Bà la môn, tu hạnh Bồ tát, có thể thông đạt hết tất cả kinh luận sở hữu của ngoại đạo, tu hành Tịch Diệt, đầy đủ oai nghi. Tâm ấy thanh tịnh, chẳng bị sự phá hoại của dục tưởng ngoại lai sinh ra, diệt lửa sân nhuế, thọ trì pháp Thường Lạc Ngã Tịnh, tìm kiếm khắp cùng Kinh điển Ðại Thừa mà thậm chí chẳng nghe đến tên gọi Phương Ðẳng. Ta vào lúc ấy, trụ ở núi Tuyết, núi ấy thanh tịnh với suối chảy, ao tắm, cây rừng, dược thảo tràn đầy. Ðất ấy nơi nơi xen với đá có dòng nước trong với nhiều những hoa thơm nghiêm sức khắp cùng và nhiều loài chim, bầy thú chẳng thể xưng kể, quả ngọt nhiều thứ khó phân biệt kể ra. Nơi ấy lại có vô lượng rễ ngó sen, rễ ngọt, rễ Thanh mộc hương. Ta vào lúc bấy giờ, một mình ở trong chỗ ấy, chỉ ăn các loại trái cây, ăn rồi buộc lòng tư duy tọa thiền trải qua vô lượng năm cũng chẳng nghe có Như Lai ra đời và tên Kinh Ðại Thừa. Này thiện nam tử! Khi ta tu hạnh khổ như vậy thì Thích Ðề Hoàn Nhân, các trời, người.v.v…lòng rất kinh ngạc quái lạ, mỗi mỗi đều gọi nhau mà nói kệ rằng:

Ðều chung nhau bày chỉ

Trong núi Tuyết sạch trong

Chúa tịch tịnh ly dục

Công đức trang nghiêm vương

Ðã lìa tham, sân, mạn

Ngu si đoạn dứt xong

Miệng mới chưa từng nói

Lời thô ác vân vân…

Lúc bấy giờ, trong chúng có một thiên tử tên là Hoan Hỷ lại nói kệ rằng:

Người ly dục như vậy

Siêng tinh tấn sạch trong

Mà chẳng cầu Ðế Thích

Và địa vị chư thiên.

Người cầu đạo như vậy

Các hạnh khổ tu hành

Người này muốn cầu chỗ

Của Thích Ðề Hoàn Nhân.

Lúc bấy giờ, lại có một vị Tiên Thiên tử liền vì Ðế Thích mà nói kệ rằng:

Kiều Thi Ca thiên chúa

Nghĩ này chẳng nên sanh

Ngoại đạo tu khổ hạnh

Hà tất cầu Ðế Vương.

Nói kệ này rồi, ông lại nói rằng: “Này Kiều Thi Ca! Ở đời có bậc Ðại Sĩ vì chúng sinh nên chẳng tham thân mình, vì muốn lợi ích cho các chúng sinh nên tu đủ thứ khổ hạnh không lường. Như người này thấy những tội lỗi trong sinh tử nên giả sử có thấy trân bảo đầy trong đất đai, núi, rừng, biển cả này cũng chẳng sanh lòng tham trước mà như nhìn thấy nhỗ bãi nước bọt. Như vậy Ðại Sĩ xả bỏ của báu, sự yêu thương vợ con, đầu mắt, não tủy, tay chân, chi tiết, chỗ ở, nhà cửa, voi ngựa, xe cộ, nô tỳ, đồng bộc… cũng chẳng nguyện cầu sinh lên cõi trời mà chỉ cầu cho tất cả chúng sinh được hưởng thụ khoái lạc. Ðúng như sự lý giải của tôi, như vậy là Ðại Sĩ thanh tịnh không nhiễm ô, mọi kết sử hết vĩnh viễn, chỉ muốn cầu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Thích Ðề Hoàn Nhân lại nói rằng: “Như lời ông nói thì người này là người nhiếp lấy tất cả chúng sinh của thế gian. Này Ðại Tiên! Nếu thế gian này có cây Phật thì có thể trừ diệt rắn độc phiền não của tất cả chư thiên, người đời và A tu la. Nếu những chúng sinh này trụ ở trong bóng mát của cây Phật đó thì những độc phiền não đều bị tiêu diệt hết. Này Ðại Tiên! Người này nếu trong đời vị lai làm bậc Thiện Thệ thì chúng ta đều sẽ được diệt hết vô lượng phiền não cháy rực. Việc như vậy thật là khó tin. Vì sao vậy? Vì vô lượng trăm ngàn những chúng sinh.v.v… phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thấy chút duyên nhỏ đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác nên liền động chuyển. Như trăng trong nước, hễ nước động thì động theo, giống như vẽ tượng, khó thành mà dễ hư hoại, tâm Bồ Ðề cũng lại như vậy, khó phát mà dễ hoại. Này Ðại Tiên! Như có nhiều người dùng áo giáp đồng, binh khí tự trang bị chắc chắn, muốn tiến tới trước thảo trừ giặc mà lâm trận sợ hãi liền thoái lui tan rã. Vô lượng chúng sinh cũng lại như vậy, phát tâm Bồ Ðề, tự trang bị bền chắc, nhưng thấy tội lỗi sinh tử nên lòng sinh sợ hãi liền thoái lui, tiêu tan. Này Ðại Tiên! Tôi thấy vô lượng chúng sinh như vậy, sau khi phát tâm Bồ Ðề đều sinh ra động chuyển. Vậy nên tôi nay tuy thấy người này tu khổ hạnh, không não, không nhiệt, trụ ở hiểm đạo, hạnh người ấy thanh tịnh nhưng chưa có thể tin vậy. Tôi nay cần phải tự đến đó thử thách để biết người ấy có thật có thể đủ sức gánh vác gánh rất nặng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác không? Này Ðại Tiên! Giống như xe có hai bánh thì có thể sử dụng chuyên chở, con chim có hai cánh thì đủ sức bay đi, khổ hạnh này cũng lại như vậy, tôi tuy thấy người ấy kiên trì cấm giới, nhưng chưa biết người ấy có thâm trí không. Nếu có thâm trí thì sẽ biết người ấy có thể đủ sức gánh vác gánh nặng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Thưa ÐạiTiên! Ví như mẹ cá có nhiều trứng cá nhưng thành tựu cá thì ít. Như hoa của cây Am La thì nhiều mà thành trái thì ít. Chúng sinh phát tâm có đến vô lượng và số thành tựu ấy thì ít, chẳng đủ nói. Này Ðại Tiên! Tôi cùng ông đều đến thử thách ông ấy! Ví như vàng ròng, sau ba lần thử rồi mới biết vàng ấy chân thật, là đốt, đập, mài. Thử thách người khổ hạnh kia thì cũng phải như vậy”.

Lúc bấy giờ, Thích Ðề Hoàn Nhân tự biến thân mình làm hình dáng La sát, thân hình rất đáng sợ, xuống đến núi Tuyết, cách người tu ấy chẳng xa liền đứng lại. Lúc đó, La sát lòng không chút sợ hãi, mạnh mẽ khó đương, biện tài theo thứ lớp. Tiếng La sát ấy rất thanh nhã tuyên nói nửa bài kệ mà Phật đời quá khứ đã nói:

Các hạnh vô thường

Là pháp sinh diệt.

Nói nửa bài kệ này rồi, La sát liền đứng trước người tu hành ấy, thị hiện hình mạo rất đáng kinh sợ, quay đầu liếc khắp, nhìn xem bốn phương. Người khổ hạnh này nghe nửa bài kệ đó, lòng sinh ra vui mừng. Ví như khách buôn ở chỗ hiểm nạn, đi đêm lạc bạn, sợ hãi tìm kiếm, gặp lại được bạn đồng hành mà lòng sinh ra vui mừng, nhảy nhót không lường. Cũng như người bệnh lâu mà chưa gặp lương y xem bệnh, cho thuốc tốt, về sau bỗng nhiên được gặp, như người chìm trong biển bỗng gặp thuyền bè, như người khát gặp nước trong mát, như người bị kẻ oán truy đuổi bỗng nhiên được giải thoát, như người bị trói buộc lâu bỗng nghe được thả ra, cũng như người nông phu đang bị hạn hán gặp được mưa, cũng như người đi trở về, được về, người nhà thấy rồi sinh ra đại hoan hỷ. Này thiện nam tử! Bấy giờ ta nghe nửa câu kệ này rồi trong lòng vui mừng cũng lại như vậy, liền đứng dậy dùng tay vén tóc, quay nhìn bốn phương rồi hướng về chỗ nghe kệ mà nói rằng: “Lời nói của ai đó?” Bấy giờ, ta cũng lại chẳng thấy còn ai khác, chỉ thấy La sát, liền nói rằng: “Ai mở cánh cửa Giải thoát như vậy? Ai có thể nổi sấm âm thanh của chư Phật? Ai ở trong giấc ngủ sinh tử mà một mình tỉnh thức xướng lên lời như vậy? Ai có thể ở đây hiển thị dắt dẫn chúng sinh cơ cẩn sinh tử được đạo vị Vô thượng? Vô lượng chúng sinh chìm trong biển sinh tử mà ai có thể ở trong đó làm bậc Ðại thuyền sư? Những chúng sinh này thường bị sự ràng buộc của bệnh nặng phiền não mà ai có thể ở trong họ làm lương y? Người nói nửa bài kệ này đã khai ngộ lòng ta giống như nửa tháng hoa sen nở dần dần”. Này thiện nam tử!  Vào lúc bấy giờ, ta lại không thấy gì, chỉ thấy có La sát, lại nghĩ rằng: “Chắc là La sát nói kệ này ư?” Ta lại sinh nghi hoặc: “Chẳng phải là La sát ấy nói sao?’ Vì sao vậy? Vì người này hình dung rất đáng kinh sợ. Nếu có người được nghe câu kệ này thì tất cả sự xấu xí kinh tởm liền trừ hết mà sao người này có hình mạo như vậy lại có thể nói bài kệ này? Chẳng ứng trong lửa mọc ra hoa sen, chẳng phải trong ánh sáng mặt trời sinh ra nước lạnh đó sao?” Này thiện nam tử!  Vào lúc bấy giờ, ta lại nghĩ rằng: “Ta nay vô trí mà La sát này hoặc có thể được thấy các đức Phật quá khứ và từ chỗ các đức Phật nghe được nửa câu kệ này. Ta nay phải hỏi”. Ta liền đến trước chỗ La sát đó mà nói như vầy: “Hay thay! Thưa Ðại sĩ! Ở đâu mà ông được lời nói nửa bài kệ của bậc Ly Bố Úy đời quá khứ này? Thưa Ðại sĩ! Ở đâu mà ông lại được nửa viên ngọc Như Ý như vậy! Thưa Ðại sĩ! Nghĩa của nửa câu kệ này là chánh đạo của các đức Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai và hiện tại vậy. Tất cả thế gian, chúng sinh nhiều không lường thường bị sự che phủ của màn lưới các kiến, trọn đời ở trong pháp ngoại đạo này, ban đầu chẳng được nghe lời nói “không nghĩa” của đấng Thập Lực Thế Hùng ra khỏi thế gian như vậy”. Này thiện nam tử! Ta hỏi rồi thì La sát liền đáp lời ta rằng: “Này Ðại Bàlamôn! Ông nay chẳng nên hỏi ta ý nghĩa đó! Vì sao vậy? Vì ta chẳng ăn đến nay đã trải qua nhiều ngày, tìm kiếm khắp nơi nơi mà chẳng thể được, đói khát khổ não, lòng rối loạn, nói xằng bậy, chẳng phải là sự hiểu biết của bản tâm ta. Ta nay, sức có thể bay đi trong hư không để đến cõi Uất Ðan Việt… cho đến lên cõi trời. Nhưng ở khắp  nơi nơi tìm thức ăn cũng chẳng thể được. Do nghĩa này nên ta nói lời nói đó!” Ta liền nói với La sát rằng: “Này Ðại sĩ! Nếu ngài có thể vì tôi nói hết bài kệ này thì tôi sẽ trọn đời làm đệ tử của ngài! Thưa Ðại sĩ! Lời nói của ông thì tên gọi chẳng trọn, ý nghĩa cũng chẳng hết. Vì nhân duyên gì mà chẳng muốn nói vậy? Phàm tài thí thì có cạn kiệt hết, còn nhân duyên pháp thí chẳng thể hết vậy. Pháp thí vô tận đem nhiều lợi ích, ta nay nghe nửa bài kệ này rồi, lòng sinh ra kinh nghi. Ngài nay may mắn có thể vì tôi đoạn trừ cho mà nói trọn bày kệ này, tôi sẽ trọn đời làm đệ tử của ngài”. La sát đáp rằng: “Trí ông lớn quá chỉ tự lo cho thân mà quên chẳng thấy nghĩ đến ta đang bị sự bức bách của đói khổ, thật chẳng thể nói được”. Ta liền hỏi rằng: “Ðồ ăn của ngài là những vật gì?” La sát đáp rằng: “ Ông chẳng hỏi lắm! Nếu ta nói thì khiến cho nhiều người sợ!” Ta lại hỏi rằng: “Trong này là chỗ riêng, lại không có người mà tôi thì chẳng sợ, vì sao ngài chẳng nói?” La sát đáp rằng: “Ðồ ăn của ta chỉ là thịt ấm (còn nóng) của người còn đồ uống thì chỉ là máu nóng của người! Tự ta bạc phước chỉ ăn đồ này mà khốn đốn tìm kiếm cùng khắp chẳng thể được. Ðời tuy có nhiều người nhưng họ đều có phước đức, lại thêm sự thủ hộ của chư Thiên mà ta không có sức nên chẳng thể giết được”. Này thiện nam tử! Ta lại nói rằng: “Ngài chỉ nói đầy đủ nửa thiếu của bài kệ này, tôi nghe kệ rồi sẽ đem thân này dâng cúng dường ngài! Thưa Ðại sĩ! Giả sử tôi mạng chung, như tấm thân này không dùng vào việc gì nữa mà sẽ bị sự ăn nuốt của cọp, sói, cú vọ, diều hâu… nhưng lại chẳng được một chút phước đức. Tôi này vì cầu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, bỏ thân chẳng bền chắc để đổi thân bền chắc”. La sát đáp rằng: “Ai sẽ tin lời nói như vậy của ông! Vì tám chữ mà bỏ thân yêu thích!” Này thiện nam tử! Ta liền đáp rằng: “Ngài quả thật là không trí! Ví như có người cho người khác đồ sành mà được đồ bằng bảy báu. Tôi cũng như vậy, bỏ thân chẳng bền chắc mà được thân Kim cương. Ngài nói rằng, ai sẽ tin thì tôi nay đã có chứng! Vua trời Ðại Phạm, Thích Ðề Hoàn Nhân và vua bốn trời có thể chứng việc này. Lại có những Bồ tát thiên nhãn vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sinh nên tu hành Ðại Thừa đủ lục độ, cũng có thể chứng biết. Lại có các đức Phật Thế Tôn của mười phương lợi cho chúng sinh cũng có thể chứng cho tôi vì tám chữ nên bỏ thân mạng này”. La sát lại nói rằng: “Ông nếu có thể xả thân như vậy thì hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông nói nửa bài kệ còn lại ấy”. Này thiện nam tử! Ta vào lúc bấy giờ, nghe lời nói này rồi trong lòng vui mừng, liền cởi tấm da nai mặc trên thân mình, vì La sát này trải làm pháp tòa mà bạch rằng: “Thưa Hòa thượng! Mời Hòa thượng ngồi nơi tòa này. Ta liền vòng tay quỳ gối thưa rằng:  Ngài khéo vì tôi nói nửa bài kệ còn lại ấy cho được đầy đủ!” La sát liền nói rằng:

Sinh diệt diệt xong

Là vui Tịch tịnh.

La sát bấy giờ nói kệ này xong rồi, lại nói rằng: “Này Ðại Bồ tát! Ông nay đã nghe đầy đủ nghĩa bài kệ. Sở nguyện của ông đã được thỏa mãn, chắc chắn muốn được lợi cho chúng sinh thì bố thí thân cho ta đi!” Này thiện nam tử! Ta vào lúc ấy, nghĩ sâu ý nghĩa này, rồi nhiên hậu ghi chép bài kệ này vào khắp nơi nơi, hoặc trên đá, hoặc trên vách, hoặc trên cây, hoặc trên đường. Ta liền buộc lại quần áo đang mặc vì sợ sau khi chết, thân thể bị lộ hiện, rồi leo lên cây cao. Lúc bấy giờ, thần cây lại hỏi ta rằng: “Hay thay! Ngài muốn làm việc gì?” Này thiện nam tử! Ta liền đáp rằng: “Ta muốn xả thân để báo đền giá trị bài kệ!” Thần cây hỏi rằng: “Như vậy bài kệ có lợi ích gì?” Ta đáp rằng: “Bài kệ như vậy là lời nói khai thị đạo pháp không của các đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Ta vì pháp này mà xả bỏ thân mạng. Ta chẳng vì lợi dưỡng, tiếng tăm, của báu, Chuyển Luân Thánh Vương, Tứ Ðại Thên Vương, Thích Ðề Hoàn Nhân, Ðại Phạm Thiên Vương, niềm vui trong trời, người mà vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh nên xả thân này!” Này thiện nam tử! Khi ta xả thân này, lại nói rằng: “Nguyện cho tất cả người san tham tiếc rẻ đều đến thấy ta lìa bỏ thân này. Nếu có người ít bố thí, khởi cống cao thì cũng khiến cho được thấy ta xả thân mạng này vì một bài kệ như bỏ cỏ cây”. Vào lúc bấy giờ, ta nói lời này xong, liền buông thân gieo mình xuống dưới cây. Khi rơi xuống chưa đến đất thì trong hư không phát ra đủ thứ âm thanh. Những âm thanh ấy vang đến tận trời A Ca Ni Sấc. Lúc bấy giờ, La sát trở lại thân hình Ðế Thích, liền ở trong không, tiếp lấy thân ta, đặt yên xuống đất bằng. Bấy giờ, Thích Ðề Hoàn Nhân và những người trời, Ðại Phạm Thiên Vương cúi đầu đảnh lễ ở dưới chân ta mà khen rằng: “Hay thay! Hay thay! Chân thật là Bồ tát có thể đem lợi ích lớn cho vô lượng chúng sinh, muốn ở trong vô minh đen tối thắp ngọn đuốc Ðại Pháp! Ta do yêu tiếc Ðại Pháp của Như Lai nên nhiễu hại nhau! Nguyện xin cho ta sám hối tội lỗi! Ngài vào đời vị lai nhất định thành tựu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác! Nguyện xin được tế độ!” Lúc bấy giờ, Thích Ðề Hoàn Nhân và các thiên chúng đảnh lễ dưới chân ta. Ðến đây, họ giả từ ra đi, bỗng nhiên biến mất. Này thiện nam tử! Như ta thuở xưa vì một nửa bài kệ nên xả bỏ thân này. Do nhân duyên đó nên liền được vượt qua đủ mười hai kiếp, rồi thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác trước Bồ tát Di Lặc. Này thiện nam tử! Ta được vô lượng công đức như vậy là đều do cúng dường chánh pháp của Như Lai. Này thiện nam tử! Ông nay cũng vậy, phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì đã vượt lên trên vô lượng vô biên những Bồ tát nhiều như cát sông Hằng. Này thiện nam tử! Ðó gọi là Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn tu Thánh hạnh.