NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Lã Trí Minh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Lã Trí Minh

Sao gởi thư gì mà tên lẫn họ đều không ghi? Nếu gởi về nhà mình thì còn được. Nếu nhờ người khác chuyển, ắt phải lo có bị lỡ việc hay không? Muốn cho khi lâm chung chẳng bị hôn trầm, ắt lúc bình thường phải có hành trì chân thật. Lúc bình thường hờ hững, hời hợt, làm sao lâm chung tỉnh táo cho được? Chuyện của Châu Vinh Hâm nếu không phải là bịa đặt thì [ông ta] chắc chắn được vãng sanh. Một là vì ông ta có thiện căn từ đời trước, hai là vì được cả nhà trợ niệm. Chuyện trợ niệm lợi ích rất lớn. Nếu chẳng trợ niệm sẽ thành phá hoại chánh niệm. Đừng nói người không có công phu chẳng thể vãng sanh, ngay cả người có công phu mà bị người nhà phá hoại cũng chẳng thể vãng sanh được! Vì thế, phải khuyên sâu xa người nhà cùng tu Tịnh nghiệp, mới có thể chẳng đến nỗi công lao bị hỏng lúc sắp thành, vẫn trầm luân trong biển khổ sanh tử.

Con ông chẳng dám nhìn nữ nhân, nhưng kẻ tại gia hằng ngày thường trông thấy nữ nhân. Nếu thấy nữ nhân già, hãy tưởng như mẹ mình; người lớn hơn hãy tưởng như chị mình; kẻ nhỏ hơn hãy tưởng như em gái mình. Bất luận loại nữ nhân nào đều tưởng như vậy thì lâu ngày trông thấy nữ nhân khác cũng sẽ chẳng khác gì mẹ, chị, em mình. Lại nữa, [nếu] thấy nữ nhân xinh đẹp bèn khởi tà niệm thì hãy thường tưởng trong bụng người ấy toàn là phân tiểu, chỉ là một tấm da mỏng bọc lấy nên dường như dễ coi. Nếu bóc lớp da ấy ra, không có một điểm nào dễ nhìn cả! [Quán tưởng] nữ nhân như thế, mà [quán tưởng] chính mình cũng như thế. Lúc chưa thấy đã tưởng như vậy thì lúc trông thấy, tưởng niệm này sẽ hiện tiền, lâu ngày tà niệm tự tiêu. Nếu lấy vợ cũng tưởng như thế sẽ chẳng đến nỗi tham sắc chết yểu. Nếu không, nguy hiểm đến cùng cực. Chẳng những không nên đến chùa ni cô, mà với nhà thân hữu cũng đều nên tránh gây hiềm nghi (như ngồi trò chuyện trong phòng kín và chỗ không có người thấy).

Cổ nhân thì chị dâu em chồng chẳng đưa [đồ vật trực tiếp] cho nhau, chẳng phải là không trao cho nhau được mà là vì sợ biết đâu [do trực tiếp đụng chạm tay nhau] tà niệm dấy lên, nên lập ra cách ngăn ngừa này. Nơi ruộng dưa chẳng [cúi xuống] buộc dép, sợ [người khác] ở đằng xa trông thấy ngỡ mình bứt dưa. Dưới gốc mận chẳng [vói tay] chỉnh lại mũ, sợ [người khác] ở đằng xa nhìn thấy ngỡ mình bẻ mận. Chánh nhân quân tử không có tà niệm mà vẫn phải chấp trước như thế, huống chi là người vừa thấy nữ nhân liền khởi tà niệm há chẳng nên chấp trước như thế ư?

Phiền não là vọng, sao lại nói là “chẳng thể đoạn?” Nói “chẳng thể đoạn” là nói về chân tánh. Trước khi chưa chứng, chân tánh thuận theo ác duyên mà thành phiền não, nhưng vẫn bất biến. Thuận theo thiện duyên, tịnh duyên sẽ trở thành Bồ Đề, vẫn bất biến. Ví như vàng ròng tuy gò thành cái bô đi tiêu hay cái vò đựng nước tiểu ban đêm, tuy hằng ngày đựng phân, tánh vàng vẫn bất biến. Nếu đúc thành tượng Phật, tượng Bồ Tát, tuy cực kỳ quý trọng nhưng tánh vàng vẫn bất biến. Người trong thế gian ai nấy sẵn đủ Phật tánh, nhưng thường tạo ác nghiệp như đem vàng gò thành cái bô đi tiêu, cái vò đựng nước tiểu ban đêm, thật chẳng biết tự trọng quá sức! Nếu biết nghĩa này, ai chịu thường làm những món đồ để làm bô đi tiêu hay cái vò đựng nước tiểu ban đêm nữa? Nhưng con người tranh nhau làm bô đi tiêu hay cái vò đựng nước tiểu ban đêm! Trong trăm ngàn vạn ức người, chắc là hết sức ít những người chẳng chịu làm bô đi tiêu, cái vò đựng nước tiểu ban đêm, một dạ muốn làm tượng Phật, tượng Bồ Tát, ngay cả làm tượng Thiên Đế đại vương cũng không chịu làm!