NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Tiền Sĩ Thanh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Tiền Sĩ Thanh

(thư thứ nhất)

Hôm trước nhận được tiểu sử công đức của lệnh tổ[1], đọc rồi khôn ngăn cảm thán. Phàm những người cai trị dân đều chịu tuân theo pháp tắc thì thiên hạ yên vui vĩnh cữu. Chỉ có một chuyện người tầm thường muôn phần chớ nên bắt chước, bắt chước theo ắt bị đại họa. [Vũ Túc Vương] giương nỏ bắn sóng, sóng rút lui, ấy chính là thủy thần cảm đức của Vương nên sóng chẳng dâng lên nữa. Người thiếu đức bắt chước, ắt sẽ chọc giận thủy thần, sóng lớn bủa vây thì dân cư nguy hiểm đến cùng cực.

Ngày Trung Thu năm Quang Tự 12 (1886), tôi rời Nam Ngũ Đài (ở ngoài thành Trường An, chính là nơi Quán Âm hiện thân lão tăng hàng phục con rồng yêu quái, rồi khai sơn. Phần Phụ Lục cuối Văn Sao [Tăng Quảng Chánh Biên] có bài bi ký [về chuyện này]), sang núi Hồng Loa ở Bắc Kinh. Trước khi ra đi, đã nghe Thái Nguyên bị nạn lụt lớn. Đến đầu tháng Chín, tới Thái Nguyên, mới có đường nhỏ dành cho người đi bộ, do vậy bèn vào thành nhìn xem cảnh tượng. Một ngày nọ trong khoảng tháng Sáu, tháng Bảy, cuồng lưu dấy lên chảy bên cạnh thành từ phía Tây xuôi về phía Nam. Thế nước thật dữ dội, quan Tuần Phủ X… lên thành xem liền hạ lệnh bắn đại pháo [để phá sóng]. Bắn một phát, ngay lập tức nước dâng gấp mấy lần, thuận thế chảy về phía Nam thành. Cửa thành đã đóng, may là nước chưa tràn vào thành. Nam Quan là đường lớn để lên kinh đô, đường phố rất dài, nước xoáy đến nỗi nhà cửa, cỏ cây, tường vách không còn gì nữa, trở thành một cánh đồng mới bồi, phẳng lì, không một ai chẳng gặp phải tai nạn do phát đại pháo này. Tài vật bị tổn thất chẳng biết là đến mấy vạn vạn.

Đủ biết: Quỷ thần kính đức, chứ không sợ oai! Người thiếu đức trong lúc ấy chỉ nên suất lãnh mọi người khẩn cầu, sám hối cầu đảo đừng gây tổn thương cho dân lẫn vật, quyết chẳng đến nỗi khiến cả thành bị tai nạn lớn lao. Dẫu cho vô ích, quyết chẳng đến nỗi ươm thành tai nạn lớn lao! Khi in lại bài tiểu sử này, có lẽ hãy nên nêu rõ ý nghĩa này, ngõ hầu những kẻ làm quan về sau gặp phải cảnh này chẳng lượng đức mình, chỉ bắt chước Vương ra oai, đến nỗi chuốc họa hại dân!

Cư sĩ đã sáu mươi bảy, dẫu thọ trăm tuổi thì cũng đã quá nửa đời người rồi, hãy nên trong lúc về hưu vô hệ lụy này, theo đúng lý nên chuyên tu Tịnh nghiệp, tự hành, dạy người, khiến cho hết thảy mọi người đều quay về nơi hiện nay đã biến thành nhà cũ từng bị họ bỏ lơ thì lợi ích ấy chỉ đức Phật mới biết được! Nếu lắng lòng nghiên cứu thuật bói toán Phong Thủy, tuy có thể lợi người, nhưng cũng rất hữu hạn, Quang tuyệt đối chẳng nghĩ lời nói ấy là đúng. Lệnh tổ chẳng nghe lời [xúi giục] lấp [Tây] Hồ[2], kiến thức cao hơn những kẻ tầm thường vạn vạn lần. Nếu nghe theo, sợ sẽ nhọc dân hao của, hoặc đến nỗi bị tổn hại vô ích.

Đối với Phật pháp, Quang trọn chẳng đạt được gì. Năm Quang Tự 19 (1893) đến chùa Pháp Vũ ở Phổ Đà sống nhàn tản, cho tới năm Dân Quốc thứ sáu (1917), chẳng qua lại với người bên ngoài. Dẫu trong núi có ai sai phái viết lách gì, cũng chẳng dùng hai chữ Ấn Quang. Năm Dân Quốc thứ sáu (1917), Từ Úy Như nhận được ba lá thư bèn đem in ra mấy ngàn bản gởi cho người khác, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Tín Cảo. Năm sau lại thâu thập được hơn hai mươi mấy bức thư, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, đem in ra ở Bắc Kinh, tới Phổ Đà xin quy y. Quang bảo ông ta quy y với pháp sư Đế Nhàn. Từ đấy, hằng ngày bận bịu thù tiếp thư từ, trọn chẳng có lúc nào ngớt. Chẳng biết Bản Văn Sao mà cư sĩ đã đọc là bản được in vào năm nào, chỉ sợ lúc ấy chỉ đọc được một hai lượt đã bỏ xó. Nay gởi cho ông một bộ, văn tuy gai mắt, nhưng ý chấp nhận được. Xin hãy đọc kỹ để tu trì liền có thể vận dụng lớn lao lời nghị luận rộng lớn về chuyện dẫu nghèo cùng hay hiển đạt đều có thể tốt lành.

Văn Sao Tục Biên chỉ có hai cuốn, độ chừng ba trăm trang, so với bộ trước có nhiều chỗ lợi người hơn, nhưng văn chương lại càng hủ bại, ô uế. Ước chừng cuối tháng Tám sẽ có thể in xong. Nếu cư sĩ chẳng hiềm hủ bại, ô uế thì cuối tháng Tám, đầu tháng Chín sẽ không ngại gì đích thân đến chùa Thái Bình, hỏi pháp sư Đức Sâm thỉnh hai ba bộ để kết pháp duyên. Quang chưa hề mó tay vào thuật bói toán Phong Thủy, nhưng tôi thấy những người tự xưng là đại thông gia hiện nay đều chỉ trích kiến trúc của người xưa là sai, mặc tình sửa đổi. Thật ra, được tốt lành thì ít, bị xui xẻo thì nhiều. Phàm [những ai làm] thầy thuốc hoặc bói toán, Phong Thủy xin Quang khen ngợi, Quang chẳng thốt ra một chữ nào đáp ứng vì sợ khiến cho người khác bị lầm lạc bởi mình. Quang nói thẳng với họ: Nếu Quang tán dương, phải thấu hiểu sâu xa thuật ấy và biết đích xác bản lãnh của các hạ thì mới được. Quang chẳng biết những thuật ấy, lại chẳng biết bản lãnh của các hạ, làm sao có thể phô bày với người khác cho được? Người ta nói sao, mình cũng phô phang y hệt như vậy, thì tuy ngu hèn, Quang cũng chẳng chịu mạo muội thuận theo thói lấy lòng ấy đâu nhé!

(thư thứ hai)

Nhận được thư khôn ngăn khâm phục, đọc đến tác phẩm lớn lao của ngài liền biết đức của Vũ Túc Vương nhiều đời hãy còn. Những gia đình trâm anh đời đời đức hạnh mà tôi thường hâm mộ chỉ có [gia tộc] Phạm Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đời Tống là lâu bền nhất. Đọc gia phả nhà ông thì đức trạch của Vũ Túc Vương vượt trỗi Phạm công rất xa. Trộm nghĩ: Tập văn này nên đặt tên là Tiền Vũ Túc Vương Thế Trạch sẽ càng khiến người ta ngưỡng mộ. Quang là ông Tăng chỉ biết cơm cháo, không có tài đức làm thầy người khác, nhưng vì một người lan truyền chuyện giả, rốt cuộc người nghe chẳng xét, lầm tưởng là thật. Các hạ đã làm đồ đệ Ban Thiền[3] lại quy y với Quang, sợ rằng đôi bên chẳng hợp lẽ. Chỉ nên tích cực tu trì liền đạt được lợi ích lớn lao, chứ chẳng phải do quy y hay không?

Nay gởi kèm cho ông Một Lá Thư Trả Lời Khắp và toa thuốc để đáp tạ hậu ý. Quang mục lực suy yếu tột cùng, để đọc và trả lời thư này phải cậy vào kính lão lẫn kính lúp mới miễn cưỡng xem thư và trả lời được. Đối với sự tích của Vũ Túc Vương, [tôi phải] dùng ba cái kính để xem đại lược đầu mối. Nếu in theo khổ chữ Tam Hiệu Tự, dùng ba cái kính để đọc thì phải tốn công mấy chục bữa mới mong đọc xong. Nếu chẳng hiềm gai mắt, đợi trong tháng Tám, tháng Chín, khi Văn Sao Tục Biên in ra, xin hãy gởi thư cho pháp sư Đức Sâm chùa Thái Bình ở đường Bắc Thành Đô, Thượng Hải thỉnh một bộ thì cũng có thể làm một nhúm cát trong vô lượng hằng hà sa số lợi ích cho đời, cho người.

(thư thứ ba)

Hôm qua nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Bài tụng của Quang tuy ý có thể chấp nhận được, nhưng văn thật vụng về, chất phác. Các hạ khen ngợi là xiển minh chân lý, muôn đời chẳng mòn, đấy vẫn là do đức của lệnh tổ mà thành. Các hạ đề cao đức lệnh tổ, quy hết về lòng tin Phật, cũng là xiển minh chân lý muôn đời chẳng mòn. Trộm nghĩ: Gần đây người tin Phật xưng đương công đức của tổ tiên trọn chưa có ai thấu nguồn tột đáy như vậy. Bài văn này cũng nên đưa vào trong Tây Hồ Từ Trưng Văn San, chứ nào phải chỉ in kèm vào trong văn tập của ông. Quang cũng tính in kèm bài ấy vào cuối bài tụng trong Văn Sao. Xin hãy bảo thư ký chép thành tờ khác gởi đi, vì sợ rằng [trong nguyên bản của ông] có những chữ viết Thảo chắc sẽ vướng khuyết điểm “đọc sai mặt chữ”. “Tử Dương tự đại”, chưa biết người ấy [là ai], xin hãy chú thích rõ ràng để người đọc đều hiểu lời răn dạy. Thể lệ của Văn Sao là phàm với những chỗ lẽ ra nên Đài Đầu[4] đều chẳng chừa chỗ trống để đỡ tốn giấy. Nếu đem lời Bạt này in kèm vào [Văn Sao Tục Biên] thì cũng sẽ theo lệ ấy.

* Nhận định của La Hồng Đào:

Hậu Hán Thư, quyển năm mươi bốn, truyện Mã Viện chép: Mã Viện bảo Ngỗi Hiêu: “Tử Dương (tên tự của Công Tôn Thuật) là ếch ngồi đáy giếng, lầm tưởng là cao quý”. Điển tích “Tử Dương tự đại” phát xuất từ câu nói này. Đại Sư thông hiểu sâu rộng kinh sử, lẽ ra chẳng thể không biết, nhưng do nhất thời quên mất, nên ở đây tôi mới kính cẩn ghi chú bổ sung.

***

[1] Vị Tổ của ông Tiền Sĩ Thanh được nói ở đây chính là Tiền Vũ Túc Vương tức Ngô Việt Thái Tổ, tên thật là Tiền Liêu (852-932), tự Cụ Mỹ (có sách ghi là Cự Mỹ), người huyện Lâm An, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, người sáng lập ra nước Ngô Việt vào thời Ngũ Đại. Vào cuối đời Đường, do theo tướng quân Đổng Xương dẹp yên loạn Hoàng Sào, Tiền Liêu lãnh chức Trấn Hải Tiết Độ Sứ. Sau đó, Tiền Liêu đánh bại Đổng Xương, chiếm cứ mười ba châu huyện thuộc vùng Lưỡng Chiết (nay là toàn bộ tỉnh Chiết Giang, phần Đông Nam của tỉnh Giang Tô và phần Đông Bắc tỉnh Phước Kiến. Những vùng đất này thuộc lãnh thổ nước Ngô và Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc, nên khu vực này được gọi chung là Ngô Việt), được phong làm Ngô Việt Vương. Tiền Liêu chú trọng phát triển nông nghiệp vùng Ngô Việt, cho đắp đê trên sông Tiền Đường từ năm 907 đến 932 để ngừa nạn lụt cũng như thiết kế mạng lưới thủy lợi nhằm điều hòa mực sông. Chuyện bắn sóng để buộc thủy triều rút ra xa được tiến hành trong khoảng thời gian này. Nước Ngô Việt tồn tại từ năm 907 đến 978.

[2] Trong thời ấy, nhằm lúc nhà Đường suy vong, do chiến tranh liên miên, chánh quyền không quan tâm đến vấn đề nông tang. Sau khi dẹp yên Đổng Xương, Tiền Liêu mới lên nắm quyền xứ Ngô Việt. Tây Hồ cỏ dại, lau lách phủ kín, trông rất hoang vu, quạnh quẽ. Có một tay thuật sĩ khuyên Tiền Liêu nên lấp bằng Tây Hồ, dựng vương phủ trên ấy, sẽ được hưởng vượng khí ngàn năm. Tiền Liêu không chấp nhận đề nghị ấy, nói: “Trăm họ nhờ nước hồ này để tưới ruộng, không có nước sẽ không có dân. Huống chi sau năm trăm năm sẽ có dòng họ khác dấy lên, làm sao có chuyện cả ngàn năm mà không có chân chúa trong thiên hạ được?” Vua cho lệnh lập một đội quân chuyên trông coi việc khai quang, nạo vét hồ cho sạch sẽ, đồng thời đào thêm ba cái ao chung quanh để trữ nước phòng khi trời hạn hán.

[3] Ban Thiền Lạt Ma (Pan-chen-lama) là một vị lạt-ma cao cấp của Phật giáo Tây Tạng Hoàng Mạo phái (Gelugpa), chỉ kém Đại Lai Lạt Ma. Ban Thiền (Panchen) có nghĩa là bậc trí huệ, hoặc đại bác học. Chữ Panchen vốn do chữ Phạn Pandita (học giả) kết hợp với chữ Chenpo (vĩ đại) trong tiếng Tây Tạng. Đến đời Khang Hy, vị này được sắc phong thêm mỹ hiệu Ngạch Nhĩ Đức Ni (Erdeni: Quang Hiển). Khi Đại Lai Lạt Ma đời thứ năm (Ngawang Lobsang Gyatso, 1617-1682) lên ngôi quốc vương Tây Tạng, đã phong tặng cho thầy mình là Lobsang Chökyi Gyalsten (1570-1662), tu viện trưởng tu viện Tashilhunpo, tước hiệu Panchen. Do Đại Lai Lạt Ma tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát; đương nhiên, thầy của ông ta cũng được đề cao là hóa thân của A Di Đà Phật! Khi Lobsang Chökyi chết, chính Đại Lai Lạt Ma thứ năm đã chủ trì công cuộc tìm hóa thân của Lobsang và dòng truyền thừa Panchen bắt đầu từ đó. Đến đời Ban Thiền Lạt Ma thứ chín (Thubten Choekyi Nyima, 1833-1937), do bất hòa, tranh chấp quyền bính với Đại Lai Lạt Ma thứ 13, Ban Thiền phải chạy trốn sang Nội Mông Cổ, rồi sang Bắc Kinh và sống ở Trung Hoa mãi cho đến khi mất. Như vậy, ông Tiền Sĩ Thanh đã quy y với vị Ban Thiền Lạt Ma thứ chín này.

[4] Đài Đầu là cách viết tỏ vẻ tôn kính trong những công văn thời cổ, chừa một khoảng trống trước khi viết tên hay chức vụ của người được xưng hô. Chẳng hạn, nếu viết “Độc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Hữu Cảm” (Cảm nghĩ khi đọc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao) thì giữa chữ Độc và chữ Ấn Quang phải chừa tối thiểu hai khoảng trống. Cách viết này còn gọi là Na Đài. Một cách thể hiện tôn trọng hơn nữa gọi là Bình Đài, tức là khi viết theo lối Na Đài xong, bỏ một dòng trống trước khi viết tiếp dòng thứ hai.