“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH”
Hạnh Đoan lược dịch
Chương 18
TRUNG TÂM THIỀN
Trong Thiền tông, truyền thống bế quan tĩnh tu đã có rất sâu xa lâu dài. Tại Trung Quốc Đại Lục, hai tông Tào Động và Lâm Tế mỗi năm vào hai mùa Hạ và Đông thì các hoạt động được đình chỉ trong thời gian ba tháng: “cấm thanh cấm ngữ” để chuyên tĩnh tọa tham thiền. Người tại gia khó thể tham dự (chẳng phải họ không được phép, mà vì trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc thời bấy giờ; họ quá bận rộn không có thời gian, hoặc là vô phương bỏ ra thời gian dài để đến ẩn cư trong tự viện). Nếu muốn thâm nhập việc tu hành, thì họ có thể xuất gia.
Ngoài ra, Thiền Đường truyền thống thường rất ít, vô phương dung nạp chúng tại gia. (Thiền Đường ngoài tu hành ra, còn là nơi ngủ nghỉ). Vì phía trước là không gian dùng để đả tọa, thì phía sau là nơi an bài chăn mền, chỗ mọi người nghỉ tối. Còn Pháp Đường là nơi Tăng đến nghe thanh quy cùng sách tấn.
Nhưng tất cả những điều này đã thay đổi rồi. Ngày nay, chúng tại gia đều có thể đến tham dự khóa thiền tu. Trung Tâm Thiền (tọa lạc ở Hoàng Hậu Khu) Nữu Ước vẫn tiếp tục phát mạnh. Thiền kỳ tăng gia, nhân số cực đông. Vào niên đại 1990 Trung Tâm Thiền (tại Khả-lạc-na) do không đủ dùng, nên chúng tôi quyết định lập thêm một Trung Tâm Thiền lớn hơn nữa ngoài Hoàng Hậu Khu, địa điểm tốt nhất tại thôn quê.
Thật may, những tín chúng mới tăng thêm này là kiều dân Trung Quốc đến từ Nữu Ước, rất nhiệt tình ủng hộ Trung Tâm Thiền Hoàng Hậu Khu. Lúc này, đạo tràng của tôi tại Đài Loan mở rộng, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhờ vậy mà tôi có đủ năng lực khảo sát và mua đất xây dựng đạo tràng tại Mỹ.
Trải qua nhiều lần thăm dò, năm 1995, chúng tôi tìm được một địa điểm tu Thiền cực tốt tại Forest Town (Tùng Lâm trấn) Nữu Ước. Đây vốn là miếng đất tư nhân, sau này là Doanh trại nghỉ hè của Hội Nữ Thanh Niên Cơ Đốc Giáo (YWCA). Khi chúng tôi nhìn thấy miếng đất này, nó đã bị Hội Nữ Thanh Niên bỏ phế. Nhiều phòng khó thể tu sửa. Nhưng miếng đất này thật mỹ lệ, có hồ, có con đường nhỏ giữa rừng cây, hơn nữa lại lại nằm độc lập vắng vẻ. Tốt hơn nữa là, trừ tòa nhà chính và sảnh đường ăn uống ra, trên đồi nhỏ còn có Đại sảnh để hội nghị. Thật rất thích hợp để làm Thiền Đường. Nơi này cách Nữu Ước hai giờ đi xe, vị trí ở Tượng cương sơn phái (Shawangunk Ridge) sườn đồi phiá nam, vùng đất này có đồi núi trải dài, mọc nhiều cây to quý tốt, có hồ thiên nhiên và nhiều động vật hiếm lạ: chim chóc, nai và gấu đen… Là một vùng quê thơ mộng hữu tình, khiến người vừa nhìn là ưa thích, hơn nữa chỗ này giao thông cũng tiện lợi lại cách không xa Nữu Ước lắm và vẫn thuộc phạm vị nội thành. Chỉ có một vấn đề, Tùng Lâm Trấn quan tâm đến thu thuế; bởi vì chúng tôi là tổ chức tôn giáo, được miễn thuế đất; cho nên chúng tôi thưa với quan địa phương, tình nguyện đóng tiền. Sau này láng giềng lân cận nhìn thấy chúng tôi là người Trung Quốc, lại là Phật giáo đồ; nên cũng có ý kiến hơi căng, họ cho rằng chúng tôi là đoàn thể tôn giáo thần bí, có thể cử hành những nghi thức kỳ quái hoặc thi triển tà thuật gì đó… Chúng tôi lễ phép trình rõ tâm ý mình: Bản chất hoạt động của chúng tôi là hòa bình, an ninh, yên tĩnh; cuối cùng bọn họ cũng dịu lại… Rốt cuộc cũng mua được miếng đất này, chúng tôi mừng vui hết nói (Chúng tôi chẳng hề phá đi những gì cũ kỹ để gây nên thương tổn dù là một chút). Các phòng nơi đây không thiết kế chống lạnh; mùa đông năm đó chúng tôi tổ chức khóa thiền thất đầu tiên.
Chúng học viên hầu như đều có thể tham dự khóa thiền tu tại ngôi Đạo Tràng Tùng Lâm Trấn và đạt được lợi ích rất tốt, nhưng cũng có một số người gặp phải chướng duyên khốn khổ. Tôi có một học sinh phi thường thông minh; khi tôi thuyết giảng, y nhớ không sót một chữ, một sự kiện nào. Nhưng thỉnh thoảng y lại rời khóa biến mất, tôi phát hiện y có tính bạo hành với vợ và còn ghiền ma túy. Sau đó, y lại xuất hiện, tham dự thời khóa và đả thất. Tôi hỏi y tại sao lại vắng mặt một dạo? Y đáp: Ngài khai thị quá hữu ích, con không ngờ được điều mình cần rất nhiều. Tôi hỏi: Thế thì tại sao anh lại vắng mặt, bỏ đi lâu như vậy? Y thưa:
– Con giống như chiếc xe, chạy một hồi thì phải bỏ vào xưởng tu sửa.
Tâm y rõ ràng có trầm tĩnh lại, nhất là sau kỳ thiền này, y chịu ngưng hút ma túy. Rồi y lại đi mất, lại tái phạm hút chất độc. Hành vi này của y khiến tôi rất đau lòng. Mỗi lần y đến, tôi đều khuyên giải, nhưng không biết làm sao mới có thể giúp y thực sự.
Nếu như y một bề chịu theo tôi tu tập, thì sẽ không có những vấn đề chướng ngại như vậy. Bởi khi y đang dụng công tu thì tất cả vô sự. Nhưng lúc y không tu, thì tựa chẳng vững nữa. Khi y biến mất rồi quay lại, ở trong thiền đường rất mất an định, hơn nữa còn bị vật vã… Chỉ có thiền tu mới có thể trợ giúp y. Nhưng cuối cùng y không quay lại nữa.
Cũng có các học sinh khổ vì chứa nhiều não phiền, kiêu căng và cuồng vọng… Có lần, một học sinh hỏi tôi: Ngài là vị thầy hiện nay được tôn sùng nhất hả? Tôi nói: – Không phải!
Y hỏi: – Thế thì là ai?
– Tôi không biết! Nhưng có lẽ hiện tại tôi là vị thầy mà anh đang theo!
Y đáp: – Ngài đã không có lòng tin và chẳng biết “mình có là vị thầy được tôn thờ nhất hay không”, thì con sẽ đi tìm một vị thầy cao minh khác!
Vài năm sau, y lại quay về tìm tôi và nói:
– Trên đời này, căn bản là không có vị thầy tối tôn! Thỉnh thoảng con nghe đồn… “có vị thầy kia cao minh lắm”… nhưng khi con tìm đến học khóa của ổng, thì thấy ổng chẳng có gì hay.
Một môn sinh khác yêu cầu tôi tìm giúp một chỗ để y bế quan 6 năm giống như tôi hồi xưa; tôi không đáp ứng, nên y rất thất vọng.
Tôi bảo: – Anh không lưu tâm đến hướng dẫn của thầy về trình độ tu cho bản thân. hơn nữa, có tìm được chỗ bế quan hay không, chẳng do tôi quyết định. Hồi xưa không có ai trợ giúp tôi nhập thất, và chính tôi phải tự mình tìm lấy.
Vì tôi không cổ vũ, khuyến khích y bế quan, cũng chẳng tìm chỗ giúp y, nên y rất thất vọng, lập tức rời bỏ đạo tràng của tôi.
Cũng có một số người trước đây theo các vị thầy khác học tập, sau đó đến chỗ tôi. Nguyên nhân họ rời bỏ đoàn thể của mình, là vì thấy vị thầy hoặc đoàn thể đó không đủ hay.
Lúc mới đến, mặc dù họ vẫn bảo thủ, giữ quan niệm gốc đã học trước đó, song đối với tôi có tín tâm. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn không đạt đủ tiêu điểm lý tưởng như họ kỳ vọng, vì họ muốn có sự thay đổi và ưa phê phán đủ thứ. chẳng những thế, họ còn đòi tôi sửa đổi và yêu cầu tôi phải đuổi một số người đi. Tôi không thể chìu theo ý họ, vậy là họ bỏ đi.
Chúng tôi không hề trở mặt hóa thành đối nghịch, tôi cũng không vì họ bỏ đi mà nản lòng. Thực ra, họ chỉ muốn thỏa mãn những hoài bão yêu sách trong lòng, một khi tôi không đáp ứng hay có đủ truy cầu phù hợp, thì họ đến nơi khác tiếp tục tìm kiếm. Họ đến là việc tốt, họ bỏ đi cũng là việc tốt. Không có gì là chẳng vui vẻ. Mọi chuyện trên thế gian này, chính là biến hóa vô thường như vậy.
Một việc khác khiến mọi người chú ý xôn xao nữa là, năm 1980, có vài đoàn thể tôn giáo thuộc hệ thống Đông Phương gây nên những bê bối về tài vụ, tin tức truyền loan trên báo. Phần đông các môn sinh rất có tín tâm đối với đoàn thể tôi, vững tin là không thể phát sinh vấn đề tương tự thế; nhưng các môn sinh đoàn thể khác cũng tìm tới điều tra, tạo thành những mối ưu tư, song chẳng phát hiện ra điều gì.
Đối với những việc này tôi hoàn toàn thản nhiên. Vì cả một đời tôi, nữ sắc là tiền bạc là ngọn hai đèn đỏ (cấm). Tôi luôn cẩn thận nghiêm túc với hai vụ này. Tôi lấy từ bi và trí huệ đối đãi người, nhưng tuyệt không dùng vào tình cảm.
Người Tây Phương rất nhiệt tình, khi tôi đối tốt với họ, có lúc họ cũng hồi đáp trên mức tình cảm. Nhưng tôi luôn cắt đứt duyên, không điện đàm; cho dù họ dùng tình cảm liên lạc, giúp đỡ tôi; tôi vẫn không cảm nhiễm.
Ở Tây Phương, bắt tay và ôm nhau là phép xã giao thông thường. Nhưng khi tôi cảm thấy bắt tay là không hợp thì có lúc cũng cự tuyệt. Tôi không cùng người ôm nhau. Phụ nữ Mỹ tính hay ôm chào, nhưng tôi cho rằng cần phải từ chối. Có lần do không đề phòng, nên tôi cũng bị một cô có ý đồ ôm; từ đó trở đi, tôi luôn đề phòng trước cô ấy, không để giẫm lên vết cũ nữa.
Đoàn thể của chúng tôi không gặp phải tổn hại gì về quan hệ giao tế; nhờ một nguyên nhân khác nữa là, các đệ tử tôi không có ở chung cùng nhau. Sau khi thiền kỳ kết thúc rồi, ai về nhà nấy. Chúng tôi hội tụ với nhau là cốt để tu hành, điều này rất rõ ràng, đây cũng là mục đích duy nhất. Nếu như chúng tôi sinh hoạt trường kỳ bên nhau, thì có lẽ cũng xuất hiện những vấn đề về quan hệ về nhân tế.
Đến như tiền bạc, tôi không muợn tiền ai, vì tôi không giữ tiền riêng. Cho dù có tiền, tôi cũng dùng vào Trung Tâm Thiền, tôi cũng không hướng ai mượn tiền, nếu như chúng tôi cần tiền để mua đất đai hay gì gì đó, thì hướng ngân hàng vay tiền, hoặc quyên góp vừa đủ. Những nguyên tắc này giúp chúng tôi tránh được các tranh chấp về tiền.
Tôi càng không tham gia, tránh không vướng vào những tranh chấp chính trị. Tại Mỹ, người ta thường hay kháng nghị, hoặc diễn hành biểu tình phản chiến với chính phủ. Năm 1970 Đoàn thể Phật giáo VN cũng từng biểu tình chống chiến tranh. Tôi tin lời Thế Tôn dạy, Ngài quan tâm chính trị, nhưng không tham gia chính trị. Có một số đệ tử từng thúc giục tôi và đoàn thể nên bày tỏ, xác minh lập trường mình trong các vấn đề chính trị. Bọn họ còn dẫn chứng rằng, Giáo hội Thiên Chúa xưa nay luôn biểu hiện các quan điểm chính trị rõ ràng, hơn nữa Thiên Chúa Giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn về mặt chính trị.
Thế nhưng tôn giáo đâu thể chế ngự, đình chỉ bộc phát chiến tranh? Cũng không thể phát động điều này khắp toàn cầu! Lập trường của tôi là: Đoàn thể tôn giáo tốt nhất là không nên tham gia vào chính trị. Hồi mới đầu thì chúng đệ tử không hoàn toàn tiếp nhận ý này, sau đó thì họ đã khắc ghi vào lòng.
Một nguyện nhân khác khiến Trung Tâm Thiền không đa sự nữa là, tôi có các đệ tử kiệt xuất. Pháp sư Quả Nguyên theo tôi rất lâu, có hơn mười tám năm! Quan hệ chúng tôi là sư đồ, bất kể tôi đi đâu, chú đều theo tôi. Chú từng chủ trì Trung Tâm Thiền và Đạo Tràng Tượng Cương, hiện nay là Đường chủ Thiền Đường Pháp Cổ Sơn. Chú giúp đỡ tôi thống lãnh Thiền Tu, đi khắp nơi trên thế giới. Quan hệ chúng tôi có phần giống như cha con; nhưng một số phụ tử có tranh chấp, còn chúng tôi thì không. Quả Nguyên cảm ân tôi dạy dỗ, tôi tri ân chú giúp đỡ, đây là quan hệ thông thường giữa sư đồ. Tôi đối chú như trò, như bạn, như sư.
Tôi luôn nhớ Đông Sơ lão nhân từng khai thị về quan hệ sư đồ, ông nói: – “Ba phần sư đồ, bảy phần bạn pháp”. Tôi không có khả năng lão luyện để có thể dùng thái độ đệ tử đối với môn đồ, nhưng tùy theo cách nghĩ và kinh nghiệm họ, tôi cũng học hỏi trong đó. Chúng tôi là sư đồ lẫn nhau (hỗ vi sư đồ), cũng là hảo bằng hữu.
Tôi tôn trọng, hành theo lời dạy của Đông Sơ lão nhân, ông từng nói: – “Quan hệ sư đồ, giống như cha con, vừa là thầy trò, vừa như bạn đạo”. Thầy hướng dẫn, góp ý phê bình, uốn nắn đệ tử, nhưng việc tu của đệ tử thì họ phải tự lo. Thầy chẳng thể làm theo cách mẹ nhớ con hay yêu con. Thầy chỉ hướng dẫn tu, chỉ đệ tử con đường đi, và đệ tử cần phải tự bước trên con đường đó.
Khi đệ tử yêu cầu được đãi ngộ đặc biệt, là sẽ phát sinh vấn đề. Các đệ tử có thu được nhiều lợi ích hay chăng, là nhờ họ ngụ thời gian lâu, chứ không phải tôi đối với họ có gì tốt, đặc biệt hơn. Tôi đối với đệ tử bình đẳng, xem đồng, thương y như nhau. Vào (1/3) một phần ba thời gian chót trong kiếp người này, cuối cùng tôi quyết định dùng phong cách và năng lực của mình để làm thầy và hướng dẫn thiền tu, có lẽ thái độ đối đãi với đệ tử bình đẳng như thế nên trong khoảng 25 năm cuối của tôi, chính là một trong những nguyên nhân khiến các đệ tử ngày một tăng đông.
Thân thể tôi xưa nay vốn yếu, nhưng trong những năm tháng sau cùng, tôi vẫn sắp xếp và ấn định đời sống linh hoạt hữu hiệu. Bất luận thời điểm nào, miễn là người cần, thì tôi đến! Khi công việc hoàn thành rồi, thì sức lực tôi cạn kiệt như muốn ngã quị. Trước khi lãnh nhiệm vụ khác tiếp nữa, tôi cần phải nghỉ ngơi để hồi phục. Bác sĩ bảo: “Nếu tôi không nghỉ ngơi nhiều, tôi sẽ mất mạng rất nhanh”… Nhưng mỗi khi công việc ập đến, tôi luôn cảm thấy thời gian mình có không còn nhiều nữa, và tôi cần phải tranh thủ tận dụng, dùng hết vào việc lợi ích cho tha nhân. Bởi khi tôi còn có thể làm việc, thì tôi phải cố hết sức mà làm!