LỜI PHẬT DẠY
CẦU NGUYỆN
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
CẦU NGUYỆN
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh
1- CẦU NGUYỆN
Một thời, Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba, có vị thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến đảnh lễ rồi bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, các vị Bà la môn có thể cầu nguyện cho một người đã chết bằng cách kêu tên vị ấy lên và dẫn vị ấy vào Thiên giới?
Này thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào khi có một người sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, vọng ngữ, tham lam, sân hận, tà kiến; khi người ấy mạng chung, mọi người tụ họp cầu khẩn, mong rằng người này được sinh về Thiên giới?
Này thôn trưởng, ví như có người lấy một tảng đá lớn ném xuống hồ sâu, rồi tụ họp lại cầu khẩn, mong rằng tảng đá hãy nổi lên. Ông nghĩ thế nào, tảng đá ấy do nhân duyên cầu khẩn mà có thể nổi lên không? Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, những người sống theo ác hạnh như trên, khi mạng chung dù được cầu nguyện sinh Thiên giới nhưng vẫn phải đọa vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, khi có một người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh, không vọng ngữ… có chánh tri kiến; khi người ấy mạng chung, mọi người tụ họp cầu khẩn, mong rằng người này bị đọa vào địa ngục?
Này thôn trưởng, ví như có người đem dầu đổ xuống hồ nước, rồi tụ họp lại cầu khẩn, mong rằng dầu hãy chìm sâu xuống nước. Ông nghĩ thế nào, dầu ấy do nhân duyên cầu khẩn mà có thể chìm xuống đáy hồ? Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, những người sống theo thiện hạnh như trên, khi mạng chung dù bị cầu nguyện đọa vào địa ngục nhưng vẫn sinh vào Thiên giới.
(ĐTKVN, Tương Ưng IV, chương 8, phần Người đất phương Tây hay người đã chết, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.488)
LỜI BÀN:
Cầu nguyện là một phương thức tu tập phổ biến trong Phật giao và các tôn giáo khác. Tuy nhiên, cầu nguyện theo tuệ giác của Thế Tôn rất đặc thù, không phó thác thân phận vào một sự ban ơn của một đấng siêu nhiên mà hoàn toàn tự chủ, nguyện cầu được sáng suốt để chuyển hóa nghiệp lực của tự thân.
Phật giáo tuy có chủ trương cầu nguyện, nhưng không phải để xin xỏ, mong được ban ơn. Sự gia tâm cầu nguyện chỉ nhằm mục đích soi sáng, thắp lên ngọn đèn tỉnh thức trong tự tâm của người được cầu nguyện, nhằm giúp họ tự thăng hoa, chuyển hóa thân tâm để được giải thoát.
Do vậy, theo đạo Phật, người nào sống đúng với Chánh pháp thì chắc chắn người ấy đạt được an lạc. Họ sống an vui, hạnh phúc, vượt ra ngoài khổ đau một cách đương nhiên, như dầu thì luôn nổi lên mặt nước.
Ngược lại, người nào sống với ác hạnh, không như Chánh pháp thì chắc chắn người ấy sẽ chịu khổ đau, đọa lạc. Với các nghiệp quá nặng nề thì năng lực cầu nguyện sẽ không mấy tác dụng, tự thân cá nhân ấy bị đọa lạc như tảng đá nặng sẽ chìm xuống nước là điều tất yếu.
Người Phật tử luôn cầu nguyện mà không ỷ lại, không phó thác đồng thời không cầu nguyện suông. Sống và tu tập đúng như pháp là cách cầu nguyện chân chính và thiết thực nhất cho tự thân và tha nhân.[
2- TẾ ĐÀN
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Rồi Bà la môn Ujjaya đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn: Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?
Này Bà la môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Những loại tế đàn nào, này Bà la môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại. Loại tế đàn ấy, này Bà la môn, liên hệ đến sát sinh, Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Những loại tế đàn có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, không có đi đến.
Này Bà la môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật khác bị giết hại. Này Bà la môn, Ta tán thán loại tế đàn không có sát sinh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Những loại tế đàn không có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, có đi đến.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.629)
LỜI BÀN:
Tế lễ là một hình thức tín ngưỡng có từ rất xa xưa. Con người thường thiết lập đàn tràng, sắm sanh lễ vật rồi tế lễ để cảm tạ trời đất, thần linh hoặc để cầu xin tha tội hay ân sủng từ những đấng thiêng liêng. Dù tế đàn, một hình thức tín ngưỡng cổ xưa nhưng ngày nay vẫn tồn tại đồng thời có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, nhất là những dân tộc còn duy trì được các sắc thái văn hóa bản địa truyền thống.
Theo quan điểm của Thế Tôn, Ngài không ca ngợi và không chấp nhận bất cứ loại tế đàn nào có liên hệ đến sự giết hại. Bởi lẽ, lễ phẩm của tế đàn từ xưa đến nay gần như mặc định phải có rượu và máu cùng thịt của chúng sinh. Thậm chí, một vài tế đàn cực kỳ dã man và cuồng tín khi lễ phẩm dâng cúng thần linh không phải súc vật mà là con người, thường thì đó là một trinh nữ xấu số. Thế Tôn và những đệ tử của Ngài cực lực phản đối, không đi đến những nơi cúng tế mà có sự giết hại bởi những cuộc tế lễ này không đem lại lợi ích, không tạo ra phước báo mà chỉ tạo thêm oan nghiệt, giết chóc, khổ đau và thù hận cho chúng sinh.
Tuy nhiên, Thế Tôn lại ca ngợi và hoan hỷ với những loại tế đàn không có sát sinh. Một tế đàn mà phẩm vật dâng cúng hoàn toàn chay tịnh sẽ tạo ra phước báo lớn vì không có khổ đau của giết hại, chỉ thuần túy bố thí và cúng dường, được các bậc giới đức chứng minh, chú nguyện. Nhờ lễ phẩm tế đàn chay tịnh, nhân sự tế đàn thanh tịnh, chúng sinh được lợi ích bố thí nên chư Thiên, thần linh đều hoan hỷ, hộ niệm cho gia chủ được toại nguyện, như ý, lợi ích và an vui.
Trai đàn chẩn tế trong nghi lễ Phật giáo hiện nay cũng là một hình thức tế đàn trang nghiêm và thanh tịnh. Với lễ phẩm trai nghi cùng với tâm tịnh tín bố thí và cúng dường, trai đàn chẩn tế sẽ mang lại phước báo lớn cho gia chủ, âm dương lưỡng lợi, được Thế Tôn ca ngợi và tán thán.
3- CÚNG LINH
Một thời, Thế Tôn ở tại trú xứ của Bà la môn Jànussoni. Sau khi đi đến cung kính đảnh lễ, hỏi thăm và ngồi xuống một bên, Bà la môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi bố thí, làm các lễ cúng cho người chết. Mong rằng, bố thí này cho bà con huyết thống đã chết được lợi ích! Mong rằng, các bà con huyết thống đã chết, thọ hưởng bố thí này! Thưa Tôn giả Gotama, bố thí như thế có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng bố thí ấy hay không?
Này Bà la môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích; không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ.
Ở đây, này Bà la môn, những người nào… sau khi thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục, sinh vào loại bàng sanh, sinh cộng trú với loài người, sinh cộng trú với chư Thiên. Những vị này, được nuôi sống và tồn tại với những món ăn ứng với cảnh giới của các vị ấy. Này Bà la môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở những nơi ấy, các vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.
Nhưng ở đây, này Bà la môn, người nào sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ. Vị ấy được nuôi sống và tồn tại với các món ăn tại đấy. Món ăn nào, cac bạn bè, thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống muốn hướng cúng cho vị ấy; tại đấy, vị ấy sống với món ăn đó, tồn tại với món ăn đó. Này Bà la môn, đây là tương ưng xứ; trú nơi đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 10, phẩm Jànussoni, phần Jànussoni, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.595)
LỜI BÀN:
Cúng bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ hoặc bà con thân quyến là một trong những lễ tiết quan trọng của đời sống tinh thần, tâm linh có truyền thống lâu đời, nhằm thể hiện sự tri ân, báo ân, lòng thương kính đối với người đã chết.
Tuy nhiên, do không nhận thức đầy đủ về sự thọ dụng của các chúng sinh trong các cảnh giới có sự sai khác nên việc cúng bái, giỗ chạp đa phần thường được làm theo cảm tính, thể hiện lòng thành đối với người đã khuất mà không biết người được cúng có thọ dụng được hay không?
Thực ra, theo tuệ giác của Thế Tôn, chỉ có những chúng sinh nào sinh vào loài quỷ thần, thuộc tương ưng xứ mới hưởng được vật thực dâng cúng. Như vậy, về phương diện đối tượng được cúng bái thì chỉ những chúng sinh trong cõi quỷ thần mới thọ dụng được vật thực, đồ ăn, còn các chúng sinh trong các loài khác thì không vì bất tương ưng xứ. Tuy không nhận được thức ăn nhưng các chúng sinh ấy vẫn nhận được phước báo nếu người thân làm phước để hồi hướng cho họ. Vì thế, đối với người cúng bái, muốn thân quyến được lợi ích dù ở bất kỳ cõi nào thì ngoài việc sắm sửa lễ vật cần phải thực hành phóng sinh, bố thí và cúng dường.
Điều đáng lưu ý ở đây là các chúng sinh dù ở tương ưng xứ nhưng chỉ nhận được đồ ăn chứ không nhận các thứ khác như quần áo, xe cộ, nhà cửa hay tiền bạc v.v… Vì lẽ ấy, không nên cúng vàng ma cho người chết, chỉ cúng đồ ăn, thức uống và hoa trái mà thôi.
Thực hành cúng bái như lời Phật dạy trên đây thì không những âm dương lưỡng lợi, người chết được lợi ích, người sống được phước báo mà còn bảo lưu nét van hóa tâm linh của dân tộc và đạo pháp.
4- THÁNH CẦU
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu.
Thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm.
Này các Tỷ kheo, cái gì gọi là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm? Đó là vợ con, tôi tớ, gia súc, vàng bạc. Chấp thủ, nắm giữ, tham đắm và say mê chúng gọi là tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm; sau khi biết rõ sự nguy hại của chúng, tầm cầu cái vô sanh, không già, không bệnh, bất tử, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Thánh cầu.
(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Thánh cầu [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.361)
LỜI BÀN:
Đi chùa, lễ Phật, cầu nguyện an lành, cát tường và thịnh vượng là nét văn hóa tâm linh của những người con Phật. Sự cầu nguyện, mong ước sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai là điều cần thiết đối với mọi người.
Đa phần chúng ta thường mong cầu, tìm kiếm những yếu tố hạnh phúc bình thường như sức khỏe, phát tài, bình an gia đạo… nói chung là mong rằng vạn sự như ý. Những mong cầu này là chính đáng, hợp lý và thực tiễn. Tuy vậy, Thế Tôn vẫn răn nhắc rằng đó chưa phải là mong ước, sự tìm cầu cao thượng, Thánh cầu. Bởi đó chỉ là vòng lẩn quẩn của “người tự mình bị sanh, già, bệnh, chết và ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm”.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, mong ước xây dựng đời sống hạnh phúc bình thường vốn rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thiết lập nền tảng đạo đức để tịnh hóa thân tâm, thăng hoa cuộc sống, hướng đến giải thoát và giác ngộ. Ở đây, sự mong cầu được nâng lên một tầm cao mới, tìm kiếm sự hoàn thiện nhân cách hơn là sung mãn những nhu cầu vật chất, danh tiếng theo dục vọng tầm thường.
Như vậy, Thánh cầu là mong cầu tối thượng, không thể thiếu trong lộ trình tu học. Do đó, ngoài những mong cầu tốt đẹp bình thường, người tu Phật cần hướng đến những mong cầu cao thượng là tự tại, giải thoát, bằng cách thực hành tự giác và giác tha đến viên mãn.
5- ƯỚC NGUYỆN
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo có tín tâm, nếu hy cầu một cách chân chánh sẽ mong cầu như sau: “Mong rằng ta sẽ như Sàriputta và Moggallàna”. Này các Tỷ kheo, đây là cán cân, là đồ đo lường đối với các đệ tử Tỷ kheo của Ta.
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni có tín tâm, nếu hy cầu một cách chân chánh sẽ mong cầu như sau: “Mong rằng ta sẽ như Tỷ kheo ni Khemà và Uppalavanna”. Này các Tỷ kheo, đây là cán cân, là đồ đo lường đối với các đệ tử Tỷ kheo ni của Ta.
Này các Tỷ kheo, nam cư sĩ có tín tâm, nếu hy cầu một cách chân chánh sẽ mong cầu như sau: “Mong rằng ta sẽ như gia chủ Citta và Hatthaka ở Àlavì”. Này các Tỷ kheo, đây là cán cân, là đồ đo lường đối với các đệ tử nam cư sĩ của Ta.
Này các Tỷ kheo, nữ cư sĩ có tín tâm, nếu hy cầu một cách chân chánh sẽ mong cầu như sau: “Mong rằng ta sẽ như nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantakiyà, mẹ của Nanda”. Này cac Tỷ kheo, đây là cán cân, là đồ đo lường đối với các đệ tử nữ cư sĩ của Ta.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hy cầu [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.163)
LỜI BÀN:
Cầu mong và ước nguyện là một trong những hoạt động tâm linh của những người con Phật tại các chùa viện. Không ít những mong cầu giản dị, bình thường như mạnh khỏe, no ấm, thịnh vượng và an bình được gởi gắm lên mười phương chư Phật trong khói hương và lòng thành kính. Tuy vậy, trong tinh thần Chánh pháp, ngoài những mong cầu bình thường ấy, những người con Phật còn phải ước vọng hướng đến sự thực hành để thành tựu giải thoát, an lạc như những bậc Thánh.
Đối với hàng đệ tử xuất gia, những Tỷ kheo và Tỷ kheo ni tuy hướng đến xả ly tham dục nhưng “dục như ý túc” vẫn rất cần. Đó là những mong muốn được thăng tiến trên đường đạo, mong cầu sớm đoạn trừ phiền não, thành tựu ước nguyện “thượng cầu hạ hóa” của người xuất gia. Mong sao cho mình giữ vững chí nguyện để tiếp tục dấn thân và thành tựu giải thoát vĩ đại như Sàriputta và Moggallàna, như Khemà và Uppalavanna. Những vị Thánh giả A la hán, các vị đại đệ tử ấy quả là tấm gương, niềm ngưỡng mộ, vọng cầu của hàng xuất gia hậu thế.
Hàng nam nữ cư sĩ cũng vậy, mục tiêu của mọi sự mong cầu vẫn không ngoài thảnh thơi, an lạc và giải thoát. Những vị cư sĩ như Citta và Hatthaka (nam) hoặc Khujjuttarà và Velukantakiyà (nữ) vốn thành công, mẫu mực trong trong cuộc sống đời thường đồng thời chứng đắc các Thánh quả, có đầy đủ khả năng hoằng pháp và xây dựng đạo tràng, hộ pháp đắc lực… chính là chuẩn mực (cán cân, đồ đo lường), là gương sáng cho hàng cư sĩ ngày nay noi theo, học tập.
Do vậy, người con Phật không chỉ cầu nguyện bình an gia đạo, phát tài, đắc lộc mà phải mong cầu và hướng đến thành tựu phẩm hạnh và giải thoát như các bậc Thanh.