LUẬN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH
Thiên Thân Bồ-tát tạo
Dao Tần Tam-tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN THƯỢNG 

Phẩm 1: KHUYÊN PHÁT TÂM

Kính lễ không biên giới,

Quá khứ hiện tại Phật.

Trí hư không bất động,

Đấng Đại bi cứu đời.

Có diệu pháp Đại phương đẳng tối thượng, tạng Ma-đắc-lặc-ca, được chư Bồ-tát Ma-ha-tát tu hành.

Đó là khuyên ưa tu tập vô thượng Bồ-đề để có thể làm cho chúng sinh phát tâm sâu rộng, lập thệ nguyện trang nghiêm, bỏ của cải thân mạng nhiếp phục tham lam bỏn sẻn, tu 5 tụ giới giáo hóa dẫn dắt người phạm giới, thực hành nhẫn nhục rốt ráo điều phục sân và si, phát tinh tiến dũng mãnh để an ổn chúng sinh, tập các thiền định để biết rõ các tâm, tu hành trí tuệ diệt trừ vô minh, nhập pháp môn như thật lìa các chấp trước, nói rõ hạnh không, vô tướng rất sâu, ca ngợi công đức khiến giống Phật không dứt.

Có vô lượng pháp môn phương tiện thanh tịnh như vậy trợ giúp pháp Bồ-đề. Nay tôi sẽ vì các hàng thượng thượng thiện mà phân biệt làm rõ, để được cứu cánh A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.

Chư Phật tử! Nếu người Phật tử thụ trì lời Phật dạy, có thể diễn giảng thuyết pháp cho chúng sinh, thì trước phải ca ngợi công đức của Phật. Chúng sinh nghe rồi mới có thể phát tâm cầu trí tuệ của Phật. Do phát tâm nên giống Phật không đoạn mất.

Nếu Tì-kheo, Tì-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, niệm Phật, niệm pháp, lại niệm Như Lai khi hành Bồ-tát đạo, do vì cầu pháp nên trong A-tăng-kì kiếp chịu bao cần khổ. Do niệm như thế, nếu có ai vì Bồ-tát nói pháp, dù chỷ một bài kệ, Bồ-tát nghe được pháp ấy là giáo pháp lợi ích, nên phải trồng thiện căn tu tập Phật pháp, được A-nậuđa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Để đoạn các khổ não sinh tử của chúng sinh từ vô thủy, Bồ-tát Ma-ha-tát muốn thành tựu vô lượng thân tâm, siêng tu tinh tiến, phát sâu đại nguyện, thực hành đại phương tiện, khởi tâm đại bi, cầu đại trí tuệ vô kiến đỉnh tướng cầu các pháp lớn của chư Phật. Phải biết các pháp ấy vô lượng vô biên, do pháp vô lượng nên quả báo phúc đức cũng vô lượng.

Như Lai nói rằng, nếu Bồ-tát một niệm ban đầu dầu phát tâm hạ liệt mà quả báo phúc đức trong trăm ngàn vạn kiếp nói cũng không hết, huống gì trong một ngày, một tháng, một năm, cho đến trăm năm tu tập các tâm ấy, quả báo phúc đức lẽ nào có thể nói hết. Vì sao vậy? Vì Bồ-tát hành trì không cùng tận, vì Bồ-tát muốn làm cho tất cả chúng sinh đều trụ nơi pháp nhẫn vô sinh, đều được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Các Phật tử! Bồ-tát ban sơ phát tâm Bồ-đề ví như biển lớn bắt đầu từ từ sinh khởi. Phải biết đó là chỗ chứa các châu báu như ý, giá trị từ hạ trung thượng cho đến vô giá. Bởi các báu này đều từ biển lớn sinh ra. Phát tâm của Bồ-tát cũng như vậy. Lúc bắt đầu dần dần sinh khởi, phải biết ngay đó là nơi sinh khởi tất cả thiện pháp thiền định, trí tuệ của người trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, chư Phật.

Lại nữa, cũng như 3 ngàn Đại thiên thế giới, lúc mới bắt đầu dần dần sinh khởi, phải biết là hình thành ngay 25 cõi, trong đó gồm hết tất cả chỗ y chỷ của chúng sinh. Bồ-tát phát tâm Bồ-đề cũng như vậy. Lúc mới bắt đầu phát khởi đã thành là chỗ y chỷ cho tất cả vô lượng chúng sinh, nào gồm hết 6 nẻo 4 loài sinh, chính kiến tà kiến, tu thiện tập ác, hộ trì tịnh giới, phạm 4 trọng cấm, tôn thờ Tam Bảo, hủy báng chính pháp, chư ma ngoại đạo, Sa-môn Phạm chí, Sát-lợi, Bà-la-môn, Tì-xá, Thủ-đà.

Lại nữa, Bồ-tát phát tâm lấy từ bi làm đầu. Tâm từ của Bồ-tát vô lượng vô biên, cho nên khi phát tâm không có giới hạn như chúng sinh giới. Ví như hư không, không gì không bao phủ. Bồ-tát phát tâm cũng như vậy, tất cả chúng sinh không chúng sinh nào Bồ-tát không che khắp. Nếu cảnh giới chúng sinh vô lượng vô biên không thể cùng tận, thì phát tâm của Bồ-tát cũng như vậy, vô lượng vô biên không cùng tận. Hư không vô tận nên chúng sinh cũng vô tận, chúng sinh vô tận nên phát tâm của Bồ-tát cũng ngang bằng với cảnh giới chúng sinh, mà cảnh giới chúng sinh thì không giới hạn.

Nay tôi sẽ thừa theo Phật dạy mà nói một phần ít về cảnh giới chúng sinh.

Nếu đem hết một ngàn ức A-tăng-kì thế giới của chư Phật như cát sông Hằng ở phương Đông và một ngàn ức A-tăng-kì thế giới của chư Phật như cát sông Hằng ở phương Nam, Tây, Bắc, bốn phương bàng, phương trên và phương dưới, nghiền nát thành vi trần, số vi trần này đều không thành đối tượng của mắt thấy. Nếu có bao nhiêu chúng sinh trong trăm vạn ức Hằng hà sa A-tăng-kì 3 ngàn Đại thiên thế giới cùng nhau lấy 1 vi trần, và có bao nhiêu chúng sinh trong 2 trăm vạn ức Hằng hà sa A-tăng-kì 3 ngàn Đại thiên thế giới cùng nhau lấy 2 vi trần, cứ như vậy lần lượt lấy hết số vi trần thuộc địa chủng trong 10 phương, mỗi phương gồm ngàn ức Hằng hà sa A-tăng-kì thế giới của chư Phật, nhưng cảnh giới chúng sinh cũng không hết được.

Ví như có người chẻ một sợi lông ra làm trăm phần, rồi lấy một phần lông ấy chấm vào nước biển lớn. Giờ đây cái phần ít mà tôi nói về chúng sinh cũng giống như vậy. Phần còn lại của chúng sinh chưa được nói đến giống như nước của một biển lớn. Giả sử chư Phật trải qua vô lượng vô biên A-tăng-kì kiếp dùng đủ thí dụ diễn nói rộng rãi cũng không nói hết được. Phát tâm của Bồ-tát có thể che khắp chúng sinh cũng như vậy.

Các Phật tử! Làm sao tâm Bồ-đề này có thể hết được? Nếu có Bồ-tát nào nghe nói như vậy mà không kinh không sợ không thoái lui, không mất, phải biết người ấy chắc chắn có thể phát tâm Bồ-đề. Cho dù có vô lượng tất cả chư Phật trong vô lượng A-tăng-kì kiếp ca ngợi công đức người ấy cũng không sao hết được.

Bởi vì sao? Vì tâm Bồ-đề này không có giới hạn, không thể cùng tận.

Vì có vô lượng lợi ích như vậy cho nên nói rõ để cho chúng sinh đều được tiếp nhận thực hành, mà phát tâm Bồ-đề.

Phẩm 2: PHÁT TÂM

Vì sao Bồ-tát phát tâm Bồ-đề? Vì nhân duyên gì tu tập Bồ-đề?

Nếu Bồ-tát gần gũi thiện tri thức, cúng dường chư Phật, tu tập thiện căn, chí cầu thắng pháp, tâm thường nhu hòa, gặp khổ nhẫn nại được, từ bi thuần hậu, thâm tâm bình đẳng, tin ưa Đại thừa, cầu trí tuệ Phật.

Nếu ai có đủ 10 pháp đó mới có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tammiệu Tam-bồ-đề.

Lại có 4 duyên phát tâm tu tập Bồ-đề. Những gì là 4?

  1. Tư duy chư Phật mà phát tâm Bồ-đề.
  2. Quán thân tội lỗi mà phát tâm Bồ-đề.
  3. Thương xót chúng sinh mà phát tâm Bồ-đề.
  4. Cầu quả tối thắng mà phát tâm Bồ-đề.

Tư duy chư Phật mà phát tâm Bồ-đề gồm có 5 việc:

1. Nghĩ về chư Phật khắp 10 phương quá khứ, vị lai, hiện tại, khi ban đầu mới phát tâm cũng đầy phiền não như ta hiện nay. Cuối cùng đã thành chính giác, làm bậc vô thượng tôn. Do duyên đó nên phát tâm Bồ-đề.

2. Nghĩ về tất cả 3 đời chư Phật phát dũng mãnh lớn, đều có thể chứng đắc vô thượng Bồ-đề. Nếu Bồ-đề này là pháp có thể chứng đắc thì ta cũng chứng đắc. Do duyên đó nên phát tâm Bồ-đề.

3. Nghĩ về tất cả 3 đời chư Phật phát tuệ sáng lớn, ở trong vỏ vô minh lập thắng tâm, tu tập khổ hành, đều có thể tự mình siêu xuất 3 cõi. Ta cũng như vậy, phải tự cứu mình ra khỏi. Do duyên đó nên phát tâm Bồ-đề.

4. Nghĩ về tất cả 3 đời chư Phật là bậc hùng tráng trong loài người, đều vượt khỏi biển lớn phiền não sinh tử. Ta cũng là trượng phu, cũng sẽ vượt khỏi. Do duyên đó nên phát tâm Bồ-đề.

5. Nghĩ về tất cả 3 đời chư Phật phát tinh tiến lớn, xả thân mạng tài sản cầu Nhất thiết trí. Giờ ta cũng sẽ học theo chư Phật. Do duyên đó nên phát tâm Bồ-đề.

Quán thân tội lỗi mà phát tâm Bồ-đề cũng có 5 việc:

1. Tự quán thân mình, 5 ấm 4 đại đều có thể khởi tạo vô lượng ác nghiệp nên muốn lìa bỏ.

2. Tự quán thân mình 9 lỗ thường tiết ra các thứ xú uế bất tinh nên muốn lìa bỏ.

3. Tự quán thân mình có tham sân si, vô lượng phiền não đốt cháy thiện tâm nên muốn lìa bỏ.

4. Tự quán thân mình như bong bóng, như bọt nước sinh diệt trong từng niệm một, là cái pháp có thể xả nên muốn vất bỏ.

5. Tự quán thân mình bị vô minh che khuất, thường tạo ác nghiệp, luân hồi 6 nẻo chẳng được lợi ích.

Cầu quả tối thắng mà phát tâm Bồ-đề cũng có 5 việc:

1. Thấy chư Như Lai tướng tốt trang nghiêm, quang minh trong suốt, ai thấy được thì trừ hết phiền não nên vì tu tập.

2. Thấy chư Như Lai pháp thân thường trụ, thanh tịnh không ô nhiễm nên vì tu tập.

3. Thấy chư Như Lai các pháp tụ thanh tịnh là giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến nên vì tu tập.

4. Thấy chư Như Lai có 10 lực, 4 không sợ hãi, Đại bi, 3 niệm xứ nên vì tu tập.

5. Thấy chư Như Lai có Nhất thiết trí, thương xót chúng sinh, từ bi che khắp, có thể làm kẻ dẫn đường chân chính cho tất cả những kẻ ngu mê nên vì tu tập.

Thương xót chúng sinh mà phát tâm Bồ-đề cũng có 5 việc:

1. Thấy các chúng sinh bị vô minh trói buộc.

2. Thấy các chúng sinh bị các khổ trói buộc.

3. Thấy các chúng sinh tích tập các nghiệp bất thiện.

4. Thấy các chúng sinh tạo các ác cực nặng.

5. Thấy các chúng sinh không tu chính pháp.

Vô minh trói buộc lại có 4 việc:

1. Thấy các chúng sinh bị si ái mê hoặc mà chịu khổ hết sức kịch liệt.

2. Thấy các chúng sinh không tin nhân quả tạo tác ác nghiệp.

3. Thấy các chúng sinh lìa bỏ chính pháp, tin thụ tà đạo.

4. Thấy các chúng sinh chìm trong sông phiền não bị 4 dòng trôi giạt.

Các khổ trói buộc lại 4 bốn việc:

1. Thấy các chúng sinh sợ sinh lão bệnh tử không cầu giải thoát, mà còn tạo nghiệp.

2. Thấy các chúng sinh ưu bi khổ não mà vẫn cứ tạo tác không chịu thôi nghỷ.

3. Thấy các chúng sinh ái biệt ly khổ mà không giác ngộ phương tiện nhiễm trước.

4. Thấy các chúng sinh oán ghét gặp nhau khổ thường hiềm khích, rồi lại tạo oán.

Tích tập các nghiệp bất thiện lại có 4 việc:

1. Thấy các chúng sinh vì ái dục mà tạo tác các việc ác.

2. Thấy các chúng sinh biết dục sinh khổ mà không bỏ dục.

3. Thấy các chúng sinh tuy muốn cầu sung sướng mà không đủ giới đức.

4. Thấy các chúng sinh tuy không thích khổ mà tạo khổ không ngừng.

Tạo các ác cực nặng có 4 việc:

1. Thấy các chúng sinh hủy phạm trọng giới, tuy có lo âu mà vẫn phóng dật.

2. Thấy các chúng sinh khởi tạo cực ác 5 nghiệp vô gián, ngoan cố che giấu không biết hổ thẹn.

3. Thấy các chúng sinh huỷ báng chính pháp Đại thừa Phương đẳng, ngu si cố chấp mới khởi kiêu mạn.

4. Thấy các chúng sinh tuy có thông triết, mà toàn đoạn thiện căn. Lại tự cống cao, hằng không hối cải.

Không tu chính pháp lại có 4 việc:

1. Thấy các chúng sinh sinh trong 8 nạn không nghe chính pháp, không biết tu thiện.

2. Thấy các chúng sinh gặp Phật ra đời nghe chính pháp mà không thể thụ trì.

3. Thấy các chúng sinh nhiễm thói quen ngoại đạo, khổ thân tu nghiệp mà vĩnh viễn chẳng được xuất ly.

4. Thấy các chúng sinh tu được Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, cho đó là Niết-bàn. Ngờ đâu quả báo thiện hết lại đọa vào 3 đường.

Bồ-tát thấy chúng sinh do vô minh tạo nghiệp, đêm dài chịu khồ, lìa bỏ chính pháp, không còn biết đâu là nẻo ra. Vì các chúng sinh ấy nên phát Đại từ bi, chí cầu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, như cứu lửa cháy đầu. Tất cả chúng sinh có khổ não thì ta sẽ cứu vớt không dư sót.

Các Phật tử! Hiện tôi đã nói sơ lược các duyên sự phát tâm của Bồ-tát sơ hành. Nếu nói rộng thì vô lượng vô biên.

Phẩm 3: THỆ NGUYỆN

Bồ-tát làm thế nào hướng đến Bồ-đề? Do hành nghiệp gì thành tựu Bồ-đề?

Bồ-tát phát tâm trụ Càn tuệ địa, trước hết phải kiên cố phát nguyện chân chính, tiếp nhận tất cả vô lượng chúng sinh. Ta cầu vô thượng Bồ-đề để cứu hộ độ thoát không dư sót, khiến đều được cứu cánh vô dư Niết-bàn.

Cho nên trước tiên phát tâm lấy Đại bi làm đầu. Do tâm bi nên có thể phát chuyển 10 Đại nguyện chân chính thù thắng.

Những gì là 10?

1. Nguyện tôi đời trước cho đến thân hiện nay có bao nhiêu thiện căn trồng được, xin đem các thiện căn này thí cho tất cả vô biên chúng sinh, tất cả đồng hồi hướng vô thượng Bồ-đề. Mong sao nguyện này của tôi mỗi niệm mỗi niệm tăng trưởng, đời đời sinh ra thường buộc nơi tâm không hề quên mất, được Đà-la-ni gìn giữ bảo vệ.

2. Nguyện sau khi tôi hồi hướng vô thượng Bồ-đề, do thiện căn này tất cả nơi nào tôi sinh ra, thường được cúng dường tất cả chư Phật, hằng không sinh vào cõi nước không có Phật.

3. Nguyện sau khi tôi được sinh về cõi nước chư Phật, thường được gần gũi hai bên như bóng theo hình, không một khoảnh khắc sát-na xa lìa chư Phật.

4. Nguyện sau khi tôi được gần gũi Phật rồi, tuỳ tôi cần cầu sẽ được vì tôi thuyết pháp, liền được thành tựu được 5 thông của Bồ-tát.

5. Nguyện sau khi tôi thành tựu 5 thông của Bồ-tát sẽ có thể thông hiểu Thế đế giả danh lưu bố, và thấu rõ thật tính chân như của Đệ nhất nghĩa đế, được chính pháp trí.

6. Nguyện sau khi tôi được chính pháp trí sẽ đem tâm không chán mỏi nói cho chúng sinh, dạy bày lợi ích hoan hỷ, khiến đều được thông hiểu.

7. Nguyện sau khi tôi đã có thể làm cho chúng sinh thông hiểu, sẽ dùng Phật thần lực đến khắp không sót một thế giới nào trong 10 phương để cúng dường chư Phật, nghe nhận chính pháp, nhiếp hóa rộng rãi chúng sinh.

8. Nguyện sau khi tôi tiếp nhận chính pháp từ chư Phật liền có thể tùy chuyển pháp luân thanh tịnh. Tất cả chúng sinh trong 10 phương thế giới ai nghe được pháp tôi, nghe tên tôi, liền lìa bỏ được tất cả phiền não và phát tâm Bồ-đề.

9. Nguyện sau khi tôi có thể khiến tất cả chúng sinh phát tâm Bồ-đề, tôi thường theo bảo vệ chúng trừ bỏ những gì không lợi ích, và cho chúng niềm vui vô lượng, tôi sẽ xả bỏ thân mạng tài sản để nhiếp thụ chúng sinh và gánh vác chính pháp.

10. Nguyện sau khi tôi đã có thể gánh vác chính pháp, tuy tôi thực hành chính pháp mà tâm không thấy có thực hành. Cũng như chư Bồ-tát khi thực hành chính pháp, nhưng không nghĩ rằng mình có thực hành, cũng chẳng phải không thực hành.

Vì hoá độ chúng sinh mà không bỏ chính nguyện, đó là 10 Đại nguyện chân chính của Bồ-tát phát tâm.

Mười Đại nguyện này phổ biến khắp cảnh giới chúng sinh, gồm thâu tất cả Hằng sa các nguyện. Nếu chúng sinh hết thì nguyện tôi mới hết, mà chúng sinh thật không thể hết, nên Đại nguyện này của tôi cũng không cùng tận.

Lại nữa, bố thí là nhân của Bồ-đề, vì thâu nhiếp tất cả các chúng sinh.

Trì giới là nhân của Bồ-đề, vì đầy đủ các thiện viên mãn bản nguyện.

Nhẫn nhục là nhân của Bồ-đề, vì thành tựu 32 tướng 80 vẻ đẹp.

Tinh tiến là nhân của Bồ-đề, vì tăng trưởng thiện hành, đối với các chúng sinh siêng năng giáo hoá.

Thiền định là nhân của Bồ-đề, vì Bồ-tát khéo tự điều phục, có thể biết các tâm hành của chúng sinh.

Trí tuệ là nhân của Bồ-đề, vì có đủ khả năng biết tính và tướng của các pháp.

Nói tóm lại 6 Ba-la-mật là chính nhân Bồ-đề, 4 vô lượng tâm, 37 phẩm và các vạn thiện hành cùng trợ giúp mà thành.

Nếu Bồ-tát tu tập 6 Ba-la-mật thì tuỳ theo chỗ hành trì, dần dần được gần A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Các Phật Tử! Người cầu Bồ-đề phải không phóng dật. Hành vi phóng dật có thể làm hoại thiện căn. Nếu Bồ-tát chế phục 6 căn không phóng dật, thì người ấy có thể tu 6 Ba-la-mật.

Bồ-tát phát tâm trước tiên phải hết sức chí thành lập thệ quyết định. Người lập thệ rồi sẽ không phóng dật, lười biếng, trì hoãn.

Bởi vì sao ? Vì lập thệ quyết định nên có 5 việc được duy trì:

  1. Có thể làm tâm mình kiên cố.
  2. Có thể chế phục phiền não.
  3. có thể chặn đứng phóng dật.
  4. Có thể phá trừ 5 sự ngăn che.
  5. Có thể siêng năng tu hành 6 Ba-la-mật.

Như Phật ca ngợi:

Như Lai bậc Đại Trí

Nói rõ công đức chứng,

Sức nhẫn, tuệ, phúc nghiệp,

Sức thệ nguyện tối thắng.

Lập thệ như thế nào?

Nếu có ai đến cầu xin các thứ, lúc đó ta sẽ tuỳ có thứ gì thì thí cho, tâm không sinh một niệm lẫn tiếc. Nếu sinh tâm xấu, dù trong chốc lát nghĩ rằng dùng nhân duyên bố thí để cầu phúc báo thanh tịnh, tức đã khi dối vô lượng vô biên A-tăng-kì hiện tại chư Phật trong 10 phương thế giới. Đến đời vị lai chắc chắn cũng sẽ không thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Nếu ta trì giới dù đến mất mạng, cũng xây dựng tâm thanh tịnh, thề không hối cải.

Nếu ta tu nhẫn dù bị kẻ khác xâm hại đến mức chặt chém, cũng thường sinh từ ái, thề không giận dữ cản trở.

Nếu ta tu tinh tiến cho dù gặp lạnh nóng, vua, giặc, nước, lửa, sư tử, cọp, sói, nơi không có cái ăn thức uống cũng giữ tâm kiên cường thề không thoái chuyển.

Nếu ta tu thiền bị các việc bên ngoài quấy nhiễu không cho nhiếp tâm thì phải buộc niệm vào định cảnh, thề không tạm khởi loạn tưởng phi pháp.

Nếu ta tu tập trí tuệ, quán như thật tính của tất cả các pháp, tuỳ thuận thụ trì. Đối với các pháp thiện, bất thiện, hữu vi, vô vi, sinh tử, Niết-bàn, không khởi cái thấy có hai. Nếu tâm có hối có giận, có cản trở mà thoát mất, sinh loạn tưởng khởi cái thấy có hai, thì dù chỷ trong chốc lát dùng trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ để cầu báo thanh tịnh, tức đã khi dối vô lượng vô biên A-tăng-kì hiện tại chư Phật trong 10 phương thế giới. Đến đời vị lai chắc chắn cũng sẽ không thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Bồ-tát dùng 10 Đại nguyện hành trì chính pháp, dùng 6 Đại thệ chế ngự tâm phóng dật, chắc chắn có thể tinh cần tu tập 6 Ba-la-mật, thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Phẩm 4: ĐÀN BA-LA-MẬT

Bồ-tát tu hành bố thí như thế nào?

Nếu bố thí là vì tự lợi tự tha, và cả hai cùng lợi thì bố thí như vậy sẽ có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến lìa khổ não, nên mới hành thí. Người tu hành thí là đối với tài vật của chính mình luôn sinh tâm xả bỏ, đối với người đến cầu xin, luôn sinh tâm tôn trọng coi như cha, mẹ, sư trưởng hay thiện tri thức. Đối với kẻ bần cùng hạ tiện khởi tâm thương mến coi như con một của mình, tuỳ cần gì thì cho với tâm hoan hỷ cung kính. Đó gọi là Bồ-tát mới tu tâm bố thí.

Do tu bố thí nên tiếng tốt đồn khắp. Sinh ra nơi đâu thì nơi đó dồi dào của báu, đó là tự lợi. Có thể làm cho chúng sinh tâm được thoả mãn, khuyên dạy điều phục khiến không bỏn sẻn, đó là lợi tha. Dùng cái đại thí vô tướng do mình đã tu được, dạy các chúng sinh khiến được lợi giống như mình, đó là người và mình cùng lợi.

Do tu bố thí được địa vị Chuyển luân vương, thâu nhiếp tất cả vô lượng chúng sinh, cho đến được pháp tạng vô tận của Phật, đó là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Thí có ba loại:

  1. Thí pháp.
  2. Thí vô uý.
  3. Thí tài vật.

Thí pháp là khuyên người thụ giới, tu tập tâm xuất gia. Để phá tà kiến thì nói các lỗi lầm, các ác pháp của đoạn, thường, 4 điên đảo, phân biệt khai thị ý nghĩa của chân đế, tán thán công đức tinh tiến, nói tội lỗi của phóng dật. Đó là thí pháp.

Nếu có chúng sinh sợ hãi vua chúa, sư tử, cọp, sói, lửa, nước, giặc, cướp, Bồ-tát thấy vậy có thể cứu hộ. Đó là thí vô uý.

Đem tài vật của mình bố thí không lẫn tiếc, trên đến châu báu, voi ngựa, xe cộ, lụa là, lúa thóc, quần áo, thức uống ăn, dưới đến một miếng bánh, một sợi chỷ, dù ít dù nhiều đúng với nhu cầu của người xin mà cho. Đó là thí tài vật.

Tài thí có 5 điều:

  1. Chí tâm thí.
  2. Tín tâm thí.
  3. Tuỳ thời thí.
  4. Tự tại thí.
  5. Như pháp thí.

Những gì không được thí cũng có 5 điều:

1. Của phi nghĩa không được đem thí cho người, bởi đó là vật không trong sạch.

2. Rượu, thuốc độc không được đem thí cho người, vì các thứ ấy làm não loạn chúng sinh.

3. Bẫy, lưới, dụng cụ săn bắt không được đem thí cho người, vì các thứ ấy não hại chúng sinh.

4. Dao, gậy, cung tên, không được đem thí cho người, vì các thứ ấy làm hại chúng sinh.

5. Âm nhạc, nữ sắc không được đem thí cho người, vì các thứ ấy phá hoại tịnh tâm.

Nói tóm lại, những thứ không đúng như pháp, làm não loạn chúng sinh, không được đem cho người. Ngoài ra, tất cả những gì có thể làm cho chúng sinh an lạc, thì gọi là như pháp thí.

Người ưa thích bố thí sẽ được 5 thứ tiếng khen lợi ích:

  1. Thường được gần gũi tất cả hiền thánh.
  2. Tất cả chúng sinh đều thích gặp.
  3. Khi vào giữa đại chúng, được mọi người tôn kính.
  4. Danh tiếng tốt đồn khắp 10 phương.
  5. Có thể làm nhân thượng diệu cho Bồ-đề.

Người Bồ-tát được gọi là người thí tất cả. Thí tất cả không có nghĩa là nhiều tài sản, mà ở tâm bố thí.

Cầu được của cải đúng như pháp rồi đem bố thí, là thí tất cả.

Đem tâm thanh tịnh không quanh co nịnh bợ mà thí, là thí tất cả.

Thấy kẻ bần cùng, tâm sinh thương xót mà thí, là thí tất cả.

Thấy người khổ nạn, tâm sinh từ bi mà thí, là thí tất cả.

Ở cảnh nghèo, ít của cải mà có thể thí, là thí tất cả.

Của báu quý thích mà vẫn mở lòng bố thí được, là thí tất cả.

Chẳng kể trì giới phá giới, phúc điền hay chẳng phải phúc điền đều thí không phân biệt, là thí tất cả.

Thí chẳng vì cầu diệu lạc nhân thiên, là thí tất cả. Thí vì chí cầu vô thượng Đại Bồ-đề, là thí tất cả.

Muốn thí, khi thí, thí rồi không hối, là thí tất cả.

Nếu đem hoa thí, là để được đầy đủ 7 hoa giác Đà-la-ni.

Nếu đem hương thí, là để được dầy đủ giới định tuệ xông ướp vào thân.

Nếu đem trái cây thí, là vì để được thành tưụ quả vô lậu.

Nếu đem thức ăn thí, là để được đầy đủ mạnh khoẻ sắc lực vui tươi.

Thí y phục là để được đầy đủ sắc thanh tịnh trừ bỏ sự không biết hổ thẹn.

Thí đèn chiếu sáng là để được đầy đủ Phật nhãn, chiếu rõ tất cả tính các pháp.

Đem voi ngựa xe cộ thí là để được vô thượng thừa gồm đủ thần thông.

Đem chuỗi anh lạc thí là để gồm đủ 80 tuỳ hình hảo.

Đem gân cốt sức lực thí cho sử dụng là để gồm đủ 10 sức lực và 4 không sợ hãi cuả Phật.

Nói tóm lại, cho đến đất nước, vợ con, đầu mắt tay chân, khắp cả toàn thân bố thí, tâm không lẫn tiếc là vì được vô thượng Bồ-đề để độ chúng sinh.

Bồ-tát Ma-ha-tát tu hành bố thí, không thấy có tài vật, không thấy có người thí, không thấy có người nhận, đó là vô tướng bố thí. Như vậy là đầy đủ Đàn Ba-la-mật.

Phẩm 5: THI BA-LA-MẬT

Bồ-tát tu hành trì giới như thế nào?

Trì giới nếu là để tự lợi, tự tha, cả hai cùng lợi, trì giới như vậy có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát trì giới vì muốn điều phục chúng sinh, khiến lìa khổ não.

Người tu trì giới phải thanh tịnh tất cả các nghiệp thân, khẩu, ý. Đối với các tâm hành bất thiện đều có thể lìa bỏ tránh xa. Khéo có thể khiển trách các ác hạnh, và phá huỷ giới cấm. Đối với tội nhỏ tâm thường lo sợ. Đó gọi là Bồ-tát sơ tâm trì giới.

Do tu trì giới, Bồ-tát xa lìa tất cả ác pháp lỗi lầm tai hại, thường sinh vào chỗ thiện. Đó là tự lợi. Bồ-tát giáo hoá chúng sinh khiến không phạm ác. Đó là lợi tha. Dùng chỗ tu hành của mình hướng về giới Bồ-đề, giáo hoá chúng sinh khiến đồng được lợi ích như mình. Đó là cùng lợi.

Do tu trì giới, Bồ-tát đạt được lìa dục cho đến lậu tận thành tựu tối thượng chính giác. Đó là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Giữ giới có ba loại: một là giữ giới nơi thân, hai là giữ giới nơi miệng và ba là giữ giới nơi tâm.

Giữ giới nơi thân là vĩnh viễn lìa tất cả mọi hành vi giết chóc, trộm cướp, dâm dục. Không đoạt mạng sinh vật, không xâm phạm tài sản của người khác, không phạm ngoại sắc. Cũng không tạo các nhân duyên giết hại, cũng như các phương tiện để giết hại. Không dùng cây, gậy, gạch, đá đả thương chúng sinh. Nếu vật của người khác, thuộc quyền sử dụng của người khác thì dù một cọng cỏ, một chiếc lá, nếu không cho cũng không lấy. Lại cũng không hề ngó, liếc sắc đẹp. Luôn đứng đắn cẩn trọng trong 4 oai nghi. Đó là giữ giới nơi thân.

Giữ giới nơi miệng là dứt trừ tất cả sự nói dối, nói đâm thọc, nói thô ác, nói thêu dệt. Thường không lừa dối ly gián sự hoà hợp, huỷ báng, mắng nhiếc, chải chuốc ngôn từ, hay tạo phương tiện làm khổ não xúc phạm người khác. Nói ra thì thành thật, nhỏ nhẹ, ngay thẳng đáng tin. Nói ra thường làm lợi ích, khuyến khích giáo hóa việc tu thiện. Đó là giữ giới nơi miệng.

Giữ giới nơi tâm là diệt trừ ham muốn, giận dữ, tà kiến. Thường tu tâm nhu hòa, không gây tội lỗi, tin rằng tạo nghiệp tội sẽ bị quả báo ác. Do sức tư duy nên không tạo các ác. Đối với tội nhẹ, cũng khởi tưởng là tội nặng. Cho dù vì lầm lẫn, cũng phải lo âu hối hận. Đối với chúng sinh không khởi giận dữ não hại. Thấy chúng sinh thì sinh tâm thương tưởng, tâm biết ơn, biết đền ơn không chút bỏn sẻn. Thích làm việc phúc đức, thường lấy đó để giáo hoá người. Thường tu tâm từ, thương yêu tất cả. Đó là giữ giới nơi tâm.

Mười giới thiện nghiệp này, có 5 lợi ích:

  1. Có thể chế ngự ác hạnh.
  2. Có thể phát thiện tâm.
  3. Có thể ngăn chặn phiền não.
  4. Thành tựu tịnh tâm.
  5. Có thể tăng trưởng giới đức.

Nếu ai khéo tu hạnh không phóng dật, đầy đủ chính niệm phân biệt thiện ác, phải biết người đó chắc chắn có thể tu 10 giới thiện nghiệp, 8 vạn 4 ngàn vô lượng giới phẩm đều hoàn toàn thâu tóm trong 10 giới thiện.

Mười giới thiện này có thể làm căn bản của tất cả giới thiện. Đoạn các ác pháp thuộc thân khẩu ý, có thể chế ngự tất cả các pháp bất thiện, nên gọi là giới.

Giới có 5 loại:

  1. Ba-la-đề-mộc-xoa giới.
  2. Định cộng giới.
  3. Vô lậu giới.
  4. Nhiếp căn giới.
  5. Vô tác giới.

Bạch bốn lần Yết-ma, theo thầy mà thụ giới, đó là Ba-la-đềmộc-xoa giới.

Bốn căn bản thiền và 4 vị đáo thiền, là Định cộng giới.

Bốn căn bản thiền, sơ thiền và vị đáo, là Vô lậu giới.

Thâu nhiếp các căn, tu chính niệm tâm, đối với kiến, văn, giác, tri, sắc, thanh, hương, vị, xúc, không sinh phóng dật, là Nhiếp căn giới.

Đời sau xả thân cũng không làm ác nữa, là Vô tác giới.

Bồ-tát tu giới không cùng với Thanh Văn và Bích-chi-phật. Do không chung nên gọi là khéo trì giới. Do khéo trì giới nên có thể lợi ích tất cả chúng sinh.

Giữ giới tâm từ, cứu hộ chúng sinh khiến được an lạc.

Giữ giới tâm bi, nhẫn chịu các khổ để cứu ách nạn.

Giữ giới tâm hỷ, ưa thích tu thiện không biếng nhác.

Giữ giới tâm xả, bình đẳng oán thân lìa xa yêu ghét.

Giữ giới huệ thí, giáo hoá điều phục chúng sinh.

Giữ giới nhẫn nhục, tâm thường nhu nhuyến không giận không trở ngại.

Giữ giới tinh tiến, nghiệp thiện ngày càng tăng không thoái lui.

Giữ giới thiền định, lìa dục bất thiện, tăng trưởng thiền chi.

Giữ giới trí tuệ, nghe nhiều thiện căn không biết chán đủ.

Giữ giới thân cận thiện tri thức, trợ thành đạo Bồ-đề vô thượng.

Giữ giới lìa xa ác tri thức, lìa bỏ các nơi 3 ác 8 nạn.

Người Bồ-tát giữ tịnh giới không nương Dục giới, không gần Sắc giới, không trụ Vô sắc giới. Đó là thanh tịnh giới.

Lìa bỏ dục trần, trừ giận dữ trở ngại, diệt chướng vô minh. Đó là thanh tịnh giới.

Lìa hai bên đoạn thường, không nghịch nhân duyên. Đó là thanh tịnh giới.

Không chấp trước tướng giả danh sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Đó là thanh tịnh giới.

Không trói buộc vào nhân, không khởi các kiến chấp, không trụ nơi nghi hối, là thanh tịnh giới.

Không trụ nơi 3 căn bất thiện tham, sân, si, là thanh tịnh giới.

Không trụ nơi ngã mạn, kiêu mạn, tăng thượng mạn, mạn mạn, đại mạn, nhu hòa khéo tuỳ thuận, là thanh tịnh giới.

Lợi, suy, nhục, vinh, khen, chê, khổ, sướng, không vì thế mà khuynh động là thanh tịnh giới.

Không nhiễm giả danh hư vọng của Thế đế, thuận theo Chân đế là thanh tịnh giới.

Không phiền não không nóng bức, tịch diệt lìa tướng, là thanh tịnh giới.

Nói tóm lại cho đến không tiếc thân mạng, quán tưởng vô thường mà sinh tâm chán lìa, siêng làm các thiện căn dũng mãnh tinh tiến, là thanh tịnh giới.

Bồ-tát Ma-ha-tát tu hành giữ giới mà không thấy có tịnh tâm, bởi đã lìa tưởng. Như vậy tức đầy đủ Thi Ba-la-mật.

Phẩm 6: SẰN-ĐỀ BA-LA-MẬT

Bồ-tát tu hành nhẫn nhục như thế nào?

Nếu nhẫn nhục là vì để tự lợi, lợi tha, cả hai cùng lợi, nhẫn nhục như vậy tức có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát vì muốn điều phục chúng sinh khiến lìa xa khổ não nên tu nhẫn nhục.

Người tu nhẫn nhục tâm thường khiêm tốn hạ mình đối với tất cả chúng sinh. Bỏ hết tâm cương cường, kiêu mạn. Thấy kẻ thô ác thì khởi tâm thương tưởng. Nói năng thường nhỏ nhẹ dịu dàng, khuyến hoá việc tu thiện. Có thể phân biệt nói rõ quả báo sai khác giữa nóng nảy giận dữ và nhu hoà nhẫn nhục. Đó gọi là sơ tâm nhẫn nhục của Bồ-tát.

Do tu nhẫn nhục nên lìa xa các ác, thân tâm được an lạc, đó là tự lợi. Dẫn dắt giáo hoá chúng sinh khiến đều được hoà thuận, đó là lợi tha. Đem chỗ đại nhẫn vô thượng do mình đã tu ra giáo hoá chúng sinh khiến được lợi ích như mình, đó là cùng lợi.

Do tu nhẫn nhục mà được đoan chính, được người tôn trọng, cho đến được các tướng đẹp thượng diệu của Phật, đó là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Nhẫn nhục có 3, là nhẫn nhục nơi thân, nhẫn nhục nơi miệng, và nhẫn nục nơi tâm ý.

Thế nào là nhẫn nhục nơi thân ?

Là nếu có ai làm ác xâm phạm đánh đập mình cho đến gây thương hại, đều có thể nhẫn chịu. Thấy chúng sinh bị uy hiếp áp bức sợ hãi thì đem thân thay chịu không mệt mỏi. Đó là nhẫn nhục nơi thân.

Thế nào là nhẫn nhục nơi miệng?

Là nếu bị ai mắng nhiếc, im lặng nhẫn chịu không đáp trả lại. Nếu có kẻ đến trách mắng phi lý cũng phải mặc ý dịu dàng. Nếu có kẻ nào lại còn vu cáo ngang ngạnh phỷ báng, đều phải nhẫn nhịn. Đó là nhẫn nhục nơi miệng.

Thế nào là nhẫn nhục nơi tâm ý?

Gặp kẻ tức giận mình, tâm mình không ôm hận. Nếu có ai xúc phạm gây phiền não, tâm mình không loạn. Nếu ai chê bai, tâm cũng không oán. Đó là nhẫn nhục nơi tâm ý.

Ở đời những kẻ đánh người có 2 loại, một là đúng thật, hai là ngang tàng. Nếu mình có lỗi bị người hiềm nghi đánh, thì tự mình phải nhẫn chịu như uống cam lồ. Đối với người ấy phải sinh lòng cung kính. Bởi vì sao? Vì người ấy khéo có thể răn dạy điều phục được ta, khiến ta được lìa tội lỗi. Còn như kẻ ngang ngược đem ác tâm gây thương tổn hại ta, thì phải tự suy nghĩ ta nay vô tội, đó phải là do nghiệp quá khứ đưa lại. Như vậy cũng nên nhẫn.

Lại phải suy nghĩ thân này do 4 đại giả hợp, 5 duyên hội tụ , vậy ai là người bị đánh đây?

Lại quán người trước mặt đang đánh mình là như si như cuồng, ta nên thương họ, sao lại không nhẫn?

Lại nữa mắng nhiếc cũng có hai loại: một là đúng thật, hai là hư dối. Nếu lời mắng kia là đúng thật thì ta phải sinh hổ thẹn. Nếu lời mắng kia là hư dối thì có can dự gì đến chuyện của ta, nó như tiếng vang như gió thoảng chẳng tổn hại gì đến ta cho nên phải nhẫn.

Lại đối với người giận cũng vậy, họ giận ta, ta phải nhẫn chịu. Nếu ta giận lại thì đời vị lai sẽ đọa ác đạo chịu khổ não hơn. Do nhân duyên này, thân ta dù bị chém chặt đứt lìa cũng đừng nổi giận, phải quán sâu nhân duyên nghiệp đời trước, phải tu từ bi thương xót tất cả. Cái khổ nhỏ như vậy mà không thể nhẫn thì sẽ không tự điều phục được tâm, làm sao có thể điều phục chúng sinh, khiến giải thoát được tất cả ác pháp, thành tựu quả vô thượng?

Nếu ai có trí tuệ thích tu nhẫn nhục, người này thường được diện mạo đoan chính, có nhiều của bảu, ai trông thấy cũng hoan hỷ, ngưỡng mộ, phục tùng.

Lại phải quán sát người nào thân hình tàn tật, nhan sắc xấu xí, các căn không đủ, của cải thiếu thốn, phải biết đó đều là do nhân duyên sân giận gây nên. Vì nhân duyên ấy, người trí phải tu sâu nhẫn nhục.

Có 10 nhân duyên làm phát sinh nhẫn:

  1. Không quán tướng ngã và ngã sở.
  2. Không nghĩ đến chủng tính.
  3. Phá trừ kiêu mạn.
  4. Ác đến không đáp trả.
  5. Quán tưởng vô thường.
  6. Tu từ bi.
  7. Tâm không phóng dật.
  8. Xả bỏ các việc đói khát, khổ sướng v.v…
  9. Đoạn trừ giận dữ.
  10. Tu tập trí tuệ.

Nếu ai thành tựu được 10 việc ấy, phải biết người đó có thể tu nhẫn nhục. Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu thanh tịnh nhẫn rốt ráo, nếu nhập vào không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, sẽ không hoà hợp với kiến, giác, nguyện, tác, cũng không cậy bám vào không, vô tướng, vô nguyện, vô tác. Các kiến, giác, nguyện, tác này đều không. Nhẫn không có hai tướng này được gọi là rốt ráo thanh tịnh nhẫn.

Nếu nhập vào chỗ hết các kết, hoặc nhập tịch diệt, không hoà hợp với kết và sinh tử, cũng không dựa vào chỗ hết các kết và tịch diệt. Các kết và sinh tử đều là không. Nhẫn không có hai tướng này được gọi là rốt ráo thanh tịnh nhẫn.

Nếu tính không tự sinh, không từ cái khác sinh, không phải hoà hợp sinh, cũng không có xuất hiện, không thể phá hoại. Cái không thể hoại thì không thể hết. Nhẫn không có hai tướng này được gọi là rốt ráo thanh tịnh nhẫn.

Không có tác phi tác, không đeo bám, không phân biệt, không trang nghiêm, không uốn nắn sửa sang, không phát triển, hoàn toàn không tạo sinh. Nhẫn như vậy là vô sinh nhẫn. Như vậy Bồ-tát tu hạnh nhẫn này sẽ được thụ ký nhẫn. Bồ-tát Ma-ha-tát tu hành nhẫn nhục tính, tướng đều không, bởi không có chúng sinh. Như vậy tức đầy đủ Sằn-đề Ba-la-mật. /.

QUYỂN THƯỢNG HẾT

****

LUẬN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH

QUYỂN HẠ

Phẩm 7: TÌ-LÊ-DA BA-LA-MẬT

Bồ-tát tu hành tinh tiến như thế nào?

Tinh tiến nếu là để tự lợi, lợi tha, cả hai cùng lợi, thì tinh tiến đó có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát vì muốn điều phục chúng sinh khiến lìa khổ não nên tu tinh tiến.

Người tu tinh tiến bất cứ lúc nào cũng thường siêng năng tu tập Phạm hạnh thanh tịnh, lìa bỏ lười biếng kiêu mạn, tâm không phóng dật. Đối với các việc khó khăn không ích lợi, tâm thường tinh cần không thoái mất. Đó là Bồ-tát sơ tâm tinh tiến.

Nhờ tu tinh tiến nên có thể được các thiện pháp thượng diệu thế gian và xuất thế gian. Đó là tự lợi. Giáo hoá chúng sinh khiến siêng tu thiện. Đó là lợi tha. Đem cái chính nhân Bồ-đề do mình đã tu giáo hoá chúng sinh, khiến được lợi ích như mình. Đó là cùng lợi. Do tu tinh tiến đạt được diệu quả thanh tịnh vượt trội hơn các địa, cho đến mau thành chính giác. Đó là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Có hai loại tinh tiến: một là vì cầu vô thượng đạo, hai là muốn cứu vớt hết các khổ mà khởi tinh tiến. Bồ-tát phải thành tựu 10 niệm, mới có thể phát tâm siêng năng tinh tiến.

Mười niệm là những gì?

1. Nghĩ tưởng Phật có vô lượng công đức.

2. Nghĩ tưởng Pháp là pháp giải thoát không thể nghĩ bàn.

3. Nghĩ tưởng Tăng là đoàn thể thanh tịnh không ô nhiễm.

4. Nghĩ tưởng việc thực hành Đại từ an lập chúng sinh.

5. Nghĩ tưởng việc thực hành Đại bi cứu vớt các khổ.

6. Nghĩ tưởng về chính định tụ, khuyến khích việc ưa tu thiện.

7. Nghĩ tưởng về tà định tụ, kéo trở về nguồn gốc thiện.

8. Nghĩ tưởng về các ngạ quỷ đói khát nóng cháy khổ não.

9. Nghĩ tưởng về các súc sinh mãi chịu các khổ.

10. Nghĩ tưởng về các địa ngục chịu đủ các thứ thiêu đốt.

Bồ-tát tư duy 10 niệm như vầy:

Ta phải tu tập công đức của Tam Bảo.

Ta phải khuyến khích siêng năng từ bi chính định.

Ta phải cứu vớt chúng sinh tà định ra khỏi 3 ác đạo khổ. Tư duy chuyên niệm như vậy không tán loạn, ngày đêm siêng năng tu hành không thôi bỏ. Đó là có thể khởi chính niệm tinh tiến.

Bồ-tát còn có 4 việc tinh tiến. Đó là tu hành 4 chính cần:

1. Ác pháp chưa sinh, ngăn chận không cho sinh.

2. Ác pháp đã sinh, mau chóng đoạn trừ.

3. Thiện pháp chưa sinh, tìm phương tiện khiến sinh.

4. Thiện pháp đã sinh, tu tập thêm cho tăng trưởng rộng rãi và viên mãn.

Bồ-tát tu 4 chính cần như vậy không thôi nghỷ. Đó là tinh tiến. Sự siêng năng tinh tiến này có thể phá tất cả các phiền não giới, làm tăng trưởng chính nhân vô thượng Bồ-đề.

Bồ-tát nếu có thể chịu tất cả các khổ lớn của thân tâm, là vì muốn an lập các chúng sinh mà không mệt mỏi. Đó là tinh tiến.

Bồ-tát sau khi lìa xa pháp ác, quanh co nịnh bợ, tà tinh tiến, tu chính tinh tiến, như tu tín, thí, giới, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả. Muốn làm, đã làm, sẽ làm, chí tâm thường hành tinh tiến không hối hận. Đối với các pháp thiện và việc cứu vớt các khổ, coi như cứu lửa cháy đầu, tâm không thoái mất. Đó là tinh tiến.

Bồ-tát tuy là không tiếc thân mạng, nhưng vì để cứu vớt các khổ, bảo hộ chính pháp, nên phải yêu tiếc không bỏ oai nghi, thường tu thiện pháp.

Khi tu thiện pháp tâm không lười biếng, dù mất thân mạng không bỏ như pháp. Như thế gọi là Bồ-tát tu đạo Bồ-đề cần hành tinh tiến. Còn người lười biếng không thể một lúc bố thí tất cả, không thể giữ giới, nhẫn chịu các khổ, cần hành tinh tiến, nhiếp tâm vào niệm và định, phân biệt thiện ác. Cho nên nói 6 Ba-la-mật là do tinh tiến mà được tăng trưởng. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát tinh tiến tăng trưởng, có thể mau được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề.

Bồ-tát phát Đại trang nghiêm khởi tinh tiến còn có 4 việc:

  1. Phát đại trang nghiêm.
  2. Tích tập dũng kiện.
  3. Tu các thiện căn.
  4. Giáo hoá chúng sinh.

Thế nào là Bồ-tát phát Đại trang nghiêm?

Là đối với việc sinh tử tâm có thể kham nhẫn, không kể kiếp số. Đối với việc phải trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức Na-dotha Hằng hà sa A-tăng-kì kiếp mới thành Phật đạo, tâm không mỏi mệt. Đó gọi là trang nghiêm tinh tiến không lười biếng.

Bồ-tát tích tập dũng kiện mà khởi tinh tiến là nếu như lửa cháy đầy khắp 3 ngàn Đại thiên thế giới, mà vì để gặp Phật, vì để nghe pháp, vì để đặt yên chúng sinh vào nơi thiện pháp cần phải đi qua đám lửa ấy để điều phục chúng sinh nên khéo đặt tâm vào trong Đại bi. Đó gọi là dũng kiện tinh tiến.

Bồ-tát tu tập thiện căn mà khởi tinh tiến là như tất cả các thiện căn được phát khởi, đều đem hồi hướng A-nậu-đa-la Tammiệu Tam-bồ-đề, vì muốn thành tựu Nhất thiết trí. Đó gọi là tu tập thiện căn tinh tiến.

Bồ-tát giáo hoá chúng sinh mà khởi tinh tiến là tính của chúng sinh không thể kể hết, vô lượng vô biên ngang bằng cõi hư không. Bồ-tát lập thệ sẽ độ hết không còn dư sót. Vì muốn hoá độ mà cần hành tinh tiến. Đó gọi là giáo hoá tinh tiến.

Tóm lại, Bồ-tát tu công đức trợ đạo trợ giúp vô thượng trí tuệ tu tập Phật pháp mà khởi tinh tiến. Công đức chư Phật vô lượng vô biên, sự tinh tiến do Bồ-tát Ma-ha-tát phát Đại trang nghiêm thực hành tinh tiến cũng vô lượng vô biên như vậy. Bồ-tát Ma-ha-tát tu hành tinh tiến không có tâm lìa dục vì để cứu các khổ. Đó tức là đầy đủ Tì-lê-da Ba-la-mật.

Phẩm 8: THIỀN BA-LA-MẬT

Bồ-tát tu tập thiền định như thế nào?

Thiền định nếu vì để tự lợi, lợi tha, cả hai cùng lợi, thì thiền định như vậy có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến lìa khổ não nên tu thiền định.

Người tu thiền định là khéo giữ tâm mình, không cho loạn tưởng vọng khởi. Đi, đứng, nằm, ngồi buộc niệm hiện tiền. Quán sát hai chiều nghịch thuận, nào đầu lâu, đỉnh đầu, xương sống, cánh tay, khuỷu tay, ngực, hông, đùi, ống quyển, mắt cá chân, An-ban đếm hơi thở. Đó gọi là sơ tâm tu định của Bồ-tát.

Do tu thiền định nên không thụ các ác pháp, tâm thường khoan khoái. Đó là tự lợi. Giáo hoá chúng sinh khiến tu chính niệm. Đó là lợi tha. Đem Tam-muội thanh tịnh lìa ác giác quán, do mình tu tập ra giáo hoá các chúng sinh, khiến được lợi ích như mình. Đó là cùng lợi.

Do tu thiền định đạt được 8 giải thoát, cho đến Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cương Tam-muội. Đó gọi là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Thiền định do 3 pháp sinh ra.

Những gì là 3?

  1. Từ văn tuệ.
  2. Từ tư tuệ.
  3. Từ tu tuệ.

Từ 3 pháp đó dần dần sinh tất cả các Tam-muội.

Thế nào là văn tuệ?

Như các pháp được nghe, tâm thường ưa thích. Lại nghĩ như vầy: Các pháp vô ngại giải thoát của chư Phật, phải do nghe nhiều mới được thành tựu. Nghĩ như vậy rồi, đối với mọi lúc cầu pháp càng thêm tinh cần, ngày đêm thường thích nghe pháp không thấy chán đủ. Đó là văn tuệ.

Thế nào là tư tuệ?

Tư duy nghĩ nhớ quán sát tướng như thật của tất cả các pháp hữu vi, chính là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, niệm niệm sinh diệt, không lâu sẽ hoại diệt. Thế mà chúng sinh bị ưu, bi, khổ, não, thương, ghét trói buộc, chỷ vì lửa tham, giận, si mê thiêu đốt, làm tăng trưởng khối khổ não lớn ở đời sau, không có thật tính, như trò ảo hoá. Thấy như vậy rồi, đối với tất cả pháp hữu vi liền sinh chán lìa, ra sức tinh cần hướng đến trí tuệ Phật. Suy nghĩ về trí tuệ của Như Lai là không thể suy lường, không thể nói hết, có thế lực lớn không ai có thể hơn được, có thể đến được thành trì lớn an ổn, không sợ hãi, không bị trở lui, có thể cứu được vô lượng chúng sinh khổ não. Như vậy là thấy Phật có vô lượng trí, thấy pháp hữu vi là vô lượng khổ não, chí nguyện tiến lên cầu Đại thừa vô thượng. Đó gọi là tư tuệ.

Thế nào là tu tuệ ?

Từ ban đầu quán về xương cốt cho đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đều gọi là tu tuệ.

Lìa các pháp bất thiện thuộc Dục giới, có giác có quán, định sinh hỷ lạc, nhập vào Sơ thiền.

Diệt giác và quán, bên trong thanh tịnh, tâm một chỗ, không giác không quán, định sinh hỷ lạc, nhập vào Nhị thiền.

Lìa hỷ nên hành xả, tâm niệm khinh an tuệ thân cảm thụ lạc. Các hiền thánh có thể thuyết có thể xả, thường niệm thụ lạc nhập vào Tam thiền.

Do đoạn khổ đoạn lạc, do trước diệt ưu hỷ, nên không khổ không lạc, hành xả niệm thanh tịnh, nhập vào Tứ thiền.

Do vượt qua tất cả sắc tướng, diệt tất cả các tướng hữu đối, không niệm tất cả các tướng biệt dị, nên biết hư không vô biên, tức nhập vào Hư không Vô sắc định xứ.

Vượt qua tất cả tướng hư không, biết thức là vô biên, tức nhập vào Vô sắc thức định xứ.

Vượt qua tất cả tướng của thức, biết là vô sở hữu, tức nhập vào Vô sở hữu Vô sắc định xứ.

Vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, biết được phi hữu tưởng phi vô tưởng an ổn, tức nhập vào Vô sắc phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.

Thế nhưng tuỳ thuận các pháp hành mà không đắm trước. Cầu vô thượng thừa thành tối chính giác mới là tu tuệ.

Bồ-tát từ văn tư tu tuệ này, tinh cần nhiếp tâm thì có thể thành tựu thông minh Tam-muội Thiền Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát tu định còn có 10 pháp hành không chung với Thanh Văn, Bích-chi-phật.

Những gì là 10?

1. Tu định không có ta đây, vì có đầy đủ các thiền định của Như Lai.

2. Tu định không đắm vị, không đắm trước, vì lìa bỏ nhiễm tâm không cần an lạc cho riêng mình.

3. Tu định đầy đủ các nghiệp thông, vì biết các tâm hành của chúng sinh.

4. Tu định để biết các tâm vì độ thoát tất cả chúng sinh.

5. Tu định thực hành Đại bi, vì đoạn phiền não kết của các chúng sinh.

6. Tu định các thiền Tam-muội, vì khéo biết sự nhập xuất vượt quá 3 cõi.

7. Tu định thường được tự tại, vì đầy đủ tất cả các thiện pháp.

8. Tu định tâm mình tịch diệt, vì vượt hơn các thiền Tam-muội của Nhị thừa.

9. Tu định thường nhập trí tuệ, vượt quá các pháp thế gian vì đến bờ kia.

10. Tu định có thể hưng khởi chính pháp, vì nối thịnh Tam Bảo khiến không đoạn tuyệt.

Định như vậy không chung với Thanh Văn, Bích-chi-phật.

Lại nữa, vì để biết tất cả tâm phiền não của chúng sinh, nên tu tập các pháp thiền định trợ thành trụ tâm, khiến các thiền định này trụ tâm bình đẳng, như vậy gọi là định. Định bình đẳng như vậy bình đẳng với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác. Bình đẳng với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác thì bình đẳng với chúng sinh. Bình đẳng với chúng sinh thì bình đẳng với các pháp. Nhập vào bình đẳng như vậy gọi là định.

Lại nữa, Bồ-tát tuy tuỳ theo thế gian mà tu hành, nhưng không pha tạp với thế gian mà xả bỏ 8 pháp thế gian, diệt tất cả các kết, lìa xa nơi ồn ào, thích sống một mình. Bồ-tát tu hành thiền định như thế, trụ tâm an ổn, lìa mọi sự thế gian.

Lại nữa, Bồ-tát tu định, để có đủ thông, trí, phương tiện, tuệ.

Thế nào là thông? Thế nào là trí?

Là hoặc thấy sắc tướng, hoặc nghe âm thanh, hoặc biết tâm người, hoặc nhớ quá khứ, hoặc có thể đến khắp thế giới chư Phật. Đó gọi là thông.

Nếu biết sắc tức pháp tính, hiểu rõ âm thanh, tâm hành, tính tướng tịch diệt, 3 đời bình đẳng. Biết cảnh giới chư Phật bằng với tướng hư không mà không chứng diệt tận. Đó gọi là trí.

Thế nào là phương tiện? Thế nào là tuệ?

Là khi nhập thiền định thì sinh Đại từ bi không bỏ thệ nguyện, tâm như kim cương, quán thế giới chư Phật để trang nghiêm đạo tràng Bồ-đề. Đó gọi là phương tiện.

Tâm hằng tĩnh lặng, không ngã, không chúng sinh, tư duy bản tính các pháp không loạn, thấy cảnh giới chư Phật đồng như hư không, quán chỗ trang nghiêm đồng như tịch diệt. Đó gọi là tuệ.

Như vậy là Bồ-tát tu hành thiền định, thông, trí, phương tiện, tuệ, 4 sai biệt đồng hành, được gần với A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề. Bồ-tát Ma-ha-tát tu thiền định không còn chút ác tâm, vì là pháp bất động. Như thế tức đầy đủ Thiền-na Ba-la-mật.

Phẩm 9: BÁT-NHÃ-BA-LA-MẬT

Bồ-tát tu hành trí tuệ như thế nào?

Trí tuệ nếu để tự lợi, lợi tha, cả hai cùng lợi, trí tuệ như vậy có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến lìa xa khổ não nên tu trí tuệ.

Người tu trí tuệ phải học tất cả các việc thế gian, xả tham sân si, kiến lập tâm từ, thương xót làm lợi ích tất cả chúng sinh, thường nghĩ cứu vớt, vì chúng sinh làm người dẫn đạo, có thể phân biệt nói rõ chính đạo, tà đạo, cùng thiện báo, ác báo. Đó gọi là sơ tâm trí tuệ của Bồ-tát.

Do tu trí tuệ nên lìa xa vô minh, trừ phiền não chướng và trí tuệ chướng. Đó là tự lợi.

Giáo hoá chúng sinh khiến được điều phục. Đó là lợi tha.

Đem vô thượng Bồ-đề do chính mình tu ra giáo hoá các chúng sinh khiến được ích lợi như mình. Đó là là cùng lợi.

Do tu trí tuệ đạt được Sơ địa cho đến trí Tát-bà-nhã. Đó gọi là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Bồ-tát tu hành trí tuệ có 20 tâm có thể từ từ kiến lập.

Những gì là 20?

  1. Tâm sẽ phát khởi thiện, muốn gần gũi thiện hữu.
  2. Tâm không phóng dật, lìa bỏ kiêu mạn.
  3. Tâm tuỳ thuận lời răn dạy, ưa thích nghe pháp.
  4. Tâm nghe pháp không chán và khéo tư duy.
  5. Tâm thực hành 4 Phạm hạnh và tu chính trí.
  6. Tâm quán hạnh bất tịnh sinh chán lìa.
  7. Tâm quán 4 chân đế và 16 thánh.
  8. Tâm quán 12 nhân duyên tu minh tuệ,
  9. Tâm nghe các Ba-la-mật, nghĩ nhớ muốn tu tập.
  10. Tâm quán vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt.
  11. Tâm quán không, vô tướng, vô nguyện, vô tác.
  12. Tâm quán ấm, giới, nhập có nhiều tội lỗi.
  13. Tâm hàng phục phiền não, không phải bạn bè.
  14. Tâm giữ gìn các thiện pháp, coi như bạn bè.
  15. Tâm kềm chế ác pháp, khiến dứt trừ.
  16. Tâm tu tập chính pháp, khiến tăng trưởng rộng.
  17. Tâm tuy tu Nhị thừa mà thường lìa bỏ.
  18. Tâm nghe tạng Bồ-tát, ưa thích phụng hành.
  19. Tâm tự lợi, lợi tha, tuỳ thuận tăng tiến thiện nghiệp.
  20. Tâm giữ hạnh chân thật cầu tất cả Phật pháp.

Lại nữa, Bồ-tát tu hạnh trí tuệ còn có 10 pháp tâm khéo tư duy, không chung với Thanh Văn, Bích-chi-phật.

Những gì là 10?

  1. Tư duy phân biệt căn bản định tuệ.
  2. Tư duy không bỏ hai bên đoạn thường.
  3. Tư duy nhân duyên sinh khởi các pháp.
  4. Tư duy không chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng.
  5. Tư duy không có 3 thời các pháp đã qua, sắp đến và dừng trụ.
  6. Tư duy không có bắt đầu mà không đoạn nhân quả.
  7. Tư duy pháp không, mà gieo trồng thiện pháp không biết mệt mỏi.
  8. Tư duy vô tướng, mà không bỏ độ chúng sinh.
  9. Tư duy vô nguyện, mà không bỏ tâm cầu Bồ-đề.
  10. Tư duy vô tác, mà không bỏ việc hiện thụ thân.

Lại nữa, Bồ-tát có 12 môn khéo nhập.

Những gì là 12?

  1. Khéo nhập không Tam-muội v.v…, nhưng không thủ chứng.
  2. Khéo nhập các thiền Tam-muội, nhưng không tuỳ thiền sinh.
  3. Khéo nhập các thông, trí, nhưng không chứng pháp vô lậu.
  4. Khéo nhập pháp nội quán, nhưng không chứng quyết định.
  5. Khéo nhập quán tất cả chúng sinh đều không tịch, nhưng không xả bỏ Đại từ.
  6. Khéo nhập quán tất cả chúng sinh đều vô ngã, nhưng không xả bỏ Đại bi.
  7. Khéo nhập sinh các ác thú, mà chẳng phải do nghiệp nên sinh.
  8. Khéo nhập lìa dục, nhưng không chứng pháp lìa dục.
  9. Khéo nhập xả bỏ các dục lạc, nhưng không xả bỏ niềm vui đối với pháp.
  10. Khéo nhập xả bỏ tất cả giác hí luận, mà không xả bỏ các quán phương tiện.
  11. Khéo nhập tư lương hữu vi pháp có nhiều lỗi lầm, nhưng không xả bỏ hữu vi.
  12. Khéo nhập pháp vô vi thanh tịnh lìa xa, mà không trụ vô vi.

Bồ-tát có thể tu tất cả các pháp môn khéo nhập này, tức có thể khéo hiểu 3 đời là không, là vô sở hữu. Nếu quán như vậy, do sức trí tuệ quán ba đời không, nếu đối với vô lượng công đức chư Phật, gieo trồng trong 3 đời đều đem hồi hướng vô thượng Bồ-đề. Như vậy gọi là Bồ-tát khéo quán phương tiện 3 đời.

Lại nữa, tuy thấy các pháp quá khứ diệt hết không đến vị lai, nhưng thường tu tinh tiến không giải đãi, quán pháp vị lai tuy không xuất sinh, nhưng không bỏ tinh tiến nguyện hướng Bồ-đề, quán pháp hiện tại tuy niệm niệm diệt, nhưng tâm không quên hướng đến Bồ-đề. Như thế gọi là Bồ-tát quán phương tiện ba đời: quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không trụ. Tuy quán tâm, tâm số pháp sinh diệt tán hoại như thế, nhưng thường không xả bỏ việc tu tập thiện căn trợ cho pháp Bồ-đề. Như vậy gọi là Bồ-tát khéo quán phương tiện 3 đời.

Lại nữa, Bồ-tát quán tất cả thiện bất thiện, ngã vô ngã, thật chẳng thật, không chẳng không, thế đế chân đế, chính định tà định, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, hắc pháp bạch pháp, sinh tử Niết-bàn, như tính của pháp giới chỷ có một tướng đó là vô tướng. Trong vô tướng đó không có pháp nào có thể gọi là vô tướng, cũng không có pháp nào cho đó là vô tướng. Như vậy là tất cả pháp ấn, là pháp ấn không thể hoại. Ở trong ấn đó cũng không có tướng của ấn. Đó là chân thật trí tuệ phương tiện Bát-nhã Ba-la-mật.

Bồ-tát Ma-ha-tát phát tâm Bồ-đề phải học như vậy, phải thực hành như vậy. Thực hành như vậy tức gần A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bồ-tát Ma-ha-tát tu hành trí tuệ mà tâm không có sở hành vì pháp tính là thanh tịnh. Như vậy tức đầy đủ Bát-nhã Ba-la-mật.

Phẩm 10: PHÁP MÔN NHƯ THẬT

Thiện nam tử, thiện nữ nhân, người tu tập 6 Ba-la-mật cầu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề phải lìa xa 7 pháp.

Những gì là 7?

1. Lìa bỏ ác tri thức. Ác tri thức là những ai dạy người xả lìa niềm tin cao thượng, ý muốn cao thượng, tinh tiến cao thượng mà chỉ tập các tạp hành.

2. Lìa xa nữ sắc, các tham đắm sắc dục làm theo thói đời.

3. Lìa bỏ ác giác, tự quán hình dung tham tiếc yêu mến coi trọng, nhiễm đắm giữ gìn cho là có thể giữ được lâu dài.

4. Lìa bỏ giận dữ, kiêu mạn, ganh ghét, đố kỵ, phát khởi tranh tụng, hoại loạn thiện tâm.

5. Lìa bỏ phóng dật, kiêu mạn, trễ nải biếng nhác, tự ỷ chút thiện nhỏ khinh miệt người khác.

6. Lìa bỏ các sách luận ngoại đạo cùng văn chương thế tục ngôn từ chải chuốt, không phải điều Phật nói, không nên tụng đọc.

7. Không được gần gũi tà kiến, ác kiến.

Cần phải xa lìa 7 pháp như vậy. Như Lai có nói: Không thấy có pháp nào chướng ngại đạo Phật sâu xa bằng 7 pháp này. Cho nên Bồ-tát cần phải xa lìa.

Nếu muốn mau được vô thượng Bồ-đề, phải tu 7 pháp.

Những gì là 7?Bồ-tát phải gần gũi thiện tri thức. Thiện tri thức là chư Phật và chư Bồ-tát. Nếu người Thanh Văn mà có thể làm cho Bồ-tát trụ sâu vào pháp tạng các Ba-la-mật, thì cũng là thiện tri thức của Bồ-tát.

1. Bồ-tát phải gần gũi người xuất gia, cũng phải gần gũi pháp A-lan-nhã, lìa xa nữ sắc cùng các thèm muốn, không cùng người đời làm việc thế tục.

2. Bồ-tát phải quán tự thân như đất phân, chỉ đầy xú uế, phong hàn nhiệt huyết không có gì đáng tham đắm, có ngày sẽ chết, phải suy nghĩ mà chán bỏ mà tinh cần tu đạo.

3. Bồ-tát phải thường hành hoà nhẫn, cung kính, nhu thuận, cũng khuyến hoá người khác khiến trụ trong pháp nhẫn.

4. Bồ-tát phải tu tập tinh tiến, thường biết hổ thẹn, kính phụng sư trưởng, thương xót kẻ bần cùng hạ tiện, thấy người nguy khổ đem thân chịu thay.

5. Bồ-tát phải tu tập Dại thừa Phương đẳng, các Bồ-tát tạng, các pháp được Phật ca ngợi phải thụ trì đọc tụng.

6. Bồ-tát phải gần gũi, tu tập Đệ nhất nghĩa đế, đó chính là thật tướng, nhất tướng, vô tướng.

Nếu các Bồ-tát muốn mau được vô thượng Bồ-đề, thì phải gần gũi 7 pháp như vậy.

Lại nữa, nếu ai phát tâm Bồ-đề mà vì có sở đắc thì dù trong vô lượng A-tăng-kì kiếp tu tập từ bi hỷ xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, phải biết người đó không lìa khỏi sinh tử không hướng đến Bồ-đề được.

Vì sao vậy? Vì tâm có sở đắc và các kiến đắc như ấm giới nhập kiến, ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ mạng kiến, từ bi hỷ xả thí giới nhẫn tiến định trí các kiến. Nói tóm lại, Phật pháp tăng kiến và Niết-bàn kiến, các kiến có sở đắc như vậy tức là tâm chấp trước. Mà chấp trước thì được gọi là tà kiến.

Sở dĩ vì sao? Những kẻ tà kiến luân chuyển trong 3 cõi vĩnh viễn không ra khỏi. Kẻ chấp trước ở đây cũng như vậy, vĩnh viễn không ra khỏi, hoàn toàn không thể được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Nếu ai phát tâm Bồ-đề phải quán sát tướng tâm không này. Những gì là tâm? Thế nào là tướng không? Tâm gọi là ý thức, tức là thức ấm, ý nhập, ý giới. Tướng của tâm không này là tâm không có tướng, cũng không có tác giả.

Vì sao vậy? Tướng của tâm này là không, không có tác giả, không khiến tác giả. Nếu không tác giả thì không có tác tướng. Nếu Bồ-tát hiểu rõ các pháp như vậy thì không chấp trước đối với tất cả pháp. Do không chấp trước nên đối với các thiện ác hiểu rõ là không có quả báo, đối với sự tu tập tâm từ hiểu rõ là không có ngã, đối với sự tu tập tâm bi hiểu rõ là không có chúng sinh, đối với sự tu tập tâm hỷ hiểu rõ là không có mạng, đối với sự tu tập tâm xả hiểu rõ là không có người. Tuy hành bố thí không thấy có vật để thí, tuy hành trì giới không thấy có tịnh tâm, tuy hành nhẫn nhục không thấy có chúng sinh, tuy hành tinh tiến không có tâm lìa dục, tuy hành thiền học không có tâm trừ ác, tuy hành trí tuệ tâm không sở hành, đối với tất cả duyên đều là trí tuệ, nhưng không bám dính vào trí tuệ, không đắc trí tuệ, không thấy có trí tuệ. Hành giả tu hành trí tuệ như vậy, nhưng không có sở tu, cũng không phải không tu. Vì giáo hoá chúng sinh hiện tu hành lục độ, mà bên trong hoàn toàn thanh tịnh.

Hành giả khéo tu tâm mình như vậy thì chỉ trong một niệm các thiện căn gieo trồng cùng quả báo phúc đức sẽ vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức A-tăng-kì kiếp không tể hết được, tự nhiên được gần A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Phẩm 11: KHÔNG, VÔ TƯỚNG

Thuở xưa có một thời Phật tại vườn trúc Ca-lan-đà cùng chư đại chúng vô lượng tập hội. Bấy giờ Thế Tôn tuyên thuyết chính pháp bảo đại chúng rằng: Các pháp Như Lai tuyên thuyết là vô tính, là không, là vô sở hữu, khó tin khó hiểu đối với tất cả thế gian.

Vì sao vậy? Sắc không buộc không mở, thụ tưởng hành thức không buộc không mở. Sắc không có tướng, lìa các tướng, thụ tưởng hành thức không có niệm, lìa các niệm. Nhãn sắc, nhĩ thanh, tỹ hương, thiệt vị, thân xúc, ý pháp cũng như vậy, không lấy không bỏ, không nhơ không sạch, không đi không lại, không hướng đến không quay lưng, không tối không sáng, không si không tuệ, chẳng phải bờ này chẳng phải bờ kia, chẳng phải giữa dòng. Đó là không trói. Không trói nên là không.

Không, được gọi là vô tướng. Vô tướng này cũng là không, như thế gọi là không.

Không, được gọi là vô niệm. Vô niệm này cũng là không, như thế gọi là không. Không niệm này cũng là không, như thế gọi là không. Trong không, không có thiện không có ác, cho đến cũng không có tướng không, cho nên gọi là không.

Bồ-tát nếu biết được tính của ấm giới nhập tức không bám lấy, đó gọi là pháp nhẫn. Bồ-tát do nhẫn như vậy nên được thụ ký nhẫn.

Các Phật tử! Ví như có Bồ-tát ngửa mặt viết lên hư không, chép đủ 12 bộ kinh của Như Lai. Trải qua vô lượng kiếp Phật pháp diệt, người cầu pháp không thấy không nghe được gì, khi ấy chúng sinh điên đảo tạo vô biên ác.

Lại có người trí tuệ thanh tịnh ở phương khác, thương xót chúng sinh rộng cầu Phật pháp, nên đến phương này, thấy chữ trong hư không, nét viết rõ ràng liền hiểu được, rồi đọc tụng thụ trì, thực hành như kinh nói, lại diễn nói phân biệt rộng rãi làm lợi ích chúng sinh.

Người viết chữ trong hư không và người đọc chữ trong hư không này có dễ suy tư nghĩ bàn được chăng? Thế mà còn có thể tuyên truyền tu tập thụ trì, dắt dẫn chúng sinh khiến lìa trói buộc.

Các Phật tử ! Như Lai nói: Vào thời quá khứ khi cầu đạo Bồ-đề, Như Lai đã gặp 33 ức 9 vạn 8 ngàn chư Phật. Những lúc ấy, Như Lai đều đang là Chuyển luân thánh vương đã đem tất cả các thứ tốt đẹp cúng dường chư Phật và chúng đệ tử. Nhưng vì tâm thấy có sở đắc nên không được thụ ký. Sau đó lại được gặp 8 vạn 4 ngàn ức 9 vạn Bích-chi-phật, cũng suốt đời đem 4 sự cúng dường. Sau lại gặp 6 trăm 20 vạn một ngàn 2 trăm 61 Phật. Lúc ấy cũng đều làm Chuyển luân thánh vương, đem tất cả các thứ tốt đẹp suốt đời cúng dường. Sau khi chư Phật diệt độ, còn dựng tháp 7 báu cúng dường xá-lợi. Sau đó có Phật xuất thế lại tiếp đón cầu thỉnh chuyển chính pháp luân. Cúng dường như vậy trăm ngàn vạn ức Phật. Chư Như Lai này đều từ trong pháp không mà nói lên các pháp tướng. Cũng bởi tâm thấy có sở đắc nên đều không được chư Phật thụ ký. Lần lữa như vậy cho đến khi Phật Nhiên Đăng ra đời gặp Phật nghe pháp liền được tất cả pháp nhẫn vô sinh. Sau khi được nhẫn này mới được Phật thụ ký. Nhiên Đăng Như Lai từ trong pháp không nói lên các pháp tướng, độ thoát vô lượng trăm ngàn chúng sinh, mà không hề có nói, có độ.

Mâu-ni Thế Tôn xuất hiện ra đời, trong pháp không nói ra có văn tự ghi chép, dạy bày ích lợi hoan hỷ, cho khắp tất cả thụ trì tu tập, mà không có gì là dạy bày hay thụ trì tu tập. Phải biết tính tướng các pháp đều không. Người viết chữ trong hư không cũng là không, người đọc hiểu chữ trong hư không cũng là không, người nói pháp cũng không, người hiểu pháp cũng không.

Từ cái bản lai không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không, nhưng vì chư Bồ-tát tích tập sức phương tiện vạn thiện, tinh cần không mệt mỏi, thành tựu viên mãn công đức được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Điều này thật vô cùng khó, không thể tưởng tượng. Từ trong vô pháp nói lên các pháp tướng, từ chỗ vô sở đắc nói pháp có chứng đắc. Các việc ấy cũng như cảnh giới chư Phật, phải dùng vô lượng trí mới có thể hiểu rõ, chứ không phải do suy lường có thể biết được.

Bồ-tát mới phát ý, thành tâm kính ngưỡng yêu thích Bồ-đề, do tin lời Phật nên dần dần được thâm nhập.

Thế nào là tin?

Là tin quán 4 đế trừ các phiền não vọng kiến trói buộc, chứng đắc A-la-hán.

Là tin quán 12 nhân duyên diệt trừ vô minh, sinh khởi các hành, chứng đắc Bích-chi-phật.

Là tin tu 4 tâm vô lượng, 6 Ba-la-mật, chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Đó gọi là tín nhẫn.

Chúng sinh trong vô thủy sinh tử vọng tưởng chấp trước không thấy pháp tính, thì phải trước hết quán sát 5 ấm của chính tự thân chỉ là giả danh chúng sinh. Trong đó không có ngã, không có chúng sinh.

Vì sao vậy? Vì nếu có ngã thì ngã phải tự tại. Nhưng chúng sinh thì thường bị sinh lão bệnh tử xâm hại không được tự tại, nên biết là không có ngã. Không có ngã tức không có tác giả. Không có tác giả nên cũng không có thụ giả. Pháp tính thanh tịnh như thật thường trụ. Quán sát như vậy chưa thể là cứu cánh. Đó gọi là thuận nhẫn. Bồ-tát tu tín, thuận nhẫn rồi, không lâu sẽ thành tối thượng pháp nhẫn.

Phẩm 12: CÔNG ĐỨC TRÌ

Bồ-tát tu đầy đủ tâm vô tướng, mà tâm chưa từng trụ nơi tác nghiệp. Bồ-tát này biết các nghiệp tướng mà vẫn cứ làm.

Vì tu thiện căn cầu Bồ-đề nên không xả bỏ hữu vi.

Vì chúng sinh tu Đại bi nên không trụ vô vi.

Vì chân diệu trí của tất cả chư Phật nên không xả bỏ sinh tử.

Vì độ vô biên chúng sinh khiến không dư sót nên không trụ Niết-bàn.

Đó gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát thâm tâm cầu A-nậu-đa-la Tammiệu Tam-bồ-đề.

Các Phật tử! Bồ-tát thành tựu 10 pháp, sẽ không thoái mất vô thượng Bồ-đề.

Những gì là 10?

1. Bồ-tát phát tâm sâu vô thượng Bồ-đề, giáo hoá chúng sinh cũng khiến phát tâm.

2. Thường ưa thích gặp Phật, đem những gì mình quý ra phụng thí cúng dường trồng sâu căn lành.

3. Vì cầu pháp nên đem tâm tôn kính cúng dường pháp sư, nghe pháp không biết chán.

4. Nếu thấy Tì-kheo tăng phân hóa thành 2 bộ, tranh chấp lẫn nhau, gây tạo lỗi lầm thì cần cầu phương tiện khiến hoà hợp.

5. Nếu thấy cõi nước nào tà ác tăng thượng Phật pháp sắp hoại thì có thể đọc, tụng, giảng nói, cho dù một bài kệ khiến Phật pháp không dứt tuyệt, chuyên tâm hộ pháp không tiếc thân mạng.

6. Thấy chúng sinh sợ hãi khổ não thì cứu giúp làm cho không còn sợ hãi.

7. Phát khởi siêng năng tinh tiến tu hành, cầu kinh pháp Đại thừa Phương đẳng rất sâu và Bồ-tát tạng.

8. Được pháp này rồi thụ trì đọc tụng thực hành như kinh nói và trụ tâm như kinh nói.

9. Tự trụ nơi pháp, cũng có thể khuyến khích dắt dẫn khiến nhiều chúng sinh vào trong pháp này.

10. Vào trong pháp rồi có thể vì người giảng nói, dạy bày lợi ích hoan hỷ khai ngộ chúng sinh.

Bồ-tát thành tựu 10 pháp như vậy rồi, sẽ không thoái mất vô thượng Bồ-đề.

Bồ-tát phải tu hành theo kinh này. Những kinh điển như vậy không thể suy lường. Có thể nói có khả năng sinh tất cả giống Đại từ bi.

Kinh này có thể khai ngộ dắt dẫn chúng sinh bị trói buộc khiến phát tâm.

Kinh này có thể làm sinh nhân cho những ai hướng về Bồ-đề.

Kinh này có thể thành tựu hạnh không động của tất cả Bồ-tát.

Kinh này có thể được chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai hộ niệm.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, muốn siêng tu tập vô thượng Bồ-đề thì phải lưu bố rộng rãi kinh điển như vậy, làm cho không đoạn tuyệt nơi Diêm-phù-đề, khiến vô lượng vô biên chúng sinh được nghe kinh này.

Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào nghe kinh này, thì những người ấy đều được quy tụ tất cả Đại trí tuệ mãnh liệt sắc bén không thể nghĩ bàn, và quả báo phúc đức không thể lường hết.

Sở dĩ vì sao?

Vì kinh này có thể khai mở vô lượng tuệ nhãn thanh tịnh.

Có thể khiến giống Phật nối tiếp không dứt.

Có thể cứu vô lượng chúng sinh khổ não.

Có thể chiếu sáng tất cả các vô minh si ám.

Có thế phá 4 ma và các nghiệp ma.

Có thể phá hoại tất cả các tà kiến ngoại đạo.

Có thể dập tắt lửa lớn phiền não.

Có thể làm tiêu hủy nhân duyên sinh khởi các hành.

Có thể đoạn tham lam, phá giới, giận dữ, trây lười, loạn ý, ngu si 6 bệnh cực nặng ấy.

Có thể diệt trừ nghiệp chướng, báo chướng, pháp chướng, phiền não chướng, các kiến chướng, vô minh chướng, trí chướng, tập chướng.

Nói tóm lại, kinh này có thể làm cho tất cả các ác pháp tiêu diệt không dư sót. Có thể làm cho tất cả thiện pháp bùng lên tăng trưởng.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này rồi hoan hỷ yêu thích lấy làm hy hữu, phải biết người đó là người đã từng cúng dường vô lượng chư Phật đã trồng sâu căn lành.

Sở dĩ vì sao? Vì kinh này là chỗ 3 đời chư Phật trải qua, cho nên hành giả được nghe kinh này, phải biết vui mừng được thiện lợi lớn.

Nếu có ai biên, chép, đọc, tụng kinh này, phải biết phúc báo người ấy đạt được là vô lượng vô biên.

Sở dĩ vì sao?

Vì sở duyên kinh này là vô biên.

Vì kinh này hưng khởi vô lượng đại thệ nguyện.

Vì kinh này nhiếp thụ tất cả các chúng sinh.

Vì kinh này trang nghiêm vô thượng Đại Bồ-đề, cho nên phúc báo đạt được cũng như vậy không có hạn lượng.

Nếu ai hiểu được ý nghĩa kinh, tu hành như kinh nói thì tất cả chư Phật trong A-tăng-kì kiếp dùng vô tận trí để nói về phúc báo của người đó cũng không nói hết được.

Nếu có nơi nào pháp sư nói đến kinh này, phải biết nơi đó nên dựng tháp. Vì sao vậy? Vì là nơi xuất sinh chân thật chính pháp. Kinh này hiện hữu ở nước nào, thành, ấp, xóm, làng, chùa, miếu, tinh xá nào, phải biết nơi đó tức có pháp thân.

Nếu có ai cúng dường hương, hoa, âm nhạc, phướn lọng, ca vịnh tán thán, chắp tay cung kính kinh này, phải biết người đó đã nối tiếp giống Phật, huống gì thụ trì kinh đầy đủ. Các người như vậy thành tựu công đức, trí tuệ trang nghiêm, vị lai sẽ được thụ ký, quyết định sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề./.

QUYỂN HẠ HẾT