LUẬN BÍCH CHI PHẬT NHÂN DUYÊN
Dịch giả khuyết danh
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN HẠ

Nhân duyên đại trưởng giả thành Vương Xá ngộ Bích-chi-phật Nhân duyên vua Nguyệt Xuất nước Ba-la-nại ngộ Bích-chi-phật

Nhân duyên Đại đế nước Câu-xá-di ngộ Bích-chi-phật

Nhân duyên vua nước Câu-xá-di ngộ Bích-chi-phật

Nhân duyên vua Thân Quân nước Ba-la-nại ngộ Bích-chi-phật

Nhân duyên con út vua Chuyển luân thánh vương ngộ Bíchchi-phật

Nhân duyên đại trưởng giả thành Vương Xá ngộ Bích-chi-phật

Ví như trong rừng rậm,

Muốn kéo một cây ra,

Nhánh nhóc gây cản trở,

Kéo ra biết làm sao?

Tại gia như rừng rậm,

Công việc như nhánh nhóc.

Tuy muốn cầu xuất gia,

Trói buộc mãi không nhân.

Vắng vẻ nơi rừng núi,

Quán cảnh mà tu tâm.

Giải thoát các ràng buộc,

Lìa các duyên thân ái.

Tu hành hạnh cô độc,

Như tê giác không hai.

Các sư trước truyền nhau,

Tôi được nghe như vậy.

Xưa có một vị Phật Bích-chi, thuở quá khứ hằng tu tập các việc thiện nơi 5 vị Phật, là một Ưu-bà-tắc siêng năng ham thích việc nhà, tuy gặp chư Phật mà không xin xuất gia nhưng chuyên tâm giữ giới tại gia không khuyết phạm.

Căn lành dần tăng, xuất gia học đạo nơi Phật Ca-diếp, thích tu hạnh Đầu-đà, 6 thứ đầy đủ, chán ghét 5 dục, khi chết sinh lên thiên cung, thọ mạng cõi trời hết sinh vào nhà một đại trưởng giả ở thành Vương Xá.

Nhà vị trưởng giả này giàu có của cải vô lượng kho lẫm đầy ắp. Dần dần lớn thành một tráng niên, sau khi cha chết phóng túng chơi bời như con Tì-sa-môn Na-la-cứu-phục-la. Tại nhà thích làm nhiều việc, nuôi nam nữ mỗi 30 người, kho lẫm người làm số rất nhiều. Chuyện nam nữ cưới gả cũng nhiều. Chỉ lo việc kinh doanh trước mắt mà quên pháp tu hành, bị công việc ràng buộc không bỏ được việc nhà. Nghe người làm nói có người bà con chết, ai đó đã gặp tang gia rồi lại thất nghiệp, nghe nhiều tin về chết chóc như vậy lòng buồn áo não tựa như trăm mũi tên đồng thời bắn vào tim. Cũng nghe những lời hoa mỹ tốt lành đáng yêu. Như có người khách buôn được nhiều châu báu yên ổn trở về, như con ai đó sinh con trai. Lại nghe con gái mình sinh con phúc lại sinh vui mừng. Nghe bao nhiêu điều suy, lợi, lẫn lộn buồn vui như làm trò xiếc quay tròn cái bánh xe.

Một hôm cùng một bạn thân đi vào trong vườn, vừa đi vừa ngắm cảnh đến một khu rừng thấy có người hạ một cây to, nhánh nhóc cành lá um tùm, khiến nhiều con voi kéo không ra. Chặt một cây nhỏ không có nhánh nhóc, chỉ một người kéo không gì trở ngại, liền kéo ra khỏi rừng.

Thấy việc ấy rồi liền tự suy nghĩ mà nói rằng: Ta nay thấy được nhân duyên.

Rồi nói kệ rằng:

Ta thấy chặt cây lớn,

Nhánh lá rất rậm rạp.

Rừng rậm vướng mắc nhau,

Không sao kéo ra được.

Ở đời cũng như vậy,

Gái trai các quyến thuộc,

Yêu ghét trói buộc tâm,

Trong rừng rậm sinh tử,

Không thể giải thoát được.

Cây nhỏ không nhánh nhóc,

Rừng rậm cũng chẳng ngại.

Xem đó giác ngộ ta

Tuyệt dứt dây thân ái,

Trong rừng rậm sinh tử

Tự nhiên được giải thoát.

Liền đó được Bích-chi-phật đạo.

Lúc đó người bạn thân bảo: Mặt trời đã về chiều ta cùng về nhà.

Đáp người bạn thân rằng: Anh tự về nhà đi! Tôi nay đã đoạn tuyệt không còn nhà nữa.

Người bạn thân hỏi: Vì sao đoạn tuyệt?

Đáp: Tôi xưa vì ái nên tham đắm nhà cửa. Nay tôi đã đoạn tuyệt nghiệp ái như thế này: Người đời ái trước vợ con quyến thuộc, con cháu nhỏ thương yêu kiêu căng phóng túng khi thấy cha thì cười giỡn chạy nhảy, quyến luyến việc này nên sinh ái trước. Tôi đối với vợ con quyến thuộc đã vĩnh viễn dứt ái tâm này. Tôi vốn khi ở nhà chăm lo việc nhà, khi ra khi vào, hoặc nói người kia hoặc nói người này, hoặc nói nên làm hoặc nói không nên làm. Những việc như thế nay tôi đã chấm dứt, đã bỏ dục lạc được vui giải thoát, chặt gốc cây ái, đóng cửa các nẻo, diệt trừ ám chướng lớn. Tôi đối với con nhỏ chẳng khác tựa oan gia. Nay tôi như vậy làm sao trở về nhà?

Bấy giờ người bạn thân liền về nhà bảo với mọi người. Mọi người nghe tin không trở về nhà nữa liền đi đến xem. Khi quyến thuộc đến thấy người cha mặc pháp phục Sa-môn bay lên hư không.

Người nhà thưa: Nay vì sao chán ghét gia đình mà ở trong hư không?

Liền nói bài kệ trên trả lời mọi người. Nói kệ xong bay đến núi Tuyết Sơn hội cùng các Phật Bích-chi rồi về đến trong vườn mà đắc đạo, xả thân Niết-bàn.

Bấy giờ bà con quyến thuộc lập tháp phụng thờ. Người thời bấy giờ nhân đó gọi tên là ngôi tháp của người đông con.

Tất cả những người có trí tuệ, thiện căn thành thục có thể do một nhân duyên ít ỏi mà được khai ngộ.

Nhân duyên vua Nguyệt Xuất nước Ba-la-nại ngộ Bích-chi-phật

Vợ, con, bạn, tiền của,

Là họa hoạn sinh tử.

Ở rừng vắng giải thoát,

Như tê giác một sừng.

Được nghe từ Phật nói,

Rồi truyền đến thầy ta.

Ta lại nghe từ thầy,

Nay ta sẽ diễn nói.

Xưa có vị Phật Bích-chi ở nơi Phật Ca-diếp tu hành Phạm hạnh một vạn hai ngàn năm, hằng tu nhẫn nhục, từ bi thương chúng sinh cho đến chưa từng phạm giới luật, chết sinh lên cõi trời, thọ mạng cõi trời hết hạ sinh nhân gian làm con quốc vương nước Ba-la-nại. Sinh vào lúc mặt trăng mọc, nhân đó được đặt tên là Nguyệt Xuất. Rồi lớn lên lập làm Thái tử, vua cha mất nối ngôi vua. Nhờ sức căn lành đời trước làm vua trị nước bằng chính pháp, sai con quan Tể tướng cai quản nước nhỏ và gả con gái cho.

Con viên Tể tướng này là người có sức mạnh tuyệt luân có nhiều họ hàng, ỷ mình và kiêu căng quá độ. Con của vua với con của Tể tướng là chị em chồng, lại thân thiết nhau. Nhân chỗ riêng tư thanh vắng, ngầm dùng kế gièm pha nói với người con vua rằng: Chú của ngươi rất nhiều bà con họ hàng, mà người đời phần nhiều nghe lời vợ. Một mai phụ vương của ngươi nghiêng đổ, các mẹ của ngươi hoặc sinh lòng gièm pha muốn đoạt cho con mình, xem ra ngôi vị của cha ngươi chắc không đến ngươi. Chi bằng vua chưa biết nên sớm lo liệu. Ngôi vua là tôn quý nhất trong thiên hạ, là nơi hạnh phúc sung sướng khác gì trời. Người trên đời không ai không tin phục. Nếu làm quốc chủ dùng pháp trị nước, khi mạng chung ắt được sinh lên trời. Ví như miếng thịt ngon ai thấy cũng thèm, ngôi vua cũng vậy không ai không tham.

Rồi nói kệ rằng:

Ví như nước chưa đến,

Nên phải lo làm cầu.

Nếu nước lũ ào đến,

Không thể không có được.

Ngôi vua cũng như vậy,

Cho nên phải tính trước.

Nắm chắc trong tay ngươi,

Sao ngươi lại ngồi yên?

Anh em ganh ghét nhau,

Sau cầu thật không dễ.

Vương tử suy nghĩ nói:

Như các thân hữu này

Toan muốn hãm hại ta

Như tro phủ trên lửa,

Hiện tại đã không vui

Đời sau gặp khổ lớn.

Người con vua đem đầu đuôi sự việc đến tâu phụ vương. Vua nghe người con nói cau mày nhăn mặt mắt như đồng đỏ. Ngay khi ấy vua sắc sứ giả chớ nên tiết lộ cấp tốc truy bắt tướng ấy đến.

Lúc đó người con vua nghe con vị Tể tướng đến liền ra nghinh đón, gặp nhau rồi thì liền lâm bệnh.

Sứ giả về tâu vua Vương tử bệnh nặng gầy ốm lắm. Vua nghe liền đến thăm thấy con bệnh nặng mạng sống rất nguy khốn, tứ đại đau khổ. Thấy vậy rồi tự tư duy: Ngôi vua này thật là đại ác. Nhưng cha tên Tể tướng kia ngầm dạy con ta bội nghịch luân thường của đạo trời, muốn hành xử không theo pháp tắc, mà ngôi vua của ta không phải hắn có thể được. Nay con ta bệnh sắp mất mạng. Tất cả người đời đều tham đều ganh. Lấy đó mà nói thì ngôi vua là nơi tệ hại xấu ác. Vì sao tệ hại xấu ác? Vì bởi ngôi vua mà bỏ mất thiện hạnh, vì ngôi vua mà làm hại tổ phụ, vì thân hậu mà làm việc tội lỗi đại ác, bỏ mất hết hổ thẹn mà sinh phóng túng, vì chút vui mà chẳng sợ đời sau.

Rồi nói kệ rằng:

Như bướm nhào vào lửa,

Mù quáng tham cướp nước.

Đắm theo việc được mất,

Làm, cho đến không làm.

Mất nước việc ô uế,

Không được nơi tịch định.

Khi suy nghĩ như vậy,

Thân hành rất thanh tịnh.

Liền được tâm chán ghét,

Chứng đắc Bích-chi-phật.

Lại có sư nói: Nhà vua này thấy con đau bệnh liền trở về cung. Có một nước láng giềng thân thiện của nhà vua bị giặc bức bách sai sứ đến nhờ vua viện trợ. Nhà vua nghe rồi kéo binh sang cứu vua ấy. Đến nước ấy rồi liên quân hợp nhau giao chiến giết nhau cực kỳ tàn khốc, cho đến phụ nữ có thai, trẻ con cũng giết. Nhà vua thấy cảnh này nghĩ đến ngôi vua mà chán ghét sâu sắc.

Liền nói kệ rằng:

Tham nước là vui nhỏ,

Chìm trong vũng bùn dục.

Dục, phẫn đã thêm lớn,

Chiến tranh sinh thị phi.

Do vì tham tài lợi,

Mà sát hại lẫn nhau.

Không cầu thắng giải thoát,

Bỏ hết nơi vương vị.

Như ở trong lửa dữ,

Con thiêu thân vào chết.

Quái thay trong sinh tử,

Làm các việc điên đảo.

Càng cực nhọc tạo nghiệp,

Càng chịu khổ tai ương.

Như ngọn núi cao kia,

Sườn núi có ong mật.

Người ngu tham chút ngọt,

Bất giác sa chân khổ.

Tư duy như vậy rồi,

Liền chứng Bích-chi-phật.

Rồi bảo người con rằng: Có thể con không nghe lời người ác, thì không có ý bội nghịch. Nếu con trị nước phải dùng chính pháp. Ta nay đem nước giao phó cho con. Cha muốn ra đi.

Người con và viên Tể tướng cùng bà con họ hàng nghe vua nói mấy lời đều buồn rầu rơi lệ khóc lóc chắp tay tâu vua: Không rõ Đại vương muốn đi về đâu?

Bấy giờ vua cha vọt thân lên hư không, lên trên núi mặt trời mọc nói bài kệ như trên, mặc y phục Sa-môn, làm 18 thứ biến hóa. Người trong nước trông thấy ai cũng hoan hỷ. Ví như điều khiển ngựa, thấy bóng ngọn roi là điều thuận ngay. Người trí cũng vậy, thấy người chịu khổ thì tâm liền điều thuận.

Nhân duyên Đại Đế nước Câu-xá-di ngộ Bích-chi-phật

Cha mẹ và vợ con,

Lúa thóc và của cải,

Người trí xét sâu xa,

Tạm thời như quán trọ.

Xả bỏ nơi ái dục,

Một mình như tê giác.

Ta xưa theo các sư,

Cho nghe việc như thế.

Xưa từng làm Tì-kheo ở nơi Phật Ca-diếp, trí tuệ thông minh nhu hòa nhẫn nhục, hằng ngày thường quán thể tính chân thật của các pháp như quán ấm là khổ không vô thường vô ngã, như cây chuối, sóng nắng, như ảo thuật như chiêm bao như bọt nước, khéo quán sát mà tu tâm, mạng chung sinh lên cõi trời, hết thọ mạng nơi cõi trời hạ sinh nơi thành Câu-xá-di làm con một quốc vương tên là Đại Đế, vua cha băng, nối ngôi vua, như các vua trước, khéo tu giới hạnh dùng chính pháp trị nước.

Bấy giờ trong thành có đại trưởng giả giàu có vô số thân cận với vua Đại Đế rất quý trọng nhau. Đại trưởng giả ấy lâm bệnh nặng. Vua nghe trưởng giả bệnh, đích thân đến thăm, thấy trưởng giả bênh tật hình dung khô héo, lòng vua không vui cúi đầu sầu thảm.

Lúc đó trưởng giả kia dùng cái bát bảy báu đựng đầy vàng dâng lên vua.

Vua bảo trưởng giả: Ông nay bệnh tật đau khổ lắm chăng?

Trưởng giả đáp: Xin vua đoái thương nghe tôi nói:

Nhà tôi đại cự phú,

Ngang bằng Tì-sa-môn.

Ái ngữ và của cải,

Tập họp nhiều bạn bè.

Vợ con và quyến thuộc,

Sứ giả, người hầu hạ,

Tôi đều theo ý muốn,

Đãi ngộ rất nồng hậu.

Nay tôi sắp chết rồi,

Không ai bạn với tôi.

Vua mở lời an ủi,

Lời ông rất chân thật.

Con ông và người thân,

Của cải nhiều kho lẫm,

Và ta người khỏe mạnh

Voi ngựa xe bộ binh.

Tuy có những thứ ấy,

Không thể cứu được ngươi.

Chúng ta các thân hữu,

Thấy ngươi gặp khổ nạn,

Chỉ có lời an ủi,

Đau buồn và nhỏ lệ.

Mạng ngươi sắp gần hết,

Không thể cứu cách nào.

Chỉ còn tự nhờ cậy

Những việc thiện đã làm.

Vua quán sát bệnh tình,

Tâm như được thiền định.

Ngộ sâu các khổ nạn,

Chúng sinh ắt phải có.

Tất cả loài có sinh,

Ắt phải có bệnh tật.

Bệnh thường gây khổ người,

Chẳng biết thương xót ai.

Tất cả người trên đời,

Chắc chắn vào cửa chết.

Đều không sinh chán sợ,

Nói đây vợ con ta,

Kia là thân thuộc ta,

Đây là của cải ta,

Người kia thân với ta,

Ta thân với người kia.

Ý si mê thành bệnh,

Khởi vọng tưởng như vậy.

Tai họa lớn trước mặt,

Ngu mờ nên chẳng thấy.

Những người thân trên đây,

Không ai cứu được ta.

Chính tư duy như vậy,

Chứng đắc Bích-chi-phật.

Thân thuộc nội ngoại của nhà vua thấy vua đắc đạo dứt bỏ việc đời, bị lửa ái biệt ly thiêu đốt nên quá sầu thương.

Phật Bích-chi thân thăng lên hư không làm 18 thứ biến hóa nói kệ như trên.

Lại có thuyết nói nhà vua này khi làm Vương tử vào trong vườn hoa thấy các người mù dắt díu nhau, nghe Vương tử ra bảo có thức ăn bày ở bên đường. Vì không thấy đường nên rơi xuống hầm sâu, có người chết ngay, có người vỡ đầu, có người gãy tay chân, thân thể tan nát.

Bấy giờ Vương tử thấy các khổ ấy, chán khổ suy nghĩ nói rằng: Điều này làm ta giác ngộ. Những người mù này cũng vậy. Họ cũng đã từng giàu sang, do phóng túng nên nay chịu khổ này. Nay ta thấy việc này rồi phải khéo kiểm thúc hành vi không nên phóng túng.

Rồi nói kệ rằng:

Như vòng vàng nung đỏ,

Đem trang sức trên đầu.

Vòng vàng tuy quý báu,

Lửa nóng mà thành hại.

Ngôi vua cũng như vậy.

Cẩn thận chớ phóng túng.

Người mù giác ngộ ta,

Không nên tự dễ dãi.

Vì do ngôi vua này,

Thân sinh kiêu mạn lớn.

Uy hiếp áp bức dân

Khiến đều sinh khổ não.

Về sau khi chịu khổ,

Còn khổ trăm ngàn lần.

Mắt thấy người chịu khổ,

Làm sao ta tự yên?

Đấy là lời thầy ta,

Dạy ta các khổ hoạn.

Khi tư duy như vậy,

Chứng đắc Bích-chi-phật.

Bấy giờ Vương tử ban cho những người mù nhiều tiền bạc của báu, mặc pháp phục Sa-môn thăng lên hư không, hiện các thần thông biến hóa, bảo các người thân rằng: Như ta ngày nay không giận hờn, sợ sệt, buồn rầu, ta không ghét các người, ta xả bỏ thân ái, đất nước, nhân dân. Ta không oán không thân, không tiền bạc của báu. Rồi nói kệ như trên.

Nhân duyên vua nước Câu-xá-di ngộ Bích-chi-phật

Các thú vui tiêu khiển,

Xả bỏ như đờm dãi.

Nhẫn vui nơi xuất ly,

Đoạn dứt hết các khổ.

Hết được tham ái si,

Thì tâm được giải thoát.

Do được giải thoát nên

Một mình như tê giác.

Ta từ các sư trước,

Được nghe việc như vậy.

Xưa có một vị Phật Bích-chi tu các thiện căn nơi các Phật thời quá khứ. Thân sau cùng sinh làm vua nước Câu-xá-di. Trong nước đó có tai biến lớn, đại hạn hán, gió chướng, 5 tinh tú đảo loạn. Vua triệu tập Thái sử và các nhà chiêm tinh xem tướng nói kệ hỏi rằng:

Sao có tai họa này,

Đại hạn trời không mưa,

Hư không mây chẳng vướng,

Xem mặt trời sáng rực.

Các giống chim ăn thịt,

Quạ diều và cú vọ.

Bay lượn ở trên không,

Trông thấy sinh khiếp sợ.

Đều nói là tai họa,

Do ai gây ra đây,

Khiến các điềm quái lạ,

Biến hiện ra như vậy?

Bấy giờ quan Thái sử tâu vua rằng: Tôi sẽ nói theo chỗ tôi biết. Như ý tôi là tất cả quốc dân có điều bị áp bức khổ sở.

Vua lại hỏi: Nên dùng cách nào trừ tai họa này?

Thái sử tâu: Nếu vua muốn dân được yên ổn nên nghe lời tôi.

Rồi nói kệ rằng:

Nếu vua chịu thoái vị,

Cởi áo cho người khác.

Đầy đủ trong 6 tháng,

Cải trang đi ăn xin,

Tai họa tự tiêu hết,

Vua như mặt trăng rằm.

Vua nghe theo lời liền bỏ ngôi vị cải trang đi khắp trong nước, dần dần đi đến thành Bà-xí-đa. Đến thành ấy rồi, gặp lúc có vua nước ngoài đem quân đến đánh. Vua Bà-xí-đa vì nước nổi binh sang chống lại. Hai bên giao chiến hai vua đều tử trận. Các Vương tử thành Bàxí-đa tranh giành ngôi lại đánh nhau. Vua Tì-la tiên thấy việc như vậy than: Quái lạ thay!

Rồi nói kệ rằng:

Ngôi vua tuy cao quý,

Nhưng thật quá mong manh.

Vì sao lại như vậy

Mà chịu các khổ độc.

Tâm tranh giành chiến đấu,

Đắm vui theo ác tâm.

Như ruồi tham mật ngọt,

Mật ngọt hại đến thân.

Con người cũng như vậy,

Chỉ vì tham chút vui,

Chiến tranh gây thương hại.

Ngôi vua đáng khinh bỉ,

Tập hợp nhiều khổ não,

Tai họa cho đến chết.

Như uống nước có độc,

Độc thấm vào thân chết.

Vì chỉ một thân mình,

Làm hại nhiều người khác.

Người ngu tham ngôi vua,

Sướng ít mà khổ nhiều.

Ta từ nay chấm dứt,

Không cầu vui sướng này.

Mà trong việc nước đây,

Lo sợ đầy trong đó.

Sướng vui trong chốc lát,

Lo sợ khổ triền miên.

Ví như ở nhà vàng,

Lửa bốn bề rực cháy.

Người trí sợ chết cháy

Không nên đi vào trong.

Khi tư duy như vậy

Chứng ngộ Bích-chi-phật.

Do có sức thần thông,

Tóc râu tự nhiên rụng,

Liền hóa thành Sa-môn,

Thân vọt lên không trung,

Rồi ở trong hư không

Nói bài kệ trên đây.

Sau đó bay vào núi Tuyết Sơn nơi các Phật Bích-chi. Bấy giờ các Phật Bích-chi hỏi do nhân duyên gì được ngộ đạo quả. Đáp đầy đủ bằng bài kệ trên.

Nhân duyên vua Thân Quân nước Ba-la-nại ngộ Bích-chi-phật

Thế gian cho là vui,

Và yêu ngã, ngã sở.

Thảy đều xả bỏ hết,

Tâm ý được giải thoát.

Các căn định vắng lặng,

Độc hành như tê giác.

Ta nghe từ thầy trước,

Kể lại câu chuyện này.

Thuở quá khứ thành Ba-la-nại vua tên Thân Vương có hai phu nhân rất sủng ái tham mê dục lạc phóng túng như say, như con voi buông tuồng trong núi Hương Sơn, khi mùi hương lưu xuất thì vào núi Ma-lợi thỏa mãn dục sự.

Bấy giớ hai phu nhân đố kỵ nhau đều rình chờ cơ hội. Một phu nhân liền dùng thuốc độc trao cho người thân tín sai mang thuốc cho phu nhân kia. Phu nhân uống thuốc nằm mê cuồng đau đớn rồi mạng chung. Phu nhân thứ hai thấy mạng chung giả vờ buồn rầu áo não, bứt tóc đấm ngực mà khóc, cả trong cung ai cũng thương xót.

Vua nghe phu nhân ấy chết lòng rất đau khổ. Phu nhân gặp ai trang sức thứ gì thì liền bứt bỏ trát đất vào người, ưu độc nhập tâm như bầy chim hộc bị chim ưng săn đuổi, như chim cánh vàng kinh động loài long nữ. Các thể nữ trong cung sợ chết cũng như vậy.

Bấy giờ trong cung thê lương như nghĩa địa, lại như bụi đen che khuất ánh sáng. Các cung nhân buồn lo cũng như vậy.

Vua nghe cung nhân lo sợ khổ sở, lòng rất kinh động. Mão thiên quang, chuỗi anh lạc, mọi trang sức trên thân đều vứt xuống đất vào đến nhà tang lễ thấy các thể nữ cực kỳ buồn khổ. Vua thấy vậy lòng rất sầu não mà tự tư duy.

Rồi nói kệ rằng:

Ví như trời nắng hạ,

Làm cháy héo hoa tươi.

Cái chết hủy hình người,

Sắc mặt đổi xanh đen.

Môi răng nhuốm bụi nhơ,

Mắt mũi đều hốc hác.

Ca múa đẹp dung nghi,

Giờ trơ như gỗ đá.

Trước đây đã khiến ta

Yêu đương và say đắm,

Làm sao nay lại chết,

Cho ta phải sợ lo?

Nạn sinh tử đáng ghét,

Bất tịnh thật hôi hám.

Như chiêm bao chẳng thật,

Cũng như ruột cây chuối.

Không có tướng chắc thật,

Như ảo như bọt bèo,

Tạm hiện như sóng gợn.

Người có trí chán ghét.

Người không biết quán sát,

Nhầm sinh tưởng thú vui.

Trong thứ bất tịnh này,

Nhầm sinh tưởng có thân.

Mê man bám theo đó

Như người đang ngủ say.

Suy nghĩ như vậy không lâu thì việc hỏa táng phu nhân đã xong. Phu nhân thứ hai để che giấu tội mình giả vờ buồn rầu không muốn ăn, nói muốn tuyệt thực, hiện vẻ buồn rầu thảm thiết. Nhưng vì sợ tội của mình bị phát giác lộ ra, nên mối sầu kết trong tâm, ăn uống không tiêu mà thành bệnh nặng.

Vua thấy bệnh tăng càng thêm rầu rĩ, liền sinh chán ghét sinh tử quá hoạn.

Rồi nói kệ rằng:

Như nữ nhân sinh ái,

Sinh lụy thật quá nhiều.

Làm người ai cũng vậy,

Nhân ái mà sinh vui.

Rồi lại sinh đại ác,

Vì ái là gốc khổ.

Khi thấy ái hội hợp,

Phải biết là vô thường.

Cái mà ta yêu thích

Là đẹp đẽ, tuổi trẻ.

Một mai cái chết đến,

Do đó cần phải biết

Làm sao có vui đây?

Ai là người trí tuệ,

Khi ân ái hội hợp

Mà lại sinh vui mừng?

Sợ già sợ bệnh chết,

Cho nên ta hằng lìa.

Khi tư duy như vậy

Liền chứng Bích-chi-phật.

Rồi mặc y phục vương giả trang sức chuỗi anh lạc bay lên hư không, trong không trung nói kệ như trên rồi biến thành Sa-môn bay đến núi Tuyết Sơn nơi các Phật Bích-chi

Nhân duyên con út vua Chuyển luân thánh vương ngộ Bích-chi-phật

Thuở quá khứ vô lượng kiếp về trước có một Chuyển luân thánh vương có ngàn người con. Người con út thấy cha cỡi Kim luân bảo, đầy đủ bảy báu, bốn binh chủng tùy tùng hai bên trống phách cờ lọng nghi vệ đầy đủ.

Người con út hỏi mẹ: Bao giờ con mới được cò lọng v.v… các thứ nghi vệ đó?

Người mẹ đáp: Con đến mục xương cũng không được như vậy.

Đứa con hỏi: Sao không được?

Đáp: Con có 999 người anh phải được kế vị theo thứ tự đều không tới con.

Đứa bé suy nghĩ: Ta đã không được các nghi vệ như vậy. Sống phải có chết, hình cốt hủ bại, do suy nghĩ các thứ tội lỗi sinh tử tức thời giác ngộ chứng đắc Bích-chi-phật, thân thăng lên hư không, làm 18 thứ biến hóa.

Người mẹ lại xin đứa con đừng đi xa, hãy ở trong vườn nhận sự cúng dường cùa mẹ.

Bấy giờ Phật Bích-chi nhận lời xin của mẹ ở nơi vườn sau, ngày ngày cúng dường. Rồi Phật Bích-chi chán thân này, xả bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Các bà mẹ nghĩ thương, chất củi thơm thành đống lớn để hỏa thiêu, thâu xá-lợi đựng trong bình báu tôn trí nơi tháp lớn xây dựng ở vườn sau.

Khi Chuyển luân vương đi dạo bốn thành trở về đến vườn sau thấy có tháp lớn lấy làm lạ hỏi. Người giữ vườn tâu vua cho biết con út của vua chứng đắc Bích-chi-phật đã Niết-bàn nơi đây và các bà mẹ đã lập tháp đó.

Bấy giờ các bà mẹ đem việc tâu vua. Vua trách bà mẹ người con út: Con ta muốn được sao không nói với ta? Nay tuy Niết-bàn, hãy dùng nghi vệ của vua mà trang trí trên tháp.

Do nhân duyên đó trong vô lượng kiếp hằng làm Chuyển luân thánh vương, phúc đến tự nhiên, đến nay không hết. Nếu ở trong sinh tử thì phải đến 2 ngàn 5 trăm đời làm Chuyển luân thánh vương. Do thành Phật cho nên được 2 ngàn 5 trăm lọng báu. Vua A-xà-thế dâng Phật 5 trăm lọng báu. Luật-xa tử ở thành Tì-xá-li dâng Phật 5 trăm lọng báu. Vua rồng biển dâng Phật 5 trăm lọng báu. Vua A-tula cũng dâng Phật 5 trăm lọng báu. Trời Đế Thích cũng dâng Phật 5 trăm lọng báu.

Bấy giờ Thế Tôn chỉ không nhận một cây lọng. Bởi vì sao? Vì sau này đệ tử nếu thiếu sự cúng dường về cơm áo thì lấy phúc này khiến trời người tự nhiên cung cấp. Do nhân duyên đó phải biết phúc điền của hiền thánh rộng sâu vô lượng./.

(TRỌN BỘ 2 QUYỂN HẾT)

Trang: 1 2