LUẬN BÍCH CHI PHẬT NHÂN DUYÊN
Dịch giả khuyết danh
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN THƯỢNG

Nhân duyên vua nước Ba-la-nại ngộ Bích-chi-phật

Nhân duyên quan Tể tướng Tô-ma ngộ Bích-chi-phật Nhân duyên Đại thần Nguyệt Ái ngộ Bích-chi-phật

Nhân duyên vua nước Ba-la-nại ngộ Bích-chi-phật

Kính lễ Thế Tôn nhất thiết trí,

Như đèn soi sáng thấu ba đời.

Kính lễ Pháp giải thoát vô thượng,

Cùng với ứng chân các Thánh tăng.

Tôi nghe tịch tĩnh Bích-chi-phật,

Tu hành nhân duyên được chứng ngộ.

Tâm không tì vết trừ phiền não,

Khéo giữ giới cấm thường thanh tịnh.

Ví như trời thu không mây che,

Núi rừng tự sống đời đạm bạc.

Tôi nay ngưỡng vọng công đức ấy,

Thành tâm kính thuận sinh tin vui.

Dẫu cho tâm khởi chút hoài nghi,

Công đức cảm tôi tin kiên cố.

Ai nghe chân hạnh bậc thanh sĩ,

Mà chẳng sinh lòng cung kính ư?

Tôi nay sẽ giảng Bích-chi-phật,

Đôi chút công đức và diệu hạnh.

Từ xưa được nghe từ thầy trước,

Chỉ nói sự thật không dối giả.

Voi lớn đi trước voi con theo,

Cho nên tôi nay xin bày tỏ.

Hỏi: Vì nhân duyên gì Phật Bích-chi tự giữ tịch mặc hằng nhập tâm xả, ở nơi yên tịnh trong núi rừng hang sâu hay bên sông nước?

Tâm thường vắng lặng ít nói năng. Ví như con tê giác cô đơn đi một mình. Vì sao như vậy?

Lại hỏi: Phật Bích-chi có các công đức gì?

Đáp: Xưa các sư cũng đều hỏi như vậy.

Xưa Phật thuyết pháp nơi cung điện trời thứ 33 sắp về lại Diêmphù-đề, bấy giờ vua trời Đế Thích sắc sai Tì-thủ-yết-ma làm 3 bậc thang báu cho Phật trở lại Diêm-phù-đề. Ba bậc thang này xuống đến nước Tăng-thi-sa.

Khi Như Lai từ cung trời kia theo bậc thang xuống, các vua trời Thích Phạm cùng quyến thuộc rải hoa cúng dường. Lúc ấy Tì-kheoni Liên Hoa thấy Phật xuống liền hóa ra một Chuyển luân thánh vương có đủ oai nghi hình tượng bảy báu và tùy tùng. Mọi người thấy vậy đều sinh nghi, quái lạ việc chưa từng có, đều nói rằng: Có ai có năng lực thần thông hơn Tì-kheo-ni kia chăng?

Bấy giờ Thế Tôn thấy chúng hội trông thấy ba bậc thang rất kỳ lạ, lại thấy Tì-kheo-ni Liên Hoa thần thông biến hóa sinh lòng ngưỡng mộ, muốn cho chúng hội tăng trưởng tín tâm, liền bảo chúng hội rằng có Phật Bích-chi thần lực còn hơn Tì-kheo-ni kia.

Vì sao gọi là hơn? Vì khi Phật chưa xuất thế đã xuất hiện vì chúng sinh làm việc lợi ích. Vị ấy thị hiện tướng đói khát cầu xin áo cơm, vì chúng sinh tạo phúc điền, trang nghiêm pháp hạnh, thanh tịnh vắng lặng, điều phục lìa dục, khiến chúng sinh trông thấy hằng dứt ác tâm, lìa bỏ vũ khí, như con tê giác cô đơn đi một mình.

Việc này được nghe từ các sư truyền lại.

Nghe thế nào?

Rằng xưa tôi từng nghe thời Phật Ca-diếp có một người xuất gia trong 10 ngàn năm tu hành thanh tịnh hộ trì chính giới, thường tinh tiến tu hành nhẫn nhục. Vì tu hành như vậy nên rất nhiều Tìkheo đều đến thân cận. Khi ấy các Tì-kheo đều nói xin hãy dạy tôi. Nhờ được dạy tập, các Tì-kheo này tâm đều vui mừng.

Nhưng vì chúng đông đúc náo nhiệt nên vị Tì-kheo ấy không kiến đế, khi lâm chung nghĩ rằng: Ta thấy pháp 10 lực sâu xa vi diệu khó có thể nghe nhưng ta đã nghe. Chỉ vì phóng dật nên không được đạo quả. Ta tuy giữ giới thanh tịnh, tu hành nhẫn nhục để dạy dỗ mọi người nhưng vì sự đông đúc náo nhiệt xâm nhập, phá hủy định tâm, như sương mù hại lúa, nên khiến ta không được đạo quả.

Rồi nói kệ rằng:

Ta chìm trong ba cõi,

Trong các phiền não ác.

Như voi già gầy yếu,

Ngập sâu trong vũng bùn.

Như Phật Bích-chi kia,

Một mình ở trong rừng.

Như tê giác một sừng,

Xa lìa các đám đông.

Như tránh lửa cháy dữ,

Phải một mình tu hành.

Xa lìa chốn ồn ào,

Tôi nguyện thường lìa xa,

Nơi đông đảo náo nhiệt.

Phát nguyện xong mạng chung sinh lên cõi trời hưởng lạc, phúc báo hết mạng chung sinh vào nước Ca-thi đầu thai vào Đệ nhất phu nhân của vua Phạm-ma-đạt thành Ba-la-nại. Khi nhập thai, thân thể phu nhân cảm như ao nước trong trẻo có nhiều hoa đẹp. Phu nhân biết mình có thai, dùng kệ bạch vua rằng:

Tôi biết mình có thai,

Vui mừng đội ơn vua.

Tôi nay vì con ta,

Xin tha người có tội.

Vua nghe xong vui mừng,

Liền tha hết thiên hạ.

Rồi lại tâu vua rằng:

Cần phải rộng bố thí.

Vua nghe thêm hoan hỷ,

Hạ lệnh mở kho tàng.

Phát chẩn người nghèo khổ,

Ai cũng được đầy đủ.

Phu nhân sinh hạ một Thái tử khôi ngô đoan chính tròn sáng như mặt trăng. Mới lên 8 đã thông minh nhân từ. Phụ vương băng, người trong nước thương yêu như trăng rằm.

Bấy giờ có quan Tể tướng tên là Ngôn Thuyết. Tể tướng Ngôn Thuyết liền lập Thái tử nối ngôi vua.

Vua tuy ấu thơ nhưng vốn thệ nguyện không làm điều ác, thể tính hiền thiện, có lòng thương sâu sắc đối với chúng sinh. Tuy ở trong cung vua mà chí cầu sự vắng lặng. Tuy ở nơi hào hoa mà như ở nơi gò nổng. Tuy ở chốn náo nhiệt mà tu hành thiền định, chán sinh tử, suy xét lỗi lầm, lấy đạo tu tâm, phế bỏ việc triều chính.

Các đại thần can rằng: Ngày nay Đại vương chuyên tu hành đạo hạnh không màng việc nước. Nếu như vậy bọn ác sẽ nổi lên làm hại phong hóa của đất nước. Ví như đi biển nếu không có thuyền trưởng ắt sẽ gặp nạn.

Rồi nói kệ rằng:

Vua nối tiếp tiên đế,

Mở đất như luật pháp.

Ban bố khắp muôn dân,

Xin vua chớ bỏ nước.

Trị nước theo chính pháp,

Hay tốt không lỗi lầm.

Vua thiên hạ nên biết,

Giữ nước phúc hơn hết.

Vua nghe mấy lời, trầm ngâm suy nghĩ dùng kệ đáp:

Nếu ta không vì nước,

Nước ta ắt sẽ bại.

Nếu ta biết giữ nước,

Kẻ xấu không dám vào.

Nếu chuyên tâm trị nước,

Triều chính bẩn tâm ta.

Nếu có kẻ phạm tội,

Ắt phải có gia hình.

Hoặc trói cột giam nhốt,

Nào cắt đứt tay chân.

Có kẻ bị tội chết,

Kẻ thì bị móc mắt.

Nay đời ác ô trược,

Ắt hình phạt phải dùng.

Mà nếu dùng hình phạt,

Khác nào Chiên-đà-la.

Vua liền bảo vị Đại thần thân cận: Ngươi hãy nghe đây. Ta ăn chẳng qua là một món. Ta mặc chẳng hơn một xấp vải. Chỗ ta nằm chẳng qua đủ dung một thân này. Xem đó cần gì phải cầu nhiều mà không biết chán? Ngôi vua sở dĩ cao quý là giáo lệnh ắt thi hành, không gì không nghiêm túc. Chỉ có một điều này là khác với thứ dân mà thôi.

Rồi bảo quan Tể tướng: Điều quan trọng nhất của người làm vua chỉ có một việc này. Nay ta giao phó cho ngươi. Ngươi phải lo sợ cho hậu thế, dùng chính pháp trị nước. Thuế khóa hãy y như cũ chớ trái với giới hạn bình thường.

Rồi nói kệ rằng:

Ta tuy sinh vương cung,

Vâng nối nghiệp tiên tổ.

Mà ta chưa tập học,

Việc hình phạt tù tội.

Ta nay vì e sợ,

Không thể tạo nghiệp này.

Ngươi đừng bắt chước ta,

Chỉ nên nuôi dưỡng dân.

Người đời đều ngu si,

Tự mình tạo tội lỗi.

Ở trong chỗ phạm tội,

Lại thêm sinh sợ hãi.

Ngươi phải dùng chính pháp,

Phủ dục cho khỏi sợ.

Phải y theo chính pháp,

Giáo hóa khắp muôn dân.

Vua nói kệ xong đem nước giao phó cho đại thần này. Đại thần này khi được nước rồi, trong khoảng hai năm phóng túng vô độ không thương nhân dân, càng lúc càng lún sâu vào phi pháp. Được ngôi vị cao sang liền sinh kiêu xa phóng dật, làm việc phi pháp như nước lũ tràn sông gây nhiều tổn hại. Trong thành bao nhiêu nhà giàu đều dùng thuế khóa đoạt lấy hết.

Người trong thành đều can gián nói chớ nên làm như vậy. Nghe lời nói ngay thẳng kia lại càng thêm giận dữ cau mày nhăn mặt mà rằng: Sao các ngươi dám phát ngôn như vậy? Mọi người sợ sệt không dám đáp.

Vì vậy việc làm vô đạo của đại thần này ngày càng thêm nhiều như lửa gặp củi khô càng thêm cháy dữ. Hoang dâm bạo loạn bội nghịch không từ, ngay cả người vợ yêu quý của vua cũng cướp làm vợ mình. Vương phu thấy vậy buồn rầu khóc lóc đem sự tình đến tâu với vua, căm giận run môi nói không nên lời như trẻ con bập bẹ.

Vua nghe rồi liền triệu đại thần ấy đến mà bảo rằng: Hậu phi của ta mà ngươi còn dám lẻn lút làm việc phi pháp huống chi là muôn dân. Vua liền dạy bảo từ nay về sau không được làm như vậy.

Viên Tể tướng kia thấy vua và nhân dân chán ghét liền bỏ nước chạy sang nước khác, đem vua và binh lính nước ấy trở về nước mình toan đánh chiếm. Bấy giờ các cựu Tể tướng đại thần đem binh chống lại bắt sống đem về. Các cựu Tể tướng đại thần lại tâu lên vua rằng người ấy xâm phạm vua rồi giải đến trước vua. Thấy tên ấy biến sắc sợ hãi, vua nói: Quái lạ thay việc sinh tử!

Rồi nói kệ rằng:

Ngu si che lấp tâm,

Chẳng biết sau khổ lớn.

Chỉ vì chút vui nhỏ,

Nay chịu xấu hổ này.

Ví như thức ăn ngon,

Sắc hương đều đầy đủ.

Trong đó lẫn thuốc độc,

Người ngu không quan sát,

Tham ăn nên lấy ăn,

Ăn rồi mà thành hại.

Vua bảo các đại thần: Tội của tên kia tuy rất nặng nhưng ý ta không muốn hại.

Rồi lại nói kệ rằng:

Tất cả đều tham sống,

Nên thả tên tội kia.

Không thấy hại mạng người,

Mà mình được an lạc.

Người phạm tội sâu nặng,

Nên ban cho từ tâm.

Kia tự chiêu tội hại,

Nên sinh lòng thương xót.

Nếu như hại mạng người,

Tức tự hủy ái pháp.

Các cựu đại thần liền tâu vua rằng: Chúng thần nay tuy trái lệnh vua nhưng không thể dung túng mà tha mạng, liền rút kiếm chém trước mặt vua.

Vua thấy giết rồi liền sinh chán ghét, thấy cảnh trước mặt mà liền thấy được tâm tu nhẫn nhục từ quá khứ. Ngay khi ấy chứng ngộ Bích-chi-phật đạo, như hoa Ưu-đàm-bát nở rộ, thân vọt lên hư không, tất cả thần dân chấp tay chiêm ngưỡng.

Bích-chi-phật chán sinh tử chứng đạo như vậy. Tôi nay được quả báo trì giới, liền nói kệ rằng:

Ta tuy mặc anh lạc,

Tâm tu hạnh thanh tịnh.

Giữ mình giữ các căn,

Sống đạm bạc vắng lặng.

Trong tất cả mọi người,

Không dùng đến đao gậy.

Tu hạnh cô độc như

Tê giác đi một mình.

Nói xong kệ, tóc râu tự nhiên rụng hết, bấy giờ trời Tinh Cư dâng áo Ca-sa, rồi bay lên không trung đến núi Tuyết Sơn. Bấy giờ trong núi có một vị Bích-chi-Phật hỏi: Người đang ở ngôi vua, chán điều gì mà ngộ được dấu đạo này? Liền dùng bài kệ trên mà đáp.

Vì vậy Như Lai vì kẻ không thể tu hạnh nhẫn nhục nên nói nhân duyên nhẫn nhục, vì kẻ ham ở nơi ồn ào náo nhiệt nên nói nhân duyên không thân cận, vì muốn hiểu rõ công đức Phật Bích-chi nên nói nhân duyên Phật Bích-chi.

Phật ở nơi Thiện Pháp Đường, vì chư thiên nói Bích-chi-phật nhân duyên. Phật ở nơi trời thứ 33, khiến chư thiên sinh nhàm chán nên nói việc này. Phật Bích-chi Bà-tứ-tra ở Tì-xá-li nói xả thân nhập Niết-bàn nay hãy còn tháp tên là Ưu-đà-da.

Nhân duyên Tể tướng Tô-ma ngộ Bích-chi-phật

Kiên trì giới cấm không hủy phạm,

Những người có trí được giải thoát.

Không theo ai học, không quấy người,

Đi một mình như con tê giác.

Từng theo các sư nghe nói như vầy:

Thời Phật Ca-diếp có một Tì-kheo tu hành Phạm hạnh trong 10 ngàn năm, tọa thiền được nhẫn, tu trì cấm giới, xa chốn đông người, đầy đủ hạnh Đầu-đà, mạng chung sinh lên cõi trời, hưởng 5 dục lạc, thọ mạng hết đầu thai nơi Đề-bà, phu nhân một Tể tướng ở thành Bà-xí-đa.

Bấy giờ phu nhân nói kệ thưa chồng rằng:

Nay thiếp có thai,

Lòng rất vui mừng.

Ắt người có phúc,

Đến làm con ta.

Vì vậy tôi đối với tất cả thường có lòng thương. Lại nữa tôi nay dứt tâm phóng túng, không còn tham dục. Ví như ngọn núi lớn Ma-lê ở giữa biển có thể chắn sóng. Nay tôi dứt dục cũng như vậy. Tôi nay sợ nói dối, thường suy nghĩ nói thật. Lại như người thiện có công đức lo sợ thiếu sót. Nay tôi cẩn thận cũng sợ như vậy. Tôi nay thấy rượu như thấy thuốc độc. Thấy của cải của người khác sợ như thấy đống lửa. Như vậy nay xa lìa các ác đều là do phúc đức của đứa con trong thai. Lấy sự trừ bỏ dâm dục làm vui.

Bấy giờ quan Tể tướng liền bảo vợ rằng: Nay theo ý nàng tu hành 5 giới. Phu nhân liền tu hành các việc thiện mãn 10 tháng sinh con đặt tên là Tô-ma. Tô-ma dần dần lớn khôn, tất cả kinh luận, 64 nghề không thứ nào không thông suốt, tướng mạo đoan chính khôi ngô như trăng rằm tròn sáng, khiến cha mẹ rất mãn nguyện.

Tô-ma đến tuổi tráng niên, quan Tể tướng xin vua rằng: Thần nay tuổi đã gìa, xin cho phép thần vì đời sau tu phúc.

Vua đáp: Ta không cản trở việc tu phúc của nhà ngươi. Ngươi có người con là Tô-ma hãy cung cấp cho ta thay ngươi thì ta cho ngươi tu thiện.

Quan Tể tướng vui mừng. Vua dùng Tô-ma làm Tể tướng ban cấp tước lộc hơn cả cha. Mọi người yêu kính đồng với đại thần Ngưu Vương thời vãng cổ. Lại làm cho tất cả người nữ yêu kính.

Vương phu nhân thầm yêu Tô-ma nói với Tô-ma rằng: Ngươi nay nếu đáp lại ý ta, ta có thể khiến cả nước và nhà vua đều tùy theo ngươi và khiến ngươi không bị tiếng xấu, có ban giáo lệnh không khác gì vua.

Bấy giờ Tô-ma ý chí kiên cố không khiếp nhược, dùng kệ đáp rằng:

Xin nghe tôi nói,

Chớ nên trách móc.

Tôi nghe lời này,

Như thấm vào đất.

Ví như ngựa gầy,

Trong lúc túng quẩn,

Cỡi ra chiến trận,

Không thể tiến tới.

Tôi thấy phụ nữ,

Tình không nhiễm đắm,

Tâm ý không mở,

Như hoa sen đêm.

Với người đáng kính,

Xem như mẹ mình.

Huống chi phu nhân,

Người tôi tôn kính.

Tâm tôi kiên trì,

Kính người tôn quý.

Phận tôi thần tử,

Không nên làm nghịch.

Tình dục với tôi,

Nếu khi phát động,

Thấy phụ nữ khác,

Tự nhiên dừng lại.

Nếu kia nước lũ,

Cuồn cuộn sóng dồi.

Tôi nước mùa thu

Tự nhiên trong sạch.

Bấy giờ phu nhân

Lòng tự nghĩ rằng:

Kia cự tuyệt ta

Ý muốn gần gũi,

Ta ắt bị kia Sinh lòng phỉ báng.

Liến tâu vua rằng:

Tể tướng Tô-ma,

Có ý bất chính,

Muốn làm nhục thiếp.

Bấy giờ lòng vua nghi hoặc chưa xét đúng sai, khi ấy Tô-ma qua đến vườn hoa thấy có hai con bò đang cày, ách mang trên cổ rất khổ nhọc mà tâm sinh nhàm chán.

Vua mê hoặc vì lời sàm tấu của phu nhân liền sai sứ sang giết Tô-ma.

Tô-ma như con ngựa bị tên bắn thấu xương, tự nghĩ: Con người lúc giàu sang, những vẻ yêu thương đều hiện ra trước như thức ăn có lẫn chất độc mà hương vị ngọt ngào. Ai ăn vào ắt thân bại hoại. Như người tham lam 5 dục lạc mà mỹ vị có bao nhiêu. Ví như nhà vàng bị lửa cháy. Người tham sắc sẽ bị hại. Khi mạng sắp chết tâm ý rối loạn.

Rồi tự an ủi nghĩ rằng: Ta giữ cấm giới như người nghèo được đất chở che cần phải bảo vệ.

Đoạn nói kệ rằng:

Đường gập ghềnh hiểm trở,

Ta đã được vượt qua.

Ta gặp việc nguy cấp,

Hộ giới quyết không bỏ.

Như sóng triều biển lớn,

Đúng kỳ lại xuống lên.

Tôi nay giữ gìn giới,

Cũng giữ đúng như vậy.

Nói kệ xong, chư thiên cùng thiện thần thấy Tể tướng thệ nguyện như vậy đều sinh hoan hỷ. Lúc ấy các ác quỷ tìm dựa vào phu nhân, phu nhân bị quỷ dựa phát cuồng liền trước mặt vua nói kệ rằng:

Tôi nay tự hủy hoại,

Thân tôi phải chịu chết.

Kia là người thuần thiện,

Không nên làm hại nữa.

Tôi đần độn ngu si,

Miệng thổi núi Tu-di.

Làm sao lay chuyển níu.

Kia là người tịnh hạnh,

Mà tôi lại chê bai.

Khi ấy quan Tể tướng ở trong vườn hoa suy nghĩ chán ghét, chứng đắc Bích-chi-phật bay vọt lên hư không râu tóc tự nhiên rụng.

Trời Tịnh Cư dâng áo Ca-sa.

Bấy giờ mọi người đều khuyến thỉnh rằng: Xin chớ bỏ chúng tôi mà lên trời!

Phật Bích-chi nói bài kệ như trên trả lời mọi người rồi bay đến núi Tuyết Sơn yết kiến các Phật Bích-chi. Sự việc cũng đầy đủ như đã nói trên.

Nhân duyên Đại thần Nguyệt Ái ngộ Bích-chi-phật

Hải triều không quá hạn,

Ly ngưu chết giữ đuôi.

Như tính trăng là lạnh,

Không thể biến thành nóng.

Người điều phục các căn

Giữ giới cũng như vậy.

Cô độc đi một mình,

Như tê giác không hai.

Ngày xưa các đại sư,

Lần lữa truyền nhau kể.

Ta nghe từ thầy trước,

Nay muốn nói rõ đây.

Thuở quá khứ có một Phật Bích-chi tên Nguyệt Ái nơi Phật Bà-già-bà Ca-diếp trồng các căn lành khéo tu giới hạnh, hằng dùng trí tuệ quán sát các ấm thấy đều vô thường.

Ở nơi đức Phật kia, cuối cùng không chứng đắc đạo quả Samôn, mạng chung sinh lên trời, nhờ sức căn lành đời trước hưởng thụ khoái lạc cõi trời.

Thọ mạng cõi trời hết, trở lại sinh làm người trong nhà một đại trưởng giả ở nước Chiêm-ba. Lúc mới sinh đã nghiêm nghị hòa nhã, hằng theo giới cấm mà tự tu thân, xem các hạnh lành còn hơn những người già lão. Cũng không khinh bạc nóng nảy, không giận ghét. Có bao nhiêu của cải đem chu cầp người nghèo, tùy gia phong kiệm, cùng chung phận với mọi người, dùng giới hạnh trang nghiêm tự thân. Thân phụ mất, thuận theo pháp chăm lo việc nhà. Nhân dân trong thành thấy sự trung thành cẩn thận, hết sức tin kính coi như bậc sư trưởng của mình.

Đến tuổi tráng niên dung mạo đoan chính, các phụ nữ trẻ trông thấy ai cũng say đắm. Do sự trung thật nên các khách buôn đều đến nương nhờ.

Bấy giờ có các khách buôn phương Bắc cỡi nhiều ngựa tốt đến nước Chiêm-bà. Vua nước Chiêm-bà thu hết số ngựa đó. Vua là người bạo ngược không theo chính pháp. Vua tự suy nghĩ làm sao thu được nhiều ngựa kia. Làm sao được ngựa mà không phải trả tiền.

Vua liền họp bàn với các nịnh thần. Nịnh thần tâu vua: Nếu phải trả tiền thì tiền trong kho sẽ cạn kiệt.

Vua đáp: Nay ta không trả tiền thì tiếng xấu sẽ lan khắp thiên hạ. Dân trong nước sẽ chán ghét ta và còn tuyệt dứt đường buôn bán với bốn phương.

Nịnh thần lại nói: Như kế của vua thì không phải mất tiền mà được ngựa, lại có thể khiến vua tiếng xấu không ra ngoài, dân trong nước không chán ghét. Nay trong nước vua có đại thần Nguyệt Ái là người mà mọi người đều gần gũi tin tưởng. Nay gọi ông ta tới, vua chỉ nói: Ta sai Nguyệt Ái mang tiền đến giao ngươi.

Bấy giờ khách buôn có một vạn con ngựa. mỗi con trị giá một vạn đồng tiền. Nếu vua chỉ nói đại thần Nguyệt Ái giao số tiền ấy, người trong nước ắt sinh nghi ngờ, hoặc nghi vua hoặc nghi Nguyệt Ái.Vua sẽ không bị lộ tiếng xấu, cũng không bị muôn dân chán ghét.

Các khách buôn đến tâu vua: Xin trả tiền ngựa. Chúng tôi sắp về nhà.

Vua liền đáp: Ta trước đã không sai Nguyệt Ái trả tiền cho các ngươi đó sao? Đâu có thể đòi tiền hai lần!

Các khách buôn đáp: Nguyệt Ái này từ trước đến nay không có trả tiền ngựa cho chúng tôi. Ông ta là người trung tín thà chết chứ không nói dối là đã lẫnh tiền trả cho chúng tôi.

Rồi nói kệ rằng:

Dầu mặt trăng mưa lửa,

Mặt trời mưa nước lạnh,

Ép cát mà thành dầu,

Khuấy nước mà thành bơ,

Trong lửa hoa sen nở,

Muốn bảo Nguyệt Ái kia,

Thốt nên lời vọng ngữ,

Hoàn toàn không thể được.

Các khách buôn lại tâu vua: Là trời trong loài người, nếu bảo Nguyệt Ái xác nhận đúng như lời vua sắc thì tôi hoàn toàn không hận.

Vua tức thì triệu Nguyệt Ái đến mà bảo rằng: Ngươi trước đã ở trước mặt ta, ta trao tiền cho ngươi để trả cho khách buôn đó phải không? Vua nháy mắt ngầm ra hiệu rằng ngươi không nói dối theo ta, ta nhất định giết ngươi.

Nguyệt Ái suy nghĩ: Ta nay nói thật hay nói theo lời vua. Rồi lại suy nghĩ lấy pháp thân là hơn hay coi thân này là hơn. Cuối cùng quyết định thà bỏ thân này chứ không bỏ giới pháp thân.

Bèn nói kệ rằng:

Tôi nay tự suy nghĩ,

Đối với hai thân này,

Thì nên bỏ thân nào?

Rồi lại quán sát kỹ

Thà bỏ thân xấu nhơ,

Quyết không bỏ giới luật.

Nếu xả bỏ pháp thân,

Tên xấu sẽ lan khắp.

Nếu ở trong chúng thiện,

Sẽ được chúng dìu đỡ.

Nếu tôi làm điều ác

Tôi tự không được vui.

Tâm sinh lửa hối hận.

Xả bỏ thân nhơ rồi

Sẽ sinh vào địa ngục.

Tự hủy hoại cấm giới,

Chắc không được an vui.

Chỉ vì một thân vui,

Tổn mất vô lượng thân.

Nếu giữ gìn giới hạnh

Vô lượng thân an vui.

Cho nên tôi cần phải

Bảo vệ cho pháp thân

Không để bị hủy hoại.

Vì lợi ích chính pháp

Phải tuyệt dứt vọng ngữ.

Đại thần Nguyệt Ái tâu vua: Xin vua khai ân chớ giận tôi. Tôi thật không nhớ vua có đưa tiền trả cho họ.

Vua cả giận vỗ kiếm nói: Sao không thấy?

Đại thần Nguyệt Ái định tâm nghĩ rằng:

Thà bị ghép tội chết,

Chứ không sống ngu si.

Tất cả đã có sinh,

Không ai là không chết.

Ta nay nếu chịu chết

Là vì pháp mất mạng,

Chắc chắn sinh lên trời,

Nào có chi sợ hãi.

Rồi đáp lại vua rằng: Giả như nay vua cắt xẻo băm vằm thân tôi nát như hạt mè, tôi cũng không thể bỏ giới cấm đã thụ. Nay tôi ở trong đạo Tiên Thánh, nếu dùng lưỡi này nói lời vọng ngữ, đó là điều tôi không nên làm.

Nay nếu tôi vì vua cố nói vọng ngữ, sau đọa địa ngục thì biết nhờ cậy vào đâu?

Vua xấu hổ càng thêm giận dữ trợn mắt như nảy lửa nhìn. Bấy giờ Nguyệt Ái tâm sinh hoan hỷ, giờ đây chính là lúc ta sinh định ý, giờ đây chính là lúc ta vâng giữ Phật pháp, đâu cần đi xứ nào để cầu nghe pháp. Hôm nay đây chính là vì ta nói pháp. Hôm nay ta vì pháp đến xả bỏ thân mạng. Nay vua chính thật là người thân hữu lớn của ta. Niệm pháp như vậy liền khai ngộ chứng đắc Bích-chi Phật, thân vọt lên hư không, làm cho những kẻ phá giới thấy vậy đều sinh hổ thẹn, làm cho người tu thiện tăng thêm tín tâm, làm cho lời nói ngay thật hiện thấy kết quả. Từ trên hư không râu tóc tự rụng, trời Tịnh Cư dâng cúng pháp phục, bay sang núi Hương Sơn cùng họp với các Phật Bích-chi nói bài kệ như trên.

(QUYỂN THƯỢNG HẾT)

Trang: 1 2