LUẬN PHƯƠNG TIỆN TÂM
Tam tạng Cát-ca-dạ dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Phẩm 1: NÓI RÕ VIỆC TẠO LUẬN

Nếu hiểu được luận này,

Rõ thấu các luận pháp.

Như vậy nghĩa sâu xa,

Nay sẽ rộng nói rõ.

Hỏi: Không nên tạo luận. Sở dĩ vì sao ? Tất cả những người tạo luận phần nhiều khởi sân hận kiêu căng phóng túng cao ngạo, tâm tự nhiễu loạn, ý ít nhu hòa, cố phơi bày cái xấu dở của người tự khen mình tốt. Những tội lỗi này người trí quở trách, cho nên tất cả các thánh hiền dùng vô lượng phương tiện dứt trừ tranh luận, thường thích xa lìa tranh luận như vất bỏ thứ độc hại.

Lại nữa, người tạo luận, trong phải thật điều hòa nhu thuận, ngoài phải quán sát nhiều lỗi lầm. Cho nên nếu muốn lợi mình lợi người thì nên bỏ phương pháp tranh luận này.

Đáp: Không phải như vậy. Nay tạo luận này không phải vì hơn thua, vì danh lợi, chỉ muốn làm rõ các tướng thiện ác nên tạo luận này. Đời nếu không có luận, người mê lầm đông, bị tà trí biện luận xảo quyệt của thế gian lừa dối làm mê hoặc, khởi các nghiệp bất thiện, luân hồi ác thú mất lợi ích chân thật. Nếu thấu đạt luận thì tự mình phân biệt tướng không của thiện ác. Các ma ngoại đạo, người tà kiến không thể quấy nhiễu phá hoại làm chướng ngại. Cho nên tôi vì muốn lợi ích chúng sinh tạo chính luận này. Lại nữa muốn chính pháp lưu bố ở đời, như để sửa sang chăm sóc cho qủa Yêm-bà-la mà trồng rộng nhiều rừng gai góc để phòng hộ cho quả. Tôi nay tạo luận cũng như vậy, muốn hộ chính pháp mà không cầu tiếng tăm. Việc tranh luận mà ông nói là không phải như vậy. Đây là vì hộ pháp mà tạo luận.

Hỏi: Ông nói hiểu luận này thì rõ thấu các luận pháp, xin nói tướng ấy.

Đáp: Luận này phân biệt có 8 nghĩa. Nếu hiểu thông suốt nghĩa lý có thể hiểu rộng các luận khác. Như trồng lúa dùng nước tưới thì cây lúa tốt tươi, không nhổ bỏ loài cỏ gạo, lúa tốt không sinh. Nếu người tuy nghe 8 nghĩa này mà không hiểu nghĩa của nó thì với các luận đều sinh nghi hoặc. Nếu hiểu rõ 8 nghĩa này chắc chắn có thể thấu đạt tất cả luận pháp.

Hỏi: Ông nói hiểu luận này quyết định rõ luận pháp. Nay các ngoại đạo có luận pháp hay không có luận pháp ?

Đáp: Có. Như Vệ-thế sư có 6 đế. Đó là Đà-la-phiêu, Cầu-na, tổng đế, biệt đế, tác đế, bất tác đế. Những thứ đó đều gọi là luận pháp. Tuy khéo thông suốt hãy còn không rõ các kinh luận khác, như 8 thứ luận pháp sâu xa vi diệu tôi sẽ lược nói, để khai mở cửa ngõ các luận để dứt trừ hý luận: 1. Thí dụ. 2. Tùy sở chấp. 3. Nói tốt. 4. Nói sai. 5. Biết nhân. 6. Nói hợp thời. 7. Tự nhân phi nhân. 8. Tùy nói mà hỏi lại.

Dụ có 2 thứ: một là dụ đầy đủ, hai là dụ một phần ít. Tùy sở chấp gọi là nghĩa cứu cánh. Nói tốt, nghĩa là nói thuận với nghĩa. Nói sai, là nói trái với lý. Biết nhân, là có khả năng biết 2 nhân: một là sinh nhân, hai là liễu nhân. Nói hợp thời, là nếu trước nói giới nhập, sau nói 5 ấm là nói không hợp thời. Nếu khéo thông suốt thứ tự của ngôn ngữ, gọi là nói hợp thời. Tự nhân là như sóng nắng tựa như nước mà thật chẳng phải nước. Nếu có luận giả trau chuốt ngôn từ cho là nước, đó gọi là tự nhân. Tùy theo câu nói mà nạn vấn, như nghe nói cái áo mới thì liền nạn vấn hỏi lại rằng cái áo không phải là thời gian, sao gọi là mới ? Những lối nói bắt bẻ như vậy gọi là tùy nói mà hỏi lại.

Tôi đã lược nói nghĩa của 8 thứ này. Nay sẽ lần lượt làm rõ tướng của chúng.

Hỏi: Trước ông nói dụ, nay lập dụ thì làm phương tiện gì ?

Đáp: Nếu nói dụ thì phải phàm thánh đồng hiểu, sau mới có thể nói. Như nói tâm động phát ra nhanh như gió. Tất cả phàm phu đều biết gió động cho nên liền biết rõ tâm là nhẹ nhàng mau lẹ. Nếu không biết thì không được làm dụ.

Hỏi: Vì sao không chỉ nói nghĩa chính mà còn nói dụ ?

Đáp: Nói dụ là để làm sáng tỏ nghĩa chính.

Hỏi: Ông có nói phàm thánh đồng hiểu mới được làm dụ. Thế nào là đồng thế nào là khác ?

Đáp: Như trước thí dụ gió là đồng. Thánh được Niết-bàn nhưng phàm không được, đó gọi là khác.

Hỏi: Đã nói tướng của dụ, vậy thế nào là chấp tướng ?

Đáp: Tùy theo chỗ chấp, rộng dẫn nhân duyên, lập nghĩa vững chắc, gọi là chấp tướng.

Hỏi: Chấp pháp có bao nhiêu ?

Đáp: Có 4: 1. Tất cả đồng. 2. Tất cả khác. 3. Ban đầu đồng sau khác. 4. Ban đầu khác sau đồng.

Hỏi: Ông nay nên nói 4 tướng này.

Đáp: Phàm muốn lập nghĩa phải căn cứ vào 4 thứ thấy biết. Những gì là 4 ? 1. Hiện thấy. 2. So sánh biết. 3. Dùng dụ biết. 4. Theo kinh sách.

Tất cả đồng, là như người nói nói không ngã ngã sở, người hỏi cũng nói không ngã ngã sở, gọi là tất cả đồng. Tất cả khác, là người nói nói khác, người hỏi thì nói một, đó gọi là đều khác. Ban đầu đồng sau khác, là như người nói bảo rằng hiện pháp đều có. Thần chẳng phải hiện thấy nhưng cũng là có. Người hỏi thì hoặc nói các pháp hiện thấy có thể gọi là có. Thần nếu chẳng phải hiện thấy sao là có được ? Nếu nói so sánh mà biết có thần, thì phải trước hiện thấy sau mới có thể so sánh. Thần chẳng phải hiện pháp làm sao so sánh được ? Nếu lại dùng dụ để làm rõ có thần, thì có pháp tương tự sau mới dụ được. Thần là loại gì mà làm dụ ư ? Nếu theo kinh sách chứng minh có thần, thì điều đó không thể được.Ý kinh sách cũng khó hiểu. Có khi nói có, có khi nói không, làm sao tin ? Đó gọi là ban đầu đồng sau khác. Ban đầu khác sau đồng, là như người nói thì nói không ngã không sở, mà người hỏi thì nói có ngã có nhân, trong khi 2 luận giả này đều tin Niết-bàn. Đó gọi là ban đầu khác sau đồng. Lại nữa chấp pháp tùy theo nghĩa có vô lượng tướng. Như 12 nhân duyên, khổ tập diệt đạo, 37 phẩm, 4 quả Sa-môn. Những pháp như vậy gọi là chính nghĩa của Phật. Như nói sáng sớm lễ kính sát sinh tế tự, đốt các loại hương mộc, hiến các đèn dầu. Bốn thứ như vậy là ngoại đạo thờ lửa. Nghĩa của 4 câu 63 chữ là ngoại đạo âm thanh. Nói rõ thuốc có 6: 1. Tên thuốc. 2 Đức tính của thuốc. 3. Vị của thuốc. 4. Sức mạnh của thuốc. 5. Hòa hợp. 6. Thành thục. Đó là y pháp. Như 6 đế của Vệ-thế sư có một nghĩa nhiều ngã giải khác nhau, đó là tăng-già có bát vi: 4 đại và không, ý, minh, vô minh, bát tự tại: 1. Làm nhỏ lại. 2.Làm lớn lên. 3. Nhẹ nâng. 4. Đi xa. 5. Tùy ý muốn. 6. Phân thân. 7. Tôn thắng. 8. Ẩn mất. Đó là ngoại đạo Du-già. Có mạng, không có mạng, tội, phúc, lậu, vô lậu, giới cụ túc giải phược, 5 trí: văn trí, tư trí, tự giác trí, tuệ trí, nghĩa trí, 6 chướng: bất kiến chướng, khổ thụ chướng, ngu si chướng, mạng tận chướng, tính chướng, danh chướng, 4 trược:

sân, mạn, tham, siểm, đó đều gọi là pháp Ni-càn-đà.

Lại có thuyết nói tất cả các pháp đều là có, nên phải biết là một. Lại tất cả pháp đều là có, Cầu-na cũng gọi là một. Lại nữa tất cả pháp từ tối tăm mới sinh, nguồn gốc là một nên phải biết là một. Lại nữa đầu chân v.v…thành thân với thân là một. Lại chỗ căn cứ là không, nên phải biết là một. Các chủ trương như vậy gọi là ngoại đạo chấp một.

Lại có thuyết nói tất cả pháp là khác nhau. Sở dĩ vì sao ? Như đầu, chân v.v… với thân là khác. Lại nữa các tướng khác biệt như bò chẳng phải ngựa v.v…nên biết các pháp khác nhau. Các chủ trương như vậy gọi là ngoại đạo chấp khác.

Nếu nói tất cả pháp có, cho nên là một, thì có 2 thứ: một hữu giác, hai vô giác. Thế nào là một ? Vì nhân bất đồng. Các pháp như vậy đều đã tổng phá. Luận giả nói: Nếu có người nói khổ tập diệt đạo, 12 nhân duyên, các pháp hữu vô v.v… là một là khác đều không phải chính nhân. Sở dĩ vì sao ? Nếu nói một tức rơi vào khổ biên. Nếu nói khác tức rơi vào lạc biên. Cho nên có người nói nếu là một là khác ắt rơi vào nhị biên, chẳng phải nghĩa của Phật pháp. Lại nữa như có thuyết nói: Tính của Niết-bàn không khổ không lạc. Lấy gì biết được ? Phàm tất cả các pháp bởi hữu giác nên có khổ lạc. Niếtbàn vô giác làm sao nói lạc ? Lại có thuyết nói là hữu lạc. Sở dĩ vì sao ? Lạc có 3 thứ: 1. Lạc thụ lạc. 2. Vô não hại. 3. Vô hi cầu. Vì trong Niết-bàn là vô sở cầu, cho nên được gọi Niết-bàn là lạc.

Lại hỏi: Tôi trước đã biết Niết-bàn là thường. Nay với các hành là khác chăng ?

Đáp: Nếu ông trước đã biết Niết-bàn là thường, sao bảo là đồng với các hành ? Tính của các hành là lưu chuyển bại hoại. Thể của Niết-bàn là thường là lạc. Có kẻ trí giả nào nói đồng với các hành ?

Lại hỏi: Tính của thần ngã tuy có hình sắc mà chưa phân biệt thường với vô thường.

Đáp: Nếu tất cả pháp có đối ngại thì đều là vô thường. Như cái bình có ngại thì có thể phá vỡ. Ngã nếu như vậy thì ắt cũng vô thường. Nhưng ngã hữu hình là không có đạo lý, chẳng có kinh nào chép như vậy, giống như lấy gạch ngói đất cát gọi là châu báu. Ông nói nhiều điều hư vọng cũng như vậy.

Hỏi: Vì sao ông nói ngã là vô hình ?

Đáp: Tôi trước đã nói cái bình có hình ngại cho nên có thể phá vỡ. Ngã nếu như vậy cũng phải tiêu mất. Sao lại hỏi vì sao nói ngã là vô hình ?

Lại nữa lại có bất định chấp tướng, như hỏi: Lấy vật làm thanh, thì thường hay vô thường ?

Đáp: Phân chia thành, thì đều vô thường. Thanh cũng phân chia thành, lẽ nào một mình thường được.

Hỏi: Vật thanh là gì ?

Đáp: Nếu chưa phân biệt thì sao lại hỏi ?

Hỏi: Mạng với thân ta, vào đời sau riêng thụ khổ lạc hay cùng thân thụ ?

Đáp: Thân này diệt rồi, ngã thụ thân khác.

Hỏi: Cái gì là ngã thụ khổ lạc đời sau ?

Đáp: Ông trước đã nói ngã, sao lại hỏi có ngã hay không ? Thế là không đúng đạo lý.

Hỏi: Đã nói chấp nghĩa, sao gọi là khéo nói tướng ?

Đáp: Không trái lý, không tăng không giảm, khéo hiểu chương cú, ứng tướng nói pháp, diễn nói thí dụ mà không trái nghịch, không thể khinh khi chê trách, vì nhân duyên đó gọi là khéo nói.

Hỏi: Không trái với lý, việc ấy thế nào ?

Đáp: Có người chấp thức là ngã. Bởi các hành là không, vô ngã, cho nên chẳng phải tất cả hành đều ở nơi thức. Đây chẳng phải đạo lý. Hành là nhân của thức. Nhân vô ngã cho nên thức làm sao là ngã được ?

Hỏi: Tất cả các pháp đều vô thường. Thanh chẳng phải tất cả, cho nên là thường ?

Đáp: Ông nói tất cả thanh có nghĩa gì ? Chẳng phải tất cả sao ? Thuyết này chẳng phải nhân. Lại nữa tất cả pháp có tạo tác đều vô thường. Giống như lửa truyền dẫn v.v… thanh cũng vậy, cho nên vô thường. Đó gọi là tướng không trái nhau.

Hỏi: Thế nào gọi là nói không tăng giảm ?

Đáp: Tôi phải trước nói về tướng tăng giảm. Giảm có 3 thứ: 1. Nhân giảm. 2. Ngôn giảm. 3. Dụ giảm. Nếu nói 6 thức vô thường, giống như cái bình v.v…, không nói nhân duyên, đó gọi là nhân giảm. Nếu nói là thân vô ngã vì các duyên làm thành, thì thanh cũng vô ngã vì từ duyên mà có, đó gọi là dụ giảm. Nếu nói 4 đại vô thường, như cái bình tạo tác, đó gọi là ngôn giảm. Trái với trên, gọi là đầy đủ. Lại nữa đầy đủ, là nếu người nói ngã thì nên hỏi rằng cái ngã ông nói là thường hay vô thường. Nếu vô thường thì đồng với các hành, tức đoạn diệt. Nếu khiến thường, tức Niết-bàn lại cần gì phải tìm cầu ? Đó gọi là tướng của đầy đủ.

Hỏi: Sao gọi là tăng ?

Đáp: Tăng cũng có 3 thứ: 1. Nhân tăng. 2. Dụ tăng. 3. Ngôn tăng. Nếu nói thanh pháp vô thường, vì hòa hợp mà thành, như cái bình có tạo tác nên vô thường. Lại nói thanh là cầu-na của không. Không chẳng phải đối ngại, thanh là sắc pháp, làm sao nương tựa nhau ? Đó là nhân tăng. Nếu nói 5 căn vô thường, như tiếng dội của tiếng kêu. Là pháp tạo tác nên thanh cũng như vậy. Sao biết được ? Là do môi miệng

v.v… phát ra. Đó gọi là dụ tăng. Như nói vi trần nhỏ, hư không to lớn biến khắp. Hai pháp như thế gọi là thường. Thanh thì không như vậy nên nói là vô thường. Đó gọi là dụ tăng. Lại nói thanh là vô thường, vì các duyên thành, nếu nói thường là không đúng. Sở dĩ vì sao ? Có 2 thứ nhân: 1. Từ hình phát ra. 2. Vì căn liễu. Nói thường là thế nào ? Lại nữa pháp đồng khác đều vô thường. Đó gọi là ngôn tăng.

Hỏi: Nói thế nào có thể khiến người đời tin nhận ?

Đáp: Nếu là người ngu phân biệt nghĩa sâu, như nói các pháp thảy đều trống vắng, không ngã, không nhân, như ảo như hóa, không có chân thật. Những nghĩa sâu này người trí mới hiểu. Phàm phu nếu nghe sẽ mê đắm đọa lạc. Đó gọi là lời nói không hợp thời. Nếu nói các pháp có nghiệp có báo, và trói buộc giải thoát v.v…, người tạo tác người lãnh thụ, người trí cạn nghe liền tin thụ, như cái dùi lửa và bùi nhùi phối hợp tác động thì sinh lửa. Nếu diễn thuyết hợp với thính chúng thì sẽ sinh tin nhận. Như vậy gọi là tùy thời mà nói.

Hỏi: Sao gọi là ngôn chứng ?

Đáp: Tuy nói nhiều , khéo nghĩ nhớ được, nếu giảng các nghĩa sâu được tướng của nó, chỗ lập luận vững chắc khiến người yêu thích, như nói các pháp đều không, không chủ tể, vì hiện thấy vạn vật do các duyên mà thành. Đó gọi là ngôn chứng.

Hỏi: Sao gọi là ngôn thất ?

Đáp: Mâu thuẫn với trên gọi là ngôn thất, tức lời nói sai. Lại có 2 thứ nói cũng gọi là sai. Những gì là 2 ? 1. Nghĩa không khác mà phân biệt nhiều lần. 2. Từ không khác mà phân biệt nhiều lần. Thế nào là một nghĩa mà phân biệt nhiều lần ? Như nói Kiêu-thi-ca, rồi cũng nói trời Đế Thích, rồi cũng nói Phú-lan-đà-na. Đó là nghĩa một tên khác mà phân biệt nhiều lần. Danh nghĩa đồng, là như nói Nhânđà-la. Lại nói Nhân-đà-la. Đó là danh nghĩa không khác mà phân biệt nhiều lần. Lại nữa tất cả ngôn thuyết chỉ trau chuốt văn từ không có nghĩa lý, đều gọi là sai lỗi. Lại nữa tuy có nghĩa lý mà không thứ tự, cũng gọi là sai lỗi. Như kệ nói:

Như người khen ngợi,

Trời Đế Thích nữ,

Tên là Kim Sắc,

Tay chân tuyệt đẹp,

Mà đem nói với

Thích-đề-hoàn-nhân.

Phá A-tu-la

Ba thứ thành trì

Như vậy gọi là

Nói không thứ tự.

Hỏi: Sao gọi là biết nhân ?

Đáp: Biết nhân có 4: 1. Hiện thấy. 2. So sánh biết. 3. Thí dụ biết. 4. Theo kinh sách. Trong 4 cách biết đây, hiện thấy là trên hết.

Hỏi: Vì nhân duyên gì hiện thấy là trên hết ?

Đáp: Vì 3 thứ biêt sau là do hiện thấy, nên gọi là trên hết. Như thấy lửa có khói. Sau thấy khói liền biết có lửa. Cho nên hiện thấy là hơn cả. Lại như thấy sóng nắng liền được thí dụ cho nước. Cho nên biết trước đã hiện thấy nên sau được thí dụ. Sau khi hiện thấy mới biết chân thật.

Hỏi: Đã biết 3 việc do hiện nên biết. Nay hiện thấy đây cái gì là thật nhất ?

Đáp: Cái do 5 căn biết có khi hư ngụy. Chỉ có trí tuệ chính quán các pháp mới là tối thượng. Lại nữa như khi nóng thấy sóng nắng, vòng lửa, thành Càn-thát-bà. Đó tuy gọi là hiện thấy mà chẳng phải thật. Lại nữa tướng không rõ ràng nên thấy sai lầm, như ban đêm thấy cái cây trơ trụi nghi là người. Lấy ngón tay ấn lên mắt thấy có 2 mặt trăng. Nếu được không trí mới gọi là thật thấy.

Hỏi: Đã biết hiện tướng. Tướng so sánh thế nào ?

Đáp: Trước đã phân biệt, nay nói rõ. Tướng biết do so sánh có 3: 1. So sánh trước. 2. So sánh sau. 3. So sánh đồng thời. So sánh trước, là như thấy đứa trẻ có 6 ngón tay trên đầu có vết sẹo, sau lớn lên nghe Đề-bà-đạt, liền nghĩ nhớ vốn có 6 ngón tay là như nay thấy. Đó là so sánh trước. So sánh sau, là như uống nước biển biết mặn. Sau khi biết rồi, cho rằng tất cả nước đều mặn. Đó là so sánh sau. So sánh đồng thời, tức như người này đi đến nơi kia, mặt trời mặt trăng trên trời mọc phương Đông lặn phương Tây, tuy không thấy nó động nhưng biết chắc nó di chuyển. Đó là so sánh đồng thời.

Hỏi: Nghe thấy như thế nào ?

Đáp: Nếu thấy chân thật kỳ cựu trưởng lão tôn túc chư Phật Bồtát, theo các hiền thánh nghe kinh pháp lãnh thụ có thể sinh tri kiến. Đó gọi là nghe thấy. Ví như lương y giỏi biết các phương thuốc, từ tâm truyền dạy. Đó gọi là khéo nghe. Lại các hiền thánh chứng nhất thiết pháp, có trí tuệ lớn, theo các bậc ấy mà nghe. Đó gọi là khéo nghe.

Hỏi: Tướng dụ như thế nào ?

Đáp: Nếu tất cả đều không, vắng lặng, như huyễn như hóa, tưởng như sóng nắng, hành như cây chuối, tướng của tham dục như mụt nhọt, như độc. Đó là thí dụ. Bốn việc như vậy gọi là nhân. Có thể thông thấu, gọi là biết nhân.

Hỏi: Tự nhân là thế nào ?

Đáp: Tất cả nhân tương tự là lỗi lớn trong pháp luận lý cần phải hiểu biết và loại bỏ nhanh chóng. Tôi sẽ nói rõ các tự nhân này. Tự nhân tùy theo tướng có vô lượng nghĩa. Sơ lược chỉ có 8: 1. Tùy theo nói ngang ngược làm sinh lỗi. 2.Với đồng khác làm sinh lỗi. 3. Nghi ngờ tự nhân. 4. Nói quá thời. 5. Đồng loại. 6. Nói đồng. 7. Nói khác. 8. Mâu thuẫn.

Hỏi: Phải phân biệt rộng 8 pháp này.

Đáp: Như nói na-bà, có tất cả 4 tên: 1. Mới. 2. 9. 3. Chẳng phải sở hữu của ông. 4. Không mặc. Có người nói: Cái tôi đang mặc là áo na-đà.

Lại hỏi: Ông đang mặc đó là 1 áo, sao nói 9 ?

Đáp: Tôi nói na-bà là áo mới mà, đâu phải là 9 !

Lại hỏi: Sao gọi là mới ?

Đáp: Làm bằng lông na-bà nên gọi là mới.

Hỏi: Thật có vô lượng lông mà sao nói lông na-bà ?

Đáp: Tôi trước đã nói là mới, na-bà chẳng phải số lượng mà !

Lại hỏi: Nay biết áo này là sở hữu của ông, sao ông nói: Chẳng phải áo của tôi ?

Đáp: Tôi nói áo mới, không có ý nói vật này chẳng phải sở hữu của ông !

Lại hỏi: Nay hiện thấy ông mặc áo này, sao nói không mặc áo ?

Đáp: Tôi nói áo mới, không nói không mặc áo ! Đó gọi là tự nhân, cũng gọi là tùy nói mà sinh lỗi.

Lại nữa, tùy nói mà sinh lỗi, là như nói đốt núi.

Lại hỏi: Thật ra đốt cây cỏ, sao nói đốt núi ? Đó gọi là tùy nói mà sinh lỗi. Cho đến các pháp cũng đều như vậy.

Lại nữa, tùy nói mà sinh lỗi có 2 thứ: 1. Như trước nói. 2. Nơi đồng khác mà sinh lỗi. Như nói các pháp hữu vi đều không, tịch diệt như hư không.

Lại hỏi: Như vậy cả 2 đều là không vô. Pháp vô tính tức đồng hư không. Như vậy gọi là đồng khác sinh lỗi.

Hỏi: Vì sao gọi là sinh ?

Đáp: Vì có nên gọi là sinh. Như đất bùn có tính cái bình nên được sinh cái bình.

Lại hỏi: Nếu đất bùn có tính cái bình thì đất bùn tức là cái bình khỏi cần nhờ đến thợ làm gốm cùng các thứ dụng cụ hợp tác mới có. Nếu đất bùn có, nên sinh cái bình thì nước cũng là có, cũng phải sinh cái bình. Nếu nước là có mà không sinh cái bình, đất bùn làm sao riêng sinh cái bình được ? Đó gọi là đồng khác sinh lỗi.

Hỏi: Sinh nghi tự nhân, tướng ấy thế nào ?

Đáp: Như có một cái cây trơ trụi tựa như con người đứng, nếu ban đêm trông thấy liền nghĩ đây là cái cây hay người vậy. Đó gọi là sinh nghi tự nhân .

Hỏi: Thế nào là quá thời tự nhân ?

Đáp: Như nói thanh là thường, vì kinh điển Vĩ-đà phát xuất từ thanh nên cũng gọi là thường.

Lại hỏi: Ông nay chưa lập nhân duyên của thanh thường, làm sao nói Vĩ-đà thường ?

Đáp ; Như hư không không có hình sắc nên thường. Thanh cũng không hình, nên là thường. Nói tuy sau nhưng nghĩa cũng thành tựu.

Lại hỏi: Lời nói này quá thời, như nhà đã cháy hết mới đem nước đến cứu. Ông cũng như vậy. Đó gọi là quá thời.

Hỏi: Loại đồng là thế nào ?

Đáp: Ngã với thân khác nhau nên ngã là thường, như cái bình khác với hư không cho nên cái bình vô thường.. Đó gọi là loại đồng.

Lại hỏi: Nếu ngã khác với thân mà gọi là thường, thì cái bình cũng khác với thân nên cái bình phải là thường. Nếu cái bình khác với thân mà hãy còn vô thường thì ngã dầu khác thân làm sao thường ? Đó gọi là loại đồng.

Hỏi: Thuyết đồng là thế nào ?

Đáp: Như nói hư không là thường, vì không có chạm xúc. Ý thức cũng vậy. Đó là thuyết đồng.

Hỏi: Sao gọi là ngôn dị ?

Đáp: Như nói 5 trần vô thường là vì căn nhận biết nên 4 đại cũng vậy, cho nên vô thường.

Lại hỏi: Lông rùa, mùi thơm của muối là vô sở hữu, vì ý thức mà có sở đắc, lẽ nào là vô thường sao ? Đó gọi là ngôn dị.

Hỏi: Sao gọi là mâu thuẫn ?

Đáp: Mâu thuẫn có 2 thứ: 1. Dụ mâu thuẫn. 2. Lý mâu thuẫn. Như nói ngã là vô thường vì không hình ngại, như con bò. Đó gọi là dụ sai. Lý sai, là như Bà-la-môn nắm giữ vương nghiệp, dạy làm nghề đồ tể và săn bắt v.v… Sát-lợi thì ngồi thiền niệm định. Đó là lý sai. Như 2 pháp này, người ngu không biết cho là thật. Đó gọi là mâu thuẫn.

Hỏi: Những gì là không mâu thuẫn ?

Đáp: Khác 2 pháp trên là không mâu thuẫn. Đó gọi là tự nhân.

Phẩm 2: NÓI RÕ PHỤ XỨ

Luận giả nói: Đã nói 8 thứ luận pháp như trên, lại có nhiều phụ pháp nay sẽ nói rõ.

Hỏi: Sao gọi là ngữ pháp ?

Đáp: Như nói 4 đại là giả danh. Sở dĩ vì sao ? Vì do sắc pháp v.v… tạo thành. Lại có người nói 4 đại là thật có. Làm sao biết ? Bền chắc là tính của đất, cho đến năng động là tính của gió, cho nên biết là thật. Lại mâu thuẫn nhau lại sinh tranh cãi, như có thuyết nói đất là nhân duyên thành thân. Các đại khác cũng vậy.

Lại hỏi: Đất v.v… cũng thành tất cả vật. Sao chỉ nói thành thân ? Đó gọi là phi ngữ. Nếu không như vậy thì gọi là ngữ.

Hỏi: Sao gọi là phụ ?

Đáp: Như nói thanh thường vì không hình sắc như hư không.

Lại hỏi: Thanh tuy vô hình nhưng là căn nhận biết, có đối có ngại như cái bình tạo tác, còn tính hư không chẳng phải là tác pháp sao được làm dụ ? Đây gọi là phụ nghĩa lập nói cái bình là hữu hình có thể là vô thường, còn thanh là pháp vô hình sao được làm dụ ?

Lại hỏi: Thanh tuy khác cái bình nhưng là căn nhận biết, được tai nghe, cho nên là vô thường.

Hỏi: Các hành với thức tạo tác cho nên vô thường. Niết-bàn phi tạo tác nên thường. Câu nói này có ý nghĩa chân chính, gọi là chẳng phải phụ xứ.

Hỏi: Những câu nói gì có thể vặn hỏi lại ?

Đáp: Nếu nói điên đảo, lập nhân bất chính, dẫn dụ bất đồng. Như thế có thể vặn hỏi lại, như nói tưởng có thể đoạn kết.

Người hỏi nói: Làm sao dùng tưởng đoạn kết ? Bởi trước không nói trí, từ tưởng phát nói thẳng là tưởng. Lời nói này điên đảo thì có thể vặn hỏi lại.

Hỏi: Vì nhân duyên gì nên nói lại câu này ?

Đáp: Muốn khiến người biết rằng lập nghĩa vô chấp ắt hẳn rơi vào phụ xứ nên nói. Lại nữa nên hỏi không nên hỏi, nên đáp không nên đáp, 3 thuyết pháp yếu không khiến người hiểu, tự 3 thuyết pháp không phân biệt hiểu biết, đều gọi là phụ xứ. Lại nữa cùng người luận nghĩa kia thiếu sót mà không biết. Những người khác bảo rằng nghĩa này sai lầm ông không biết sao ? Như vậy tức rơi vào phụ xứ. Lại nữa nghĩa đúng của người mà làm sinh lỗi, cũng rơi vào phụ xứ. Lại nữa có người nói: Mọi người đều rõ mà một mình không hiểu, cũng rơi vào phụ xứ. Hỏi cũng như vậy. Những chỗ phụ xứ như thế là những gai góc trong nghị luận, là lầm lỗi sâu nặng cần phải hiểt biết mau chóng tránh xa, nếu không sẽ thua bại.

Hỏi: Hỏi có mấy thứ ?

Đáp: Có 3 thứ: 1. Thuyết đồng. 2. Nghĩa đồng. 3. Nhân đồng. Nếu các luận giả không dùng 3 thứ này làm vấn đáp thì gọi là sai lầm. Trong 3 câu đáp này nếu thiếu 1 tức không đầy đủ. Nếu nói tôi không thông hiểu rộng 3 câu hỏi này, theo chỗ tôi hiểu hãy hỏi tương đương, đó cũng không lỗi. Thuyết đồng, là như nói vô ngã, trở lại y như câu nói này sau mới làm câu hỏi. Đó gọi là ngữ đồng. Nghĩa đồng, là chỉ lấy ý đó, gọi là nghĩa đồng. Nhân đồng, là biết chỗ khởi nhân của ý thú kia, đó gọi là nhân đồng. Nếu được như vậy, gọi là phi phụ xứ. Nếu như nói “khinh tật” người nghe không rõ nghĩa cũng rơi vào phụ xứ.

Hỏi: Chỉ những thứ này thôi hay còn gì khác ?

Đáp: Còn. Như là nói nói ít, nói nhiều, nói lời vô nghĩa, nói không đúng lúc, nghĩa trùng lặp, bỏ bản tông v.v… đều gọi là phụ xứ. Dùng những cách như vậy nói với người cũng rơi vào phụ xứ.

Hỏi: Sao gọi là trái với bản tông ?

Đáp: Như nói thức là thường pháp. Sở dĩ vì sao ? Thức thể có 2 thứ: 1. Thức thể sinh. 2. Thức thể dụng. Bình cũng có 2 thứ: 1. Bình thể sinh. 2. Bình thể dụng. Nhưng khi thức sinh thì liền có dụng, nên gọi là thường. Bình thể sinh rồi sau mới có dụng, nên là vô thường.

Lại hỏi: Nếu sinh thì liền có dụng mà cho là thường, thì khi cái đèn sinh thì liền có dụng vậy cũng là thường ?

Đáp: Đèn là mắt thấy, thanh là tai nghe, làm sao làm dụ ? Đó là bỏ bản tông, là rơi vào phụ xứ.

Lại nữa có thuyết nói thần thường. Làm sao biết được ? Chẳng phải do căn nhận biết, cho nên như hư không. Không vì căn nhận biết nên thường.

Lại hỏi: Vi trần không do căn được mà là vô thường ?

Đáp: Thần chẳng phải tạo tác nên thường. Vi trần là tạo tác nên vô thường.

Lại hỏi: Trước ông nói chẳng phải nhận biết, nay nói không tạo tác, là trái bản tông.

Đáp: Ông nói tôi trái. Ông trái câu tôi nói, lẽ nào không trái ư ?

Lại hỏi: Tướng như thế có thể có lý này. Tôi nói trái, là điều ông nói tự trái với nghĩa trước, nên nói là trái. Lại nữa trước ông đã nói vì không phân biệt nhiều nên tôi sinh nghi, chẳng phải tôi trái ông. Như vậy nghi là trái, cũng rơi vào phụ xứ.

Phẩm 3: BIỆN CHÍNH

Luận giả nói: Nếu người nói có chúng sinh, cho đến cũng có thọ, có mạng. Làm sao biết được ? Vì căn nhận biết. Như vô dư Niếtbàn không do căn nhận biết cho nên không. Chúng sinh không như vậy, nên biết là có. Thần là thường pháp. Bởi vì sao ? Như quả A-lahán, chỉ đương khi ấy là có, mà trước sau là không, cho nên biết là không. Như cái đầu thứ 2, cái tay thứ 3 v.v…, vốn không nay có, cho nên biết trước không, có rồi lại diệt mất nên biết là sau không. Thần không như vậy cho nên biết là thường.

Lại hỏi: Như rễ cây, nước dưới đất, không thấy nói không, thì A-la-hán cũng vậy. Chẳng phải là pháp không có. Ông tự không chứng nên lập luận nói không đúng. Nước là bởi đất che lấp nên không thấy. Nay A-la-hán có gì chướng ngại mà không thấy, cho nên biết là không.

Lại hỏi: Ông lấy cái đầu thứ 2 cái tay thứ 3 không thể thấy nên nói là không có A-la-hán, điều đó không đúng. Tuy không có 2 đầu, nhưng chẳng phải không có cái thứ nhất. Còn nói không có La-hán là hoàn toàn không. Làm sao thí dụ được ? Lại nữa ông nói vì không giác trí không có Niết-bàn, điều này cũng không đúng. Như nước biển lớn không biết có bao nhiêu giọt, có thể nói là không chăng ? Nếu không biết số giọt mà biển vẫn có, thì Niết-bàn cũng vậy. Tuy không thể biết thật mà tự có. Mà nói không, thì phải nói nhân duyên. Nếu không thể nói, là nghĩa ông tự hỏng. Đó gọi là luận lý đúng như pháp.

Lại nữa nếu do không biết mà nói là không Niết-bàn, thì người khác sẽ sinh nghi. Như ban đêm thấy cái cây, tâm liền sinh nghi đó là cái cây hay người đứng ? Phải biết rằng cái cây này chẳng nhất định nhân là người, chẳng nhất định nhân là cái cây. Nếu khiến không biết nhất định với Niết-bàn là không nhân, thì không nên sinh nghi. Lại nữa, các nghiệp báo không thể hủy diệt nên có Niết-bàn. Sở dĩ vì sao ? Ví như hỏa hoạn lớn đốt cháy núi rừng nên lửa là nhân của diệt. Nay nghiệp báo này là nhân của diệt gì mà được diệt ư ? Nếu đượcNiết-bàn thì liền tan hoại. Lập luận rằng: Thật có nhân của diệt, vì chướng không thấy.

Lại hỏi: Cũng có Niết-bàn, chỉ bởi si chướng nên không thấy. Lại nữa, ông nay nếu không phân biệt các nghiệp có nhân của diệt, thì nghĩa của ông tự hỏng. Nếu nhân của diệt không, cố mà không nói thì cũng không chướng ngại cần gì phải nói ? Do bởi các duyên biết nghiệp không diệt. Đó gọi là luận lý như pháp.

Lập luận nói: Ông nếu vì nước biển có mà thành có Niết-bàn, lẽ nào lại có thể khiến có 2 đầu sao ? Nếu giả sử 2 đầu không thể có, làm sao Niết-bàn riêng có được ? Cái thí dụ nước biển của ông còn không thể lập được, Niết-bàn là có sao có thể thành có 2 đầu ?

Lại hỏi: Nếu ý ông bảo Niết-bàn không, thì có là không hay là phải không không ? Nếu không không, thì làm sao biết không có Niết-bàn ? Nếu có cái không này, thì làm sao nói là đều vô sở hữu ? Nếu nói tuy có là pháp không Niết-bàn hãy còn tự không, huống nữa có là không. Vì sao không được có Niết-bàn ? Phải nói nhân duyên, nếu không thể nói thì phải biết Niết-bàn quyết định thật có. Đây cũng gọi là luận lý như pháp.

Hỏi: Thần là thường hay là vô thường ?

Lập luận nói: Thần là phi tạo tác nên thường, cái bình v.v… là pháp tạo tác nên vô thường.

Lại hỏi: Nếu do không tạo tác nói thần là thường, điều đó không đúng. Làm sao biết ? Vì làm người sinh nghi. Nếu phi tạo tác, thần tức thường, thì không nên sinh nghi là thường, vô thường, bởi sinh nghi nên phải biết có lỗi.

Lập luận nói: Lỗi này chẳng phải chỉ riêng một mình tôi có, tất cả luận giả đều có lỗi này. Như nói thanh thường vì không hình sắc, có thân đời trước vì trí túc mạng biết. Lập nghĩa như vậy như trước sinh nghi, cho nên tất cả xứ đều có là lỗi.

Lại hỏi: Dụ thì quyết nghi. Chỗ dẫn dụ của ông khiến tôi sinh nghi là không thành dụ. Dụ không thành thì nghĩa tự hỏng, tức rơi vào phụ xứ, mà ông lại nói tất cả có lỗi chẳng phải riêng một mình tôi. Đây là mình lỗi, chẳng phải lỗi người khác. Sở dĩ vì sao ? Như người bị vu mà không tự biện minh, còn nói tất cả đều là trộm cắp. Phải biết người này tức tự mình là trộm cắp. Ông cũng như vậy, nên rơi vào phụ xứ. Nay nếu ông muốn tự nói rõ, lý là trước nhất, muốn nói lại thì rơi vào nhiều lỗi. Ông thứ nhất lập, thứ 2 đã phá, nghĩa thứ 3 tôi lại hỏi muốn dùng thứ 5 mà ngăn lỗi, thì không ra khỏi ban đầu và nghĩa sau của ông. Đó tức là trùng lặp. Nếu có lỗi trùng lặp tức rơi vào phụ xứ.

Hỏi: Thiết lập thứ 6 người ta lại có thể hỏi chăng ?

Đáp: Người thứ 5 đã thành lỗi, sao có thứ 6 được mà hỏi ? Nếu phải nói thì đồng với lỗi trước. Hỏi đã có lỗi, đáp phải làm thinh. Lại nữa, lỗi của người thứ 6 mà người thứ 5 không cật vấn được, sở dĩ vì sao ? Vì do thứ 5 nên người thứ 6 mới được hỏi. Đã tự có lỗi sao do lỗi người kia ? Như vậy gọi là luận chính pháp.

Phẩm 4: TƯƠNG ƯNG.

Hỏi: Ông đã phân biệt chính luận như pháp. Thế nào là nghĩa tương ưng ?

Đáp: Vấn đáp có 20 thứ tương ưng. Nếu người có thể dùng 20 nghĩa này trợ giúp phát triển chính lý, thì người đó là hiểu luận chân thật. Nếu không như vậy, không gọi là thông đạt phép nghị luận. Hai mươi thứ này, toát yếu có 2: một khác, hai đồng. Lấy đồng hiển thị nghĩa gọi là đồng. Lấy khác hiển thị nghĩa gọi là khác. Tất cả là nghĩa ắt căn cứ vào 2 pháp này. Hai pháp này thông cả 20 pháp.

Sao gọi là đồng ? Như nói chỗ phiền não hết là vô sở hữu. Tính của hư không cũng vô sở hữu. Đó gọi là đồng. Sao gọi là khác ? Như nói Niết-bàn phi tạo tác nên thường, thì biết các hành tạo tác nên là vô thường. Đó gọi là khác.

Hỏi: Cái nghĩa đồng khác này hỏi như thế nào ?

Đáp Muốn hỏi đồng, thì nói như thế này: Sắc dùng mắt thấy thanh dùng tai nghe làm sao nói đồng ? Nếu sắc khác thanh, sắc tự vô thường thanh phải là thường. Nếu hỏi khác thì: Bởi sắc do căn nhận biết nên vô thường, ngã chẳng do căn nhận biết nên thường. Cái bình và ngã đều có hữu thể, nếu đồng thì cái bình vô thường, ngã cũng phải vậy. Nếu nói hữu thể của cái bình khác hữu thể của ngã thì có thể nói ngã thường mà cái bình vô thường. Thường hữu đã đồng thì ngã cũng phải vô thường. Những câu hỏi như thế có 20 thứ: 1.Tăng nhiều. 2. Tổn giảm. 3. Nói đồng khác. 4. Hỏi nhiều đáp ít. 5. Đáp nhiều hỏi ít. 6. Nhân đồng. 7. Quả đồng. 8. Khắp đồng. 9. Không khắp đồng. 10. Thời đồng. 11. Không đến. 12. Đến. 13. Mâu thuẫn. 14. Không mâu thuẫn. 15. Nghi. 16. Không nghi. 17. Dụ phá. 18. Nghe đồng. 19. Nghe khác. 20. Không sinh. Đó là 20 pháp vấn đáp.

Hỏi: Nên phân biệt nói 20 pháp này.

Đáp: Tăng nhiều, là như nói ngã thường, vì chẳng phải căn nhận biết. Hư không chẳng phải biết cho nên là thường. Tất cả những gì không bị căn nhận biết đều là thường. Ngã chẳng phải biết được, chẳng là thường sao ?

Lại hỏi: Hư không vô tri nên thường. Ngã hữu tri sao nói thường ? Nếu hư không là hữu tri thì phi đạo lý. Nếu ngã vô tri có thể đồng như hư không. Nếu như cái tri ấy đều là vô thường, đó gọi là tăng nhiều.

Tổn giảm, là nếu hư không vô tri, ngã hữu tri, làm sao lấy hư không dụ cho ngã ? Đó gọi là tổn giảm.

Đồng khác, là như lập ngã, thường dẫn hư không làm dụ. Hư không với ngã là một, một pháp thì sao được lấy hư không thí dụ cho ngã ? Nếu khác thì không được thí dụ cho nhau. Đó gọi là đồng khác.

Lại nữa, ông lập ngã thường, nói là phi căn giác, như hư không phi căn giác nên thường. Nhưng phi căn giác bất tất đều là thường. Lấy gì chứng minh ? Đó gọi là hỏi nhiều đáp ít.

Lại nữa, ông lập ngã thường, nói là phi căn giác. Pháp phi căn giác có tất cả 2 thứ. Vi trần phi giác mà là vô thường. Hư không phi giác mà là thường pháp. Ông làm sao có thể nói được vì phi giác nên thường ? Đó gọi là thứ 5 hỏi ít đáp nhiều.

Lại nữa, ông lấy phi giác làm nhân, nên biết ngã là thường. Hư không khác ngã, làm sao đều lấy phi giác làm nhân ? Đó gọi là nhân đồng.

Lại nữa, 5 đại thành thảy đều vô thường. Hư không với ngã cũng 5 đại thành, làm sao nói thường ? Đó gọi là quả đồng.

Lại nữa, ông cho rằng vì hư không phi giác nên thường. Nhưng hư không biến khắp mọi nơi. Lẽ nào vật biến khắp mọi nơi là phi giác ? Đó gọi là biến đồng.

Lại nữa, vi trần không biến khắp, mà phi căn giác, là pháp vô thường. Ngã phi căn giác thì sao là thường ? Đó là bất biến đồng.

Lại nữa, ông lập ngã thường, nói là phi căn giác, đó là hiện tại quá khứ hay vị lai ? Nếu nói quá khứ quá khứ đã diệt, nếu nói vị lai vị lai chưa có, nếu nói hiện tại thì không làm nhân, như 2 cái sừng cùng sinh không làm nhân cho nhau được. Đó gọi là thời nhân.

Lại nữa, ông lập ngã thường, bởi phi căn giác. Đến nên làm nhân hay là không đến ? Nếu không đến thì không thành nhân. Như lửa không đến thì không thể đốt cháy. Như dao không đến thì không thể cắt. Không đến với ngã làm sao làm nhân ? Đó gọi là không đến.

Lại nữa, nếu đến nhân thì đến tức là không có nghĩa của nhân. Đó gọi là đến.

Lại nữa ông cho rằng tất cả vô thường, ngã chẳng phải tất cả nên thường, thì ngã tức là hữu, cho nên phải vô thường. Như ít cháy, vì nhiều không cháy nên nói không cháy. Đó gọi là mâu thuẫn.

Lại nữa, ông cho rằng ngã phi căn giác đồng với hư không. Hư không không nhận biết, ngã cũng phải như vậy. Nếu ngã nhận biết thì hư không cũng phải nhận biết đối với khổ lạc, vì hư không với ngã không có khác. Đó là không mâu thuẫn.

Lại nữa, ngã đồng hữu cho nên không nhất định là thường, có thể sinh nghi là thường hay vô thường. Đó gọi là nghi.

Lại nữa, ông nói có ngã chẳng phải căn nhận biết nên có thể sinh nghi. Có chướng gì mà căn không nhận biết ? Phải nói nhân duyên. Nếu không nhân duyên, nghĩa của ngã tự hoại. Đó gọi là không nghi.

Lại nữa, ông cho rằng ngã phi căn giác nên là thường, thì rễ cây, nước dưới đất cũng phi căn giác mà là vô thường, ngã làm sao thường ? Đó gọi là dụ phá.

Lại nữa, ông lấy kinh nói ngã phi giác nên biết là thường, thì trong kinh cũng nói vô ngã ngã sở. Trong pháp Ni-càn nói ngã phi thường, ngã định thường, là các kinh không phải có khác có đồng. Đó gọi là nghe đồng.

Lại nữa, nếu ông tin một kinh cho ngã là thường, cũng phải tin các kinh nói ngã là vô thường. Nếu tin cả 2 thì 1 ngã phải cũng thường cũng vô thường. Đó gọi là nghe khác.

Lại nữa, ông cho rằng có nhân nên biết có ngã, Ta-la thụ tử đã là hữu nên phải sinh Đa-la. Nếu cho là vô mà biết là không, thì trong Đa-la tử không có hình tướng của cây, phải không sinh được. Nếu hữu cũng không sinh, vô cũng không sinh, thì ngã cũng như vậy. Nếu nhất định là hữu, thì không cần lấy căn không nhận biết làm nhân. Nếu ngã nhất định vô, thì lấy việc căn không nhận biết cũng không thể khiến cho hữu được. Đó gọi là không sinh.

Nếu lại có người lập thanh là thường, cũng lấy 20 thứ pháp đồng khác như trên mà phá.

Hỏi: Hai mươi thứ này lại có nhân duyên tự giải thuyết chăng ?

Đáp: Tự có. Nên phải hỏi rằng: Do hữu ngã nên ông phá ngã.

Nếu vô ngã ông phá cái gì ? Bởi có năng phá nên có sở phá.

Lại hỏi: Lý thật không có ngã, ông chấp ngang là có, nên tôi lại hỏi ông: Ông nói bởi có sở phá nên có ngã, thì bởi có năng phá nên biết không có ngã. Nếu ông nói chấp ngã nghĩa để làm rõ vô ngã, điều đó không đúng, chẳng phải dùng nghĩa của ông. Nay ông tự dùng chỗ sở chấp của tôi đó.

Lập luận nói: Ông làm sao biết tôi chấp nghĩa của ông phải nói nhân duyên ?

Lại hỏi: Tôi trước đã nói chẳng phải chấp nghĩa của ông, chấp chỗ người khác lập, vì sao lại hỏi: Làm sao biết tôi chấp nghĩa của ông ư ? Lời nói của ông mâu thuẫn tức rơi vào phụ xứ. Lại nữa ban đầu cho rằng căn không nhận biết nên biết thật có ngã. Sau lấy các pháp làm chứng minh. Lập nhân bất định, trái mất tông nghĩa cũng rơi vào phụ xứ, nghĩa của ông đã hỏng. Nếu tôi lại nói không ngoài lúc đầu. Thụ ngôn nhiều lỗi, phàm vấn đáp thì đáp cùng lắm là đến 5, quá đây nói nữa đều gọi là lỗi. Nếu có trí tuệ tư duy nghĩa lý sâu, rộng nói thí dụ có thể rõ nghĩa. Nhưng cách lập luận không ra ngoài pháp này.

Luận giả nói: Đã nói pháp yếu của các thuyết như trên. Chỗ cốt yếu của luận này là căn bản của các luận. Do luận này cố phát sinh rộng vấn đáp tăng trưởng trí tuệ. Ví như hạt giống nếu gặp đất tốt cây mọc tươi tốt. Nếu gieo trồng nơi ruộng xấu sẽ không có quả hạt. Pháp này cũng vậy. Nếu có trí tuệ khéo tư duy suy lường thì rộng sinh các luận. Nếu người ngu si ít trí tuệ, tuy tập luận này không thể thông suốt thì không gọi là tri kiến tốt chân thật. Cho nên nếu muốn sinh thật trí phân biệt thiện ác phải siêng tu tập luận chính pháp này./.

HẾT