LUẬN VÔ TƯỚNG TƯ TRẦN
Bồ-tát Trần-na tạo
Trần, Tây Ấn Độ, Tam tạng pháp sư Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
Nếu nói lân hư
Là nhân căn bản,
Không giống mà khởi,
Cảnh chẳng như căn.
Thức như tụ khởi,
Không từ kia sinh.
Tụ không hữu thể,
Như hai mặt trăng.
Do hai nghĩa này,
Ngoại vật phi trần,
Nói có lân hư,
Tụ thành vạn vật.
Thức giống kia khởi,
Nên lập là trần.
Thể tướng lân hư,
Nếu là thật có,
Vì thức không giống,
Cảnh chẳng như trần.
Lân hư nếu trần,
Thì thức không khác.
Nếu nói khác nhau,
Thì thức không giống.
Tướng khác tại giả,
Nên thể chẳng chân.
Thể lượng lân hư,
Các nơi không khác.
Nếu trừ lân hư,
Vạn thức không khởi.
Cho nên muôn vật,
Đều là giả danh.
Tướng trần ở trong,
Như ngoài hiển thị
Lập làm thức trần.
Thức tựa hiển hiện,
Là thức duyên duyên.
Tùy sinh quyết định,
Cùng lập công năng,
Khiến tuần tự khởi.
Hai căn cùng sinh,
Hơn thì làm căn.
Vởi thức không ngại,
Lại cùng làm nhân
Hơn thì làm trần,
Cùng sinh vô thủy.
Nếu có người chấp 6 thức, nhãn v.v…duyên ngoại cảnh khởi, thì người đó hoặc phân biệt lân hư làm cảnh, vì là nhân của thức, hoặc phân biệt lân hư tụ lại làm cảnh giống như tụ thức khởi.
Tướng của trần như thế nào? Nếu thức có thể hiểu rõ thể tướng, đúng như thể tướng thức khởi, cho nên gọi đây là trần. Lân hư không có việc đó. Nếu lân hư thật là nhân của thức ví như 5 căn, thì lân hư chẳng phải trần. Nếu vậy lân hư tụ lại phải là cảnh, như tụ thức khởi vậy. Thế nhưng tuy là như vậy, như tướng khởi, thức không từ đó sinh, cho nên tụ cũng chẳng phải trần. Bởi vì sao? Nếu trần có thể sinh thức, thì cái tựa như thể tướng có thể tin là trần. Bởi vì sao? Có thể nói trần này là duyên sinh thức, thì tụ là không phải như vậy, vì nó chẳng phải thật có. Ví như do nhãn căn loạn mà thấy 2 mặt trăng. Thức giống như mặt trăng thứ hai khởi, mặt trăng thứ hai chẳng phải cảnh giới của thức, vì thật nó không có. Tụ cũng như vậy, vì lìa lân hư không có thật thể. Tụ chẳng phải cảnh giới của thức. Cho nên ngoại trần do 2 nghĩa này chẳng phải cảnh giới của thức, vì mỗi một phần không đủ. Có các sư nói lân hư tụ tập thành vạn vật, có nhiều thứ tướng đầy đủ, lập đó làm cảnh giới. Bởi vì sao? Có biệt tướng có thể sinh chứng trí, chẳng phải chỉ lân hư và lân hư tụ. Cho nên ở trong lân hư và lân hư tụ, có tướng là làm cảnh của 6 thức. Tướng lân hư chẳng phải trần. Ví như cứng chắc v.v… trong lân hư có cứng, ướt, nóng, động, xúc. Vật này thật có, không phải cảnh giới của nhãn thức. Nhãn thức không như kia khởi, nên trong lân hư vạn vật cũng như thế. Bởi vì sao? Lân hư thì trong vạn vật nếu sinh thức thì thức là vô sai biệt, bởi vì trong vạn vật lân hư không có khác. Nếu ông nói do tướng sai biệt nên sinh thức khác, cái bình v.v…các vật tướng mạo không giống nhau, duyên tướng này nên khởi thức có khác. Nghĩa ấy không đúng. Bởi vì sao? Như tướng mạo sai biệt này, ở trong cái bình v.v… vật giả danh chẳng phải không có nơi lân hư. Trong thật vật thì không lân hư, vì thể lượng không khác, Ở trong vạn vật thể lượng của lân hư là viên mãn vi tế không có sai biệt. Cho nên tướng mạo của vạn vật chẳng phải thật có, chỉ có cái giả danh. Tướng của giả danh đó là cái bình v.v… các vật. Nếu trừ lân hư, tựa bình v.v…thức không sinh. Thật vật, là nếu phân tích pháp tương ưng, tựa thật vật thức không diệt. Như khi chưa phân tích, trong cái bình 5 trần thức sinh, phân tích rồi 5 trần thức cũng không diệt, cho nên 5 trần v.v… là thật có do lân hư và tụ này. Vạn vật không thể sinh thức, cho nên ngoại trần chẳng phải cảnh giới của thức. Nếu vậy pháp gì gọi là trần? Ở trong tướng trần hiển hiện như bên ngoài, gọi là thức trần, ngoại trần thật vô sở hữu. Ở bên trong thức, chúng sinh loạn tâm phân biệt, nên khởi 6 trần phân biệt. Phân biệt này như ở bên ngoài hiển hiện như thế. Đó trong 4 duyên gọi là thức duyên duyên. Vì là thể tướng của thức nên do đó thức sinh. Sở dĩ vì sao? Thức này làm tướng của nội trần, từ nội trần sinh, vì đủ 2 pháp nên nội trần gọi là cảnh giới.
Hỏi: Như trần khởi thức, điều đó còn có thể được. Nội trần là một phần của thức, cùng khởi một lúc, sao có thể làm duyên duyên được?
Đáp: Lập ra duyên duyên, là vì thức duyên đây sinh chứ không có 2. Duyên, nghĩa là hoặc nhất thời cùng khởi có thể thành các pháp khác. Từ cái khác sinh chắc chắn theo đuổi sinh không sinh.
Hỏi: Nếu tuần tự sinh thì tướng sở duyên năng duyên như thế nào?
Đáp: Nếu nhân ở trước quả ở sau, thì quả theo nhân nhân không theo quả. Nếu có nhân ắt có quả. Nếu không có nhân ắt không có quả. Quả tùy theo nhân hoặc có hoặc không. Đó gọi là tướng nhân quả.
Lại nữa, vì đặt để thứ tự của công năng nên lập sở duyên năng duyên. Đó là tựa trần thức tuần tự khởi là sinh. Tương tự quả khởi công năng, sinh tương tục của thức.
Hỏi: Nếu nội trần là thức, duyên duyên là duyên sinh, thì kinh sẽ giải thích làm sao khi kinh nói dựa vào căn duyên sắc được sinh nhãn thức, như kinh có nói rộng rãi?
Đáp: Công năng thể tướng có thể cùng tạo quả, gọi là căn.
Hỏi: Thể dụng của căn như thế nào?
Đáp: Cái thắng hơn có thể làm thể.
Cái thể này do pháp nào có thể so sánh lượng đạc biết được?
Có do sinh tự quả, cho nên có thể biết được cái ưu việt hơn của nó. Chẳng phải có 4 đại sắc mà công năng này không có phương ngại ở trong thức. Công năng này ở trong thức nếu lìa thức thì thể của nó không thể hiển thị. Như chỗ lập căn của tôi và chỗ lập căn của ông đồng công năng làm thể. Đó có gì khác? Như công năng đây và tướng tương tự trần làm nhân cho nhau. Như vthế công năng và tướng tương tự trần phải sinh từ vô thủy đến nay. Dựa vào công năng gọi là căn. Duyên tướng nội trần gọi là cảnh. Đó là loạn thức, không thể nói là tướng của nó, được sinh pháp này lại cùng làm nhân cho nhau cũng không có bắt đầu. Bởi vì sao? Hoặc công năng thành thục nên khởi tương tự trần thức. Hoặc tương tự trần thức cho nên thành công năng. Thức hoặc khác cả hai, hoặc không khác cả hai, hoặc không thể nói. Như thế nội trần đủ cả 2 pháp cho nên có thể làm cảnh của thức./.
HẾT