LUẬN GIẢI QUYỂN
Bồ-tát Trần-na tạo luận
Trần, Tây Ấn-Độ Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Ba cõi chỉ lấy ngôn từ làm thể, do miễn cưỡng phân biệt, chẳng phải pháp thật có, nên không được chân thật. Do pháp môn phân biệt lựa chọn tự tính các pháp, để sinh trí không điên đảo nên lập luận này.

Sợi dây tưởng con rắn,

Thấy dây cảnh không còn.

Trong lúc mê muội, ở nơi không xa có một sợi dây thấy tựa như con rắn. Đó là bị cảnh đánh lừa, chưa thấy được sai biệt, cho nó là con rắn. Nếu thấy là sợi dây, hình tướng khác không như phân biệt vì do hư vọng sinh, nên cái biết trước đây chỉ là cái biết rối loạn, thì không có cảnh đó.

Thấy dây phân tích rồi,

Biết dây như biết rắn.

Nếu phân tích suy lường cái dây rồi, không thấy có cái thể của dây. Nếu không có cái thể, thì cái biết về cái dây này, cũng như cái biết về con rắn, chỉ là cái biết của sự mê loạn. Trong các phần của cái dây cũng như vậy, tư duy phân tích không thấy chỗ nào có cái thể của nó. Duyên cái dây hay duyên một phần của cái dây đều là cái biết mê loạn

Tất cả loại giả danh,

Khi giản trạch tự tính,

Giả danh từ kia khởi,

Cho đến tục trí cảnh.

Dựa vào từng phần phân tích quan sát cái dây không thấy tự thể, cho nên cái biết là con rắn với cái biết sợi dây chỉ là cái biết của sự mê loạn, thật không có cảnh, tất cả là giả danh, như cái bình, cái áo, người v.v… Nếu quan sát các phần của gốm sứ cho đến các cảnh của tục trí và phần sau cùng, trong đó cái giả danh cái bình v.v… là do cái khác khởi lên. Sau cùng không phân tích khó hiển hiện, lìa thì đều không. Tất cả loại giả danh, phần sau cùng không phân tích chỉ một lân hư duy nhất. Nếu lìa một đại, các đại khác và một đại đều không thể hiển hiện vì không có cái thể, như sừng thỏ v.v… Chúng khác như thế nào? Lân hư thì không thể lập làm một vật. Nếu có vật ắt phải có phương có khác, như cái bình v.v… Cái bình v.v… các vật là cái có của thế gian. Có 6 phương khác, cho nên có phần không thành một vật. Nếu lân hư là có, thì phải có 6 phương, như vậy thì có phần không thành một vật. Nếu không thành một vật, thì do nhiều vật làm thành, thế không khác với cái bình, là cũng không thật thể.

Người trí, với tục cảnh,

Chớ khởi ý chân thật.

Do đó 3 cõi chỉ có tán loạn. Nếu người trí muốn cầu giải thoát, không nên khởi chấp chân thật.

Hỏi: Có loạn thức?

Đáp: Nếu ông nói tôi tin cái bình v.v… ngoại vật tự tính không thể có được, nên chỉ có loạn thức phân biệt duyên vô cảnh mà khởi. Bởi vì sao? Người ảo hóa, thành trì Càn-thát-bà v.v… thật phi hữu, loạn thức tựa ảo v.v… khởi mà phi vô, thì nghĩa đó không đúng, vì không thành tựu. Vì sao không thành tựu? Vì chỗ thấy không có như vậy. Loạn thức này tựa như không có vật do vật không có thật thể. Sao thức lại có? Như sở duyên trần tự tính năng duyên, tự tính cũng vậy, sở duyên trần đã không, loạn thức này không thể tự khởi mà do công lực khác. Cái khác kia đã không thành, thì cái nghĩa khởi ở chỗ nào? Vì nghĩa đó mà loạn thức có nghĩa. Làm sao được lập? Trong thế gian không có sinh nhân như chủng tử pháp này. Nếu không sinh mầm mà có quả là không có chỗ như vậy. Cho nên nói các thí dụ ảo hóa v.v… cũng không lập được.

Tất cả vật giả danh,

Nếu tế tâm suy xét,

Người trí dục các hoặc,

Có thể trừ sợ rắn.

Như đã nói thức 3 cõi chỉ là giả danh. Trừ bình v.v… thô thức, tập tâm vi tế. Như thế gian lập cái bình, cái áo v.v… các vật do giả danh mà có. Đứng về tâm thế tục thì không trái việc này. Sau để khiển trừ tục tâm này, mới khởi tâm giản trạch. Chỉ thấy duy có loạn thức không có ngoại trần. Nhân của loạn thức này không thành tựu nên tựa như vô vật, do đó thể không thành tựu. Nội ngoại đã vô sở hữu, thì có thể hiểu pháp không, tất cả là phân biệt tạo ra. Dục v.v… các hoặc người trí dễ trừ. Ví như sợi dây vọng tưởng con rắn mà sinh sợ hãi. Nếu thấy sai khác biết chắc là sợi dây, thì có thể trừ cái sợ con rắn, do có thể khởi tư duy suy lường. Dục v.v… các trần tự tính mau dễ diệt. Dục v.v… các vọng hoặc, cũng như vậy.

Người trí không trái đời,

Tùy nói thế gian pháp.

Nếu muốn diệt hoặc chướng,

Nên y chân quán sát.

Như thế gian cái bình, cái áo các vật, tin là có cũng không sai. Hoặc nói như người trí, trước tùy theo việc này, sau nếu cầu giải thoát thì phải tu lý chân thật. Phân biệt lựa chọn tự tính của thế pháp, nếu phân biệt lựa chọn đúng như lý, thì các hoặc hiện khởi sẽ diệt, chưa khởi thì không sinh. Đó là công dụng của lập luận này./.

HẾT