LUẬN PHẬT TÍNH
Thiên Thân Bồ-tát tạo luận
Thiên Trúc Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Phẩm 5: TỔNG NHIẾP

Lại nữa, phải biết nghĩa của tổng nhiếp. Nhiếp có 2 thứ: 1. Do nhân. 2. Do quả. Do nhân nhiếp, nghĩa là Như Lai tính thanh tịnh có 4 thứ nhân, 3 thứ pháp, và 3 thí dụ tương tự, cho nên lấy biển làm thí dụ.

Ba pháp là: 1. Pháp thân thanh tịnh nhân. 2. Phật trí đức sinh nhân. 3. Phật ân đức nhân.

Pháp thân thanh tịnh nhân, nghĩa là tu tập tín lạc Đại thừa. Phật trí đức sinh nhân, nghĩa là tu tập Bát-nhã và thiền định. Ân đức nhân, nghĩa là tu tập Bồ-tát đại bi. Tu tập tín lạc Đại thừa tương tự với khí. Trong đây có vô lượng định tuệ, đại bảo sở đầy khắp, cho nên nói tương tự với khí. Tu tập Bát-nhã thiền định tương tự với bảo, là vì Bát-nhã không phân biệt, thiền định không thể tư duy, là chỗ y chỉ của công đức cho nên Bát-nhã như bảo vật thanh tịnh. Thiền định như bảo vật như ý. Tu tập Bồ-tát đại bi như nước trong sạch, đối với tất cả chúng sinh trong thế gian chỉ có một mùi vị nhuận hoạt. Ví như biển lớn chỉ có một vị mặn. Bồ-tát đại bi nhuận hoạt chúng sinh cũng như vậy. Cho nên 3 pháp này trong nhân địa làm sở y năng y, nên gọi là tổng nhiếp, nghĩa là gồm chung tất cả. Gọi biển pháp Như Lai là nhân nhiếp. Tiếp do quả nhiếp, là nói rõ pháp thân Như Lai có 3 thứ pháp và 3 thí dụ tương tự nên có thể gồm chung 3 thí dụ. Tương tự, là như mặt trời có 3: 1. Thể. 2. Quang. 3. Minh. Ba cái này tương tự như 3 thân. Ba pháp là: 1. Thần thông. 2. Lưu diệt. 3. Hiển tịnh.

Một, thần thông là ví như mặt trời có ánh sáng có thể trừ chướng từ cảnh giới tối tăm của vô minh làm tác dụng, nên tương tự với sự chiếu sáng của mặt trời.

Hai, lưu diệt là tận vô sinh trí có thể đốt cháy nghiệp phiền não khiến không còn sót làm tác dụng nên tương tự với ánh sáng của mặt trời. Nói diệt có nghĩa là chân trí có thể trừ hoặc. Cho nên với diệt gọi là tận, tức là khi hoặc không còn nữa gọi là giải thoát, cho nên cũng gọi với tận.

Ba, hiển tịnh là tận vô sinh cảnh gọi là chuyển y, vì cực kỳ thanh tịnh, không cấu bẩn, trong trẻo yên lặng, tương tự với vầng mặt trời. Thanh tịnh là giải thoát chướng diệt. Không cấu bẩn là tất cả trí chướng diệt. Trong trẻo yên lặng là khách trần không thể nhiễm, vì bản tính thanh tịnh. Chuyển y là hơn cả pháp y chỉ của 3 hạng người Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát.

Lại có 4 thứ tướng: 1. Sinh y. 2. Diệt y. 3. Thiện thục tư lương quả. 4. Pháp giới thanh tịnh tướng.

Một, sinh y là tương tục y chỉ vô phân biệt đạo của Phật. Nếu không duyên pháp này, vô phân biệt đạo không sinh. Do y duyên đây nên gọi pháp này là đạo sinh y.

Hai, diệt y là tất cả các hoặc và tập khí rốt ráo diệt không sinh, không có chỗ y chỉ. Nếu không y theo pháp chuyển y này mà rốt ráo diệt hoặc thì sự diệt hoặc của Thanh Văn Độc Giác với Phật không khác. Do không đồng như nhau, nên biết pháp này là chỗ y chỉ của sự diệt hoặc rốt ráo.

Ba, thiện thục tư lương quả, nghĩa là khéo thông suốt đúng đắn, cung kính dài lâu, tu tập sở tri chân như, không gián đoạn không thiếu sót, là chuyển y quả. Nếu trên đường tu tập, đó là nhân chuyển y. Nếu ở sau khi tu tập, thì gọi là quả. Nếu chuyển y không phải là quả của thiện thục tư lương, thì tự tính chư Phật phải thục tư lương lại, phải diệt lại, phải tịnh lại. Nhưng không phải như vậy, nên biết chuyển y là quả thiện thục tư lương.

Bốn, pháp giới thanh tịnh tướng, nghĩa là tất cả vọng tưởng ở trong diệt hết, nên pháp giới này quá sức tư lường quá sức ngôn thuyết có thể hiển hiện, cho nên lấy pháp giới thanh tịnh làm tướng. Đây tức là tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đạo đoạn, không thể giải thích làm rõ, mới là được lý chân như vô sở đắc.

Lại nữa, Như Lai chuyển y có 8 thứ pháp nhiếp trì. Tám pháp là: 1. Không thể tư duy lượng đạc. 2. Không hai. 3. Không phân biệt. 4. Thanh tịnh. 5. Chiếu rõ nhân. 6. Đối trị. 7. Lìa dục. 8. Lìa nhân của dục. Tám pháp này hợp lại có 2 ý: Một là lìa dục, tức diệt đế. Hai là lìa nhân của dục, tức đạo đế. Trước không thể tư duy lượng đạc v.v… 3 câu thuộc trong diệt đế. Tiếp đến thanh tịnh v.v… 3 câu thuộc trong đạo đế.

Trước tiên là lìa dục, có 3 câu:

Một là thế nào là không thể tư duy lượng đạc? Trong hữu vô v.v… 4 câu giác quán tư lường không thể thông đạt nên tất cả ngôn ngữ danh cú vị của chúng sinh không thể hiểu rõ. Chỉ có trí vô phân biệt của thánh nhân chứng biết, cho nên gọi là không thể tư lường.

Hai là không hai. Như trong kinh nói: “ Xá-lợi-phất ! Pháp thân chư Phật là pháp không hai, là pháp không phân biệt.” Nói hai, là phiền não và nghiệp gọi là hai. Pháp thân Như Lai không có hai pháp này, nên gọi là không hai.

Ba là không phân biệt. Phân biệt chính là nghiệp phiền não, tập tư duy bất chính. Do tư duy bất chính nên khởi hai. Do thông đạt tự tính nên diệt hai. Đó là hai và phân biệt. Không tương ưng không hành. Không tương ưng là thượng tâm phiền não không tương ưng cùng hành. Không hành là tùy miên phiền não không cùng tùy hành. Tức không tương ưng không hành hai xứ này. Cho nên nói pháp thân Như Lai khổ diệt cứu cánh, vĩnh viễn không sinh khởi. Vì sao như vậy? Không phải trừ diệt một pháp mà gọi là diệt. Vì bản lai không sinh nên gọi là diệt. Như trong Kinh Vô Thượng Y nói: “ A-nan ! Trong pháp không sinh không diệt, tâm, ý và thức quyết định không sinh.”

Giải thích: Tâm, tức 6 thức tâm. Ý là thức A-đà-na. Thức là thức A-lê-da. Trong 3 cái này không được sinh. Trong đây nếu không 3 thức thì không phân biệt. Phân biệt đã không thì cũng không có bất chính tư duy v.v… Đã không có 3 thức thì không khởi vô minh được. Vì vậy pháp thân Như Lai lìa bất chính tư duy nên không khởi vô minh. Nếu không khởi vô minh thì 12 hữu phần không bị sinh duyên, nên gọi là bất sinh. Lại nữa Kinh Thắng Man nói: “ Khổ diệt đó chẳng phải pháp diệt hoại, gọi là khổ diệt.” Hoại là phá kiến đế trong 3 cõi được Niết-bàn hữu dư. Diệt là trừ 4 thứ phiền não tư duy sinh tử, được Niết-bàn vô dư nên nói diệt. Hoại do khổ tên khổ diệt. Thời vô thủy chẳng phải tạo tác chẳng phải sinh không diệt lìa tận, thường trụ hằng tịch, tự tính trạm nhiên, thanh tịnh giải thoát. Tất cả phiền não công đức, quá Hằng sa số tương nhiếp chẳng tương ly, không lìa bỏ trí, không thể tư duy, cùng tương ưng với pháp Như Lai. Pháp thân Như Lai do chư Phật nói. Pháp thân Như Lai đó gọi là lìa dục.

Hai là nhân lìa dục là được pháp thân này là do kiến đế tu đạo. Do cảnh giới nên nói trí không phân biệt có 3 nghĩa tương tự với mặt trời. Vì vô lưu thanh tịnh tương tự với vầng mặt trời. Có thể chiếu rõ tất cả cảnh giới nên tương tự với sự chiếu sáng của mặt trời. Có thể trị tất cả tối tăm chướng ngại sự thấy rõ nên tương tự với ánh sáng mặt trời.

Giải thích: Tối tăm chướng ngại sự thấy rõ, nghĩa là đầy đủ tưởng, phiền não nạn, nghiệp nạn, quả báo nạn. Cụ túc tưởng, là lấy tùy miên phiền não làm nhân, 5 trần dục làm duyên, bất chính tư duy làm nhân câu khởi. Đủ 3 thứ này nên gọi là cụ túc tưởng, là tối tăm chướng ngại không thấy không biết như thật. Lìa dục pháp thân một cõi nên liền được sinh khởi. Như thế nên thấy nên biết pháp thân Như Lai lìa dục. Thế nào là thấy biết? Nghĩa là tư duy suy lường như thật, không thấy tưởng và không thấy cảnh. Cảnh, là tính phân biệt. Tưởng, là y tha. Không thấy 2 tính phân biệt y tha nên gọi là thấy biết một cõi chân thật. Lại nữa tưởng là nhân, cảnh là pháp. Không thấy cảnh tưởng nhân pháp này nên gọi là hai không. Như vậy tất cả các pháp Như Lai đều thấy đều biết do bình đẳng. Bình đẳng đã thông đạt như chân thật nên cảnh trí v.v… không tăng giảm, đó là bình đẳng quán. Pháp quán này có thể trừ cái tối tăm chướng ngại cái thấy chân thật, là nhân tự thân đến được pháp thân Như Lai, gồm trong kiến tu 2 đạo. Bởi nghĩa đó nhân lìa dục này không tách rời 2 pháp môn tu mà được thành tựu. Hai pháp môn tu là: một là lý tu, hai là lượng tu. Cho nên thế gian chỉ biết có 2 thứ một là nhân hai là pháp. Nếu có thể thông đạt hai không này thì vĩnh viễn được như thật tế, nên gọi là như lý. Như lượng tế, là tận cùng nguồn đạt thấu tính, cứu xét tận cùng nguồn gốc pháp giới nên gọi là tế. Tu như lý thì không hoại nhân pháp. Bởi vì sao? Như nhân pháp này bản lai diệu cực vắng lặng là tính nên không tăng không giảm, lìa có lìa không. Tướng vắng lặng, là tự tính thanh tịnh, các hoặc xưa nay không sinh. Thấy được hai không này gọi là tướng vắng lặng. Tự tính thanh tịnh tâm, là đạo đế. Hoặc vốn không sinh, tịnh tâm không chấp, là diệt đế. Tâm có tự tính thanh tịnh và có phiền não hoặc chướng. Như 2 pháp này trong giới vô lưu, thiện tâm ác tâm riêng tự hiện hành. Ở trong một niệm 2 tâm không tương ưng, nên 2 pháp này khó có thể thông đạt. Như Kinh Thắng Man nói: “ Thế Tôn ! Thiện tâm niệm niệm diệt không trụ, các hoặc không thể nhiễm. Ác tâm niệm niệm diệt, các hoặc cũng không nhiễm. Thế Tôn ! Phiền não không xúc tâm, tâm không xúc phiền não. Sao không có pháp xúc mà có thể nhiễm tâm được? “ Biết như vậy là trí như lý. Trí như lượng, là rốt ráo biết cùng tận tất cả cảnh, gọi là trí như lượng. Nếu thấy tất cả chúng sinh trái nghịch trí như cảnh thì thành sinh tử, nếu theo trí cảnh thì được Niết-bàn. Tất cả pháp của Như Lai do nghĩa này nên gọi là như lượng. Đến sơ địa Bồ-tát được 2 trí này do thông đạt lý biến mãn pháp giới, nên sinh tử Niết-bàn 2 pháp đều biết. Lại nữa 2 trí này là tự chứng trí kiến, do tự mình được hiểu rõ không được từ người khác. Vì chỉ tự được chứng tri không làm cho người khác biết được, nên gọi là tự chứng tri kiến. Lại nữa 2 trí này có 2 thứ tướng: một là vô trước, hai là vô ngại. Nói vô trước, là thấy chúng sinh giới tự tính thanh tịnh, gọi là vô trước, đó là tướng của trí như lý. Vô ngại, là có thể thông đạt quán vô lượng vô biên giới, cho nên gọi là vô ngại, đó là tướng của trí như lượng. Lại nữa 2 trí này có 2 nghĩa, trí như lý là nhân, trí như lượng là quả. Nói như lý là nhân, là có thể làm nhân sinh tử và Niết-bàn. Như lượng là quả, là do lý này nên biết thành tựu đầy đủ trong các pháp chân tục của Như Lai. Lại nữa trí như lý là nhân thanh tịnh. Trí như lượng là nhân viên mãn. Nhân thanh tịnh là do trí như lý, 3 hoặc diệt tận. Nhân viên mãn là do trí như lượng, 3 đức viên mãn. Không thể nghĩ bàn, không hai, không phân biệt 3 cái trước là lìa dục. Thanh tịnh, chiếu rõ, đối trị, 3 cái là lìa dục nhân. Đó gọi là 8 thứ công đức chuyển y nhiếp trì của Như Lai.

Lại nữa, pháp thân chuyển y có 7 tên: 1. Chìm mất, vì chìm mất thủ ấm. 2. Vắng lặng, vì các hành không sinh. 3. Lìa bỏ, vì lìa bỏ các trợ bạn khác. 4. Quá độ, vì ra khỏi 2 khổ. 5. Nhổ bỏ, vì nhổ bỏ bản thức. 6. Tế độ, là tế độ 5 sự sợ hãi. 7. Cắt đứt, là cắt đứt khổ báo trong 6 đường.

Giải thích: Nói thủ ấm chìm mất , nghĩa là thủ gọi là tham ái, có 4 thứ: 1. Dục 2. Kiến thủ 3. Giới thủ 4. Ngã ngữ thủ.

Thủ có 2 nghĩa, một là thụ thủ hai là thụ tư lương. Thụ thủ là như nhân thụ sinh ái. Thụ tư lương là vì tham thụ này nên lấy 4 thứ tư lương. Bốn tư lương tức là 4 thủ: Một là dục thủ, là tham 6 trần của cõi Dục. Hai là kiến thủ, là trong cõi Dục chỉ trừ giới thủ với thường kiến 2 thứ còn lại 4 kiến, gọi là kiến. Tham ái kiến này gọi là kiến thủ. Ba là giới thủ, là trong 3 cõi lấy thế gian tà chính 2 đạo làm lìa khổ được vui, gọi là giới. Tham trước giới này nên gọi là thủ. Bốn là ngã ngữ thủ. Ngã ngữ là duyên nội thân, nên tất cả nội pháp là ngã ngữ. Tham trước nội pháp, gọi là ngã ngữ thủ. Sắc giới và Sắc giới định duyên nội pháp thành, nên gọi là ngã ngữ. Tham trước định này gọi là thủ. Bốn thủ này trước 2 thuộc đoạn kiến, chỉ chấp hiện tại cho rằng không có vị lai, sau 2 thuộc thường kiến vì chấp có vị lai. Lại nữa trước 2, là người tại gia khởi, sau 2 là người xuất gia chấp. Lại nữa trước 2 là nhân đấu tranh của tại gia xuất gia, sau 2 là nhân tu hành của tại gia xuất gia. Lại nữa trước 2, dục thủ là sở thành, kiến thủ là năng thành, sau 2, ngã ngữ là năng thành, giới thủ là sở thành. Lại nữa, tiếp đến ấm có nhiều nghĩa có giải thích riêng. Nay lược nói rõ 2 nghĩa: Một là có khả năng sinh thủ. Năm ấm của phàm phu có thể làm nhân duyên của thủ. Hai là từ thủ sinh, tức 5 ấm này là quả thủ của chính chúng, nên nói là thủ ấm. Nhưng nói là chìm mất, nghĩa là trong pháp thân nhân quả đều không, nên gọi là chìm mất. Thủ vì đối trị nên chìm, ấm vì báo hết nên gọi là mất. Cho nên nói pháp thân là ước theo thủ ấm vĩnh viễn không còn, đó là chìm mất.

Hai là các hành vắng lặng, nghĩa là tất cả pháp hữu vi gọi là hành vì tương ưng với 4 tướng. Bốn tướng là sinh, dị, trụ và diệt. Tất cả pháp hữu vi đại loại thời gian trước tương ưng với tướng sinh, thời gian sau tương ưng với tướng diệt, thời gian giữa tương ưng với tướng dị và trụ. Việc hiện hành không dứt nên gọi là hành. Pháp thân Như Lai thì không như vậy, trước không sinh sau không diệt khoảng giữa không bệnh, lão, trạm nhiên thường trụ. Không sinh nên nói tịch, không diệt nên nói tĩnh. Ước theo trước không sinh lại, vì lìa ý sinh thân. Ước theo sau không chết nữa, vì đã qua sự không thể tư duy thoái đọa. Ước trước sau không bị tổn ô uế, vì quá vô minh trụ địa phiền não bệnh.

Ba là lìa bỏ các tàn dư. Các tàn dư là người Nhị thừa có 3 cái tàn dư: 1. Phiền não tàn dư, tức là vô minh trụ địa. 2. Nghiệp tàn dư, tức vô lậu nghiệp. 3. Quả báo tàn dư, tức ý sinh thân. Một, phiền não tàn dư phải diệt. Hai, đạo tàn dư phải tu. Ba, hư vọng tàn dư phải trừ. Như Lai đã lìa hư vọng nên nói là vô dư. Nhị thừa chưa lìa nên gọi là hữu dư. Như Lai chuyển y pháp thân đã qua khỏi 4 thứ sinh tử nên tất cả phiền não hư vọng đã diệt hết, tất cả đạo đã tu, bỏ sinh tử xả đạo đế, nên 2 cái này không 4 đức, duy chỉ pháp thân riêng trụ 4 đức viên mãn. Đó gọi là lìa bỏ các tàn dư.

Bốn là quá độ 2 khổ. Khổ là nghĩa trái nghịch. Nghịch có 2, một là trái ý thánh nhân, là thánh nhân oán vì não hại thánh. Hai là trái nghịch thánh ý vì thánh có thể trừ nó. Hai khổ là: Một là phàm phu khổ lạc 2 thụ. Hai là thánh nhân hành khổ, tức xả thụ. Lại nữa 2 là một thân khổ, hai tâm khổ. Lại nữa 2 là một danh khổ, hai sắc khổ. Lại nữa 2 là một Nhị thừa giới nội khổ, hai là Bồ-tát giới ngoại khổ. Cho nên trong pháp thân địa không có Nhị thừa thô khổ cho nên gọi là quá, không có 4 thứ tế khổ sinh tử của Bồ-tát nên gọi là độ. Đó là quá độ 2 khổ.

Năm là nhổ bỏ A-lê-da. A-lê-da là dựa vào ẩn làm nghĩa, là gốc của sinh tử, có thể sinh ra 4 thứ nhánh nhóc. Bốn nhánh nhóc đó là: Phiền não có 2, nghiệp 1, quả báo 1. Trước tiên phiền não gốc có 2: Một là tất cá các kiến, lấy vô minh làm gốc, vô tướng giải thoát môn làm đối trị. Hai là lìa các kiến ra tất cả các phiền não, lấy tham ái làm gốc, vô nguyện giải thoát môn làm đối trị đạo. Tiếp đến nghiệp gốc 1, là lấy phàm phu tính làm gốc. Phàm phu tính là tức thân kiến. Tiếp đến quả báo gốc 1, là tất cả quả báo sinh tử dựa vào thức A-lê-da làm gốc, bởi chưa lìa thức này thì quả báo chưa dứt. Trong pháp thân do 2 đạo nên 2 đời diệt hết, cho nên gọi là nhổ bỏ. Nói 2 đạo là: Một là vô phân biệt trí, có thể nhổ bỏ hư vọng hiện tại, có thể thanh tịnh pháp thân, tức gọi là tận trí. Hai là vô phân biệt hậu trí có thể khiến hư vọng vị lai vĩnh viễn không khởi được. Viên mãn pháp thân , tức vô sinh trí. Nhổ, là thanh tịnh diệt hoặc hiện tại. Bỏ, là viên mãn đoạn dứt hoặc vị lai.. Cho nên gọi là nhổ bỏ.

Sáu là cứu tế 5 sự sợ hãi. Năm sợ hãi là: 1. Sợ tự trách. 2. Sợ người trách. 3. Sợ trị phạt. 4. Sợ ác đạo. 5. Sợ các tập. Một, sợ tự trách là như người làm các tội ác, ngày đêm sợ hãi. Hai, sợ người trách là đã tự làm ác thường sợ người khác và các thiên thần vô hình thấy mà ôm sự sợ hãi. Ba, sợ trị phạt là thân đã làm ác thường sợ luật pháp trị tội. Bốn, sợ ác đạo là đã có tội nên sợ sinh vào ác đạo. Năm, sợ chúng tập là 3 nghiệp bất tịnh với sự hiểu biết không sâu, hằng sợ hãi các đức. Nếu người đã chứng thấy pháp thân thì lìa 5 sự sợ hãi này. Cho nên nói pháp thân là tế độ 5 sợ hãi.

Bảy là cắt đứt quả báo 6 đường. Đường có nhiều nghĩa, lược nói 2 thứ: Một là hành xứ gọi là con đường. Năm ấm là sở hành xứ. Ba đời là năng hành. Lại lấy nơi 4 khổ sinh lão bệnh tử dạo qua nên gọi là con đường. Hai là 6 thứ giống nhau khác nhau gọi là con đường, như người giống người khác, đối với 5 con đường khác cũng vậy là loại giống loại khác. Sao gọi là con đường? Có 2, một là nơi chúng sinh luân chuyển, hai là nơi nghiệp đi tới. Lấy 2 nghĩa này đặt tên là con đường. Pháp thân Như Lai thì không có con đường này. Nếu hữu dư Niết-bàn nghiệp hết quả luân chuyển của chúng sinh chưa hết. Vô dư Niết-bàn thì nhân quả 2 thứ đều hết cho nên gọi là đoạn diệt 6 đường. Nếu có nơi nói pháp thân Như Lai thì biết tương ưng với 7 tên này. Nói thế là đủ. Lại nữa nói tướng của pháp thân, là các khổ tĩnh dứt là tướng của pháp thân vì tĩnh khổ duyên. Lại nữa nói mùi vị của pháp thân thì mùi vị có 2, một là không thoái đọa nên gọi là vị, hai là an lạc nên gọi là vị. Chúng sinh ở trong sinh tử, cho đến trong mơ đều chưa từng thấy. Nếu người tu chính hạnh cầu thấy pháp này, khi thấy được tức được an lạc không thoái lui, lấy an lạc làm vị. Lại nói sự của pháp thân, sự là lấy vô tướng làm sự vì trong đó tướng 5 ấm đều hết không còn sót. Lại lấy không hý luận làm sự. Hý luận có 3 là tham ái, ngã mạn và các kiến. Vì 3 hý luận này Như Lai đã diệt hết, nên lấy không hý luận làm sự. Hý luận có 3 nghĩa: 1. Hay trái chướng thật lý. 2. Luống dối thế gian. 3. Chướng cách giải thoát. Trước tiên trái chính cảnh. Tiếp nghịch chính hạnh. Sau là trái chính đắc. Hợp 3 nghĩa này là hý luận. Lại hý luận có 9 thứ: 1. Chấp chung là ngã. 2. Đích thị chấp là ngã. 3. Chấp ngã tái sinh. 4. Chấp ngã không tái sinh. 5. Chấp ngã hữu sắc phải sinh. 6. Chấp ngã vô sắc phải sinh. 7. Chấp ngã hữu tưởng phải sinh. 8. Chấp ngã vô tưởng phải sinh. 9. Chấp ngã phi tưởng phi phi tưởng phải sinh.

Một, chấp chung là ngã, nghĩa là trong 5 ấm chấp chung là có ngã mà không phân biệt tức và ly, chỉ chấp một cách mơ hồ.

Hai, là ngã, nghĩa là trong 5 ấm của đời này tùy lấy 1 ấm chấp làm ngã. Nói là, nghĩa là đích thị. Định là 2 chỗ: một định ở trong đời hiện tại, hai, định chấp nơi 1 ấm. Cho nên nói đích thị là

Ba, chấp ngã tái sinh, nghĩa là tất cả kiến chấp không ra ngoài 2 thứ hữu vô. Do hữu kiến nên chấp thường. Trong vô kiến lại có 2 thứ: 1. Tà kiến, là tất cả không nhân không quả và bác bỏ 3 đời. 2. Đoạn kiến, là cho rằng chỉ có hiện tại, không tin có vị lai.

Bốn, chấp ngã không tái sinh, nghĩa là chấp này nhân đoạn kiến khởi.

Năm, chấp ngã hữu sắc phải sinh, nghĩa là trong Dục giới và Sắc giới lấy sắc làm ngã. Chấp này nhân thường kiến khởi.

Sáu, chấp ngã vô sắc phải sinh, nghĩa là trong Vô sắc giới chấp thụ tâm pháp làm ngã quán sắc hoại diệt. Ba pháp này bất diệt nhân thường kiến khởi.

Bảy, chấp ngã hữu tưởng phải sinh, nghĩa là trong 3 cõi trừ trời vô tưởng và phi tưởng, ngoài ra các xứ khác đều chấp hữu tưởng làm ngã, nhân thường kiến khởi.

Tám, chấp ngã vô tưởng phải sinh, nghĩa là chấp trời vô tưởng và cỏ cây v.v… là ngã, bởi đồng với vô tưởng tâm, nên do nhân thường kiến khởi.

Chín, chấp ngã phi tưởng phi phi tưởng phải sinh, nghĩa là chấp này cho rằng hữu đỉnh xứ là ngã, lấy quán tưởng là trói buộc, chấp Niết-bàn là hầm hố sâu, nếu không trừ tưởng không làm sao giải thoát vì có sự trói buộc. Nếu trừ bỏ tưởng lại sợ mất ngã rơi vào hố sâu Niết-bàn. Bởi vì sao? Vì tưởng với ngã không được tách rời nhau. Cho nên không được bỏ với không bỏ. Vì trói buộc nên muốn trừ tưởng, gọi là phi tưởng. Sợ mất ngã nên không dám bỏ hẳn, mới gọi phi phi tưởng. Do tâm tán loạn này nên không được Niết-bàn. Nói những tên gọi như vậy là hý luận. Nếu có thể quán chứng pháp thân, tất cả hý luận đều không sinh nữa.

Ngoại nói: Trong pháp thân cần gì lập các nghĩa của tướng này? Như chỗ ông lập pháp thân phải quyết định là không, vì không thể cháp. Nếu vật không phải do 6 thức được thì quyết định là không, như sừng con thỏ. Sừng thỏ không phải do 6 thức mà được, nên chắc chắn là không. Pháp thân cũng vậy. Cho nên pháp thân quyết định là không. Còn dùng nghĩa làm gì?

Đáp: Ông nói không phải do 6 thức thấy được, nên pháp thân là không có, nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Vì do phương tiện có thể chứng Niết-bàn. Tương xứng với chính hạnh là phương tiện. Do phương tiện này cho nên pháp thân có thể biết có thể thấy. Ví như do tha tâm thông có thể thấy được xuất thế thánh tâm.

Giải thích: Tha tâm thông, nghĩa là có 3 thứ nhân duyên được 2 là phương tiện. Một là chính đạo phương tiện. Hai là một nhân thiên nhĩ, hai do thiên nhãn. Nhân thiên nhĩ nên nghe giác quán tiếng nói, do tiếng nói này nên được biết tâm người khác. Dựa vào thiên nhãn có thể thấy các lỗ trong quả tim có nước, tướng của nước đó nếu đen thì biết là si, sinh vàng biết là tham, đỏ thì biết là sân, thanh bạch thì biết là thiện, thấy xanh nhạt biết là vô ký. Nhân nơi mắt tai làm phương tiện nên so sánh biết tâm người khác. Tiếp đến, chính đạo nghĩa là muốn được tha tâm thông phải duyên tự tâm, trước tu quán hạnh. Không dùng tâm hiện tại quán tâm hiện thế. Tự thể không được thấy nhất thời. Cho nên dùng tâm hiện tại có thể quán tâm quá khứ. Bởi vì sao? Vì có thể truy duyên từ xa đến gần, lần lượt hướng ra sau. Ban đầu thì quán vô lượng niệm. Như vậy dần dần đến một sát-na, cho đến diệt một sát-na ở trong quán tự tâm mà được tự tại. Nhiên hậu lấy tâm của người đối diện làm cảnh giới của mình để tu quán hạnh. Trước tiên lúc mới nhập quán, phải có tâm nguyện khởi ý thời kỳ cần thiết. Trước phải giả tưởng quán người đối diện thân tướng đầy đủ. Như vậy mổ xẻ trừ bỏ da thịt xương 3 tướng đều hết chỉ còn lại tâm, tu tập thật tinh vi kỹ lưỡng, duyên tâm người đối diện, tùy theo lợi độn, xa gần, xa xúc, tự có thể thấy suốt. Như chỗ sở duyên đó ta đều có thể thấy các thứ tâm, nên như tha thánh tâm. Tuy quá cảnh của 6 căn cũng có thể thấy được. Pháp thân Như Lai cũng như vậy. Tuy chẳng phải 6 thức thấy, mà do phương tiện chính hạnh có thể thấy. Cho nên biết là có không thể đồng với không. Lại nữa còn có nghĩa khác, biết được pháp thân không phải không có. Bởi vì sao? Nếu pháp thân là không, thì các chính hạnh đều phải không, phải mất. Bởi vì chính kiến là hạnh trước tiên gồm giới định tuệ các thiện pháp. Cho nên chỗ tu hành không thể không có quả. Do đó chính hạnh này có thể được quả. Cho nên biết pháp thân chẳng phải không. Nếu ông nói pháp thân nhất định là không, mà chính hạnh có thể khiến đến 5 ấm nhập v.v…diệt hết, cho nên biết rằng chính hạnh chẳng phải không quả, nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Vì Niết-bàn chẳng có. Nếu 5 ấm v.v…. là không tức là Niết-bàn, thì quá khứ vị lai 2 đời đều không có ấm phải là Niết-bàn, mà ấm của 2 đời này là không có chỗ. Đã chẳng phải Niết-bàn nên biết là không thủ. Chỗ không có ấm gọi là Niết-bàn. Lại nữa nếu ông lấy đây làm Niết-bàn thì người cuồng say v.v… phải có Niết-bàn, nhưng mà không, cho nên biết chỗ không có ấm, chẳng phải Niết-bàn. Lại nếu ông nói hiện thế 5 ấm không, tức là Niết-bàn, thì nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Vì không là không. Nếu pháp hiện tại thì chẳng phải là không, vì mâu thuẫn lẫn nhau. Nếu pháp đã diệt thì chẳng phải hiện tại, nếu hiện tại thì không diệt, vì cái có và không không được song song cùng tồn tại.

Lại nữa, y vào ấm hiện tại, khi tu thánh đạo phải không được Niết-bàn. Cho nên 8 thánh đạo y 5 ấm hiện tại được thành, là khi ấy 5 ấm hiện thế thật có, chưa không. Trong đó vĩnh viễn không được nghĩa Niết-bàn. Thế là thế nào? Ông chấp cho rằng hiện thế 5 ấm không có chỗ gọi là Niết-bàn. Y vào hiện 5 ấm tu 8 chính đạo được

Niết-bàn, cho nên ông chấp hiện thế 5 ấm không, gọi là Niết-bàn, nghĩa đó không đúng. Nếu ông nói rằng khi ấy phiền não chẳng phải hiện tại cho nên không có lỗi, thế cũng không đúng. Nếu ông nói khi tu 8 thánh đạo, 5 ấm hiện tại, thì các phiền não chẳng phải là hiện thế, vì khi ấy phiền não không sinh được, cho nên do 8 thánh đạo được chứng đắc kiến. Cho nên hiện thế được Niết-bàn, nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Phiền não trước tiên chẳng phải hiện thế, nên tu đạo là vô dụng. Khi tu thánh đạo các phiền não đó chưa trừ diệt, nên ông thấy chẳng phải tương ưng, liền bảo là chẳng phải hiện thế. Nếu theo nghịch lưu, khi mới tu hành, phiền não đã không tương ưng. Cái không tương ưng này là chẳng phải hiện thế. Đây tức là cái ông chấp cho là Niết-bàn. Nếu ông chấp đây là Niết-bàn thì khi thánh đạo chưa khởi đã phải diệt hoặc, vì đã được Niết-bàn, cho nên sau tu thánh đạo thì lại vô dụng. Tám thánh đạo này có thể diệt các hoặc và được Niết-bàn là không có nghĩa. Cho nên biết rằng cái nơi phiền não diệt không gọi là Niết-bàn. Nếu ông nói do thánh nói cho nên diệt hết tất cả dục là Niết-bàn, như Kinh Cát Tường có kệ nói:

Diệt hết và lìa dục,

Không chết đọa vi diệu.

Nếu người thấy kinh này,

Thành Phật được tịch diệt.

Không pháp cùng với đây,

Nếu chứng thì không lo.

Là chân diệu pháp bảo,

Do nghĩa cát tường này.

Nếu ông nói dục v.v… các hoặc chẳng phải hiện thế, chẳng phải hữu tức là hết, do 3 nghĩa này gọi là diệt đế thì nghĩa không phải vậy. Bởi vì sao? Vì quả thứ tư đồng với nghĩa này. Trong kinh Phật nói: “ Thế nào là quả A-la-hán? Do hết hoặc trong 3 cõi là quả La-hán.” Chỉ lấy sự diệt dục v.v… làm quả thì quả này không đúng như vậy. Chính vì quả báo xuất thế, 4 ấm, giới v.v… 5 thân là quả A-la-hán. Chỉ do hoặc này diệt mà được thành quả La-hán. Cho nên trong quả nói tên nhân này. Niết-bàn cũng vậy. Do Niết-bàn nên các hoặc được diệt. Cho nên trong nhân nói tên quả. Cho nên ông nói do 8 thánh đạo có thể được Niết-bàn đạo bất không, nghĩa đó không phải vậy. Lại nữa, thời gian pháp thân trụ ngắn sát, pháp tướng hữu vi, phi công dụng được, là 3 lầm lỗi, nghĩa của ông hỏng. Nếu ông nói dục v.v… các hoặc diệt gọi là pháp thân thì trong chỗ lập nghĩa của ông có 3 lỗi: 1. Thời gian trụ ngắn sát. Ngắn sát nghĩa là các pháp niệm niệm không dừng trụ, gọi là diệt tận. Vì diệt tận nên không tạm dừng. Ông làm sao lập đây là nghĩa diệt tận? Là pháp thân ư? Vì thời gian ngắn sát cho nên mất cái nghĩa thường của pháp thân. 2. Lỗi lầm về pháp tướng hữu vi, là nếu cái diệt tận này là pháp thân, thì pháp thân là pháp tướng hữu vi. Pháp thân nếu là pháp tướng hữu vi là không có chuyện đó. 3. Lỗi về phi công dụng, là tất cả các pháp dựa vào nhân duyên mà diệt là tự tính. Bởi vì sao? Vì diệt là gốc, cho nên nếu diệt mà phi công dụng được, thì pháp thân cũng không nhân nơi công dụng mà được. Đã không công mà được thì những kẻ ngủ mê, cuồng say cũng đều phải được Niếtbàn. Do 3 lỗi này nên nghĩa của ông bất thành. Lại nữa nếu diệt tận là Niết-bàn thì tương ưng với pháp hữu vi, bởi diệt cũng đồng với 2 pháp động khổ. Các pháp hữu vi đều bị dục v.v… các lửa hoặc thiêu đốt, cho nên hằng tán động không dừng trụ, tức bị sinh, lão, tử v.v… hủy hoại nên hằng khổ. Như Phật nói: Tì-khưu ! Sinh lão tử v.v… là pháp hữu vi. “ Cho nên tất cả hữu vi là hằng thiêu đốt hằng khổ, là chết tức là diệt tận. Cái diệt tận này là hữu vi. Nếu là hữu vi cho nên biết ông lập pháp thân không được là thường. Đã là chẳng phải thường thì nghĩa của ông làm sao lập? Bởi vì sao? Là nghĩa của ông chấp cái vô cùng tĩnh làm động, vô cùng lạc làm khổ, cho nên không phải như vậy. Nếu ông nói từ một cái diệt này vĩnh viễn không sinh trở lại, đó là Niết-bàn, nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Vì không rời khỏi các lỗi trước. Cái vĩnh diệt ông nói không khác cái diệt của sống và chết, cho nên nghĩa không thể được. Nếu ông nói vĩnh diệt là Niết-bàn, thì đạo cũng phải thành Niết-bàn. Bởi vì sao? Không có một cái diệt nào vĩnh viễn không sinh lại. Không có pháp như thế. Nay tôi theo ý ông nói nguyện của tôi có cái diệt này. Nếu có cái diệt này thì hoàn toàn không thể lìa các lỗi trước. Lại đạo sau khi diệt, phiền não cũng không sinh lại. Nếu bảo vĩnh diệt là Niết-bàn thì lấy diệt phải là Niết-bàn. Lại nữa nếu ông nói năng diệt là Niết-bàn thì không có cái Niết-bàn khác để làm năng diệt, chỉ lấy đạo dụng chính là năng diệt. Cho nên biết đạo thể mới có thể làm diệt. Nếu ông nói phiền não không sinh là Niết-bàn thì nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Vì không khỏi 2 lỗi. Nếu phiền não không sinh, tức đồng thể với diệt tận như tử diệt ở trước v.v… 5 lỗi. Cái không sinh đó là ở trước đạo hay sau đạo? Nếu ở trước đạo, có nghĩa là khi chưa tu đạo đã phải được rồi, còn tu đạo làm chi? Nếu sau đạo, tức thuộc vị lai. Quá nghĩa 3 đời thì không thành lập. Lại ông lập không sinh, nghĩa ấy như thế nào? Là có hoặc nên không sinh hay không có hoặc nên không sinh? Nếu có phiền não thì không có không sinh. Bởi vì sao? Hai pháp có không, được đồng thời hiện hữu. Ví một như người khi đi thì không đứng, khi đứng thì không đi. Vì 2 pháp mâu thuẫn nhau không thể vừa đi vừa đứng. Cho nên biết khi có phiền não thì không lập được vì không sinh. Nếu không phiền não lập không sinh, bấy giờ phiền não đã không thì lấy cái gì mà nói không sinh? Ví như người ta nói người con gái thạch nữ không thể sinh con. Lại nữa ông lập phiền não không sinh, đó là có vật hay không có vật? Có vật, là như 4 đại v.v… có thật pháp, có giả danh gọi là có vật. Không có vật, là như hoa đốm giữa hư không, sừng con thỏ v.v… hoàn toàn tự nó không có, nên nói không có vật. Nếu nói là có vật, thì do 4 duyên tạo thành. Bốn duyên tạo thành nên nghĩa không sinh không lập. Do nghĩa này thì hữu vi vô vi là không khác nhau. Nếu ông nói vật có, không, là do 4 duyên tạo thành tức đồng với tà kiến ngoại đạo chấp tự tính lân hư, ngã, thời, phương v.v… Nếu không có vật, là Niết-bàn thì chỉ là danh tự, như người ta nói sừng con thỏ nhọn. Nếu vậy tức đồng với chỗ phá chấp ở trước, là tu đạo vô dụng.

Ngoại nói: Nếu không lấy không sinh làm Niết-bàn, sao Phật nói hết cái không sinh diệt là Niết-bàn, đó sao?

Đáp: Đạo y vào Niết-bàn có thể khiến phiền não vị lai không sinh. Hiện tại là trong diệt nhân nói quả, nên gọi Niết-bàn là hết cái không sinh diệt.

Ngoại nói: Vì sao quả nói tên nhân mà không lấy thẳng thể của quả tự gọi tên?

Đáp: Vì cực kỳ vi tế. Trong tất cả pháp không có pháp tinh tế vi diệu như Niết-bàn. Cho nên được pháp này tất cả dục v.v…các hoặc diệt không sinh lại. Nên mượn cái tên thô này làm rõ cái lý vi tế. Lý tướng có thể biết, cho nên trong kinh này nói như vậy.

Hỏi: Làm sao biết Niết-bàn này là cực kỳ vi tế?

Đáp: Đại tiên không muốn thuyết pháp, vì thánh trí vô phân biệt biết được. Đại sư quán Niết-bàn cực kỳ vi tế, quán căn tính chúng sinh không tương xứng, cho nên tâm Phật hồi hướng về tịch diệt nhập Niết-bàn không muốn thuyết pháp. Cho nên kinh nói: “ Ta thà không thuyết pháp mau nhập Niết-bàn vậy.” Thánh trí vô phân biệt biết được, là như Kinh Ma-kiện-trì nói: “ Thế Tôn ! Nếu Niếtbàn là có, thì tôi nay tự có thông minh lợi trí, sao không thấy? Phật nói: Niết-bàn thật có. Nay ông chưa được thánh trí vô phân biệt nên không thấy được vì nó vi tế, không phải do văn tuệ mà được vì nó chân thật, không phải do tư tuệ được, vì tư tuệ có thể thông đạt cả hai chân đế và tục đế, không khắp giáp được cõi diệu lý vô tư vì rất sâu, không phải thế gian tu tuệ mà được, tu tuệ chỉ được lý cạn chưa thể thông đạt lý sâu. Do sự vi tế này mà ngôn ngữ không thể nói được, vì vậy mượn thô danh để làm rõ diệu lý. Do thánh trí vô phân biệt thấy được, nên nói vi tế được thành.

Ngoại nói: Nếu Niết-bàn là do tu đạo mà được thì với người chưa thể tu đạo là không được tương ưng. Đã không tương ưng nên không chung. Nếu không chung tức là vô thường.

Đáp: Nếu từ trở về trước là không, trở về sau là có, thì có thể nói là vô thường. Vì không có nghĩa này nên trước không có, nói là vô sinh. Nếu ông nói khi chưa tu đạo không thể được nên không vô sinh là không phải nghĩa như vậy. Bởi vì sao? Vì chẳng phải do đạo sinh ra. Pháp này là quyết phải nhân nơi đạo mà đến được chứ chẳng phải đạo có thể sinh ra. Cho nên khi chưa tu, không được nói là không có. Thế đó là lập nghĩa của vô sinh. Không có sau, nên không có diệt, trung gian không nghiệp phiền não nên không biến đổi. Do không có 3 lỗi sinh ra, biến đổi khác, diệt mất nên nói là thường trụ, không giống như ngoại đạo lấy sự không có nhân cũng gọi là thường trụ. Nghĩa đúng là không lấy nhân làm pháp thường trụ. Như Niếtbàn không do nhân mà có. Ông bảo lân hư v.v… cũng không do nhân nên là có, là không có nghĩa như vậy. Bởi vì sao? Niết-bàn lìa có lìa không, 4 pháp chống báng cũng không kịp được, vì không do nhân duyên nên được cái thường ấy. Ông chấp lân hư đã có, có nên không được không nhân, mà là có nhân tức vô thường rồi. Nếu ông nói Niết-bàn không có 3 lỗi nên thường trụ, thì lân hư v.v… cũng không 3 lỗi nên thường trụ, nghĩa đó không đúng. Bởi vì sao? Vì sự chứng nghĩa tướng của ông không thành tựu. Niết-bàn thường trụ không đồng tướng khác tướng với lân hư. Lân hư v.v… là có phân biệt, không có chứng nghĩa được thành. Niết-bàn là không phân biệt nên Niết-bàn thường trụ. Lân hư v.v…thường trụ là lập không được. Lại nữa lân hư v.v… cũng không thành tựu. Bởi vì sao? Bởi không độc lập thành một nhóm được, nên không thành nghĩa độc lập, vì 4 đại không tách rời nhau. Nếu tụ nhóm cũng không thành tựu, vì tướng thô nên cũng chẳng phải là lân hư trần. Nếu tách rời Niết-bàn thì không có một pháp, vì là thường trụ. Bởi Niết-bàn là thật có, thường trụ, y phương tiện được giải thoát. Cho nên tu đạo chẳng phải luống qua một cách vô bổ, vì có Niết-bàn. Tiền tế v.v… vì không, nên biết thường trụ. Vượt quá tướng các sắc nên nói phi sắc, không lìa các sắc tướng thanh lương nên nói phi phi sắc. Đại công dụng, trí vô phân biệt đạt được nên nói thật có nhân xuất thế. Đại tinh tiến là con đường thành tựu Phật đạt được nên biết thật có. Như trong kinh nói: “ Tì-khưu ! Pháp này là thật có, không sinh, không khởi, không tạo, không tác.” Cho nên biết Niết-bàn thật tường trụ. Pháp này là Như Lai chuyển y cho nên gọi tên là tổng nhiếp, cũng gọi là tương ưng.

Phẩm 6: PHÂN BIỆT

Lại nữa phải biết nghĩa của tướng phân biệt. Phân biệt là tính Như Lai rõ biết tất cả pháp như như thanh tịnh. Đó là thông tướng. Như trong các Kinh Bát-nhã có nói tất cả pháp là pháp 3 tính. Như như, là tục như tức chân như, chân như tức tục như, chân tục 2 như, không khác biệt. Thanh tịnh, có 2 thứ: Một là trong nhân như như, chưa được vô cấu quả địa như như, không cấu uế nữa. Hai là nhân quả đều tịnh. Trong nhân là thanh tịnh vô nhiễm vì đến quả là thanh tịnh vô cấu. Các nghĩa như thế là thông tướng của Phật tính. Để hiển thị nghĩa này, Phật nói các Kinh Bát-nhã Ba-la-mật. Trong Phật tính đó, phân biệt chúng sinh tự có 3 thứ: Một là không chứng kiến Phật tính, gọi là phàm phu. Hai là có thể chứng kiến Phật tính , gọi là thánh nhân. Ba là chứng đến lý này rốt ráo thanh tịnh, gọi là Như Lai. Lại nữa, theo Phật tính này chúng sinh có 3 sự dụng: Một là điên đảo làm sự dụng. Hai là không điên đảo làm sự dụng. Ba là không điên đảo không tán loạn, có pháp riêng làm chính sự dụng. Điên đảo, là tất cả phàm phu. Không điên đảo, là tất cả hữu học thành nhân. Không điên đảo tán loạn, là đạo hậu pháp thân. Có pháp riêng làm chính sự là ứng hóa 2 thân để hóa độ chúng sinh do sức bản nguyên đại bi. Nói điên đảo, nghĩa là tất cả phàm phu có 3 điên đảo là tưởng, kiến và tâm, tức so sánh 3 phiền não như ở ngoài da, trong thịt và trong lòng. Hai là không điên đảo, là không hoặc không hành 2 thứ điên đảo, tức tất cả Bồ-tát hữu học thánh nhân. Mê hoặc điên đảo, là trái nghịch chân như nên khởi tất cả phiền não, gọi là hoặc đảo. Hành đảo, là người Nhị thừa phải tu thường v.v… 4 đức, ngược lại 4 điên đảo hành Bồ-đề đạo mà nay không tu, chỉ tu vô thường, khổ v.v… làm nhân giải thoát nên gọi là hành đảo. Đây là làm rõ không nghiêng về tu hạnh Tiểu thừa. Lìa 2 điên đảo này nên nói Đại thừa hữu học thánh nhân. Ba là không điên đảo tán loạn có pháp riêng làm chính sự, nghĩa là diệt trừ 3 chướng của thiền định, giải thoát và nhất thiết trí nên pháp giới trong lặng, tịch tĩnh thanh tịnh, không trần cấu nào không xả, chính sự bản nguyện đại bi hằng hóa chúng sinh, gọi là Như Lai. Cho nên theo tính này phân biệt chúng sinh, gọi là tướng phân biệt.

Phẩm 7: GIAI VỊ

Lại nữa phải biết nghĩa của tướng giai vị. Nghĩa của giai vị là, trong các thứ pháp môn nếu có phân biệt nói rộng pháp giới vô lưu thì không ra ngoải 6 thứ: 1. Tự tính. 2. Nhân. 3. Quả. 4. Sự. 5. Tổng nhiếp. 6. Phân biệt. Để hiển thị tự thể của pháp giới vô lưu nên trước nói tự tính. Y chỉ tự tính này nên khởi tín lạc v.v…4 thứ thắng nhân. Do nhân này nên được thường trụ v.v… quả của 4 đức. Do Phật tính nên chán ghét sinh tử ưa cầu Niết-bàn sự dụng thành tựu. Do tự tính này nên được lìa dục. Được nhân lìa dục gọi là tổng nhiếp. Ước theo Phật tính nên được phân biệt 3 loại chúng sinh. Như Lai có nói 8 vạn 4 ngàn pháp môn được gồm trong 6 thứ, lần lượt ở trong 3 vị. Ba vị là: Một là bất tịnh vị, tức chúng sinh giới. Hai là tịnh vị, tức Bồ-tát địa. Ba là tối thanh tịnh vị, tức Phật địa. Cho nên Kinh Vô Thượng Y nói: “ A-nan ! Pháp giới Như Lai ấy là chỗ ẩn chứa vô lượng vô biên các phiền não, theo dòng sinh tử trôi nổi trong 6 đường, vô thủy luân chuyển, ta gọi là chúng sinh giới. A-nan ! Chúng sinh giới đó, trong khổ sinh tử mà khởi chán lìa, trừ dục 6 trần, dựa vào 8 vạn 4 ngàn pháp môn gồm trong các Ba-la-mật tu đạo Bồ-đề, ta nói là Bồ-tát. A-nan ! Chúng sinh giới đó đã được xuất ly các phiền não, vượt qua tất cả khổ, tẩy trừ cấu uế, rốt ráo pháp nhiên trong lặng thanh tịnh, vì các chúng sinh muồn được thấy vi diệu thượng địa, nhất thiết trí địa, nhất thiết vô ngại, vào trụ trong đây, đến năng lực vô tỷ, đã được sức đại tự tại của pháp vương, ta gọi là Như Lai.”

Phẩm 8: BIẾN MÃN

Lại nữa, phải biết tướng biến mãn. Biến mãn, là phàm phu, thánh nhân và các Như Lai. Tính vô phân biệt lần lượt trong 3 vị: 1. Điên đảo hư vọng. 2. Vô đảo thánh đạo. 3. Bốn đức cứu cánh thanh tịnh. Ba nơi này tướng bình đẳng thông đạt và tùy theo đạo lý biến khắp đầy đủ. Ví như trong đồ đựng bằng đất, bạc, vàng, hư không chứa đầy đủ bình đẳng không sai khác. Pháp giới Như Lai biến mãn trong 3 vị cũng như vậy. Cho nên theo thứ lớp giai vị nói biến mãn này. Như Kinh Vô Thượng Y nói: “ A-nan ! Pháp giới Như Lai này ở trong 3 vị tất cả mọi nơi đều không quái ngại, bản lại tịch tĩnh. Ví như hư không, tất cả sắc chủng không thể che, không thể lấp. Như đồ vật dù bằng đất, bạc hay vàng, đối với chỗ hư không đều không quái ngại, nên gọi là biến mãn.”

HẾT QUYỂN 3

Trang: 1 2 3 4