LUẬN PHẬT TÍNH
Thiên Thân Bồ-tát tạo luận
Thiên Trúc Tam tạng Chân Đế dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 2
Phần 3: HIỂN THỂ
Phẩm 1: BA NHÂN
Lại nữa thể của Phật tính có 3 thứ, gồm trong nghĩa của 3 tính. Ba thứ như là 3 nhân 3 thứ Phật tính. Ba nhân là: 1. Ưng đắc nhân . 2. Gia hành nhân. 3. Viên mãn nhân.
Ưng đắc nhân là nhân phải được, tức là 2 không hiện chân như, do không này nên phải được tâm Bồ-đề và gia hành v.v…cho đến đạo hậu pháp thân, nên gọi là phải được.
Gia hành nhân, là tâm Bồ-đề, do tâm này nên có thể được 37 phẩm, 10 địa, 10 Ba-la-mật các pháp trợ đạo cho đến đạo hậu pháp thân, nên gọi là nhân gia hành.
Viên mãn nhân, tức là gia hành , do gia hành nên viên mãn được nhân và viên mãn quả . Viên mãn nhân , nghĩa là phúc tuệ hành. Viên mãn quả, là trí đoạn ân đức. Ba nhân này cái trước nhất lấy vô vi như lý làm thể, sau hai thì lấy hữu vi nguyện hạnh làm thể. Ba thứ Phật tính, là trong ưng đắc nhân có đủ 3 tính: 1. Trụ tự tính tính. 2. Dẫn xuất tính. 3. Chí đắc tính. Ghi chú nói: Trụ tự tính nghĩa là đạo tiền phàm phu vị. Dẫn xuất tính là từ phát tâm trở lên hết hữu học thánh vị. Chí đắc tính là vô học thánh vị.
Phẩm 2: Ba tính
Lại nữa, 3 tính gồm thâu, đó là 3 vô tính và 3 tự tính. Ba vô tính là: 1. Vô tướng tính. 2. Vô sinh tính. 3. Vô chân tính. Ba tính này gồm thâu hết Như Lai tính. Bởi vì sao? Vì lấy hết 3 tính này làm thể.
Vô tướng tính, là tất cả các pháp chỉ hiển thị bằng danh ngôn, tự tính không có tướng mạo, nên gọi là vô tướng tính.
Vô sinh tính, là tất cả các pháp do nhân duyên sinh nên không do tự nó có thể sinh, tự tha đều không thành tựu, nên gọi là vô sinh tính.
Vô chân tính, là tất cả các pháp lìa chân tướng, nên không có thật tính riêng biệt nào có thể có được, cho nên gọi là vô chân thật tính. Lại nữa 3 thứ tính là: 1. Phân biệt. 2. Y tha. 3. Chân thật. Đặc biệt có 10 thứ nghĩa cần phải biết. Những gì là 10? 1. Phân biệt danh. 2. Duyên thành. 3. Nhiếp trì. 4. Thể tướng. 5. Phải biết. 6. Nhân việc mà nói. 7. Y cảnh. 8. Thông đạt. 9. Nếu không v.v…. 10. Y chỉ.
1. Phân biệt danh: Nghĩa là tùy theo danh ngôn giả nói nên lập ra tính phân biệt. Nếu không có danh ngôn này thì tính phân biệt không thành. Cho nên biết tính này chỉ là do danh ngôn hiển thị, thật không có thể tướng. Đó gọi là tính phân biệt. Tính y tha, nghĩa là 12 nhân duyên hiển thị đạo lý, làm chỗ y chỉ cho tính phân biệt, cho nên lập tính y tha. Tính chân thật, nghĩa là tất cả các pháp chân như, là cảnh của trí vô phân biệt của thánh nhân, là thanh tịnh 2 tính, là giải thoát 3, hoặc là dẫn xuất tất cả các đức, cho nên lập tính chân thật. Đó gọi là phân biệt danh.
2. Duyên thành:
Hỏi: Tính phân biệt duyên nhân gì mà được hiển hiện?
Đáp: Do duyên tướng gọi là tương ưng nên được hiển hiện.
Hỏi: Tính y tha duyên nhân gì được thành?
Đáp: Duyên chấp tính phân biệt nên được hiển hiện.
Hỏi: Tính chân thật duyên nhân gì được thành?
Đáp: Do 2 tính phân biệt y tha, cực vô sở hữu nên được hiển hiện. Cho nên gọi là duyên thành.
3. Nhiếp trì: Là tính có 3 thứ, pháp có 5 phần. Nói 3 tính là phân biệt, y tha, và chân thật. Năm pháp là: 1. Tướng. 2. Danh. 3. Phân biệt tư duy. 4 Thánh trí. 5. Như như. Trước 3 là trí thế gian. Thánh trí là trí xuất thế. Như như là cảnh vô vi. Để làm rõ 5 pháp này nên gồm trong 3 tính trước.
Hỏi: Trong 5 pháp, bao nhiêu pháp gồm trong tính thứ nhất?
Đáp: Năm pháp đều không thể thâu nhiếp. Bởi vì sao? Vì vô thể.
Hỏi: Tính thứ hai có thể thâu nhiếp bao nhiêu pháp?
Đáp: Gồm có 4 pháp.
Hỏi: Tính thứ ba có thể thâu nhiếp bao nhiêu pháp?
Đáp: Duy chỉ 1 pháp như như có thể thâu nhiếp.
Hỏi: Nếu tính y tha được thâu nhiếp trong thánh trí thì sao nói tính y tha duyên tính phân biệt được thành?
Đáp: Y tha có 2 thứ: nhiễm trược y tha và thanh tịnh y tha. Nhiễm trược y tha duyên phân biệt được thành thanh tịnh y tha. Vì duyên như như được thành.
4. Thể tướng: Thể tướng có 2: 1. Thông. 2. Biệt. Thông, nghĩa là do 3 tính thông có thể thành tựu tất cả các chân đế khác, như các pháp 2, 3, 4, 7 đế v.v… Cho nên các chân đế không ra ngoài 3 tính. Vì vậy 3 tính là thông thể của các chân đế. Biệt thể, nghĩa là trong 3 tính, mỗi tính đều có thật nghĩa. Thật nghĩa là gì? Một là thể của tính phân biệt là hằng vô sở hữu, mà nghĩa này trong tính phân biệt chẳng phải không là thật. Bởi vì sao? Vì danh ngôn không điên đảo. Hai là thể của tính y tha là có nhưng không thật, do loạn thức căn cảnh nên có. Bởi chẳng phải chân như nên không thật. Bởi vì sao? Vì nghĩa nhân duyên không điên đảo. Do đối với tính phân biệt nên gọi là có. Đối với hậu chân tính nên chẳng phải thật có. Cho nên gọi là không chân thật có. Ba là thể của tính chân thật, nghĩa là có không đều là thể của chân như như, vì chẳng phải có chẳng phải không.
Hỏi: Thật tướng của 3 tính ấy thế nào?
Đáp: Thật tướng của tính phân biệt là tăng ích và tổn giảm của nhân pháp. Do hiểu được tính này nên chấp này không sinh. Đó là tướng phân biệt. Nhân pháp là do phân biệt tạo ra. Nếu y vào chân đế quán nhân pháp này là có, gọi là chấp tăng ích. Nếu y vào tục đế quán nhân pháp này là không, gọi là chấp tổn giảm. Nếu thông suốt tính phân biệt này, thì không sinh 2 chấp tăng ích tổn giảm. Đó gọi là tướng của thật tính phân biệt. Lại nữa, tướng của thật tính y tha, là tăng ích và tổn giảm của năng chấp sở chấp. Do hiểu tính này nên chấp này không sinh. Đó gọi là tướng của tính y tha. Cái năng chấp sở chấp này, nếu thấy theo chân là có, tức là tăng ích, gọi là thường kiến. Nếu thấy theo tục là không, tức tổn giảm, gọi là đoạn kiến. Nếu thông hiểu 2 tính này thì 2 chấp đoạn thường không sinh. Đó gọi là tướng thật tính của y tha. Chỉ có mường tượng trần thức thì không có năng sở. Không năng sở nên không chấp tăng ích. Do có tương tự trần thức nên không chấp tổn giảm. Lại nữa tướng của tính chân thật là có không và chấp tăng ích tổn giảm. Do hiểu tính này nên chấp không sinh. Sở dĩ vì sao? Nếu chấp không là có, gọi là phỉ báng tăng ích. Nếu chấp không là không , gọi là phỉ báng tổn giảm. Nếu thông suốt tính này thì 2 chấp không sinh. Đó gọi là tướng của tính chân thật.
5. Phải biết:
Hỏi: Ba tính này bao nhiêu là phải biết, bao nhiêu không cần biết?
Đáp: Tất cả đều phải biết. Bởi vì sao? Do biết 3 tính có thể thông đạt 3 giải thoát môn, có thể trừ 3 chướng. Biết tính phân biệt có thể thông đạt không giải thoát môn, trừ nhục phiền não. Biết tính y tha, thông đạt vô nguyện giải thoát môn, trừ bì phiền não. Biết tính chân thật có thể thông đạt vô tướng giải thoát môn, trừ tâm phiền não. Lại nữa trước hết giải thoát chướng, tiếp đến thiền định chướng, sau là nhất thiết trí chướng.
Hỏi: Trong 3 tính, bao nhiêu tính không thể diệt, bao nhiêu tính có thể diệt?
Đáp: Hai tính không thể diệt, một tính có thể diệt. Bởi vì sao? Tính phân biệt bản lai là không, cho nên không thể diệt. Tính chân thật bản lai là chân, nên không thể diệt. Tính y tha tuy có nhưng không chân thật, nên có thể diệt. Vì nghĩa đó nên nói là cần phải biết.
6. Nhân việc mà nói: Chư Phật thuyết pháp có 2 thứ: một là kinh liễu nghĩa, hai là kinh không liễu nghĩa. Kinh không liễu nghĩa, là do 3 tính này nên Phật nói kinh không liễu nghĩa. Như duyên có đèn nên biết vật ở trong tối, lúc sau nhân đèn có thể được biết vật hiện ở trong tối. Như Lai cũng vậy, do có chấp trước 3 tính, nên nói kinh không liễu nghĩa. Thông đạt 3 tính thì tự nhiên hiển rõ, gọi là kinh liễu nghĩa. Như trong kinh nói: Nếu người đã được pháp vô sinh nhẫn thì không thoái đọa.
Hỏi: Câu nói này được thành lập như thế nào?
Đáp: Do có 3 tính nên được thành lập. Như Lai ước theo tính phân biệt nên nói bản lai vô sinh nhẫn, ước theo tính y tha nên nói tự tính vô sinh nhẫn, ước theo tính chân thật nên nói hoặc, cấu, khổ bản tính vô sinh nhẫn.
Hỏi: Như Lai ước theo tính gì nói nghĩa như thế? Nói tất cả các pháp không sinh, không diệt, bản lai vắng lặng, tự tính Niết-bàn ư?
Đáp: Ước theo tính vô tướng nói câu như vậy.
Hỏi: Như Lai ước theo pháp gì nói tất cả các pháp ví như ảo hóa?
Đáp: Ước theo tính vô sinh mà nói.
Hỏi: Như Lai ước theo pháp gì nói tất cả các pháp ví như hư không?
Đáp: Ước theo tính chân thật mà nói. Vì vậy Phật nhân nói 3 tính nên có kinh liễu nghĩa, kinh không liễu nghĩa.
7. Y cảnh:
Hỏi: Ba tính này là trí cảnh gì?
Đáp: Tính phân biệt chỉ là phàm hoặc cảnh chẳng phải thánh trí cảnh. Bởi vì sao? Vì không thể tướng. Tính y tha là thánh phàm tục trí cảnh, là vì tục hữu. Tính chân thật, là vô phân biệt thánh trí cảnh, vì như lượng như lý. Như lượng thì thâu nhiếp tất cả. Như lý thì không điên đảo.
8. Thông đạt:
Hỏi: Người tu quán hạnh nếu thông đạt tính phân biệt, thì có thể nói là trong hành chấp tướng, hay không thể nói là trong hành chấp tướng?
Đáp: Nếu do thế tục trí phân biệt có thể nói trong hành chấp tướng. Nếu do xuất thế vô phân biệt trí thông đạt thì có thể nói không hành trong chấp tướng. Cho nên y tha với phân biệt đồng một vô tướng. Như phân biệt, y tha, chân thật cũng vậy.
Hỏi: Người tu quán hạnh có thể như lý chân thật nhập tính phân biệt chiếu rõ tính gì?
Đáp: Rõ tính chân thật.
Hỏi: Người tu quán hạnh, như lý chân thật nhập tính chân thật, chiếu rõ tính gì?
Đáp: Rõ tính y tha rồi sau được tính chân thật. Đó gọi là thông đạt.
9. Nếu không v.v…:
Hỏi: Nếu tính phân biệt là không, thì có lỗi gì?
Đáp: Nếu không có tính phân biệt thì danh ngôn không lập, danh ngôn không lập thì tính y tha không được thành tựu, cho đến tịnh bất tịnh phẩm đều không lập.
Hỏi: Nếu không có tính y tha, thì có lỗi gì?
Đáp: Nếu không có tính y tha thì tất cả phiền não không do công dụng mà phải tự có thể diệt. Nếu vậy tịnh phẩm cũng không được thành.
Hỏi: Nếu không có tính chân thật, thì có lỗi gì?
Đáp: Nếu không có tính chân thật thì tất cả tất cả thữ cảnh thanh tịnh không được thành. Tất cả, là gồm riêng hết tất cả chân tục. Tất cả thứ, là gồm chung chân tục.
Hỏi: Tính chân thật ấy là có thể lập tịnh hay lập bất tịnh?
Đáp: Không thể nói được nhất định là tịnh hay bất tịnh. Nếu nhất định là tịnh thì tất cả chúng sinh không phải nhọc sức tu hành mà tự được giải thoát. Nếu nhất định là bất tịnh thì tất cả chúng sinh tu đạo tức không có quả báo. Nếu nhất định là tịnh thì không có pháp phàm phu. Nếu nhất định là bất tịnh thì không có pháp thánh nhân. Bởi vì sao? Vì tịnh bất tịnh phẩm đều lấy như làm gốc. Nếu đó nhất định là tịnh, thì không tức vô minh. Nếu đó nhất định là bất tịnh, thì không tức Bát-nhã. Hai chỗ này tính như, là không khác cho nên chân như này chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh. Bởi vì sao? Muốn làm rõ chân như khác với nhãn v.v… các căn, khác tâm thiền định v.v… cho nên khác với nhãn v.v… các căn, tức là các căn đã không bị nhiễm thì cũng phải được đồng với như lý thanh tịnh. Mà không vậy là do nghiệp hữu lậu làm nhân cho nên bất tịnh từ nơi gốc. Chân như thì không như vậy. Ở nơi Phật địa thì bản tính thanh tịnh, không có từ gốc là nghĩa bất tịnh cho nên khác với các căn. Khác với định tâm v.v…, là thể của định bản tính tự tịnh, có thể được đồng với chân, mà bị 4 hoặc dẫn dụ cho nên chuyển thành bất tịnh. Lý chân như bản lai thanh tịnh thì không như vậy, tuy ở trong vô minh mà hoàn toàn không bị kia làm ô uế.
Hỏi: Ba tính này mấy tính là vô thể có thể sinh hữu thể?
Đáp: Chỉ một tính phân biệt là vô thể có thể sinh thể tính y tha.
Hỏi: Đây có mấy tính hữu thể có thể sinh hữu thể?
Đáp: Chỉ một tính y tha có vô thật thể, trở lại có thể sinh thể y tha. Giống như vô minh sinh các hành v.v…
Hỏi: Ba tính này mấy tính hữu thể, có thể sinh vô thể?
Đáp: Một tính chân thật có thể diệt y tha khiến nó thành vô thể.
Đó gọi là nếu không v.v…
10. Y chỉ:
Hỏi: Tính phân biệt dựa vào pháp gì được thành?
Đáp: Y vào 3 pháp nên thành. Những gì là 3? 1. Tướng. 2. Danh. 3. Tư duy. Dựa theo 3 pháp này tính phân biệt lập.
Hỏi: Tính y tha dựa vào đâu được thành?
Đáp: Y vào 4 pháp thành. Bốn pháp là tướng, danh, phân biệt, thánh trí. Dựa vào 4 pháp này nên tính y tha được thành.
Hỏi: Tính chân thật dựa vào pháp nào được thành?
Đáp: Tính này là vô trụ, vô trước, không có chỗ dựa, cảnh không phân biệt.
Phẩm 3: NHƯ LAI TẠNG
Lại nữa, phải biết Như Lai tạng có 3 nghĩa. Những gì là 3? 1. Sở nhiếp tạng. 2. Ẩn phú tạng. 3. Năng nhiếp tạng.
1. Sở nhiếp gọi là tạng, nghĩa là Phật nói ước trụ tự tính như như, tất cả chúng sinh là Như Lai tạng. Nói Như, có 2 nghĩa, một là trí như như, hai là cảnh như như, cả hai đều không điên đảo nên gọi là như như. Nói Lai, là ước từ tự tính đến. Đến, đến được, đó gọi là Như Lai. Cho nên tính Như Lai tuy là tên nhân mà phải được tên quả. Đến được, thể nó không 2. Chỉ khác ở thanh tịnh hay nhiễm trược. Khi ở trong nhân, vì trái 2 không, nên khởi vô minh mà bị phiền não xen tạp nên gọi nhiễm trược. Tuy chưa hiển lộ ngay nhưng chắc chắn có thể hiện ra, cho nên nói là phải được. Nếu khi đến quả hợp với 2 không, không bị hoặc lụy nữa, không nhiễm phiền não nên gọi là thanh. Quả đã hiển hiện nên gọi là đến được. Ví như tính của nước, thể của nó chẳng phải trong chẳng phải đục, chỉ do nhơ bẩn hay không nhơ bẩn mà có tên là trong hay đục. Nếu bùn cặn vẩn lên nên không trong trẻo. Tuy không trong trẻo mà tính nước trong không mất. Nếu dùng phương tiện lắng trong tức được thanh tịnh. Cho nên biết cái tên tịnh hay bất tịnh là do có ô uế hay không ô uế mà ra, không quan hệ gì đến tính của nước tự có tịnh uế. Phải được, đến được 2 thứ Phật tính cũng như vậy. Đồng một chân như, không có dị thể, chỉ trái lý không, nên khởi hoặc chấp trước. Phiền não nhiễm loạn nên gọi là trược. Nếu không trái với 2 không, với như cùng một tướng, thì không khởi vô minh, phiền não mê hoặc không nhiễm, giả gọi là thanh. Nói tạng, nghĩa là tất cả chúng sinh đều ở trong trí Như Lai nên gọi là tạng. Đem trí như như xứng cảnh như như, cho nên tất cả chúng sinh quyết không ra ngoài. Cảnh như như, nghĩa là đều được Như Lai nhiếp trì nên gọi là sở tạng. Chúng sinh là Như Lai tạng.
Lại nữa tạng có 3 thứ: 1. Hiển chính cảnh vô tỷ, lìa cảnh như như không có cảnh nào khác xuất từ cảnh này. 2. Hiển chính hành vô tỷ, lìa trí này ngoài ra không có trí nào thắng hơn trí này. 3. Để hiện chính quả vô tỷ, không có một quả nào khác quá hơn quả này. Cho nên gọi là vô tỷ. Do quả này có thể nhiếp tàng tất cả chúng sinh nên nói chúng sinh là Như Lai tạng.
2. Ẩn phú là tàng, nghĩa là Như Lai tự ẩn không hiện nên gọi là tàng. Nói Như Lai có 2 nghĩa: Một là hiện nghĩa như, không điên đảo. Do vọng tưởng nên gọi là điên đảo. Không vọng tưởng nên gọi đó là như. Hai là hiện nghĩa thường trụ. Tính như này, từ trụ nơi tự tính tính đến, đến được. Thể của như không biến đổi nên nghĩa là thường. Tính Như Lai trước khi trụ đạo, bị phiền não che lấp, chúng sinh không không thấy, nên gọi là tàng.
3. Năng nhiếp là tàng. Nghĩa là quả địa tất cả quá số Hằng sa công đức. Khi trụ Như Lai phải được tính thâu nhiếp đã hết, cho nên nếu khi đến quả, mới nói là được tính. Tính này tức là vô thường. Bởi vì sao? Chẳng phải mới được. Cho nên biết là vốn có. Vì vậy nói là thường.
Phần 4: BIỆN TƯỚNG
Phẩm 1: TƯỚNG TỰ THỂ
Lại nữa, phải biết tất cả các thứ tướng của Phật tính có 10 nghĩa. Nói 10 tướng là: 1. Tướng tự thể. 2. Tướng nhân. 3. Tướng quả. 4. Tướng sự năng. 5. Tướng tổng nhiếp. 6. Tướng phân biệt. 7. Tướng thứ bậc địa vị. 8. Tướng đủ khắp. 9. Tướng không biến đổi. 10. Tướng không sai biệt.
Tướng tự thể có 2 thứ: một là tướng riêng, hai là tướng chung. Tướng riêng có 3 thứ. Những gì là 3? 1. Tính công đức như ý. 2. Tính không khác. 3. Tính linh hoạt. Như nói tướng công đức như ý, nghĩa là Như Lai tạng có 5 thứ. Những gì là 5?
1. Như Lai tạng. Tự tính là nghĩa của tạng đó. Tất cả các pháp không ra ngoài tự tính Như Lai. Vô ngã là tướng. Cho nên nói tất cả các pháp là Như Lai tạng.
2. Chính pháp tạng. Nhân là nghĩa của tạng đó. Vì tất cả thánh nhân, 4 niệm xứ v.v… các chính pháp đều lấy từ tính này làm cảnh.
Chưa sinh, được sinh, đã sinh được viên mãn, cho nên nói tên là chính pháp tạng.
3. Pháp thân tạng. Đến được, là nghĩa của tạng đó. Đây là chính tính mà tất cả thánh nhân tin ưa, tin ưa nguyện nghe. Do tâm tin ưa này nên khiến các thánh nhân được 4 đức, và quá số Hằng sa như công đức tất cả Như Lai. Cho nên nói tính này là pháp thân tạng.
4. Xuất thế tạng. Chân thật là nghĩa của tạng này. Thế, có 3 lỗi: Một là đối trị. Có thể diệt tận nên gọi là thế. Pháp này thì không đối trị nên gọi là xuất thế. Hai là không tĩnh trụ nên gọi là thế. Do quả báo của tâm hư vọng, niệm niệm diệt không trụ. Pháp này không như vậy nên gọi là xuất thế. Ba là do có kiến chấp điên đảo. Tâm tại thế gian thì thường kiến chấp điên đảo. Như người ở trong 3 cõi, trong tâm chắc không thấy được khổ pháp nhẫn v.v… Do hư vọng đó nên gọi là thế. Pháp này có thể ra khỏi thế gian nên gọi là chân thật, là xuất thế tạng.
5. Tự tính thanh tịnh tạng. Bí mật là nghĩa của tạng này. Nếu tất cả pháp tùy thuận tính này, thì gọi là nội, là chính không phải tà, tức là thanh tịnh. Nếu các pháp trái nghịch lý này, thì gọi là ngoại, là tà không phải chính, tức là nhiễm trược. Cho nên gọi là tự tính thanh tịnh tạng. Cho nên Kinh Thắng Man nói: “ Thế Tôn ! Phật tính là Như Lai tạng, là chính pháp tạng, là pháp thân tạng, là xuất thế tạng, là tự tính thanh tịnh tạng. “ Do nói nghĩa của 5 tạng này nên công đức như ý được hiển hiện. Phật vì hiển thị nghĩa này nên nói như ngọc báu như ý. Ví như người do nghiệp đời trước, cảm được ngọc báu như ý. Được ngọc báu này rồi, tùy theo ý muốn đều tự nhiên được thành. Phật tính cũng vậy. Do phụng sự thiện tri thức, tu các phúc tuệ, cảm được tính này, liền tùy ý người tu hành, đều tự được quả 3 thừa. Công đức như ý là biệt tướng đó.
6. Tính không khác, là phàm phu thánh nhân và chư Phật không phân biệt. Tâm tính lỗi lầm công đức cứu cánh thanh tịnh ở trong bình đẳng biến khắp như hư không. Lại như đồ đất, bạc, vàng, 3 thứ tuy khác mà tính của nó đều là không. Không xứ không có riêng khác cho nên nói là tính không khác biệt.
Giải thích: Nói lỗi lầm, là phàm phu. Công đức, là hữu học thánh nhân. Cứu cánh thanh tịnh, tức chư Phật. Ba xứ này tuy khác, mà tính không khác. Tức đây lấy đất ví dụ phàm phu. Bạc ví dụ học giả. Vàng ví dụ chư Phật. Tuy 3 thứ đồ vật có khác mà tính không của chúng là một. Lại nữa, là hữu, thanh tịnh, biến mãn 3 nghĩa. Hữu, là hiển thị nghĩa vô vi. Thanh tịnh hiển thị nghĩa vô nhiễm. Biến mãn hiển thị nghĩa vô ngại. Phật bảo Xá-lợi-phất: Chúng sinh giới không khác pháp thân. Pháp thân không khác chúng sinh giới. Do nghĩa này nên không hai không khác, chỉ có danh tự. Như vậy Phật tính trong 3 vị bình đẳng biến khắp, do tịnh bất tịnh phẩm không biến đổi, cho nên nói như tính hư không.
7. Tính nhuận hoạt, là biện minh Như Lai tính trong chúng sinh hiện nghĩa nhân quả, do đại bi đối với chúng sinh, linh hoạt uyển chuyển làm tướng. Đại bi, có 3 nghĩa: một là thể, hai là đại, ba là dị biệt.
Một, nghĩa của thể là lấy Bát-nhã làm thể. Bát-nhã có 2, một là chân trí không phân biệt, hai là tục trí có phân biệt. Nay lấy trí có phân biệt làm thể của đại bi, lấy đại bi duyên chúng sinh khởi.
Hai, đại có 5 nghĩa: Một là tư lương, hai là tướng, ba là hành xứ, bốn là bình đẳng, năm là tối cực. Một, tư lương là có thể làm 2 hạnh tư lương đại phúc đức trí tuệ. Hai, tướng là có thể quán 3 khổ chúng sinh đều cứu tế. Ba, hành xứ là thông cả 3 cõi chúng sinh làm cảnh giới. Bốn, bình đẳng là vì tất cả chúng sinh khởi tâm bình đẳng. Năm, tối cực là quá ngoài cách tu này không có thắng hạnh nào hơn.
Ba, nghĩa của dị biệt có 8 thứ: Một là sai biệt về tự tính. Bi vô lượng là bởi không sân làm tính. Đại bi lấy không si làm tính. Hai là sai biệt về tướng. Bi là lấy khổ khổ làm tướng. Đại bi lấy 3 khổ làm tướng. Ba là sai biệt về hành xứ. Bi là lấy Dục giới làm cảnh giới. Đại bi thì thông 3 cõi làm cảnh giới. Bốn là sai biệt về địa. Bi thì lấy đệ tứ thiền làm địa. Đại bi thì lấy quả Như Lai vô lưu làm địa. Năm là sai biệt về cảnh giới. Bi thì lấy phàm phu và Nhị thừa làm cảnh giới. Đại bi thì chỉ Bồ-tát và Phật làm cảnh giới. Sáu là sai biệt về đức. Bi là đức lìa dục của Dục giới. Đại bi là đức lìa dục 3 cõi. Bảy là sai biệt về cứu tế. Bi là chỉ có tâm bạt khổ không có sự bạt khổ. Đại bi thì có tâm có sự. Tám là sai biệt về cứu cánh không cứu cánh. Bi là có thể tạm cứu tế một ít không thể cứu một cách chân thật. Đại bi là có thể vĩnh viễn cứu tế hằng không lìa bỏ.
Nhuận hoạt, nghĩa là nhuận để hiển thị nghĩa năng nhiếp. Hoạt là hiển thị sự trái mất nghĩa hướng đức. Ví như thủy giới cũng có 2 công năng: một là có thể thâu nhiếp các vật tan rời chỉ làm cho trơn láng không thô nhám. Do nhuận nên có thể thâu nhiếp. Do hoạt nên không thô nhám. Lấy nhuận làm nhân. Lấy hoạt làm quả. Cho nên nói hiện nghĩa nhân quả. Lại nữa tự tính thanh tịnh là nghĩa của thông tướng. Như trước thật không thủy giới v.v… các ví dụ. Tự tính thanh tịnh là thông tướng cho nên tính Như Lai trong phiền não không bị nhiễm ô. Bốn tướng này làm chướng 4 hoặc, cho nên chẳng phải 4 người đạt được, vì 4 đức làm gốc, vì lìa 4 điên đảo, vì diệt sinh tử đối trị. Cho nên nói 4 tướng thông một, biệt ba. Một thông tướng là chỉ có tướng của tự tính thanh tịnh. Ba biệt tướng là: một là không thể tư duy, hai là phải được, ba là công đức vô lượng. Đó là tướng của tự thể.
Phẩm 2: MINH NHÂN
Lại có 4 thứ nhân có thể trừ 4 chướng, được tính Như Lai. Bốn nhân là: 1. Tin ưa Đại thừa. 2. Bát-nhã không phân biệt. 3. Phá hư không Tam-muội. 4. Đại bi của Bồ-tát. Bốn chướng là: 1. Ghét Đại thừa. 2. Kế chấp thân kiến. 3. Sợ sinh tử. 4. Không thích quán sự lợi ích người khác. Trước tiên là chướng Xiển-đề, hai là chướng ngoại đạo, ba là chướng Thanh Văn, bốn là chướng Độc Giác. Bốn hoặc này có thể khiến 4 người không thể thấy được tự tính thanh tịnh pháp thân. Nếu lược nói, thế gian có 3 loại chúng sinh: 1. Thích sinh tử hằng hữu. 2. Thích diệt sinh tử hữu. 3. Cả hai đều không thích, hữu diệt đều mất. Một là thích sinh tử hữu lại có 2 thứ: 1. Ghét giải thoát đạo, không có tính Niết-bàn, thích sinh tử không thích Niết-bàn. 2. Đã rơi vào định vị. Định vị là phi thánh phi phàm, không thủ tiến thoái mà là người trong Phật pháp, nghịch lại pháp Đại thừa. Nhân hạng người này nên Phật nói: Ta không phải thầy của những người ấy, những người ấy chẳng phải đệ tử ta. Xá-lợiphất ! Hạng người này từ chỗ mờ ám nhẹ vào trong mờ ám nặng. Lại từ chỗ mở ám nặng vào chỗ mù tối, làm bạn với sự tối tăm. Lại lấy Xiển-đề làm bạn. Cho nên ta nói hạng người này có 2 cái thích. Hai là diệt sinh tử hữu có 2 thứ: 1. Rơi vào phi phương tiện. 2. Rơi vào trong phương tiện. Rơi vào phi phương tiện lại có 2: Một là ngoại đạo, nghĩa là 16 thứ. Hai là người trong Phật pháp đồng chấp với ngoại đạo. Vì đại loại theo chính pháp mà khởi tà chấp ngã kiến, không thể hiểu rõ nghĩa của chính giáo. Nhân hạng người này nên Phật nói: Nếu không tin yêu chân không, thì không khác gì ngoại đạo. Lại nữa có người tăng thượng mạn, thủ không làm kiến, làm chân không giải thoát môn. Đại loại khởi không, chấp không giải thoát môn này, bảo rằng tất cả có không, đều là không. Cái chấp không này, tức là vô sở hữu. Vì vô sở hữu nên đạo lý nhân quả nhị đế đều mất. Cái chấp trống trơn này tức rơi vào tà vô. Những chấp như vậy do không mà khởi nên thành tà chấp. Tất cả tà chấp không có gì là không do không, cho nên có thể diệt trừ. Cái chấp này đã dựa vào không mà khởi, cho nên không thể trị. Nhân hạng người này, nên Phật bảo Ca-diếp: Nếu người khởi ngã kiến chấp lớn như núi Tu-di ta còn cho phép. Bởi vì sao? Bởi có thể diệt. Nếu người tăng thượng mạn này khởi chấp không, cho dù bằng một phần tư đầu sợi tóc, ta liền quở trách quyết định không chấp nhận. Hai, rơi vào trong phương tiện có 2: Một là người Thanh Văn tu hành tự lợi, chỉ vì tự độ không vì lợi tha. Hai là người Độc Giác, đối với tâm lợi tha, vô lạc vô sự, chỉ khởi tâm xả. Vô lạc là không thích lợi tha. Vô sự là hoàn toàn không có việc độ người, chỉ vì tự giác tự lợi. Chỉ khởi tâm xả nghĩa là xả là tâm trụ bình đẳng không nguyện lợi người cũng không tổn người. Riêng tự mình giác ngộ nên gọi Độc Giác. Rơi vào phương tiện Thanh Văn cũng vậy. Như Mạt-điền-địa và A-tư-na 2 Tì-khưu khi Phật Niết-bàn cả 2 đều không đến. Sau đến khi Ca-diếp kết tập pháp tạng, bị triệu tập mới ra. Ca-diếp quở trách hỏi: Có phải ông theo Phật được thánh đạo chăng? Đáp: Thật vậy. Ca-diếp lại trách: Ông có lỗi lớn. Từ nay trở đi tôi giao phó Phật pháp cho ông giữ gìn. Nếu không như pháp là tội của ông. Bèn cam chịu tội sám hối, nhận chỉ thị phụng hành. Ba là đều không yêu thích, nghĩa là người rất có lợi căn tu hành Đại thừa đã không đồng với Xiển-đề yêu thích sinh tử hữu, cũng không rơi vào phi phương tiện đồng chấp như ngoại đạo, cũng không rơi vào trong phương tiện như người Nhị thừa, cho nên người như vậy thực hành đầy đủ đạo bình đẳng sinh tử Niết-bàn, trụ ở chỗ không trụ, tuy hành sinh tử mà không nhiễm, tuy hành Niết-bàn cũng chẳng phải tịnh. Chỉ vì đại bi nên không bỏ sinh tử, vì Bát-nhã nên không bỏ Niết-bàn. Không lìa Niết-bàn, là khác cái chấp của Thanh Văn vĩnh trụ vô vi. Không bỏ sinh tử, là khác Nhất-xiển-đề yêu thích nơi sinh tử. Nếu yêu thích đắm trước sinh tử, là Nhất-xiển-đề. Người trong Phật pháp rơi vào định vị cũng đồng với Xiển-đề. Như vậy 2 người rơi vào trong tà định tụ. Nếu ưa thích diệt sinh tử hữu, người này rơi vào trong phương tiện. Và đều không ưa thích được 2 cái trước, tu đạo bình đẳng, người như vậy là ở trong chính định tụ. Trừ người phát tâm hành Đại thừa tu tập vô chướng đạo, ngoài ra bao nhiêu Xiển-đề, ngoại đạo, Thanh Văn, Độc Giác 4 hạng người có 4 thứ chướng, nên không thấy Phật tính.
Những gì là 4 chướng? 1. Ghét nghịch Đại thừa, là Xiển-đề chướng. Để đối trị chướng này, Phật nói pháp Bồ-tát tu tập tín lạc Đại thừa. 2. Trong các pháp khởi chấp ngã kiến, là ngoại đạo chướng. Để đối trị chướng này, nên Phật nói Bồ-tát tu tập Bát-nhã Ba-la-mật. 3. Trong sinh tử định chấp khổ tưởng, và tâm nhàm chán sợ hãi, đó là Thanh Văn chướng. Để đối trị chướng này, Phật nói Bồ-tát tu tập phá không Tam-muội. Không Tam-muội là từ sơ địa trở lên có thể được Tam-muội này, thì phá hư không v.v… các chấp, khi nhập quán thì không tức hữu vô, không ly hữu vô. Dụ như 8 địa chân tục song quán mà khác địa thứ 8, là địa thứ 8 trở lên không có xuất nhập quán. Sơ địa khi nhập thì đồng, khi xuất thì khác. Việc lợi ích 4 loại chúng sinh, xả bỏ ý chúng sinh, là Độc Giác chướng. Để đối trị chướng này, Phật nói tu tập Bồ-tát đại bi. Đại bi của Bồ-tát lấy lợi tha làm sự nghiệp. Người Độc Giác chỉ tự quán nhân duyên không có ý độ tha nên không đại bi. Thanh Văn cũng vậy. Để diệt 4 chướng này nên lấy tín lạc v.v… 4 thứ làm nhân khiến các Bồ-tát tu tập nhân này, đến được vô thượng pháp thân thanh tịnh Ba-la-mật. Đó gọi là Phật tính thanh tịnh nhân. Người như vậy được gọi là Phật tử. Vì vậy Phật tử có 4 nghĩa: 1. Nhân. 2. Duyên. 3. Y chỉ. 4. Thành tựu. Trước hết nói nhân có 2: 1. Phật tính. 2. Tín lạc. Hai pháp Phật tính này là vô vi tín lạc hay hữu vi tín lạc? Ước theo tính được Phật tính là liễu nhân, vì có thể hiển liễu tính chính nhân. Tín lạc ước theo gia hành là sinh nhân, vì có thể sinh khởi các hành. Hai là duyên, nghĩa là Bát-nhã Ba-la-mật có thể sinh Bồ-tát thân, đó là gia duyên công đức vô vi. Ba là y chỉ, nghĩa là phá không định v.v… người thích hữu chấp đoạn, vì không có chỗ nòa có lạc tịnh v.v… Bồ-tát tu phá không Tam-muội có thể trừ phá chấp. Do định lực này nên pháp thân Bồ-tát kiên cố không yếu kém. Bốn là thành tựu, nghĩa là Bồ-tát đại bi làm việc lợi tha vô tận. Đó là gia nhân phải được của Phật tính: 1. Nhân như cha. 2. Duyên như mẹ. 3. Y chỉ như bào thai. 4. Thành tựu như sữa mẹ.
Bồ-tát do 4 nghĩa này được gọi là Phật tử.
Phẩm 3: HIỂN QUẢ
Lại nữa, cần phải biết nghĩa của quả tướng. Quả tướng có 2 xứ: 1. Địa tiền phàm thánh 2 vị. 2. Mười địa các vị. Địa tiền có tín lạc v.v… 4 đức như vậy là nhân của Phật tính thanh tịnh để đối trị 4 điên đảo. Bốn tướng công đức Ba-la-mật của pháp thân Như Lai là quả. Phải biết 4 điên đảo là với sắc v.v… 5 ấm thật là vô thường khởi thường kiến, thật khổ khởi lạc kiến, thật vô ngã khởi ngã kiến, thật bất tịnh khởi tịnh kiến. Đó gọi là 4 điên đảo. Điên đảo có 3 nghĩa: 1. Do kiến diệt. 2. Do tu diệt. 3. Chẳng phải 2 cái đó diệt. Khi kiến chân đế có thể trừ kiến đảo. Định phá tư hoặc có thể trừ tưởng đảo. Chẳng phải 2 cái diệt có thể trừ tâm đảo. Để đối trị 4 cái này nói 4 không đảo. Những gì là 4? Với sắc v.v… 5 ấm chưa có, có, đã có, phải diệt nên thật vô thường. Như thật khởi cái hiểu vô thường, khi khổ là khổ, khi lạc diệt là khổ, xả 3 thời là khổ, cho nên thật là khổ. Ở trong sinh cái hiểu về khổ. Vô thường là nhân, vô thường là quả, do nhân quả được thành bởi chấp y tha. Quả không tự tại. Nhân cũng vậy. Chưa có, có, đã có hoàn không, đã do nhân trước, cho nên y tha cũng không tự tại. Lìa nhân quả, ngoài ra không một pháp nào khác là ngã. Cho nên vô ngã là thật, sinh cái hiểu về ngã. Bất tịnh có 2 thứ: 1. Sắc. 2. Phi sắc. Sắc bất tịnh có 3, là sơ, trung, hậu. Sơ, là mới nhập thai hòa hợp chủng tử bất tịnh. Trung, là xuất thai trở về sau ăn uống nuôi lớn nhiều các bất tịnh. Hậu, là xả thân trở về sau, khi thân thể hoại có nhiều thứ bất tịnh. Phi sắc, là hoặc mừng, hoặc lo, hoặc ghét, hoặc vô ký, hoặc các trói buộc v.v… không lìa dục nên là phi sắc. Do các pháp này nên bất tịnh. Do đó thánh nhân quán khắp 3 cõi đều là bất tịnh. Như vậy 5 ấm như thật bất tịnh, sinh cái hiểu về bất tịnh. Bốn pháp này đều thật nên chẳng phải đảo. Nếu ước về Phật tính là thường v.v… 4 đức thì 4 pháp vô đảo này trở lại thành điên đảo. Để đối trị điên đảo này cho nên an lập 4 đức của pháp thân Như Lai.
Bốn đức là: 1. Thường Ba-la-mật. 2. Lạc Ba-la-mật. 3. Ngã Ba-lamật. 4. Tịnh Ba-la-mật. Như Kinh Thắng Man nói: “ Thế Tôn ! Các chúng sinh này sinh tâm điên đảo, bên trong 5 thủ ấm vô thường thấy thường, trong khổ thấy vui, vô ngã thấy ngã, bất tịnh thấy tịnh. Thế Tôn ! Tất cả Thanh Văn Độc Giác do không không hiểu rõ chưa từng thấy biết cảnh nhất thiết trí, nên pháp thân Như Lai phải tu không tu. Nếu người Đại thừa do tin Thế Tôn nên đối với pháp thân Như Lai thường khởi cái hiểu thường lạc ngã tịnh. Người như vậy không gọi là đảo, gọi là được chính kiến.” Sao pháp thân Như Lai như thế là thường lạc ngã tịnh các Ba-la-mật? Nếu người có kiến giải như vậy gọi là chính kiến, là đứa con trong lòng Như Lai. Đứa con trong lòng tức thường ở trong tâm Phật. Lại nữa 4 đức Ba-la-mật của Như Lai do nhân lần lượt càng đi sâu. Phải biết nói nghịch, nghĩa là ngược sau ra trước, là tịnh ngã lạc thường. Do Nhất-xiển-đề ghét nghịch Đại thừa, để nghịch lại chúng thích trụ sinh tử bất tịnh nên tu tập tin ưa pháp Đại thừa của Bồ-tát. Được tịnh Ba-la-mật, phải biết đó là quả. Do tất cả ngoại đạo đối với sắc v.v…5 ấm có tính vô ngã thì chấp cho là ngã, mà sắc v.v… các pháp với cái chấp ngã tướng của ông trái nhau nên hằng thường vô ngã. Chư Phật Bồ-tát do trí chân như đến được tất cả pháp vô ngã Ba-la-mật. Cái vô ngã Ba-la-mật này với tướng vô ngã của ông thấy không trái nhau nên Như Lai nói tướng ấy hằng thường vô ngã. Vì đó là chân thể tính của tất cả pháp. Cho nên nói vô ngã Ba-la-mật là ngã. Như kinh nói:
Hai không đã thanh tịnh,
Được vô ngã thắng ngã.
Vì Phật được tịnh tính,
Vô ngã chuyển thành ngã.
Các ngoại đạo trong 5 thủ ấm chấp kiến có ngã. Để ngược lại cái ngã chấp hư vọng nên tu tập Bát-nhã Ba-la-mật đến được tối thắng vô ngã, tức ngã Ba-la-mật, đó là quả. Phải biết do các người Thanh Văn sợ hãi sinh tử khổ vui, trụ trong tịch tĩnh sinh tử khổ, để ngược lại ý lạc này nên tu tập phá hư không Tam-muội. Tất cả tướng của pháp thế xuất thế lạc Ba-la-mật, đó là quả. Phải biết do Độc Giác thánh nhân không quán các việc lợi ích chúng sinh chỉ thích ở một mình nơi tĩnh trụ. Để ngược lại ý này nên tu tập đại bi vì lợi ích chúng sinh của Bồ-tát cho đến tận cùng sinh tử thường xuyên hộ trì thường Ba-la-mật, đó là quả. Phải biết tín lạc Đại thừa Bát-nhã Bala-mật như vậy phá hư không Tam-muội, đại bi Bồ-tát v.v… 4 nhân, có thể thành tựu 4 công đức Ba-la-mật của pháp thân Như Lai. Cho nên Phật nói do 4 đức này tất cả Như Lai duy chỉ pháp giới là thắng hơn, do như hư không, lấy hư không làm biên tế sau cùng. Bốn câu như vậy thể hiện những nghĩa gì? Do tu tập tín lạc pháp Đại thừa nên chư Phật đến được thanh tịnh Ba-la-mật cùng tột. Phật nói duy chỉ pháp giới là thắng hơn, là trên hết, do tu tập Bát-nhã Ba-la-mật nên đến được chúng sinh thế giới, khí thế giới cực vô ngã Ba-la-mật. Năm ấm là chúng sinh thế gian, tức nhân không. Cõi nước, 4 đại là khí thế giới, tức pháp không. Đó là hiển thị 2 không, cho nên nói do như hư không. Để tu tập phá không Tam-muội v.v.. nên các pháp tất cả mọi nơi được tự tại như ý nên lấy hư không làm biên tế. Do tu tập đại bi của Bồ-tát nên đối với các chúng sinh thường khởi tâm bi hộ trì không biên tế, cho nên nói là cùng cực đến biên tế sau cùng. Cùng cực biên tế sau cùng, là giả sử ranh giới sau cùng mà còn có sau nữa thì đại bi của Bồ-tát cũng có thể qua đó. Cho nên biện rõ tổng quát 2 địa vị thánh phàm của địa tiền không được 4 đức. Lại nữa, 10 địa do 4 chướng nên chưa được cực quả của 4 đức. Phải biết kim cương hậu tâm mới được. Bởi vì sao? Bởi vì có 3 loại thánh nhân ra ngoài 3 cõi, là Thanh Văn, Độc Giác, Đại lực Bồ-tát, trụ ở cõi vô lưu. Có 4 thứ oán chướng, do 4 oán chướng này nên không được 4 thứ công đức Ba-la-mật của pháp thân Như Lai. Bốn chướng là: 1. Phương tiện sinh tử. 2. Nhân duyên sinh tử. 3. Hữu hữu sinh tử. 4. Vô hữu sinh tử.
Một, phương tiện sinh tử là vô minh trụ địa có thể sinh nghiệp vô lậu mới. Ví như vô minh sinh hành, hoặc nhân phương tiện phiền não sinh quả đồng loại gọi là nhân duyên. Như vô minh sinh bất thiện hành nếu sinh quả không đồng loại chỉ gọi là phương tiện. Như vô minh sinh thiện hành, bất động hành nên khiến vô minh trụ địa sinh nghiệp vô lậu mới cũng vậy. Hoặc sinh đồng loại, hoặc không đồng loại. Sinh phúc hành gọi là đồng loại, do đồng duyên tục. Sinh trí tuệ hành gọi là không đồng loại, do trí là chân tuệ. Đó gọi là phương tiện sinh tử.
Hai là nhân duyên sinh tử, nghĩa là vô minh trụ địa sinh nghiệp vô lậu. Nghiệp đó gọi là nhân duyên sinh tử. Ví như vô minh sinh hành là nghiệp. Chỉ cảm đồng loại không sinh quả không đồng loại. Thiện hành chỉ sinh lạc quả. Bất thiện chỉ chiêu khổ báo. Cho nên gọi là nhân duyên sinh tử. Phương tiện sinh tử ví như phàm phu vị. Nhân duyên sinh tử ví như Tu-đà-hoàn trở lên chỉ thụ dụng nên nghiệp không sinh nghiệp mới.
Ba là hữu hữu sinh tử, nghĩa là vô minh trụ địa làm phương tiện, nghiệp vô lậu làm nhân, 3 thứ thánh nhân là ý sở sinh thân. Ví như 4 thủ làm duyên, nghiệp hữu lậu làm nhân, sinh thân trong 3 cõi. Hữu hữu, là có vị lai sinh. Lại có một đời gọi là hữu hữu. Như người thượng lưu A-na-hàm ở trong đời thứ hai Bát-niết-bàn còn có một đời, nên gọi là hữu hữu.
Bốn là vô hữu sinh tử, nghĩa là thân sau cùng của 3 thánh ý sinh làm duyên là không thể tư duy thoái đọa. Ví như sinh làm duyên, lão tử v.v… là lỗi lầm, cho nên vô minh trụ địa là nơi y chỉ của tất cả phiền não, mà tất cả phiền não gọi chung là vô minh, là vì vô minh là căn bản của tất cả các hoặc. Căn bản đã chưa diệt hết do bị tất cả phiền não cấu uế huân tập. A-la-hán, Bích-chi-phật và tự tại Bồ-tát không thể đến được đại tịnh Ba-la-mật không nhiễm ô. Lại nữa y vào duyên này, tướng vọng tưởng vi tế của vô minh trụ địa này du hành chưa dứt, cho nên chưa đến được cùng cực vô hành vô tưởng đại ngã Ba-la-mật. Nhân vô minh trụ địa này làm duyên, và vi tế vọng tưởng khởi nghiệp vô lậu làm nhân, được khởi 3 thứ ý sinh thân nên không thể đến được chỗ cùng cực lìa khổ nhân quả, đại lạc Ba-la-mật. Nếu chưa chứng được nghiệp khó sinh khó diệt hết vô dư Như Lai cam lồ giới, và chưa chứng được bất khả tư duy thoái đọa giới, chưa diệt mất nên không thể đến được chỗ cùng tận không khác biệt lão tử v.v… được đại thường Ba-la-mật. Lại nữa phải biết vô minh trụ địa như phiền não nạn, nghiệp vô lậu như nghiệp nạn, 3 thứ ý sinh thân như quả báo nạn, không thể tư duy thoái đọa như lỗi lầm nạn. Nếu ở trong 3 thứ ý sinh thân thì không thường lạc ngã tịnh Ba-la-mật. Cho nên pháp thân Như Lai là thường v.v… 4 Ba-la-mật. Bởi pháp thân Như Lai đều đã diệt hết tất cả phiền não tập khí. Đó gọi là cực tịnh. Tất cả cái chấp hư vọng về ngã, vô ngã đã dứt hết nên gọi là đại ngã. Rốt ráo hết tất cả nhân quả ý sinh thân nên gọi là đại lạc. Sinh tử Niếtbàn bình đẳng thông đạt nên gọi là đại thường. Lại nữa 4 đức đều có nghĩa của 2 duyên. Phải biết trước tiên có 2 nhân duyên nên nói pháp thân Như Lai có đại tịnh Ba-la-mật. Một là bản tính thanh tịnh gọi là thông tướng. Hai là vô cấu thanh tịnh nên gọi là biệt tướng. Bản tính thanh tịnh thì cả thánh phàm đều có, nên gọi là thông. Vô cấu thanh tịnh thì chỉ Phật quả có, nên gọi là biệt. Lại có 2 thứ nhân duyên nói pháp thân Như Lai có đại ngã Ba-la-mật. Một là do xa lìa biên kiến chấp ngoại đạo nên không có ngã chấp. Hai là do xa lìa chấp vô ngã của Nhị thừa thì không vọng chấp vô ngã. Hai chấp diệt dứt nên nói đại ngã Ba-la-mật. Lại có 2 thứ nhân duyên nói pháp thân Như Lai có đại lạc Ba-la-mật. Một là do diệt hết tất cả tướng khổ tập không sót, nên trừ bỏ tập khí chấm dứt sự nối tiếp. Hai là do chứng đắc tướng tất cả khổ diệt, nên 3 thứ ý sinh thân diệt, không sinh trở lại. Khổ diệt không còn sót nên gọi là đại lạc Ba-la-mật. Lại có 2 thứ nhân duyên nói pháp thân Như Lai có đại thường Ba-la-mật. Một là vô thường sinh tử không tổn giảm, xa lìa bên đoạn. Hai là thường trụ Niết-bàn không tăng ích, xa lìa bên thường. Do lìa 2 chấp đoạn thường này nên gọi là đại thường Ba-la-mật. Cho nên Kinh Thắng Man nói: “ Nếu thấy các hành vô thường đó gọi là đoạn kiến không gọi là chính kiến. Nếu thấy Niết-bàn là thường trụ, đó gọi là thường kiến chẳng phải chính kiến.” Cho nên pháp thân Như Lai lìa 2 kiến, gọi là đại thường Ba-la-mật. Do đạo lý môn của pháp giới như thật nên tức Niết-bàn tức sinh tử không thể phân biệt, thế là được nhập vào pháp môn không hai, cũng chẳng một chẳng hai, trụ nơi vô trụ cho nên do diệt các hoặc không trụ sinh tử, do bản nguyện nên không trụ Niếtbàn, do Bát-nhã nên các hoặc được diệt, do đại bi nên bản nguyện được thành. Cho nên trong bài kệ Kinh Bất Khả Tư Lường nói:
Các hoặc thành giác phần,
Sinh tử thành Niết-bàn.
Tu tập đại phương tiện,
Chư Phật khó nghĩ bàn.
Phẩm 4: SỰ NĂNG
Lại nữa phải biết nghĩa của tướng sự năng. Tính thanh tịnh này có 2 sự năng: 1. Trong sinh tử khổ có thể sinh chán lìa. 2. Trong Niết-bàn muốn cầu lạc nguyện. Nếu không có tính thanh tịnh, thì 2 sự như vậy không thành. Cho nên trong kinh nói: “ Thế Tôn ! Nếu không có Như Lai tạng thì trong khổ sinh tử không có ý chán lìa cũng không có tâm muốn cầu lạc nguyện. “ Cho nên chúng sinh bất định tụ khởi 2 sự này làm dụng. Một là trong khổ sinh tử quán sát tội lỗi làm chỗ y chỉ, sinh tâm chán lìa chúng sinh bất định tụ. Hai là trong Niết-bàn lạc quán sát công đức làm chỗ y chỉ sinh chúng sinh bất định tụ muốn cầu lạc nguyện.
Dục cầu nguyện lạc là 4 thứ tâm khác như thế nào? Trước tiên dục gọi là tín. Tín có 4 thứ: 1. Tin có. 2. Tin không thể nghĩ bàn. 3. Tin phải có thể được. 4. Tin có vô lượng công đức. Đủ 4 nghĩa này nên gọi là dục.
Hai là cầu, nghĩa là đến được pháp này tâm hằng cần cầu, không hối hận thoái lui, gọi đó là cầu.
Ba là lạc, nghĩa là tư duy lựa chọn phương tiện như, bất như. Phương tiện như, là Niết-bàn. Phương tiện bất như, là sinh tử. Tư duy lựa chọn Niết-bàn không cầu mau chứng. Tư duy lựa chon sinh tử không cầu lìa bỏ, nên gọi là lạc.
Bốn là nguyện, nghĩa là từ nay phát nguyện cho đến cùng tột đời vị lai hằng dùng nguyện nhiếp hóa tất cả chúng sinh chưa từng lìa bỏ. Tùy chỗ hành đạo đều vào trong nguyện hải Bồ-đề. Vì tự lợi nên không bỏ Niết-bàn. Vì lợi tha nên không bỏ sinh tử. Cho nên có 2 quán: 1. Trong sinh tử quán khổ tội lỗi. 2. Trong Niết-bàn quán vui công đức. Cho nên người tịnh phần, do tính thanh tịnh quán này được thành. Nói tịnh phần là: 1. Phần phúc đức. 2. Phần giải thoát. 3. Phần thông đạt. Phần phúc đức là thiện căn đời trước có thể cảm đến thân này đầy đủ các căn được thụ pháp khí. Phần giải thoát là đã gieo hạt giống công đức, có thể cảm quả báo giải thoát trong đời vị lai. Phần thông đạt, là do thánh đạo nên có thể thông đạt chân như, gọi là tịnh phần. Người này do tịnh phần làm duyên, tịnh tính làm nhân, nên thành quán này chứ không phải không nhân duyên. Nếu không do nơi 2 sự này, thành quán không nhân duyên. Như người Xiển-đề không có tính Niết-bàn phải được quán này, mà Nhất-xiển-đề đã không có quán này, cho nên biết chắc phải quán nhân duyên mới có thể hiện tính thanh tịnh, không bị khách trần làm nhiễm ô, tùy trong 3 thừa chưa khởi tín lạc một thừa. Lại nữa chưa thể đích thân phụng sự thiện tri thức, cho đến 4 thứ thánh luân cũng chưa tương ưng. Nói 4 luân là: 1. Ở nơi cõi nước đúng như pháp. 2. Y cứ vào thiện tri thức. 3. Điều phục tự thân. 4. Trồng thiện căn đời trước. Luân có 3 nghĩa: 1. Chưa được khiến được, được khiến không mất. 2. Năng độ, nghĩa là từ đây đến kia, từ tha tương tục đến tự tương tục, từ tự tương tục lại đến tha. 3. Năng tải, nghĩa là có thể từ sinh tử đến Niết-bàn. Một ở chỗ thiện, tức là có thể tu chính hạnh nơi chỗ người thiện ở. Nếu ở trong đó thường thấy người này nên được giác ý. Giác là giác ngộ. Ý là thiện tâm. Như đây thụ trì thiện pháp các việc. Cho nên Phật nói kệ rằng:
Vô tri không thiện thức,
Bạn ác tổn chính hạnh
Như nhệnh rơi trong sữa,
Sữa đó hóa thành độc.
Đó gọi là nên ở cõi nước đúng như pháp. Hai, gần bạn lành. Bạn lành có 7 phần, như kệ nói:
Năng thí, trọng đáng tin,
Năng thuyết năng nhẫn chịu,
Nói sâu là bạn lành,
Đặt đệ tử chỗ thiện.
Bảy phần là: 1. Năng thí. Do năng thí nên khiến người thương yêu, yêu nên tôn trọng, trọng nên đáng tin, đáng tin nên có thể thuyết pháp, do năng thuyết pháp nên năng kham chịu các nạn bên ngoài, năng nhẫn chịu nên năng thuyết nghĩa lý sâu, lợi ích bạn lành, do thuyết pháp sâu nên có thể đặt bạn lành nơi chỗ thiện an ổn. Nếu người có khả năng đầy đủ 7 đức thì có thể kham y chỉ làm thiện tri thức. Nếu tổng luận 7 phần này thì không ra ngoài 3 nghĩa: 1. Thích thương yêu. 2. Thông minh. 3 Kham nhẫn. Ba nghĩa này nếu thiếu một thì không thành bạn lành. Nếu chỉ thương yêu mà không thông minh, ví như cha mẹ tuy nghĩ đến con bệnh thương yêu mà không chữa trị được. Nếu chỉ có thông minh mà không tình thương thì như thầy oan gia không trị bệnh cho người. Nếu không thể kham chịu thì tự làm cũng không đủ, có thương yêu, thông minh cũng chẳng thành tựu. Tách rời thì tuy 7 thứ nhưng hợp lại không ra ngoải 3 là: năng thí, tôn trọng và khả tín. Ba cái này thuộc trong thương yêu. Năng thuyết pháp và thuyết lý sâu, 2 cái này thuộc trong thông minh. Năng nhẫn chịu thuộc trong kham nhẫn. Đặt an ổn nơi chỗ thiện đều thuộc chung 3 thứ. Thông minh là biểu thị lìa ngu si. Năng kham nhẫn là biểu thị khác phàm phu. Ba thương yêu là biểu thị khác Nhị thừa. Chỉ Phật Thế Tôn có đủ 3 đức này, nên kham làm chân thiện tri thức cho chúng sinh. Ba điều phục tự thân tâm, là như chính giáo hành, khi nghe tâm tán loạn, tư duy thì tâm không khinh mạn, tu thì tâm không điên đảo. Nếu không tự điều phục thân tâm thì dù có ở với bạn lành cũng chẳng ích dụng gì. Bốn trồng căn lành đời trước, là vì giải thoát phần tu thiện căn. Thiện căn, là tín, giới, văn, xả, trí. Tín, là không lìa chính niệm Tam Bảo. Giới là không lìa con đường thiện. Văn, là mình nghe pháp và khiến người nghe. Không khiến người nghe đảo lộn, không làm trở ngại người nghe. Nhân 4 nghe nên đời nay được nghe và tư duy tu hành v.v…có thể làm pháp khí. Ba tuệ đầy đủ. Xả, có 2: 1. Do xưa xả vật thí cho người nên nay giảm tổn tham ái. 2. Do xưa xả pháp thí cho người nên nay nhẹ nhàng diệt vô minh. Do cái xả này nên tham ái, vô minh đều nhẹ. Do nhân duyên ấy được quả giải thoát. Người trí, là người đời trước đã từng tư trạch Tam Bảo, Tứ đế cho nên đời này được thế chính kiến, cho đến tận trí và vô sinh trí. Người như vậy tuy đủ 3 luân, nếu không có thiện đời trước thì đời nay 5 căn không đầy đủ và sinh nơi có 8 nạn. Cho nên biết nếu không có thiện căn đời trước thì 3 luân trước chẳng có chỗ ích dụng. Tổng kết lại 4 nghĩa này ví như 4 bánh xe nếu thiếu 1 bánh thì không thành, tên giải thoát không do đâu được lập. Do 4 pháp này hòa hợp cho nên được đạo giải thoát, như bánh xe có thể vận chuyển. Đến khi giải thoát không có lại năng lực này. Như bánh xe của thánh vương có đủ 4 vật: đùm, vành, căm, trục. Nếu không có 4 thứ này thì không thành bánh xe. Do nghĩa đó nên nếu chưa cùng 4 luân tương ưng thì khi đó quán chán lìa sinh tử và quán công đức Niết-bàn đều không được thành. Cho nên trong kinh nói: Người Nhất-xiển-đề đọa vào tà định tụ, có 2 loại thân: 1. Bản tính pháp thân. 2. Tùy ý thân. Phật nhật tuệ quang chiếu 2 thân này. Pháp thân, tức lý chân như. Tùy ý thân, tức từ như lý khởi Phật quang minh vì thương xót Xiển-đề. Hai thân, là: 1. Khiến pháp thân được sinh. 2. Khiến gia hành được tu hạnh Bồ-đề dài lâu. Cho nên quán được thành. Lại có kinh nói: Xiển-đề chúng sinh quyết không có tính Bát-niết-bàn. Nếu vậy 2 kinh lại tự mâu thuẫn nhau? Lãnh hội 2 thuyết này một liễu một bất liễu, cho nên không mâu thuẫn nhau. Nói hữu tính thì gọi là liễu thuyết, nói vô tính là bất liễu thuyết. Cho nên Phật nói nếu không tín lạc Đại thừa gọi là Nhất-xiển-đề. Muốn lìa bỏ tâm Nhất-xiển-đề nên nói khi làm Xiền-đề thì quyết không giải thoát. Nếu có chúng sinh có tự tính thanh tịnh tịnh, vĩnh viễn không được giải thoát là không có chuyện đó. Cho nên Phật quán tất cả chúng sinh có tự tính, sau quyết được pháp thân thanh tịnh. Cho nên kệ trong kinh nói:
Người thông minh lần lượt,
Thường thường tế tế tu,
Trừ diệt thân cấu bẩn,
Như thợ vàng luyện vàng.
Người thông minh lần lượt, nghĩa là nói rõ người này có hiểu không điên đảo năng tu như thứ lớp. Thường thường, nghĩa là không tạm thời xả bỏ, hằng tự nghiên cứu tìm cầu. Tế tế, nghĩa là từ vi tế tới hiển rõ. Như văn, tư, tu tuệ tu tập từ vi tế. Trừ diệt tự thân cấu bẩn, nghĩa là trừ vô minh các hoặc khinh trọng khiến thanh tịnh, bản tính mãi mãi hiển hiện, nên nói giống như thợ vàng luyện vàng loại trừ tạp chất được vàng ròng sáng chói.
HẾT QUYỂN 2