NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Thái Tích Đỉnh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Thái Tích Đỉnh

(thư thứ nhất)

Mẹ ông đã sáu mươi bảy tuổi, tháng ngày không còn nhiều, hãy nên tận lực khuyên cụ sanh lòng tin phát nguyện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đấy là hành hiếu chân thật! Nay đặt pháp danh cho mẹ ông là Đức Thành, nghĩa là dùng lòng Thành niệm Phật, ắt được Phật từ tiếp dẫn. Vợ ông là Kim Địa đã chịu ăn chay, sao chẳng chịu niệm Phật? Niệm Phật mà mắc cỡ thì đáng gọi là “chẳng biết tốt – xấu đến cùng cực!” Nay đặt pháp danh cho bà ta là Đức Thanh, nghĩa là có thể nhất tâm niệm Phật thì nghiệp lực tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, tự biết tốt – xấu. Dẫu đối trước muôn người vẫn chẳng sợ hãi mà niệm rõ ràng, khiến cho những người nghe [tiếng niệm Phật] ấy đều cùng gieo thiện căn, cùng được thanh tịnh tam nghiệp vãng sanh Tây Phương. Ngộ Hạnh pháp danh là Đức Ý, Học Hạnh pháp danh Đức Thục. Hai đứa con gái này đều ăn chay từ trong thai, chính là người tu hành trong đời trước, sao không dạy chúng niệm Phật? Đấy chính là vì ông không hiểu sự việc! Đã có túc căn, lại chẳng dạy niệm Phật, ví như ruộng tốt lại không cày cấy, gieo trồng, cũng chẳng gặt hái được gì! Tuy có túc căn tốt đẹp mà chẳng được lợi ích tốt đẹp thật sự! Hiện nay đàn cầu cơ của ngoại đạo lập ra ở các nơi nhiều như rừng. Đã quy y Tam Bảo chớ nên vẫn tu theo công phu của ngoại đạo, tham gia cầu cơ! Pháp danh của bà Trần Chiếu Tây nhà họ Từ và con dâu là Vân Hà được viết trong một tờ giấy khác, xin hãy giao lại cho họ. Những điều khác đã được nói tường tận trong bức thư dài (tức Một Bức Thư Trả Lời Khắp), ở đây không viết chi tiết nữa! (Ngày mồng Chín tháng Mười Một)

(thư thứ hai)

Vợ và con của ông Tiết X…. đời trước có kẻ oán thù lớn. Vì thế, [kẻ oán thù] cố ý [trả thù, khiến bà ta bị sanh khó] cho thỏa dạ. Nhưng [bỏ] công [niệm Quán Âm] ba ngày, sản phụ vẫn không sao, há chẳng phải là do niệm danh hiệu Đại Sĩ mà được cảm ứng đấy ư? Phàm phu chẳng biết “nhân trước, quả sau”, hễ không hiệu nghiệm liền ngã lòng tin tưởng. Nào biết [oan gia] trong đời trước oán thù sâu đậm, nhiều đời lắm kiếp đều mong báo thù, dẫu có nương nhờ hồng danh của Đại Sĩ mà vẫn chưa thấy hiệu quả. Nếu chẳng niệm hồng danh Đại Sĩ, há sản phụ vẫn được vô sự hay sao? Những kẻ lúc sanh nở niệm Quán Âm liền thấy hiệu nghiệm có tới trăm ngàn vạn người; há nên vì một sự không linh liền lui sụt lòng tin ư? Hãy nên trọn đủ lòng không sợ hãi, nói với người khác để cho hết thảy mọi người đều được yên vui. Lại còn nên khuyên họ đừng kết oán nghiệp. Nếu oán nghiệp nặng nề, Phật lực cũng khó cứu độ! Điều này đúng là có thể giúp cho việc khuyên lơn người khác biết “nhân trước, quả sau”. Chính ông chẳng hiểu rõ lý nên đối với điều này bèn chẳng thể quyết đoán được! [Lẽ ra] ông Tiết X… kia sẽ do điều này mà càng sanh lòng tin, nhưng lại ngược ngạo lui sụt lòng tin thì sợ rằng sau này sẽ lại xảy ra đại họa do túc oán gây nên.

Khi lâm chung có thể dùng cách trợ niệm, nhưng khi sanh nở thì không cần dùng cách trợ niệm. Chỉ cần bảo người nhà cùng những người săn sóc trong phòng sanh và chính sản phụ đều cùng niệm là được rồi! Sau này chẳng cần phải suất lãnh đại chúng trợ niệm. Niệm danh hiệu Quán Âm lớn tiếng thì có cảm ứng lớn, niệm nhỏ tiếng thì có cảm ứng nhỏ, chứ trọn chẳng có lẽ nào không ứng! Quan trọng là can đảm nói với mọi người, những kẻ chẳng thấy cảm ứng thì cũng chẳng phải là không hề có cảm ứng! (Ngày Mười Sáu tháng Chạp)

(thư thứ ba)

Ngọc Hoàng Kinh là kinh do bọn đạo sĩ ăn trộm nghĩa lý trong kinh Phật ngụy tạo ra. Ông chẳng biết kinh ấy là ngụy, nên tưởng là đã thành Phật rồi mới làm Ngọc Đế. Ngọc Đế chính là Đao Lợi Thiên Vương[1], tức là vua tầng trời thứ hai trong Dục Giới (Tầng trời phía dưới đó là Tứ Thiên Vương Thiên), phía trên còn có bốn tầng trời nữa. Sáu tầng trời này thuộc Dục Giới. Lên trên nữa là ba tầng trời thuộc Sơ Thiền, lên trên nữa là ba tầng trời thuộc Nhị Thiền, lên trên nữa là ba tầng trời thuộc Tam Thiền. Lên trên nữa là chín tầng trời thuộc Tứ Thiền. Mười tám tầng trời này là Sắc Giới. Lên trên nữa là bốn tầng trời thuộc Vô Sắc Giới. Phi Phi Tưởng Thiên chính là tầng trời thứ tư [trong Vô Sắc Giới], phước thọ tám vạn đại kiếp, nhưng khi hết tuổi thọ vẫn phải đọa lạc xuống những cõi dưới, hoặc đọa thẳng vào ba ác đạo. Vì thế nói: “Nhiêu quân bát vạn kiếp, chung thị lạc không vong” (Dẫu thọ tám vạn kiếp, rốt cuộc đọa không vong), huống là Ngọc Đế ở tầng trời thứ hai của Dục Giới ư?

Ông thấy Ngọc Hoàng Kinh nói cực cao, cực sâu, nhưng chẳng biết là kinh do kẻ dối trá ngụy tạo! Ông chỉ trì giới thanh tịnh. Nếu vì sanh con mà phải ân ái thì hãy nên tắm gội sạch sẽ, chớ nên thường ăn nằm. Người tụng kinh phải giữ cho thanh khiết. Nếu dâm dục khởi lên là đã ô uế rồi! Bất quá vì sanh con nên chẳng ngại làm chuyện đó một lần mỗi năm hoặc mỗi quý (ba tháng). Tiết dục được như thế thì đứa con sanh ra nhất định thông minh, phước thọ, chớ nên nói “vì mong có con mà không thể không thường ăn nằm!” Cần biết rằng: Thường ăn nằm thì ngược lại càng khó sanh con. Dẫu sanh được con cũng khó sống lâu vì “Tiên Thiên bất túc” vậy! Nữ nhân thọ thai rồi vĩnh viễn dứt chuyện ân ái thì đứa con sanh ra không những tướng mạo đoan chánh, tâm hạnh thuần thành, chuyên dốc, mà còn chẳng bị hết thảy những bệnh thai độc, lên đậu, lên sởi v.v… Ngay cả khi sanh cũng dễ sanh. Nếu thọ thai rồi mà ăn nằm một lần thì bọc thai dầy thêm một lần, cho nên khi sanh nở sẽ bị khó sanh, lại còn bị các thứ thai độc v.v…

Do một người bạn cậy Quang in giùm cuốn Đạt Sanh Thiên, phải giảo duyệt [cho ông ta], nên đem những nghĩa trọng yếu trong thiên sách ấy nói với ông để mong con cháu ông đều thành hiền thiện, thông minh, trí huệ. Đừng nói Quang là người xuất gia mà bàn chuyện ăn nằm của người ta! Chẳng biết chuyện ấy chính là chuyện sanh tử mấu chốt bậc nhất của thế gian, đúng là phải nên cứu giúp để chính mọi người và hết thảy con cháu họ đều được phước thọ, khỏe mạnh, bình yên thì vui sướng chi hơn! (Ngày mồng Bảy tháng Chạp).

***

[1] Đao Lợi Thiên (Trāyastrimśa) còn dịch âm là Đát Lỵ Da hay Đát Lỵ Xà, hoặc dịch nghĩa là Tam Thập Tam Thiên, là cõi trời nơi Đế Thích ở, nằm ngay trên đỉnh núi Tu Di. Bốn phía đỉnh núi ấy, mỗi phía có tám tòa thành trời. Tòa thành của Đế Thích nằm chính giữa mang tên Thiện Kiến Thành. Như vậy Tổng cộng có ba mươi ba tòa thành trời nên mới gọi là Tam Thập Tam Thiên. Theo Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, tên của ba mươi ba tòa thành ấy là 1) Thiện Trụ Pháp Đường Thiên 2) Trụ Phong Thiên 3) Trụ Sơn Đảnh Thiên 4) Thiện Kiến Thành Thiên 5) Bát Tư Địa Thiên 6) Trụ Câu Tra Thiên 7) Tạp Điện Thiên 8) Trụ Hoan Hỷ Viên Thiên 9) Quang Minh Thiên 10) Ba Lợi Da Đa Thọ Viên Thiên 11) Hiểm Ngạn Thiên 12) Trụ Tạp Hiểm Ngạn Thiên 13) Trụ Ma Ni Tạng Thiên 14) Triền Hành Địa Thiên 15) Kim Điện Thiên 16) Man Ảnh Xứ Thiên 17) Trụ Nhu Nhuyễn Địa Thiên 18) Tạp Trang Nghiêm Thiên 19) Như Ý Địa Thiên 20) Vi Tế Hạnh Thiên 21) Ca Âm Hỷ Lạc Thiên 22) Đức Oai Luân Thiên 23) Nguyệt Hành Thiên 24) Diễm Ma Sa La Thiên 25) Tốc Hành Thiên 26) Ảnh Chiếu Thiên 27) Trí Huệ Hành Thiên 28) Chúng Phận Thiên 29) Trụ Luân Thiên 30) Thượng Hành Thiên 31) Oai Đức Nhan Thiên 32) Oai Đức Diễm Luân Thiên và 33) Thanh Tịnh Thiên.

Đế Thích (Śakra Devānām-Indra), gọi đầy đủ là Thích Ca Đề Hoàn Nhân Đà La, còn có tên là Kiều Thi Ca, Sa Bà Bà, Thích Ca Đề Bà, Thiên Nhãn v.v… Đời trước vốn là một vị Bà La Môn do xướng suất ba mươi hai người cùng tu bổ tháp Phật đã hư nát, nên cùng với ba mươi hai người ấy hưởng quả báo được sanh lên trời Đao Lợi làm thiên chúa. Vị trời này có mười vị đại thiên tử hộ vệ. Mỗi tháng, trong mười ngày trai sẽ đích thân xuống cõi nhân gian hay sai Tứ Thiên Vương, Thái Tử, thị giả… xuống tuần tra xem xét thiện ác. Thông thường vị trời này được tạc tượng cỡi voi trắng, tay phải cầm kim cang xử ba nhánh, tay trái đặt trên đùi, và cũng được xếp vào số các vị tôn thánh thuộc Ngoại Kim Cang Viện của Thai Tạng Giới trong Đông Mật.