PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 3
CÁC PHẨM TÍNH CỦA PHÁP

THƯỢNG TỌA BỘ

Đặc tính tổng thể của Pháp

‘Pháp’ (Pāli. Dhamma, Skt. Dharma) là một từ có nhiều tầng ý nghĩa. Là trân bảo thứ hai trong ba đối tượng quy kỉnh của Phật tử (‘Tam quy’: xem *Th.93), trong đó Pháp được dùng ở dạng số ít, hàm nghĩa lời dạy của đức Phật: giáo pháp; thực tại và nguyên lý mà các pháp này nói đến là Mô thức Thực tại: lý pháp; đạo lộ giải thoát khỏi khổ đau là trọng tâm chính của giáo pháp, và nó phù hợp với bản chất của thực tại; và đỉnh cao tối hậu của đạo lộ này, tức Niết-bàn: chứng pháp.

Pháp cũng có thể có nghĩa là một cái gì đó như ‘đức hạnh’, ‘công lý’, ‘công chính, đạo lý’, như khi một vị vua được cho là cai trị theo Pháp, tức là một cách công chính, hợp đạo lý. Khi được dùng theo số nhiều, dhamma / dharma có thể chỉ cho một yếu tố tâm lý hay một hiện tượng, theo nghĩa rộng nhất (pháp hữu vi); hoặc chỉ cho một sự vật có thật hay tưởng tượng, đối tượng của ý thức (pháp xứ hay pháp giới); hoặc chỉ cho một nguyên lý, chân lý hoặc mô thức thực tại (ví dụ: bốn Thánh đế (xem *L.27 và gần cuối *Th.138)).

Th.12 Các phẩm tánh của Pháp

Phần đầu tiên của đoạn này trích từ một đoạn văn thường được tụng bằng tiếng Pāli trong các lễ sám, cũng như được chiêm niệm trong tu tập tùy niệm.

‘Thưa Tôn giả Gotama,được nói là pháp hiện kiến, pháp hiện kiến (dhamma/pháp: chân lý / thực tại; sandiṭṭhiko: hiện kiến hiện chứng, được thấy / chứng ngộ ngay trong hiện tại), phi thời (ākaliko: không lệ thuộc thời gian, kết quả tức thì, không trì hoãn), cận quán (ehipassiko: hãy đến để thấy), dẫn đạo (opanayiko: hướng dẫn thực hành tiến đến cứu cánh), trí giả nội chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi: chỉ được chứng nghiệm nội tại bởi kẻ trí), nói thế có nghĩa là gì?

‘Này bà-la-môn, người bị tham ái chế ngự, tâm bị nắm chặtdẫn đến hại mình, hại người, hại cả hai, cảm thọ tâm khổ,  tâm ưu. Nhưng khi tham ái được đoạn trừ, người ấy bị dẫn đến tự hại, hại người, hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Đó được nói là, pháp hiện kiến [Lặp lại như trên về bị sân hận, ngu si chế ngự… đoạn trừ… Kinh khác có nội dung tương đương, chỉ khác ở chỗ thay từ ‘pháp’ (dhamma) bằng từ ‘Niết-bàn’ nibbāna).]

Aññatara Brāhmana and Nibbāna Suttas: Aṅguttara-nikāya I.156– 157, dịch Anh P.H.

Th.13 Pháp thâm sâu

Trong đoạn này, đức Phật nói về Pháp thâm sâu mà Ngài đã kinh nghiệm khi giác ngộ. Sau đó Ngài giải thích điều này theo hai phương diện: một mặt, chuỗi quan hệ duyên khởi (xem đoạn *Th.156-168), tức là chuỗi tiếp nối của các điều kiện dẫn đến tái sinh và dòng tương tục của khổ, và ngược lại, là Niết-bàn, chấm dứt tất cả những điều kiện tiếp nối như vậy. Không như Niết-bàn, lý duyên khởi không phải là pháp để quy y, nương tựa, nhưng được hiểu là một phần thuộc về pháp, tức là đạo.

Pháp mà Ta đã chứng ngộ này thật là sâu xa, khó thấy và khó hiểu, tịch tĩnh, vi diệu, vượt ngoài khả năng suy luận, chỉ được chứng nghiệm bởi kẻ trí. Nhưng quần chúng này thì ái lạc chấp tàng (ālayarāma: lạc a-lại-da), khoái lạc chấp tàng (ālayata: hân a-lại-da), hỷ lạc chấp tàng (ālayasammudita: hỉ a-lại-da). Thật khó cho quần chúng như vậy có thể thấy được pháp này, tức là, y duyên tánh duyên khởi (idappaccayatā paṭiccasamupādo). Và thật khó thấy pháp này, tức là, sự tịnh chỉ tất cả hành, xả ly tất cả sanh y (upadhi), ái tận, ly tham, tịch diệt, Niết-bàn.

Ariya-pariyesanā Sutta: Majjhima-nikāya I.167, dịch Anh P.H.

Mục đích tu Phật

Th.14 Mục đích của đời sống phạm hạnh

Này các tỳ-kheo, phạm hạnh này không sống để lừa dối mọi người, không vì để phù phiếm với mọi người, không vì lợi ích của lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, không vì mục đích bảo vệ chủ kiến của mình, không với ý nghĩ ‘Mong sao mọi người biết ta’. Này các tỳ-kheo, phạm hạnh ấy được sống với mục đích chế ngự, đoạn trừ, ly tham, diệt tận (khổ đau).

Uruvela-vagga Brahmacariya Sutta: Aṅguttara-nikāya II.26, dịch Anh P.D.P.

Thái độ đối với các đạo giáo khác

Th.15 Pháp không nhắm cải đạo người khác mà để giúp mọi người sống tốt hơn

Trong đoạn văn này, đức Phật nói chuyện với một du  sĩ ngoại đạo, khẳng định Ngài muốn giúp mọi người tu đạo tiến bộ chứ không vì mục đích thu phục đệ tử.185

Này Nigrodha, có thể ông nghĩ rằng: ‘Sa-môn Gotama nói vậy là muốn thu đệ tử.’ Chớ nghĩ như vậy. Tôn sư các ông là ai, vẫn là tôn sư của các ông. Có thể ông nghĩ rằng: ‘Sa-môn Gotama nói vậy là muốn chúng ta từ bỏ giáo thuyết của mình’.‘Ông ấy muốn đặt chúng ta vào những pháp bất thiện mà các tôn sư tiền bối của chúng ta xem là bất thiện.’‘Ông ấy muốn chúng ta xa lánh những thiện pháp mà các tôn sư tiền bối của chúng ta xem là thiện’. Chớ có nghĩ như vậy. Những gì là pháp thiện mà các tôn sư của các ông xem là 185 Phật tử tôn trọng các đạo khác, điều này được chứng tỏ trong đoạn chỉ dụ dẫn sau, từ vị hoàng đế Phật giáo Ấn-độ rất nổi tiếng, A-dục (Pāli. Asoka, Skt. Aśoka, khoảng 268–239 trước TL): ‘nếu có nguyên nhân để phê bình (tôn giáo khác), hãy phê bình nhẹ nhàng. Nhưng, hãy nên kính trọng các tôn giáo khác vì lý do này. Như vậy, đạo của mình cũng như các đạo khác đều được lợi ích, nếu ngược lại thì đạo mình đạo người đều bị thiệt hại. … Hãy nên lắng nghe và tôn trọng các giáo lý mà người khác rao truyền.’ (Thạch dụ thứ mười hai của A-dục: The Edicts of King Asoka, Wheel booklet no.386, Kandy, Buddhist Publication Society, trans. Ven.

Th. Dhammika, © 1994– 2013:

http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/dhammika/wheel386.html

thiện, hãy cứ xem là thiện. Này Nigrodha, Ta thuyết không phải vì những mục đích ấy.

Này Nigrodha, có những pháp bất thiện mà không được từ bỏ, làm cho ô nhiễm, dẫn đến tái sanh, mang lại khổ não, kết quả của khổ, già, bệnh, chết trong tương lai. Những pháp ấy, Ta thuyết pháp để diệt trừ các pháp ấy. Nếu các ông thực hành đúng theo lời giảng dạy, các pháp ô nhiễm của các ông được trừ diệt, các pháp thanh tịnh được tăng trưởng, và các ông sẽ bằng thắng trí tự mình giác chứng và an trụ, ngay trong hiện tại, trí tuệ viên mãn, quảng đại.’

Udumbarika-sīhanāda Sutta: Dīgha-nikāya III.56–57, dịch Anh P.D.P.

Tranh luận và khoan dung

Th.16 Phật khuyên bảo đệ tử đáp ứng những chỉ trích và cáo buộc như thế nào

Đoạn này Phật khuyến cáo các đệ tử nên đánh giá bình tĩnh về bất kỳ lời chỉ trích hay lời khen ngợi nào đối với Phật, Pháp hay Tăng (hội chúng Phật giáo).

‘Này các tỳ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ông chớ nên vì vậy mà sanh phẫn nộ, không xứng ý. Nếu các ông do vậy phẫn nộ, không xứng ý, như vậy sẽ có hại cho các ông. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, mà các ông phẫn nộ, không xứng ý, thế thì các ông có thể biết được những lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai chăng?’ ‘Bạch Thế Tôn, không thể được.’

‘Nhưng khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ông nên nêu rõ những gì không đúng sự thật là không đúng sự thật, chỉ rỏ “điều này như thế là không đúng sự thật; như thế là không chính xác; điều (xấu) này không có giữa chúng tôi…”.

‘Này các tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, tán thán Tăng, các ông không nên vì vậy hoan hỷ, vui mừng, hớn hở… sẽ có hại cho các ông. Khi có người tán thán Ta, tán thán Pháp, tán thán Tăng, các ông hãy thừa nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật, nói rằng “điểm này như thế này là đúng sự thật, điểm này như thế này là chính xác, điều (tốt) này có giữa chúng tôi,…”.’

Brahma-jāla Sutta: Dīgha-nikāya I.2–3, dịch Anh P.D.P.

Th.17 Nguyên nhân của tranh luận

Trong đoạn này, đức Phật nói rằng Ngài không tranh luận với ai (xem *M.19), và những tranh luận phát sanh do các định kiến xuất phát từ chỗ bắt nắm và nhào nặn những gì được nhận thức.

Daṇḍapāṇī dòng họ Thích… đi đến… chỗ Thế Tôn đang ngồi, nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu, rồi đứng một bên, tựa trên cây gậy, và nói: ‘Sa-môn chủ trương thuyết gì, luận giải điều gì?’

‘Ta thuyết như vầy: là một bà-la-môn [1] (như Ta), sống không bị các dục trói buộc, không còn hoài nghi do dự, không có gì phải truy hối, không khát ái nơi hữu và phi hữu, không có các tưởng[2] tùy miên, vị ấy sống không tranh luận với bất kỳ ai trong thế gian này bao gồm chư thiên, Ma, Phạm, sa-môn, bà-la-môn, trời, người. Này Hiền giả, Ta thuyết như vậy, luận giải như vậy.’

Khi nghe nói vậy, Daṇḍapāṇi họ Thích lắc đầu, liếm lưỡi, trán nổi lên ba đường nhăn, rồi chống gậy bỏ đi.

… [Sau đó đức Phật thuật lại đối thoại này cho một số tỳ- kheo.] Rồi một tỳ-kheo bạch Thế Tôn: ‘Thế Tôn thuyết những gì mà sống không tranh luận với bất kỳ ai trong thế gian này bao gồm chư thiên, Ma, Phạm, sa-môn, bà-la-môn, trời, người… bạch Đại Đức, thế nào là các tưởng không tùy miên trong Thế Tôn, vị sống mà không bị các dục trói buộc?

‘Này tỳ-kheo, do bởi nhân duyên gì mà các hành suy niệm vọng tưởng[3] hiện hành cho một người, mà nếu (với người ấy) ở đây không có gì đáng hoan hỷ, đáng tán thán, đáng chấp thủ, do vậy mà tham tùy miên đoạn tận, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên đoạn tận; do vậy mà dao gậy, tranh chấp, tranh luận, đấu tranh bị loại bỏ, ly gián ngữ, vọng ngữ được dứt trừ. Chính ở đây, tất cả những pháp ác, bất thiện này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.’

Thế Tôn thuyết như vậy, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bước vào tinh xá. Sau khi Thế Tôn đi vào tinh xá không lâu, các tỳ- kheo ấy suy nghĩ, ‘Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy tóm tắt này cho chúng ta, không giải thích rộng rãi ý nghĩaTôn giả Mahā-kaccāna có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này cho chúng ta.’ Rồi chư tỳ-kheo đi đến chỗ tôn giả Mahā- kaccāna và thưa rằng: ‘Tôn giả Mahā-kaccāna, xin hãy giải thích ý nghĩa này.’

Tôn giả Mahā-kaccāna giải thích như sau: ‘Chư Hiền, do duyên đến mắt và các sắc, nhãn thức phát sinh. Tổ hợp của  ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, cảm thọ phát sinh. Cái gì được cảm thọ cái đó được tưởng, cái gì được tưởng cái đó được tầm tư, cái gì được tầm tư cái đó là vọng tưởng. Do nhân duyên vọng tưởng, mà các hành suy niệm vọng tưởng hiện hành nơi một người trong các sắc nhận thức bởi mắt, sắc quá khứ, sắc vị lai, sắc hiện tại. [Lặp lại tương tự như vậy trong các căn khác và sở duyên tương ứng của chúng; bao gồm cả ý và pháp.]

Madhupiṇḍika Sutta: Majjhima-nikāya I.108–112, dịch Anh P.D.P.

Th.18 Tranh luận phát sanh như thế nào

Đoạn này nhấn mạnh do bám chấp sở hữu mà dẫn đến tranh cãi.

Rồi thì, này Ānanda, ở đây do duyên thọ mà khát ái, do duyên khát ái mà tầm cầu, do duyên tầm cầu mà thủ đắc, do duyên thủ đắc mà quyết định (quyết định làm gì với thủ đắc), do duyên quyết định mà dục tham, do duyên dục tham mà đắm trước, do duyên đắm trước mà chấp thủ, do duyên chấp thủ mà keo kiệt, do duyên keo kiệt mà thủ hộ, do duyên thủ hộ mà phát sinh các pháp ác, bất thiện pháp, cầm dao, cầm gậy, tranh chấp, tranh luận, đấu tranh, ác khẩu, vọng ngữ. Mahā-nidāna Sutta: Dīgha-nikāya II.59, dịch Anh P.D.P.

Th.19 Giáo điều, nguồn gốc tranh chấp

Những bài kệ sau đây trích từ bốn bài kinh của một phần trong Kinh Tập (Sutta-nipāta) gọi là Phẩm Tám (Aṭṭhaka- vagga). Phần này là một bản kinh có rất sớm, vì được trích dẫn trong một số kinh điển sơ kỳ khác; đặc biệt nhấn mạnh việc không bám chấp vào các quan điểm và ý kiến.

Nhiều người nói lên với ác ý, những người khác nói ý chân thật. Mâu-ni không dự phần tranh cãi, do vậy Mâu-ni không chướng ngại.

Làm sao tự mình vượt tà kiến,[4] bị dục lôi kéo bám sở thích, tự mình tư duy thành định kiến, tuyên thuyết giáo điều như tư duy.

Những ai do vọng tưởng phân biệt, tôn sùng hành bất tịnh hữu vi, thấy đó có lợi cho tự thân, bám chặt những gì không ổn định.

Tỳ-kheo tu tối thắng tịch diệt, không khoe ta có giới như vậy, không đề cao những gì trong thế gian, những điều thiện nhân chê phi thánh.

Những ai bám chặt vào các pháp, không dễ siêu việt các kiến chấp, cho nên kẻ nào trụ trong đó, người ấy xả chánh, thủ tà pháp.

Họ nói duy chỉ đây thanh tịnh, trong các pháp khác không thanh tịnh, y chỉ điều này nói đây tịnh, mỗi mỗi tự nói thuyết ta tịnh.[5]

Vào giữa đại chúng muốn thuyết lý, chúng đối địch nhau, gọi nhau ngu; y chỉ tự tông mà tranh luận, tự khen tự nói ta thiện xảo.

Ta bằng, ta hơn, hoặc ta kém: ai nghĩ như vậy khởi đấu tranh; ai không dao động ba thứ này, không nghĩ ta bằng, hay hơn, kém.

Bà-la-môn nói gì đều đúng? Hay sai? Vì vậy gây đấu tranh. Với ai không nghĩ bằng, không bằng, người ấy do đâu gây tranh luận? Những ai lìa tưởng, không hệ phược, những ai tuệ giải thoát không si.

Những kẻ chấp tưởng và chấp kiến, đi khắp thế gian để tranh cãi.

Mỗi mỗi chấp riêng kiến giải mình, kẻ khéo tranh cãi, quyết nhiều lý: “Ai nói như vầy là biết pháp. Ai chê, người ấy không rốt ráo.”

Như vậy chấp riêng rồi tranh cãi, chê người khác ngu, không thiện xảo.

Tất cả đều nói ta thiện xảo, vậy ai trong đó thuyết như thật? Không khứng nhận pháp của người khác, chê ngu, thấp kém, tuệ hạ liệt

Tất cả đều ngu, tuệ hạ liệt. Tất cả chấp riêng kiến giải mình.

Nếu theo kiến riêng mà thanh tịnh, trí giả thiện xảo tuệ cực tịnh; thế thì không ai tuệ hạ liệt, vì mọi kiến giải đều rốt ráo. Ta không nói điều này như thật, hỗ tương đối địch gọi nhau ngu. Mỗi chấp kiến riêng là sự thật, nên nói kẻ khác là ngu si. Điều mà người này nói như thực, người khác cho là hư ngụy, dối. Như vậy chúng tranh chấp tranh luận; sao các sa-môn không nhất trí?

Sự thật chỉ một không có hai, trong đó biết rõ, không tranh cãi. Tự khen chân lý thành lắm loại; vì vậy sa-môn không nhất trí.[6]

Tự xưng thiện xảo các luận thuyết, sao nói sự thật có lắm loại? Phải chăng sự thật nhiều sai biệt, hay chỉ tùy niệm theo suy lý?

Trong đời, sự thực vốn thường hằng, không nhiều sai biệt, trừ do tưởng[7]. Suy lý vọng tưởng trong các kiến, phân biệt thành hai: đúng, hoặc sai.

The Duṭṭhaṭṭhaka, Pasūra, Māgandhiya and Cūḷa-viyūha Suttas: Sutta-nipāta 780–787, 824–825, 842–847, 878–886, dịch Anh P.D.P.

Th.20 Ngụ ngôn người mù sờ con voi. Những vấn đề vô ký.

Đoạn này giới thiệu một tập hợp mười quan điểm về những điều được gọi là các vấn đề không xác định hoặc không thể giải đáp (avyākata: vô ký) (xem *Th.10 và phần giới thiệu trước phía trước). Nói thế, do bởi Phật gạt chúng sang một bên mà không trả lời, vì trả lời chúng không liên hệ gì đến giải thoát khỏi đau khổ mà còn dẫn đến tranh cãi không cơ sở. Những người chủ trương quan điểm như vậy được mô tả là chỉ cố chấp một khía cạnh hạn định của thực tại do mình kinh nghiệm một phần rồi khái quát hóa lên. Trong một đoạn khác (Majjhima–nikāya I.428–431), trong đó một tỳ-kheo nói rằng ông sẽ hoàn tục trừ phi đức Phật đưa ra những giải đáp cho mười vấn đề được xem không có câu trả lời. Đức Phật nói Ngài chưa bao giờ hứa hẹn trả lời những câu hỏi này, và so sánh người hỏi với người bị bắn bởi mũi tên độc mà từ chối điều trị cho đến khi biết mọi thứ về người bắn và chất liệu mũi tên.

‘Bạch Đại Đức, ở Sāvatthī này có nhiều sa-môn, bà-la-môn, các du sĩ dị đạo đang sống, có nhiều kiến giải dị biệt, nhận thức dị biệt, sở thích sở thích dị biệt, y cứ trên kiến giải sở y dị biệt. Một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương như sau:

Thế giới là thường trú: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng. Thế giới không thường trú: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Thế giới là hữu biên: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng. Thế giới là vô biên: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng. Mạng và thân đồng nhất: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Mạng và thân không đồng nhất: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai[8] tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai không tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai không phải vừa tồn tại vừa không tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Những vị ấy công kích nhau bằng ngôn ngữ sắc bén như dao kiếm, cạnh tranh, tranh cãi rằng, “Sự thực là như vầy, sự thực không phải như vậy”.’

‘Này các tỳ-kheo, các du sĩ dị đạo chủ trương nhiều kiến giải khác nhau ấy như những người mù, không có mắt. Họ không biết cái gì có lợi, cái gì không có lợi. Họ không biết cái gì là thực, cái gì không thực. Do vì không biết… cái gì là thực, cái gì không thực, công kích nhau bằng ngôn ngữ sắc bén như dao kiếm

Trong quá khứ, này các tỳ-kheo, có một ông vua tại thành Sāvatthī này. Nhà vua ấy gọi một người đến và bảo: “Này khanh, lại đây. Hãy tụ họp tất cả những người mù bẩm sinh ở Sāvatthī lại một chỗ.” Người ấy vâng đáp, “Vâng lệnh, Ðại vương” và dẫn tất cả những người mù bẩm sinh ở Sāvatthī đi đến chỗ vua, tâu rằng: “Ðại vương, tôi đã tụ họp tất cả những người mù bẩm sinh ở Sāvatthī.”

“Thế thì, này khanh, hãy dẫn một con voi đến cho những người mù bẩm sinh.” – “Tâu vâng, Ðại vương” và người ấy dẫn một con voi đến cho những người mù bẩm sinh. Nói rằng “con voi là như thế này”, ông đưa đầu voi cho một số người… tai voi cho một số người… ngà voi cho một số người… vòi voi cho một số người… thân voi cho một số người… chân voi cho một số người… đùi voi cho một số người… đuôi voi cho một số người… và chỏm đuôi voi cho một số người…

Người ấy đi đến chỗ vua và tâu “Tâu Ðại vương, con voi đã được các người bẩm sinh mù quan sát. Nay đến lượt Ðại vương.” Rồi, này các tỳ-kheo, ông vua đi đến chỗ các người mù ấy và hỏi: “Này các người mù bẩm sinh, các ông đã quan sát con voi chưa?” “Tâu Ðại vương, chúng tôi đã quan sát con voi.” “Nếu vậy, này các người mù bẩm sinh, hãy nói con voi là như thế nào.”

Những người… sờ đầu voi nói: “Con voi giống như cái hũ.” Những ai… sờ tai voi nói: “Con voi là như cái rá sàng gạo.” Những người… sờ ngà con voi nói: “Con voi giống như lưỡi cày.” Những người… sờ thân voi nói: “Con voi giống như nhà kho.” Những người… sờ chân con voi nói: “Con voi như cột trụ.” Những ai… sờ đùi con voi nói: “Con voi giống như cái cối.” Những ai… sờ đuôi con voi nói: “Con voi giống  như cái chày.” Những ai… sờ chỏm đuôi con voi nói: “Con voi giống như cái chổi.” Họ nói con voi giống như thế này và không phải như thế kia… rồi đả kích nhau bằng những nắm tay. Vua thấy nực cười chuyện ấy.

Cũng vậy, này các tỳ-kheo, các du sĩ dị đạo như những người mù, không có mắt… Họ công kích nhau bằng ngôn ngữ sắc bén như dao kiếm… cạnh tranh, tranh cãi lẫn nhau.’ Paṭhama-nānātitthiya Sutta: Udāna 67–69, dịch Anh P.D.P.

Giáo pháp chú trọng thực hành

Th.21 Đức Phật dạy những gì được chứng nghiệm và thiết thực

Khi giáo huấn một người nào đó, đức Phật chọn lựa từ những gì Ngài đã thực chứng, thấy là thiết thực tu hành cho người nghe, dù người thấy điều ấy dễ chịu hay không.

Cũng vậy, này vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, hư ngụy, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, không hư ngụy, nhưng không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, không hư ngụy, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, ở đây Như Lai biết đúng thời để nói lời nói ấy.

[Ba mẫu văn trên được lặp lại với ‘khiến những người khác ưa thích’ thay cho ‘khiến những người khác không ưa thích’.] Vì sao vậy? Bởi vì Như Lai thương tưởng các hữu tình.

Abhaya-rājakumāra Sutta: Majjhima-nikāya I.395, dịch Anh P.H.

Th.22 Hiểu pháp đúng và sai

Trong đoạn này, đức Phật đáp lời một tỳ-kheo tuyên bố rằng hành dục lạc không gây chướng ngại đạo. Ngài xem ông ấy như một người tìm lỗi chỉ có ý định khoa trương kiến giải riêng của mình, chứ không vận dụng giáo pháp một cách thích hợp.

Này các tỳ-kheo, ở đây, một số người ngu si học phápHọc các pháp này, nhưng không quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Do không quán sát ý nghĩa, không suy ngẫm mà nhẫn thọ. Những người ấy học pháp chỉ vì có lợi để chỉ trích người khác hay chỉ để khoa trương kiến giải. Dù học pháp với mục đích gì, họ cũng không đạt được. Những pháp được nắm giữ sai lầm ấy dẫn họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài.Ví như một người cần có rắn, tìm kiếm rắn, đi khắp nơi để tìm, rồi thấy một con rắn lớn, và bắt nó ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay lại cắn tay người đó, hay cắn chi phần nào khác. Do nhân này, người đó có thể bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì nắm bắt con rắn một cách sai lầm.

Alagaddūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.133–134, dịch  Anh P.D.P.

Th.23 Pháp để thoát khổ chứ không phải để chấp chặt

Đoạn này giải thích rằng Pháp – giáo pháp, hành trì và kết quả chứng đắc – là để vượt qua ‘bờ-bên kia’, tức Niết-bàn, vượt thoát khổ, chứ không phải để bám chặt theo hay chấp trước giáo điều. Pháp cần có để tu tập chứ không phải để bám chặt.

Này chư tỳ-kheo, Pháp mà Ta chỉ cho các ông ví như chiếc bè để vượt qua sông chứ không phải để giữ chặt lấy. Hãy nghe và khéo tác ý… Như một người đang đi trên con đường cái, gặp một con sông lớn, bờ bên này nguy hiểm và đáng sợ, bờ bên kia an ổn và không đáng sợ. Nhưng không có thuyền hay cầu để vượt bờ này sang đến bờ kia. Người đó suy nghĩ: ‘Hay là ta thu lượm cỏ, cây, nhánh, lá…?’ Rồi người ấy kết buộc cỏ, cây, nhánh, lá thu lượm được lại thành một chiếc bè, nương chiếc bè này, nỗ lực bằng cả tay chân, an toàn vượt sang bờ bên kia. Sang đến bờ bên kia rồi, người đó suy nghĩ: ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích cho ta. Ta đã an toàn vượt qua bờ bên kia là nhờ nó, với nỗ lực bằng cả tay chân. Vậy ta nên đội chiếc bè này trên đầu, hoặc vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn?’ Này các tỳ-kheo, nếu người đó làm như vậy, có làm đúng với sở dụng của chiếc bè chăng? … Và người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè?

Này các tỳ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích cho ta. Ta đã an toàn vượt qua bờ bên kia là nhờ nó, với nỗ lực bằng cả tay chân. Giờ ta có thể kéo chiếc bè này lên bờ đất khô, hoặc nhận chìm xuống nước, rồi đi đến nơi nào ta muốn?’ Người đó làm như vậy là làm đúng sở dụng của chiếc bè ấy. Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Pháp mà Ta chỉ cho các ông ví như chiếc bè để vượt qua sông chứ không phải để giữ chặt lấy..Chánh pháp còn phải xả với những ai đã biết. Huống nữa là phi pháp?

Alagaddūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.134–135, dịch  Anh P.D.P.

Th.24 Pháp học nhiều mà không hành thì vô ích

Tụng đọc nhiều kinh điển, buông lung không hành trì, như đếm bò người khác, không dự phần sa-môn.

Dù đọc ngàn câu kệ, nhưng chẳng ý nghĩa gì, không bằng chỉ một kệ, nghe xong tâm an tĩnh.

Dhammapada 19 and 101, dịch Anh P.H.

Con đường dẫn đến trí giải thoát

Th.25 Y chỉ thể nghiệm thực chứng, không y chỉ tông truyền hay lý luận

Phần đầu đoạn trích ở đây phê phán các cơ sở khác nhau làm y cứ cho đời sống tu tập. Cơ sở thứ nhất là y chỉ một vị thầy tự cho là có nhất thiết trí không gián đoạn, nhưng gặp phải những điều không hay không lường trước, rồi sau đó lại biện hộ ‘Sự việc đó nhất định phải như vậy’. Phần trích dẫn của đoạn này phê bình việc y chỉ vào một giáo nghĩa tông truyền hoặc y chỉ lý luận tư biện. Trong phần thứ hai, đức Phật nêu rõ tri kiến của Ngài do thể nghiệm thực chứng.

Này Sandaka, ở đây có những tôn sư là những vị y chỉ sư truyền, cho rằng những gì được nghe từ sư truyền là chân thật. Y chỉ sư truyền, những vị ấy thuyết pháp dựa vào kinh giáo được truyền qua các thế hệ rằng ‘điều này được nói như vầy’, ‘điều này được nói như vầy’ phù hợp với thánh tạng  của giáo pháp truyền thừa. Nhưng với ai y chỉ sư truyền… vị ấy có thể ghi nhớ rõ hoặc không ghi nhớ rõ. Lại nữa, nó có thể là như thực, có thể không như thực… Này Sandaka, đây là phạm hạnh không an ổn thứ hai, được Thế Tôn, vị Tri Giả, Kiến Giả… tuyên bố. Và ở đây người có trí không thể tự mình trụ phạm hạnh ấy, và nếu trụ, thì không thể thành đạt chánh lý, thiện pháp.

Lại nữa, này Sandaka, ở đây có vị đạo sư là nhà lý luận, là nhà thẩm sát. Vị này thuyết pháp dựa trên những gì tự mình rõ, đả phá bằng lý luận, tùy hành theo thẩm sát. Trong trường hợp nhà lý luận, nhà thẩm sát, vị ấy có phần khéo lý luận, có phần không khéo lý luận. Cũng có thể là như thực, có thể không như thực.(Như đã nói) điều này, này Sandaka, đây là phạm hạnh không an ổn thứ ba, được Thế Tôn, vị Tri Giả, Kiến Giả… tuyên bố.

Sandaka Sutta: Majjhima-nikāya I.520, dịch Anh P.D.P.

Có, này Bhāradvāja, một số sa-môn và bà-la-môn… là những vị y chỉ sư truyền; do y chỉ những điều được từ kinh giáo sư truyền, tuyên bố… đã thông đạt thắng trí viên mãn cứu cánh, như, chẳng hạn, các bà-la-môn tam minh.[9] Có một số sa- môn và bà-la-môn… là các nhà suy lý và thẩm sát. (Cũng) có những vị… đã bằng thắng trí tự thân chứng nghiệm pháp trước đây chưa từng nghe và tuyên bố… đã thông đạt thắnG trí viên mãn cứu cánh trí. Này Bhāradvāja, Ta là một trong số những vị ấy.

Saṅgārava Sutta: Majjhima-nikāya II.211, dịch Anh P.D.P.

Th.26 Các cơ sở không khả y cho tri và hành

Đoạn này nêu rõ một giáo thuyết cần được trắc nghiệm bằng kinh nghiệm bản thân, thay vì được chấp nhận chỉ dựa trên truyền thống, lý luận, hoặc bị ấn tượng, hay do trung thành với một vị thầy. Cần phải tự thân thẩm định những kết quả tu tập của các giáo pháp cụ thể. Điểm chú trọng ở đây không phải là nội dung của giáo pháp có thể được đề nghị, nhưng chú trọng đến tâm trạng mà giáo thuyết ấy khuyến khích, và các kết quả tu tập đạt được– dù cho đó là những trạng thái mê lầm và đối lập của nó liên hệ đến nội dung đề xuất. Những người Kālāma ở Kesaputta bạch Thế Tôn như vầy: ‘Bạch Đại Đức, có một số sa-môn và bà-la-môn đi đến

Kesaputta, giải thích và làm sáng tỏ giáo thuyết của mình. Họ bài xích, khinh miệt, biếm nhẽ, và triệt hạ giáo thuyết người khác. Lại có một số sa-môn và bà-la-môn khác cũng đi đến

Kesaputta cũng làm như vậy. Bạch Đại Đức, chúng con thật sự hoài nghi, thực sự phân vân không rõ ai trong số những tôn giả sa-môn và bà-la-môn này nói sự thật và ai nói hư dối.’

[Đức Phật:] ‘Thật đáng để cho ngươi hoài nghi, phân vân. Vì có điều phân vân khi có điều đáng hoài nghi. Vậy thì, này những người Kālāma, chớ có vội tin do nghe từ sư truyền, nghe từ truyền thừa tiếp nối, nghe từ truyền tụng, từ kinh  điển thánh tạng, từ suy lý, từ lý luận diễn dịch, từ suy xét theo tướng trạng, từ quan điểm được chấp nhận do thẩm sát, từ ai đó được xét có khả năng hay không khả năng, hay từ (ý nghĩ rằng) “Sa-môn này là thầy của mình”.

‘Khi nào, này những người Kālāma, các ông tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị chỉ trích bởi người trí, khi các pháp này được chấp nhận và thực hành chúng sẽ dẫn đến tổn hại và gây khổ”, thì các ông hãy từ bỏ chúng.’

‘Này những người Kālāma, tham phát sinh trong một người, nó tăng ích cho người ấy chăng?’

‘Bạch Đại Đức, đó chẳng phải là tăng ích người ấy.’ – ‘Này những người Kālāma, một người tham, với tâm bị tham chế ngự, mà sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, và khuyến khích kẻ khác cũng làm như vậy, người ấy sẽ chịu tổn hại và cảm khổ lâu dài.’

‘Đúng vậy, bạch Đại Đức.’ [Tương tự nói về sân và si.]

‘Này những người Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện?’ ‘Bạch Đại Đức, chúng là bất thiện.’ ‘Chúng là đáng trách hay không đáng trách?’ ‘Đáng trách, bạch Đại Đức.’

‘Chúng bị chỉ trích hay ca ngợi bởi người trí?’ ‘Bị chỉ trích, bạch Đại Đức.’ ‘Được chấp nhận và thực hành, các pháp này có dẫn đến tổn hại và cảm khổ hay không, hoặc thế nào? Được chấp nhận và không thực hành, cũng vậy với chúng ta, trong trường hợp này.’[Đoạn này tiếp tục nói về vô tham (tức trái với tham, xả thí), vô sân (từ ái) và vô si (minh tâm, trí tuệ) là các pháp mà tự mình có thể biết là thiện và dẫn đến tăng ích và an lạc.] Kesaputta (or Kālāma) Sutta: Aṅguttara-nikāya I.188–189, dịch Anh P.D.P. và P.H.

Th.27 Niềm tin không đồng với kiến thức

Đoạn này, như đoạn trên, phê bình việc y chỉ duy nhất vào niềm tin vô căn cứ, y chỉ trên sự tán thành (tùy hỷ), khẩu truyền (tùy văn), thẩm sát hành tướng, hoặc chấp nhận quan điểm được trầm tư, mà tất cả điều này không có căn cứ. Thay vào đó, nhấn mạnh việc tìm kiếm một vị thầy với các đặc tính đạo đức và tinh thần đáng tin cậy, vị ấy sẽ đưa ra những giáo lý phù hợp với suy lý, có thể thực hành, và làm cho thay đổi bản thân.

‘Có năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Năm pháp ấy là gì? Tín, tùy hỷ (tán thành), tùy văn (nghe theo  giáo nghĩa sư truyền hay khẩu truyền), thẩm sát hành tướng (suy xét theo các dấu hiệu luận lý) và chấp nhận quan điểm được trầm tư.

Tuy vậy, này Bhāradvāja, có điều được khéo tin tưởng, nhưng có thể là trống không, trống rỗng, hư dối; trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là chân thật, không trống rỗng, không hư dối.[Tương tự cho bốn pháp còn lại] Một người có trí hộ trì chân lý không nên đi đến kết luận một chiều rằng, “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm.”’ ‘Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là sự hộ trì chân lý; cho đến mức độ nào người ấy hộ trì chân lý? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.’ ‘Này Bhāradvāja, nếu có người có tín và người ấy nói, “đây là niềm tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều, ‘chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm’Chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý cho đến như vậy, nhưng ở đây chưa phải là giác ngộ chân lý.’‘Cho đến mức độ nào là có sự giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào một người giác ngộ chân lý?’ ‘Ở đây, này Bhāradvāja, một tỳ-kheo sống gần làng xóm hay thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị  ấy trong ba pháp – tức là xu hướng tham, xu hướng sân, xu hướng si: “Có chăng những pháp dẫn đến tham như vậy khiến cho tâm của tôn giả ấy bị pháp dẫn đến tham như vậy chế ngự cho đến mức ấy dù không biết mà vẫn nói ‘tôi biết’, dù không thấy vẫn nói ‘tôi thấy’, và thậm chí khuyến khích người khác cũng như vậy để dẫn đến tổn hại, cảm khổ lâu dài?” Trong khi quan sát như vậy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có xu hướng thamThân hành và ngữ hành của tôn giả ấy là như vậy, là của một người không có tham. Pháp mà vị ấy thuyết thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tĩnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận. Pháp ấy không thể do một người có tham khéo giảng.”…

Sau khi quan sát thấy vị ấy thanh tịnh đối với pháp dẫn đến tham; người này lại quan sát thấy vị ấy thanh tịnh đối với pháp dẫn đến sân,… và pháp dẫn đến si. Sau khi quan sát thấy vị ấy thanh tịnh đối với pháp dẫn đến tham, sân, và si, người này phát sanh tín tâm đối với vị ấy. Với tâm tịnh tín, người này đi đến gần; rồi ngồi gần vị ấy, và lóng tai nghe pháp; sau khi nghe, người này ghi nhớ pháp. Rồi tìm hiểu ý nghĩa, hoan hỷ chấp nhận các pháp; khi người này hoan hỷ tin nhận các pháp, ước muốn phát sanh; với ước muốn phát sanh, liền nỗ lực; sau khi nỗ lực, liền trù lượng; trù lượng rồi, tinh cần; do tinh cần, người này tự thân chứng ngộ chân lý tối thượng, rồi bằng trí tuệ mà thấy và thông đạt. Cho đến mức độ này, này Bhāradvāja, là sự giác ngộ chân lý. Cho đến mức độ này, một người giác ngộ chân lý. Chúng tôi chủ trương cho đến mức độ này là sự giác ngộ chân lý, nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.’

‘Cho đến mức độ nào, thưa tôn giả Gotama, là sự chứng đạt chân lý?…’ ‘Chính nhờ luyện tập, tu tập và liên tục tu tập về những pháp ấy, như vậy là có sự chứng đạt chân lý.’

Caṅkī Sutta: Majjhima-nikāya II.170–174, dịch Anh P.D.P and P.H.

Th.28 Thuận thứ thuyết pháp

Đoạn này cho thấy đức Phật bằng phương tiện chuẩn bị cho một người nghe và trực tiếp hiểu tâm yếu của pháp, nói về khổ và con đương thoát khổ: trước hết nói về tu giới và nghiệp quả của tu giới, và rồi xuất ly các dục dẫn đến tâm định. Với tâm định tĩnh, dễ hướng dẫn và dễ tiếp nhận, bấy giờ mới nói pháp yếu, từ đó người nghe pháp có thể thấy khổ, nguồn gốc của khổ, và khổ có thể được vượt qua và chấm dứt. Một đoạn tương tự là *L.34.

Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upāli, thuyết bố thí, trì giới, sinh thiên; rồi nêu rõ các dục là tai hại, hạ liệt, là ô nhiễm, và những lợi ích của xuất ly các dục. Khi biết tâm của gia chủ Upāli đã kham nhẫn, nhu thuận, không triền cái, phấn khởi và tự tín, thì Thế Tôn mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.[10]

Cũng như tấm vải thuần bạch được gột rửa các dấu vết bẩn thì rất dễ nhuộm màu, cũng vậy, gia chủ Upāli ngay tại chỗ ngồi ấy, có được pháp nhãn thanh tịnh và ly cấu: ‘Phàm pháp gì có sinh đều có diệt.’ Upāli Sutta: Majjhima-nikāya I.379–380, dịch Anh P.H.

***

[1] Theo nghĩa của một người đạo đức hoàn hảo chứ không theo nghĩa truyền thống về một thành viên kế thừa của một giai cấp xã hội.

[2] Tưởng (Saññā): ấn tượng tri giác.

[3] papañcasaññāsaṅkhā: Anh dịch: conceptual obsession (ám ảnh chi phối bởi khái niệm; khái niệm viển vông). Papañca: trong Theravāda, nguyên nghĩa: hư vọng, vọng tưởng, chướng ngại; nó chỉ ảo giác hay vọng tưởng gây chướng ngại tu tập. Hiểu trong ngữ cảnh tâm lý học, nó chỉ cho sự tăng gia thêm thắt của một khái niệm hay ý tưởng từ những tri giác quan hay tư duy của ý thức, dồn một người bị bao vây trong mạng lưới xúc cảm và tư duy theo khái niệm vào những suy niệm vọng tưởng. Trong ngữ cảnh này, nó thường được dịch là hý luận.

[4] Chữ Pāli diṭṭhi, Anh dịch: dogmatic view: quan điểm giáo điều (đây được dịch là ‘tà kiến’). Phật dùng từ này để chỉ cho tất cả những quan điểm tư biện được biết đến trong thời đại của Ngài. Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta) của Trường Bộ (Dīgha-nikāya) nêu tất cả có sáu mươi hai (hay đúng hơn là 62 cơ sở cho các quan điểm thuộc tầm mức thấp hơn), nhằm liệt kê đầy đủ các giáo điều biện luận về nguồn gốc của tồn tại (sáng thế vũ trụ luận) và định mệnh cuối cùng của chúng sanh (thế mạt luận).

[5] Ý kiến chủ quan mà người ta thường có xu hướng bám chấp, coi như sự thật khách quan.

[6] Cần lưu ý ở đây rằng tuyên bố của đức Phật rằng có một chân lý (sự thực, hoặc thực tại: sacca) và không có cái thứ hai, không có ý định khẳng định chân lý tuyệt đối, mà là để chứng minh rằng chứng ngộ Niết-bàn tịch tĩnh, từ tri kiến của Phật, là một thực tại có thể thấy được, thế thì không có gì để tranh luận.

[7] saññā: Anh dịch: perception (tri giác). Căn nguyên giác quan của nhiều cấu trúc (phân biệt) về chân lý được ghi chú ở đây, chỉ ra rằng ngoại trừ do tưởng (saññā) không thể có nhiều thứ chân lý (sự thực) khác nhau. Saññā đại biểu cho minh giải chủ quan của những gì được đưa ra ngang qua các quan năng nhận thức giác quan; để có hiểu biết chân thật, saññā cần được hướng dẫn tường tận bởi minh trí.

[8] Chữ Như Lai (Tathāgata) theo nghĩa đen có nghĩa là đi-như-vậy hay đến-như-vậy. Ở đây nó chỉ cho bất cứ ai đã đạt được mục đích tối thượng của đời sống tôn giáo, người đã đạt tới chân lý tối thượng – người đã đạt tới và thuyết giảng từ cái gọi là ‘chân như’: thực tại chân thực. Thông thường nó được sử dụng đặc biệt để chỉ cho đức Phật.

[9] Thông hiểu ba tập Vedā, Thánh điển của Bà-la-môn giáo, hình thức đầu của Hindu giáo, được xem là có những giáo lý vĩnh hằng được các vị thần khai thị.

[10] Một cách ngắn gọn đề cập đến bốn Thánh Đế (xem *L.27).