NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Khuất Văn Lục
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Khuất Văn Lục

(thư thứ nhất)

Nhận được thư đầy đủ. Pháp hội lần này là Hộ Quốc Tức Tai; phàm là quốc dân đều nên hết lòng góp phần. Trong khóa tụng sáng tối, Quang cũng đều cầu nguyện. Nay được Hội Trưởng và các vị sai khiến, cố nhiên phải trọn hết lòng ngu thành của tôi. Chớ nên áp dụng thói khắc khổ giả dối trong thời gần đây đến nỗi chẳng thành ra thể loại của một pháp hội Hộ Quốc! Suốt cả đời Quang chẳng dự vào hội đoàn của ai, cứ hành riêng theo chí của mình. Lúc ở Phổ Đà, thoạt đầu thường trụ mời khắp mọi người đi dự Trai Tăng thì cũng đi. Một buổi Trai Tăng mất hết hai ba tiếng đồng hồ, cảm thấy chán ngán quá, bèn hơn hai mươi năm không đi dự Trai Tăng!

Lần này là chuyện tận tâm cá nhân. Nếu thực hiện theo cách thỉnh pháp sư giảng kinh thông thường thì trọn chẳng hợp lẽ! Về biện pháp đả thất thì tuy tôi chẳng thể [đả thất] cùng đại chúng được, nhưng vẫn phải tuân thủ quy củ đả thất. Bất luận là ai, [Quang] cũng nhất loạt không gặp! Vì nếu gặp một người, há chẳng thể nào không mệt đến chết ư? Năm Dân Quốc thứ mười (1921), Quang đến [dự Phật thất] tại chùa Thường Tịch Quang ở Hàng Châu, người trông coi [Phật thất ấy] hoàn toàn không có chương trình, người ta kéo đến ào ào, trong vòng hai bữa [phải chào hỏi] nứt họng luôn. Lần này đã có kinh nghiệm rồi, cố nhiên chẳng thể không nói rõ trước.

Khi Quang đến [Thượng Hải] thì cắt một người làm Trà Đầu, phàm những chuyện ăn uống đều do người ấy lo liệu, ba bữa sáng trưa tối ăn một mình trong phòng. Trong bữa cháo sáng thì bánh mạn đầu hay cơm chỉ dùng một thứ. Bữa trưa thì một chén rau, bốn cái mạn đầu; buổi tối thì một bát mì lớn, quấy quá cho xong. Quang mấy chục năm ăn cơm không để sót lại thức ăn nên chỉ cần một chén thức ăn. Ăn xong, dùng bánh mạn đầu vét sạch dầu mỡ trong bát, chớ nói là “ăn xong phải chừa lại đôi chút!” Ngoài ra, tất cả những thứ điểm tâm lôi thôi đều nhất loạt chẳng dùng đến. Hôm viên mãn Phật thất, cũng không dự Trai Tăng. Dẫu cử hành lễ Trai Tăng ngay trong pháp hội, Quang cũng chẳng ngồi ăn cùng mọi người do không có tinh thần để bồi tiếp. Hôm sau ngày viên mãn sẽ trở về đất Tô ngay, cũng đừng nên đưa tiễn, đưa tới ngoài cửa liền dừng chân. Nếu cứ tiễn chân sẽ trở thành thói quen của chốn thị tứ, chẳng thành ra quy củ một pháp hội Hộ Quốc Tức Tai vậy! (Ngày Mười Bảy tháng Chín năm Dân Quốc 25 – 1936).

Thêm nữa, hãy đem lời Quang chẳng tiếp khách bảo với các vị lo việc chiêu đãi. Nếu có ai đem quà đến biếu, đều bảo họ cầm về; nếu chẳng chịu cầm về thì sung vào quỹ của hội [Phật giáo Trung Quốc]. Đồ ăn đã như thế mà tiền tài cũng giống như thế, bảo họ cúng dường cho hội, đừng cúng dường cho Quang. Hơn nữa, tiền tàu xe đi về của Quang và của người Trà Đầu đều tính sổ với Quang. Hội cũng không nên thưởng công hậu hĩnh cho người Trà Đầu, bởi người ấy cũng vì quốc dân mà góp phần, chớ nên đối xử nồng hậu đặc biệt, đâm ra chẳng hợp pháp thể! Quang là một ông Tăng lui tới một mình, sợ rằng [hội Phật giáo Trung Quốc] vẫn chưa thông cảm điều đó nên mới phải nói thêm.

(thư thứ hai)

Hôm trước, khi viết thư vừa xong, đưa cho thầy Đức Sâm coi, thầy ấy nói: “Hãy nên nhờ cư sĩ đem chuyện không tiếp khách, không nhận quà tặng dù là thức ăn hay tiền tài đăng trên tờ Tân Thân Báo để mọi người đều biết!” Quang cho rằng làm như thế sẽ phiền phức. Ngày hôm qua, thầy ấy cầm báo đưa cho Quang xem, thưa: “Con đã đăng báo rồi!” Vậy là nên đem chuyện này đăng báo. Sáng nay lại nhận được thư ngày hôm qua và ngày hôm trước, cho biết cư sĩ sẽ tự mình lái xe đến đón, chứ không để cho hội phải bỏ tiền xăng. Được cư sĩ yêu mến nồng hậu, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn; nhưng Quang một mực chẳng thích được người khác tung hô, lại cần phải đi các nơi. Chi bằng để tôi đón xe kéo tùy theo ý thích. Nếu phải ngồi xe hơi, hóa ra chẳng khác gì bị giam lỏng, chẳng được tự tại. Ngàn phần mong ông đừng làm mệt chính mình để đôi bên đều được thoải mái.

Hơn nữa, Quang thuyết pháp chẳng giống với hết thảy các pháp sư khác. Các đại pháp sư phần nhiều chú trọng đàm huyền thuyết diệu, Quang chẳng biết nói chuyện huyền diệu, mà phần nhiều chú trọng dạy người giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận. Năm Dân Quốc mười mấy (quên mất năm nào), Quang đến Ninh Ba, ông Hoàng Hàm Chi thỉnh đến nói khai thị tại Niệm Phật Xã ở phía ngoài nha Đạo Doãn. Vị đại lão quan X… ngồi kiệu đến, lúc ấy Quang đã diễn thuyết. Sau đấy, [khi Quang] nói đến chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, cha từ, con hiếu v.v… người ấy bèn lên kiệu bỏ đi. Nhưng Quang một mực giữ chí này, chẳng vì người khác không thích nghe mà thay đổi phương châm. Huống chi lần này là Hộ Quốc Tức Tai, chuyện niệm tụng vẫn là cành nhánh; giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận mới là căn bản. Bất luận người ta thích nghe hay không, tôi vẫn lấy đó làm tông chỉ.

Còn chuyện quy y thì Quang không xứng, bởi Hội Trưởng hội Phật giáo là chủ nhân, Quang là khách, những kẻ quy y kia nên quy y với Hội Trưởng. Đấy là điều chí lý quyết định chẳng thay đổi được! Hơn nữa, mắt Quang đã lòa, xem sách phải dùng cả kiếng lão lẫn kiếng lúp cũng chỉ thấy lờ mờ, làm sao thăng tòa vì người khác nói Tam Quy Ngũ Giới cho được. Hơn nữa, rất đông người, cũng chẳng ghi pháp danh được. Chắc chắn chẳng chấp nhận chuyện này để khỏi bị người ta chê cười! Lần này đến Thượng Hải, chuyên vì Hộ Quốc, tuy chẳng thể theo đại chúng niệm tụng, nhưng vẫn theo cùng một quy củ với đại chúng để khỏi bị phân tâm trở thành hữu danh vô thực. Nếu dùng biện pháp tiếp đón pháp sư rềnh rang như thường thấy thì đôi bên đều sai lầm. Do vậy, Quang phải thưa rõ trước! (Ngày Hai Mươi tháng Chín năm Dân Quốc 25 – 1936)

Những điều Quang sẽ nói đều một mực tùy tiện không theo thứ tự nhất định. Phật sự niệm tụng lần này để hộ quốc tức tai, ngày đầu tiên sẽ nói đại lược về ý nghĩa hộ quốc tức tai, tức là nói về công đức lợi ích của pháp môn Niệm Phật. Ngày hôm sau lại nói đến đạo hộ quốc căn bản để mong vãn hồi thế đạo nhân tâm. Lúc Quang mới xuất gia, tới nhà một vị cư sĩ, cả nhà ấy đều tin Phật: Mẹ chồng, con dâu là hai người, ba bốn đứa con, mỗi người thờ một vị Phật, bàn thờ Phật là một cái bàn dài. Cô con dâu chỉ thắp hương, cúng nước, phẩy bụi cho đức Phật của mình, còn tượng Phật của mẹ chồng bụi bám cũng không phẩy, Quang thấy vậy mà đau lòng! Những người như vậy do vì chưa nghe thiện tri thức dạy dỗ nên dùng thân báng pháp. Đây là nguyên do vì sao Quang chú trọng đến chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận vậy.

Lại thấy nhiều người thâu nhận đồ đệ cho nhiều, đều chẳng phải hạng người tu hành thật sự. Do vậy, phát nguyện chẳng thâu nhận đồ đệ. Do thấy sự hèn hạ của tăng nhân hướng về người khác hóa duyên nên chẳng nguyện làm Trụ Trì, làm pháp hội. Nay đã già rồi, vẫn chưa đến nỗi phụ bạc cái tâm thuở đầu, cam lòng giữ bổn phận kiếm cơm, ngõ hầu những bạn bè đã sanh về Tây Phương từ trên đài sen chẳng chê cười tôi!

(thư thứ ba)

Gởi đi bức thư đề ngày Hai Mươi rồi, đến chiều hôm qua mới biết cụ Chi đã về Tây, khôn ngăn thảm thương, Phật pháp mất đi một người hộ pháp ưu tú, quả là một đại bất hạnh cho Phật giáo! Đối với bạn bè chí thân thâm giao, Quang một mực đều chẳng viết bài phúng điếu, chỉ trong lúc hồi hướng vào khóa tụng sáng tối bèn hồi hướng cho họ trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc nhiều ngày hơn nữa mà thôi! Nay tôi cũng làm như thế đối với cụ Chi. Trước đây tôi đã nhận được chương trình nhập hội của hội Phật giáo, do không dễ đọc nên giao cho thầy Đức Sâm, thầy ấy nói hãy nên nhập hội. Nay nộp (tiền quỹ một trăm đồng, lúc đến sẽ mang theo), thư tình nguyện gia nhập thì gồm hai chữ cơ bản và tên Quang là ba chữ nữa, người giới thiệu thì xin pháp sư Viên Anh và cư sĩ hãy tự điền vào. Còn đối với những điều được nêu trong mặt sau thư thì do người đã bảy mươi sáu tuổi sắp chết trong sáng chiều có lẽ chẳng cần phải dông dài!

Cư sĩ gởi thư nói sẽ đến đón thì vào ngày Mười Tám đến chùa Thái Bình là được rồi. Ngày mồng Sáu, mồng Bảy quyết chẳng được. Vì sao vậy? Do ai có chí nấy, nếu tỏ lòng kính trọng mà trái ý người ta, làm sao có chuyện đó được? Nếu không, Quang trở về đất Tô ngay, quyết chẳng đến Tịnh Nghiệp Xã. Quang rất chán chuyện này, há chịu vì hộ quốc tức tai mà lại phải nín nhịn sự tâng bốc quá mức của cư sĩ ư? Đã coi Quang là người ngoài thì Quang sẽ tự xử sự như người ngoài, trở về đất Tô vào quan phòng tự niệm tụng một mình. Phàm mọi chuyện đều nên thông cảm cho lòng người ta, người thích được tâng bốc [bèn tiếp đón trọng thể] thì được, chứ người không thích được tâng bốc sẽ cảm thấy xấu hổ không yên, cần gì phải khổ sở vì ý tốt mà khiến cho người khác phải hổ thẹn không yên vậy?

Còn đối với chuyện sau hôm viên mãn [pháp hội] sẽ nói Tam Quy Ngũ Giới, nếu chiếu theo cách Quang thường truyền giới thì thật chẳng có nghi thức nào đáng coi được cả. Nếu muốn phô trương bày vẽ thăng tòa thì Quang quyết chẳng thể làm được vì mắt chẳng đọc được chữ. Nếu cứ phải “không thăng tòa là không được” thì hãy mời người khác nói thay, Quang chẳng đến đàn truyền giới! Đối với chuyện pháp danh, Quang cũng chẳng thể viết. Bất luận bao nhiêu người, bất luận bao nhiêu tiền hương kính, Quang chẳng lấy một đồng. Ngoài tiền biếu cho vị sư nói thay và các sư trực ban ra, đều dùng làm chi phí cho hội Phật giáo hết. Biện pháp như thế có lẽ thích đáng cho khắp mọi người. Nếu đối đãi với Quang như một vị pháp sư giảng kinh thông thường thì sẽ đánh mất thể tài của hai chữ Hộ Quốc, mà lại còn coi rẻ Quang. Vì sao vậy? [Người ta sẽ tưởng Quang] đặc biệt vì chuyện hộ quốc mà thủ lợi! Quang tuy thiếu sáng suốt, vẫn chẳng mong trong những ngày sắp chết lại nhận được tiền bạc từ pháp hội Hộ Quốc này! (Ngày Hai Mươi Ba tháng Chín).