PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc:  Thùy Duyên

 

PHẦN I
ĐỨC PHẬT

CHƯƠNG 2
CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ ĐỨC PHẬT
(TT)

KIM CANG THỪA

Phật tánh

V.1 Ai cũng có Phật tánh

Trong phẩm đầu của ‘Giải thoát bảo nghiêm luận’ nổi danh và có ảnh hưởng của mình, căn cứ trên các nguồn kinh điển Ấn-độ, vị đại luận sư Tây Tạng Gampopa (1079-1153) lập luận rằng Phật tánh (xem *M.12–13) hiện hữu trong tất cả chúng sanh, và cuối cùng sẽ chứng đắc vô thượng bồ-đề, thành Phật.

Ta cần phải tự giải thoát ra khỏi vòng luân hồi[1] hư vọng và chứng đắc vô thượng bồ-đề. Thế nhưng chúng ta lại tự hỏi liệu những chúng sanh hạ liệt như chúng ta có thể tinh cần nỗ lực để đạt được như vậy chăng? Nếu như chúng ta chân chánh tinh cần nỗ lực, hà cớ gì chẳng thể thành tựu như vậy? Suy cho cùng, cũng như hết thảy hữu tình, ta cũng có Phật tánh, trong chính chúng ta đây là nhân để thành tựu Phật quả.

Nếu thật vậy thì do bởi nguyên do gì mà hết thảy hữu tình đều có Phật tánh? Đó là (1) bởi vì Pháp thân144, Không tánh[2], sung mãn trong hết thảy hữu tình; (2) bởi vì thể tánh chân như vốn không sai biệt; và (3) bởi vì mỗi chúng sanh đều thuộc trong các chủng tánh. Do bởi ba nguyên do này mà hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Đây là điều được nói trong Vô thượng mật Tục (Uttaratantra), ‘Bởi vì Phật thân viên mãn biến mãn khắp mọi nơi; bởi chân như vốn không  sai biệt; và bởi tất cả đều thuộc trong các chủng tánh / chủng tộc; và tất cả chúng sanh có thân đều sẵn có Phật tánh.’ (UT VII.28).

Nguyên do thứ nhất là Pháp thân, Không tánh, biến mãn khắp trong hết thảy chúng sanh. Điều này có nghĩa rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bởi vì Phật là Pháp thân; Pháp thân là Không tánh, mà Không tánh thì biến mãn hết thảy chúng sanh. Nguyên do thứ hai là thể tánh chân như vốn không sai biệt. Điều này có nghĩa rằng mọi chúng sanh đều có Phật tánh cũng bởi vì chân như của Phật không phải rộng lớn hơn hay cao hơn chân như của chúng sanh. Nguyên do thứ ba là hết chúng sanh đều thuộc trong các chủng tánh.

Điều này có nghĩa rằng mỗi chúng sanh đều thuộc một trong năm chủng tánh: chủng tánh đoạn diệt, [3] chủng tánh bất định, [4] chủng tánh Thanh văn, chủng tánh Độc giác, hay chủng tánh Đại thừa.[5]

Có hai loại (Phật tánh): đã giác tỉnh và chưa giác tỉnh. Đã giác tỉnh, là đã thành tựu Phật quả viên mãn, dấu hiệu có thể thấy. Chưa giác tỉnh, là chưa thành tựu Phật quả viên mãn, dấu hiệu không thể thấy. Ở đây có thể hỏi rằng do duyên gì mà Phật tánh có thể được giác tỉnh. Đáp rằng, một khi những chướng duyên bị loại bỏ, và những thuận duyên được sẵn sàng, Phật tánh sẽ được giác tỉnh. Ngược lại, Phật tánh không được giác tỉnh. Có bốn nghịch duyên là: sanh không gặp thời có Phật (trước và sau Phật), không có tập khí (hướng đến  giác ngộ), thú hướng điên đảo (xu hướng Tiểu thừa), và tội nghiệp chướng đạo. Có hai thuận duyên là: ngoại duyên là có thầy dạy Pháp, và nội duyên là như lý tác ý mong cầu thiện pháp.

Trong số năm chủng tánh, chủng tánh Đại thừa là thân nhân (nguyên nhân trực tiếp) của Phật quả. Chủng tánh Thanh văn và Độc giác là sơ nhân (nguyên nhân gián tiếp) bởi vì các chủng tánh này rốt cuộc cũng dẫn đến Phật quả. Chủng tánh bất định có thể là thân nhân hoặc sơ nhân. Chủng tánh đoạn diệt – không có nghĩa là tuyệt đối chẳng thể thành Phật, chỉ là nguyên nhân phải trải qua thời gian rất lâu dài. Do đó, bởi vì hết thảy hữu tình đều thuộc một trong năm chủng tánh, mỗi hữu tình đều có Phật tánh.

Do vậy, bởi ba nguyên do (giải thích ở trên) mà nói rằng mỗi mỗi hữu tình đều có Phật tánh. Điều này có thể ví dụ ra sao?

Phật tánh vốn có sẵn trong ta cũng như bạc trong khoáng, dầu mè trong hạt mè, bơ trong sữa. Do đó, cũng như khoáng có thể thành bạc, mè thành dầu, và sữa thành bơ, hết thảy hữu tình đều có thể thành Phật.

‘The Jewel Ornament of Liberation’, pp.6–8, 13–16, dịch Anh T.A.

Tam thân Phật

Trong Kim cang thừa, ba thân của Phật (xem *M.9–11) được xem là có sẵn tại, trong các khía cạnh khác nhau của tâm.

 

V.2 Ba thân Phật là tự tánh tâm

Đoạn này giới thiệu ba thân Phật từ quan điểm Đại Viên Mãn (Dzogchen)[6], chỉ ra sự hiện diện của ba thân  Phật trong tự tánh của tâm hay ‘trí’ (Tây Tạng gọi là rig pa) như ba mặt hay ‘chiều kích’ của thể nghiệm bất nhị.[7] Ba thân trong bối cảnh này được định nghĩa là tự tánh, thể tánh và đại bi của trí, và được ví dụ với sự phản chiếu sáng tỏ mà rỗng lặng của gương. Đoạn này được trích từ ‘Đại bàng vỗ cánh’ (FG) của Lama Zhabkar (1781-1850).

EMAHO151

Bây giờ, các con thân yêu, hãy lắng lòng nghe.[8]

Ba thân của Phật: tự tánh, thể tánh, và đại bi cũng như năm thân (Thọ dụng thân) hay năm bộ trí[9] – đều viên mãn trong tâm tánh và tự tánh quang minh này. Tự thể của tâm là tánh không, vốn không hiển sắc, không hình sắc, hay bất kỳ thuộc tính nào khác, là Pháp thân. Tự tánh quang mình của tánh không ấy là Thọ dụng thân (Báo thân). Và sự ứng hiện sai biệt không cùng tận là Hóa thân.[10]

Ba thân của Phật được dụ như gương. Tự thể pha lê của gương chỉ cho Pháp thân, sự sáng trong của nó dụ cho Báo thân, và sự ứng hiện không cùng tận các hình ảnh của nó dụ cho Hóa thân. Nếu chúng sanh có thể nhận ra ba thân của Phật là vốn có trong tâm, chúng sẽ tức thì thành Phật, mà không cần tu tập gì. Mặc dù ta đã nêu ra lần lượt ba thân Phật, nhưng thực ra ba chỉ là một và đồng một pháp giới,[11] do vậy đừng lẫn lộn mà xem là khác nhau, các con thân yêu! Biết ba thân Phật là chân không thanh tịnh ngay từ đầu, một thực thể duy nhất là sự hiệp nhất của quang minh và tánh không, và luôn duy trì trạng thái ấy mà chẳng hề chấp thủ. Biết ba thứ tự thể, tự tánh và đại bi lần lượt tương ứng với Pháp thân, Thọ dụng thân, và Ứng hóa thân, và biết ba thứ ấy là sự hiệp nhất đầy đủ của quang minh và tánh không, hãy tự thể nghiệm trạng thái ấy mà chẳng hề chấp thủ! ‘The Flight of the Garuda’, pp.171–72, dịch Anh T.A.

Ngũ bộ Phật bộ

Năm ‘gia tộc’ của Phật (Ngũ bộ Phật) gồm năm vị Phật Thọ dụng thân như là gia chủ (‘cha’), các Minh phi của Phật (‘mẹ’), nhiều Bồ-tát được xem là pháp tử, và một số diện mạo nhỏ khác.Trong Kim cang thừa, mặc dù các vị này được khắc họa như những bổn tôn siêu việt thuộc ngoại giới, nhưng chính thực được hiểu là các phương diện của một tự tánh.

V.3 Năm bộ Báo Thân Phật và năm trí

Trong phần tiếp theo của đoạn trước, Zhabkar nêu ra ý niệm về năm Phật Thọ dụng thân (xem phần giới thiệu trước *M.9) như năm trí có sẵn trong tự thể của tâm. Danh hiệu của mỗi vị Phật được giải thích và mô tả như là ‘diệu dụng’ của trí được định nghĩa sau đó. Sự trực ngộ của khả năng giác ngộ hiện hữu trong bản tánh bản giác của tâm có thể giúp thành tựu giác ngộ nhanh chóng.

Lại nữa, vì tự nhiên trí, trí tuệ bản nhiên tự hữu, xuất hiện trong mọi loại hình thức, đó là thân của Tỳ-lô-giá-na (Vairocana, ‘Biến Chiếu’). Không thay đổi, đó là thân của A- súc-bệ (Akṣobhya, ‘Bất Động’). Không có trong hay ngoài, đó là thân của A-di-đà (Amitābha, Vô Lượng Quang). Ví như như ý bảo châu, đó là thân của Bảo Sanh (Ratnasambhava). Và vì thành tựu mọi thứ, đó là thân của Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi). Các vị ấy không ngoài năng lực thể hiện của tự tâm.

Vì thể tánh trí của tâm mà tự tánh là quang minh biến chiếu, đó là trí đại viên kính (tấm gương lớn tròn sáng). Do bởi trí ấy biến mãn, đó là trí bình đẳng tánh. Do bởi các pháp sai biệt hiện khởi từ diệu dụng quán chiếu của trí này, đó là trí diệu quan sát. Do bởi trí này thành tựu tất cả, đó là trí thành sở tác. Và do bởi tất cả các loại trí đều thuộc về thể tánh thanh tịnh bản hữu (của tâm), đó là trí pháp giới thể tánh. Các loại trí này không tồn tại ngoài diệu dụng của tự tâm.

Nếu Ta phải chỉ cho các con thấy trực tiếp ba thân của Phật – thể tánh, tự tánh và đại bi, và năm Thọ dụng thân (Báo thân) hay năm trí – bằng cách chỉ thẳng tay vào đó, thì tất cả ở đây ngay trong sát-na hiện tại vô tác, vô niệm của tâm, không bị tác động bởi cảnh giới, không bị nhiễm ô bởi chấp thủ. Tất cả ở ngay tại đây trong sát-na tỉnh giác của tâm; đây là nơi mà từ đó tất cả chư Phật quá khứ đã xuất hiện, tất cả chư Phật trong hiện tại đang xuất hiện, và tất cả chư Phật vị lai sẽ xuất hiện. Đây là tâm của chư Phật trong ba thời, vậy đừng bao giờ tách biệt, này những người con phước đức của ta!

The Flight of the Garuda’, p.172, dịch Anh T.A.

V.4 Sám nguyện ngũ bộ Phật trong ‘Tử thư Tây Tạng’

Đoạn này được trích từ quyển ‘Tử thư Tây Tạng’ nổi danh, giới thiệu năm bộ Báo thân Phật, cùng với ‘gia quyến’ của các vị ấy, như là những thực tại siêu việt gặp được sau khi một người qua đời. Đó là một lời cầu nguyện với ‘phụ mẫu’ của các bộ – mà có thể được hiểu là tự tánh của mỗi người – để giải cứu người chết thoát khỏi vực thẳm của ‘trung hữu (bardo) hiểm nạn’, trạng thái trung gian giữa tử hữu và sanh hữu.[12] Mỗi bộ trong năm Phật bộ đều được thiết tưởng là trình bày một đạo lộ tuệ giác về Phật độ tương ứng của mình, nơi ta có thể nhanh chóng chứng đạt giải thoát và giác ngộ. Phật bộ của một người sẽ được xác định bởi phiền não / khổ nạn nổi trội của vị ấy, được xem như một sự biểu hiện méo mó của loại trí được đại diện bởi Báo Thân Phật làm tôn chủ của bộ ấy.

Nguyện giải thoát khỏi Vực thẳm Trung hữu

Kính lễ Thượng sư, Không Hành Mẫu![13]

Đại bi vô lượng dẫn đạo con.

Con lưu chuyển sanh tử, do bởi cực ngu si,

Nguyện chư Dũng phụ, Trì Minh Tôn,[14]

Chỉ đường câu sanh tịnh trí quang,[15]

Nguyện Không hành mẫu hộ trì con;

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, bởi vô thủy vô minh,

Nguyện Đại Nhật Phật (Vairocana Buddha: Tì-lô-giá-na / Đại Nhật Phật) dẫn đạo con,

Soi đường, Pháp giới thể tánh trí,

Cúi nguyện Không Giới Tôn Thắng Mẫu (Ākāśadhātvīśvarī);[16]

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, do bởi cực sân hận,

Kim Cang Tát-đỏa (Vajrasattva Buddha),[17] dẫn đạo con,

Chỉ đường trí quang đại viên kính,

Cúi nguyện Phật Nhãn Tôn Thắng Mẫu (Buddhalocanā);[18]

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu, Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, do bởi cực kiêu mạn

Nguyện Bảo Sanh Phật (Ratnasambhava Buddha) dẫn đạo con

Chỉ đường trí quang bình đẳng tánh,

Cúi nguyện Tôn mẫu Ma-ma-chỉ (Māmakī);[19]

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, do bởi cực tham dục,

Nguyện Phật Di-đà (Amitābha Buddha) dẫn đạo con

Chỉ đường trí quang diệu quan sát,

Cúi nguyện Bạch Y Tôn Thắng Mẫu (Pāṇḍaravāsinī);[20]

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, do bởi cực tật đố,

Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi Buddha) dẫn đạo con

Chỉ đường trí quang thành sở tác trí,

Cúi nguyện Bản thệ Thánh Độ Mẫu (Samayatārā);[21]

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, bởi vọng niệm năm độc[22]

Xin dẫn đạo con, năm Phật phụ,

Trên đường quang minh hợp bốn trí,[23]

Cúi nguyện năm Tôn thắng Phật mẫu;

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử bởi tập khí sâu dày,

Xin chỉ đường con, Hỷ Nộ[24] Phật,

Trên đường quang minh và khủng bố,

Cúi nguyện Phẫn nộ Tôn thắng mẫu;

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

Con lưu chuyển sanh tử, do bởi cực ngu si,

Nguyện chư Dũng phụ, Trì Minh Tôn,[25]

Chỉ đường câu sanh tịnh trí quang,[26]

Nguyện Không hành mẫu hộ trì con;

Cứu con thoát hiểm vực trung hữu,

Dẫn vào Phật địa tối thắng lạc!

The Tibetan Book of the Dead’, pp.185–191, dịch Anh T.A.

 

Phật trong tâm

V.5 Nội mạn-đà-la Ngũ trí Như Lai

Ngược lại, đoạn này trong ‘Đại bàng vỗ cánh’ xem năm vị Phật Thọ dụng thân (Ngũ trí Như Lai) là những thực tại nội tâm, những phẩm tính khác nhau của trí bao hàm trong ‘nội mạn-đà-la (maṇḍala)’ của tâm. Hơn nữa, còn xác định chúng như là sự thanh tịnh cố hữu của năm phiền não.[27]

EMAHO!

Lại nữa, những người có phước duyên, hãy nghe tụng ca này!

Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana), ở trong chẳng ở ngoài.

Chân thật Tỳ-lô-giá-na, tự tánh tâm,

Trí pháp giới thể tánh lìa hý luận phân biệt,

Bản tánh vô minh, hằng thanh tịnh.

Kim Cang Tát-đỏa (Vajrasattva), ở trong chẳng ở ngoài.

Chân thật Kim Cang Tát-đỏa, trí đại viên kính,

Hiển hiện không ngừng diệu trí lực,

Bản tánh sân khuể, hằng thanh tịnh.

Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava), ở trong chẳng ở ngoài.

Chân thật Bảo Sanh Phật, trí bình đẳng tánh,

Không bác không nhận, không thủ xả,

Bản tánh kiêu mạn, hằng thanh tịnh.

Phật A-di-đà, ở trong chẳng ở ngoài.

Chân thật A-di-đà, trí diệu quán sát,

Không tánh, đại lạc, đồng hư không

Bản tánh tham dục, hằng thanh tịnh.

Bất Không Thành Tựu Phật, ở trong chẳng ở ngoài.

Chân thật Bất Không Thành Tựu, trí thành tựu sở tác,

Tự nhiên nhiệm vận, vô công dụng,

Bản tánh tật đố, hằng thanh tịnh.

The Flight of the Garuda, p.196, dịch Anh T.A.

V.6 Phổ Hiền Bản Sơ Phật (Ādibuddha Samantabhadra) nguyện tán

Bản Sơ Phật (Ādibuddha) là một khái niệm then chốt trong Phật giáo Kim cang thừa. Đây là vị Phật tối sơ, nguyên thủy, đã giác ngộ ngay từ thuở khởi thủy.[28] Phật được biết dưới nhiều danh hiệu khác nhau tùy theo bộ phái, nhưng trong phái Cổ mật (Nyingmapa) của Phật giáo Tây Tạng, Ngài được gọi là ‘Samantabhadra’, ‘Phổ Hiền’. Đoạn dưới đây là một phần của một văn bản Mật tục dài hơn nói về Phổ Hiền (Tantra Showing the Transparency of the Samantabhadra’s Buddha Mind: Hiển hiện Phổ Hiền Mật Tục Như lai tự nhiên trí), mang tựa đề là: Phổ Hiền Vương Như Lai Đại lực nguyện tụng (A Prayer of Great Efficiency which cannot fail to make all sentient being attain Buddhahood: Đại Thành tựu nguyện văn, đại lực cứu hộ hết thảy chúng sanh thành Phật).173 Thay vì là một vị sáng thế toàn năng toàn hiện, Phổ Hiền tượng trưng cho căn bản trí, là căn bản của tất cả các pháp sanh tử và Niết-bàn. Phổ Hiền nguyện tán cầu giải thoát và giác ngộ cho tất cả chúng hữu tình là một phương tiện thiện xảo giúp chứng đắc thể tánh đồng nhất với Ngài. Trong phần đầu của bài tán, đức Phổ Hiền diễn tả quá trình chúng sanh bị lạc vào các nẻo luân hồi; trong khi Ngài vẫn là Phật. Cũng mô tả phương tiện điều phục chúng sanh bằng thị hiện vô số hóa thân. Trong phần thứ hai, Ngài mô tả các động lục của năm trong sáu cõi chuyển sanh theo phiền não nổi trội của chúng, và trong khi hiển hiện cầu giải thoát chúng sanh thì Ngài mô tả một phương pháp tu tập giải trừ tâm mê muội thành ‘pháp giới thể tánh’, phát sinh ánh sáng của trí tuệ.

HO! Luân hồi Niết-bàn đồng một căn – hai đạo một căn thành hai quả, biến hiện bởi giác và vô minh. Nay bằng Phổ Hiền đại nguyện, cầu tất cả hiện thành Chánh giác, trong cung điện pháp giới.

Thể tánh Chân như nguyên vô vi, tự nhiên, quảng đại như hư không, bất khả tư nghị, không thể nói, không gọi sanh tử hay Niết-bàn.

Hiểu rõ tự nhiên tức thành Phật, lưu chuyển sanh tử do vô minh, nguyện thảy hữu tình trong tam giới[29], chứng ngộ thật nghĩa ly ngôn thuyết!

Ta là Phổ Hiền đại nguyện vương, vốn có tự nhiên căn bản trí, ly nhân, ly duyên, không trong, ngoài, không tăng không giảm không tăm tối, dứt trừ tâm cấu không thất niệm, thể tánh quang minh không nhiễm ô.

An trú tự tánh nguyên bản giác, ba cõi hoại diệt không kinh sợ, không tham chấp trước năm dục trần, trong tự nhiên trí vô phân biệt, tịnh không vật sắc không năm độc.175

Trí quang chiếu diệu chưa từng dứt, một tánh bản nguyên sanh năm trí.176 Từ trong năm trí thành thục này, xuất hiện năm bộ Bản Sơ Phật.[30] Rồi từ năm trí tăng trưởng này, xuất hiện Phật vị bốn mươi hai[31], hiển hiện uy lực của năm trí, phát sanh sáu mươi Ẩm Huyết Tôn.[32] Bởi căn bản trí không từng mê.

Vì Ta nguyên thủy Bản Sơ Phật, Ta phát thanh tịnh nguyện quảng đại, nguyện rằng tất cả chúng hữu tình, lưu chuyển sanh tử trong ba cõi, tỏ ngộ tự nhiên bản giác trí, tu tập viên mãn nhất thiết trí. Ta hóa ức triệu thân bất tuyệt, ứng hiện giáo hóa điều phục tâm. Bằng nguyện lực đại bi của Ta, chúng sanh luân hồi trong ba cõi, mong giải thoát khỏi sáu nẻo khổ.

Chúng sanh mê hoặc từ vô thủy, Do không tỏ ngộ căn bản minh, Do bởi thất niệm lạc si ám, Nguyên nhân vô minh do vô tri. Từ trong mê muội khởi kinh sợ, động niệm khởi chấp ‘ta’ và ‘người’.

Tập khí huân nhiễm dần tăng trưởng, vậy nên lưu chuyển trong sanh tử. Năm độc phiền não càng lẫy lừng, vô gián phát khởi năm nghiệp độc. Vậy nên thất niệm, không chánh tri, đệ nhất nguyên nhân của si hoặc; Do Ta – Phật – phát đại nguyện lực, chúng sanh tự ngộ minh giác tánh.

Câu sanh vô minh che bản giác, sanh khởi thất niệm, không chánh tri; phân biệt vô minh thành vọng tưởng, phân biệt chấp thủ ta và người. Câu sanh, phân biệt, hai vô minh, nguyên nhân chúng sanh hằng điên đảo.

Ta, Phật, nguyện hết thảy chúng sanh, luân chuyển sanh tử thoát hiểm nạn, hố thẳm hắc ám của thất niệm, diệt hai vọng chấp, ngộ minh tánh.

Hai thủ, sanh nghi hoặc, khởi vi tế tham chấp, tập khí nhiễm sâu dày, bám chặt xứ sở, bạn, áo cơm và năm dục, thân quyến, thành bức khổ. Thế gian sinh mê hoặc, nghiệp hai thủ (năng thủ / sở thủ) không cạn. Khi quả tham chín muồi, chúng sanh làm ngạ quỷ, bức khổ bởi đói khát. Ta, Phật, phát đại nguyện, nguyện chúng sanh tham dục, ngoại không phải đoạn tham, nội cũng không chấp thủ; an nhiên trụ bản tâm[33], thành trí diệu quán sát.

Tâm khuấy động vi tế, bởi kinh sợ ngoại cảnh, tăng trưởng tập khí sân, khởi địch tâm sân, hại. Khi quả sân chín muồi, chúng khổ lửa địa ngục. Ta Phật, nguyện chúng sanh, luân hồi trong sáu nẻo, khi khởi tâm cực sân, không thủ không xả sân, an nhiên trụ bản tâm, thành trí đại viên kính.[34]

Khi tâm khởi cao ngạo, sinh tâm hủy báng người; do kiêu mạn mãnh liệt, hằng khổ vì đấu tranh. Khi nghiệp quả chín muồi, sinh thiên rồi đọa lạc.Ta, Phật, phát đại nguyện, nguyện chúng khi khởi mạn,tự nhiên ngộ bản giác, an nhiên trụ bản tâm, thành trí bình đẳng tánh.

Do tập khí hai thủ (năng thủ / sở thủ), khổ khen mình chê người, thành giành giật, ganh tị, tái sanh a-tu-la (quỷ thân ưa sân hại), sau chết đọa địa ngục.Ta, Phật, phát đại nguyện, nguyện chúng sanh ganh tị, xả giành giật ganh tị, an nhiên trụ bản tâm, thành trí vô ngại nghiệp.[35]

Thất niệm, xả, tán loạn, phú tàng và hôn trầm, thụy miên và giải đãi, vọng niệm và ngu si, sanh cầm thú, sâu trùng. Ta, Phật, phát đại nguyện, soi sáng tâm ngu ám, an nhiên trụ bản tâm, thành trí vô phân biệt.[36]

Chúng sanh trong ba cõi, căn bản trí đồng Phật. Do thất niệm điên đảo, tạo tác nghiệp vô nghĩa, nghiệp sáu nẻo[37] như mộng.

Ta bản Phật Tối sơ, hiện hóa thân giáo hóa, chúng sanh trong sáu nẻo, bằng Phổ Hiền đại nguyện, nguyện hết thảy chúng sanh, đồng thành Chánh đẳng giác trong vô tận pháp giới.

Tantra Showing the Transparency of the Samantabhadra’s Buddha Mind’, 1: 535–541, dịch Anh T.A.

***

[1] Luân hồi (saṃsāra) là vòng sanh tử từ vô thủy (xem *Th.55 và *V.18).

Nó là ‘mê loạn’ bởi nó khởi căn từ vô minh hay bất tri chân đế và bởi nó tạo ra si mê (về thường, trong khi chẳng có,…). 144 Xem *M.9–10.

[2] Tự tánh của chúng sanh vốn Không, không tự tánh (asvabhāva), nên rốt ráo chẳng khác Pháp thân của Phật.

[3] Chủng tánh đoạn diệt (Skt. icchantika: nhất-xiển-đề) là tạm thời bị cắt đứt với Phật tánh (xem bên dưới).

[4] Bất định chủng tánh có thể trở thành bất kỳ chủng tánh nào trong ba  loại kia tùy theo duyên.

[5] Về những điều này, xem ‘Tiểu Thừa’ trong phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

[6] Theo Phật giáo Tây Tạng, Dzogchen là thể tánh bản hữu của chúng sanh, và cũng là thân của giáo pháp và tu tập hướng đến chứng ngộ thể tánh ấy. Đây là giáo lý trung tâm của phái Nyingmapa, và cũng được hành trì bởi những môn đồ của các hệ phái Phật giáo Tây Tạng khác.

[7] Do đó, từ ‘trí’ (rig pa) chỉ cho trí bất nhị trong đó chẳng có sự khác biệt hay tách biệt giữa chủ thể (tâm) và đối tượng của nhận thức. 151 Một cách thể hiện sự kinh ngạc trong truyền thống Dzogchen.

[8] Giáo pháp này là số 7 trong chuỗi hai mươi ba ‘bài ca’ giáo huấn cho đệ tử của Ngài, người mà Ngài xem là các pháp tử.

[9] Xem *V.3.

[10] Về tam thân Phật, xem phần giới thiệu ở trên *M.9.

[11] Pháp giới (dharmadhātu), nhưng trong truyền thống Đại thừa thì giới (dhātu) đồng nghĩa với Phật tánh.

[12] Trạng thái trung hữu được gọi là ‘vực thẳm’ bởi cảm giác bị thất lạc – như mất đi nền đất cứng chắc dưới chân – và mất phương hướng. Chúng sanh được gọi là bị thổi tung bởi ‘gió nghiệp’, tức là nghiệp lực của họ, đôi khi được gọi là ‘khủng bố’.

[13] Thượng sư (guru) là thầy dạy mật tục và ‘không hành mẫu’ (ḍākinī) là biểu hiện nữ tính của năng lượng trí tuệ giác ngộ trong truyền thống Mật giáo. Chẳng hạn, năm ‘Phật mẫu’ – minh phi của năm ‘Phật phụ’ – hiện thân của năng lượng thanh tịnh của năm đại chủng.

[14] ‘Dũng phụ’ tức Không hành Dũng phụ (Daka) ở đây chỉ đồng hành nam tính của các không hành mẫu. Trí minh tôn (Vidyādhāra) là các vị sư chủ của Mật giáo.

[15] Trí bất nhị của từng sát-na kinh nghiệm.

[16] ‘Tôn thắng Mẫu của Không đại’.

[17] ‘Kim cang hữu tình’, ở đây là một tên khác của Akṣobhya, tức ‘Bất Động’.

[18] ‘Phật nhãn’ nhân cách hóa bản tánh thanh tịnh của địa đại.

[19] Māmakī (không rõ dịch nghĩa) nhân cách hóa thủy đại.

[20] ‘Bạch Y Mẫu’ là thể tánh thanh tịnh của hỏa đại.

[21] ‘Bản thệ’ (samaya) nhân cách hóa thể tánh thanh tịnh của phong đại.

[22] Năm phiền não (độc vọng niệm) được kể trong các bài kệ trước: si, sân, mạn, tham, và tật đố.

[23] Năm trí, trừ trí cuối, thành sở tác trí.

[24] ‘Phẫn nộ Phật’ (Phẫn nộ Minh vương) là thị hiện năng động của thân thọ dụng hỷ lạc, Báo thân Phật, hiển hiện năng lực chuyển hóa năm độc thành năm trí tương ứng.

[25] ‘Dũng phụ’ (hero) tức Không hành Dũng phụ (Daka), ở đây chỉ đồng hành nam tính của các không hành mẫu. Trí minh tôn (Vidyādhāra) là các vị sư chủ của Mật giáo.

[26] Trí bất nhị của từng sát-na kinh nghiệm.

[27] Giáo lý đặc biệt này trong truyền thống Dzogchen cho rằng năm trí là tự tánh thanh tịnh ẩn tang bị phiền não che lấp, mặc dù thanh tịnh bản nhiên của năm trí chỉ được thể chứng bằng tu tập. Phương pháp quán chiếu thể tánh của các phiền não mà không cần đến‘đối trị phần’(được gọi là ‘tịnh trí của tâm diệu dụng) được mô tả trong Bài ca thứ 13 của ‘Đại bàng vỗ cánh’.

Ngoài ra, xem đoạn tiếp theo, *V.6.

[28] Dù rằng luân hồi chẳng có khởi đầu theo thời gian tuyến tính, Kim Cang thừa vẫn quan niệm một ‘khởi đầu’ phi thời gian mãi luôn có mặt. 173 Giải thích chi tiết và đầy đủ về bài Nguyện Tán Phổ Hiền này, xem FG 139–153.

[29] Tức là mọi cấp độ của hiện hữu, từ địa ngục thấp nhất đến thiên giới vi tế nhất: xem ‘tam giới’ trong phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng. 175 Đồng với năm phiền não, chúng được liệt kê dưới đây như là các phiền não tăng thượng của mỗi cảnh giới tái sanh. 176 Xem *V.3.

[30] Các bộ của năm Báo thân Phật (xem *V.3) là những hóa thân của Phổ Hiền.

[31] Bốn mươi hai Báo thân Phật an tĩnh xuất hiện trong các ảnh tượng hậu tử được mô tả trong ‘Tử thư Tây Tạng’.

[32] Còn được gọi là các ‘phẫn nộ tôn’ (heruka) đại diện cho các năng lực động của tâm thường được thể hiện thành phẫn nộ, tấn công (hay tương tự) nhưng có thể chuyển hóa qua đạo lộ Mật tục thành các năng lượng giác ngộ. Các vị cũng được nêu nhiều trong ‘Tử thư Tây Tạng’ (xem ghi chú cuối *V.4).

[33] Theo truyền thống Đại viên mãn (Dzogchen), trạng thái tâm bản nhiên đồng với tâm Phổ Hiền. Giác ngộ các phiền não mà không phải khống chế cũng không phát khởi cũng được tìm thấy trong tu tập chánh niệm theo Thượng tọa bộ (xem *Th.138, phần niệm pháp).

[34] Trí như đài gương sáng bao la (xem *V3).

[35] Cũng gọi là thành sở tác trí (xem *V3).

[36] Cũng gọi là pháp giới thể tánh trí (xem *V3).

[37] Loại thứ sáu, nghiệp sinh loài người (hay hành động dẫn tới tái sanh vào cõi người) không được kể riêng trong bài tán này.