“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
 Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH” 
 Hạnh Đoan lược dịch

 

Chương 1: TĨNH TU

Nơi tôi bế quan là Triều Nguyên Tự, tọa lạc tại Nam Đài Loan, hình dáng giống như một tòa kim tự tháp, nằm dưới ngọnTiêm Sơn (còn có tên là Đại Hùng Sơn). Đây là khu nhiệt đới, xung quanh mọc đầy cây cối, có nhiều cây mây và dây leo đan chằng chịt. Khu sinh thái nam Đài Loan này tỏa ra làn khí nóng mạnh mẽ khiến người ta có cảm giác như mình đang ở Phi-luật-tân (philippines) hoặc Nam Hải đảo quốc.

Đông Sơ lão nhân không muốn tôi rời ông sớm, vì tôi theo ông chỉ mới hai năm. Sau khi tôi đi rồi, không ai tiếp tục làm tạp vụ và biên tập nguyệt san Nhân Sinh; nên một phần trong tờ báo phải đình chỉ. Nhưng khát vọng muốn tĩnh tu trào dâng mãnh liệt trong lòng, khiến tôi không thể cứ ở mãi nơi đó. Tôi cho rằng hiểu kinh điển Phật giáo đối với việc tu hành rất là quan trọng. Nhiều người cho rằng tọa thiền chẳng cần phải hiểu nghĩa lý Phật pháp. Tôi không cho là thế! Tôi nghĩ, hành giả khi tu cần phải am tường đạo lý vững vàng, và tôi hi vọng trong lúc bế quan, có cơ hội chỉnh lý những tác phẩm Phật giáo trước thuật mênh mông thành dễ hiểu, hầu giúp người dễ tiếp thu.

Đầu năm 1961 tôi được tin Trưởng Lão Đạo Nguyên cuối năm sẽ mở tam đàn đại giới. Tôi xin sư phụ cho phép mình thọ giới, mặc dù được ông cạo tóc nhưng tôi vẫn chưa thọ cụ túc. Sẵn dịp, tôi thưa với sư phụ, tôi tính thọ giới xong thì sẽ đi bế quan, nhưng ông không tán thành.

Thế là hằng ngày tôi lễ đức Quan Âm, sám hối nghiệp chướng, cầu cho tôi được thọ giới và thỏa nguyện tĩnh tu.

Đông Sơ lão nhân không phải là người duy nhất chẳng ủng hộ tôi bế quan, mà ngay cả Nam Đình lão nhân (lúc tôi còn ở quân ngũ rất quan tâm lo cho tôi), cũng cảm thấy là tôi không nên rời Đông Sơ lão nhân mà đi. Hơn nữa, ông nghĩ tôi khó kiếm đủ tài trợ để dùng cho thời gian tĩnh tu.

Lúc đó trưởng lão Trí Quang tình nguyện tài trợ tôi mỗi năm 1000 đồng Đài tệ. Nhưng tôi đã dự trù là sẽ dùng số quân lương của mình. Tổng số tiền đó có hơn một vạn Đài tệ, đủ để tôi xài ba-bốn năm. Vì vậy tôi không nhận tiền viện trợ của trưởng lão Trí Quang.

Mấy tháng sau đó, quả tình tôi rất khó khăn khi quyết định: – Nên hay không nên rời Viện Văn Hóa? – Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với Đông Sơ lão nhân, nhưng tôi nghĩ: – “Đã là người xuất gia thì phải thoát khỏi những tình cảm quyến luyến thế tục và mọi trói buộc thường tình”. Tuy tôi rất mang ân Đông Sơ lão nhân đã độ tôi xuất gia, sự giúp đỡ của Ngài giống như bảo kiều đưa tôi qua sông. Nhưng nếu tôi vì tình cảm, ái luyến, mà bám mãi vào cây cầu, thì lý tưởng mục tiêu sẽ bị bỏ phế, không thể nào thực hiện được.

Dù đã quyết định như thế, song nội tôi tâm bị giằng co rất nhiều. Tôi là đệ tử duy nhất của sư phụ, trong lòng tuy áy náy cực kỳ, song tôi vẫn phải ra đi.

Ngày 11 tháng 11 năm 1961, tôi hướng Đông Sơ lão nhân từ biệt. Không ngờ ông hết sức hân hoan, còn muốn tài trợ cho tôi. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ, nên không tiếp nhận. Đông Sơ lão nhân im lặng tiễn tôi ra cổng, không nói một lời nào. Một con chó chạy tới, cụp đuôi, đứng ủ rủ. Tôi quay đầu nhìn sư phụ mấy lượt, ông đứng một bên, lặng lẽ nhìn tôi bước đi.

Quả tình trước đây tôi đã tính sẽ chi dụng quỹ quân lương để dành của mình cho việc bế quan, nhưng số tiền đó lại bị một người bạn đồng môn cần học, muợn xài; sau đó anh ta mất tích. Kết quả, tôi phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm tiền chi dụng và đi tới tận vùng nam Đài Loan xa xôi hẻo lánh này, để thực hiện giấc mộng tĩnh tu (bù lại quãng thời gian dài bị mất mát suốt bao năm qua).

Triều Nguyên Tự nằm lưng chừng núi, giữa bình nguyên đông đúc nhân khẩu. Có một dòng suối uốn luợn từ trên dốc đứng của ngọn Tiêm sơn đổ thẳng xuống, chảy vào eo biển Đài Loan. Vào mùa mưa, con suối này là bức tường thiên nhiên giúp tự viện ngăn cách với thế giới bên ngoài – Bởi khi trời mưa xuống, nước chảy xiết, phủ đầy các hang, vực… Do lòng suối sâu và hẹp, nước chảy cuồn cuộn nên các vị Tăng, Ni cao tuổi chẳng ai dám băng qua suối, vì sợ bị nước cuốn trôi. Chỉ có các tu sĩ trẻ mới dám liều mạng xông lướt nguy hiểm; lội qua suối đi mua đồ dùng hằng ngày và đem tin tức từ bên ngoài về.

Con suối này hộ trì cho Triều Nguyên Tự không bị ngoại giới quấy nhiễu, hình thành một địa thế tu hành rất tốt. Ở đây không có du khách, không tín đồ, không người lui tới thắp hương; là một khu vực hẻo lánh xa xôi, kín đáo và an tĩnh.

Tự viện có ba phòng. Lúc tôi mới đến, do chưa xây cốc để bế quan, nên tôi ở nhờ phòng khách trên lầu. Trên sườn núi phía sau phòng khách, mọc đầy cây lệ chi và trúc. Tăng chúng trong viện hái trái vải đem bán đổi lấy thức ăn và đồ dùng. Họ còn trồng măng, phơi khô đem bán. Vườn rau của chùa trồng đủ thứ: củ cải, cà-rốt, rau xanh, rau chân vịt, cải trắng, rau Cao Ly, cải cúc… Rau dại và cây cau mọc cũng nhiều. Chùa sống rất đơn giản, có trái cây, măng và rau đủ để độ nhật.

Lúc này chung quanh tự viện cây cối đều nở hoa, không khí chứa đầy hương thơm. Chúng tôi còn có nhiều hoa ngọc lan phả hương thơm ngào ngạt. Ngoài việc hái hoa này đem ra chợ bán, Chúng tôi còn có thể bỏ một ít vào thức ăn. Tôi ăn rất nhiều hoa ngọc lan nên thân thể cũng tỏa ra hương thơm dịu dàng của loài hoa này.

Ở đây có nhiều loại cây nhiệt đới đang ra hoa, có thể dùng hoa đó để nấu canh; còn có một cây đậu cao mười thước, quả ăn rất ngon, mỗi khi vào núi tôi thường hái trái đem về.

Nửa năm đầu trước khi tôi bế quan, tôi đã tập thích ứng với sinh hoạt trên núi. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc mặt trời mọc (trong chùa không có đồng hồ hay đồng hồ tay) nên sinh hoạt làm, nghỉ, tùy thuộc vào vầng thái dương. Ở thôn làng dưới chân núi phía bên kia suối, có cả bầy gà trống; chúng thường xúm nhau gáy rất đúng cử, góp phần báo giờ giúp tôi. Mỗi ngày chúng gáy ba lần:

Lần một: lúc mặt trời mọc. Lần hai: khoảng 9 giờ sáng, khi mặt trời tỏa chiếu bên hướng đông. Lần ba: độ 4 giờ chiều, lúc mặt trời lặn về tây.

Để báo thức, tăng chúng có thể đánh trống. Trước bữa ăn ngọ thì gỏ bảng hoặc gõ mõ báo hiệu. Tới giờ ngủ thì gõ chuông hoặc trống. Thế nên, tôi chẳng cần đồng hồ, chỉ cần nghe âm thanh là có thể phân biệt thời gian, biết mình nên làm gì.

Nửa năm sau, cái thất nhỏ của tôi mới được xây xong bên cạnh chùa. Mỗi sáng sớm, hễ nghe gà gáy thì tôi thức; súc miệng rửa mặt xong thì uống trà. Tôi lễ Tam bảo (độ mười phút) thì đi ngồi thiền khoảng một giờ. Khóa tụng kinh sáng dài độ một tiếng, sau đó tôi sám hối hai tiếng rưỡi; dùng trưa rồi uống trà. Sau đó lại sám hối hai tiếng rưỡi. Tiếp theo là tới khóa tụng chiều, rồi đến giờ dùng dược thạch (ăn chiều). Ăn chiều xong; thì tịnh thân, ngồi thiền. Khi hồng chung ngân và tiếng trống cất lên, thì biết là tới giờ ngủ.

Triều Nguyên Tự được xây vào năm 1911, gạch ở đây không phải là gạch nung mà do tăng chúng tự tạo. Họ lấy đất nhồi với cỏ trên núi, bỏ vào khuôn gỗ chế thành. Vách tường được xây hai lớp: lớp ngoài tường xếp theo hướng ngang; lớp trong chất theo hướng dọc. Tường vách thiết kế như vầy rất tốt, vì mùa đông thì ấm, mùa hạ lại mát. Cột trụ chính là đều là cây gỗ bự, các xà nhỏ thì làm bằng trúc; thảy đều là vật liệu trên núi.

Chùa xây hai tầng lầu, nhưng lầu rất thấp. Mặc dù chùa thiết kế các mặt đều thực tế, thoải mái. Nhưng nó lại tạo nên vô số lổ hổng, và khe hở, hấp dẫn nhiều chúng sinh đến ngụ trong đó. Ở Tiêm Sơn đầy dẫy côn trùng và các loài có cánh khác.

Có lần, một con rắn to hơn cánh tay tôi xuất hiện trên xà nhà ngay trước phòng tôi. Đầu nó chúc xuống, bất động cả buổi; mới đầu nó còn le lưỡi ra, sau đó thì không thèm nhúc nhích.

Nhìn nó giống như đang thọ khổ. Chúng tôi vào làng mời người bắt rắn tới. Khi nhìn thấy thân thể to lớn của nó, ông lộ vẻ rất phấn khởi, vì nghĩ là sẽ được một bữa ăn tối ngon.

Tôi năn nỉ ông ta: – Xin đừng giết con rắn này, nó ở đây toàn là chịu khổ.

Người trong chùa xúm nhau hùn tiền đưa cho ông, xem như là thế mạng cho nó.

Ở đây còn có nhiều chuột bự. Trong phòng vốn không có gì để ăn, nhưng chúng vẫn mò tới thăm. Khi chúng chạy trên xà nhà, mắt trừng trừng nhìn tôi. Lúc sám hối, tôi cũng thầm chú nguyện cho chúng, vì chúng cũng là chúng sinh, tôi cầu đời sau chúng được làm người, có thể tu hành. Ở chùa được sáu tháng thì tôi dời qua cái cốc nhỏ ở.

Bái sám là một phần rất quan trọng trong chương trình tu của tôi.

Thời khóa thường nhật

Nếu như nghiệp chướng sâu nặng hoặc tâm trôi nổi bất định, thì lễ sám rất hữu ích. Tôi cảm thấy là mình có nghiệp chướng sâu nặng, nếu không vậy thì đâu phải ở trong quân đội chờ đến mười năm? Vì vậy tôi hay lễ bái đức Quan Âm, cầu nguyện, sám hối…

Dù lúc ở trong quân ngũ, tôi tuyệt không có làm điều gì xấu; chỉ là những gì tôi tiếp xúc và phải nghe thấy hay hành sự… đều không thích hợp với người xuất gia. Chẳng hạn như việc ăn uống: trong quân đội toàn là đồ mặn. Vì sinh tồn, tôi phải thận trọng lựa rau, loại bỏ phần thịt dính ra, chỉ ăn rau mà thôi.

Trong quân đội, tôi phải tiếp xúc đời sống thế tục. Phải nghe và chứng kiến những điều người ta làm. Mặc dù tôi không sống giống họ, nhưng hành vi của các quân nhân đối với tôi mà nói, quả rất kỳ quái. Họ thường tán gẫu, bàn về phụ nữ, thích ăn nhậu và bài bạc; họ thay đổi bạn gái luôn, hở một chút là gây gỗ, sát phạt nhau. Sau ngần ấy năm phục vụ trong quân đội, tôi từng mộng thấy mình là quân nhân mà không phải là người xuất gia; đây chính là tập khí, cho dù là bị hoàn cảnh huân vào.

Hằng ngày tôi lễ Sám Đại Bi, bản sám này do Đại sư Pháp Trí (Tông Thiên Thai) soạn vào thời Tống. Sau mỗi câu xướng danh Phật, bồ tát thì lễ một lạy.

Bắt đầu buổi lễ sám, tôi lạy độ 12 lần, mỗi lần đều lễ theo câu xướng danh Phật, bồ tát.

Kế đến là quỳ tụng một đoạn kinh văn, sám nguyện, xưng tán công đức bồ tát Quan Thế Âm. Bồ tát Quan Thế Âm đối với tôi rất là quan trọng. Xong, tôi chắp tay đi chậm chậm quanh phòng tụng chú Đại Bi cho đủ 21 biến, rồi quỳ xuống tán dương sức mạnh và công năng của chú. Lễ mười phương Phật, pháp, Tăng; trì danh Phật Thích-ca mâu ni, Quan Thế Âm bồ tát, Đại lực Đại

Thế Chí bồ tát, các Đà la ni vương ba lần. Cuối cùng tụng tam Tự quy y.

Tôi tụng chừng một tiếng rưỡi. Đọc chậm chậm từng câu và quán tưởng… Thí như khi tán dương công đức Quan Thế Âm bồ tát, tôi sẽ quán tưởng công đức Ngài như thế. Và khi tán dương công năng chú, tôi cũng quán tưởng công năng chú như vậy.

Tôi muốn mình cũng có đủ cơ sở Phật pháp giáo nghĩa, nên tôi nghiên cứu kinh. Bắt đầu là bộ Ni-ca-da, rồi A hàm kinh, Luật tạng, và bộ Phật Thích-ca-mâu-ni hướng đệ tử giảng về hành vi đạo đức mẫu mực. Trước tiên tôi duyệt đọc Luật tạng. Luật tạng có 450 quyển, mỗi quyển có một vạn từ, tổng cộng tất cả là 450 vạn từ.

Còn A hàm kinh, 300 quyển thì có 300 vạn từ. Đây là những bộ cổ văn, không có phân đoạn và câu, nên rất khó đọc. Tôi mất cả năm rưởi mới đọc xong 750 vạn từ. Trong thời gian này, tôi cũng dành rất nhiều thời gian cho việc ngồi thiền.

Đọc xong kinh điển, tôi lại xem “Văn hiến sâu rộng của Thiền tông Trung Quốc”, “Thiền tông và tám Đại tông phái Phật giáo”, tổng cộng có 750 vạn từ. Đọc hết văn hiến Thiền tông rồi, tôi lại đọc lịch sử Phật giáo và các truyện ký, gồm 600 quyển, có 600 vạn từ. Tôi đọc kinh điển là để kiểm tra, nhằm chứng minh những thể nghiệm nội tâm, chứ không tìm cầu lợi ích đặc biệt cá nhân nào khác. Tôi nghĩ, đem giáo nghĩa Phật pháp chỉnh lý lại cho dễ hiểu, để giúp người sau có dịp biết đến và hiểu Phật pháp. Điển tích Phật giáo đã rất lâu không ai chỉnh lý, quy kết. Lịch sữ Phật giáo có rất lâu, các tông phái có rất nhiều. Song phần đông người ta không dễ dàng hiểu những kinh điển phức tạp này. Tôi tuyển lựa và viết thành sách, chỉ mong giúp mọi người hiểu rõ – Cho dù Phật giáo có rất nhiều hệ phái, nhưng vẫn có chung một hương vị Phật pháp – Tôi ráng chỉnh lý cho dễ hiểu, hi vọng người nắm vững đạo lý Phật pháp, có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Ngồi thiền cũng là pháp môn tu hành trọng yếu trong thời gian tôi bế quan 6 năm. Những trạng huống phát sinh trong lúc ngồi thiền, không cần phải bàn. Khi dạy tọa thiền, tôi chỉ dạy mọi người là ngồi như thế nào mà thôi, chứ không nhắc đến vấn đề này. Vì một khi bị văn tự miêu tả ra, nó sẽ không giống như thể nghiệm đơn thuần cố hữu nữa. Tất nhiên những ảo cảnh khi tu có rất nhiều, kinh phật từng ghi lại vô số. Nếu trong lúc thiền tọa mà gặp phải thì là chuyện rất thường. Có người sẽ nghe thanh âm hoặc thấy các hình ảnh, nhưng tất cả đều là ảo giác, chỉ cần đừng lý tới.

Nguyên tắc hay mục tiêu tu thiền đúng đắn, là giảm thiểu chấp trước và phiền não. Dùng thái độ chân chánh đối diện với thế giới, mà không bị vọng niệm mâu thuẫn, xung đột dẫn lôi. Lúc tôi bế quan, trong cái cốc nhỏ này có rất nhiều động vật, côn trùng; nhưng tôi chẳng bị chúng quấy nhiễu, tôi không cho rằng chúng là chướng ngại – Vì thế giới trong tâm tôi mênh mông rộng lớn, không bị hạn cuộc trong hoàn cảnh hiện tại –

Trong thời gian bế quan 6 năm, cuộc sống tôi hết sức thanh bình yên tĩnh. Tôi trải qua nhiều thể nghiệm đặc biệt: Nghe thấy âm thanh loài kiến, cảm thấy thân thể mình nổi lửng lơ trên bồ đoàn.

Trong thời gian này, tâm tôi rất bình tịnh. Làm chủ được vọng niệm và giữ tâm ổn định, hiếm khi rơi vào trạng thái bị động (mất tự chủ).
Kinh nghiệm tín ngưỡng

Đối với tôi, tu thiền và tín ngưỡng tôn giáo quả có khác biệt. Tín ngưỡng tôn giáo là một phần hết sức quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi có được thể nghiệm tôn giáo là bắt nguồn từ tín ngưỡng.

Khi tôi gặp hoạn nạn vây bủa, tôi sẽ niệm danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát. Lúc ở trong quân đội, tôi luôn niệm danh Ngài.

Khi xin tham dự khóa thi sĩ quan, tôi chỉ có trình độ tương đương trung học, trong khi những thí sinh khác đều tốt nghiệp đại học. Nhưng tôi tin đức Quan Thế Âm và khẩn thiết cầu ngài gia hộ.

Kết quả, đề thi đưa ra trúng “tủ”; đều là những bài tôi từng học qua. Đúng luật, thì tôi chẳng có đủ tiêu chuẩn để tham dự cuộc thi, thế mà tôi vẫn được thu nhận, được cho vào thi. Bởi vậy tôi rất tin là bồ tát Quan Âm đã giúp đỡ cho tôi.

Trong quân đội, muốn xin thoái ngũ cơ hồ là một việc không thể, bởi tôi làm công tác tình báo vô tuyến điện tín. Là trinh sát, phải nắm bắt nhạy bén, thu thập tin tức cơ mật. Nhưng nhờ tôi trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, cuối cùng cũng được trả tự do.

Khi tôi muốn bế quan tĩnh tu, nhiều trưởng lão cảnh báo, nói tôi là người mới thoái ngũ trở về, muốn kiếm được chỗ bế quan rất khó. Nhưng tôi tin Đức Quan Âm, trì niệm Ngài, kết quả: có tới hai, ba chỗ cho tôi chọn lựa. Tôi có rất nhiều thể nghiệm tôn giáo tương tự như thế!

Đến nay, tôi vẫn một mực tin sâu rằng, bất kể gặp phải khổn nạn gì, chỉ cần tôi trì tụng danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, thì vấn đề đều có thể giải quyết dễ dàng. Đây là lý do vì sao tôi từng chẳng lo lắng. Người có niềm tin tôn giáo kiên cường, thông thường đều sở hữu được cảm giác an toàn như thế và sẽ có đủ sức mạnh ý chí, dũng khí và niềm tin – để đối diện với bất kỳ tình huống nào.