KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Hán dịch: Căn cứ bản dịch của Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm,
Sa môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, và Tạ Linh Vân sửa lại
 – Đời Tống
 – Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ – Phan Rang
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đổng Minh

 

Quyển thứ bảy

PHẨM TỨ ÐẾ

Ðức Phật lại bảo ngài Ca Diếp rằng :

– Cái nói rằng khổ thì chẳng gọi là Khổ Thánh Ðế. Vì sao vậy ? Vì nếu nói rằng khổ là Khổ Thánh Ðế thì tất cả loài súc sinh và chúng sinh của địa ngục nên có Thánh đế. Này thiện nam tử ! Nếu lại có người chẳng biết cảnh giới thậm thâm và pháp thân vi mật thường trụ bất biến của Như Lai mà cho là thân tạp thực, chẳng phải là pháp thân, chẳng biết uy lực đạo đức của Như Lai thì đó gọi là Khổ. Vì sao vậy ? Vì chẳng biết nên Pháp thấy là phi pháp, phi pháp thấy là Pháp. Ông phải biết là người này nhất định rơi vào đường ác, luân chuyển trong sinh tử, thêm lớn các kết, chịu nhiều khổ não. Nếu có người có thể biết Như Lai thường trụ, không có biến dị, hoặc nghe âm thanh hai chữ thường trụ hay một lần trải qua như vậy thì liền sinh lên trời. Rồi sau khi giải thoát mới có thể chứng biết Như Lai thường trụ, không có biến dị. Ðã chứng biết rồi mà người đó còn rằng, ta vào thuở xưa đã từng nghe nghĩa này, nay được giải thoát mới chứng biết được. Ta ở đời trước do chẳng biết nên sinh tử luân chuyển, quay vòng không cùng, bắt đầu hôm nay mới được chân trí. Nếu biết như vậy thì quả thật tu khổ được nhiều lợi ích. Nếu chẳng biết thì tuy lại siêng tu nhưng không lợi ích gì. Ðó gọi là biết khổ, gọi là Khổ Thánh Ðế. Nếu người chẳng thể tu tập như vậy thì đó gọi là khổ, chẳng phải là Khổ Thánh Ðế. Khổ Tập Ðế là ở trong chân pháp chẳng sinh ra chân trí, nhận vật bất tịnh như là nô tỳ, có thể lấy phi pháp nói rằng chính là Chánh pháp, đoạn diệt Chánh pháp chẳng khiến cho trụ thế lâu dài. Do nhân duyên này nên chẳng biết pháp tính, vì chẳng biết nên luân chuyển sinh tử, chịu nhiều khổ não, chẳng được sinh lên trời và giải thoát chân chánh. Nếu có người biết rõ bất hoại chánh pháp, do nhân duyên như vậy, được sinh lên cõi trời, cho đến chánh giải thoát. Nếu có người chẳng biết chỗ Khổ Tập Ðế mà nói rằng, Chánh pháp không có thường trụ, đều là pháp diệt. Do nhân duyên đó nên ở vô lượng kiếp lưu chuyển sinh tử, chịu những khổ não. Nếu có thể biết pháp thường trụ, chẳng biến dị thì đó gọi là biết Tập, gọi là Tập Thánh Ðế. Nếu người chẳng thể tu tập như vậy  thì đó gọi là Tập, chẳng phải là Tập Thánh Ðế. Khổ Diệt Ðế là nếu có người tu tập, học nhiều không pháp thì đó là bất thiện. Vì sao vậy ? Vì diệt tất cả pháp là hoại đến chân pháp tạng của Như Lai vậy. Tạo tác sự tu học này thì gọi là tu “Không”. Tu Khổ Diệt là ngược lại với tất cả những ngoại đạo.v.v… Nếu nói rằng, tu không là Diệt Ðế thì tất cả ngoại đạo cũng tu không pháp nên có Diệt Ðế. Nếu có người nói rằng, có Như Lai Tạng, tuy chẳng thể thấy, nhưng nếu có thể diệt trừ tất cả phiền não thì mới được vào. Nếu phát lòng này, chỉ nhân duyên một niệm, thì ở trong các pháp mà được tự tại. Nếu có người tu tập mật tạng của Như Lai, không tịch vô ngã thì người như vậy ở vô lượng đời tại trong sinh tử lưu chuyển thọ khổ. Nếu có người chẳng tạo tác sự tu tập như vậy thì tuy có phiền não nhưng có thể mau chóng diệt trừ. Vì sao vậy ? Vì nhân biết bí mật tạng của Như Lai. Ðó gọi là Khổ Diệt Thánh Ðế. Nếu người có thể tu tập diệt như vậy thì chính là đệ tử của ta. Nếu có người chẳng thể tạo tác việc tu như vậy thì đó gọi là tu không, chẳng phải là Diệt Thánh Ðế. Ðạo Thánh Ðế thì như là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo và Chánh giải thoát. Có những chúng sinh, lòng điên đảo nói rằng, không có Phật, Pháp, Tăng và Chánh giải thoát, sinh tử lưu chuyển giống như huyễn hóa mà tu tập theo sự nhận thức này thì do nhân duyên đó nên luân chuyển trong ba cõi, chịu đại khổ lâu dài. Nếu có thể phát tâm thấy được sự thường trụ không biến đổi của Như Lai và Pháp, Tăng, giải thoát cũng lại như vậy rồi theo một niệm này đến vô lượng đời thì quả báo tự tại tùy ý mà được. Vì sao vậy ? Vì ta, vào thuở xa xưa do bốn điên đảo nên chẳng phải pháp mà cho là pháp, chịu vô lượng quả báo nghiệp ác. Ta nay đã diệt được sự nhận thức như vậy nên thành Phật Chánh Giác. Ðó gọi là Ðạo Thánh Ðế. Nếu có người nói rằng, Tam Bảo vô thường, tu tập theo sự nhận thức này là tu theo hư vọng, chẳng phải là Ðạo Thánh Ðế. Nếu tu pháp này là thường trụ thì đó là đệ tử của ta. Nhận thức chân thật, tu tập bốn pháp Thánh Ðế thì đó gọi là Bốn Thánh Ðế.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Con nay mới biết tu tập bốn pháp Thánh Ðế thậm thâm.