KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 7
Phẩm 10: CHÁNH QUÁN
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát muốn thành tựu được pháp Tam-muội Niệm Phật của Bồ-tát mà chư Phật đã nói thì Đại Bồ-tát ấy nên gần gũi tu tập pháp gì để có thể thành tựu sự suy nghĩ Tammuội?
Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Bất Không Kiến:
–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu các Đại Bồ-tát muốn được thành tựu pháp Tam-muội Niệm Phật mà chư Phật đã nói, muốn luôn được thấy tất cả chư Phật để thực hiện việc cúng dường các Đức Thế Tôn ấy, muốn được mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải trụ nơi sự suy nghĩ chân chánh, xa lìa tâm xấu ác, đoạn trừ ngã kiến, suy nghĩ về vô ngã, nên xem thân này như bọt nước tụ lại, nên xem sắc này là rỗng không như cây chuối, nên xem thọ này như bong bóng nước, nên xem tưởng này như bóng nắng, nên xem hành này như mây trong hư không, nên xem thức này như ảnh trong gương. Bồ-tát nếu muốn hội nhập Tam-muội này, cần phải có tưởng sợ hãi một cách sâu xa, phải nghĩ đến việc xa lìa sự gạn hỏi, nghi ngờ để khỏi bị người khác chê trách; phải nghĩ đến việc trừ bỏ sự không biết hổ, thẹn mà thành tựu đức tánh hổ thẹn; phải nên thành tựu Xama-tha, Tỳ-bà-xá-na; phải nên xa lìa hai biên chấp thường và đoạn, thường nghĩ hết lòng siêng năng dũng mãnh để trừ bỏ sự biếng nhác, phát tâm rộng lớn, thường nghĩ và xem xét ba pháp môn giải thoát, thường nghĩ đến ba loại chánh trí nơi đời trước, thường nghĩ đến việc diệt trừ ba căn ác, thường nghĩ đến việc thành tựu các Tam-muội tụ, thường nghĩ đến sự thành tựu cho tất cả chúng sinh, thường nghĩ đến sự bình đẳng vì chúng sinh thuyết pháp; nên quán bốn Niệm xứ, đó là: Thân niệm xứ, Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ và Pháp niệm xứ; nên nghĩ đến sự lỗi lầm khi dùng bốn thực, đó là: Đoàn, Xúc, Tư và Thức thực. Ngay trong lúc ăn, sinh tưởng bất tịnh. Nên nghĩ đến bốn tâm vô lượng, đó là: Tu đại Từ, hành đại Bi, an trụ đại Hỷ, đầy đủ đại Xả. Nên nghĩ đến việc thành tựu các thiền mà không chấp trước mùi vị, sau đó lại suy nghĩ đến tất cả pháp. Thường nghĩ nhớ không tiếc thân, không giữ mạng, xả thân và tâm, thâu nhận sự hiểu biết rộng khắp.
Nhớ nghĩ về pháp như vậy, nên gìn giữ như vậy, không được phỉ báng, đã nghe nhiều pháp tài, nên cứ như pháp mà nghe, như nghĩa mà thọ trì, đối với chỗ các Đức Phật khởi tâm tôn trọng. Lại nữa, đối với pháp phải tăng ý cung kính, gần gũi Thiện tri thức, xa lìa bạn ác, trừ diệt những ngôn ngữ vô nghĩa của thế gian, không đắm vào cái vui thế tục, không bỏ chỗ nhàn tịnh, đối với tất cả sinh tâm bình đẳng. Đối với các chúng sinh không có thoái chuyển, không có tâm tổn hại, cũng không ganh ghét. Đối với tất cả pháp khởi tâm tương hợp, không tạo tội ác, tâm không cấu uế. Tất cả các pháp không có chỗ để có thể thủ đắc, thường cầu vào kinh điển sâu xa rộng lớn, trong đó thường khởi lên lòng tin tăng thượng, chớ sinh tâm hiềm, nghi, không có ý khác đối với pháp vô vi.
Các kinh điển tối thượng, rộng lớn như vậy phải thường nhớ đọc tụng, gìn giữ, thường suy nghĩ để diễn nói. Vì sao? Đó là đạo pháp của chư Phật Thế Tôn, độc nhất có thể tạo thành Bồ-đề của Phật, ở đời vị lai sẽ được công đức vô lượng của chư Phật. Phải nên giảng nói đúng như pháp cho người khác, hàng phục tâm kiêu ngạo, chớ làm loạn sự nghe chân chánh, cung kính tôn trọng, cúng dường pháp này, bỏ các sự mong cầu, chấm dứt các tranh chấp, trừ các mê mờ, diệt các lưới nghi, đoạn dứt sự mê lầm, thấu rõ về ngã kiến, không thích hý luận, xa lìa sự sinh sống tà vạy của Ni-càn, ngăn chận các ngôn ngữ, luận bàn của La-ca-ba-lê-bà-xà; thường nên khéo trụ trong Bố thí ba-la-mật, đầy đủ Giới ba-la-mật, thường nghĩ đến Nhẫn nhục bala-mật, không bỏ Tinh tấn ba-la-mật, hành diệu dụng nơi Thiền bala-mật, đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật. Xả bỏ thân mạng, không có tâm luyến tiếc, như tánh của bốn đại không thể thay đổi, như đối với địa giới khởi tâm bình đẳng; thủy hỏa, phong giới cũng lại như vậy; thành tựu thân nghiệp, tâm ý siêng năng, phải biết sợ hãi, không tham đắm về y thực, thuốc thang, giường ghế, nhà cửa, phòng thất, tất cả các thứ; thích hành Đầu-đà, thường hay biêt đủ, không cầu lợi dưỡng, không thích tiếng tăm. Phàm những gì tạo nên sự chìm đắm trong ái đều diệt trừ không còn mảy may, quán bốn Niệm xứ, đoạn trừ bốn điên đảo, không nghĩ những gai gốc độc ác, vĩnh viễn vượt qua bốn dòng, tu bốn Như ý, trụ bốn oai nghi, thường đủ năm Căn, cũng tăng trưởng đủ năm Lực, nên diệt năm thứ ngăn che, không dùng năm tình, xa lìa năm trược, thành tựu năm giải thoát, được hội nhập bên trong tự tư duy về Thánh trí rộng lớn, chánh quán năm ấm, không hành sáu trần, hàng phục sáu căn, diệt trừ sáu thức, đoạn dứt sáu thọ, trừ sáu khát ái, hành sáu niệm xứ và sáu trí phần pháp, ở trong sáu thông thường cầu lợi ích, tu bảy giác phần, thông đạt bảy cảnh giới (bảy cảnh giới là: Cảnh giới hại, cảnh giới sân hận, cảnh giới xuất sinh, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và diệt giới), diệt trừ bảy sử và bảy thức trụ, xa lìa tám sự biếng trễ, trừ bỏ tám vọng ngữ, thấy rõ thế gian do tám pháp tạo thành, nên được tám thứ giác ngộ của bậc đại nhân, chứng tám giải thoát, tu tám Chánh đạo, thân cận tư duy, phân biệt rộng lớn, chuyên tinh xa lìa chín chỗ ở của chúng sinh, diệt trừ chín thứ mạn, từ bỏ chín thứ não, thường nghĩ chín thứ pháp hoan hỷ gần gũi tu tập chín định thứ lớp, quyết không nghĩ và làm mười thứ nghiệp ác, phải siêng năng tạo mười nghiệp đạo thiện, thường cầu mười thứ lực của Như Lai.
Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nay ta vì ông lược nói pháp môn Tam-muội Niệm Phật của Đại Bồ-tát như vậy để các vị ấy được sự lợi ích lớn. Nếu có Đại Bồ-tát thường tu học pháp môn Tam-muội Niệm Phật, theo đó mà tu hành như vậy gọi là báo ân Phật, suy nghĩ như vậy sẽ không bị thoái chuyển đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng sẽ đạt được đầy đủ pháp của chư Phật, cho đến có thể vì tất cả chúng sinh làm chỗ nương tựa lớn, cũng có thể khiến cho họ thành tựu chủng trí vô thượng.
Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vì các Đại Bồ-tát này có đại trí, nên mới có thể suy nghĩ, chẳng phải hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, người, có thể quan sát được.
Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu ai đối với pháp môn Tammuội Niệm Phật này, hoặc gần gũi, suy nghĩ, tu tập, hoặc thọ trì, hoặc đọc tụng, hoặc biên chép, hoặc bảo người khác biên chép, hoặc bảo người khác thọ trì, đọc tụng hoặc nêu bày một phần nhỏ, hoặc giải nói, hoặc chỉ dẫn rộng rãi… Kẻ ấy tuy có lúc bị khổ sở, mệt mỏi nhưng điều đã làm được quyết không bỏ phí, chắc chắn sẽ đạt quả báo lợi lớn và nghĩa lớn.
Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đại Bồ-tát ấy đã vì người khác mà thọ trì pháp nên mau được Bất thoái chuyển đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đời sau chắc chắn sẽ thành Phật.
Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nên biết pháp môn Tam-muội Niệm Phật này, là thu tóm chung tất cả các pháp, cho nên chẳng phải là cảnh giới của hàng Nhị thừa. Nếu ai tạm thời nghe pháp này thì người đó nơi đời vị lai chắc chắn sẽ thành Phật, chẳng có gì nghi ngờ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn nêu lại nghĩa này nên dùng kệ:
Nếu ai muốn tu Tam-muội này
Hãy nhớ tất cả các Như Lai
Nếu đã tư duy pháp môn ấy
Các chỗ phi pháp phải xa lìa.
Cũng phải xa lìa không hổ thẹn
Phá trừ đoạn kiến và thường kiến
Cũng nên an trú ba cửa không
Nhớ chuyên cần tu trí giải thoát.
Đã trừ ba thứ căn bất thiện
Thì cũng suy nghĩ ba gốc lành
Nếu biết quan sát ba thọ xứ
Được định tốt này chẳng phải khó.
Nếu ai muốn cầu thắng Tam-muội
Trước nên trì giới, sau tu trí
Tự nhiên xa lìa các tà kiến
Cũng không hý luận và nói năng.
Thứ lớp quán thọ thảy đều khổ
Sau đó xem xét tâm sinh diệt
Nếu ai lúc tư duy Tam-muội
Phải nên nghĩ kỹ việc xuất thế.
Trừ sạch các pháp có nghi ngờ
Được Tam-muội này rất là dễ
Cũng phải khéo thông bốn Niệm xứ
Trước phải xét thân chẳng ngừng nghỉ.
Luôn cầu giải thoát và thiền định
Không yêu mạng sống tiếc gì thân
Không vì đa văn, khinh khi người
Chớ nên phỉ báng nơi chánh pháp.
Nghe chánh pháp rồi hãy nghĩ suy
Ngày đêm thọ trì và đọc tụng
Tôn trọng pháp như kính chư Phật
Việc Tăng chúng làm không dám khinh.
Thường nhớ ân bạn lành tri thức
Xa lìa tất cả các bạn ác
Không cùng sống chung với người ác
Trừ khi vì họ mà thuyết pháp.
Vì cầu đạo Bồ-đề tối thượng
Quyết không lìa bỏ chốn thiền môn
Tất cả chúng sinh đều bình đẳng
Ở trong các pháp chớ phân biệt.
Muốn cầu chỗ chân thật pháp ấy
Trong các pháp tướng, tâm không chấp
Ý khinh mạn kia thảy đều trừ
Không lâu sẽ được Tam-muội đó.
Biết rõ ngã kiến và tâm nghi
Cũng nên quan sát các vui đùa
Không được khởi tâm ý dục ác
Nên bỏ tranh chấp và mê ngủ.
Nếu không học pháp của ngoại đạo
Các hý luận ấy tự nhiên trừ
Chỉ nên tùy thuận lời Phật dạy
Cầu Tam-muội này được tức thì.
Thường hành bố thí và giới, nhẫn
Dũng mãnh, tinh tấn, không biếng nhác
Luôn dùng thiền tư và trí tuệ
Tự nhiên hành được Tam-muội này.
Thường cho đầu, mắt, không yêu, sợ
Xả các vật khác trọn không nghi
Đạt đến Bồ-đề không gian nan
Cũng mau được định tịch tĩnh này.
Nếu giữ được tâm như đại địa
Lại đồng nước, lửa cùng với gió
Cũng như hư không, không cùng tận
Người ấy mau được thiền định này.
Nếu ai thành thật thân, khẩu, ý
Không tham ăn mặc cùng của cải
Với các vật dụng không mong cầu
Tu được như vậy chứng Tam-muội.
Phải thường nhớ nghĩ bốn Chánh cần
Cũng nên thành tựu các thần túc
Phải mau lìa nghĩ nhớ điên đảo
Gai phiền não chích sớm đoạn trừ.
Phải nghĩ cách dứt bốn dòng chảy
Cũng trừ sạch mọi nẻo tham ái
Đầy đủ năm Căn và năm Lực
Xé rách phá bỏ áo năm cái.
Năm thứ dục lạc không tưởng nhớ
Trong lòng dối, hão cũng nên bỏ
Lại luôn mong cầu năm giải thoát
Suy nghĩ năm thân, Tam-muội địa.
Phải mau xét biết chỗ năm ấm
Chánh tâm hòa kính với sáu duyên
Người không cung kính phải xa lìa
Cũng phải giảm bớt sáu xúc thân.
Với sáu thọ xứ, tâm chánh quán
Thường nghĩ đoạn trừ sáu thứ ái
Lại dùng sáu thông thành tựu đời
Cũng tu sáu niệm và trí sáng.
Siêng cầu bảy Giác, bảy Thánh tài
Cần phải xả chỗ nghi hoặc ấy
Muốn được Tam-muội phải luôn vậy
Dần dần tiêu diệt các phiền não.
Phải thường xa lìa bảy thức trụ
Với tám điên đảo cũng loại trừ
Nếu hay trụ nơi tám Chánh đạo
Tự mình mau chứng định sâu này.
Luôn trụ tám hạnh đại trượng phu
Dùng tám giải thoát tâm tự vui
Không nhiễm tám pháp, lìa thế gian
Được trí tối thắng không còn xa.
Đối với người khác tâm không sân
Trước nên trừ chín thứ kiêu mạn
Nghĩa chín pháp căn bản haon hỷ
Đạt được chín loại thiền thứ lớp.
Dứt sạch mười ác nhân bất thiện
Người trí nên tu mười điều lành
Nếu hay tu hành mười thứ lực
Được Tam-muội này không còn khó.
Phải nhớ thu giữ các pháp thiện
Trừ bỏ các duyên tạo hành ác
Trước sau siêng cầu chánh niệm đó
Chứng Tam-muội này đâu có lâu.
Nếu trụ Tam-muội như vậy rồi
Nên chuyển sức trí không nghĩ bàn
Thấy khắp thân sắc vàng chư Phật
Lúc sinh thường được nghe chánh pháp.
Nếu muốn thấy được các Thế Tôn
Hoặc đã diệt độ hay hiện tại
Đương lai tất cả bậc thương đời
Phải suy nghĩ thắng Tam-muội này.