“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH”
Hạnh Đoan lược dịch
Chương 9: TỰ DO RỒI!
Khi tôi kết thúc kỳ phép, từ chùa quay về, tôi giống như vừa hoạch đắc một sinh mệnh mới, chuẩn bị đối diện với cơ hội mới. Tôi đã hạ quyết tâm: phải từ bỏ quân đội tôi từng phục dịch ngót chín năm nay.
Tôi đã một lần gởi bài đến tạp chí Nhân Sinh, đây là kỳ san do Trung Hoa Phật Giáo Văn Hóa Quán phát hành; người phát hành là Đông Sơ lão nhân, ông rất thích văn tôi.
Tôi đến thăm ông, thiết lập mối giao lưu thân thiện.
Một hôm, ông đột nhiên hỏi tôi:
– Anh từng đã làm Tăng, vậy có muốn làm tu sĩ trở lại không?
– Dạ muốn! – Tôi đáp – Chỉ là con không biết phải tiến hành như thế nào?
Lúc đó ông không nói gì.
Một ngày chủ nhật, tôi đến thăm ông, Đông Sơ lão nhân giới thiệu tôi với Trịnh Phu nhân, một mệnh phụ giàu có.
Đông Sơ lão nhân nói:
– Chàng trai trẻ này là hòa thượng đấy!
Trịnh phu nhân nhìn tôi, thắc mắc:
– Anh ta là sĩ quan, thân mặc quân phục, sao có thể là hòa thượng được?
Đông Sơ lão nhân kể bà nghe việc của tôi: Từ nhỏ đã xuất gia làm tu sĩ, sau đó bôn đào rời Đại Lục, gia nhập quân đội v.v…
Kể xong ông nói tiếp:
– Trịnh phu nhân, bà có thể giúp đỡ cho anh ta chăng?
Trịnh phu nhân hỏi:
– Anh ta đóng quân tại đâu?
– Là thuộc hạ của Tướng quân Trịnh Giới Dân, đức lang quân nhà bà.
Trịnh tướng quân lúc đó đang giữ chức Cục Trưởng Cục An Toàn Quốc Gia, giống như Cục tình báo Trung-Anh của Mỹ quốc. Ông trực tiếp gặp tổng thống, phụ trách về an toàn nước nhà.
– Thật vậy sao? – Trịnh phu nhân ngạc nhiên kêu lên – Anh ta là thuộc hạ của phu quân tôi ư?
Thực tế thì tôi không phải là thuộc hạ trực tiếp của Trịnh tướng quân, tôi thuộc Bộ Quản Lý Quốc Phòng, nhưng Cục Quốc Gia An Ninh rất hứng thú đối với việc chặn đường thông tin liên lạc điện thoại, điện báo vô tuyến điện thông tấn từ Đại Lục, vì vậy tôi mà làm ở Sở Giám Đốc Cục Quốc An, công tác của tôi là đem những mật mã lấy được, trình báo lên cho các chuyên gia Cục Quốc An giải mã… phần tiếp theo là của họ, tôi không biết đến.
Đông Sơ lão nhân kể với Trịnh phu nhân là tôi bị bịnh. Tôi cả đời thường bịnh luôn, không những bị bịnh phổi và sốt rét, mà lá lách tỳ tạng… gì đều có vấn đề, lúc mười tuổi còn té trừ trên cây xuống, gãy đốt xương cùng. (Tôi chưa từng kể cho song thân nghe việc này, sợ họ quở tội mình trèo cây). Xương sống tôi vì vậy không được lành lặn. Phần sau gáy cũng bị thương, vì trong lúc té, đầu tôi bị va chạm.
Trong quân đội, tôi khổ vì ngũ không đủ, thường phải trực đêm; ban ngày có nghỉ ngơi thì hay bị người qua lại, vào phòng ngũ gây ồn náo. Tôi cũng thường bỏ ngũ để đọc kinh sách, viết văn.
Hồi đầu, tôi rất mừng vì có được thời gian để làm việc riêng của mình; nhưng qua một năm, do ngủ không đủ giấc; tôi biếng ăn uống, người ốm giơ xương.
Trịnh phu nhân kể cho chồng bà nghe tình hình của tôi. Bà mời tôi đi gặp Trịnh tướng quân. Tòa nhà của họ nằm đối diện Văn Hóa Quán.
Tôi không kỳ vọng gì nhiều nơi vị tướng quân kiệt xuất, giàu thế lực này; cũng không nghĩ là họ chịu giúp đỡ.
Trịnh tướng quân khiến người ta có ấn tượng sâu sắc. Đối với người Trung Quốc mà nói, thì ông quả có vóc dáng cao cực kỳ! Ông cao độ 1m8, là người Quảng Đông, nói tiếng Quảng Đông. Tôi nghe hầu như không hiểu. Ông nổi danh là một vị tướng trung thành, không tham lam, không hủ bại.
Trong lúc gặp nhau, ông nói rất ít, chỉ hỏi vài việc.
Đến cuối giờ, ông bảo:
– Anh là một người tốt. Chúng tôi làm sao có thể giúp anh rời bỏ quân đội được? Đặc biệt là trong tình hình nhân lực cực kỳ thiếu thốn như hiện nay!
Tôi phân trần:
– Trịnh tướng quân! Tôi bị bịnh mà!
– Bịnh gì? Nếu anh thực sự có bịnh, hãy đi khám bác sĩ rồi cầm giấy xác nhận đến đây!
Tôi thật thà mách ông ta:
– Nhưng bác sĩ từ chối viết giấy xác nhận cho tôi!
Trịnh tướng quân nghe xong, trầm ngâm không nói gì.
Cuộc diện kiến kết thúc. Mặc dù Trịnh phu nhân không gây được ảnh hưởng gì, nhưng bà không đổi ý. Bà đến Cục Quốc An sắp xếp cho tôi làm một cuộc khám nghiệm.
Tôi khai với bác sĩ:
-Tôi có bịnh mãn tính, không dễ chẩn đoán. Tôi cao 1m7, nặng 42 kg…
Tôi kể mình thường hay chóng mặt xây xẩm…
Bác sĩ đồng ý rằng sức khỏe tôi có vấn đề, ông cho kiểm tra máu và phát hiện tôi thiếu máu nghiêm trọng.
Tôi báo cáo là xương sống tôi cũng bịnh.
Ông liền kiểm tra, phát hiện xương cùng bị tổn thương.
Ông nói:
– Khi anh ngồi lâu, nhất định sẽ rất đau.
Ông chụp X quang phổi thì thấy nám đen; răng, mũi… gì cũng có bịnh. Bèn cho tôi đi y viện, kết quả y viện cấp cho tôi một giấy xác nhận, có thể xin nghỉ phép được hai, ba tháng.
Tôi rất mừng. Sau khi chụp X quang rồi, các kết quả khám nghiệm và chẩn đoán đều xác nhận tôi có bịnh.
Thời gian nghỉ phép dưỡng bịnh, tôi được ở tại doanh phòng. Kỳ phép hết, đơn vị muốn tôi quay về lại.
Tôi đi kiểm nghiệm tiếp, bịnh tình của tôi không có biến chuyển tốt, nhưng cũng không xấu đi. Bác sĩ nói: – Biểu hiện như vậy cũng là tốt. Hãy về công tác tiếp.
Tôi đi tìm Trịnh phu nhân, thưa với bà mọi sự. Bà liền gọi điện cho bác sĩ, ông bèn cấp cho tôi sáu tháng nghỉ phép dưỡng bịnh.
Lúc đó, nếu mà xin nghỉ phép vượt quá một năm thì có thể rời khỏi quân đội, cho nên tôi xin xuất ngũ luôn.
Thượng cấp liền gọi tôi lên. Ông nói:
– Anh biết đơn vị chúng ta là làm công tác gì chứ?
– Dạ biết, là công tác tình báo.
– Nói như thế thì, bất kỳ ai công tác tại đơn vị này, sống thì là nhân viên tình báo, mà chết thì cũng là nhân viên tình báo… Anh hiểu không?
– Tôi biết quy định đó.
– Bởi vì anh làm công tác tình báo, cho nên anh không thể nào thoái ngũ.
Tôi đi tìm Trịnh phu nhân, thưa với bà:
– Tôi có đủ điều kiện thích hợp để thoái ngũ, quay về đời sống xuất gia, nhưng thượng cấp không chấp nhận.
Trịnh phu nhân nói:
– Mấy người đó thật là ngoan cố! Thôi được! Để tôi đến nói với ông nhà tôi. Xưa nay, tôi rất ít khi yêu cầu ông ấy giúp đỡ, nhưng vì anh, tôi sẽ năn nỉ ông ấy khai khẩu, nhúng tay vào một lần.
Thuở giờ tôi chưa làm qua việc này! Vì tôi là đệ tử Phật, tôi cảm thấy anh làm hòa thượng sẽ cống hiến to tát hơn là làm sĩ quan. Nhưng mà ông nhà tôi thì không chịu nghĩ như thế, ổng cho rằng quân đội quan trọng hơn Phật giáo rất nhiều. Mặc dù tôi nể sợ ông ấy, nhưng tôi vẫn phải ráng thuyết phục, khẩn cầu ổng giúp…
Khi cấp trên biết tôi từng đến gặp Trịnh tướng quân hai lần, họ rất lấy làm lạ. Bởi một sĩ quan ở vị trí chót bẹt như tôi đây, hầu như không thể nào với tới hàng tướng lãnh cao tột như Trịnh tướng quân. Lúc tôi đến gặp ông ta, chức vị và vẻ uy nghi của ông trông rất đáng nể. Trong mắt tôi, ông thật vĩ đại, vượt hẳn người thường.
Nhiều năm về sau, khi tôi đã là pháp sư, tốt nghiệp tiến sĩ rồi; lúc gặp lại những tướng lãnh cao cấp, tôi thấy họ cũng bình dị như bao người. Những người trong số họ còn là đệ tử tôi.
Sau khi Trịnh phu nhân tâm sự thế rồi, Trịnh tướng quân viết thư cho cấp trên của tôi, yêu cầu Hãy giúp đỡ tôi trong phạm vi pháp luật.
Mặc dù nghĩ phong thư này có thể chẳng giúp ích gì, nhưng tôi cứ cầm nó đến giao cho cấp trên.
Ông ta xem lướt qua xong, trả thư cho tôi và bảo: – Ngài ấy yêu cầu tôi giúp anh theo phạm vi luật pháp, tôi phải làm sao đây??…
Một tháng sau, cấp trên bí mật gọi điện kêu tôi tới. Tôi nghĩ là ông ta muốn nhốt tôi. Nhưng ông bảo:
– Trong đây có mấy tờ tường trình, tôi không biết là có thể giúp được gì không. Nhưng Trịnh tướng quân nói cứ điền tốt là ổn. Không chắc chắn sẽ được việc, nhưng chúng tôi vẫn ráng giúp anh trong phạm vi luật pháp.
Tôi tuân thủ và điền xong các giấy tờ.
Thật khiến người ngạc nhiên! Hai tháng sau, từ lúc xin thoái ngũ – trước khi tôi rời quân đội một ngày – Thì Trịnh tướng quân qua đời. Tôi đến tụng kinh cho ông ta, qua hôm sau thì nhận được lệnh trả tự do.
Quá trình xin thoái ngũ kéo dài ngót 18 tháng. Lúc tôi còn trẻ, tâm đầy kỳ vọng và mong ước đủ thứ. Thời gian cứ trôi không ngừng, bây giờ quay đầu nhìn lại, tôi cảm thấy rằng, nếu không nhờ tôi có một trái tim chân thành và chí nguyện kiên cường, tha thiết, muốn quay lại đời sống xuất gia; thì chắc chắn tôi sẽ không thành công. Bởi vì, xin thoái ngũ với đơn vị tình báo là điều tuyệt đối không thể…
Ngày mồng 1 tháng 1 năm 1960, tôi chính thức rời khỏi quân đội. năm đó tôi 30 tuổi.