LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM THÁN ĐỘ THỨ 5

(Đại Bát-nhã ghi: Phẩm Vô Đẳng Đẳng Thứ 4)

KINH: Bấy giờ tuệ mạng Xá-lợi-phất, tuệ mạng Mục-kiềnliên, tuệ mạng Tu-bồ-đề, tuệ mạng Đại Ca-diếp, các Tỳ-kheo được nhiều người biết đến và các Bồ-tát ma-ha-tát, các Ưu-bàtắc, các Ưu-bà-di như vậy, từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay bạch Phật, bạch Thế Tôn! Đại ba-la-mật là Bát-nhã ba-la-mật của Bồtát ma-ha-tát; Tôn ba-la-mật, Đệ nhất ba-la-mật, Thắng ba-lamật, Diệu ba-la-mật, Vô thượng ba-la-mật, Vô đẳng ba-la-mật, Vô đẳng đẳng ba-la-mật, Như hư không ba-la-mật, là Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát ma-ha-tát.

Bạch Thế Tôn! Tự tướng Không ba-la-mật, là Bát-nhã bala-mật của Bồ-tát ma-ha-tát.

Bạch Thế Tôn! Tự tánh Không ba-la-mật là Bát-nhã ba-lamật của Bồ-tát ma-ha-tát. Các pháp Không ba-la-mật, Vô pháp hữu pháp không ba-la-mật, Mở hết thảy công đức ba-la-mật, Thành tựu hết thảy công đức ba-la-mật, Không thể hoại ba-lamật, là Bát-nhã ba-la-mật của các Bồ-tát ma-ha-tát.

Các Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, bố thí không sánh bằng, đầy đủ Thí ba-la-mật không sánh bằng, được thân không sánh bằng, được pháp không sánh bằng, ấy là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn bala-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, cũng như vậy.

Thế Tôn vốn cũng còn thực hành Bát-nhã ba-la-mật ấy, mà đầy đủ sáu Ba-la-mật không sánh bằng, được pháp không sánh bằng, được sắc không sánh bằng, được thọ, tưởng, hành, thức không sánh bằng. Phật chuyển pháp luân không sánh bằng.

Phật đời quá khứ cũng như vậy, thực hành Bát-nhã ba-lamật ấy, nên đầy đủ bố thí không sánh bằng, cho đến chuyển pháp luân không sánh bằng.

Phật đời vị lai, cũng thực hành Bát-nhã ba-la-mật ấy, nên sẽ làm việc bố thí không sánh bằng, cho đến sẽ Chuyển pháp luân không sánh bằng.

Vì vậy, bạch Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát muốn đến bờ kia của hết thảy pháp, phải nên tập hành Bát-nhã ba-la-mật.

Vâng, bạch Thế Tôn! Tất cả thế gian trời, người, A-tu-la phải nên lễ kính cúng dường Bồ-tát ma-ha-tát tập hành Bát-nhã ba-la-mật ấy.

Phật bảo chúng đệ tử và các Bồ-tát ma-ha-tát: như vậy, như vậy! Các thiện nam tử! Tất cả thế gian trời, người, A-tu-la phải nên lễ kính cúng dường vị tập hành Bát-nhã ba-la-mật, vì sao? Vì nhân có Bồ-tát đến nên xuất sanh nhân đạo, thiên đạo, dòng Sát-lợi lớn, dòng Bà-la-môn lớn, đại gia cư sĩ, Chuyển luân thánh vương, trời Tứ thiên vương, cho đến trời A-ca-nịsắc; xuất sanh Tu-đà-hoàn, cho đến A-la-hán, Bích-chi Phật, chư Phật.

Nhân có Bồ-tát đến nên thế gian bèn có ẩm thực, y phục, ngọa cụ, phòng xá, đèn đuốc, ma-ni, chân châu, tỳ-lưu-ly, san hô, vàng, bạc… các bảo vật xuất sanh.

Này Xá-lợi-phất, các thứ vui của thế gian, hoặc ở cõi người, hoặc ở cõi trời, hoặc cái vui ly dục, tất cả thứ vui ấy đều do Bồtát mà có, vì sao? Này Xá-lợi-phất, vì Bồ-tát ma-ha-tát khi tập hành Bồ-tát đạo, an trú sáu Ba-la-mật, tự hành bố thí cũng lấy việc bố thí thành tựu chúng sanh, cho đến tự hành Bát-nhã bala-mật, cũng lấy Bát-nhã ba-la-mật thành tựu chúng sanh.

Này Xá-lợi-phất, thế nên Bồ-tát ma-ha-tát, vì an lạc cho hết thảy chúng sanh nên xuất hiện ở đời.

LUẬN. Hỏi: Trong 5.000 Tỳ-kheo, ở trên còn có hơn ngàn Thượng tọa, như Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp… cớ sao chỉ nói tên bốn người?

Đáp: Bốn Tỳ-kheo ấy là vô lượng phước điền hiện đời. Xálợi-phất là đệ tử tay phải của Phật, Mục-kiền-liên là đệ tử tay trái của Phật, Tu-bồ-đề tu định vô tránh hành không đệ nhất, còn Đại Ca-diếp tu mười hai hạnh đầu đà đệ nhất, được Thế Tôn cho áo và chia chỗ ngồi, có tâm thường thương xót chúng sanh sâu xa. Lúc Phật ở đời, nếu có người muốn cầu quả báo đời nay, mà cúng dường bốn vị ấy, liền được như nguyện. Vì vậy các Tỳ-kheo nhiều người quen, nhiều người biết ấy và tứ chúng tán thán Bát-nhã bala-mật.

Hỏi: A-la-hán thân tối hậu ấy, việc cần làm đã làm xong, cớ sao còn tán thán Bát-nhã ba-la-mật?

Đáp: Người ta đều biết A-la-hán được vô lậu đạo, vì Bồ-tát trí tuệ tuy lớn hơn A-la-hán, song kiết sử chưa dứt nên không quý. Lại vì A-la-hán ấy có tâm từ bi giúp Phật tuyên dương pháp hóa, nên lấy đó làm chứng.

Phật đạo đối với thế gian rất lớn, Bát-nhã có thể đưa lại việc ấy, nên gọi là Đại ba-la-mật.

Trong tất cả pháp, trí tuệ là đệ nhất, nên gọi là Tôn ba-la-mật.

Hay dẫn dắt năm độ kia theo đường chánh, nên gọi là Đệ nhất ba-la-mật.

Năm độ kia không sánh kịp, nên gọi là Thắng ba-la-mật.

Như năm thức không bằng ý thức có thể làm lợi mình lợi người, nên gọi là Diệu ba-la-mật.

Trong hết thảy pháp, không có pháp nào qua được, nên gọi là Vô thượng ba-la-mật.

Không có pháp gì tương đồng, nên gọi là Vô đẳng ba-la-mật.

Các đức Phật gọi là Vô đẳng đẳng, đều từ Bát-nhã ba-la-mật xuất sanh, nên gọi là Vô đẳng đẳng ba-la-mật.

Bát-nhã ba-la-mật ấy rốt ráo thanh tịnh, không thể lấy hý luận phá hoại, nên gọi là Như hư không ba-la-mật.

Trong Bát-nhã ba-la-mật, tự tướng tất cả pháp không thể có được, nên gọi là Tự tướng không ba-la-mật.

Trong Ba-la-mật ấy, tất cả pháp tự tánh không, các pháp đều do nhân duyên hòa hợp sanh, không có tự tánh, nên gọi là Tự tánh không ba-la-mật.

Trong các pháp không có tự pháp, nên gọi là Chư pháp không ba-la-mật.

Do chúng sanh không và pháp không ấy, phá các pháp làm cho không gì có được, không gì có được cũng không có gì được, nên gọi là Vô pháp hữu pháp không ba-la-mật.

Bồ-tát tập hành Bát-nhã ba-la-mật ấy, không có công đức gì không thu nhiếp được, như khi mặt trời xuất hiện, hoa nào cũng nở, nên gọi là Mở hết thảy công đức ba-la-mật.

Mặt trời Bát-nhã ba-la-mật trong tâm Bồ-tát xuất hiện, hết thảy công đức thành tựu được, đều làm cho thanh tịnh. Bát-nhã ba-la-mật là gốc của hết thảy thiện, nên gọi là Thành tựu nhất thiết công đức ba-la-mật.

Không có pháp thế gian nào làm cho khuynh động được, nên gọi là Bất khả phá hoại ba-la-mật.

Nhân duyên khiến các A-la-hán ấy tán thán, là ba đời các đức Phật đều từ Bát-nhã ba-la-mật xuất sanh, đó là bố thí không sánh, cho đến trí tuệ không sánh.

Trong thế gian không có gì sánh bằng, nên gọi là Không sánh.

Sáu Ba-la-mật ấy, rốt ráo thanh tịnh không có sai lầm nên gọi là Không sánh.

Không sánh tức là Vô đẳng đẳng.

Lại nữa, Vô đẳng đẳng, chư Phật gọi là Vô đẳng, sánh cùng chư Phật, nên gọi là Vô đẳng đẳng.

Hỏi: Trong chư Phật ba đời đã có Thích-ca Văn Phật, cớ sao nói riêng?

Đáp: Nay chúng ở trên tòa, đều do nơi Thích-ca Văn Phật mà đắc độ, cảm ơn nặng nên nói riêng. Như Xá-lợi-phất nói: Thầy tôi không ra đời, chúng tôi vĩnh viễn là kẻ mù tối.

Các A-la-hán biết chư Phật ba đời đều từ trong Bát-nhã ba-lamật xuất sanh, vì vậy các A-la-hán nói, bạch Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát, muốn khắp biết hết thảy, biết hết thảy pháp, phải nên tập hành Bát-nhã ba-la-mật.

Trong khi A-la-hán tán thán Bồ-tát, sanh tâm cung kính, thế nên nói lễ kính cúng dường.

Trời, người, A-tu-la là nói ba thiện đạo, còn ba ác đạo không biết gì nên không nói.

Phật nghe A-la-hán tán thán rồi, Phật ấn khả nói: Như vậy, như vậy! Nên phải lễ kính cúng dường người tập hành Bát-nhã ba-la-mật.

Các ông tuy không có nhất thiết trí tuệ, mà nói không sai. Cho nên nói lặp như vậy, như vậy, vì sao? Vì trong đó Phật tự nói: nhân nơi Bồ-tát nên xuất sanh nhân đạo, thiên đạo, cho đến hết thảy các Bồtát. Vì an lạc cho hết thảy chúng sanh nên nói.

Dòng Sát-lợi lớn cho đến trời Sắc-cứu-cánh; Tu-đà-hoàn cho đến chư Phật đều như trước nói.

Hỏi: Nếu nhân nơi Bồ-tát mà có ẩm thực… các bảo vật, cớ sao người ta lại phải đem sức làm lụng, kiếm sống, chịu đủ tân khổ mới có được?

Đáp: Gặp lúc kiếp đói khát, tuy có bày đủ công sức cũng không có được, vì chúng sanh tội nặng. Bồ-tát đời đời tán thán việc bố thí, trì giới và thiện tâm, do nhân duyên ba thứ phước ấy nên có thượng, trung, hạ. Phước bậc thượng, hễ nghĩ đến liền có được; phước bậc trung, làm người được tôn trọng, sự cúng dường tự đến; phước bậc hạ, thì phải thí công sức mới có được. Vì vậy nói nhân nơi Bồ-tát mà có được, thật chứ không hư dối.

Nhân duyên sự vui rất nhiều, không thể kể hết, nay Phật lược nói vui cõi trời, vui cõi người, vui Niết-bàn, đều do Bồ-tát mà có được. Trong đây Phật tự nói: Bồ-tát trụ trong sáu Ba-la-mật, tự hành bố thí, cũng dạy chúng sanh hành bố thí. Tuy chúng sanh tự hành bố thí, nếu không có Bồ-tát giáo đạo, thời không thể hành.

Hỏi: Trừ thứ vui giải thoát Niết-bàn, hai thứ vui này là chỗ sanh ra kiết sử của chúng sanh, vì tham dục nên sanh sân nhuế, cớ sao Bồtát giáo đạo thứ nhân duyên sanh ra kiết sử ấy?

Đáp: Bồ-tát không lỗi, vì sao? Vì Bồ-tát đem tâm từ bi thanh tịnh, dạy cho chúng sanh thứ nhân duyên vui, là nên tu phước sự, nếu chúng sanh không thanh tịnh thực hành phước đức, thì đối Bồ-tát có lỗi gì! Như người hảo tâm làm giếng, người mù bị rớt trong đó mà chết, người làm giếng không tội.

Lại như người bày đồ ăn ngon thết đãi người, người không biết độ lượng, ăn quá nhiều sinh bệnh, người thết đãi không tội.

Lại nữa, nếu chư Phật Bồ-tát, không dạy chúng sanh tạo nhân duyên phước đức, thời không có trời, không có người, không có A-tu-la, chỉ tăng trưởng ba ác đạo, không ai từ tội mà được ra khỏi.

Lại nữa, chúng sanh nhân vui mà sanh tham, nhân tham mà sanh giận, nhân giận mà sanh khổ, nhân khổ mà sanh tội. Nay muốn khỏi cho chúng sanh mắc về cái tội thứ năm nên cho vui.

Lại nữa, không nhất định do vui sanh tham dục. Hoặc nhớ nghĩ chánh nên vui làm phước thiện, nhớ nghĩ tà nên sanh tham dục. Nay vì chánh ức niệm vui, nên làm nhân duyên sanh ra phước đức.

Lại nữa, duy một mình Phật là không sai không lầm. Bồ-tát ấy chưa thành Phật đạo, chưa được Phật nhãn, nên dùng ba thứ vui giáo hóa chúng sanh khả độ, còn chư Phật chỉ dùng thứ vui giải thoát giáo hóa chúng sanh.