LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH PHẨM TƯỚNG LƯỠI THỨ 6

KINH: Bấy giờ Thế Tôn lè tướng lưỡi phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới, từ tướng lưỡi ấy phát ra ánh sáng vô số vô lượng màu sắc, khắp chiếu mười phương hằng hà sa thế giới Phật. Khi ấy ở phương đông, trong hằng hà sa thế giới, vô lượng vô số chư Bồ-tát, thấy ánh sáng lớn ấy, mỗi mỗi thưa với Phật ở thế giới mình rằng, bạch Thế Tôn! Ấy là sức ai mà có ánh sáng lớn ấy, chiếu khắp các thế giới?

Các Phật bảo các Bồ-tát rằng, các thiện nam tử, phương tây có thế giới gọi là Ta-bà, trong đó có Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, tướng lưỡi của Phật kia phát ra ánh sáng lớn chiếu khắp phương đông hằng hà sa thế giới chư Phật, phương nam, tây, bắc, bốn góc, trên dưới cũng lại như vậy, vì các Bồ-tát ma-ha-tát mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật.

Khi ấy các Bồ-tát mỗi mỗi bạch Phật ở thế giới mình rằng: chúng con muốn qua cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni, và các Bồ-tát ma-ha-tát, cùng muốn nghe Bát-nhã ba-la-mật.

Các Phật bảo các Bồ-tát, thiện nam tử, các ông tự biết thời.

Khi ấy các Bồ-tát ma-ha-tát, cầm các đồ cúng dường, vô lượng lọng hoa, tràng phan, chuỗi ngọc, hương thơm, vàng bạc, hoa báu, nhắm hướng thế giới Ta-bà, đi đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni. Lúc bấy giờ, các trời Tứ thiên vương, cho đến trời Sắccứu-cánh đều cầm hương trời, hương bột, hương nước, hương thiên trù, hương lá, các hoa sen trời, xanh vàng đỏ trắng, hướng đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni. Các thứ hoa của các Bồ-tát và chư thiên ấy rải giữa hư không ba ngàn đại thiên thế giới, hóa thành đài lớn, bốn trụ, đủ các sắc lạ trang nghiêm rõ ràng.

Khi ấy trong chúng của Phật Thích-ca Mâu-ni, có mười vạn ức người đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn! Chúng con trong đời vị lai cũng được pháp như vậy, như Phật Thích-ca Mâu-ni hôm nay. Đệ tử, người thị tùng, đại chúng, thuyết pháp cũng như vậy.

Khi ấy, Phật biết thiện nam tử chí tâm, đối với hết thảy pháp chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng xuất, chẳng tác, được pháp nhẫn ấy, Phật bèn mỉm cười, ánh sáng đủ màu từ trong miệng phóng ra.

A-nan bạch Phật rằng, nhân duyên gì mà Phật mỉm cười?

Phật bảo A-nan, mười vạn ức người trong chúng ấy, được vô sanh nhẫn đối với các pháp. Các người ấy, trong đời vị lai, qua sáu mươi tám ức kiếp, sẽ làm Phật, kiếp gọi là Hoa Tích, Phật đều có hiệu là Giác Hoa.

LUẬN. Hỏi: Trong phẩm đầu Phật đã lè tướng lưỡi, cớ sao nay còn lè ra nữa?

Đáp: Việc ấy chẳng phải ở một ngày một chỗ nói. Trước lè tướng lưỡi, để hòa hợp đại hội, độ hết thảy chúng sanh, Xá-lợi-phất hỏi, Phật đáp: nay ở vào thời khác, lại vì người khác. Tu-bồ-đề khéo nói về không, Phật sai nói lại, nên phát ánh sáng nơi tướng lưỡi.

Hỏi: Xá-lợi-phất trí tuệ đệ nhất, đâu có thiếu gì mà Phật lại còn sai Tu-bồ-đề?

Đáp: Chúng đệ tử của Phật nhiều, một người nói xong, tiếp sai một người, ví như vua có quần thần đông, thứ lớp chung nói.

Hỏi: Nếu như vậy, Mục-kiền-liên, Ca-diếp… rất nhiều, cớ sao không sai nói tiếp?

Đáp: Kinh này gọi là trí tuệ, Xá-lợi-phất trí tuệ đệ nhất, thế nên hỏi. Tu-bồ-đề tuy có nhiều nhân duyên mà vì có hai nhân duyên lớn: 1. Ưa tu định vô tránh. Thường từ bi với chúng sanh, tuy không rộng độ chúng sanh, mà thường giúp cho Bồ-tát, đem việc Bồ-tát hỏi Phật. 2. Ưa thực hành sâu xa pháp không; trong Bát-nhã lại nói nhiều về pháp không, nên Phật sai Tu-bồ-đề nói.

Các nghĩa ánh sáng tướng lưỡi, các Bồ-tát qua lại, cho đến đài hoa cúng dường, đều như trước đã nói.

Khi ấy chúng sanh thấy lực thần thông lớn ấy, đó là chư Phật trong mười phương hằng hà sa thế giới, do chư Phật và Phật Thíchca Mâu-ni phóng ra vô lượng ánh sáng, nên chúng sanh nhờ thần lực của Phật mà thấy tướng lưỡi phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới và nghe thấy chư Phật ở giữa đại chúng thuyết pháp, liền được vô sanh pháp nhẫn. Phát nguyện rằng: chúng con trong đời vị lai có thần lực biến hóa cũng sẽ như Phật hôm nay.

Phật biết chúng sanh được vô sanh pháp nhẫn, nên mỉm cười.

Nghĩa mỉm cười, Phật đáp, đều như trước đã nói.

Người ấy qua sáu mươi tám ức kiếp sẽ làm Phật; người ấy thấy mười phương các Bồ-tát, đem hoa bảy báu đến cúng dường, biến thành đài hoa bảy báu. Nhân thấy như vậy rồi, tâm kia thanh tịnh, được vô sanh pháp nhẫn. Thế nên khi làm Phật, kiếp gọi là Hoa Tích, Phật đều có hiệu là Giác Hoa.

(HẾT CUỐN 40 THEO BẢN HÁN)