KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Hán dịch: Căn cứ bản dịch của Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm,
Sa môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, và Tạ Linh Vân sửa lại
– Đời Tống
– Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ – Phan Rang
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đổng Minh
Quyển thứ ba
PHẨM DANH TỰ CÔNG ÐỨC
Lúc bấy giờ, đức Như Lai lại bảo ngài Ca Diếp rằng :
– Này thiện nam tử ! Ông nay cần phải khéo giữ gìn công đức sở hữu, chương cú, văn tự của Kinh này. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe tên Kinh này mà sinh vào bốn đường thì không có chỗ này. Vì sao vậy ? Vì kinh điển như vậy chính là sự tu tập của vô lượng vô biên các đức Phật mà công đức sở đắc hôm nay ta sẽ nói !
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Kinh này sẽ tên là gì ? Ðại Bồ tát phụng trì ra sao ?
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp :
– Kinh này tên là Ðại Bát Niết Bàn ! Lời nói trên cũng tốt, lời nói giữa cũng tốt, lời nói dưới cũng tốt, nghĩa vị thâm thúy, văn ấy cũng hay, chuẩn bị đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh, bảo tạng kim cương đủ đầy không khiếm khuyết. Ông khéo lắng nghe, ta nay sẽ nói ! Này thiện nam tử ! Sở dĩ nói rằng Ðại là gọi đó là thường như tám dòng sông lớn đều về đại hải (biển cả). Kinh này như vậy đã hàng phục tất cả các phiền não kết và các ma tánh, rồi nhiên hậu mới cần đến Ðại Bát Niết Bàn buông bỏ thân mạng. Vậy nên tên là Ðại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Lại như vị thầy thuốc có một phương thang bí mật nhiếp lấy hết tất cả y thuật sở hữu. Này thiện nam tử ! Như Lai cũng vậy, đã nói đủ thứ tạng môn thâm áo, bí mật của Diệu Pháp đều vào hết trong Ðại Bát Niết Bàn này. Vây nên tên là Ðại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như người nông phu tháng xuân xuống giống thường có hy vọng. Ðã thu hái quả trái xong thì mọi hy vọng đều dứt. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, tu học Kinh khác thường mong thêm vị (tư vị), nếu được nghe Kinh Ðại Bát Niết Bàn này thì sự hy vọng thêm vị sẵn có trong các Kinh đều đoạn tuyệt vĩnh viễn. Ðại Niết Bàn này có thể khiến cho chúng sinh qua khỏi các dòng “hữu”. Này thiện nam tử ! Như trong các dấu chân thì dấu chân voi là hơn hết. Như vậy, Kinh này đối với các Kinh, tam muội thì rất là số một. Này thiện nam tử ! Ví như cày ruộng thì cày vào mùa thu là hơn hết. Như vậy Kinh này hơn hết trong các Kinh. Này thiện nam tử ! Như trong các thuốc thì Ðề hồ số một, giỏi trị tâm loạn nhiệt não của chúng sinh. Kinh Ðại Niết Bàn là tối đệ nhất. Này thiện nam tử ! Ví váng sữa (tô) ngon tám vị đầy đủ. Ðại Bát Niết Bàn cũng lại như vậy, tám vị đầy đủ. Sao gọi là tám vị ? – Một là Thường, hai là Hằng, ba là An, bốn là Thanh Lương, năm là Chẳng Già, sáu là Chẳng Chết, bảy là Vô Cấu, tám là Khoái Lạc. Ðó là tám vị. Ðầy đủ tám vị đó nên gọi là Ðại Bát Niết Bàn. Nếu những Ðại Bồ tát an trụ trong đó mà lại có thể nơi nơi thị hiện Niết Bàn thì đó gọi là Ðại Bát Niết Bàn. Này Ca Diếp! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ! Nếu muốn ở trong Ðại Bát Niết Bàn này mà Niết Bàn thì đều phải tạo tác sự học này : Như Lai thường trụ, Pháp, Tăng cũng vậy.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Lạ quá ! Thưa đức Thế Tôn ! Công đức của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, Pháp, Tăng cũng vậy, chẳng thể nghĩ bàn, Ðại Niết Bàn đó cũng chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có người tu học kinh điển này thì được Chánh pháp môn, có thể làm thầy thuốc giỏi. Nếu người chưa học thì phải biết là người đó mù, không có tuệ nhãn, bị sự che phủ của vô minh.