NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN
Tác giả: Trần Bá Đạt
Dịch giả: Thích Thiện Phước

 

CHƯƠNG IV: HẢO ĐỨC.

I.VÌ SAO PHẢI HẢO ĐỨC?

Trường thọ, phú quý, khương ninh và thiện chung đều là kết quả của hảo đức. Nếu như đời quá khứ của chúng ta không có hảo đức thì hiện đời nhất định không có trường thọ, phú quý và khương ninh. Nếu như chúng ta hiện tại không có hảo đức thì e rằng trong tương lai rất khó được thiện chung.

Chúng ta nên biết rằng hảo đức là nguồn cội của mọi sự an vui và hạnh phúc. Hảo đức cũng là nền tảng của phước đức và mọi sự may mắn. Giả sử hiện tại chúng ta không trồng nhân hảo đức như thế thì mọi sự hưởng thụ và tiêu dùng đều sẽ biến thành xa xỉ, nhân vì không có gieo trồng nhân lành, khi hưởng hết phước báo rồi thì tất nhiên sẽ trở thành kẻ nghèo cùng khốn khổ.

Người xưa nói: “Cất giữ của cải không hẳn thuộc về mình, thọ dụng của cải lại không hẳn thuộc về mình, chỉ có đem của cải ra thí xả mới thật là của mình”.

Đang khi chúng ta dùng mọi phương cách đem tài vật để cất giấu thì chúng ta không nhất định cho mớ của cải ấy thuộc về phần mình có. Ví như bạn cầm tiền đi mua cổ phiếu, cổ phiếu có thể sụt giá; mua vàng, nữ trang… lại cũng có thể bị cướp giật hay bị mất trộm; tham gia hùn vốn để đầu tư không chỉ bị người giật mà còn phải nguy hiểm đến tính mạng; há không phải bao nhiêu tiền của dành dụm từ trước đến giờ đều đem đổ sông đổ biển hết ư? Mua nhà cửa gặp thời vận chẳng may, cảnh khí không thuận tiện sẽ bị lỗ vốn rồi dần dần đưa đến nạn phá sản. Thế nên, kinh  Đại Bảo Tích” chép: “ Tất cả những tài vật quanh ta đều là của thiên tai, nhân họa, giặc cướp, vua quan và con phá sản; do năm nhà này hợp lại mà thành”.

Hưởng thọ nhiều vật chất sẽ làm hao mòn phước báo, còn hưởng thọ về năm thứ dục thì thời gian an vui có là bao, nhưng chịu khổ kiếp kiếp. Khi ta thọ dụng những tài vật thì chúng sẽ vĩnh viễn chẳng thể thuộc về mình nữa, chỉ có đem những tài vật ấy bố thí vào nơi thích đáng (nhà Phật gọi là gieo trồng ruộng phước), lấy của xã hội dùng vào xã hội thì những tài vật ấy mới có ý nghĩa vĩnh viễn; lại cũng không bị thiên tai, nhân họa, giặc cướp, vua quan và con phá sản đoạt mất. Cho nên, cổ nhân khuyên chúng ta cần phải bố thí để tích lũy âm đức:

Nguyên văn:

Tam bảo môn trung phước hảo cầu
Đại phú chi gia tiền thế tu
Vị tằng hạ đắc xuân thời chủng
Tọa thủ hoang điền vọng hữu thu.
Nhất thiết tài sản tổng phi chân
Cấp tảo tương lai thí cơ bần
Thủy hỏa đạo quan tinh nghịch tử
Ngũ gia hữu phận tận lai xâm.
Nhất liệp lạc thổ bá liệp lưu
Nhất văn xả xuất vạn văn thâu
Dữ quân ký tại kiên lao khố
Nhữ cập tử tôn hưởng bất hưu.

Dịch nghĩa:

Trong ba ngôi báu phước nên cầu
Sanh nhà tôn quý do trước tu
Mùa xuân ấm áp không gieo hạt
Ngồi bỏ ruộng hoang sao có thâu?
Tiền tài vật chất chẳng phải chân
Hãy mau đem đến thí anh bần
Lửa, nước, trộm, quan và nghịch tử
Năm nhà ai nấy thảy tranh phân.
Một hạt rơi xuống, trăm hạt lưu
Một đồng thí xả, vạn đồng thu
Anh nên đem gởi vào kho ấy
Toàn thể cháu con mãi ưu du.

Nếu chúng ta không bố thí tu đức thì sau này sẽ chịu những cảnh vô cùng bi đát, nhất là chúng ta lúc mạng chung thì tất cả tiền tài, vật chất, bạn bè, quyến thuộc, uy quyền, thế lực … ràng buộc con đường giải thoát của mình. Thật ra, những thứ ấy khi ta “ sanh bất đới lai, tử bất đới khứ ” (sanh ra không mang đến, khi chết cũng không mang đi theo được), chỉ có nghiệp lực thiện hay ác đã gây tạo lúc bình sanh mới thật sự đeo đuổi theo ta như bóng với hình. Đây là ý nói tu dưỡng đạo đức mới đúng là điều thực dụng.

Hơn thế nữa, tất cả chúng ta đều không biết tử thần đến lúc nào mà chuẩn bị. Thật ra, thần chết đang chực chờ, mọi lúc đều có thể xông vào bất ngờ để bắt ta. Thế nên, ngay từ bây giờ, chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không chịu nỗ lực tu tập?

II. HẠT GIỐNG CÔNG ĐỨC:

Có hai loại công đức: Âm đức và dương đức. Năng lực của âm đức mạnh hơn dương đức.

Sách “Trung Dung” đã đề cập đến ba đạt đức: “Trí, nhân và dũng”. Nếu có nhân ái mà không có trí tuệ thì sẽ sanh ra tệ nạn “vi hổ tác trành” (làm ma giúp cọp), nếu có trí thức mà không có lòng nhân từ thì sẽ nguy hại đến xã hội, nếu có trí có nhân mà không có dũng khí để thực hành thì tất cả mỹ đức đều trở thành rỗng đàm.

Sách “Luận Ngữ cũng nêu ra năm đức : “Ôn, lương, cung, kiệm và nhượng”. Sống có ôn hòa nhã nhặn thì trong lòng mới được kiện khang; lương thiện và nhân từ thì sẽ được trường thọ và thiện chung; thành khẩn và cung kính thì sẽ được bình an và trầm tĩnh; tiết kiệm và siêng năng thì sẽ được giàu có và thân thể khỏe mạnh; khiêm cung và lễ nhượng thì mối quan hệ giao tế được tốt đẹp. Nếu người cố giữ được năm đức trên thì mọi sự tốt lành sẽ không mất đi.

III. BỐN TẦNG ĐẠO ĐỨC:

Phẩm chất đạo đức của con người có thể được phân ra làm bốn loại như sau :

1. Làm đạo đức theo kiểu tính toán (hơn thua):

Lấy chủ nghĩa công lợi để làm điểm xuất phát. Khi làm bất cứ điều thiện gì, họ đều suy nghĩ kỹ lưỡng đến những nhân tố như giá thành, hiệu dụng, quả báo, danh lợi…; tính toán thật chính xác rồi họ mới bắt đầu làm. Hạng người này không phải không có duyên cớ mà đem quà đến cho bạn. Họ nhất định sẽ có mưu đồ, chủ yếu làm việc thiện để trông mong được đền ơn đáp nghĩa.

2. Thực hành đạo đức theo phong cách “trong bốn bể đều là anh em”:

Hạng người hành thiện này được thúc đẩy bởi lòng nhân ái và tình đồng bào cốt nhục, trong tâm không có trù trừ suy nghĩ về hiệu quả và lợi ích cho riêng mình. Người ấy xem tất cả mọi người đều giống như anh em của mình. Vì thế, việc hành thiện chẳng những được tự nhiên mà còn thật tình nữa. Tuy nhiên, nhân vì còn mờ ám ở ngã chấp, cho nên có người vẫn còn phân chia nhân ngã, rốt cuộc cũng không thoát khỏi cảnh giới “ngã chấp”.

3. Thực hành đạo đức theo phong cách “yêu người như yêu mình”:

Nhân vì hạng người này đã phá trừ được ngã chấp và phiền não, cho nên họ quên hết cái “ đại ngã” để đạt đến mức “ yêu mọi người như yêu mình”. Nếu hay làm được như thế thì cũng xứng đáng là một bậc thánh rồi, nhưng chưa! Nhân vì họ còn vướng “pháp chấp” to lắm, chưa được phá trừ. Cho nên, tuy hành thiện, nhưng trong tâm họ vẫn còn rơi vào cảnh quán niệm trừu tượng, ví như nghèo khổ, công đức…, nhân vì họ còn vướng mắc bởi “danh tướng”, cho nên không thể đạt đến mục đích tuyệt đối.

4. Đạo đức rất hoàn mỹ:

Làm lành không những chẳng mong cầu phước báo, lại không có tâm phân cách giữa nhân và ngã, thậm chí cũng không có chấp kẹt vào “danh tướng”. Tâm từ bi của hạng người này thật không có điều kiện và hạn lượng. Nhân vì họ lúc hành thiện, ngay cả một chút gánh nặng cũng không có, cho nên tâm tư họ rất thành thật, rất tự nhiên và cũng rất an vui.

Người xưa nói: “Thượng đức bất đức, hạ đức chấp đức  (Người có đức cao không chấp vào đức, còn người có đức thấp thì lại chấp vào đức). Câu này ý nói: “Người có phẩm chất đạo đức cao vời tuyệt nhiên không bao giờ còn chấp trượt bởi công đức và danh lợi nữa, chỉ có người vun trồng cội đức chưa được hoàn mỹ thì mới còn so đo tính toán đâu là danh lợi, đâu là công đức! Thật ra, người mới học đạo khi làm được một ít phước lành nào đó thì thật khó mà tránh khỏi việc chấp vào danh tướng, chỉ trừ những người công phu tu tập đã đạt đến mức thuần thục thì mới có thể vượt qua sự liên lụy và câu thúc bởi danh tướng ”.

IV.  SÁU ĐẲNG CẤP TỐT XẤU CỦA NGƯỜI TU TẬP:

Chúng ta cũng có thể căn cứ vào sự tu tập của một người nào đó mà hay biết được đạo đức của họ được tăng trưởng hay bại hoại. Có sáu đẳng cấp sau:

1. Tổn người, tổn mình:

Hạng người này quả là không bằng loài cầm thú. Dường như họ thích dùng mọi hình thức để trách mắng, thương hại và ngược đãi mọi người như thế, cốt để thỏa mãn dục tích trong lòng của mình. Nếu họ làm tổn thương đến người khác thì đối với chính bản thân họ có ích lợi gì đâu ! Ví như giết người rồi sau đó tự sát vậy!

2. Tổn người, lợi mình:

Hạng người này là thứ ngựa hại đàn. Vốn không lo tu dưỡng, họ vì muốn đạt được mục đích tư lợi, không bao giờ rời thủ đoạn và sử dụng mọi mánh khóe để dối gạt tổn hại chúng sanh; hoặc có hạng người chuyên làm việc sát hại động vật.

3. Không tổn người cũng không lợi mình:

Hạng người này giống như khối thịt biết đi, thuộc loại “húy sanh mộng tử” (sống mơ mơ màng màng như người trong mộng vậy). Cho dù họ có liều mạng làm được một vài việc thì đó lại là những việc vô ý nghĩa. Chẳng những thế mà họ còn chơi bời lêu lổng, chuyên mưu toan những thủ đoạn hại người. Thật là uổng phí cuộc sống trôi qua theo ngày tháng vậy!

4. Không tổn người, chỉ lợi mình:

Đây là hạng người có mức tu tập rất kém, lại phân làm hai loại:

a. Lợi mình một cách giả dối:

Làm việc thiện để được lời, là giả dối để lợi cho mình, hưởng thụ vật chất là tiêu mòn phước đức, rốt cuộc chỉ là một trường ảo mộng, chẳng những không được lợi mà lại thường hay mất mát.

b. Lợi mình một cách chân thật:

Sau khi đọc sách, rõ được chân lý, tự mình bế môn hối cải lỗi lầm, nỗ lực công phu tu tập đạo đức và rèn luyện tâm tánh.

5. Lợi mình, lợi người:

Trước cầu lợi cho mình, sau khi mình được đứng vững thì lại gồm nhiếp tất cả mọi người.

6. Quên mình để làm lợi cho người:

Quên mình lợi người mà không cho đó là khổ, hy sinh thân mình để giúp đỡ người khác. Đây là hạnh nguyện của Bồ tát, thật là đáng quý biết bao !

V. NHỮNG VÍ DỤ CÓ THẬT CỦA HẢO ĐỨC:

1. Lý Cảnh Văn và Trương Huệ Minh:

Giai thoại ngàn năm của “Thiền Lâm Bảo Huấn”. “Thiền Lâm Bảo Huấn” là một bộ sách trưng dẫn gần 300 bài thoại ngữ của người xưa. Nội dung hàm tàng những nghĩa lý thật sâu sắc, đồng thời cũng ghi lại rất nhiều câu chuyện làm lành có thật. Những mẫu chuyện này đều có liên quan đến việc tu dưỡng đạo đức. Thế nên, ở ngay trang đầu tiên, hòa thượng Minh Giáo Tung nói: “Tôn mạc tôn hồ đạo, mỹ mạc mỹ hồ đức” (Nói đến sự cao quý thì không có gì cao quý bằng đạo, còn sự tốt đẹp thì không có gì tốt đẹp bằng đức). Giờ đây, chúng tôi xin giới thiệu một câu chuyện trong sách ấy để chứng minh:

“Vào triều đại nhà Tống, ở phủ Khai Phong, có một người dân tên là Lý Giác An. Ông sinh ra một người con, đặt tên là Lý Cảnh Văn. Nhân vì đứa con ấy thuở nhỏ có nhiều bệnh tật, nên ông Lý mới đem 100 lạng bạc gởi người bạn là Trương Huệ Minh. Ít lâu sau, Lý Giác An qua đời. Trương Huệ Minh bèn đem 100 lạng bạc ấy trả lại cho con của Lý Giác An tức là Lý Cảnh Văn.

Văn không chịu nhận và nói: “Khi cha tôi trao di chúc lại vốn không có đề cập đến số bạc này nên tôi không nhận”.

Thế là Trương Huệ Minh bèn nói rằng: “Một trăm lạng bạc này rõ ràng là của nhà họ Lý gởi cho tôi, nên tôi nhất định phải trả lại cho nhà họ Lý thì mới đúng lẽ chứ!”. Hai người cố nhường nhau mãi, sau mới đem đến phủ Khai Phong để nhờ Bao Chửng (Bao đại nhân) quyết định. Bao Công lấy làm lạ, liền cho vời Lý Cảnh Văn đến để trả lại số bạc ấy cho hắn. Thế nhưng Lý Cảnh Văn kiên quyết không nhận, còn Trương Huệ Minh thì cố muốn trả lại số bạc ấy. Bao Công xem thấy cả hai người đều là bậc dũng khí và nghĩa cử, vốn không tham của báu nên bất đắc dĩ mới đem 100 lạng bạc giao cho các chùa chiền ở Khai Phong phủ để cúng dường trai tăng và tụng kinh kỳ siêu bạt độ cho hương linh Lý Giác An cùng những oan hồn ở khắp pháp giới. Chúng ta thử nghĩ xem, trị giá của 100 lạng bạc lúc bấy giờ ước chừng 150 vạn đồng.

Một số tiền lớn như vậy, thế nhưng Lý Cảnh Văn và Trương Huệ Minh đều không có tâm tham đắm. Thử nhìn lại người thời nay, họ tham lam và xem trọng tiền tài còn hơn mạng sống của mình, thậm chí chỉ vì mấy đồng tiền mà phải cấu xé đâm chém lẫn nhau. Những cảnh tượng như vậy thật đáng xấu hổ thay!”.

2. Không bỏ người nữ bệnh, sanh được quý tử:

Từ xưa tới nay, có những người vợ túng thiếu hoặc bệnh tật liên miên. Vậy mà phần lớn lại sanh ra những đứa con rất hiền thục, được quyền cao chức trọng, là sao vậy? Nhân vì  trong lòng của họ tràn đầy tính nhân hậu, cho nên được trời đất bao dung. Nếu xét theo lý nhân quả để nói thì ơn trên cũng ưu đãi và khoan hồng đối với những con người bất hạnh ấy, ví như trong bộ “Ý Hành Lục” chép:

“Văn Thiệu Tổ có một đứa con trai đính hôn cùng với con gái của nhà họ Sài. Sau khi đính hôn, con gái nhà họ Sài bỗng bị một cơn bệnh “thập tử nhất sanh”. Lúc bấy giờ, Văn Thiệu Tổ muốn cưới một cô gái khác để làm dâu. Bà Văn biết được tin này bèn vô cùng nóng giận, nói: “Chúng ta cưới dâu nên thuận với lẽ trời, hợp với lễ nghĩa. Nếu như ăn ở trái với lễ nghĩa thì sẽ lãnh quả báo không tốt đâu!”. Nhân thế mà Văn Thiệu Tổ đành phải cưới cô con gái nhà họ Sài về làm dâu.

Hai năm sau khi kết hôn, con trai của nhà họ Văn thi cử được đỗ đạt, còn căn bệnh của người dâu cũng giảm dần. Về sau, họ lần lượt sanh thêm ba đứa con nữa, tất cả đều thành những người có quyền cao chức trọng”.

“Năm Khang Hy triều Thanh, ở Lâu huyện, có một người tên là Cố Nguyên Kiết. Kiết vốn là người chăm chỉ học hành, trên tay không bao giờ rời quyển sách, thi trắc nghiệm thường đạt tới mức quán quân, nhưng cứ mỗi lần chánh thức vào trường thi thì đều trông thấy một con ma nữ theo cùng anh ta vào phòng. Nhân đây mà văn từ ý tứ đều bị xáo trộn. Cứ thế mà lần thi chánh thức nào, kết quả cũng đều bị trượt.

Sở dĩ có chuyện lạ này là do Cố Nguyên Kiết thuở niên thiếu đã từng đính hôn với một người nữ, nhưng sau đó lại chê gia cảnh cô ta nghèo nàn mà không chịu cưới. Thế là người nữ kia uất ức đến nỗi phải bị tử vong.

Cố Nguyên Kiết quyết tâm thi hoài mà chẳng đậu, dần dà trong lòng trở nên chán nản và buồn bã. Ít lâu sau, ông bỗng phát điên. Kiết luôn dùng tay đánh vào hạ bộ của mình. Các học trò luôn túc trực thay nhau để bảo hộ ông, nhưng lúc chúng vừa buông lơi thì ông lại bắt đầu dùng sức đánh vào hạ bộ.

Sau Cố Nguyên Kiết chạy đến đứng trên một cây cầu, nhìn xuống dòng sông, nước ở đấy trong suốt như in rõ những lỗi lầm của ông trong thời niên thiếu mà dòng thời gian quá ngắn của một đời người chưa kịp xóa nhòa đi được. Ông chợt than rằng: “Đây thật là nơi rất thích hợp để chôn ta”. Thế là ông bèn nhảy xuống sông mà chết”.

Cho nên, bộ “An Sĩ Toàn Thư” chép: “Hễ người nhân lúc bạn bè, vợ con gặp cảnh buồn chán cùng quẩn mà bỏ mặc họ, người ấy sớm muộn gì thì trời cũng khiến cho bị nghèo nàn và bức bách”. Thật cũng giống như trường hợp Cố Nguyên Kiết vậy! Ông ta tuy có văn tài nhưng thi bao lần đều chẳng thành tựu, rốt cuộc lại rơi vào cảnh tán thân mất mạng.

(Âm Chất Văn Quảng Nghĩa Tiết Lục, quyển hạ)

VI. KẾT QUẢ CỦA VIỆC THẤT ĐỨC:

1. Bán công đức ăn chay liền bị chết:

Thuở xưa, ở Ma Thành, có một người họ Vương. Ông ta phát nguyện ăn chay trong ba năm liền. Hôm nọ, thân ông bỗng dưng bị bệnh lở loét rất nặng.

Bạn của Vương bèn an ủi rằng: “Ông là người ăn chay làm việc thiện, chắc thế nào Bồ tát và Thiên thần sẽ bảo hộ ông”.

Vương than rằng: “Tôi trì trai ba năm nay, vậy mà còn gặp ác báo thế này. Thế thì ăn chay có lợi ích gì chớ?”.

Bạn ông nói: “Nếu như ông không cần công đức ăn chay này, thế thì hãy đem bán cho tôi đi!”.

Vương bèn hỏi rằng: “Bán bằng cách nào?”.

Bạn ông trả lời: “Nếu ông bằng lòng thì tôi đem số bạc trao cho ông. Tính ra, thời gian ông ăn chay trong ba năm nay có thể được chừng 10 lạng 8 bạc”.

Ngay khi ấy, Vương rất vui mừng, liền biên một tờ chứng cứ để bán công đức.

Thế là Vương đem công đức ăn chay trong suốt ba năm bán trọn cho người bạn để lấy 10 lạng 8 bạc. Sau khi lấy tiền xong, Vương cầm số tiền nhiều như thế, trong lòng vô cùng hoan hỉ. Ông ta nghĩ vậy thì ngày mai mình bắt đầu ăn thịt.

Ngay buổi tối hôm ấy, ông có một cơn ác mộng, trong mộng thấy có hai con quỷ đến mắng ông rằng: “Mười tháng trước đây, phước lộc và thọ mạng của ông đã hết. Nhân vì ông ăn chay nên mạng sống kéo dài cho tới ngày hôm nay. Vậy mà bây giờ ông đem bán công đức ấy đi, thế thì mạng sống của ông kể như là dứt tuyệt rồi!”. Hai con quỷ vừa nói xong thì liền tóm ông ta dẫn đi.

Lúc ấy, Vương luống cuống sợ hãi, liền quỳ xuống van xin quỷ tạm tha tội và hoãn lại một hôm  để ông đem số tiền ấy thối lại cho người bạn, lại còn hứa từ rày về sau sẽ ăn chay mãi mãi.

Kịp đến tờ mờ sáng hôm sau, Vương lật đật đem số tiền ấy trả cho người bạn, lại muốn người bạn phải trao lại giấy biên nhận bán công đức. Nhưng không ngờ, sau khi phân trần, người bạn nói: “Thật đáng tiếc! Tối hôm qua, sau khi đem tờ giấy ấy về thì tôi liền đến trước tượng của vị thần khấn xong và đốt đi rồi!”. Lão Vương sau khi nghe nói thì vô cùng hối hận, ít lâu sau thì ông qua đời.

(Âm Chất Văn Quảng Nghĩa Tiết Lục, quyển hạ)

2. Tham nhỏ mất lớn:

Kinh “Pháp Cú Thí Dụ” chép: “Khi Phật còn tại thế, có một người lái buôn tên là Phất Ca Sa vừa vào tới thành La Duyệt thì bị một con trâu cái dùng sừng húc chết. Người chủ của con trâu vì sợ gây ra phiền phức, nên đem con trâu bán với giá rẻ mạt.

Người chủ mới mua, trong lúc dẫn trâu đi uống nước, lại bị nó từ đằng sau húc chết. Cả nhà ông, ai nấy đều rất giận dữ, bèn giết nó rồi đem thịt bán cho người khác.

Trong số những người mua thịt, có một nông phu mua phần đầu của con trâu, đang trên đường mang về nhà. Vì quá mệt mỏi, người nông phu dừng lại nghỉ dưới một gốc cây. Ông bèn đem đầu trâu treo trên cành cây, nhưng không ngờ bị đứt dây, đầu trâu rớt từ trên xuống, sừng của nó đâm vào mình của người nông phu và chẳng mấy chốc thì ông cũng qua đời.

Bình Sa Vương sau khi biết được việc này, bèn lấy làm lạ, liền đi đến hỏi Phật.

Phật dạy: “Từ kiếp lâu xa về trước, có ba thương nhân trên đường đi buôn, họ tới tá túc tại quán trọ của một bà lão. Thuở giờ, tá túc là phải trả tiền. Nhưng ba người lái buôn này cho là bà lão này già nua lẩm cẩm, sống một mình, nên đợi lúc bà ta đi ra ngoài, họ bèn len lén trốn mất.

Sau bị bà ta đuổi theo kịp, bọn thương nhân lại già mồm nạt rằng: “Bà có lẫn không? Chúng tôi đã trả tiền cho bà rồi, thế sao bà lại còn chạy theo đòi nữa?”.

Bà ta không còn cách nào khác, đành phải ra về với tâm trạng vô cùng đau xót và oán hận.

Trước tình cảnh ấy, tâm trí bà bỗng dấy lên một lời thề mạnh mẽ rằng: “ Kiếp sau, nếu gặp được chúng mày thì nhất định tao sẽ giết chết hết”.

Bà lão đương thời chính là con trâu, còn ba thương nhân ấy chính là ba người bị trâu húc chết vậy!

VII. GHEN GHÉT NGƯỜI HIỀN TÀI CON CHÁU SẼ BỊ TÀN PHẾ:

Sách “Thiên Thiện Lục  chép: “Quan đại phu Tưởng Viện thời nhà Tống sanh ra mười đứa con, nhưng đứa nào cũng mang một căn bệnh hiểm nghèo: Đứa thì gù lưng, đứa thì chân thấp chân cao, đứa thì tay chân co quắp không thể duỗi thẳng ra được, đứa thì hai chân đều bị tê liệt, đứa thì bị điên, đứa thì đờ đẫn ngu si, đứa thì điếc, đứa thì mù, đứa thì chết và đứa thì đang còn bị giam trong ngục.

Công Minh Tử Cao trông thấy gia cảnh của Tưởng Viện ngặt nghèo như thế, bèn hỏi: “ Ông hồi nào tới giờ có làm việc gì ác không mà sao lại gặp toàn những tai nạn ác ôn như thế?”.

Tưởng Viện nói: “Tôi lúc bình sanh không có làm chuyện gì thất đức cả, nhưng trước đây tôi rất dìm và ghen ghét những người giỏi hơn tôi, lại thích được người khác nịnh bợ. Khi nghe người làm việc lương thiện thì tôi sanh lòng nghi ngờ, còn khi nghe người khác làm việc xấu ác thì lại rất tin. Lại nữa, khi thấy người khác có được nhiều thuận lợi thì dường như tôi cảm thấy mình bị tổn thất điều gì. Còn gặp người khác thất bại hay bị tai nạn thì dường như có điều gì lợi cho tôi”.

Tử Cao than rằng: “Lòng dạ ông xấu xa như thế, lẽ ra là cả nhà ông chết hết mới vừa! Ác báo đó, nó không dừng lại ở đây đâu!”.

Tưởng Viện nghe lời của Tử Cao nói xong, bỗng dưng ông cảm thấy vô cùng sợ hãi. Tử Cao lại nói: “ rời tuy ở cao, nhưng đối với những việc làm ở nhân gian thì thật khó mà che giấu được! Nếu như ông từ rày về sau biết ăn năn hối cải thì họa may có thể chuyển họa thành phúc. Thôi, bắt đầu ngay từ bây giờ, hãy còn chưa muộn!”.

Kể từ đấy, Tưởng Viện xót xa ăn năn sám hối những lỗi lầm xưa, lại rộng làm việc lành. Vài năm sau, những căn bệnh của các con ông cũng dần thuyên giảm.

VIII. CỨU NGƯỜI NGUY CẤP, SANH ĐƯỢC CON HIỀN TÀI VÀ PHÚ QUÝ:

Sách “Ý Hành Lục” chép: “Triều nhà Minh, ở huyện Kiến Ninh, tỉnh Phước Kiến, có một vị vốn là bậc thầy của nhà vua đương thời. Ông tên là Dương Vinh. Ông nội của bậc tôn sư ấy đời đời kiếp kiếp đã từng làm người lái đò đưa khách sang sông.

Hôm nọ, bỗng dưng nước sông dâng cao lại chảy xiết, sóng to gió lớn bắt đầu nổi lên và cuốn trôi đi những nhà dân ở ven bờ. Có rất nhiều người bị chết chìm, thi thể đang trôi dạt theo mạn sông. Những người lái đò khác cứ giành giật đua nhau mà vớt lấy những tài vật. Chỉ có ông nội của Dương Vinh cứ mãi mê ráo riết vớt người mà không hề lấy một tài vật gì của người khác cả.

Những người đồng nghiệp bèn chế giễu Dương Đạt (ông nội của Dương Vinh) rằng: “Thằng cha này thật là đồ ngốc, không lo vớt của mà lo làm chuyện bá láp” .

Dương Đạt không hề buồn phiền, lại điềm nhiên đáp: “ Tôi bình thường đưa khách sang sông, số tiền kiếm được cũng tạm đủ sống qua ngày rồi. Thế thì hà tất phải vơ vét lấy những tài vật chẳng phải của mình ư?”.

Sau khi ông sinh ra cha của Dương Vinh, hoàn cảnh gia đình dần dần khấm khá lên. Một hôm, có vị đạo sĩ đến nói với cha của Dương Vinh rằng: “Tổ tiên của ông đã từng gieo trồng những âm đức. Sau này, con cháu nhất định sẽ phát đạt và làm được những bậc hiền tài trong thiên hạ, nhưng điều tốt nhất là ông phải đem mộ tổ tiên chôn tại nơi…”.

Đoạn phụ thân của Dương Vinh y theo lời của vị đạo sĩ, ông bèn đem phần mộ của tổ tiên chôn ở nơi mà vị đạo sĩ chỉ. Thật không ngờ, nơi ấy chính là “bạch thố huyệt” (hang của con thỏ trắng).

Dương Vinh sau khi sanh ra, vốn là cậu bé tinh nhuệ về mọi mặt. Năm 12 tuổi, Vinh thi đỗ khoa cử, rồi được tiến cử làm quan, làm đến chức “Thiếu sư” trong “Tam công”. Sau này, nhà vua truy phong quan tước cho ông cố, ông nội và cha của Dương Vinh bằng chức mà ông đang đảm nhận. Con cháu của Dương Vinh đều là những người anh tài và lỗi lạc, cho đến bây giờ lại có rất nhiều người hiền năng. Thật không giản đơn!

Nhân đây, chúng ta có thể thấy được rằng: Chí khí làm lợi cho người, tự mình nhất định cũng được rất nhiều lợi lạc. Còn như chỉ đặt nặng về tiền tài, rốt cuộc thì “nhân tài lưỡng không” (mạng người và tài sản đều trở thành hư vô).

Thế nên, Mạnh Tử nói: “Chúng ta chỉ bàn đến nhân nghĩa là tốt rồi, hà tất phải nói đến điều lợi ư?”.

IX. THÍCH ĂN HÀNH HẸ SẼ TỔN PHƯỚC ĐỨC:

Kinh “Lăng Nghiêm” chép: Ăn hành, hẹ, tỏi và kiệu, sẽ có năm điều tổn hại:

1. Sống đời lầm lỗi:

Hành, tỏi và kiệu ăn khi còn sống sẽ khiến cho tính khí thay đổi, ăn chín thì tăng trưởng lòng dâm dục.

2. Trời xa cách:

Cho dù có giảng kinh thuyết pháp thì thiên thần và Phật ở mười phương cũng sẽ chê trách người ấy là đồ hôi thối mà lại xa lìa vậy !

3. Quỷ hay dựa gần:

Loài ngạ quỷ thích liếm môi miệng của người ấy và thường cùng với họ ở chung.

4. Phước tiêu:

Phước đức dần dần tiêu mất, thường không được lợi ích.

5. Ma tụ tập lại:

Giả như họ có tu thiền nhập định đi nữa, nhân vì các thiên thần xa lánh mà các ma quỷ dựa vào. Ma đến dạy họ quán niệm có vẻ đúng, nhưng thật ra lại sai, cho đến khi chúng khiến họ hủy phạm giới lành thanh tịnh. Sau khi chết, họ thành quyến thuộc của ma. Khi phước ma hưởng hết, sau đó sẽ bị đọa vào vô gián địa ngục.

X. BỰC TỨC GIẬN DỮ SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÁNH MẠNG VÀ DUNG MẠO:

Có lần, vua Ba Tư Nặc thống lãnh một đội quân đi ngang qua đạo tràng giảng kinh của Phật. Vì nghe được giọng tụng kinh thật hay của một thầy sa môn (Bái tỳ kheo), nên ông ta xuống ngựa và đi đến thỉnh giáo Đức Phật.

Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, vua Ba Tư Nặc bạch với Đức Phật rằng: “Giả như Ngài có thể thỉnh vị tăng tụng kinh ấy đến để con chiêm ngưỡng dung nhan một lần thì con sẽ cúng dường 10 vạn quan tiền”.

Đức Thế Tôn nói: “Vậy ông hãy cúng dường 10 vạn quan tiền trước đi rồi ta mời vị tăng ấy đến cho ông gặp. Nếu đợi sau khi nhìn vị ấy thì chắc chắn ông sẽ không còn lòng dạ nào để cúng dường nữa đâu!”.

Vua Ba Tư Nặc sau khi nghe Đức Thế Tôn nói vậy, đành phải bố thí 10 vạn quan tiền trước để cúng dường tăng bảo.

Sau khi nhà vua gặp được vị tăng ấy, ngắm nghía xong thì trong lòng rất thất vọng. Vua nói: “Thật không ngờ vị tăng có chất giọng trong trẻo và ngọt ngào ấy lại là một người thấp bé như thế này, mặt mày cũng thật khó coi!”.

Nhà vua hỏi: “Vì sao lại có duyên cớ ấy, bạch Đức Thế Tôn?”.

Đức Phật đáp: “Thuở xưa, có một vị thánh nhân tên là Ca Diếp Phật. Ngay sau khi vị ấy viên tịch, quốc vương vì vị thánh nhân đó mà xây dựng một ngôi tháp rất lớn. Quốc vương mới sai bốn vị đại thần trông coi công việc xây dựng, nhưng trong đó có một vị đại thần rất biếng nhác. Sau khi vua biết được, bèn khiển trách ông ta.

Vị đại thần ấy nổi sân, nói: “Ngôi tháp này thật là đồ sộ, làm biết chừng nào mới xong?”.

Sau khi xây dựng hoàn thành, vị đại thần nhìn thấy ngọn tháp rất trang nghiêm. Thế là ông phát tâm cúng một cái linh báu để treo ở trên tháp. Do tật lười biếng và phát ngôn một cách tùy tiện, cho nên trong 500 đời, thân hình ông đều rất lùn xấu. Lại vì ông cúng một cái linh báu để ở trên tháp, cho nên trong 500 đời, ông đều có âm giọng rất trong trẻo làm cho người nghe mê tai.

Thế mới biết chúng ta phải sáng suốt để giữ gìn ba nghiệp của mình, không nên phê bình người khác, khi làm bất kỳ việc lành gì thì cũng không nên nói láp dáp hay thốt ra lời oán trách để mình khỏi phải lãnh lấy quả báo xấu sau này vậy!

Sáu căn của chúng ta vì tạo ra những nghiệp thiện ác không giống nhau cho nên mới gặp phải các thứ quả báo khổ vui có sai khác.

Ví như có người rất giàu sang nhưng miệng mồm thật khó coi. Đây là vì kiếp trước của họ tuy có tu phước bố thí nhưng khẩu nghiệp lại thường phạm những lỗi lầm hoặc thường thốt ra lời bẩn thỉu, chửi thề và nói tục, cho nên mắc quả báo như thế!

Chúng ta là đệ tử của Phật thì càng không nên nói ra những lời thô lỗ cộc cằn làm tổn hại đến người, thậm chí sinh tâm giận ghét cũng không nên. Nhân vì trong tâm ta một khi có oán khí và giận ghét khởi thì phiền não đùng đùng trỗi dậy, rồi dẫn đến nóng nảy bực dọc, thân tâm không được tự tại, lại còn ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách giao tế nữa. Thế nên, cổ nhân có câu: “Tâm thanh tịnh không giận ghét mới thật là tâm hoàn mỹ vĩnh hằng”.

Lại nói:

Diện thượng vô sân thị cúng dường
Khẩu lý vô sân xuất diệu hương
Tâm nội vô sân vô giá bảo
Bất sanh bất diệt thị chân thường.

Dịch nghĩa:

Vẻ mặt vui tươi ấy cúng dường
Trong miệng không sân tuôn diệu hương
Lòng ta hỉ xả, châu vô giá
Chẳng sanh chẳng diệt, ấy chân thường.

XI. PHÁT LỜI THỀ ÁC, SAU GẶP QUẢ BÁO KHÔNG THỂ LƯỜNG:

Kinh “Hiền Ngu Nhân Duyên” chép : “Thuở Phật còn tại thế, có một vị tỳ kheo ni đã đoạn trừ hết các phiền não hoặc chứng được thần thông vi diệu. Cô ni ấy tự kể lại cho ni chúng nghe về những quả báo thiện ác mà chính mình đã gây tạo từ thuở trước như sau:

Ở đời quá khứ, tôi đã từng là một bà lão giàu có. Tuy sống trong cảnh giàu sang, nhưng tất cả những tài sản đều do chồng tôi quán xuyến. Vì tôi không có con, nên ông ta cưới thêm một người vợ nữa. Ít lâu sau, cô ta sanh được một đứa con trai. Lúc ấy, vì lòng tật đố của tôi rất mạnh, cho nên tự tay tôi đã đem đứa bé giết đi. Người vợ nhỏ mới tìm tôi mà hỏi cho ra lẽ. Túng thế quá, tôi bèn phát ra lời thề độc rằng: “Nếu như tôi giết chết con của cô thì sau này chồng tôi sẽ bị rắn độc cắn chết, con tôi sanh ra bị nước cuốn trôi đi và bị loài dã thú ăn thịt, còn tôi thì ăn thịt con tôi, tôi lại bị chôn sống và cha mẹ tôi bị lửa thiêu chết”.

Ngay trong kiếp đó, sau khi chết, tôi liền bị đọa vào trong địa ngục, chịu vô lượng điều khổ não. Sau khi tội nghiệp ở địa ngục hết, tôi được đầu thai làm người.

Chuyện đương thời, tôi còn nhớ rất rõ. Có một hôm, tôi và chồng tôi cùng trở về quê mẹ để sanh đẻ, nhưng đi được nửa đoạn đường thì tôi liền hạ sanh. Thế là chúng tôi đành phải tạm ngụ dưới một tàng cây đại thụ. Bỗng dưng, lúc ấy có một con rắn độc bò đến cắn chồng tôi. Ông ta chết ngay tức khắc, trong lòng tôi thật là đau xót, mắt tôi luôn tuôn trào ra những dòng lệ nóng.

Sáng hôm sau, tôi một tay dắt đứa lớn, một tay bồng đứa nhỏ, vừa đi vừa khóc. Khi đi đến bên dòng sông, nhân vì không có đò để qua, nên tôi mới tạm để đứa lớn ở trên bờ, rồi bồng đứa nhỏ qua trước, sau lại lội qua bồng đứa lớn. Thật là khủng khiếp! Đứa lớn nhìn thấy tôi lội qua rước, vì mừng quá nên nó nhảy xuống nước cố lội đến chỗ tôi, nhưng nó lội chưa được mấy sải thì bị nước cuốn đi! Trong lúc hốt hoảng ấy, tôi quay lại trông chừng đứa bé thì nó cũng vừa bị chó sói ăn thịt. Trông thấy cảnh tượng đứa bé mới sanh bị sói ăn, máu chảy đầm đìa, lòng tôi lại càng đau xót. Tôi chỉ còn biết đi nhanh về nhà mẹ mình. Nhưng thật khủng khiếp, trên đường đi, tôi nghe người ta nói rằng nhà mẹ tôi đã bị cháy và cả gia đình đều bị chết thiêu hết rồi!

Sau này, tôi lại tái giá. Đang lúc sắp sanh, chồng tôi uống rượu say mèm trở về nhà, vì không có người mở cửa nên ông ta tung cửa vào và nổi cơn lôi đình, không những đánh tôi một trận dã man mà còn đem đứa bé mới sanh bỏ vào chảo nấu, sau đó ông ta ép buộc tôi phải ăn. Vì sợ ông ta nên tôi đành phải ăn một chút. Ôi! Nào ai biết rằng tôi đau xót thấu tới tâm can. Ngay lúc ấy, tôi bèn gấp rút tẩu thoát và bỏ người chồng ác ôn ấy.

Khi chạy đến nước Ba La Nại, tôi lại làm vợ một người đàn ông có vợ mới vừa qua đời. Tưởng rằng nỗi khổ của mình đến đây đã được yên, nhưng nào ngờ mới được vài ngày thì người chồng thứ ba của tôi chết đi. Theo tập tục của địa phương, nếu như người chồng chết thì người vợ cũng phải bị chôn theo. Thế là tôi do đây mà bị chôn sống. Chôn chưa được bao lâu thì có một bọn giặc đến đào mồ để trộm lấy của báu. Thế là tôi được cứu sống trở lại!

Tôi biết mình đã làm những điều không tốt ở đời quá khứ, cho nên đời này tôi phải gặp những thảm cảnh như thế! Đương thời, tôi nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng kinh tại nước Xá Vệ. Trên thế gian này, chỉ có Ngài mới giúp cho con người thoát khỏi mọi sự đau khổ trong cuộc sống. Thế là tôi bèn cầu xin Ngài hóa độ cho tôi làm đệ tử. Vì đời quá khứ của tôi đã từng cúng dường các bậc thánh và từng phát nguyện tu hành, cho nên đời nay tôi may mắn gặp được Phật Thích Ca Mâu Ni và tu thành chánh quả.

XII. NGƯỢC ĐÃI ĐỘNG VẬT SẼ MẮC QUẢ BÁO XẤU:

Bộ “Pháp Uyển Châu Lâm” chép: “Năm Vũ Đức, đời Đường Cao Tổ ở Đại Ninh –  Thấp Châu, có một nông phu tên là Gia Vĩnh Hưng. Nhân vì con trâu ở xóm  lạm ăn hoa màu của ông ta, nên sau khi bắt được, ông liền dùng dây buộc lưỡi nó kéo ra rồi lại cắt đi. Cảnh tượng ấy thật là tàn khốc! Về sau, Gia Vĩnh Hưng lần lượt sanh ra ba đứa con, nhưng đứa nào cũng bị câm. Mọi người cho rằng đó là sự báo ứng của hành động ngược đãi động vật của ông vậy!

XIII.NGƯỜI KHÔNG ĐẮM VÀO NĂM THỨ DỤC MỚI LÀ ĐỨC HẠNH CHÂN  THẬT:

Năm thứ dục ấy la : Tham ái ở nơi sắc đẹp, ưa nghe lời dịu dàng êm tai, mùi hương làm say đắm lòng người, thích ăn cao lương mỹ vị và sự cảm xúc êm dịu.

Nhân vì năm thứ dục này đều làm cho tâm người rối loạn, cứ rong rủi tìm cầu sự hưởng thụ vật chất để rồi trong lòng không có giây phút nào biết đủ. Ấy là chưa nói đến tâm vì phan duyên theo ngoại cảnh mà khởi lên sự phân biệt nhân ngã, gây ra biết bao sự phiền hà, không bao giờ có sự an tĩnh trong lòng. Thế nên, Đức Phật dạy: “Hưởng thụ dục vọng và khoái cảm của vật chất chỉ là những thứ thấp hèn và rất ngắn ngủi ”.

“Luận Đại Trí Đo ” chép: “Tất cả hàng phàm phu đều bị ngũ dục mà phải khổ não, đắm vào trong ngũ dục thì sẽ không có phương thế nào từ bỏ. Người tham cầu ngũ dục giống như loài chó rừng gặm xương, gặm hoài mà vẫn còn thèm mùi đó. Người tham đắm nơi ngũ dục giống như đứa bé vô tri dùng lưỡi để liếm chút mật trên lưỡi dao, được sự khoái lạc rất ít nhưng bị cái hại là đứt lưỡi. Ngũ dục khiến cho con người tạo ra ác nghiệp, rồi đọa vào ba đường ác; lại cũng khiến cho hành giả mất đi định lực, thần thông và trí tuệ”.

“Chư Kinh Tập Yếu” là một bộ sách ghi lại rất nhiều câu chuyện và nói rõ tai hại về những người tham đắm ngũ dục, ví như những câu chuyện sau: “Vua Tần Bà Sa La vì mê nữ sắc mà thân bị rơi vào tay nước thù địch”,  “Vua Ưu Điền vì sắc dục mà chặt tay năm trăm tiên nữ”,  Năm trăm tiên nhân vì nghe tiếng ca của Khẩn Đà La Nữ mà mất thần túc thông”,  Sa di tham đắm sự thơm tho trên thân của Long Nữ mà sau khi chết thì biến thành loài rồng độc”, “Sa di thích ăn sữa đặc mà sau khi chết thì biến thành con trùng sữa”, “Lộc Giác tiên nhân vì đắm nhiễm sự cảm xúc êm dịu mà mất thần thông”… Sau đây, chúng tôi xin nêu ra một câu chuyện để chứng minh:

“Thuở xưa, ở trong khu rừng rậm, có một thầy tỳ kheo đang thả bộ bên bờ ao, hương sen tỏa ra thơm ngát. Thế là vị tỳ kheo này sanh lòng tham đắm.

Vị thần giữ ao biết được, bèn hiện ra và nói rằng: “Thầy tại sao không ở dưới gốc cây để ngồi thiền và tu quán, mà lại đến đây để trộm hương hoa của tôi? Thầy há không biết rằng vì tham đắm nơi mùi hương mà trong tâm chẳng những không được tự tại, lại còn khởi lên phiền não nữa ư?”.

Hôm nọ, có một người đến ao sen bẻ hoa và nhổ bật cả gốc rễ, sau đó đem hoa sen vất bỏ lung tung, vị thần giữ ao vẫn không hề lên tiếng hay phiền hà gì!

Vị tỳ kheo thấy thế, lấy làm lạ, bèn hỏi vị thần rằng: “Người kia bứt sen của ông, rồi vất bỏ đầy đường, thế sao ông không hề ngó ngàng gì đến vậy? Đằng này, tôi chỉ dạo bước bên bờ ao, thế mà ông trách móc tôi đủ điều là cớ sao?”.

Vị thần đáp rằng: “Ậy! Sao thầy lại nói thế? Thầy thử nghĩ xem: Người ác ở thế gian thì thân đầy tội lỗi. Cho dù họ có bứt xả ngập đến đầu đi nữa thì có thấm là bao so với tội lỗi của họ, cho nên tôi không muốn đếm xỉa tới thôi! Còn thầy, thầy quên rằng mình là kẻ xuất gia rồi sao? Chánh vụ của bậc sa môn là lo tham thiền nhập định. Nếu thầy còn tham đắm vào hương hoa này thì tôi e rằng những công đức lành của thầy sẽ bị hư hoại. Thế nên, tôi chỉ trích vậy thôi, ví như trên tấm vải trắng có chút vết nhơ thì ai ai cũng đều trông thấy. Còn người ác kia như chiếc áo đen, nếu như có dính lên một vài vết đen nữa thì có thấm thía vào đâu và mọi người cũng đâu có thấy, phải không thầy?”.

(Quyển 12, Chư Kinh Yếu Tập)

XIV. THUYẾT PHÁP VÀ IN KINH CÓ NĂM THỨ PHƯỚC:

Giảng pháp và in kinh cho người sẽ được năm thứ phước báo sau:

1. Sống lâu:

Vì những người sau khi nghe và đọc kinh sẽ không tạo nghiệp sát, cho nên trong tương lai sẽ được sống lâu.

2. Giàu sang:

Vì những người sau khi nghe và đọc kinh sẽ không còn trộm cắp, cho nên trong tương lai được quả báo giàu sang.

3. Đoan chánh:

Vì những người sau khi nghe và đọc kinh sẽ được tâm hồn bình lặng và chí khí hòa vui, cho nên trong tương lai sẽ được quả báo thân tướng đoan trang.

4. Tôn quý:

Vì những người sau khi nghe và đọc kinh thì lại càng tín ngưỡng Phật pháp, và quy y Tam Bảo, cho nên trong tương lai sẽ được quả báo tôn quý và có danh vọng.

5. Thông minh:

Vì những người sau khi nghe và đọc kinh thì sức lãnh ngộ càng tăng trưởng, lại còn hiểu rõ những đạo lý vi diệu, cho nên trong tương lai được quả báo thông minh.

(Quyển hạ bộ “Âm Chất Văn Quảng Nghĩa Tiết Lục” và trang 444 quyển “ Giáo Thừa Pháp Số”)

XV. ĐỨC HẠNH MẪU MỰC CỦA NGƯỜI  XƯA:

“Truy Môn Sùng Hạnh Lục” là một bộ sách chuyên ghi lại phong thái và đức hạnh tu hành của người xưa. Các vị ấy dốc lòng tu trì và hàm dưỡng đạo đức khiến lòng người không khỏi cảm động sau khi đọc qua.

1. Phương diện thật thà:

– Hòa thượng Biển Đảm một đời chỉ nhặt hạt dẻ để ăn.

– Thiền sư Vĩnh Gia không ăn rau trồng bằng cuốc.

– Thiền sư Huệ Lâm mang một chiếc hài suốt 36 năm, gặp chỗ đất bằng thì Ngài cởi hài đi chân trần.

– Thiền sư Thông Huệ suốt một năm chỉ mặc một bộ đồ, cứ rách rồi lại vá, bất kể mùa đông hay mùa hạ, chỉ mặc một bộ đồ như thế.

– Pháp sư Mân suốt cuộc đời chỉ làm việc in kinh, tạc tượng, phóng sanh và bố thí, không bao giờ tổ chức những trai hội lớn, nhân vì không nỡ lòng rửa rau, đốt lửa và nấu nước làm lãng phí vật chất, lại thương hại đến mạng sống của côn trùng.

– Pháp sư Huệ Khai không nề tiếp nhận của người bố thí dù nhiều hay ít, nhưng sau đó Ngài liền đem phân phát cho những người nghèo khổ.

– Pháp sư Hạnh Nhân tu ở “Phật Thủ Nham” (núi Lô), ngày ngày làm bạn cùng chim thú. Những loài động vật ấy rất ôn hòa và thuần hậu. Khi nương gần Ngài, chúng không có chút sợ sệt. Về sau, Ngài thư thái đứng dưới đất mà viên tịch.

– Hòa thượng Đại Mai sau khi tham học với thiền sư Mã Tổ thì được minh tâm kiến tánh. Ngài ẩn cư tu tập trong chốn thâm sơn. Có người cầu thỉnh Ngài ra làm quan, hòa thượng Đại Mai hóm hỉnh nói:

Nguyên văn:

Nhất trì hà diệp y vô tận
Sổ thọ tòng hoa thực hữu dư
Cang bị thế nhân tri trụ xứ
Hựu di mao xá nhập thâm cư.

Dịch nghĩa:

Lá sen làm áo mặc thật thừa
Ăn mấy hoa tùng mãi dây dưa
Vừa bị người ta hay chỗ ở
Nhọc dời am cỏ lẩn sớm trưa.

– Pháp sư Phú Thượng ở tại chùa Tịnh Đức, đất Ích Châu. Hàng ngày, sư mang một cái nón bên thân, rồi ngồi ở vệ đường đọc kinh. Từ nào đến giờ, sư chưa từng hóa duyên. Nhân vì đường cái rất an tĩnh, kẻ qua người lại rất ít, cho nên Ngài không lãnh thọ được vật gì.

Có người nói: “Đại sư! Sao ông không vào trong thành để hóa duyên, vì trong ấy có rất đông người, ngồi đây làm gì cho cực?”.

Ngài đáp: “Tôi chỉ cần một vài quan tiền thì cũng có thể duy trì được mạng sống rồi, hà tất phải đi hóa duyên”.

Bấy giờ, ở Lăng Châu, có một vị quan Thứ sử tên là Triệu Trọng Thơ nổi tiếng là người khó khăn. Sau khi nghe đồn tin này, ông không tin ở thế gian này lại có người xem thường danh lợi đến thế, cho nên đích thân ông đi thám nghiệm thử. Thứ sử Triệu cỡi ngựa đi ngang qua, giả bộ làm rơi một xâu tiền thật to, nhưng Pháp sư Phú Thượng lại rất tự tại, đọc kinh không hề ngó ngàng tới. Thứ sử Triệu sau khi đi rất xa mới phái người trở lại lấy xâu tiền. Pháp sư Phú Thượng vẫn an nhiên đọc kinh không chút xao động.

Thế là Thứ sử Triệu trở lại hỏi: “Này đại sư, ông đã từng nói mỗi ngày hóa duyên được không hơn một quan tiền, bây giờ có một xâu tiền lớn thế này ở trước mặt ông, thế sao ông không lấy đi?”.

Pháp sư Phú Thượng đáp: “Vì nó chẳng phải là tiền của tôi thì tôi làm sao có thể tùy tiện chiếm làm của mình chứ!”. Thứ sử Triệu đến nước này mới thật khâm phục đại sư. Sau đó, ông đích thân xuống ngựa đảnh lễ Ngài.

2. Phương diện tôn sư:

– Thiền sư Thần Quang vì tham kiến tổ sư Bồ Đề Đạt Ma mà phải đứng ở ngoài cửa đến nỗi tuyết rơi ngập đến quá gối. Đó là biểu hiện tấm lòng tinh thành khẩn thiết, sau Ngài lại chặt cánh tay để cầu pháp.

– Pháp sư Pháp Khoáng sống vào triều nhà Tấn, mồ côi cha mẹ từ thuở bé, nhưng rất hiếu thuận và vâng thờ kế mẫu. Ngài phụng sự đến trọn đời. Sau khi xuất gia, Ngài bái yết hòa thượng Đàm Ấn làm thầy. Một hôm, hòa thượng Đàm Ấn bỗng phát một cơn bệnh rất nặng. Pháp sư Pháp Khoáng dốc lòng thành lễ Phật, sám hối suốt 7 ngày 7 đêm để cầu nguyện cho thầy mình được bình an vô sự. Lễ sám hối đến ngày thứ 7, chợt có một vầng hào quang năm sắc soi trùm trượng thất của hòa thượng Đàm Ấn. Lúc ấy, hòa thượng có cảm giác dường như có người dùng tay lay động Ngài. Sau đó, bệnh tình của Ngài cũng dần dần thuyên giảm.

– Pháp sư Đạo An sống vào triều nhà Tấn, xuất gia năm 12 tuổi, tuy có tư chất thông minh nhưng tướng mạo lại rất xấu xí, chính vì thế mà không được mọi người xem trọng. Ngài luôn bị các vị sư khác sai làm những việc nặng nhọc và thường gặp khó khăn. Tuy nghịch cảnh ngoại duyên như vậy, nhưng trong lòng Ngài chẳng những không hề có chút phiền muộn mà lại còn làm việc rất chăm chỉ, chịu khó và nhẫn nại để vượt qua những bấp bênh của cuộc đời. Dù là việc may hay rủi, Ngài cũng đều đón nhận tất cả, thế rồi mọi chuyện cũng trôi qua.

Ba năm sau kể từ khi ở chùa, Ngài mới dám bộc bạch để xin sư phụ cho được đọc kinh điển ngõ hầu để mở mang trí tuệ. Vị thầy bèn trao cho Ngài bộ kinh “Biện Ý” gồm 5000 chữ. Thế là ngay ngày hôm đó, Đạo An phải đầu tắt mặt tối, vất vả với bao công việc nặng nhọc, đâu có thời gian rảnh rỗi để học, nhưng thừa cơ hội lúc nghỉ ngơi, Đạo An lại mở quyển kinh ra đọc. Ngài mải miết làm việc đến nhá nhem tối mới về, sau đó lại đến vị thầy mượn kinh.

Vị thầy nghiêm nghị nói: “Quyển kinh ông mượn hồi trưa còn chưa đọc xong, bây giờ lại mượn quyển khác nữa để làm gì?”.

Đạo An từ tốn đáp: “Mô Phật! Bạch thầy, bộ kinh ấy con đã đọc thuộc rồi!”.

Vị sư phụ vô cùng kinh ngạc, nhưng không tin lắm. Đợt này, ông lại đưa cho Đạo An quyển kinh  “Kim Quang Minh” nhiều đến một vạn chữ. Thật không ngờ, Đạo An làm việc vất vả suốt ngày, vậy mà đến chập tối trở về, Ngài lại dâng quyển kinh “Kim Quang Minh” trả lại cho thầy. Vị thầy ấy không tin nên bảo Ngài thử đọc thuộc xem. Quả nhiên, Đạo An đọc không sót một chữ. Vị thầy của Ngài ngay lúc ấy rất đỗi ngạc nhiên. Thật không ngờ có người đệ tử thông tuệ đến thế mà lại bị lãng quên !

3. Phương diện hiếu thân:

– Pháp sư Đạo Kỷ coi sóc đồ ăn thức uống, quần áo, đại tiểu tiện… cho mẫu thân trải qua mấy chục năm như chuyện thường ngày. Khi đi đến đâu giảng kinh, trên vai ông lúc nào cũng gánh kinh, tượng Phật và mẫu thân.

– Pháp sư Pháp Vân rất hiếu thuận với cha mẹ. Ngày mẫu thân qua đời, sư Pháp Vân buồn thương quá đỗi, gào khóc đến mấy ngày, không ăn không uống. Các vị sư khác khuyên Ngài nên nỗ lực tu học, nương oai lực của Tam Bảo để siêu độ thần thức mẫu thân. Sau đó, pháp sư mới bớt buồn đau và ăn được chút ít. Nghe nói thuở xưa, khi mẹ của Tăng Tử qua đời, Tăng Tử suốt 7 ngày không uống nước trà. Còn đại sư Pháp Vân có lòng hiếu thuận, buồn đau đến nỗi không ăn không uống. Vậy ai dám bảo người xuất gia bất hiếu, bỏ mặc cha mẹ chứ ?”.

– Pháp sư Sư Bị sống vào triều nhà Đường, họ Tạ. Cha Ngài nhân đi bắt cá mà bị chết chìm. Vì muốn nương tựa vào oai lực của Phật pháp để báo đáp ơn giáo dưỡng của phụ thân, nên Ngài bèn xuất gia.

Sư Bị tu tập rất tinh tấn, mỗi ngày tu khổ hạnh, lại làm bạn thân với thiền sư Tuyết Phong. Có hôm, vì Ngài mang bình nước đi tham phỏng danh sư nên chân bị cây cỏ cắt, máu ra rất nhiều, nhân lúc nhìn thấy máu chảy mà được khai ngộ.

Sau khi chứng ngộ, Ngài mộng thấy phụ thân đến cảm ơn và nói: “ Nhân vì con xuất gia làm sa môn tu tập được minh tâm kiến tánh, cho nên cha cũng nương nhờ vào phước đức ấy mà được sanh lên cõi trời, hôm nay cha đến để báo cho con biết ”.

– Pháp sư Đạo Phi trong lúc gặp cảnh khó khăn, Ngài tự mình tuyệt thực để cúng dường thân mẫu. Về sau, mẫu thân bảo sư Đạo Phi đi đến Hoắc Sơn để tìm hài cốt của phụ thân ở chiến trường. Khi đến đó, sư  ngày đêm tụng chú làm cảm động đến nỗi hài cốt của thân phụ bỗng dưng trỗi dậy, nhân thế mà Đạo Phi đem cốt cha mình về nhà. Đêm hôm ấy, mẹ Ngài cũng mộng thấy chồng mình đã về đến nhà.

4. Phương diện trung quân:

– Phật Đồ Trừng sống vào triều Tấn, hết lòng khuyên Thạch Lặc đình chỉ việc giết người.

– Cầu Na Bạt Ma khuyên đế vương phải lấy bốn biển làm nhà, muôn dân làm con, rộng hành nhân đức và ban bố lời lành.

– Pháp sư Đàm Tông khuyên vua Vũ Đế thực hành năm phép sám hối của Bồ tát1.

Vũ Đế hỏi: “Ta có tội tình gì mà phải sám hối chứ?”.

Pháp sư Đàm Tông đáp: “Vua Nghiêu, vua Thuấn tuy là thánh nhân mà còn nói đạo đức của mình chưa được hoàn mỹ. Thương Thang, Vũ Vương cũng nói rằng bá tánh có tội đều là do lỗi lầm của các ngài mà ra. Nay tâm lượng của quốc vương nhỏ hẹp thế này mà còn dám nói tự mình không có tội để sám hối ư?”

5. Phương diện từ bi:

– Khi Phật còn tại thế, có một vị tỳ kheo đến tiệm bán châu báu để khất thực. Bấy giờ, người thợ ngọc đang làm cho quốc vương một thứ ngọc rất quý. Ngay trong lúc ông ta đi vào trong lấy thức ăn để cúng dường cho vị tỳ kheo thì con ngỗng nhìn thấy những hạt châu lóng lánh sắc vàng bởi chiếc áo cà sa của vị tỳ kheo phản chiếu, lộ ra màu vỏ trái trần bì, trông giống như một cục thịt. Thế là con ngỗng liền đến khỉa và nuốt đi một hạt châu. Kịp lúc người thợ đi ra thì thấy ngọc của mình biến mất một hạt nên rất nóng giận. Ông ta lầm tưởng là vị tỳ kheo đã đánh cắp, nhân đấy mà đánh vị tỳ kheo. Còn vị tỳ kheo vì muốn bảo vệ con ngỗng nên mặc tình để cho người thợ ngọc đánh. Vị tỳ kheo bị đánh càng lúc càng nhiều, máu tuôn ra đến nỗi bất tỉnh. Lúc bấy giờ, con ngỗng mon men đến rỉa máu uống, người thợ ngọc cũng chưa hả cơn giận, ông bèn đập con ngỗng một nhát chết tươi. Vị tỳ kheo trông thấy thảm cảnh ấy, Ngài đau xót đến rơi nước mắt. Người thợ ngọc bèn hỏi nguyên do, thầy tỳ kheo mới kể lại sự tình cho người thợ ngọc nghe. Sau khi nghe xong, ông ta bèn khẩn thiết ăn năn sám hối và tạ tội với vị Tỳ kheo.

– Đại sư Pháp Lãng thuở bình sinh luôn luôn giúp đỡ người nghèo túng và bệnh hoạn. Nếu thấy động vật sắp bị giết hại, Ngài liền mua về chùa để nuôi dưỡng, nhân thế mà nơi Ngài ở có rất nhiều động vật như gà, vịt, chó … Chuyện nói ra cũng rất lạ, đa số những động vật ấy dường như rất có nhân tính. Đợi đến khi Ngài ngủ thì tất cả những động vật ấy đều lập tức “nha tước vô thinh” (im bặt không hề có một tiếng động).

– Pháp sư Trí Thuấn sống vào triều Tùy, ngụ tại Đình Sơn. Hôm nọ, có một người thợ săn đang đuổi bắt con chim trĩ. Con trĩ chạy như điên, lao vào phòng đại sư Trí Thuấn mà trốn. Người thợ săn cũng rượt theo con trĩ đến cùng. Trí Thuấn mới ngăn cản không cho ông ta bắt và hết lời khuyên can đừng nên làm tổn thương đến nó, nhưng hắn không chịu nghe, cứ nằng nặc đòi bắt con trĩ cho bằng được. Trí Thuấn bèn cầm dao cắt lỗ tai mình giao cho hắn. Đến nỗi này, hắn mới tỉnh ngộ, bèn đem cung tên bẻ và ném đi, lại còn đem thả con chim ưng mà hắn vừa bắt được. Từ đó về sau, người thợ săn ấy sửa đổi hành vi và không còn sát sanh nữa.

– Pháp sư Trí Nghiêm ở triều nhà Đường, thuở bình sanh thường hút máu mủ cho rất nhiều người bệnh nhọt, lở loét… Sau đó, Ngài còn giảng kinh thuyết pháp cho họ nghe và thay họ giặt rửa những đồ dơ bẩn. Ngài quan tâm đến họ đến mức không việc nào mà Ngài chẳng làm. Về sau, Ngài an tường qua đời trong phòng bệnh. Tuy vậy, vẻ mặt Ngài vẫn còn rất đẹp và toàn thân có mùi hương lạ thoảng ra đến mười mấy ngày mới hết.

– Thiền sư Trí Khoang sống vào triều nhà Đường, lòng dạ nhân từ, rất thích coi sóc người bệnh. Cho dù là người tu hay kẻ tục, Ngài cũng không quản đường xa hay gần, chỉ cần không người trông nom thì Ngài nhất định thuê xe đem người bệnh về chỗ Ngài ở để tự mình lo liệu; hoặc có người bị nhọt độc mọc ngay bụng, cái bọc mủ sắp bể ra, Ngài bèn kề miệng vào hút máu mủ để người bệnh được thuyên giảm. Có hôm, sư Trí Khoang dùng con lừa để chở kinh. Trên đường đi, Ngài gặp pháp sư Bảo Xiêm đang bị thương, chân đau điếng nằm vật vã ở bên đường. Thế là Ngài bèn lấy kinh xuống và nhường cho pháp sư Bảo Xiêm cỡi lừa, còn tự mình thì vác kinh đi bộ. Gặp lúc khó khăn, nhân dân bị mất mùa đói khát, Ngài nấu cơm rồi phân phát cho người nghèo bệnh, thậm chí còn cởi y phục mình mặc cho người bị lạnh. Không những thế, Ngài còn khuyên họ niệm Phật tu phước để cuộc sống được an lạc.



NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN