NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Thích Trí Châu
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Thích Trí Châu

(thư thứ nhất)

Đã ở Hàng Châu hãy nên lắng lòng tu đạo, cần gì phải chờ đến kỳ hội dâng hương lại đến Phổ Đà? Đại Sĩ không cõi nào chẳng hiện thân, có chỗ nào lễ bái, cúng dường chẳng tốt? Nếu nói vì cốt ý để gặp Quang thì cũng không cần phải đến. Bộ Văn Sao được in lần này có hơn chín mươi thiên, những thứ tầm thường đầy ắp trong bụng Quang đã lôi hết ra cả rồi, há còn có bí quyết “miệng truyền tâm nhận” nào để truyền riêng cho ông nữa ư? Quang học thức nông cạn, không phát huy điều gì lớn lao, nhưng nếu có thể hành theo đó, quyết định sẽ có ích không bị tổn hại, quyết định liễu sanh tử trong đời này, hầu cận Di Đà sau khi mất. Chỉ e rằng ông coi đó là hèn kém thì nó trở thành hèn kém vậy! Ví như đối với tượng Phật được làm bằng vàng, gỗ, đất nặn, hay sơn vẽ mà kính trọng như đức Phật thật thì bèn có thể thành Phật. Coi những tượng ấy chỉ là vàng, gỗ, đất nặn, sơn vẽ thì chúng chỉ là vàng, gỗ, đất nặn, sơn vẽ mà thôi. Nhưng khinh nhờn vàng, gỗ, đất, sơn vẽ thì không bị tội khiên gì; nếu khinh nhờn tượng Phật bằng vàng, gỗ, đất, sơn vẽ thì tội lỗi sẽ ngập trời.

Người khéo được lợi ích thì đối với mọi chuyện, không chuyện gì không được lợi ích: Quạ kêu, sẻ hót, nước chảy, gió động, không gì chẳng chỉ bày Thiên Chân[1] con người vốn sẵn có (Thiền Tông gọi là “ý của Tổ Sư từ trời Tây sang”), huống gì bộ Văn Sao của Quang, văn tuy vụng về, chất phác; nhưng những điều được viết trong đó bất quá đều là tùy ý tùy cơ lấy những lời đã nói của Phật, Tổ biến thành những lời nói thông dụng mà thôi, nào phải Quang tự bịa ra ư? Quang chỉ truyền dịch lại để người sơ cơ dễ hiểu đó thôi! Dẫu là sơ cơ nhưng nếu thực hiện đến cùng cực thì cũng chẳng thể bỏ những điều này để tu điều gì khác, bởi một pháp Tịnh Độ là pháp thông trên thấu dưới, chẳng giống như pháp Tiểu Thừa không thích hợp cho người Đại Thừa tu tập!

 (thư thứ hai)

Thầy Quang Thuận đến đây cầm theo thư của ông và hạt sen Hạ Bố đưa cho Quang, thuật những chuyện như ông đã trụ tại am thầy ấy v.v… Trộm nghĩ ông đã không dư dật, sao còn phải bắt chước thói người thế gian làm cái trò đem đào bù mận? Ông và tôi quen biết nhau qua tình đạo, hãy nên trực tiếp hành xử theo đạo. Những gì đã gởi đến sẽ dùng để làm phước, cảm ơn lắm. Lệnh nghiêm, lệnh nhạc mẫu[2] đã sanh lòng tin tưởng, hãy nên đem lợi ích của Tịnh Độ khuyên chỉ, khiến cho tín tâm của họ từ nhỏ nhặt trở thành rõ ràng. Nếu như tín nguyện chân thiết, quyết định được sanh về Tịnh Độ, đấy là hiếu vậy! Cái hiếu thế gian há sánh bằng được ư? Ông còn chưa hiểu rành rẽ cách tu Tịnh Độ, hãy nên lấy việc xem đọc, nghiên cứu Tịnh Độ làm chánh, nửa ngày học Giải, nửa ngày học Hành, ngõ hầu rõ thấu đầu đuôi, trọn không nghi hoặc mới được!

Lăng Nghiêm Chánh Mạch[3] hãy khoan tính đến, dẫu có đích thân thấy được Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh cũng chẳng thể liễu sanh tử được ngay. Thấy Tánh là ngộ, chưa phải là chứng; chứng rồi mới liễu sanh tử được! Nếu chỉ ngộ chưa chứng, dẫu chỗ ngộ cao sâu, mà nếu hai thứ Kiến Hoặc và Tư Hoặc chẳng thể nhanh chóng đoạn được ngay thì chuyện luân hồi trong ba cõi quyết chẳng thể do đâu mà thoát lìa được! Nếu chẳng thông hiểu Lăng Nghiêm, nhưng tu pháp môn Tịnh Độ, ngửa tin lời Phật quyết định không nghi, tin chân thật, nguyện khẩn thiết, do tu thật hạnh sẽ quyết định được vãng sanh, làm người trong thế giới Cực Lạc. Huống chi hiện tại cõi nước nguy ngập, vẫn toan trong lúc nguy hiểm, tinh thần hữu hạn làm những pháp vụ không cần gấp, mong được cái tiếng đại thông gia để thỏa thể diện đến nỗi chuyện chuyên tu của chính mình rốt cục trở thành lan man ư? Nếu đã tin chắc, biết sâu xa pháp môn Tịnh Độ thì có nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm và các kinh luận cũng chẳng ngại gì.

Trước kia, ông đã xin Quang khai thị, Quang gởi bộ Văn Sao cho, nhưng ông vẫn không thể xem trọn mỗi điều, đương nhiên Quang biết ông không biết đâu là chuyện thong thả, đâu là chuyện gấp gáp, cứ lan man bắt chước người thời nay nghiên cứu kinh Phật chỉ mong thành một bậc đại thông gia đó thôi! Bộ Văn Sao của Quang văn tự tuy kém cỏi, vẫn có thể chỉ cho người khác đường lối tu trì. Xưa kia Đại Trí luật sư[4] thông hiểu sâu xa giáo pháp của tông Thiên Thai, nghiêm tịnh Tỳ Ni (giới luật), hạnh nguyện tinh thuần, chí lực rộng lớn, chỉ đối với Tịnh Độ chẳng sanh tin tưởng. Về sau, do bệnh nặng mới biết lỗi trước, từ đó trở đi hơn hai mươi năm tay chẳng rời kinh, chuyên nghiên cứu Tịnh Độ, mới biết pháp này lợi ích siêu việt thù thắng, bèn dám đối trước mọi người xứng tánh phát huy trọn chẳng sợ hãi. Dẫu là đứa trẻ lên ba cũng có thể niệm Phật, ông còn chưa nhận biết rõ ràng đường lối pháp môn này, lại chẳng bị thời hạn giảng giải [kinh điển] bức bách như vị giảng sư muốn chống đỡ môn đình, cần gì phải nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm trước, chẳng coi chuyện biết đường về nhà là cấp bách? Những lời Quang đã nói bất quá nhằm ngăn chặn chuyện sai để khỏi phụ lòng gởi thư đến, chứ nào phải là đã thật sự hiển thị ý nghĩa trọng yếu của kinh Lăng Nghiêm! Đức Như Lai muốn cho hết thảy chúng sanh theo đường về nhà, vì thế bảo hai mươi lăm vị thánh trình bày túc nhân của chính mình để chúng sanh đời Mạt bất luận căn cơ thượng, trung, hạ, đều dùng pháp môn Niệm Phật của ngài Thế Chí tự lợi, lợi tha, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, quay lại niệm nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo. Đây chính là điều cư sĩ nên dốc sức, còn chuyện “chỉ tâm, biện định cái Thấy, phá Ấm, siêu trược”, hãy đợi đến khi niệm đến mức tâm – Phật bất nhị, tâm lẫn Phật cùng mất, tự chứng Niệm Phật tam-muội rồi hãy tính, giống như đức Thế Tôn cầm cành hoa giơ lên, Ca Diếp mỉm cười vậy. Nếu không, vào biển đếm cát đầu choáng váng, tâm mê muội, kể chuyện ăn, đếm của báu, chẳng đỡ đói rét! Người biết tốt – xấu quyết chẳng coi thường lời tôi.

(thư thứ ba)

Ý Quang muốn cho các hạ ở yên nơi nhà mình, tu chân ngay trong cõi tục, trên có thể cảm phát bậc trưởng thượng phát sanh lòng tin trong sạch, dưới có thể dắt dìu vợ con đồng thấm ơn Phật. Nếu ông cứ muốn sống nhờ ở chùa người ta thì cũng được. Đối với chuyện nghe kinh không cần phải đến chùa Linh Ẩn[5], bởi lẽ Huệ Minh pháp sư thường bỏ bớt, nêu đại lược ý nghĩa kinh văn, chuyên chú trọng dẫn chứng những công án nhà Thiền; có lẽ ích lợi cho bậc đại đạt, chứ kẻ sơ cơ sẽ bị hoang mang, không biết về đâu. Đối với người thông minh đôi chút rất có thể bị xen lạm hỗn độn giữa Tông và Giáo, lỗi ấy quả thật chẳng nhỏ cạn. Mười nguyện Phổ Hiền, một hạnh Văn Thù[6], nếu có thể tinh tu dẫu chẳng quán thông hết thảy kinh luận vẫn có thể thoát nhanh khỏi lồng rọ phiền não, cao dự hải hội. Nếu đối với pháp cậy vào Phật từ lực này lòng tin không chân thật, không dựa chắc vào, dù có thông Tông, thông Giáo cũng chỉ là tam-muội ngoài cửa miệng. Muốn dùng tam-muội ngoài miệng ấy để liễu sanh tử thì đúng là như muốn dùng bánh vẽ để khỏi đói, ắt đến nỗi cùng đường hối hận sâu xa, chẳng được lợi ích mảy may. Đời, đạo hiện thời chẳng biết tương lai sẽ như thế nào, còn toan dùng quang âm sắp hết để làm chuyện không gấp rút nữa ư?

Tuy trước kia, Quang có ý nguyện tu sửa bộ Sơn Chí[7], nhưng nếu không được Đại Sĩ thầm gia hộ khiến cho mục lực được sáng quyết chẳng thể theo đuổi được. Nếu mục lực có thừa, ở đâu mà chẳng soạn tập được, cần gì phải muốn sang Hàng Châu ở nhờ chỗ người ta! Mong hãy chuyên tâm niệm Phật, đấy mới là quyến thuộc thật sự trong pháp môn, chớ đừng đến núi này khiến cho đôi bên đều bị khốn khó. Còn chuyện ông muốn xuất gia hãy nên lễ thỉnh bậc tri thức cao minh khác, trọn chớ vì Quang ngăn ngại mà bèn chẳng lễ các vị thầy khác, đến nỗi mất lợi ích lớn lao! Đế pháp sư (ngài Đế Nhàn) ở chùa Quán Tông, Ninh Ba, bệnh chưa lành, cũng không cần phải qua đó nghe kinh. Cổ nhân nói: “Thật ít hơn dối nhiều, khéo quá chẳng bằng vụng, nói được một trượng không bằng làm được một tấc”. Người thật lòng vì mình phải suy nghĩ những câu ấy.

***

[1] Thiên Chân: Chân lý tồn tại tự nhiên không cần phải tạo tác. Sách Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, quyển 1 giảng: “Lý không tạo tác, nên gọi là Thiên Chân”.

[2] Lệnh nghiêm: Tiếng gọi tỏ ý tôn trọng cha người khác.

Nhạc mẫu: mẹ vợ hoặc mẹ chồng. Ở đây là mẹ vợ.

[3] Lăng Nghiêm Chánh Mạch là tác phẩm chú giải kinh Lăng Nghiêm của Giao Quang đại sư đời Minh.

[4] Đại Trí Luật Sư (1048-1116) là ngài Thích Nguyên Chiếu, tự là Trạm Nhiên, hiệu An Nhẫn Tử, người xứ Dư Hàng, tỉnh Chiết Giang. Ngài xuất gia từ nhỏ, thọ Cụ Túc Giới năm 18 tuổi, theo học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Thần Ngộ Xử Khiêm, nhưng rất hâm mộ Tỳ Ni. Về sau, Sư thọ Bồ Tát Giới với ngài Quảng Từ, nối tiếp Nam Sơn Luật Tông. Trong thời Nguyên Phong nhà Tống, Sư trụ trì chùa Chiêu Khánh, hoằng truyền giới luật. Về già trụ trì chùa Linh Chi, nên thường được gọi là Linh Chi Tôn Giả. Khi ngài mất, được tôn thụy hiệu là Đại Trí Luật Sư.

[5] Chùa Linh Ẩn nằm ở núi Linh Ẩn tại Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Năm Hàm Hòa nguyên niên (326) nhà Đông Tấn, sa-môn Ấn Độ Huệ Lý đến nơi này, thấy ngọn Phi Lai, khen ngợi: “Ngọn núi nhỏ của Linh Thứu không biết bay đến đây từ năm nào? Hồi Phật còn tại thế, nhiều vị tiên linh ẩn cư nơi này”. Bèn lập chùa sau núi, đặt tên là Linh Ẩn, gọi tên ngọn núi đó là Phi Lai. Năm Cảnh Đức thứ tư đời Tống (1007), đổi tên là Cảnh Đức Linh Ẩn Thiền Tự. Đến năm cuối niên hiệu Kiến Viêm, chùa bị hủy hoại trong loạn lạc, trong năm Thiệu Hưng mới được tái lập. Năm Chí Chánh thứ 19 (1359) đời Nguyên, chùa lại bị phá hủy, rồi được tái lập trong niên hiệu Hồng Vũ đời Minh, đổi thành tên hiện đại là Linh Ẩn. Trong niên hiệu Khang Hy, chùa được sắc tứ là Vân Lâm Thiền Tự, nhưng dân gian vẫn gọi theo tên cũ.

[6] Văn Thù Nhất Hạnh: Tức Nhất Hạnh tam-muội được dạy trong kinh Văn Thù Bát Nhã: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn hành Nhất Hạnh tam-muội, nên vào chỗ vắng vẻ, bỏ các loạn ý, chẳng chấp vào hình tướng, dốc lòng chuyên xưng niệm danh hiệu một đức Phật. Tùy theo đức Phật ở phương nào bèn hướng thẳng về đó. Nếu có thể đối với một đức Phật niệm niệm liên tục, thì ở ngay trong ấy sẽ thấy được quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật. Vì sao? Niệm một đức Phật công đức vô lượng vô biên, cùng một công đức với niệm vô lượng chư Phật không hai. Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn vô phân biệt”.

[7] Tức bộ Phổ Đà Sơn Chí, tức bộ sách ghi chép lịch sử truyền thừa của Phổ Đà Sơn.