NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Vưu Hoằng Như
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Vưu Hoằng Như

Các hạ túc căn sâu dầy, tâm mộ đạo tha thiết, lại là bạn thân thiết với đại sư Hoằng Nhất, nay muốn buộc Quang làm pháp khế[1] trong hội Liên Trì, khôn ngăn vui sướng, nhưng do nhân duyên phơi kinh nên chẳng rảnh rỗi để trả lời ngay, thiếu sót quá! Quang tuổi nhỏ thiếu học vấn, đến già không biết gì. Hai ba năm gần đây, thường có những người lầm nghe lời người khác, hỏi đến, chỉ đem những gì mình biết được, mình làm được ra đáp. Còn như những nghĩa lý tinh vi trong Phật pháp, thật chứng nơi Thiền Định, Quang không biết được, cũng chẳng dám không biết coi như biết, vọng động bàn luận. Sư Hoằng Nhất bác học đa văn, còn Quang hèn kém, nhưng giữ tấm lòng khá chân thật, chuyện tu hành đương nhiên y theo bổn phận của kẻ kém hèn, nên châu toàn cho nhau, quả thật chẳng dám chạm mặt. Nay Sư phát tâm bế quan, cự tuyệt hết thảy, ắt sẽ tự chứng Niệm Phật tam-muội hòng giúp hết thảy kẻ hữu duyên, khôn ngăn mong mỏi. Người đời nay nghiên cứu Phật pháp, đa số muốn thành một bậc đại thông gia, mong đối trước hết thảy đại chúng thanh đàm cao luận, khiến cho người khác nể phục, ít ai vì liễu sanh tử mà chuyên học Phật pháp. Nếu các hạ muốn thành một người bậc nhất thì tri kiến của Quang trọn chẳng thể đưa lại lợi ích kém cỏi nào, hãy nên cầu học với bậc đại thông gia trong giới Tăng – tục đương thời mới hòng chẳng uổng lòng kỳ vọng. Còn nếu muốn trong cõi tục tu chân, dùng quang âm hữu hạn để kiêm lo liệu chuyện đời, lại mong ngay trong đời này nhất định liễu sanh tử thì Quang chẳng ngại đem những gì mình nghe được từ cổ nhân thuật lại cùng các hạ.

Ngài Mộng Đông nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ này là đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Đoạn khai thị này tinh vi, khẩn thiết đến cùng cực, hãy nên đọc kỹ. Mộng Đông Ngữ Lục từ ngữ lẫn lý lẽ đều châu đáo, là kim chỉ nam cho Tịnh tông. Nếu muốn tìm cầu cao hơn thì có bộ Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích lão nhân gia, quả thật là người hướng dẫn tốt lành thiên cổ độc nhất vô nhị. Nếu có thể chết lòng nương theo hai bộ sách ấy thì chẳng cần phải nghiên cứu hết thảy kinh luận, chỉ thường xem đọc ba kinh Tịnh Độ và Thập Yếu, ngửa tin lời thành thật của Phật, Tổ, sanh lòng tin chân thật, phát nguyện khẩn thiết, dùng lòng chí thành cung kính trì danh hiệu Phật. Dẫu ở trong nhà tối phòng kín vẫn như đối trước Phật, trời, khắc kỷ, giữ lễ, cẩn thận, kiêng dè, giữ lòng thành, chẳng học đòi những phường thông nhân trong thế gian gần đây trọn chẳng câu thúc, phóng túng không kiêng dè. Quang tuy là sanh tử phàm phu, dám bảo đảm các hạ trong đời này sẽ từ tạ Sa Bà, cao dự hải hội, đích thân làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn lành của Đại Sĩ. Nhưng đối với pháp Tịnh Độ, nếu chẳng chết sạch cái lòng mong ngóng ngấm nghé[2], quyết chí tu trì, trọng lòng kính, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, lại toan đem lẽ không chấp trước để làm lá bùa khéo léo che đậy thói coi thường, tán loạn, buông lung mà hòng được lợi ích thì Quang do hiểu biết kém tệ chẳng thể nào hiểu được chuyện ấy! Những điều khác trong bộ Văn Sao dở tệ của Quang đã trình bày rõ. Do vậy, không cần đọc nhiều, xem kinh thì chỉ có cung kính mới được lợi ích. Nếu không cung kính, dẫu có được lợi ích thì chẳng qua cũng chỉ là hiểu ý nghĩa theo mặt chữ, chứ nghiệp tiêu trí rạng, triệt ngộ tự tâm, trọn chẳng thể cầu may như thế. Huống chi cái lỗi khinh nhờn càng không thể nói được. Đấy là căn bệnh chung của cả thế gian, chỉ đành đau đớn khóc lóc thở dài mà thôi!

***

[1] Pháp khế: bạn đạo

[2] Nguyên văn: Thâu tâm (có nghĩa là cái tâm trộm cắp). Đây là dụng ngữ nhà Thiền, chỉ cái tâm hướng ngoại phân biệt, khởi tâm mong ngóng, luôn đứng núi này trông núi nọ. Hòa Thượng Tịnh Không giảng “thâu tâm” là cái tâm không kiên định tu một pháp môn nào, nay chạy theo pháp này, mai chạy theo pháp khác, luôn nghĩ cách tu tắt, cầu may, chẳng hạn nghe nói trì chú này có công hiệu bèn trì chú đó, được vài bữa, thấy nghe nói chú khác có công hiệu lớn lao bèn bỏ chú này trì chú khác. Nay học pháp thiền này, mai đi nghe giảng lại bỏ theo cách thiền khác, suốt đời học táp nham, không chuyên tu được một pháp nào.