KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Hán dịch: Căn cứ bản dịch của Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm,
Sa môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, và Tạ Linh Vân sửa lại
– Đời Tống
– Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ – Phan Rang
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đổng Minh
Quyển thứ ba
PHẨM TRƯỜNG THỌ (SỐNG LÂU)
Ðức Phật lại bảo các vị Tỳ kheo rằng :
– Các ông đối với giới luật có điều gì nghi hoặc thì hôm nay cho các ông hỏi tùy thích. Ta sẽ giải nói khiến cho vui lòng các ông ! Ta đã tu học bản tính của tất cả các pháp không tịch, tỏ rõ thông đạt. Này Tỳ kheo ! Các ông chớ cho là Như Lai chỉ tu bản tính không tịch của các pháp – Ðức Phật lại bảo – Này các Tỳ kheo ! Nếu đối với giới luật có điều gì nghi hoặc thì hôm nay đều có thể hỏi !
Các vị Tỳ kheo bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Chúng con không có trí tuệ mà có thể hỏi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri ? Sở dĩ vì sao ? Vì cảnh giới của đức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, sở hữu các định chẳng thể nghĩ bàn, lời diễn nói dạy răn chẳng thể nghĩ bàn… Vậy nên chúng con không có trí tuệ mà có thể hỏi đức Như Lai ? Thưa đức Thế Tôn ! Ví như một ông lão một trăm hai mươi tuổi, thân bị bệnh đã lâu, nằm liệt giường chiếu, chẳng thể trở dậy, khí lực hư liệt, mạng còn không bao lâu. Có một người giàu có nhân có việc sắp phải đi đến địa phương khác, đem một trăm cân vàng gởi cho ông lão đó mà nói rằng : “Tôi nay đi nơi khác, đem vật báu này gởi nhờ ông giữ, hoặc trải qua mười năm hay hai mươi năm, việc xong sẽ trở về. Khi về ông giao lại cho tôi !” Ông lão bệnh này liền nhận sự gởi gắm đó mà ông lão này lại không có người nối dõi. Sau đó chẳng bao lâu bệnh nặng mạng chung, vật đã gởi đều tan mất, tài chủ đi trở về tìm đòi không có. Như vậy kẻ ngu si chẳng biết trù tính chỗ có thể gởi gắm nên khi đi trở về tìm đòi không được. Vì nhân duyên này nên thất thoát của báu. Thưa đức Thế Tôn ! Thanh Văn chúng con cũng lại như vậy, tuy nghe đức Như Lai ân cần dạy giới (cấm) nhưng chẳng có thể thọ trì, khiến cho được trụ lâu dài giống như ông lão kia nhận sự ký thác của người khác. Chúng con nay vô trí đối với các giới luật thì sẽ hỏi điều gì đây ?
Ðức Phật dạy :
– Này Tỳ kheo ! Các ông hôm nay nếu hỏi ta thì có thể lợi ích cho tất cả chúng sinh. Vậy nên ta bảo các ông có những nghi hoặc gì thì các ông cứ mặc lòng mà hỏi !
Các vị Tỳ kheo bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Ví như có người năm hai mươi lăm tuổi, trẻ trung đoan chính, có nhiều của báu, vàng bạc, lưu ly… cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, thân thích đều còn đủ. Có người đến gởi cho ông ấy vật báu và nói với người ấy rằng : “Tôi có duyên sự sắp đi đến xứ khác, việc xong sẽ trở về, khi trở về ông đưa lại cho tôi”. Lúc đó chàng trai trẻ giữ hộ vật báu đó như vật sở hữu của mình. Người ấy bị bệnh liền bảo với gia thuộc rằng, số kim bảo này là của người khác gởi, nếu họ đến đòi thì đều trả lại hết cho họ. Kẻ trí giỏi biết trù lượng như vậy nên đi trở về đòi vật đều được hết, không mất mát gì. Ðức Thế Tôn cũng vậy, nếu đem pháp bảo phú chúc cho A Nan và các Tỳ kheo thì chẳng được tồn tại lâu dài (cữu trụ). Vì sao vậy ? Vì tất cả Thanh Văn và cả Ðại Ca Diếp đều phải vô thường như ông lão kia nhận vật gởi của người khác. Vậy nên đức Thế Tôn nên đem Phật pháp vô thượng phó thác cho các vị Bồ tát. Do các vị Bồ tát giỏi có thể vấn đáp nên pháp bảo như vậy được tồn tại lâu dài hàng vô lượng ngàn đời làm tăng thêm sự lợi an thịnh vượng cho chúng sinh như người trai trẻ kia nhận vật ký gởi của người khác. Do ý nghĩa này nên các vị đại Bồ tát mới có thể hỏi vậy. Trí tuệ của chúng con giống như của con muỗi, con ve thì làm sao có thể thỉnh vấn thâm pháp của đức Như Lai?
Các vị Thanh Văn lặng lẽ mà trụ. Bấy giờ đức Phật khen các vị Tỳ kheo rằng :
– Hay thay ! Hay thay ! Các ông hoàn thiện được tâm vô lậu, tâm Alahán ! Ta cũng từng suy nghĩ về hai cái duyên này nên đem Ðại Thừa giao phó cho các vị Bồ tát để khiến cho diệu pháp trụ lâu dài ở đời.
Bấy giờ, đức Phật bảo tất cả đại chúng rằng :
– Này các thiện nam tử ! Các thiện nữ nhân ! Thọ mạng của ta chẳng thể xưng lường, biện tài lạc thuyết cũng chẳng thể bàn hết ! Các người nên có thể tùy ý hỏi han, hoặc giới (cấm), hoặc qui (về)… lần hai, lần ba cũng lại như vậy…
Lúc bấy giờ, trong chúng có một đồng tử Ðại Bồ tát, chính là dòng họ Bàlamôn của tụ lạc Ðala tên là Ðại Ca Diếp. Do thần lực đức Phật, ông liền đứng dậy, trật áo vai phải, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, quì gối phải xuống đất, chắp tay hướng về đức Phật mà bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Con hôm nay muốn thỉnh vấn đôi điều, nếu đức Phật cho phép thì con mới dám nói !
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :
– Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cho ông mặc tình hỏi han ! Ta sẽ vì ông giảng nói để đoạn dứt sự nghi hoặc của ông, khiến cho ông hoan hỷ.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Ðức Như Lai thương xót đã rủ lòng hứa cho thì nay con sẽ hỏi. Nhưng trí tuệ sở hữu của con nhỏ nhoi như của con muỗi, con ve mà đạo đức của Như Lai Thế Tôn thì lồng lộng thuần bằng chiên đàn sư tử khó điều phục với chúng chẳng thể hoại làm quyến thuộc. Thân đức Như Lai giống như chơn Kim cương, sắc như lưu ly chân thật khó hoại. Ngài lại được sự vây quanh của biển đại trí tuệ như vậy. Trong chúng hội này, các vị Ðại Bồ tát Mahatát đều thành tựu vô lượng vô biên công đức thâm diệu giống như loài hương tượng. Ở trước những đại chúng như vậy con đâu dám phát vấn. Nhưng vì phải thừa sức thần thông của đức Phật và nhờ uy đức thiện căn của đại chúng, con có đôi điều hỏi han vậy.
Ông liền ở trước đức Phật, dùng kệ hỏi rằng:
Sao gọi được trường thọ
Thân chẳng hoại Kim cương?
Do nhân duyên nào đó
Ðược đại lực vững bền?
Vì sao với Kinh ấy
Ðến bờ kia rốt cùng?
Nguyện Phật mở vi mật
Vì chúng sinh tuyên dương!
Sao gọi được rộng lớn
Vì chúng tạo dừng nương?
Thật chẳng phải La Hán
So cùng La hán bằng?
Ma trời, làm sao biết
Vì chúng tạo khó khăn?
Như Lai, Ba Tuần nói
Làm sao biết mà phân?
Sao gọi các Ðiều ngự
Vui lòng nói Ðế Chân
Chánh thiện thành tựu đủ
Diễn nói bốn đảo điên?
Sao gọi làm thiện nghiệp
Nay đại tiên nói lên?
Sao gọi các Bồ tát
Thấy tánh thấy khó khăn?
Sao gọi giải trọn chữ
Và nghĩa nữa chữ trên?
Sao gọi chung thánh hạnh
Như chim Ca lân tần (già)?
Sao gọi là Nhật, Nguyệt
Thái bạch cùng Tuế tinh?
Sao gọi tâm chưa phát
Mà Bồ tát là tên?
Sao gọi ở đại chúng
Mà được sở úy không!
Như vàng Diêm phù đó
Không thể nói lỗi lầm?
Sao gọi ở cõi trược
Chẳng bẩn, như hoa sen?
Sao ở với phiền não
Mà chẳng nhiễm não phiền?
Như thầy thuốc trị bệnh
Chẳng bị nhiễm bệnh luôn?
Trong biển cả sinh tử
Sao làm người lái thuyền?
Sao gọi bỏ sinh tử
Như rắn lột da xong?
Sao gọi quán Tam bảo
Giống như cây ý thiên?
Tam Bảo nếu không tánh
Sao mà được nói lên?
Giống như chưa sinh lạc
Sao thọ lạc gọi tên?
Sao gọi các Bồ tát
Ðược chúng chẳng hoại tan?
Sao gọi sống mù tối
Mà làm mắt dẫn đường?
Sao nhiều đầu thị hiện?
Nguyện Ðại Tiên nói lên !
Sao gọi người nói pháp
Như trăng mới lớn thêm?
Sao gọi lại thị hiện
Rốt ráo đến Niết Bàn?
Sao gọi người dũng tiến
Bầy đường ma, thiên, nhân?
Sao gọi biết pháp tánh
Mà thọ pháp lạc luôn?
Sao gọi các Bồ tát
Xa lià mọi bệnh thân?
Sao gọi vì sinh chúng
Pháp bí mật tuyên dương?
Sao gọi nói cùng tột
Và cả chẳng rốt cùng?
Như đoạn lưới nghi hoặc
Sao gọi bất định thuyết?
Sao gọi mà được gần
Ðạo Tối Thắng Vô thượng?
Con nay thỉnh Thế Tôn
Vì các vị Bồ tát
Nguyện xin ngài nói lên
Hạnh thậm thâm vi diệu…
Trong mọi pháp thế gian
Ðều có tánh an lạc.
Nguyện xin đấng Ðại Tiên
Vì con phân biệt nói!
Ðấng y chỉ (của) chúng sinh!
Lưỡng Túc Tôn diệu dược!
Các ấm muốn hỏi han
Mà con không trí tuệ
Các Bồ tát tinh cần
Cũng lại chẳng thể biết
Cảnh giới quá thậm thâm
Như vậy của chư Phật.
Lúc bấy giờ, đức Phật khen Bồ tát Ca Diếp rằng :
– Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông nay chưa được Nhất Thiết Chủng Trí, ta đã được rồi. Nhưng ông đã hỏi mật tạng thậm thâm như sự hỏi han của Nhất Thiết Trí không khác. Này thiện nam tử ! Ta ngồi dưới cây Bồ Ðề Ðạo Tràng, khi mới thành Chánh Giác, bấy giờ, vô lượng atăngkỳ hằng hà sa số thế giới chư Phật, có các vị Bồ tát cũng hỏi ta ý nghĩa thậm thâm đó. Nhưng sự hỏi công đức câu nghĩa ấy cũng đều ngang bằng như vậy không có khác. Hỏi như vậy thì có thể lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Con không có trí lực để có thể hỏi đức Như Lai ý nghĩa thậm thâm như vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như con muỗi, con ve chẳng thể bay qua bờ kia của biển cả, cùng khắp hư không. Con cũng như vậy, chẳng thể hỏi han ý nghĩa thậm thâm của biển cả trí tuệ và hư không pháp tính như vậy của đức Như Lai. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như ngọc sáng trong vòng hoa cài tóc của vị quốc vương giao phó cho Ðiển Tạng Thần (người bề tôi quản lý kho tàng của vua). Tạng thần được rồi đội trên đầu, cung kính mà tăng thêm sự thủ hộ. Con cũng như vậy, đội lên đầu cung kính, tăng thêm thủ hộ sự thuyết giảng ý nghĩa thậm thâm Phương Ðẳng của đức Như Lai. Vì sao vậy ? Vì khiến cho con rộng được trí tuệ sâu sắc.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :
– Này thiện nam tử ! Lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta sẽ vì ông giảng nói về nghiệp trường thọ sở đắc của Như Lai. Bồ tát do nhân duyên nghiệp đó mà được trường thọ. Vậy nên ông hãy chí tâm lắng nghe. Nếu nghiệp có thể là nhân của Bồ Ðề thì cần phải thành tâm thính thọ ý nghĩa này. Ðã thính thọ rồi thì chuyển vì người khác giảng nói. Này thiện nam tử ! Ta do tu tập nghiệp như vậy nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hôm nay ta lại vì người rộng nói ý nghĩa đó. Này thiện nam tử ! Ví như vương tử phạm tội bị nhốt vào ngục. Nhà vua rất thương xót ái niệm con nên tự mình quay xe trở lại chỗ giam giữ ấy. Bồ tát cũng vậy, muốn được trưởng thọ cần phải hộ niệm tất cả chúng sinh, đồng tưởng họ là con mà sinh ra đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, trao cho giới chẳng sát sinh, dạy tu tập thiện pháp. Bồ tát cũng sẽ yên dừng tất cả chúng sinh ở năm giới, mười thiện, lại vào địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, atula.v.v… tất cả các đường để cứu vớt những chúng sinh khổ não ở trong đó. Bồ tát giải thoát người chưa giải thoát, độ người chưa độ, người chưa Niết Bàn khiến cho được Niết Bàn, an ủi tất cả những kẻ bị khủng bố. Do nhân duyên những nghiệp như vậy nên Bồ tát được thọ mạng lâu dài, đối với các trí tuệ mà được tự tại, tùy theo chỗ mà thọ chung sinh lên cõi trời.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng : Thưa đức Thế Tôn! Ðại Bồ tát nhìn chúng sinh tưởng đồng với con là nghĩa sâu kín con chưa có thể giải ! Thưa đức Thế Tôn ! Ðức Như Lai chẳng nên nói rằng, Bồ tát đối với các chúng sinh, tu tâm bình đẳng, tưởng đồng với con. Sở dĩ vì sao ? Vì ở trong Phật pháp có người phá giới, người tạo nghịch tội, người hủy báng chánh pháp thì làm sao sẽ đối với những người như thế mà tưởng đồng như con vậy ?
Ðức Phật dạy rằng :
– Này Ca Diếp ! Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! ta đối với chúng sinh thật sự tưởng như con, như La Hầu La.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Thuở xưa, ngày mười lăm, khi Tăng bố tát, đã từng ở trong chúng cụ túc giới thanh tịnh, có một đồng tử chẳng khéo tu tập nghiệp thân miệng ý, ẩn tại chỗ vách ngăn, trộm nghe nói giới. Thần lực sĩ Mật Tích thừa thần lực đức Phật, dùng chày kim cương đánh cho tan nát như vi trần. Thưa đức Thế Tôn ! Thần Kim cương đó rất là bạo ác mới có thể đoạn tuyệt mạng căn của đồng tử này thì sao gọi là đức Như Lai nhìn các chúng sinh tưởng đồng với con như La Hầu La được ?
Ðức Phật bảo rằng :
– Này Ca Diếp ! Ông nay chẳng nên nói lời như vậy. Vì đồng tử đó tức là hóa nhân chẳng phải chân thật đâu ! Vì muốn xua đuổi kẻ phá giới hủy pháp ra khỏi chúng nên thần Kim Cương Mật Tích thị hiện ra hóa nhân này vậy. Này Ca Diếp ! Kẻ hủy báng Chánh pháp và Nhất xiển đề, hoặc có kẻ sát sanh, cho đến tà kiến và cả kẻ phạm cấm giới thì ta đối với những người này đều phát sinh lòng từ bi, tưởng đồng với con như La Hầu La. Này thiện nam tử ! Ví như các quần thần của quốc vương, có người phạm vương pháp thì tùy theo tội mà tru lục chẳng vứt bỏ. Như Lai Thế Tôn chẳng như vậy, với người hủy pháp thì cho yết ma xua đuổi, yết ma quở trách, yết ma vứt bỏ, yết ma cử tội, yết ma chẳng thể thấy, yết ma diệt, yết ma chưa bỏ ác kiến… Này thiện nam tử ! Như Lai sở dĩ cho người hủy báng pháp làm yết ma hàng phục như vậy.v.v… là vì muốn bày những người làm ác thấy có quả báo. Này thiện nam tử ! Ông phải biết rằng, Như Lai liền thí cho chúng sinh ác sự không bố úy, hoặc phóng ra một ánh sáng, hoặc hai, hoặc ba mà nếu có người gặp được thì đều khiến cho lìa xa tất cả những ác. Như Lai hôm nay có đủ vô lượng thế lực như vậy. Này thiện nam tử ! Chưa thể thấy pháp mà ông muốn thấy thì hôm nay ta sẽ vì ông nói lên tướng mạo của pháp ấy. Sau khi ta vào Niết Bàn tùy theo phương diện ấy có vị Tỳ kheo trì giới uy nghi đầy đủ, hộ trì chánh pháp thấy kẻ hoại pháp liền có thể xua đuổi, quở trách, sửa trị. Ông phải biết người đó được phước không lường, chẳng thể kể xiết. Này thiện nam tử ! Ví như có vị vua chuyên làm việc bạo ác, gặp phải bệnh nặng. Có vị vua của nước bên cạnh nghe danh tiếng ấy, dấy binh đem đến muốn tiêu diệt. Lúc đó, vị vua bệnh không thế lực nên mới kinh sợ mà thay lòng tu thiện. Vị vua của nước bên cạnh đó được phước không lường. Tỳ kheo trì pháp cũng lại như vậy, xua đuổi quở trách người phá hoại pháp, khiến cho họ làm thiện pháp, được phước không lường. Này thiện nam tử ! Ví như chỗ ở của vị trưởng giả, ruộng đất nhà cửa sinh ra những cây độc hại. Ông trưởng giả biết rồi liền chặt phá khiến cho chúng tận diệt. Lại như trên đầu người trai trẻ sinh ra tóc bạc, tự thẹn mà cạo bỏ chẳng cho sinh trưởng. Tỳ kheo trì pháp cũng lại như vậy, thấy có người phá giới, hoại chánh pháp liền nên xua đuổi, quở trách, cử xử. Nếu thiện Tỳ kheo thấy người hoại pháp thì đặt để chẳng xua đuổi, quở trách, cử xử thì phải biết người đó là oán địch trong Phật pháp; nếu có thể xua đuổi, quở trách, cử xử thì chính là Thanh Văn chơn chánh đệ tử của ta vậy.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói của đức Phật thì chẳng bình đẳng nhìn tất cả chúng sinh, tưởng đồng với con như La Hầu La ! Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có một người dùng dao hại đức Phật. Lại có một người dùng hương chiên đàn xoa mình đức Phật. Ðức Phật đối với hai người này nếu sinh lòng bình đẳng thì sao lại nói rằng, phải trị kẻ hủy cấm. Còn nếu trị người hủy cấm thì lời nói này không đúng !
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp :
– Này thiện nam tử ! Ví như quốc vương, đại thần, tể tướng sinh dưỡng các con nhan mạo đoan chánh sáng suốt thông tuệ, rồi đem hoặc hai, ba, bốn đứa giao phó cho vị thầy giáo nghiêm khắc mà nói rằng : “Ngài có thể vì tôi dạy bảo các con về oai nghi, lễ tiết, kỹ nghệ, thư số… đều khiến cho thành tựu. Bốn đứa con của tôi đến thọ học với ngài, giả sử ba đứa bị đánh mà chết, dù còn lại một đứa, ngài nhất định phải khổ trị, phải khiến cho nó thành tựu. Tuy chết mất ba đứa con, nhưng tôi nhất định chẳng hối hận”. Này Ca Diếp ! Người cha và vị thầy đó có bị tội sát sinh không ?
– Thưa đức Thế Tôn ! Chẳng phạm vậy !
– Vì sao vậy ? Vì do ái niệm nên vì muốn thành tựu, không có lòng ác. Dạy bảo như vậy được phước không lường. Này thiện nam tử ! Như Lai cũng vậy, nhìn kẻ hoại pháp bình đẳng như con một. Như Lai hôm nay đem chánh pháp vô thượng phú chúc các vua, đại thần, tể tướng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Những quốc vương… và bốn bộ chúng này cần phải khuyên bảo khích lệ những người học, khiến cho Giới, Ðịnh và Trí tuệ của họ được tăng lên. Nếu có người chẳng học ba phẩm pháp này, lười biếng, phá giới, hủy báng chánh pháp thì quốc vương, đại thần, bốn bộ chúng cần phải khổ trị họ. Này thiện nam tử ! Các quốc vương và bốn bộ chúng đó sẽ có tội chăng ?
– Thưa đức Thế Tôn ! Họ chẳng có tội !
– Này thiện nam tử ! Các quốc vương và bốn bộ chúng đó còn không có tội huống gì là Như Lai ! Này thiện nam tử ! Như Lai đã khéo tu bình đẳng như vậy, đối với các chúng sinh, tưởng đồng là con một. Người tu như vậy thì đó gọi là Bồ tát tu tâm bình đẳng, đối với các chúng sinh tưởng đồng như con một. Này thiện nam tử ! Bồ tát tu tập nghiệp này như vậy thì liền được trường thọ, cũng có thể giỏi biết sự việc đời trước.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói của đức Phật, Bồ tát nếu có tu tâm bình đẳng, nhìn các chúng sinh tưởng đồng với con mình thì liền được trường thọ. Ðức Như Lai chẳng nên nói lời như vậy. Vì sao vậy ? Vì như người biết pháp có thể nói đủ thứ pháp hiếu thuận, nhưng trở về đến nhà thì dùng những ngói, đá… ném, đánh cha mẹ mà cha mẹ đó chính là ruộng phước phì nhiêu, nhiều sự lợi ích rất khó tao ngộ. Ðáng lẽ ra họ nên ưa thích cúng dường, ngược lại sinh lòng não hại cha mẹ. Người biết pháp đó nói và làm trái nhau. Lời nói của đức Như Lai cũng lại như vậy. Bồ tát tu tập tâm bình đẳng, đối với chúng sinh tưởng đồng như con nên được trường thọ, giỏi biết túc mạng (mạng đời trước), thường trụ ở đời, không có biến dị. Hôm nay đức Thế Tôn vì nhân duyên gì mà thọ mạng cực ngắn đồng với nhân gian vậy ? Ðức Như Lai sẽ không đối với chúng sinh phát sinh tư tưởng oán ghét ? Thưa đức Thế Tôn ! Ngày xưa ngài tạo tác nghiệp ác gì ? Giết hại bao nhiêu mạng? Mà bị đoản mạng, chẳng đầy trăm năm ?
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :
– Này thiện nam tử ! Ông nay vì nhân duyên gì mà ở trước Như Lai nói lên lời thô lậu đó ? Sự trường thọ của Như Lai là tối thượng tối thắng ở trong các thọ ! Pháp “Thường” sở đắc của Như Lai là tối thắng đệ nhất ở trong các “Thường”.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi là Như Lai được thọ mạng không lường ?
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp :
– Này thiện nam tử ! Như tám dòng sông lớn, một tên là Hằng Hà, hai tên là Diêm Ma La, ba tên là Tát La, bốn tên là A Di La Bạt Ðề, năm tên là Ma Ha, sáu tên là Tân Ðầu, bảy tên là Bác Xoa, tám tên là Tất Ðà. Tám dòng sông lớn đó và những dồng sông nhỏ đều chảy vào biển cả. Này Ca Diếp! Như vậy tất cả dòng sông lớn thọ mạng trong người, trên trời, dưới đất và hư không đều vào trong biển thọ mạng của Như Lai. Vậy nên thọ mạng của Như Lai là vô lượng. Lại nữa, nay Ca Diếp ! Ví như ao A Nậu Ðạt truyền nước cho bốn dòng sông lớn. Như Lai cũng vậy cho ra tất cả thọ mạng. Này Ca Diếp ! Ví như trong tất cả các pháp thường thì hư không là đệ nhất. Như Lai cũng vậy, ở trong các pháp thường là tối thắng đệ nhất. Này Ca Diếp ! Ví như các thuốc thì đề hồ là đệ nhất. Như Lai cũng vậy, ở trong chúng sinh, là thọ mạng đệ nhất.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Thọ mạng của đức Như Lai như vậy thì nên trụ một kiếp hoặc giảm một kiếp, thường tuyên nói diệu pháp như tuông mưa lớn.
– Này Ca Diếp ! Ông nay chẳng nên ở chỗ Như Lai mà sinh ra tư tưởng diệt tận. Này Ca Diếp ! Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di cho đến tiên nhân ngũ thần thông của ngoại đạo được tự tại, hoặc trụ một kiếp hay giảm một kiếp, đi kinh hành trong hư không, ngồi nằm tự tại, hông trái phát ra lửa, hông phải tuông ra nước, thân sinh ra khói lửa giống như đám lửa, nếu muốn trụ thọ thì có thể được như ý, ở trong thọ mạng dài, ngắn tự tại. Như vậy tiên nhân ngũ thông mà còn được thần lực tùy ý như thế. Huống gì là Như Lai đối với tất cả pháp được sức tự tại mà phải chẳng thể trụ thọ mạng nửa kiếp, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc vô lượng kiếp ư ? Do ý nghĩa này nên ông phải biết rằng, Như Lai chính là pháp thường trụ, pháp chẳng biến dị. Thân này của Như Lai là thân biến hóa, chẳng phải thân tạp thực, vì hóa độ chúng sinh mà thị hiện đồng với cây độc (độc thọ). Vậy nên Như Lai hiện xả thân vào với Niết Bàn. Này Ca Diếp ! Ông phải biết, Phật chính là pháp “Thường”, pháp chẳng biến dị! Các ông ở trong Ðệ Nhất Nghĩa đó nên siêng năng tinh tấn, nhất tâm tu tập. Ðã tu tập rồi thì hãy rộng vì người giảng nói !
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Pháp xuất thế cùng với pháp thế gian có gì sai biệt ? Như lời nói của đức Phật, Phật là pháp thường, pháp chẳng biến dị. Thế gian cũng nói, Phạm thiên là thường, Tự Tại Thiên là thường, không có biến dị, Ngã thường, tính thường, vi trần cũng thường. Nếu nói Như Lai là pháp thường thì vì sao đức Như Lai chẳng thường hiện vậy ? Nếu chẳng thường hiện thì có gì sai khác ? Vì sao vậy ? Vì từ Phạm thiên cho đến thế tính của vi trần cũng chẳng hiện vậy !
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp :
– Ví như ông trưởng giả có nhiều những trâu, sắc vóc tuy đủ thứ nhưng đồng chung một bầy. Ông giao phó cho người chăn thả, sai đuổi đi tìm nước cỏ, chỉ làm đề hộ chẳng cần cao sữa. Người chăn trâu đó chăn dắt rồi tự sinh sống. Ông trưởng giả mạng chung thì những con trâu sở hữu đều bị bọn giặc cướp lấy. Bọn giặc được trâu rồi, không có phụ nữ, liền tự chăn dắt lấy được sữa mà ăn. Lúc bấy giờ, bọn cướp đều nói với nhau rằng : “Ông đại trưởng giả kia nuôi dưỡng trâu này, chẳng cầu lấy cao sữa chỉ vì lấy đề hồ. Chúng ta hôm nay phải thiết lập phương cách gì để mà được nó đây?” Luận về đề hồ thì gọi là thượng vị đệ nhất của thế gian mà chúng ta không có đồ chứa. Giả sử có được sữa thì không có chỗ để chứa đặt”. Họ lại nói với nhau rằng : “Có túi da mới có thể chứa đựng được. Tuy có chỗ đựng mà chẳng biết khuấy trộn thì nước uống còn khó được huống là lại sinh ra váng sữa (tô)”. Bấy giờ, các tên giặc lấy đề hồ cho thêm nước vào đó, rồi vì nước nhiều nên cao sữa, đề hồ tất cả đều mất. Kẻ phàm phu cũng vậy, tuy có thiện pháp nhưng đều chính là phần còn lại của chánh pháp Như Lai. Vì sao vậy ? Vì sau khi đức Như Lai vào Niết Bàn, có kẻ trộm lấy thiện pháp để lại của đức Như Lai, hoặc Giới, Ðịnh, Tuệ như bọn giặc kia cướp lấy bầy trâu. Những người phàm phu tuy lại được Giới, Ðịnh, Trí tuệ đó nhưng không có phương tiện nên chẳng thể giải thoát. Do ý nghĩa này nên chẳng thể thu được thường giới, thường định, thường tuệ giải thoát như bọn giặc kia chẳng biết phương tiện nên quên mất cách làm đề hồ. Lại như bọn giặc làm đề hồ mà gia thêm nước vào đó. Kẻ phàm phu cũng vậy, vì giải thoát nên nói ngã, chúng sinh, thọ mạng, sĩ phu, Phạm thiên, Tự Tại thiên, vi trần, thế tánh, giới, định, trí tuệ và cùng giải thoát, phi tưởng, phi phi tưởng thiên… tức là Niết Bàn thì thật sự cũng chẳng được Niết Bàn giải thoát, như bọn giặc kia chẳng được đề hồ. Các phàm phu này có chút ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ. Nhờ nhân duyên đó được sinh lên trời, hưởng thọ chút ít an vui như bọn giặc kia được sữa gia thêm nước. Thật sự những phàm phu này chẳng biết nhân tu chút ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ được sinh lên trời. Những phàm phu này lại chẳng thể biết Giới, Ðịnh, Trí tuệ, qui y Tam Bảo. Do họ chẳng biết nên nói Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Tuy họ nói thế mà thật sự chẳng biết gì cả. Vậy nên Như Lai sau khi ra đời mới vì họ diễn nói Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Như vua Chuyển Luân xuất hiện ở đời, nhờ sức phước đức nên bọn giặc lui tan, trâu không tổn hại mạng. Vua Chuyển Luân liền đem các con trâu giao phó cho một người chăn có nhiều phương tiện khéo léo. Người chăn có phương tiện liền được đề hồ. Nhờ đề hồ nên tất cả chúng sinh không có hoạn khổ. Khi vua pháp Chuyển Luân Thánh xuất hiện ở đời, những người phàm phu chẳng thể diễn nói Giới – Ðịnh – Tuệ liền bị xả bỏ như bọn giặc lui tan. Bấy giờ, Như Lai khéo nói về thế pháp và xuất thế pháp vì chúng sinh nên khiến cho các vị Bồ tát tùy nghi diễn nói. Ðại Bồ tát đã được đề hồ thì lại khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh đều được vị pháp cam lộ vô thượng. Cái gọi là Thường – Lạc – Ngã – Tịnh của Như Lai là do ý nghĩa này vậy. Này thiện nam tử ! Như Lai là Pháp thường, pháp chẳng biến dị, chẳng phải như người ngu phàm phu của thế gian gọi Phạm thiên.v.v… là pháp thường vậy. Pháp thường này chủ yếu nói lên là Như Lai chẳng phải là pháp nào khác. Này Ca Diếp ! Ông cần phải biết thân của Như Lai như vậy ! Này Ca Diếp ! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân thường phải buộc lòng mình tu hai chữ này : Phật là thường trụ ! Này Ca Diếp ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân tu hai chữ này (Thường trụ) thì phải biết rằng, người này theo sở hạnh của ta, đến được chỗ đến của ta ! Này thiện nam tử ! Nếu có người tu tập hai chữ như vậy vì diệt tướng thì ông phải biết rằng, Như Lai đối với người ấy sẽ vì họ vào Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Nghĩa Niết Bàn tức là pháp tánh của các đức Phật vậy.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Pháp tánh của Phật, nghĩa ấy thế nào ? Thưa đức Thế Tôn ! Con nay muốn biết nghĩa của pháp tánh ! Nguyện xin đức Như Lai thương xót giảng nói rộng rãi cho ! Bàn về pháp tánh tức là xả thân. Xả thân thì gọi là không sở hữu. Nếu thân không sở hữu thì làm sao tồn tại ? Nếu thân tồn tại thì sao gọi rằng thân có pháp tánh ? Thân có pháp tánh thì làm sao tồn tại được ? Con nay làm sao biết được nghĩa này ?
Ðức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :
– Này thiện nam tử ! Ông này chẳng nên nói lời như vậy ! Diệt là pháp tánh ! Bàn về pháp tánh thì không có diệt vậy. Này thiện nam tử ! Ví như trời Vô Tưởng thành tựu sắc ấm mà không sắc tưởng thì chẳng nên hỏi rằng, những trời đó làm sao mà trụ vui sướng thọ lạc ? Làm sao mà hành tưởng ? làm sao mà thấy nghe ? Này thiện nam tử ! Cảnh giới của Như Lai chẳng phải là điều hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử ! Ông chẳng nên nói rằng, thân Như Lai là pháp diệt vậy. Này thiện nam tử ! Pháp Diệt của Như Lai là cảnh giới của Phật, chẳng phải là chỗ theo kịp của các Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử ! Ông nay chẳng nên nghĩ ngợi Như Lai trụ ở chỗ nào ? Hành chỗ nào ? Thấy chỗ nào ? Vui chỗ nào ? Này thiện nam tử ! Nghĩa như vậy cũng chẳng phải là điều biết của các ông ! Và pháp thân của chư Phật, đủ thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Ông cần phải tu tập Phật, Pháp và Tăng mà tác khởi thường tưởng. Ba pháp đó không có dị tưởng (tưởng khác), không vô thường tưởng, không biến dị tưởng. Nếu người tu dị tưởng đối với ba pháp thì ông phải biết là nhóm người đó tam qui thanh tịnh thì không chỗ nương sở hữu cấm giới đều chẳng đầy đủ, nhất định chẳng thể chứng quả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Ðề. Nếu người có thể đối với sự chẳng nghĩ bàn này mà tu thường tưởng thì có chỗ về. Này thiện nam tử ! Ví như nhân cây thì có bóng cây, Như Lai cũng vậy, có thường pháp nên có qui y, chẳng phải là vô thường. Nếu nói rằng, Như Lai là vô thường thì Như Lai chẳng phải là chỗ qui y của Chư thiên và người đời.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Ví như trong tối có cây không bóng !
– Này Ca Diếp ! Ông chẳng nên nói rằng, có cây không bóng, chỉ chẳng phải sự thấy của nhục nhãn vậy. Này thiện nam tử ! Như Lai cũng vậy, tính ấy thường trụ, là chẳng biến dị, không có mắt trí tuệ thì chẳng thể được thấy. Như trong tối kia chẳng thấy bóng cây. Người phàm phu, sau khi Phật diệt độ, nói rằng Như Lai là vô thường cũng lại như vậy, nếu nói Như Lai khác Pháp và Tăng thì chẳng thể thành ba chỗ qui y, như cha mẹ của ông mỗi mỗi đều khác vậy, nên khiến cho họ vô thường !
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :
– Thưa đức Thế Tôn ! Con từ nay bắt đầu sẽ dùng Phật, Pháp, chúng Tăng, ba việc thường trụ, mở mang giác ngộ cha mẹ, cho đến bảy đời cha mẹ đều khiến cho họ phụng trì. Rất lạ ! Thưa đức Thế Tôn ! Con nay sẽ học sự chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, Pháp và Tăng. Con đã tự học rồi cũng sẽ vì người giảng nói rộng rãi ý nghĩa này. Nếu có những người chẳng thể tín thọ thì phải biết là bọn người đó tu lâu vô thường. Những người như vậy con sẽ vì họ mà tạo tác sương mù, mưa đá.
Lúc bấy giờ, đức Phật khen Bồ tát Ca Diếp rằng :
– Hay thay ! Hay thay ! Ông nay giỏi có thể hộ trì Chánh pháp. Hộ pháp như vậy là chẳng dối người. Do nghiệp duyên lành chẳng dối người mà được trường thọ, giỏi biết túc mạng.