NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Cao Hạc Niên
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ Cao Hạc Niên

Nam Ngũ Đài Sơn, một ngàn ba trăm năm trước đây, Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân tỳ-kheo hàng phục rồng độc ở đó[1], đáng gọi là đạo tràng cổ. Nơi ấy cũng là chỗ bắt nguồn trung hưng Liên Tông của vị tổ Liên Tông thứ tám: Vân Thê Liên Trì đại sư. Thời Gia Tĩnh (1522-1566) nhà Minh, có lão hòa thượng Tánh Thiên Văn Lý ẩn cư trên động Vô Môn của núi này. Sau này, do Ngài vân du đến Hàng Châu, trụ tại Tây Sơn Hoàng Long Am, Liên Trì đại sư ngưỡng mộ đạo phong của Ngài, cùng với phu nhân họ Thang quy y dưới tòa. Không đầy hai, ba năm sau, lại theo Ngài xuất gia. Nếu vị này không có đạo đức lỗi lạc, sao có thể khiến cho đại sư là một bậc quân tử bác học, văn chương lỗi lạc, chú trọng thực tiễn, đức hạnh sung mãn chịu khuất thân dưới tòa, thủy chung y chỉ làm đệ tử? Sau khi đại sư xuất gia, lão nhân lại quay về Quan Trung (Thiểm Tây). Đại sư chí hâm mộ tham học rộng khắp nên không thể theo hầu.

Đạo pháp ở Quan Trung sau thời Càn Long ngày càng suy vi, bậc hiền triết mất đi, sách vở truyện ký bị thất lạc, đến nỗi lời hay hạnh đẹp của lão nhân không được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế, đáng cảm thán khôn cùng! Nhưng một vị Tăng từ nơi khác lại có thể khiến cho ngài Liên Trì quy y xuất gia thì có thể hình dung Ngài là người như thế nào! Chuyện này có thể đọc từ bài minh nơi tháp của Liên Trì đại sư trong bộ Vân Thê Pháp Vựng. [Bài kệ truyền dòng của] phái này là:

Tông phước pháp đức nghĩa,

Phổ Hiền hạnh nguyện thâm,

Văn Thù quảng đại trí,

Thành Đẳng Chánh Giác quả[2].

Đại sư thuộc hàng chữ Thù, sau đổi thành chữ Châu. Vào thời Hồng Vũ (1368-1398), có một vị cao tăng, vua Hồng Vũ (Minh Thái Tổ) triệu kiến, rất sủng ái, đặc biệt dùng chén ngọc đựng sữa ban cho Sư uống. Nhân đó, Sư làm thơ tạ ơn, có câu:

Nhất trản quỳnh tương lai thù vực,

Cửu trùng ân đức tự thượng phương.

(Một chén quỳnh tương từ xứ lạ,

Phương trên ân đức chín tầng ban)

Vua Hồng Vũ họ Châu[3] liền nghĩ: “Chữ Thù chính là “ngạt châu”[4] (họ Châu xấu xa), Sư có ý mắng ta” liền ra lệnh chém. Chém rồi, mới biết Sư không có ý mạ lỵ vua, nhưng hối cũng không kịp. Đây là do sát nghiệp đời trước cảm thành, lúc nghiệp lực hiện không thể tự chủ được. Sát nghiệp khó tiêu như thế, chẳng kiêng dè ư? Trong các giới của Như Lai đều lấy sát giới làm đầu, lòng từ bi sâu xa rộng lớn đến cùng cực không gì hơn được nữa! Nhưng ngu phu điên đảo, mê hoặc không biết cảm ân, trái lại còn phỉ báng, tất nhiên từ kiếp này sang kiếp khác giết hại lẫn nhau, chẳng đáng buồn ư?

Liên Trì đại sư do nguyên nhân ấy, bỏ bộ Ngạt 歹 trong chữ Thù 殊, thay bằng bộ Y衣, nên trở thành chữ Châu 袾[5]. Thế gian không xem xét, thường viết sai chữ Châu 祩 với bộ Thị 示, không hiểu nghĩa chữ, tâm khí thô phù, nên mới sai như vậy, khiến cho cái đạo cẩn thận, tế nhị, dứt mầm họa, chánh danh thuận ngôn của đại sư bị mai một, tiếc thay!

Vô Môn Động chính là Tương Tử Động ngày nay, nhớ xưa kia còn có tên là Tương Tử Động, khi lão nhân (tức hòa thượng Tánh Thiên Văn Lý) ngụ ở đó bèn đổi tên là Vô Môn Động. Khi lão nhân mất đi, kẻ tăng người tục vô tri, không biết ý nghĩa chữ Vô Môn, coi chuyện Hàn Tương Tử[6] thành tiên mới là kỳ lạ nên vẫn gọi động ấy là Tương Tử Động. Vì sao biết vậy? Nam Ngũ Đài Sơn không có động lớn để ở được, cũng không có cái động nào tên là Vô Môn cả. Chỉ có Tương Tử Động cao sâu rộng rãi, có thể ở được, lại còn khuất sau núi, dưới vách đá treo, lại rất gần dòng suối thánh, củi nước đều thuận tiện. Địa thế lại còn hướng về phía Nam[7], Đông ấm, Hạ mát. Du khách, tiều phu đều chẳng đến đó, thật là chỗ tối thắng để tu tập. Từ thời Hàm Phong, Đồng Trị đến nay, binh lửa liên miên, vì thế đã lâu không có ai ở.

Đến đầu triều Quang Tự, các vị Pháp Nhẫn, Dã Khai v.v… chọn ngụ nơi này, đến nay trở thành đại lan-nhã. Đạo do người hoằng, đất do người mà linh, chẳng đáng tin ư? Gọi là Vô Môn vì Đại Sĩ (Quán Thế Âm Bồ Tát) dùng đạo pháp Phổ Môn độ thoát chúng sanh, lão nhân bắt chước Đại Sĩ nên gọi nơi mình ở là Vô Môn, cũng lấy Lăng Già Phật ngữ tâm làm tông, Vô Môn có nghĩa là pháp môn. Phải biết Vô Môn chính là Phổ Môn. Bởi lẽ pháp nào, chuyện nào nếu mê đều sẽ khởi Hoặc tạo nghiệp, còn ngộ thì đều có thể đoạn Hoặc chứng Chân. Vì thế, hai mươi lăm vị thánh giả trong kinh Lăng Nghiêm đối với lục căn, lục trần, lục thức, thất đại mỗi mỗi đều chứng viên thông. Do vậy, không pháp nào không phải là diệu lý Tam Đế[8], mà cũng không pháp nào chẳng khế hợp bí tạng tam đức. Do tất cả đều là môn (cửa vào) nên không cần phải lập riêng một môn, vì thế gọi là Vô Môn.

Cư sĩ may mắn được ở núi này, rất có thể trước kia đã được pháp nhuận của vị sư này thấm đến, hãy nên đem ý này trình bày rõ cùng vị tăng chủ ngôi chùa tranh để ông ta biết rõ chuyện xưa của bậc cao nhân cũng như biết tên gọi chân chánh sâu xa là gì, chẳng nên gọi chốn ấy theo cái danh xuông do ngoại đạo truyền lại đến nỗi cái tên chánh đáng trong nhà Phật bị mất đi.

Nhiếp Thân Nham đỉnh ngọn chót vót, chớn chở, vách núi cao vạn nhận[9], lên tận chót núi nhìn xuống, khôn ngăn run rẩy, sợ hãi, thân tâm run sợ, vọng tưởng tiêu diệt, chánh niệm tỏ ngời, chính là giống như ý câu kinh Lăng Nghiêm: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Do thân là tên gọi chung, sáu căn là chia ra từng hạng mục riêng, dùng chung để thâu tóm riêng, nên chỗ này chỉ gọi là Nhiếp Thân mà thôi. Sau này, triết nhân mất đi, sách vở truyện ký bị thất lạc, tản mác, vô tri Tăng tục bèn gọi sai là Xả Thân. Sai lầm truyền mãi, không ai cải chánh, phỉ báng danh sơn không gì bằng vậy! Nếu có Bồ Tát hiện thân khai sơn, lẽ đâu lại đem cái tên hại đạo lầm người để đặt cho ngọn núi ấy?

Lại có gã dân ma, tạo tác ma thuyết, nói Quán Âm xả thân ở đấy nên mới thành đạo quả để lừa dối ngu phu, ngu phụ. Những lời nói vô căn cứ như thế ở huyện Tề Đông[10] (thuộc tỉnh Sơn Đông) làm ô danh Đại Sĩ, làm nhục pháp đạo, chuốc lấy điều tà báng của ngoại đạo, gợi lên những suy nghĩ quỷ quái nơi người ngu, mối hại thật chẳng cạn cợt! Chuyện này cũng giống như ở Phổ Đà, tảng đá Quán Âm Thiếu (Quán Âm dõi nhìn) bị hiểu sai thành Quán Âm Khiêu (Quán Âm nhảy)[11], cùng một loại ma kiến. Thật khiến cho người ta cảm thấy đáng than, đáng hận, đáng buồn, đáng thương xót!

Duyên khởi khai sơn của Nam Ngũ Đài Sơn xưa kia trọn không có căn cứ, năm Quang Tự thứ mười một (1885), Quang ở Đại Đảnh, đích thân hầu hương đèn cho Đại Sĩ. Một ngày nọ xuống núi, đến chùa Tây ở Lưu Thôn (thuộc về hạ viện của Đại Đảnh), thấy vài tấm bia, những chuyện ghi chép trên ấy đều không phải là duyên khởi tối sơ. Trong số ấy có một tấm bia bị nước và chất bẩn phủ kín giống như một miếng đá. Quang lấy gạch cạo, thì ra là tấm bia dựng năm Chí Nguyên thứ bảy (1271) đời Nguyên tường thuật duyên khởi cổ nhất. Nếu Quang không cạo ra, biết đâu kẻ vô tri tăng tục chẳng dùng tấm bia ấy như một tấm đá thì sự tích linh thiêng cứu khổ chẳng thể nghĩ bàn của Đại Sĩ vĩnh viễn bị mai một. Nay may mắn đã mất mà lại khôi phục được, nên tôi vì cư sĩ trình bày cặn kẽ. Kính chép lại lời ghi trên bia để ông giữ xem (phần văn bia được chép vào phần Phụ Lục)

***

[1] Xin xem bài ký Quán Âm Bồ Tát Ứng Tích Tại Chùa Viên Quang thuộc Nam Ngũ Đài Sơn trong phần Phụ Lục của quyển 4.

[2] Theo sách Phật Tổ Tâm Đăng, đây là bài kệ truyền thừa pháp phái của ngài Khuê Phong Tông Mật thuộc tông Hiền Thủ đời Đường.

[3] Minh Thái Tổ tên là Châu Nguyên Chương.

[4] Chữ Thù gồm chữ Ngạt và chữ Châu ghép lại.

[5] Pháp danh của đại sư vốn là Thù Hoằng, nhưng thay bộ Ngạt bằng bộ Y nên thành Châu Hoằng (trong âm Quan Thoại, hai chữ này có âm đọc gần giống nhau). Châu 袾 (bộ Y) là màu đỏ sậm; còn chữ Châu 祩 (bộ Thị) lại có nghĩa là nguyền rủa. Chữ Châu thứ hai nghĩa không đẹp, trong tiếng Tàu âm đọc lại không giống với chữ Thù lắm, nên Tổ mới chê những người viết sai là tâm khí thô phù!

[6] Hàn Tương Tử là một trong bát tiên của Đạo Giáo (những người kia như Lã Động Tân, Hà Tiên Cô, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu v.v…), là một nhân vật có thật thời Đường. Ông ta chính là cháu của văn hào Hàn Dũ. Sự tích ông tiên này được chép trong cuốn tiểu thuyết Đông Du Bát Tiên.

[7] Nguyên văn “hướng Dương”, phía Nam của núi gọi là Dương.

[8] Tam Đế: Không, Giả, Trung.

[9] Nhận: Đơn vị đo chiều dài. Đời Châu tám thước là một nhận, tức khoảng 6.48 m.

[10] Tề Đông: Tương truyền, dân vùng này hay đồn nhảm nên những lời nói không căn cứ thường được gọi là “Tề Đông dã nhân chi ngữ”.

[11] Cái sai này đến nay vẫn còn. Nay ở Phổ Đà vẫn còn tảng đá khắc rất to ba chữ Quán Âm Khiêu. Thậm chí người ta còn đặt ra truyền thuyết Quán Âm đại sĩ giành núi Phổ Đà với xà vương, và tảng đá Quán Âm Khiêu là do lúc Bồ Tát từ Cực Lạc trở về nhảy xuống in dấu chân trên tảng đá này.