NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Hỏi Thăm Bệnh Pháp Sư Đế Nhàn
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư hỏi thăm bệnh pháp sư Đế Nhàn

Hạ tuần tháng Hai, nghe Ngài từ Ôn Châu trở về, thân mắc bệnh ngặt, chân tay cử động khó khăn. Đương nhiên, Quang biết Ngài bi tâm sâu nặng, muốn thị hiện ngõ hầu các đệ tử và hết thảy tứ chúng phải sớm nỗ lực tu hành, đừng đợi đến lúc con ma bệnh vào thân sẽ chẳng dễ gì thoát khỏi. Dẫu trực tiếp dùng miệng nói còn e chẳng thân thiết, bèn hiện thân để nói. Có thể nói là đại từ bi sâu xa không chi hơn được nữa! Quang tự thẹn cả pháp lẫn tài đều khuyết, muốn bắt chước bày tỏ tấm lòng ngu thành nhưng không có sức, nên chỉ hỏi qua những người như Căn Kỳ, Căn Nhiên, Căn Vân… Sau nghe Phật Hy nói Ngài bệnh đã lành, nhưng chân không thể đi nhiều được. Tôi cứ nghĩ rằng: Đi thì vẫn đi được, nhưng khó đi ra ngoài mà thôi! Hôm qua, gặp mặt trụ trì Vạn Niên Tự là thầy Liễu Ngộ, hỏi thăm, thầy cho biết: “Ăn cơm, nói năng không khác gì người bình thường, chỉ có tay chân trọn chẳng thể cử động được, muốn ăn uống, tiêu tiểu, nhất nhất phải nhờ người khác châu toàn cho!”

Quang trộm nghĩ tình hình bệnh tật như thế làm sao hoằng pháp cho được, rất có thể khiến cho kẻ hiểu biết nông cạn nói Phật pháp không linh. Bởi lẽ một vị đại pháp sư giảng kinh nổi danh mấy mươi năm trong thiên hạ, thân mắc bệnh ngặt, cầu thầy uống thuốc cũng chẳng thấy lành! Những gì ông ta hay nói: “Y giáo tu trì chuyển được định nghiệp và thuốc A Già Đà chữa được vạn bệnh” đều là dối người. Nếu không dối người, vị pháp sư ấy hãy nên y giáo chuyển định nghiệp, ông ta tôn sùng Tịnh Độ sao không lấy danh hiệu Di Đà làm thuốc A Già Đà để uống đi? Lại lúc giảng giải phẩm Phổ Môn Quán Âm Viên Thông không biết bao nhiêu là đạo lý, nào là xưng danh cầu cứu Bồ Tát liền đến. Nếu đã như vậy, sao không buông xuống thân tâm, dốc hết tánh mạng chí tâm niệm Quán Âm Bồ Tát để cầu thân tâm đều được an ổn và được đại giải thoát, đạt được chân viên thông? Quang nghĩ người đời đa phần nghĩ như thế.

Nếu như ngài ngưỡng cầu Đại Sĩ rủ lòng từ khiến cho quý thể được khôi phục, phước huệ cao rạng thì những kẻ tri kiến nông cạn kia sẽ đoạn sạch hồ nghi, tăng trưởng chánh tín, đưa nhau ra khỏi đường tà, vào trong Phật đạo, ngõ hầu lợi khắp mình người không gì chẳng trọn vậy. Ấy quả thật là dùng lòng đại từ bi hiện thân thuyết pháp, lợi ích lớn lao thay! Theo cuốn Quán Âm Trì Nghiệm Ký của Châu Khắc Phục[1] có chép câu chuyện bệnh tật gần giống như bệnh của Ngài, nhân phẩm kẻ ấy kém xa Ngài một trời một vực, kẻ ấy còn được Bồ Tát gia bị khiến cho túc nghiệp nhanh chóng tiêu trừ, cố tật lành ngay! Huống chi Ngài là người bậc nhất trong pháp môn trong hiện tại, pháp đạo hưng suy tùy thuộc vào sự tồn vong của một thân Ngài. Nếu có thể đem những gì Ngài thường ngày giảng cho người khác về phẩm Phổ Môn và toàn bộ tinh thần viên thông của Quán Âm để xưng niệm hồng danh, thường chẳng lìa tâm ấy, sẽ được tiêu túc nghiệp lại được an ổn, khiến những kẻ trước kia đã sanh lòng gièm báng, chê cười Phật pháp chẳng linh đều nương theo quy y tín phụng, chỉ sợ bị tụt hậu!

Năm Tân Tỵ (1641) niên hiệu Sùng Trinh nhà Minh, tại Đồ Huyện, Quan Vu, có một người bại liệt từ Sơn Đông đến, dùng tay thay chân, ăn xin ở chợ, thường bị người ta chán ghét. Kẻ liệt tuy bệnh nhưng tánh tình nóng nảy, bị chửi mắng liền bất bình, nghe nói ở am Đường Kiều có một vị Tăng tu hành tên Thủy Cốc, bèn đến kể lể nỗi niềm khất thực gian nan, thầy Thủy Cốc nói: “Nếu ông có thể phát tâm xuất gia, nương theo đại lực từ bi thì có thể có người thí cho”. Người liệt thuận theo, bèn xuống tóc, thọ trai giới, dẫu ăn xin nhưng không ăn mặn, dẫu bị nhục mạ vẫn yên lặng chịu đựng.

Thầy Thủy Cốc lại dạy niệm danh hiệu Quán Thế Âm và trì chú Chuẩn Đề, thọ trì hơn hai năm, vào mùa Thu năm Mậu Tý (1648), chợt mộng thấy một bà lão kêu: “Ngươi đứng lên, đứng lên!” Người liệt nói: “Tôi là người liệt, sao đứng lên được?” Bà lão dùng tay chỉ vào hai chân, cảm thấy chân thẳng ra không co quắp nữa, sáng ra liền khỏi bệnh liệt, nghiễm nhiên thành một ông Tăng hiên ngang, lẫm liệt, lấy hiệu là Bán Nhai, liền có người cúng dường. Chuyện này trích từ sách Kỷ Cầu của ông Đường Nghi Chi[2].

Quán Âm đại sĩ chuyên lấy việc tầm thanh cứu khổ làm sự nghiệp, từ xưa đến nay, người được cảm ứng lìa khổ não nào chỉ phải trăm ngàn vạn ức, những gì được chép trong truyện tích chỉ là đại lược thấy một hai kẻ trong ức vạn người mà thôi! Lẽ dĩ nhiên, Quang chẳng biết được ý Ngài, cứ ước theo thiển kiến của mình mà luận thì: Để thật sự được an lạc, trọn không khổ não cũng nên cầu Bồ Tát cứu khổ, nêu gương cho đại chúng vậy!

***

[1] Châu Khắc Phục là một vị cư sĩ đầu đời Thanh. Cuốn Quán Thế Âm Bồ Tát Kinh Chú Trì Nghiệm Ký được xếp vào Vạn Tục Tạng Kinh.

[2] Đường Nghi Chi là một danh sĩ cuối thời Minh, đậu Tiến Sĩ trong niên hiệu Gia Tĩnh. Châu Khắc Phục lấy câu chuyện này từ sách Kỷ Cầu của ông Đường Nghi Chi.